In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Theroux
Thể loại: Hồi Ký
Dịch giả: Trần Xuân Thủy
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Little rain
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4218 / 131
Cập nhật: 2014-12-07 18:27:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Chuyến Tàu Ngôi Sao Châu Âu
ạn nghĩ du khách là những người táo bạo, nhưng bí mật tội lỗi của chúng tôi ở chỗ du lịch là một trong những cách lười biếng nhất trên trái đất để giết thời gian. Du lịch không đơn thuần chỉ là việc trở nên lười nhác, mà còn là sự thoái thác một cách tinh vi, cho phép chúng tôi – với sự vắng mặt lộ liễu của chính mình, khơi gợi chú ý của mọi người trong khi bản thân xâm phạm đến đời sống riêng tư của những người khác – công kích tích cực như những kẻ ăn bám ẩn mình. Du khách là loại ham hố nhất trong những người tò mò lãng mạn, và ở một khía cạnh nào đấy được giấu kỹ trong tính cách riêng tư của họ là một gút mở không thể bật ra của sự phù hoa, giả tạo và thích cường điệu hoá gần như bệnh lý. Đó là nguyên nhân vì sao điều ác mộng nhất đối với du khách không phải là cảnh sát mật, thầy phù thuỷ hay bệnh sốt rét mà là viễn cảnh gặp một du khách khác.
Hầu hết những viết lách về du lịch đều tuân theo hình thức nhảy luôn tới những kết luận và vì thế mà gần như mọi cuốn sách du lịch đều là kịch bản độc diễn vô ích, mỏng nhất và dễ hiểu nhất. Khá hơn chút ít so với một cái giấy phép gây phiền nhiễu, viết về du lịch là dạng thấp nhất của niềm đam mê lạc thú có tính chất văn chương: phàn nàn không trung thực, xuyên tạc một cách sáng tạo, khoa trương vô nghĩa và làm dáng kinh niên; đa phần những thứ đó bị bóp méo bởi hội chứng Munchasen[1].
[1] Căn bệnh giả vờ mắc bệnh để người khác quan tâm, được đặt theo tên một người nổi tiếng nói khoác ở Đức vào thế kỷ 18.
Tất nhiên, sẽ khó khăn hơn khi ở nhà, tỏ ra lịch sự với mọi người và đối mặt với nhiều thứ, nhưng lấy đâu ra sách trong hoàn cảnh đó? Tốt hơn là đóng màn kịch khoe khoang, giả vờ làm một người ưa thích phiêu lưu mạo hiểm:
“Vâng, nghênh ngang những con đường rải đầy hạt dẻ
Cúi mình xuống boong tàu
Đầy rạ với lòng tốt.”
và kêu lên “Nhìn ta đây!” đầy sảng khoái ở những thắng cảnh đẹp lạ kỳ.
Đó ít nhiều cũng là tâm trạng của tôi khi tôi gói ghém hành lý rời khỏi nhà. Tôi cũng đã nghĩ: Nhưng đó là sự tò mò. Ngay cả những người mơ mộng nhút nhát nhất cũng cần sự thoả mãn của hiện tại, sau đó trình diễn những tưởng tượng của họ. Và đôi lúc bạn chỉ cần xoá đi tất cả. Sự xâm phạm là niềm vui đối với một vài người trong số chúng ta. Vô ích thay, “Niềm vui vu vơ là niềm vui thuần khiết.”
Và có những giấc mơ: thứ nhất, giấc mơ về một vùng đất xa lạ mà tôi tận hưởng ở nhà, nhìn chăm chú vào không gian về khoảng không phía Đông vào những ngôi đền tưởng tượng, những khu chợ đông đúc, những “kiến trúc con người” theo cách gọi của V.S.Pritchett, những phụ nữ đáng yêu trong những bộ quần áo mỏng nhẹ như khói, những chiếc tàu cũ kỹ kéo vang còi trên những sườn núi, ảo ảnh của hạnh phúc; thứ hai, giấc mơ thể hiện bằng chính việc đi du lịch. Thường trong một chuyến đi, tôi dường như sống trong ảo giác về sự khác biệt, sự hão huyền đầy màu sắc của cái xa lạ, những nơi mà tôi nhận thức một cách sống động (trong hầu hết các giấc mơ) là mình không thuộc về chúng; tôi vẫn đang lơ lửng, một du khách nhàn rỗi vô danh giữa những con người bận rộn, một người xa lạ hoàn toàn. Khi bạn là người lạ, như bài hát trôi qua, không ai nhớ tên bạn cả.
Du lịch có thể đem lại cảm giác về sự xa lạ và không kết nối trong tôi, rõ rệt song khó gọi tên, khiến tôi cảm thấy mong manh không thật, như là làn khói thuốc lá, hay đơn thuần là một con ma, một bóng ma sởn tóc gáy từ địa ngục, không bị để ý và cảnh giác giữa những người thật, lang thang, lắng nghe trong khi không để người khác thấy mình. Trở nên vô hình – điều kiện thông thường của du khách nhiều tuổi – hữu dụng hơn nhiều so với việc hiện thân rõ ràng. Bạn được nhìn ngắm nhiều hơn, bạn không bị ai làm gián đoạn và được yên thân. Đó là lý do bạn có thể nhận lầm một du khách không vội vã với một gã ăn mày. Ghét những thời gian biểu, phụ thuộc vào những cuộc gặp gỡ may rủi tình cờ, tôi bị thu hút bởi nhịp điệu chậm rãi của du lịch.
Những con ma có tất cả thời gian trên đời, niềm vui khác của dịch chuyển đường dài không mục đích – là du lịch với một nửa tốc độ trên những chuyến tàu chậm và hay trì hoãn. Tôi nhận thấy nét ma quái này cũng là một hiệu ứng của hành trình mà tôi đã chọn, trở về những nơi mà tôi từng biết nhiều năm trước kia. Gần như không thể trở về quang cảnh cũ trong cuộc đời du lịch của bạn mà không cảm giác như một điều ám ảnh. Tôi đã thấy rất nhiều nơi thực sự buồn bã ma mị, một số khác rộng lớn và cuồng nhiệt, trong khi tôi chỉ hiện diện lảng vảng, là cái bóng nghe trộm trên chuyến tàu ma.
Rất lâu sau khi thực hiện chuyến đi đã viết trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, tôi tiếp tục suy nghĩ mình đã vượt qua những vùng đất thế nào, đổi những chuyến xe lửa băng qua châu Á ra sao, làm tiến triển chuyến đi của mình và cọ xát với thế giới. Và phản ảnh những gì tôi đã được thấy – cái cách mà quá khứ vốn không được ghé thăm trở lại luôn nhào lộn trong những giấc mơ của bạn. Ký ức cũng là một chuyến tàu ma quái. Những năm tháng sau này, bạn vẫn còn suy nghĩ về một khuôn mặt xinh đẹp đã kịp thấy một lần ở một đất nước xa xôi. Hoặc hình ảnh một cái cây quý, hoặc một con đường nông thôn, hoặc chiếc bàn vui vẻ trong một quán cà phê, hoặc mấy chàng trai cáu giận có vũ trang cùng với tiếng kêu của những chiếc giáo gỉ sét, “Cứu lấy mạng mày, keng-keng!” hoặc tiếng của một con tàu trong đêm, đặc biệt là những nốt nhạc chính xác của những chiếc còi tàu, khoảng ba phút, trong màn đêm, như thể bạn nằm trong tàu, dịch chuyển xuyên thế giới như những du khách khác, “trong chú cá voi”.
Ba mươi ba năm trôi qua. Tôi đã già gấp đôi, như những người đã đi trên các chuyến tàu đó, hầu hết những con tàu đều được các đầu tàu hơi nước kéo, chạy suốt dọc các vùng sâu vùng xa của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Tôi thích tính cân đối trong sự khác biệt về thời gian. Thời gian trôi qua đã trở thành cái gì đó nghiêm trọng đối với tôi, ẩn mình trong quá trình tôi già đi. Khi còn trai trẻ, tôi coi thế giới là một thứ cố định và đáng tin cậy, nó sẽ chứng kiến tôi trong tuổi già của mình; nhưng khi già hơn, tôi bắt đầu hiểu sự thay đổi là luật lệ của tự nhiên, cái gì mang cảm xúc trong một thế giới không đáng tin đã bị huỷ hoại một cách hiển nhiên. Tuổi tác là món quà bạn dành được để đánh giá sự phân rã, sự hiện ra của Wordsworth, sự thông thái của wabi-sabi: không gì hoàn hảo, không gì hoàn thiện, không gì vĩnh viễn.
“Không thay đổi thì sẽ không hoài cổ,” bạn tôi từng nói vậy với tôi, và tôi nhận ra cái mà mình bắt đầu chứng kiến không chỉ là sự thay đổi và suy sụp mà là cả sự biến mất của tưởng tượng. Ghi chép đã rất lâu của tôi có thay đổi nhiều như tôi? Tôi nảy ra ý tưởng thực hiện một chuyến đi tương tự, đi bằng chính đôi chân mình – một sự nghiệp nghiêm túc, nhưng chuyến đi kiểu này thường được những kẻ trẻ tuổi, mơ mộng thực hiện để viết sách và trở nên nổi tiếng[2].
[2] Danh sách những người này rất dài, bao gồm cả những sách của các hành giả như Graham Greene, George Orwell, Robert Louis Stevenson, Leonard Woolf, Joseph Conrad, Mr Kurtz, H. M. Stanley, Leopold Bloom, Saint Paul, Basho, Jesus và đức Phật (chú thích của tác giả).
Điểm tuyệt vời nhất của du lịch là thoát ra ngoài thời gian, vì năm tháng đi lại không bị khấu trừ trong cuộc đời bạn. Du lịch cũng có khả năng tái tạo thần kỳ: bạn có thể tìm thấy nơi mình yêu mến, để bắt đầu một cuộc sống mới và không bao giờ về nhà. Ở một nơi xa, không ai biết bạn – gần như lúc nào bạn cũng là người được thêm vào cộng đồng. Và bạn có thể giả vờ trong chuyến đi, khác với con người của bạn, không ràng buộc, bí ẩn, trẻ hơn, giàu hơn hoặc nghèo hơn, bất kỳ loại người nào bạn chọn để giả bộ, đều là tái sinh mà nhiều người đi du lịch đã trải qua nếu họ đi đủ xa.
Việc quyết định trở lại bất kỳ một khung cảnh nào trong cuộc đời của bạn cũng nguy hiểm nhưng không cưỡng lại được, không giống một cuộc tìm kiếm thời gian đã mất mà là vì sự lố bịch của cái điều đã xảy ra lúc đó. Trong hầu hết các trường hợp, nó giống như sau nhiều năm gặp lại người yêu đã già, hầu như chẳng nhận ra nổi đối tượng ta từng khao khát trong con người già cỗi, quắt queo và đau khổ này. Tất cả chúng ta sống với những tưởng tượng về sự thay đổi. Sống đủ lâu và bạn thấy thay đổi đang diễn ra – người trẻ thành già, con đường được nâng cấp, nhà cửa ở nơi trước đây là cánh đồng; và những điều trái ngược của chúng, một ngôi trường tốt thành đống hoang tàn, một dòng sông ô nhiễm, một cái ao thu nhỏ lại và đầy rác, những cái tin buồn thảm: “Anh ta chết rồi,” “Bà ta béo lắm,” “Cô ấy tự sát rồi,” “Ông ấy bây giờ là Thủ tướng,” “Hắn đang trong tù,” “Anh không quay lại đó được nữa đâu.”
Sự thoả mãn của việc già đi – một trong nhiều sự thoả mãn – là đảm nhận vai trò của một người chứng kiến sự chuyển động của thế giới và quan sát những thay đổi không đảo ngược được. Mặt trái của vấn đề, bên cạnh sự chán ngắt khi nghe những ảo tưởng của tuổi trẻ, là việc nghe đi nghe lại những ý kiến giống nhau, không chỉ của những người trẻ tuổi chưa đủ lông đủ cánh mà, tồi hơn nhiều và dường như là tội lỗi, những ý kiến của những kẻ còn non nớt hơn, đáng lẽ họ nên biết tất cả những lời dối trá về chiến tranh, nỗi sợ hãi, sự tiến bộ và kẻ thù – thế giới là một bánh xe lặp đi lặp lại. Họ – tôi nên nói “chúng ta” mới đúng – chán ngán với những thứ đã từng nghe một triệu lần trước đây, những quyển sách chúng ta bỏ qua, những khám phá không mới, những giải pháp đưa ra chả giải quyết được vấn đề gì. “Tôi có thể nói rằng tôi đang già đi,” người kể chuyện trong truyện The Congress (Nghị viện) của Borges thốt lên. “Một dấu hiệu không thể nhầm lẫn là thực tế, tôi nhận ra cái mới lạ chẳng có gì thú vị hay đáng ngạc nhiên cả, bởi tôi thấy về cơ bản chả có gì mới trong đó – nó chỉ hơn những đổi thay rụt rè cái đã an bài một tí xíu mà thôi.”
Những người già được nhìn nhận là kẻ hoài nghi và xa lánh xã hội – nhưng không, họ đơn giản là những người cuối cùng đã nghe được bản nhạc u buồn lặng lẽ của nhân tính được một ban nhạc rock tồi đang tru tréo đi tìm danh tiếng chơi lên. Quay lại và hồi tưởng những bước chân của tôi – một nỗ lực hời hợt, trần trụi đối với một nhà văn nông nổi, trẻ tuổi, dễ bị tác động – sẽ là cách tôi xem tôi là ai, tôi đã đến đâu và cái gì sau đó xảy ra với những nơi tôi đã từng thấy.
Vì sẽ chẳng bao giờ viết một quyển tự truyện mà tôi đã từng mường tượng – chương một, Tôi là ai; chương hai, Tôi nói với anh như vậy – nên viết về chuyện đi du lịch trở thành một cách để có cảm nhận về đời tôi, là con đường ngắn nhất để tôi đến tự truyện – cũng như tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận. Như Pedro Almodóvar có lần đã nhận định, “Bất kỳ thứ gì không phải là tự truyện thì là đạo văn.”
Thứ cần tránh trong những bước chân của chính tôi sẽ là sự hồi tưởng chán ngắt về những ngày tốt đẹp hơn, cơn kể lể kích động của kẻ luyến tiếc quá khứ, bao giờ cũng thể hiện ý tôi đã ở đó, anh thì không. “Tôi nhớ lúc ấy anh có thể mua bốn thứ chỉ với một đô la.” “Có một cái cây to trên cánh đồng nơi bây giờ là một toà nhà.” “Ở thời của tôi…”
Thôi, im đi!
Điều gì khiến khách du lịch quay trở lại để làm một chuyến đi lớn nữa? Tôi chả biết lý do gì hay ho. Greene không bao giờ trở lại rừng Liberia, hay Mexico, hay Việt Nam. Ở tuổi cuối năm mươi, Waugh chối bỏ cả du lịch hiện đại cũng như du lịch đơn thuần, coi đó là phí phạm thời gian. Sau năm 1948, Thesiger không quay trở lại Rub’ al Khali, vùng sa mạc của Ả rập, Burton không tham gia đoàn thám hiểm tới Utah, hoặc chứng minh nguồn gốc của sông Nile – ở tuổi của tôi, ông ta sống ở Trieste, chìm đắm trong sách báo khiêu dâm. Darwin không bao giờ ra khơi nữa. Cả Joseph Conrad cũng thế, người đã thôi ghét bỏ viễn cảnh đi biển. Eric Newby từng đi xuôi sông Hằng một lần, Jonathan Raban xuôi theo sông Mississipi một lần và Jan Morris cũng chỉ leo lên đỉnh Everest có một lần. Robert Byron không quay trở lại Oxiana lần nào, Cherry-Garrard chỉ một lần đi tới Nam Cực, Chatwin không bao giờ trở lại Patagonia, Doughty cũng thế, không trở lại Arabia Deserta, Wallace không trở lại quần đảo Malay, Waterton cũng không trở lại sông Amazon. Trollope không trở lại Tây Ấn, Edward Lear không trở lại Corsia, Stevenson không trở lại Cévennes, Chekhov không quay lại Sakhalin, Gide không quay lại Congo, Canetti không về lại Marrakesh, Jack London không quay về quần đảo Solomon, Mark Twain cũng không trở lại Hawaii. Thế là quá đủ đối với một vài trong số những tác giả yêu thích của tôi.
Bạn có thể hỏi “Tại sao họ lại phải bận tâm?” nhưng thực tế là mỗi người trong số những nhà lữ hành này, khi già đi, đã phát hiện ra điều mà nhà lữ hành dũng cảm Henry Morton Stanley phát hiện khi ông đi xuyên qua châu Phi lần nữa từ Tây sang Đông, mười năm sau chuyến đi thành công lần thứ nhất từ Đông sang Tây năm 1874 đến 1877 – ông nhận ra châu Phi đã là một nơi khác, với những thay đổi đáng ngại, và một quyển sách mới ra đời. Richard Henry Dana đã thêm một lời bạt nắn nót vào cuốn Two years before the mast (Hai năm trước cột buồm) hai mươi tư năm sau lần in đầu vào 1840, khi ông trở lại San Francisso (nhưng không đứng trên mũi tàu nữa), thấy nó đã thay đổi từ trụ sở của phái bộ Tây Ban Nha buồn tẻ với mấy căn lều biến thành một thành phố Mỹ sầm uất, sự thay đổi từ Cơn Sốt Vàng. Dana đã rất thận trọng tự hoà hợp mình vào với những con người ông đã gặp trong chuyến đi đầu tiên và ước lượng khung cảnh thay đổi, hoàn thành, như ông nói, “những hành động của ký ức sùng đạo.”
Những nhà thơ cụ thể, có thể kể đến Wordsworth và Yeats, đã mở rộng tầm nhìn và họ được khai sáng khi quay trở lại một khung cảnh trước kia trong cuộc đời họ. Các ông đặt ra tiêu chuẩn văn học cho cuộc quay lại viếng thăm. Nếu định mệnh của những nhà văn là lặp lại quá khứ, viết nó theo cách vốn có của chính họ, thì chuyến trở lại này có thể là phiên bản chán ngắt của The wild swans at Coole (Thiên nga hoang dã ở Coole) hoặc Tintern Abbey (Tu viện Tintern) của tôi.
Chuyến đi dự kiến trở lại hành trình Phương Đông lướt ngoài cửa sổ chủ yếu là nỗi tò mò riêng của tôi, là sự lười biếng thường thấy, và với khao khát được lên đường; nhưng điều này là chuyện của ba mươi ba năm trước và nó đã đơm hoa kết quả. Sự viết lách đang phóng bạn vào bóng tối, để trong đó bạn mong ước ánh sáng và cuộc hạ cánh nhẹ nhàng.
“Em sẽ đan nhiều thứ trong lúc anh đi xa,” vợ tôi nói.
Đó là một thông tin mong đợi. Tôi cần Penelope lúc này.
Mặc dù tôi giả vờ thích thú với cuốn kể chuyện đã xuất bản, nhưng chuyến đi đầu tiên của tôi không được như dự tính.
“Em không muốn anh đi,” người vợ đầu tiên của tôi nói vào năm 1973 – không bằng giọng dịu dàng, mà là một yêu cầu giận dữ.
Lúc bấy giờ tôi vừa viết xong một quyển sách và cạn ý tứ. Tôi không có nguồn, không có ý tưởng nào cho một quyển tiểu thuyết mới và – mặc dù không biết rằng mình định làm gì – tôi hy vọng chuyến đi này là một cách để tìm đề tài. Tôi phải đi. Thuỷ thủ đi ra biển, lính tráng ra trận, ngư dân đi đánh cá, tôi nói với vợ mình. Các nhà văn thỉnh thoảng phải đi ra khỏi nhà. “Anh sẽ trở về sớm nhất có thể.”
Cô ấy không hài lòng việc tôi đi. Và mặc dù không viết về nó, tôi đã thật đau khổ khi khởi hành từ London, nói lời tạm biệt với người phụ nữ tệ bạc này và với hai đứa con nhỏ của chúng tôi.
Đó là thời của những bức thư chuyển bằng máy bay, các tấm thiệp và những cục điện thoại màu đen to đùng không đáng tin cậy. Tôi viết thư về nhà thường xuyên. Nhưng khi tôi thành công gọi về nhà hai lần, một từ New Delhi và một từ Tokyo, cả hai cuộc điện thoại đều vô ích. Tại sao sự âu yếm của tôi hình như không được chào đón? Tôi nhớ nhà trên suốt chặng đường – bốn tháng rưỡi – và băn khoăn ở nhà có nhớ tôi không. Đó là lần đầu tôi u uất trải qua những đêm cô đơn của một lữ khách. Tôi đã ở tận cùng trí thông minh trong chuyến đi. Tôi cảm thấy như mất trí khi quay về nhà. Không ai nhớ tới tôi. Người khác đã thế chỗ tôi.
Vợ tôi có người tình. Quả là đạo đức giả nếu tôi phản đối: tôi đã không chung thuỷ với cô ấy. Không phải là bản năng tình dục của cô ấy làm tôi buồn, mà là sự ấm cúng của một gia đình. Anh ta ở trong nhà tôi nhiều ngày đêm, trên giường của chúng tôi, yêu cô ấy và chơi với con chúng tôi.
Tôi không thể nhận ra giọng mình khi hét lên, “Sao em có thể làm thế được?”
Cô ta nói, “Tôi coi như anh đã chết.”
Tôi muốn giết người đàn bà ày, không phải vì tôi ghét cô ta mà (như những bà vợ ông chồng phạm tội giết người thường nói) vì yêu. Tôi đe doạ giết cái gã mà thậm chí sau khi tôi về nhà, vẫn gửi thư tình cho vợ tôi. Tôi trở thành một kẻ vũ phu điên khùng và tình cờ tôi phát hiện ra điều có ích một cách độc ác: đe doạ giết ai đó là cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của người khác.
Thay vì giết ai hoặc đe doạ làm việc đó, tôi ngồi trong phòng viết như điên, lạm dụng cái máy đánh chữ, cố gắng đắm chìm vào cái hài hước và lạ lẫm của những quyển sách. Tôi nảy ra một hạ sách về hầu hết các chuyến đi để viết. Tôi muốn đưa vào tất cả mọi thứ tôi thấy thiếu ở những quyển sách khác – các cuộc hội thoại, nhân vật, sự thiếu thốn – và nhìn chung bỏ qua các bảo tàng, nhà thờ, thắng cảnh. Mặc dù một phần đã được thêm vào, tôi lại che đậy mọi thứ về cơn bão trong nhà tôi. Tôi viết sách hài hước và giống những quyển sách hài hước khác được viết trong cơn đau đớn cực độ phải chịu đựng, với niềm ân hận rằng để có được chuyến đi, tôi đánh mất những điều mà tôi trân trọng nhất: các con, người vợ và gia đình hạnh phúc của tôi.
Quyển sách thành công. Tôi thoát khỏi cơn ác mộng của mình bằng cách lao động nhiều hơn – một ý tưởng đã nảy ra trong chuyến đi cho cuốn tiểu thuyết mới. Dĩ nhiên vài thứ đã mất đi: lòng chung thuỷ, tình yêu, lòng tin và niềm tin vào tương lai. Sau chuyến đi, khi quay về, tôi trở thành một người ngoài cuộc, một bóng ma, với cái mũi đang ấn vào cửa sổ. Tôi đã hiểu thế nào là giống như đã chết: người ta có thể nhớ anh, nhưng cuộc sống của họ vẫn tiếp tục mà không cần có anh. Những người mới nhảy vào vị trí của anh. Chúng ngồi trên cái ghế ưa thích của anh và nâng niu các con anh trên đùi, khuyên nhủ và day cằm bọn trẻ; họ ngủ trên giường của anh, nhìn vào các bức vẽ của anh, đọc sách của anh, tán tỉnh cô vú em Đan Mạch; và khi họ hạ thấp giá trị của anh xuống thành kẻ nô lệ siêng năng quá mức, họ sẽ tiêu tiền của anh. Trong phần lớn thời gian, cái chết của anh bị lãng quên. “Có thể đó là vì điều tốt nhất,” người ta nói, cố gắng không sa vào bệnh hoạn.
Một vài sự phản bội có thể tha thứ được, nhưng từ đó có những điều khác không bao giờ khôi phục được. Nhiều năm sau, khi các con tôi không ở nhà nữa, tôi rời khỏi cuộc sống đó, cuộc hôn nhân đó, đất nước đó. Tôi bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi khác.
Bây giờ, sau ba mươi ba năm, tôi quay trở lại London. Đối với nỗi đau của mình, việc thực hiện chuyến đi tương tự lần nữa đã khiến tôi hồi tưởng lại rất nhiều nỗi đau mà tôi nghĩ đã quên.
Không gì phù hợp cho một chuyến khởi hành quan trọng hơn là thời tiết xấu. Nó cũng phù hợp với cảm xúc của tôi, cơn mưa sáng hôm đó ở London, bầu trời thấp màu nâu lất phất mưa phùn, làm tối thành phố bằng đá cổ kính lỗ chỗ mà vì thế, mưa rơi xuống như một gánh nặng – mọi người lom khom, đầu cúi xuống, mắt nhìn xuống, nghĩ ngợi. Giao thông ồn ào hơn, những bánh lốp nặng trịch vút đi trên những con phố ướt nhẹp. Tại ga Waterloo, tôi tìm đúng sân ga cho chuyến tàu Ngôi Sao châu Âu, chuyến lúc 12 giờ 9 phút đi Paris.
Thậm chí tại Waterloo, những ký ức của tôi về London xưa kia vẫn gần như nguyên vẹn. Những điều không thay đổi về người London, cung cách đi nhanh và những phản ứng cố định của họ, không ai vẫy mũ trong cơn mưa dù vài người mang dù – tất cả chúng tôi, kể cả tiếng huyên náo vui vẻ, lướt qua một người đàn bà còn trẻ gầy gò quấn trong một cái chăn bông bẩn thỉu, ngồi ăn xin trên sàn nhà ướt át, dưới chân mấy bậc thang kim loại của nhà ga.
Và sau đó có thể tưởng tượng ra chuyến đi quốc tế đơn giản nhất: một lần kiểm tra an ninh nhanh gọn, thủ tục nhập cảnh của Pháp, đi lên thang máy để đợi tàu, nửa ngày trống rỗng trong một ngày ướt át đầu tháng Ba. Năm 1973, tôi đã đi từ ga Victoria vào buổi sáng, ra bờ biển Folkstone, lên phà, đi qua eo biển Anh, lên một chuyến tàu khác tại Calais và đến Paris lúc nửa đêm.
Đó là trước khi đường hầm được xây dựng dưới lòng eo biển. Nó đã tiêu tốn hai mươi tỷ đô la và mất mười lăm năm, người ta chỉ trích dự án này là ném tiền qua cửa sổ. Mặc dù tàu hoả đã chạy qua hầm từ mười hai năm trước, tôi chưa lần nào đi nó. Không để ý đến chi phí, chuyến tàu đi xuyên eo biển là một điều tuyệt vời. Tôi nhấm nháp sự lười nhác yên ổn của một lữ khách bằng cách đi bộ ra nhà ga và ngồi đó tại London, đọc một cuốn sách, và vài giờ sau đứng dậy đi tới Paris mà không rời khỏi lòng đất. Và tôi dự định đi tới Trung Á bằng cách tương tự, đi đường bộ tới Ấn Độ, chỉ ngồi và ngáp cạnh cửa sổ.
Lúc này, tôi không được cấp visa vào Iran, mà thường dân đang bị bắt cóc và bắn chết ở Afghanistan, nhưng khi nghiên cứu bản đồ, tôi tìm ra những con đường và tuyến đường sắt khác – qua Thổ Nhĩ Kỳ và Grudia rồi đi vào các quốc gia Hồi giáo. Đầu tiên là Azerbaijan, sau đó đi phà qua biển Caspian, rồi đi tàu đến Turkmenistan, chạy qua thành phố cổ Merv nơi có một ga tàu hoả, tới bờ của con sông Amu Darya – trên thực tế là Oxiana – và có nhiều chuyến tàu tới Bukhara, Samarkand và Tashkent, ở Uzbekistan, trong khu vực bao phủ của đường sắt Punjab.
Sau đó, tôi có thể đi theo hành trình cũ qua Ấn Độ tới Ceylon và tới Miến Điện. Nhưng thật sai lầm khi dự đoán trước quá nhiều thứ và quá sớm trong chuyến đi, dù sao, ở đây tôi mới đi khỏi Waterloo vài phút, đang ở trên đường ray chuyển làn sáng bóng vì cơn mưa như trút tại trạm trung chuyển Clapham, tôi nghĩ: tôi đã từng ở đây. Trên đường đi qua phía Nam London, khuôn mặt hoảng sợ của tôi in trên cửa sổ, cuộc sống trước đây của tôi, một người ở London, bắt đầu trôi qua mắt tôi.
Quang cảnh của những năm bảy mươi, dọc theo con đường này, qua Vauxhall và rẽ tại đường Queenstown, đi qua đường Clapham High và Brixton rồi đi qua Clodharbour Lane, một cái tên làm tôi ớn lạnh. Ở đây vào năm 1978, đã nổ ra một cuộc nổi loạn liên quan tới chủng tộc tại khu Battersea Rise, gần cửa hàng Chiesman (“thành lập năm 1895”), nơi các nhân viên rụt rè tới hỏi, “Anh có được phục vụ không?” Tôi mua cái máy thu hình màu đầu tiên ở đó, gần con phố trên Lavender Hill nơi Sarah Ferguson, sau này trở thành nữ Công tước vùng York, từng sống; vào ngày hôn sự của bà và Hoàng tử Andrew được công bố, bà giúp việc nhà tôi, đang cầm một cái giẻ và thùng nước lau sàn, cười khẩy nói, “Cô này thuộc tầng lớp cặn bã.”
Chúng tôi đang đi trên đường tàu hoả nằm sâu dưới đất, ngày càng xa khỏi trạm trung chuyển Clapham và từ trên tàu, tôi thoáng nhìn thấy một rạp chiếu phim mình từng đến xem cho đến khi nó biến thành chỗ đánh bạc, cái nhà thờ đã biến thành trung tâm chăm sóc trẻ con và trường cấp một Alfarthing toạ lạc bên kia khu vực công cộng, nơi các con tôi, mặt đều xanh xám, đi chân trần, được cô Quarmby dạy hát. Có những con phố tôi biết rõ: trên một con phố tôi mất xe đạp, trên con phố khác xe ô tô của tôi bị hỏng; phố tôi đã từng mua hoa quả thịt thà; gái điếm, người bán hoa, cửa hàng bán hoa quả của người Tàu; toà soạn báo, một người Ấn Độ ở Mwanza thích nói tiếng Swahili với tôi bởi anh ta nhớ vùng bờ hồ Victoria; quán Fishmonger’ Arms – được gọi là Fish – một quán rượu Ireland nơi những người tị nạn Ulster chửi thề tục tĩu bất cứ khi nào họ thấy Thái tử Charles trên máy thu hình và cười giống như trẻ con vào cái ngày Huân tước Mountbatten bị IRA đặt bom giết chết, và là nơi vào mọi buổi tối, tôi uống một panh rượu Guinness, đọc tờ Evening Standard. Khu vực này thật đặc biệt.
Với bối cảnh như thế, tôi quả thực đã có cuộc sống kiểu London của mình. Trong những ngày đó, tôi cầu trời mưa, vì như vậy mới giữ chân tôi ở nhà – viết về thời tiết. Những gì tôi nhìn thấy hôm nay thật thân quen, nhưng không lặp lại – công thức quen thuộc cho một giấc mơ. Tôi nhìn gần hơn. Cây cối trơ trụi lá dưới những đám mây xám tan tác, đa số các toà nhà không thay đổi gì, nhưng trước đây London trẻ trung hơn, thịnh vượng hơn. Khi tôi mới dọn đến đây, khu phố này bị bỏ hoang đến một nửa – những ngôi nhà trống trải, những ngôi nhà bị chiếm dụng bất hợp pháp, những ngôi nhà chậm trả tiền thuê – giờ trở nên sang trọng. Cửa hàng tạp phẩm của người Hoa đã trở thành tiệm rượu, và một quán bar đã trở thành hộp đêm, một cửa hàng bán đồ ăn nhanh gồm cá tẩm bột chiên và khoai tây chiên giờ là một quán sushi.
Nhưng điều tuyệt vời là tôi đã lướt nhanh qua khu phía Nam London một cách hiệu quả đến vậy, tôi đã hơi phung phí nỗi đau nội tâm khi soi lại quá khứ. Tôi đang lướt qua các đường ngầm và cầu vượt, đường ray xuyên núi, nhìn sang trái, sang phải để ngắm quang cảnh trong ký ức của mình và vui vẻ đi tiếp, tới những nơi khác, mà chẳng bận lòng chút nào về thứ ký ức mơ hồ. Đừng đắm chìm vào đó, đó là câu nói của người Anh thể hiện sự căm ghét lời than phiền. Không được càu nhàu. Đừng ủ ê nữa. Chuyện đó có thể không bao giờ xảy ra.
Tôi yêu tốc độ của con tàu này, nó không dừng lại bất kỳ đâu, chỉ thẳng tiến ra bờ biển, đi qua Penge, Beckenham, Bromley – nằm ở bên rìa bản đồ London và những ngôi nhà chòi cũ trông kỳ cục khiến tôi liên tưởng đến những tiểu thuyết nói về vùng ngoại ô, những câu chuyện nhiều nút thắt, diễn tiến chậm rãi và những gia đình lo lắng, đặc biệt là Kipps và Mr Beluncle (Ông Belunch) của các nhà văn quê Bromley là H. G. Wells và V. S. Princhett, họ đã trốn đi và sống sót để viết về quê mình.
Trên kệ sách văn học đáng tự hào của Anh có đề cập đến những gì chúng ta nhìn thấy qua ô cửa của tàu hoả, những bài thơ với những câu nổi lên: “Ôi, người đàn bà da trắng to béo chẳng được ai yêu thương” và “Vâng, tôi nhớ Adlestrop”, rồi những đoàn tàu lao lên rồi trượt xuống trong những trang sách của P. G. Wodehouse và Agatha Christie. Nhưng với tôi đoạn mô tả thành công nhất, diễn đạt trọn vẹn những trải nghiệm của đường sắt Anh là của Madox Ford trong tác phẩm lấy cảm hứng từ thành phố này, cuốn sách thành công đầu tiên của ông – The soul of London (Tâm hồn London), xuất bản một trăm năm trước. Nhìn ra ngoài ô cửa sổ của toa tàu, Ford nói về cảm giác tĩnh lặng khi ngồi trong một đoàn tàu nhìn ra thế giới náo nhiệt (nhưng không nghe thấy tiếng động) ở bên ngoài, điều ấy khiến ta thấy u hoài. “Người ta ngồi sau tấm kính, như thể đang nhìn vào một bảo tàng tĩnh lặng; người ta không thể nghe thấy tiếng rú rít ngoài phố, không tiếng kêu gào của trẻ con.” Từ London cho đến Tokyo, tôi vẫn thấy những gì ông mô tả thật đúng: “Người ta cũng nhìn thấy có quá nhiều mảnh vụn nhỏ nhặt của cuộc sống dang dở.”
Ông ghi lại hình ảnh một chiếc xe buýt gần nhà thờ, một đứa trẻ rách rưới, một viên cảnh sát trong bộ đồng phục màu xanh. Tôi đã thấy một người đàn ông đi xe đạp, một người phụ nữ bước xuống từ xe buýt, mấy cậu học sinh đang đá bóng, một người mẹ trẻ đẩy xe nôi. Và đây là khung cảnh ở vườn sau của London, một người đàn ông đang đào đất, một phụ nữ đang phơi đồ, một công nhân – hay là một tên trộm? – đang dựa thang vào cửa sổ. Và “một loạt sự việc nhỏ nhặt liên tiếp diễn ra trước mặt ta, ta chẳng bao giờ xem được hết, khiến việc nhìn ra ngoài cửa sổ tàu đem lại một cảm giác xúc động và không được thoả mãn. Cũng như cảm giác ăn sâu vào bản chất con người khi tha thiết muốn có một cái kết cho mỗi câu chuyện.”
“Những mảnh vụn nhỏ nhặt của cuộc sống dang dở” – điều mà người đi du lịch thường thấy – khơi nguồn cảm xúc và thơ ca, cũng như cảm giác phát điên khi bị là người ngoài cuộc, nhảy sang những kết luận, khái quát hoá, sáng tạo hoặc tái tạo nhiều nơi chốn từ những cái nhìn vu vơ. Chỉ mất hai mươi phút để đi từ khu Waterloo bám đầy bồ hóng sang bên kia, khu nông trang Kent thoáng đãng, nhiều cánh đồng đã được cày bừa, đang đợt gieo hạt trong tuần đầu tiên của tháng Ba.
“Ngài có dùng rượu vang cho bữa trưa không?”
Một phụ nữ trong bộ đồng phục xanh mang cho tôi chai Les Jamelles Chardonnay Vin de Pays d’Oc 2004, được ca ngợi trong thực đơn là “phảng phất hương vani tinh tế từ cây sồi và kết thúc với vị bơ.”
Sau đó là khay đồ ăn trưa: patê gà với cải xanh, tương cà chua, món chính là một lát phi lê cá hồi rắc ít tiêu, và một viên kem sô cô la tráng miệng. Chuyến đi như thế này, ít nhất về hình thức, là cả một thế giới rất khác với phiên chợ đường sắt Phương Đông, hành trình từ rất lâu rồi, đi đến Folkestone, sau đó dừng lại ở đường ray phà, cảm thấy tội lỗi và bối rối, ăn một chiếc bánh thịt lợn lạnh ngắt.
Đường hầm đúng là một phép mầu trong hai mươi phút, như một lỗ hang thỏ dài vô tận, đưa tôi đi từ ký ức nước Anh, vượt qua đường ngầm dưới kênh đào để đến Pháp, tại đây tôi chỉ nhớ lại láng máng và hời hợt về cảm giác thích thú và hiểu lầm, về chuyện ăn uống, ngắm nhìn những bức tranh hoặc nghe mấy chuyện kỳ quặc, ví dụ như chuyện một thiếu nữ Pháp trẻ đẹp, nói với tôi rằng “Tôi sẽ gặp người tình vị hôn phu của tôi tối nay. Tôi định là chúng tôi sẽ làm tình với nhau. Tôi thích những phụ nữ ngu ngốc.” Và sau đó cô ta nói: “Ông đang cười. Mấy người Mỹ các ông!”
Sau khi đi qua đường hầm, mưa bắt đầu rơi từ bầu trời nước Pháp xuống những mái nhà nghiêng nghiêng và những chiếc ô tô nhỏ xíu đang lái theo lề bên phải, nhưng ngoài chuyện đó ra, nó cũng giống khu Kent: cũng những ngọn đồi nhẵn nhụi và cao nguyên đá vôi, cũng không gian mờ sương, những khu nhà kho, những nhà xưởng và nhà phụ công nghiệp thấp tè, những dãy cây dương trần trụi trong một buổi chiều mù sương.
Chuyến tàu thật nhanh, khoảng cách giữa Anh và Pháp thật gần, thật khó mà nghĩ rằng Pháp là một đất nước hoàn toàn khác biệt, với những món ăn, các vụ xì căng đan, ngôn ngữ, tôn giáo và những vấn đề nan giải riêng. Các thanh niên đạo Hồi điên cuồng đốt xe hơi là một trong những vấn đề hiện nay; chỉ có một người chết nhưng rất nhiều xe Renaults bị cháy.
Tại sao văn hoá đi mô tô trên xa lộ ở châu Âu lại ảm đạm hơn bất cứ nơi nào ở Mỹ? Có lẽ vì như thế sẽ giống bắt chước và trông nhàm chán, không có phong cách, và không phù hợp, người châu Âu không thể hợp khi đội một chiếc mũ của dân bóng chày. Trong khi đó các nhà ga và khu công nghiệp lại rất hợp với hình ảnh ảm đạm nhàm chán của kiến trúc Mỹ, trông ngang bướng, trái ngược với phong cảnh kiểu Pháp với những đường xoắn ốc kiểu gothic và những biệt thự gỗ kiểu Trung cổ ở phía xa xa, giống như sự chà đạp lên giá trị cũ, những ngôi làng chen chúc cùng những cánh đồng đã cày xới, bãi cỏ bị những con đường xấu xí và hàng rào cũ nát cắt ngang.
Vì cái mà Freud gọi là “sự tự say mê những khác biệt tiểu tiết,” tất cả những chiến trường rộng lớn, những chiến trường từ thời cổ đại đã là quang cảnh của những đội quân hiếu chiến, một ví dụ đẫm máu của nền văn minh và nỗi bất mãn của nó. Nhưng dù người ta nói gì đi nữa, tuyến đường xe lửa vẫn là một thực tế, nơi đã từng chìm trong máu và dày đặc những hố huyệt của lính chết trận – hàng triệu người – giờ đây đã bình yên trong suốt nửa thế kỷ qua, có lẽ đây là giai đoạn hoà bình dài nhất.
Chúng tôi đi qua một con sông có cái tên bi kịch. Một ngày tháng Bảy chín mươi năm về trước, đây là nơi cơn mưa nhẹ đã rơi xuống những đồng cỏ tuyệt đẹp, những dãy đồi thấp, những ngôi nhà cấu trúc xoắn ốc ở thành phố Amien, một bên là đoàn tàu và bên kia là thị trấn Peronne, thung lũng của con sông Somme, đã trở thành sân khấu của một tai hoạ kinh hoàng. Trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, sáu mươi nghìn lính Anh đã bị giết, họ di chuyển chậm chạp, nặng nề vì phải vác trên lưng ba lô nặng hơn ba chục ki lô gam. Họ tiến vào họng súng máy của Đức, ngày hôm đó ghi nhận số quân lính chết nhiều nhất trong lịch sử nước Anh. Bốn tháng ròng cuộc chiến trong biển máu, trận đầu tiên ở Somme kết thúc vào tháng Mười một năm 1916, hơn một triệu quân bị giết – quân Anh: 420.000; Pháp: 194.000; Đức: 440.000. Và chẳng vì lý do gì cả. Chẳng thu lại được gì, chẳng có đất đai, cũng chẳng có lợi thế quân sự, cũng chẳng rút ra bài học gì trong cuộc chiến vô nghĩa này, và hai mươi nhăm năm sau đó – trong chính thời gian cuộc đời tôi – cũng những quân đội đó lại đến đây và chiến đấu trên chiến trường xưa. Tất cả đều là những nước thực dân quyền lực, đã xâm chiếm nhiều miền đất rộng lớn ở châu Phi và châu Á để lấy vàng và kim cương, và dạy cho người dân nơi đó bài học về văn minh.
Màu sắc và quần áo của những người đi bộ trên các con phố gần Paris phản ảnh lịch sử thực dân của Pháp – người Phi, Tây Ấn, Angeri, Việt Nam. Họ đang đá bóng trong mưa. Họ là những người mua sắm trong các khu chợ ngoài phố, cư dân trong các căn hộ của những toà nhà ảm đạm, các quán rượu ven Paris nơi tàu tốc hành Ngôi Sao châu Âu đi ngang qua. Chúng tôi tiến vào thành phố bằng đá giống miếng pho mát thơm ngon với mặt ngoài thủng lỗ chỗ và những đại lộ lớn. London nói chung là thành phố của những mái nhà thấp nơi các gia đình riêng ở – nhà mái bằng, nhà tranh, nhà thành phố, nhà ổ chuột, nhà chòi, biệt thự liền vách. Còn Paris là thành phố của những chung cư theo kiểu Rococo[3], các ban công tròn đua ra, không thấy có ngôi nhà riêng nào.
[3] Giai đoạn cuối cùng trong thời kỳ kiến trúc Baroque, đặc trưng bởi nghệ thuật trang trí nội thất theo phong cách lãng mạn, hoa văn với các gam màu nhạt.
Với chiếc túi nhỏ và một va li, tôi trông đơn giản quá khiến mấy anh bốc dỡ hành lý ở ga Nord lờ tôi đi. Tôi đi qua nhà ga, đến cổng vào phía trước, ngập trong dòng ánh sáng phát ra từ mặt tiền ga với những bức tượng kiểu cổ điển tượng trưng cho các thành phố và thị trấn lớn ở Pháp. Các bức tượng được tạc vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 19 (một tấm biển có ghi) là “những tên tuổi vĩ đại nhất trong Đế chế thứ Hai.”
Đường phố dày đặc những chiếc ô tô không nhúc nhích và tiếng còi xe inh ỏi lẫn tiếng hò hét giận dữ. Tôi hỏi một người đàn ông đang mỉm cười rằng có chuyện gì thế.
“Một cuộc biểu tình,” ông đáp.
“Sao lại là hôm nay?”
Ông ta nhún vai. “Vì hôm nay là thứ Ba.” Cứ vào thứ Ba là có một cuộc biểu tình lớn và ồn ào ở Paris. Nhưng với quy mô của nó và sự đập phá như thế này, thì đấy phải gọi là Ngày thứ Ba Đen Tối.
Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ - Paul Theroux Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ