Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32
ãng mở tủ lạnh cắt một lát thịt Ham dày ép vào ổ bánh mì cắn nhai nhồm nhoàm, tay trái cầm lon bia Michelob sủi bọt, ăn uống tự nhiên thoải mái không cần mời ai. Quế hỏi Ngữ:
- Anh đã ăn uống gì chưa?
Ngữ thích cách sống của thằng em trai, bảo Quế:
- Cho anh một ổ bánh mì như thằng Lãng đi. Ăn nhanh rồi hai anh em lính ngụy cũng phải lên Sài gòn xem bộ đội cho biết.
Bà Văn nói:
- Nhớ cẩn thận. Thời buổi này…
Quế cắt lời mẹ:
- Tụi nó hiền khô à má!
Lãng đang nhai cười phun cả thức ăn ra nền nhà:
- Chị đừng nói liều. Tụi nó coi dzậy mà không phải dzậy. Mới gặp coi hiền khô vậy đó. Nhưng chị đã thử hỏi tụi nó đời sống ngoài Bắc ra sao chưa? Chưa hả! Hỏi đi. Mấy nhóc hiền khô như con gái ấy sẽ nói như khướu, hươu vượn say sưa như đang lên đồng. Em thử nhiều lần ở Quảng trị rồi. Anh nào cũng nói y như nhau. Còn chị muốn biết tụi nó hiền hay dữ không? Chị thử hỏi một câu nhẹ thôi, đừng hỏi tục như dân lính tụi em. Chị hỏi: “Nghe nói Bác có con hoang phải không?” Thế là mắt tụi nó long lên, làm như Bác tụi nó không có cu vậy. Chị thử hỏi cho biết em nói đúng không.
Bà Văn càng lo âu hơn trước. Bà nói:
- Tụi bay khôn hồn phải bắt đầu lo giữ mồm giữ miệng. Trong mình ăn nói sao cũng được. Họ vào, ăn nói ẩu tả không được đâu. Ngữ, con đi với thằng Lãng phải nhắc nó.
Ngữ gật đầu cho mẹ yên tâm, còn Lãng thì cười, nháy mắt với Quế. Hai anh em đèo nhau trên chiếc Honda chạy lên Sài gòn. Ngữ quẹo trái đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cổng sở thú vì muốn từ đầu đường Thống nhất nhìn toàn cảnh về phía dinh Độc lập, ghi nhận các biến đổi sau ngày Sài gòn đổi chủ để về sau dùng những gì ghi nhận được mà viết truyện. Ngữ than với em:
- Hai ngày nay chị Trang cấm anh ra đường, sợ tai bay vạ gió thành nạn nhân của giờ thứ hai mươi lăm. Uổng quá. Đây là lịch sử. Không lăn ra đường hít thở không khí này, về sau lấy gì mà viết. Có những điều không tưởng tượng được.
Lãng chồm ra phía trước hỏi:
- Bộ anh còn định viết sách nữa à?
- Ừ. Sao em hỏi vậy?
- Ích lợi gì! Nên để thì giờ làm chuyện khác.
- Mày biết gì mà dám nói càng!
Lãng cãi:
- Vậy viết lách có ích lợi gì, anh nói em nghe!
Ngữ không đáp được ngay, mà với Lãng, chàng không tìm ra được một cách trả lời đơn giản, thích hợp. Lãng thấy anh im lặng, được trớn nói thêm.
- Tụi nó vô, viết lách còn nguy hiểm nữa là khác. Trong mấy cái truyện anh đã in, có truyện nào chửi tụi nó không?
Ngữ phân vân, trả lời nhát gừng:
- Không nhớ. Tao thấy cái gì không đúng, thì nói mỉa. Cả hai phía.
Lãng vỗ lưng anh, cười to:
- Vậy là anh nguy rồi! Sau 73 ngưng bắn, em cãi nhau với tụi nó hoài, như cái thú giải trí vậy mà. Buồn không biết làm gì ra bờ kẽm gai chọc tụi bên đó giải sầu. Anh nói mỉa mấy ông lớn ở Sài gòn, mấy ổng hoặc chưa hề đọc anh, hoặc có đọc nhưng phe lờ bỏ qua. Còn anh viết mỉa tụi nó, tụi nó không chịu đâu. Nếu tụi nó kêu anh trình diện làm giấy tờ gì, anh chớ dại khai anh có viết lách, nghe không?
Ngữ bực bội vì cái giọng dạy dỗ kẻ cả của thằng em út, nói gần:
- Mày biết gì mà làm tài khôn. Tao không khai họ cũng biết. Họ không hỏi thì thôi, hỏi thì cứ khai thật để còn yên tâm làm ăn, gian dối mua lo chỉ thêm khổ.
Lãng nói:
- Anh hết thuốc chữa rồi. Thôi, tùy anh!
Lãng không nói gì nữa. Đường Thống nhất đông nghịt người và xe cộ, nhất là xe đạp, xe gắn máy, Ngữ phải gài số hai và giữ tay ga để chiếc xe khỏi tắt máy vì chạy quá chậm. Dọc hai bên đường, biểu ngữ đỏ ối. Những biểu ngữ các đoàn thể mang đi dự cuộc mít-ting buổi sáng được để lại Sài gòn, ban tổ chức cho treo dọc theo đại lộ Thống nhất, màu vải đỏ hâm nóng thêm cái không khí hâm hấp sốt của buổi xế trưa oi ả. Một đơn vị thiết giáp đóng ở Tòa đại sứ Mỹ, ba chiếc T-54 lấm lem bụi đường đậu trên lề đường, mũi đại pháo quay sang tòa nhà xây chưa xong của Bộ Tư pháp. Chỗ nào có bộ đội đều có một đám đông bu quanh, những người đàn bà và trẻ con bạo dạn tới sờ vào thép nóng những chiếc T54 hoặc nói chuyện với đám bộ đội, đàn ông e dè đứng xa nhìn, tò mò. Hầu hết đám bộ đội đều nhỏ tuổi, mặt ốm xanh còn nguyên dấu mệt mỏi, quần áo rộng thùng thình may bằng loại vải mỏng màu xanh rêu nhăn nhúm. Lãng nói:
- Anh thấy không, tụi nhóc đó ở ngoài trận tụi em bóp mũi hết. Trông ăn mặc kìa! Vậy mà tụi nó thắng, mới tức chứ!
Thấy em vẫn còn ấm ức về cái nhục bại trận, Ngữ chọc:
- Họ thắng là phải. Họ có tinh thần chiến đấu. Chỉ huy họ giỏi. Nếu giả dụ mình thắng, hiện giờ Lãng đang ở Hà nội, thì em làm gì?
Lãng nói ngay, vừa nói vừa cười hô hố:
- Em rủ một đám bạn chạy lên lăng ị vào đó, rồi xách xe ra công viên gì gần bờ hồ Hoàn Kiếm chọc mấy “chiến sĩ gái” chơi. Nghe tụi nó cứ khoe công viên đó thơ mộng và gái Hà nội đẹp như mơ, tụi em tức không chịu được. Coi kìa, anh có thấy ả “chiến sĩ gái” đứng chỗ gốc cây kia không? Ối trời, ăn mặc như mụ nhà quê. Lại còn cái quần ngắn tới trên mắt cá và đôi dép nhựa nhỏ xíu kia nữa.
Ngữ bật cười trước cái giọng tức tối rất trẻ con của em. Họ đã đến chỗ công viên trước dinh Độc lập. Người đen nghịt, không thể chạy xe được nữa. Ngữ tìm chỗ dựng xe để đi bộ cho dễ. Họ gửi xe ở sân quần vợt gần công trường Duy Tân, rồi hai anh em đi bộ tới dinh Độc lập.
Không còn bị những vòm cây cao che khuất, Ngữ thấy ngay lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam đang phất phới trên nóc dinh. Toán bộ đội gác cổng không cho dân chúng vào bên trong khuôn viên dinh Độc lập tuy một cánh cửa sắt ở cổng đã bị xe tăng tông sập. Cỏ xanh mướt như thảm nhung trong khu vườn quanh dinh, những chiếc xe tăng Bắc quân đậu trên cỏ, cành lá ngụy trang héo úa phủ lên mặt thép nóng vẫn còn y nguyên.
Lãng thấy một nhóm đông dân chúng đang bu quanh hai người bộ đội đứng gác gần đó, nói với anh.
- Để em lại chọc tụi nó chơi!
Ngữ vội ngăn em:
- Đừng. Mày dại dột không ích gì. Tốt hơn hết là đứng xa nhìn, đừng nói gì cả.
Lãng bất đắc dĩ phải nghe lời ông anh lớn. Hai người đàn bà đã lớn tuổi ăn mặc rặt Bắc kỳ (Ngữ đoán là dân Hố nai) tới hỏi chuyện hai cậu bộ đội. Có lẽ hai người lính Bắc Việt đã quen đối đáp với nhiều người dân Sài gòn từ hai hôm nay, nên họ ăn nói tự nhiên, không còn vẻ e dè cảnh giác nữa. Bà cụ mặc áo trắng đầu tóc vấn theo kiểu miền Bắc hỏi một bộ đội:
- Cậu quê ở đâu?
- Ở Hà Nam Ninh ạ.
- Hà Nam Ninh à? Lạ nhỉ.
- Sao lại lạ?
- Ngoài Bắc có chỗ nào là Hà Nam Ninh đâu! Cậu ở huyện nào?
- Vụ bản.
- Ở Vụ Bản tỉnh Nam định cơ mà!
- Vâng, thời thực dân gọi là Nam định. Bây giờ Nhà nước ta gọi là Hà Nam Ninh.
- Thế cậu ở Vụ bản nhưng vùng nào của Vụ bản?
- làng Kĩa đấy ạ!
- Ối giời… ối trời đất quỉ thần ơi! Thế cậu là con ông nào?
- Cụ hỏi làm gì thế?
Bà cụ đổi ra giọng Bắc pha Nam kỳ:
- Tui cũng gốc làng Kĩa.
Người bộ đội tươi ngay nét mặt vì gặp được đồng hương. Giọng anh ta sốt sắng hơn trước:
- Thế cụ vào đây từ bao giờ?
Giọng Nam kỳ của bà cụ lấn thêm một bước:
- Cực lắm cậu ơi. Hồi đó nhà ông già bà già tui không đủ ăn phải dắt díu vào đây làm đồn điền cao su. Tận năm 1942 lận. Gia đình tui lập nghiệp trong này đã hơn ba mươi năm rồi, lâu lâu cũng nhớ quê ở ngoải nhúng làm sao dzìa đặng!
Anh bộ đội hơi ngớ ra khi nghe bà cụ đột ngột đổi giọng nói:
- Cụ nói tiếng Nam rành nhỉ!
- Thì ở trong này mấy mươi năm rồi.
- Chứ không phải cụ di cư vào Nam năm 54 à?
- Không. Trước đó lâu lắm. Đi làm đồn điền cao su mà. À này, cậu là con cái nhà ai ở làng Kĩa.
- Con ông Cư đấy!
- Cư nào?
- Ông Cư chủ nhiệm hợp tác xã.
Bà cụ lắc đầu thất vọng, lại chuyển sang giọng Bắc:
- Chịu thôi! Ối giời, tôi quên mất. Ba mươi năm vật đổi sao dời, làm sao biết ai còn ai mất được. Thế bây giờ mình về thăm quê được không cậu?
- Được chứ. Cụ nên về thăm để biết miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bao nhiêu năm lo chiến đấu gian khổ chống tên đế quốc độc ác sừng sỏ nhất thế giới, chịu bao nhiêu bom đạn, nhưng nhân dân Vụ bản…
Lãng khều anh:
- Thôi đi, lại mở máy rồi.
Ngữ thấy em có lý, bỏ đi. Ngữ hỏi Lãng:
- Đố Lãng tại sao cái bà Hố nai nói giọng ba rọi như vậy?
Lãng cười:
- Dễ ợt. Chắc bả nếm mùi cộng sản rồi, nên thủ thân tối đa. Chạy trốn tụi nó năm 54 bây giờ hai mươi năm sau lại gặp tụi nó ở đây, phiền. Nói giọng Bắc kỳ rặt thì sợ dân Nam lầm là “mẹ chiến sĩ” mới từ Bắc vào thăm con đi bộ đội, còn các chú bộ đội thì nghi là dân di cư 54. Thôi, nói kiểu thịt ba rọi là thượng sách.
Ngữ thích chí kêu to:
- Đúng! Lịch sử ăn hiếp dân mình quá. Đến bà cụ đó cũng phải luồn lách theo thời mà sống.
Lãng chợt hỏi:
- Đằng nhà Lý Thái tổ anh có cái máy chụp hình Polaroid nào không?
- Chi vậy?
- Anh đúng là dân sống trên mặt trăng. Anh coi kìa, có cái máy Polaroid chụp hình kiếm tiền được lắm.
Ngữ nhìn về phía Lãng chỉ. Cách đó không xa, ngay dưới gốc cây góc công viên nằm đối diện với cổng dinh Độc lập, một anh thợ chụp hình đang cúi đầu điều chỉnh độ xa của cái máy Polaroid để chụp cho một người bộ đội đứng cách máy khoảng vài thước. Anh bộ đội còn trẻ, không quá ba mươi, một tay ôm cái nón cối vào nách, một tay chống nạnh ưỡn ngực oai vệ, mặt hơi nghếch lên không. Người bộ đội nói:
- Lúc nào sẵn sàng thì cho biết nhá!
Người thợ chụp ảnh vẫn không ngước lên, đáp lớn:
- Được. Để tôi điều chỉnh cho nó đẹp. Thế thế, quay sang bên trái một tí cho có ánh sáng mặt trời. Không, bên trái của tôi tức là bên phải của anh đó. Đúng rồi. Nghếch mặt lên tí nữa.
Người bộ đội làm theo lời dặn của ông phó nhòm, vẻ mặt hơi thẹn vì bị đám đông quan sát. Chợt anh ta cúi mặt xuống, vội vã dặn thêm:
- Nhớ lấy cho đủ hình dinh Tổng thống ngụy phía sau nhá.
- Được. Ngửng mặt lên nào. Chuẩn bị.
- Ớ, khoan đã. Ê Tín. Cậu lại đây chụp chung với tớ tấm hình kỷ niệm. Hình lấy liền khỏi phải chờ rửa phim sang ảnh lôi thôi. Lại đây. Khổ sở bao năm ở rừng Trường sơn mới có ngày đứng ở đây. Ông thợ chụp hình chờ chút nhá!
Một người bộ đội trẻ hơn, có lẽ là cấp dưới của người bộ đội kia tới đứng gần cấp chỉ huy. Người lớn tuổi hơn lập lại chỉ dẫn của anh thợ chụp hình:
- Cậu nghếch đầu lên một chút, nhìn về phía phải cho có nắng. Ưỡn ngực lên nào. Phải làm như mình đang đạp lên đầu giặc Mỹ vậy. Chân phải đưa ra trước thế này.
Ông thợ chụp ảnh phần sốt ruột mất thì giờ, phần bị chạm tự ái, gắt gỏng:
- Xong chưa? Chờ lâu giấy phim hư mất phải trả gấp hai đấy.
Lãng cười nói với anh:
- Thằng cha thợ chụp ảnh xạo quá. Nhưng phải dọa như thế cho tụi nó hết phách lối. Nghe điếc con ráy quá!
Người bộ đội lớn tuổi quàng vai người trẻ tuổi hơn, chờ anh thợ ra dấu sẵn sàng. Người thợ chẳng báo động gì cả, bấm máy xong mới nói to:
- Xong rồi!
- Ơ, sao không báo! Tôi nháy mắt có hư ảnh không?
- Hư thì thêm tiền chụp pô khác.
Hai người bộ đội chạy tới gần người thợ chụp ảnh. Đám đông cũng bu tới chờ xem tấm ảnh ra sao. Người thợ rút tấm ảnh ra khỏi cái kẽ hông máy Polaroid, bắt đầu nhìn đồng hồ. Người bộ đội lớn tuổi hớn hở nói với người trẻ tuổi:
- Thần kỳ lắm nhá! Rồi cậu sẽ thấy. “Bu nó” mà nhận được tấm ảnh này, phải chạy đi khoe khắp cửa hàng mậu dịch. Được chưa anh?
- Còn một phút nữa.
Hai người bộ đội nín thở chờ một phút còn lại. Người thợ chụp ảnh gỡ tờ giấy mầu đen ra khỏi tấm ảnh, rồi chìa ra đưa cho hai ông khách, nói gọn:
- Ba trăm.
Người bộ đội trẻ hỏi:
- Không phải hình mầu à?
- Hình mầu thì phải 600. Anh muốn tôi chụp cho.
Người bộ đội trẻ không trả lời ngay, cúi xem tấm hình. Người lớn tuổi cười khoái trá:
- Được lắm. Chỉ tiếc dinh Tổng thống ngụy không được rõ. Nhưng nhận ra được. Mặt mũi cậu không tươi chút nào hết.
- Ừ, đẹp lắm. Tại em không kịp chuẩn bị.
Người thợ chụp ảnh đưa cho hai ông khách thỏi sáp ướt, nói:
- Lấy cái thỏi này tráng một lớp lên mặt tấm ảnh để giữ được lâu. Ba trăm của tôi đâu?
Người bộ đội lớn tuổi móc bóp ra, hỏi:
- Trả bằng tiền miền Bắc nhá?
- Không được. Ở đây đâu đã xài tiền Bắc.
Người bộ đội trẻ nói:
- Em có tiền Nam đây, cho thủ trưởng mượn. Nầy, anh chụp cho tôi cái hình màu. Tôi muốn chụp ở ngay chỗ cổng dinh ngụy kia kìa. Lấy được cái dinh phía sau không?
- Được. Nhưng anh có 600 tiền Nam không?
- Có. Thủ trưởng chụp hình màu với em. Lần này em phải chuẩn bị kỹ cho lẫm liệt hơn.
Người thợ chụp ảnh đeo cái máy Polaroid to tướng đi theo hai ông khách qua bên kia đường. Lãng nói:
- Anh thấy không. Em phải chạy đi sắm đồ nghề mới được.
° ° °
Lãng khăng khăng đòi Ngữ chở mình ra chợ trời máy móc đường Ngô Đức kế, mặc dù Ngữ bảo chắc chắn tình hình lộn xộn không ai dại gì bày hàng ra bán đâu. Đến nơi, con phố hẹp chỉ toàn người đi lại chen chúc chứ không thấy những sạp gỗ bày tivi, cassette, radio, máy ảnh đâu, Lãng mới thỏa mãn. Dù vậy, Lãng vẫn nói vớt:
- Thế nào ngày mai em cũng sắm cái máy Polaroid. Không lấy tiền mấy thằng Vẹm cũng uổng.
Ngữ nói:
- Ta tìm cái gì uống.
Lãng vui vẻ đáp:
- Phải đấy. Lại Givral ăn kem nhìn thiên hạ. Em thèm cảnh phố xá lâu quá rồi.
Hai anh em đèo nhau ra đường Nguyễn Huệ. Trên nóc Tòa Thị sảnh, một lá cờ Mặt trận thật lớn phất phới thay cho lá cờ vàng ngự trị ở đó từ bao nhiêu năm. Thiên hạ trước rạp Rex đang lóng ngóng nhìn tấm chân dung Hồ Chí Minh đang từ từ được kéo lên gắn choán hết phần lầu chóp của tòa công thự có kiến trúc cổ điển lai Pháp này. Các quán ăn, cửa hàng giải khát tại khu trung tâm thành phố đều mở cửa, khách khứa nườm nượp. Dân Sài gòn sợ chẳng bao lâu tiền cũ không xài nữa nên đua nhau vung tiền qua cửa sổ, nhậu nhẹt lu bù. Có người nghe đồn Cách mạng chủ trương sống khắc khổ cần kiệm, bây giờ không ăn nhậu cho đã sau này lại tiếc. Quán Givral không còn một ghế trống. Hai anh em thấy hàng người đứng chờ bên ngoài còn dài, nên chán nản bỏ qua ngồi ở cái ghế đá công viên trước Quốc hội. Pho tượng hai Thủy quân lục chiến vẫn tiếp tục chỉa họng súng vào cái nhà hát vắng đào kép. Ngữ trỏ lên ngọn cây muồng trước Quốc hội bảo em:
- Nếu những cây này biết nói và viết, thì chắc chúng là những tay viết sử tài ba.
Không nghe Lãng nói gì, Ngữ khó chịu quay nhìn em. Lãng đang mải chăm chú theo dõi cử chỉ hành động một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi mặc áo mưa xanh đậm loại của Không quân đang từ phía Tòa Thị chính băng qua đường, qua công viên Lê Lợi, tiến gần tới chỗ hai anh em ngồi. Qua khỏi cái ghế đá, người đàn ông tiến tới chỗ bục đặt tượng, ngước nhìn hai anh lính Thủy quân lục chiến một lúc.
Lãng khôi hài:
- Chắc là một “người anh em” từ Bắc vào. Hắn vào tới đây vẫn còn ớn binh chủng của em, anh thấy không?
Ngữ hỏi:
- Sao mày biết?
Lãng đáp:
- Trời nóng chảy mỡ thế này mà mặc áo mưa là một sự lạ. Loại áo nhà binh này, dân Sài gòn lo vứt đi đốt đi cho mau mà hắn còn mặc, là hai sự lạ. Chỉ có mấy anh Vẹm vừa vào mua được cái áo tốt quá, mừng húm, ninh vào liền để đi khoe. Anh thấy đúng không?
Hai anh em cũng cười. Ngữ phục thằng em út thông minh, rồi từ đó cả hai anh em lặng lẽ quan sát “người anh em”.
Ông ta đứng nhìn hai pho tượng khá lâu, rồi nhìn quanh như có ý chờ đợi ai. Nét mặt ông ta khắc khoải, lo lắng. Ngữ đoán có lẽ “người anh em” từ rừng về lạ nước lạ cái đã đi lạc, không biết đường về cơ quan. Nếu không có lòng tự ái của kẻ thua trận, có lẽ Ngữ đã tiến tới gần chỉ dẫn giùm lối về cho ông ta rồi. Nhưng làm thế thì còn mặt mũi nào! Họ mới vào có hai ngày đã phải sợ sệt quỵ lụy như thế sao.
Người đàn ông nhìn quanh quất một lúc, rồi đứng nghiêm, nhìn thẳng về phía Quốc hội. Ông ta mở cái gói giấy từ lúc đầu vẫn kẹp ở nách bên phải ra trải trên cái ghế đá gần đó. Hình như bàn tay ông hơi run. Ngữ và Lãng càng tò mò hơn. Đang cúi xuống mở nút dây buộc, đột nhiên người lạ ngước lên nhìn thẳng về phía hai anh em Ngữ. Ánh nhìn thảng thốt, ngờ vực. Sợ ông ta khó chịu, Ngữ quay mặt đi, giả vờ như đang mải nhìn cảnh xe cộ chen chúc trên đường Tự do.
Lúc Ngữ quay lại, chàng đã thấy người lạ đội cái mũ két sĩ quan lên đầu và đang đứng thẳng cởi nhanh hàng nút áo mưa.
Lạ thật! Ông ta điên hay sao? Người đàn ông cởi áo mưa thật nhanh, và khi ông vất cái áo mưa xuống đất, Ngữ sững sờ: ông ta mặc nguyên bộ lễ phục của sĩ quan cảnh sát.
Không để cho hai anh em Ngữ ngạc nhiên lâu hơn, người đàn ông đứng thẳng người, mắt nhìn thẳng vào hướng Quốc hội, rồi rút súng lục từ túi quần ra tự bắn vào đầu. Tiếng súng nổ nhỏ thôi, nhưng hai anh em Ngữ đều bàng hoàng sợ hãi. Ngữ bật đứng dậy. Viên Sĩ quan Cảnh sát ngã ngửa ra, nằm thẳng, đầu hướng về phía Quốc hội. Thân người ông oằn lên một chút rồi nằm trở lại thế ngửa, hai chân dang ra. Hình ảnh cuối cùng Ngữ thấy được là hai chân người hấp hối cố gắng… cố gắng hết sức để khép lại, cho đúng thế nghiêm.
Người hai bên phố ùn ùn kéo đến. Ngữ và Lãng sợ rắc rối nên chạy qua phía Givral, cố tìm một chỗ trong quán kem để vừa giải khát cho đỡ hồi hộp vừa quan sát tiếp chuyện sắp tới.
Bên kia tấm vách kính tiệm kem sang trọng, hai anh em chỉ thấy toàn lưng với lưng. Có tiếng xe cứu hỏa hú còi. Đám đông bên công viên Lê Lợi sợ hãi chạy giạt ra xa chỗ hai pho tượng. Nhờ thế, Ngữ thấy xác viên sĩ quan cảnh sát đã được phủ bằng một tấm vải trắng. Tấm vải hơi ngắn, chỉ phủ được thân người và cái đầu. Đôi chân người chết ló ra ngoài. Hai mũi giày da đã khép chặt lại nhau, mũi giày thẳng đứng lên trời đúng theo thế nghiêm.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương