Số lần đọc/download: 1225 / 10
Cập nhật: 2016-07-16 23:59:02 +0700
Chương 30: Về Thăm Gia Đình
S
ắp Tết, cha Từ Văn Diệu phải nhập viện vì bị cao huyết áp. Tối hôm trước có hai chiến hữu cấp dưới tới nhà làm khách, ba người cùng ngồi hào hứng ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng xưa kia và uống hết những hai chai rượu Mao Đài quý giá. Vì có khách đến nhà nên tối đó gia đình chuẩn bị rất nhiều thức ăn, hầu hết đều nhiều đạm, nhiều béo và nhiều nhiệt lượng. Nhà họ Từ lại có thói quen ăn mặn, bất kể là món xào, rán, hầm hay hấp đều bỏ nhiều muối, rất thích hợp dùng để nhắm rượu. Sau khi rượu hết cơm đầy, hai vị khách lại ngồi cùng uống trà với ông Từ, hàn huyên tới tận nửa đêm mới cáo từ. Ông Từ tiễn khách xong lại thấy váng đầu hoa mắt, cho rằng mình say cũng không chú ý nhiều liền lên giường đi ngủ. Tới đêm tỉnh dậy đi uống nước, đột nhiên mọi thứ trước mắt tối sầm lại, ngã quỵ xuống sàn.
Ông đã từng tham gia cuộc kháng chiến biên giới, chỉ huy giải cứu các đợt tai nạn thảm khốc, thực sự kinh qua mưa bom bão đạn, cũng trải qua chuyện mưu kết tính toán vô cùng nguy hiểm. Cả đời ông luôn sống ngay thẳng và cương trực, mỗi hành động lời nói đều quán triệt chiếu theo sự kiên cường bất khuất của một vị tướng, và cứng rắn của một nam nhân. Chưa bao giờ phải khom lưng cúi đầu trước ai, ấy vậy lại té ngã bởi ốm đau bệnh tật.
Vợ ông khi ấy quýnh quáng cả lên, chết sững đi một lúc mới hoàn hồn gọi người cứu giúp. Người trong quân viện ai nấy cũng lo sợ khôn chừng, vội vàng tìm xe đưa lão tướng quân vào bệnh viện quân khu. Mẹ của Từ Văn Diệu đã làm cán bộ lãnh đạo nhiều năm, chuyện không may ập đến vẫn có thể giữ được bình tĩnh ngồi chờ bên ngoài phòng cấp cứu. Nhưng một hồi lại nhịn không được mà gọi điện thoại cho con trai lúc canh ba nửa đêm, lôi nó ra khỏi giường mắng một trận xối xả nhằm trút đi bớt cơn bất an bấy giờ.
Bà biết lúc này có la mắng con mình cũng vô dụng, người nên bị quở trách nhất chính là ông lão đang nằm cấp cứu trong kia. Người gì cũng đã có tuổi rồi, càng ngày càng cố chấp. Thường ngày để ông ăn ít thịt đi, ăn nhiều rau vào thì luôn bị ông giở thói gia trưởng ra phản bác lại. Riết rồi bà cũng chán không buồn nói, chỉ muốn ở trong cơ quan luôn không về nhà nữa cho nhẹ nợ. Nhưng ai dè đâu người bình thường hùng hùng hổ hổ là thế, ấy vậy nói ngã quỵ liền nằm thẳng đơ, khiến bà lo lắng bồn chồn không an.
Bạn già, đến già vẫn còn bầu bạn bên nhau, người kia nếu đi mất mình còn ở lại làm gì?
Bà Từ bất chợt miên man nghĩ, nếu con trai mình bình thường như bao đứa con trai nhà khác thì tốt quá. Như vậy mấy năm trước nó đã lấy vợ sinh hai đứa con rồi. Nhà cửa mỗi ngày cũng nhờ đó mà bớt quạnh quẽ, ông nhà bà cũng không có cái tính cổ quái lạ lùng. Có lẽ tâm tình ông tốt hơn thì thân thể cũng không dễ gì phát ra bệnh tật như thế này.
Bà ôm điện thoại, khóc lóc với con trai khiến nó chỉ dám im lặng lắng nghe, chờ khi bà nói một hồi, rồi mới âm trầm nói: “Mẹ, mẹ đừng tức giận, mẹ mà có chuyện gì thì con biết tính sao? Con biết là con bất hiếu, mẹ phải cho con có cơ hội để bù đắp chứ? Giờ con sẽ lập tức về nhà, mai là đến nơi rồi. Mẹ ráng chịu thêm một đêm nữa thôi, ngày mai con trai mẹ sẽ đến thay mẹ!
Giọng nói của Từ Văn Diệu chất đầy sự áy náy, thành công trấn an mẹ mình. Bà Từ rớt nước mắt, nghẹn ngào nói: “Vậy con mau mau tới đây đi!”.
“Dạ, dạ!”.
Từ Văn Diệu làm việc vô cùng mau lẹ, bay chuyến bay đầu tiên vào ngày hôm sau, tới trưa thì về tới quê nhà, vừa xuống sân bay liền đi taxi tới thẳng bệnh viện. Lúc này ông Từ cũng đã tỉnh, đang tức giận với bạn già, nói bà dám cắt xén phần ăn, không bỏ thịt cho ông, đây là cố ý chống lại ông mà. Sau đó lại hay tin bà gọi con trai về liền đổi giọng, cằn nhằn bà chuyện bé xé ra to, còn chất vấn, bộ mình bà không lo được xuể, chỉ có chút việc đó phải một hai gọi con nó về? Bây giờ đang lúc cuối năm, ảnh hưởng chuyện làm ăn của nó.
Bà Từ thở dài thườn thượt, nhác thấy bóng con mỏi mệt lao vào phòng liền phủi tay mặc kệ ông nhà, để ông muốn làm gì thì làm, bà không hầu theo nữa.
Từ Văn Diệu dỗ dành mẹ xong, để bà về nhà nghỉ ngơi, sau đó qua bên phía cha tiếp tục nghe giáo huấn, nghe giọng ông vẫn uy lực như tiếng chuông mới có thể nhẹ nhõm được một chút, biết tình hình không nghiêm trọng như đã tưởng. Tiếp đó, anh đi tìm bác sĩ hỏi chuyện. Bác sĩ bảo, may mà ông Từ vốn khỏe mạnh, chỉ vì thói quen ăn uống không tốt nên chỉ số huyết áp và chỉ số mỡ trong máu tăng lên gần ngưỡng nguy hiểm. Sau này phải hạn chế ăn những món có nhiều đạm nhiều béo, đồng thời phải uống thuốc đều đặn, nếu không lần tới sẽ chẳng đơn giản là té xỉu đâu.
Anh nghe chuyện xong chỉ thấy rắc rối tăng chứ không bớt, tính tình cha anh thế nào anh còn không rõ sao. Lão tướng quân cả đời sống rất đơn giản, dù thân ở chức cao vọng trọng nhưng chưa bao giờ tập tành hoang phí hay kiêu ngạo. Ông mặc giản dị, ăn tùy tiện nhưng không thể không có thịt, lúc vui nhất định phải uống một hai chai rượu. Theo lời ông, khi quốc gia còn ở thời kỳ khó khăn, ông đã từng dẫn theo thuộc hạ nghĩ cách đi săn thổ cẩu và thỏ hoang để cải thiện bữa ăn, bây giờ kinh tế phát triển, hà cớ gì phải bạc đãi bản thân nữa?
Đương lúc Từ Văn Diệu lo nghĩ thì người vú già tới hỏi chuyện, nói vốn dĩ mẹ cậu quy định cơm tối cho lão tướng quân là món mộc nhĩ đen xào cần tây, trứng xào dưa chuột và cháo bắp, nhưng giờ ông đang phát hỏa, vậy có làm theo thực đơn trước đó không?
Từ Văn Diệu thở dài: “Mặc kệ cha con có đòi gì, vú cứ giữ nguyên khẩu phần ăn như thế ạ”.
Anh căn dặn người vú già xong lại tìm chỗ ngồi xuống để dàn xếp công việc. Anh vội vàng quay về, nên lúc này mọi chuyện ở công ty phần lớn đều phải chỉ thị qua điện thoại. Hồi tối, khi mẹ gọi điện tới anh đang lăn qua lộn lại với Vương Tranh. Thế nên buổi sáng anh dậy sớm và đi khỏi nhà, cậu vẫn còn đang mê man ngủ, bây giờ cũng nên gọi điện về báo bình an. Cả ngày vì lo lắng nên vẫn chưa kịp ăn uống gì, lúc này phải đi tìm thứ nào đó bỏ bụng mới được. May mà cảnh vệ của cha cũng biết mặt anh, nên có thể nhờ đối phương đi mua cơm ở nhà ăn bệnh viện cho mình. Từ Văn Diệu ở đây gọi điện xong thì bên kia vừa lúc mang cơm về. Mở hộp cơm ra, bên trong cơm khô thịt thà mấy lát mỏng dính, lại thêm rau xanh lộn xộn cứ như cỏ dại.
Từ Văn Diệu nhìn thấy liền chán nản thở dài. Suốt hai năm nay khẩu vị đã bị Vương Tranh dưỡng điêu, nay nhìn thấy hộp cơm không có chút dinh dưỡng này lại chẳng còn chút hứng thú nào. Vừa nhớ đến Vương Tranh, lại hồi tưởng tới chuyện ân ái đêm qua của hai người, vừa đổi một tư thế mới thì cậu lại hơi lúng túng và mê man say đắm, đạt được cao trào trước nay không có. Anh chỉ mới liên tưởng tới thôi lại thấy cả người nóng bừng lên, hận bây giờ Vương Tranh không có mặt để anh có thể ôm vào lòng, hôn hít một phen cho thỏa.
Anh lập tức gọi điện về nhà, một lúc sau Vương Tranh mới nghe máy, giọng nói có chút lười biếng, mệt mỏi: “Anh tới nơi rồi hả? Bác không sao chứ?”.
Giọng nói Từ Văn Diệu không tự chủ có chút ủy khuất: “Cha anh tỉnh rồi, bị cao huyết áp, may mới giai đoạn đầu, không nghiêm trọng lắm. Ông già rồi lắm bệnh, vừa nãy mẹ bị ông chọc cho tức điên lên, bỏ hết lại cho anh, về nhà rồi. Cục cưng ơi, anh mệt quá, tối qua ngủ không ngon, giờ thì ăn chẳng vô, lại còn rất nhớ em. Đã thế lại còn phải hầu cha anh ăn uống, ông ấy không chịu ăn kiêng, thật là đau đầu”.
Vương Tranh kiên nhẫn lắng nghe, dịu dàng trấn an: “Anh cứ từ tốn nói lý với bác, bác nhất định sẽ nghe mà”.
“Anh có thể nói lý được thì chẳng phải là cha anh nữa rồi!”. Từ Văn Diệu khịt mũi mỉa mai, “Cha anh là một người rất ngoan cố. Em có biết, lúc anh nói thật về giới tính của mình, ông đã cầm roi rượt theo đánh anh khắp nhà đấy, chỉ cần thấy anh liền đánh. Sau đó hai năm không thèm nói với anh một tiếng, ròng rã hai năm trời như vậy, cùng một nhà nếu gặp phải ông thì ông xem như không thấy, cứ xem anh như là không khí. Lúc đó may mắn anh đã không phải dựa dẫm vào ông nữa rồi, không thì ông sẽ không cho ăn không cho uống để ép anh lấy vợ mất thôi”.
Vương Tranh thở dài: “Mẹ em cũng vậy!”.
“Khổ thế đó!”. Từ Văn Diệu nghĩ ngợi một lúc lại nói: “Bất quá năng lực phản kháng của anh mạnh hơn em, cuối cùng cha cũng phải chịu thua anh”.
Vương Tranh cười khẽ một tiếng: “Vậy thì bây giờ anh phải đối xử với bác tốt lên. Bao nhiêu năm nay bác bị anh chọc tức đủ rồi nhưng chẳng phải tới cuối vẫn thừa nhận anh đấy thôi?”.
“Đúng là vậy thật!”.
“Ngoan, mau đi dỗ bác ăn cơm đi!”.
“Tiểu Tranh, anh rất nhớ em! Hay em cũng tới đây đi, không phải em cũng đang nghỉ sao?”. Từ Văn Diệu khẩn thiết đề nghị. “Qua đây ăn Tết với gia đình anh cho vui!”.
“Nhưng mà…”, Vương Tranh nhẹ giọng đáp, “em sợ em sang đó cha mẹ anh lại thấy không thoải mái”.
“Vậy để anh đi hỏi ý cha mẹ”. Từ Văn Diệu không dám khinh suất. “Mất công lại khiến em tủi thân, với lại Tết nhất anh cũng không muốn cha mẹ khó chịu”.
“Ừm”.
Một ngày rối ren coi như cũng có chút thu hoạch. Lúc Từ Văn Diệu dỗ ông Từ ăn cơm cũng không nói gì nhiều, chỉ việc chỉ vào hai con mắt vừa đỏ vừa mệt mỏi của mình nói: “Cha, vì lo cho cha nên từ hôm qua tới giờ con không ngủ chút nào. Cha nói xem chỉ có mấy việc ăn uống nhỏ thế này thôi lại khiến con trai mình lo lắng thì không được chuyên nghiệp cho lắm. Cha là ai nào, là quân đội nhân dân, tấm gương anh hùng, không chừng cả mấy mươi năm trước cha còn có thể tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm cùng với cha ông nữa, lại còn là người có công dựng nước. Tóm lại, cha là người làm đại sự, nếu chỉ vì mấy miếng dưa chuột mà dùng dằng với con thì sẽ bị người ta chê cười đó”.
Ông Từ trừng mắt định răn dạy con trai một trận, nhưng sau cũng vì thương nó mà im lặng cầm thìa lên ăn miếng cháo lạt. Từ Văn Diệu thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ nói: “Con gọt trái cây cho cha ăn tráng miệng nhé”.
“Bớt ở đây nói nhảm đi! Chuyện công ty thế nào? Không còn gì nữa thì về đi, đừng lảng vảng trước mặt ta thêm phiền!”.
“Sao được ạ! Mẹ bảo con phải ở đây giám sát chuyện ăn uống của cha!”. Từ Văn Diệu vừa gọt táo vừa cười nói: “Cha cứ yên tâm, con sẽ ở đây qua Tết luôn, con có nói với mẹ rồi, cả nhà mình ba người cùng đón Tết đoàn viên!”.
Mắt ông Từ lộ vẻ vui mừng nhưng lời nói ra lại cứ lạnh lùng: “Tết thì Tết, cần gì phải báo với ta? Con nói với mẹ con, năm nay gia đình mừng Tết đơn giản thôi, đừng chuẩn bị nhiều bánh mứt hạt dưa quá, kẻo không có ai ăn lại bỏ thì phí lắm!”.
“Dạ, con nhớ rồi!”. Từ Văn Diệu cắt từng miếng táo cho vào đĩa: “Con sẽ mua cho cha mẹ mỗi người một bộ đồ mới…”.
“Đừng có tiêu tiền vào chuyện không đâu! Nếu có đi chúc Tết hay thăm hỏi binh sĩ thì ta mặc quân trang là được!”.
“Cha mặc như vậy là đủ oai rồi, nhưng còn mẹ thì sao? Mẹ dù lớn tuổi nhưng vẫn thích mặc đẹp mà. Hay là thế này, con sẽ mua rồi nói là cha tặng để mẹ vui nhé?”.
“Đã là bà lão rồi còn bày đặt làm tiểu thư con gái nhà tư sản nữa là thế nào?”. Ông Từ hừ một tiếng. “Ta không quen cái tật xấu đó của bà ấy!”.
Từ Văn Diệu lườm cha mình một cái: “Cha đừng nói vậy chứ, mẹ không phải là vợ của cha à, mẹ không phải là mẹ của con sao, mẹ mặc đồ đẹp ra đường thì cha con mình sẽ hãnh diện chứ! Cứ quyết định vậy đi! Mà cha ơi, mẹ thích màu xám tro hay màu cà phê?”.
“Màu xám bạc!”. Ông Từ cúi đầu ăn cháo, đoạn lại nói: “Có lần thấy vợ ông chính ủy viên mặc bộ đầm như vậy bà ấy thích lắm, cứ về lải nhải với ta suốt!”.
Từ Văn Diệu nhịn cười vờ như không nghe thấy. Sau khi ăn xong, ông Từ đặt bát cháo lên bàn, đột nhiên hỏi: “Còn Tiểu Vương thì sao, nó không đến nhà chúng ta ăn Tết à?”.
Từ Văn Diệu lấy lại tinh thần, cười đáp: “Cậu ấy cũng muốn đến nhưng lại sợ cha mẹ không hoan nghênh thôi”.
“Nói mấy lời khách sáo hoan nghênh với cả không hoan nghênh làm gì!”. Ông Từ lấy chiếc khăn nóng con trai đưa lau miệng và mặt: “Con bảo nó đến đây, nói là ta bảo nó đến. Chú Vu của con cũng nhớ thằng bé. Nói với nó là sang đây… à thì, sang đây ít nhất cũng học được cách nấu món sườn hầm khoai tây”.
Từ Văn Diệu cười khì khì, gật đầu đồng ý, sau đó lại nghĩ ngợi, hỏi: “Nhưng còn mẹ con…”.
Ông Từ lườm con trai, mắng: “Bà ấy có ý kiến gì, cứ bảo bà ấy tới tìm ta! Thiệt là, chừng đó tuổi rồi còn không chấp nhận nổi chuyện đó! Quả nhiên, già rồi mà còn dại!”.
Đêm đó, Từ Văn Diệu không ngủ trong bệnh viện canh đêm cho ông Từ, mà về nhà ngủ một giấc thật đã trong căn phòng trước đây của mình. Ngày hôm sau thức dậy thì cũng đã muộn rồi, rửa mặt xong xuống nhà, người vú già mang bữa sáng tới cho anh, đó là ba món ăn ngàn năm không đổi của nhà họ Từ: màn thầu, rau trộn và cháo kê.
Từ Văn Diệu lâu rồi không ăn bữa sáng như vậy, nên nhìn bàn ăn không khỏi bật cười, cắn miếng màn thầu nói: “Hồi đó thì ghét đồ ăn trong nhà vì nó khó ăn, bây giờ muốn cắn một miếng màn thầu chắc như thế này lại tìm không ra”.
Người vú già cười đáp: “Đúng thế, do vú pha thêm bột ngô vào nên bánh rất mềm, ở bên ngoài bán chỉ có cái đẹp mắt thôi, chứ nào có được như mình làm ở nhà đâu”.
Từ Văn Diệu hớp một miếng cháo lớn, hỏi: “Mẹ con đâu ạ?”.
“Mang cơm tới bệnh viện cho cha con rồi!”. Người vú già cúi đầu nói: “Suốt đêm bà không ngủ được, chắc là vẫn còn lo lắng lắm!”.
“Không sao đâu, bác sĩ cũng đã nói, bệnh của cha con chỉ mới ở thời kỳ đầu, sau này chỉ cần bồi dưỡng là được”.
“Con còn trẻ nên không hiểu chuyện này đâu, ông bà bầu bạn mấy mươi năm với nhau, bà chủ lo cũng phải”. Người vú già càm ràm nói: “Con đừng thấy hai người suốt ngày khắc khẩu mà lầm, thực ra tình cảm của họ rất tốt đó. Con lớn rồi ra riêng không sống trong nhà, căn nhà lớn như vậy chỉ có hai người già họ thôi, nên chẳng ai sống thiếu ai được”.
Từ Văn Diệu im lặng nghe, cúi đầu nhai miếng bánh màn thầu đang nằm trong miệng mình.
Lúc này có tiếng xe ô tô ngoài cửa, tiếng bà Từ sang sảng vọng vào: “Tiểu Triệu lái xe đưa Tiểu Lương tới bệnh viện đi, Tiểu Lương, phiền cậu chăm sóc cho ông nhà tôi. Được được, cậu đưa tôi tới đây là được, lát nữa tôi đi xe khác tới cơ quan sau. Không có gì đâu! Cảm ơn hai cậu!”.
Tiểu Triệu là tài xế của ông Từ còn Tiểu Lương là cán bộ nhân viên trong quân khu đã theo ông Từ rất nhiều năm. Từ Văn Diệu vừa nghe liền nhanh chóng ăn xong bát cháo, nhai hết màn thầu rồi ra cửa đỡ giúp túi cho mẹ mình, cười nói: “Mẹ về rồi à, hôm nay cha con sao rồi?”.
“Chưa chết được!”. Bà Từ tức giận lườm con trai, mặt mày đen lại: “Mới sáng ra đã dạy dỗ cho mẹ một khóa chính trị, tinh thần tốt lắm!”.
“Ha ha!”. Từ Văn Diệu lấy lại tinh thần bật cười: “Vậy là tốt rồi, còn sức răn dạy với ra lệnh chứng tỏ cha đang khôi phục rất tốt!”.
“Hừ, con đoán xem ông ấy ra lệnh cho mẹ làm cái gì hả?”. Bà Từ tức giận mắng con: “Ông ấy dám bảo mẹ về nhà gọi điện mời bạn trai của con tới đây ăn Tết cùng nhà mình. Cha con hai người tính chọc cho tôi tức chết mới chịu đúng không? Muốn đầu năm đầu tháng tôi đã cau có khó ở chứ gì? Hả? Hai người muốn tôi lên cơn tức giận rồi nhập viện để hai người tự do làm loạn phải không?”.
Từ Văn Diệu giật mình, bà Từ đẩy anh ra rồi đùng đùng nổi giận, quát ầm lên: “Thằng ranh kia, tôi thấy anh cũng không cần ở lại đây nữa đâu, mau cút về bên đó với cậu bạn trai kia đi! Cái đồ nhu nhược, đồ bất hiếu này!”.
Người vú già vội vã tiến đến giảng hòa, cố nhỏ tiếng nói: “Hai mẹ con đừng cãi nhau nữa, hàng xóm nghe được sẽ ảnh hưởng không tốt!”.
“Cái nhà này cần gì sĩ diện nữa? Cả quân khu có ai lại không che miệng chê cười gia đình này? Suốt mấy mươi năm nay bản thân tôi hễ ra ngoài người người ngưỡng mộ, một là tôi chẳng dựa hơi chồng, hai là tôi chẳng dựa hơi con cái! Bây giờ già rồi, hai người các người có thấy mất mặt chưa, con cái lớn chừng này tôi nuôi nó được ích lợi gì chứ?”.
Bà ngước đầu lên nhìn mặt con, thấy nó không có chút biểu cảm gì, cơn giận càng lúc càng cao, lớn tiếng mắng mỏ: “Sao hả, mẹ anh mới nói mấy câu anh đã xụ mặt rồi! Hôm nay tôi cũng nói cho anh biết, tôi không quan tâm cha con hai người đồng hội đồng thuyền làm xấu mặt tôi, tôi không thèm quản, nhưng nếu muốn để cho cái tên kia vào nhà trừ phi tôi ra khỏi nhà. Nhà này có cậu ta thì không có tôi!”.
Từ Văn Diệu đau đầu, khó xử nhìn bà Từ, nghĩ mà không biết tại sao đến cả lời nói nghiêm trọng “có cậu ta thì không có tôi” cũng đã nói ra. Anh im lặng bước tới đưa một tay ra ôm mẹ vào lòng. Lúc đầu bà Từ còn giãy giụa nhưng lại không thể giằng ra khỏi đôi cánh tay mạnh mẽ của con trai, bèn mắng mỏ rồi mặc cho anh ôm. Từ Văn Diệu dìu mẹ ngồi xuống ghế sofa ở phòng khách, tự tay vào bếp pha trà mang ra tận tay mẹ, cười nói: “Mẹ, bên ngoài lạnh lắm, mẹ cầm chút cho tay ấm lên đi!”.
Bà Từ lúc này vẫn còn chưa nguôi cơn giận, cầm tách trà, tiếp tục mắng nhiếc con: “Anh đừng tưởng nịnh nọt như vậy tôi liền mềm lòng!”.
“Xem mẹ lại nói kìa!”. Từ Văn Diệu cười ôm lấy bả vai mẹ: “Đây là con trai đang lo tay mẹ bị lạnh thôi!”.
Bà Từ cúi đầu nhấp một ngụm trà, bực bội nói: “Cho nhiều lá trà vào quá!”.
Từ Văn Diệu bật cười hì hì: “Con làm gì biết pha trà, gần đây toàn là uống trà được pha sẵn! Nhắc mới nhớ, trà Tiểu Tranh pha rất ngon, lần trước cha tới nhà còn khen cậu ấy nữa”.
Bà Từ trừng mắt nhìn anh, cảnh giác nói: “Anh đừng nói tốt cho cậu ta!”.
“Con nào có, con chỉ ăn ngay nói thật thôi!”. Từ Văn Diệu cười hì hì. “Con trai của mẹ ấy hả, bây giờ sướng lắm, có người cơm bưng tận nơi, áo quần đưa tới tận tay, trà dâng tận miệng, được người ta chăm sóc chu đáo và tử tế lắm. Mẹ nhìn xem, nhìn xem, con mập hơn trước rất nhiều, cằm cũng sắp biến thành hai luôn, mẹ nhìn đi!”. Đoạn lại kéo cổ áo xuống.
“Thôi đi”, bà Từ nhìn anh, sắc mặt tươi hơn một chút, nhưng vẫn không chịu xuống nước. “Cậu ta chăm sóc con thì có làm sao. Với điều kiện của con, chẳng phải cậu ta có được không ít thứ tốt từ con hả? Thật là”.
Từ Văn Diệu thở dài: “Mẹ, mẹ nói sai rồi. Nhà chúng con đang ở là của Tiểu Tranh, chi tiêu hàng ngày cũng là cậu ấy bỏ ra. Tuy con có đưa cậu ấy thẻ tín dụng nhưng mấy tháng xem lại cũng chỉ thấy tiền vơi đi rất ít, mà toàn dùng để mua đồ gia dụng, điện đài trong nhà. Mẹ, Tiểu Tranh là người có học thức, là thầy giáo ở trường đại học, chắc mẹ cũng rành cái tật sĩ diện của thư sinh rồi đấy, lúc nào cũng coi trọng thể diện. Nếu đổi thành người khác hẳn là mẹ thấy không xứng với con trai mẹ, nhưng Tiểu Tranh lại khác, tình hình hoàn toàn ngược lại, bình thường con muốn chăm sóc hay làm gì đó cho cậu ấy cứ phải giấu giấu giếm giếm không để cậu ấy biết. Chuyện này có thể người ta không hiểu nhưng mẹ thì rõ quá rồi, mấy mươi năm nay các thành tích của mẹ ở đơn vị có khi nào nhờ vả vào cha không? Người khác xem cái tiếng phu nhân của tướng quân như là lệnh bài để dựa vào, còn mẹ thì tuyệt đối tránh xa nó, mẹ sợ người ta nghĩ là mẹ dựa vào các mối quan hệ mà đi cửa sau này kia, mẹ nói vì sao lại như vậy? Chẳng phải là muốn tự mình nỗ lực vươn lên sao, đúng không mẹ?”.
Bà Từ sắc mặt đã tốt hơn trước rất nhiều, hài lòng gật đầu: “Đương nhiên, mẹ chẳng làm gì thẹn với lòng hết!”.
“Tiểu Tranh cũng có cái tính bướng bỉnh hệt như mẹ vậy, mẹ khoan nói gì cả, cậu ấy có chuyện gì cũng không muốn nhờ vả con, xem con như người ngoài thôi, có lúc con giận lắm, phát bực lên mà chỉ biết học theo cha, bó tay không thể nào thay đổi được, đành phải nhường nhịn thôi”.
Bà Từ hừ một tiếng: “Cha con đời nào chịu nhân nhượng mẹ chứ!”.
Từ Văn Diệu nhướn mày hỏi: “Cha thật không nhường nhịn mẹ? Mẹ à, kiểu đàn ông như cha, dù có đối tốt với mẹ cũng sẽ không nói ra điều đó. Mẹ sống với cha nhiều năm, mẹ suy nghĩ thật kỹ nhé”.
Bà Từ bĩu môi, nghĩ ngợi một lúc lại im lặng.
“Ý của con là, tất cả lỗi đều tại con, ai bảo con không thể yêu được cô nào đấy rồi kết hôn, lại còn không có cảm hứng với phụ nữ? Con cũng nói thật với mẹ, đàn ông muốn tìm được người đàn ông thích hợp cho mình càng khó khăn hơn là nam với nữ. Nhất là kiểu người như con trai của mẹ ấy! Ban đầu thì còn tin là đối phương tốt nhưng sau đó lại trằn trọc chẳng biết liệu người ta là thật lòng hay có ý lợi dụng mình? Mẹ không biết được những điều phức tạp ẩn chứa bên trong đâu. Con chẳng cách nào nói với mẹ được. Sau cùng, may mà con gặp được Tiểu Tranh, người không vì tiền cũng chẳng vì quyền, chỉ muốn bình an sống với con mà thôi. Huống hồ gì điều kiện của cậu ấy tốt như vậy. Không phải là con ba hoa gì, khi nào gặp thì mẹ sẽ biết, cậu ấy và con trai của mẹ xứng đôi chừng nào!”.
Bà Từ liếc nhìn anh, mắng: “Có ai lại tự chê bai chính mình như con chứ?”.
“Mẹ, con nói thật chứ không thêm bớt gì đâu!”. Từ Văn Diệu cười. “Tính tình của con có khác gì cha, mẹ còn lạ gì nữa ạ? Bề ngoài nhìn rất ôn hòa nhưng cứ sống cùng thì rõ, hiếm ai đủ bản lĩnh chịu được con lắm!”.
Nhân lúc bà Từ trầm ngâm suy nghĩ, anh bèn nắm lấy cơ hội: “Mẹ, mẹ là người thấu tình đạt lý, nên đừng vì giận chuyện con không lấy vợ mà trút hết lên đầu Tiểu Tranh được không ạ? Chẳng phải vì cậu ấy mà con không chịu kết hôn, căn bản tại con không muốn con gái nhà người ta phải khổ. Mẹ xem, đến cả người cố chấp như cha còn thấy người ta rất được, lẽ nào mẹ lại không tin vào cha sao?”.
Bà Từ đã nguôi giận nhưng vẫn im lặng.
Từ Văn Diệu cười tủm tỉm, dịu dàng nói: “Để cậu ấy tới đây cho mẹ nhìn mặt, gặp mặt rồi mẹ sẽ không thiệt thòi gì đâu, rồi gia đình mình cùng nhau đón năm mới vui vẻ, được không mẹ?”.
“Thằng ranh này, chỉ có những lúc thế này thì miệng lưỡi mới ngọt như đường ấy!”. Bà Từ ấn đầu ngón tay vào trán anh, ra vẻ oán giận nói: “Có người yêu liền quên mẹ, câu này áp dụng lên con cấm chẳng sai!”.
“Đâu có ạ!”. Từ Văn Diệu ôm lấy vai mẹ, cười nói: “Con trai đâu dám quên mẹ chứ”.
Từ Văn Diệu thấy mẹ mình đã đồng ý liền lập tức gọi điện cho Vương Tranh, bảo rằng tướng quân hạ lệnh, bảo cậu mau mau gói ghém hành lý bay sang đây gấp. Vương Tranh cười châm biếm trong điện thoại nói chỉ sợ là anh đang giả truyền thánh chỉ thì sao? Từ Văn Diệu cười chả chút ngượng ngùng chỉ trả lời cậu là một nửa một nửa thôi, tối nằm ngủ không được ôm Vương Tranh cảm thấy trống trải quá, rõ ràng là giường vốn nhỏ nhưng cứ thấy rộng thênh thang.
Vương Tranh nghĩ bụng ông Từ đối với cậu rất tốt, bây giờ ông nằm viện, cậu qua đó thăm bệnh cũng là lẽ nên làm. Hơn nữa, cha của Vu Huyên cũng ở cùng một khu đại viện với nhà Văn Diệu. Năm hết Tết đến, để một mình ông cụ đón Tết cũng không hay lắm. Nghĩ vậy, cậu liền để công việc sang một bên, đi chọn mua một ít quà rồi lên máy bay qua bên đó. Ngày cậu đến, cậu không báo cho Từ Văn Diệu biết mà gọi điện cho ông Vu trước, rồi lặng lẽ một mình đến thăm nhà Vu Huyên. Ông Vu lâu lắm mới gặp được cậu, vừa gặp đã mừng rỡ, gọi tài xế chở hai người tới nghĩa trang ở ngoại ô thăm Vu Huyên.
Vương Tranh mua mấy cành Thủy Vu[1] duyên dáng xinh đẹp đặt trước mộ Vu Huyên, lặng lẽ ngắm nụ cười tươi tắn lúng liếng lúm đồng tiền của cô trong tấm ảnh trên bia mộ, đoạn lại quay sang nói với ông Vu: “Cháu thấy Tiểu Huyên nhà mình nhìn rất có khí chất của một minh tinh ạ”.
Ông Vu nhướn mày, đắc ý nói: “Đương nhiên, con gái ta thừa hưởng hết ưu điểm của ta và mẹ nó mà!”.
“Bình thường cô ấy không chịu làm đẹp”, Vương Tranh mỉm cười. “Nếu chịu khó trang điểm và mặc quần áo đẹp thế nào cũng có rất nhiều người theo đuổi cho mà xem!”.
Ông Vu thở dài thườn thượt, lắc đầu nói: “Vô dụng thôi, bó tay với con bé này, nó mà thích ai rồi thì yêu tới chết mới thôi. Đúng là ngốc mà!”.
Vương Tranh vươn tay sờ bức ảnh lạnh giá trên tấm bia cẩm thạch, nước mắt chợt lăn dài, vội lấy mu bàn tay lau đi, nhỏ giọng nói: “Cháu lẽ ra phải luôn trông chừng cậu ấy!”.
“Nhiệm vụ không hoàn thành của người cha đó sao lại có thể trút lên vai cháu được?”. Ông Vu nhàn nhạt nói: “Cháu cũng ngốc hệt nó vậy! Thôi, tới đọc thơ cho nó nghe đi, không phải cháu nói nó thích nghe sao? Ta chẳng bao giờ đọc thơ, đọc cũng không ra được, cháu hãy ngâm một bài thơ để nó được vui lòng”.
Vương Tranh gật đầu, nói: “Dạ, cháu sẽ đọc ạ”.
“Cháu đọc đi!”.
Vương Tranh dịu dàng cất tiếng: “Đôi ta không nói lời từ tạ; cứ âm thầm sánh bước bên nhau; trời chiều hanh hao bóng hoàng hôn đó; em trầm tư, anh lặng im không nói. Đôi ta đi vào giáo đường; thấy người ta cầu nguyện, đang rửa tội và kết hôn. Bọn mình đến nghĩa trang; ngồi trên mặt tuyết, nhẹ nhàng thở dài; anh lấy que vẽ cung điện, nơi tương lai chúng mình mãi mãi ở bên nhau.”[2]
“Nghe hay quá!”.
“Vâng ạ, là thơ của Akhmatova”. Viền mắt Vương Tranh một lần nữa ngân ngấn nước, đã cố gắng nhưng không thể, lệ vẫn trào ra, một đỗi lâu sau mới miễn cưỡng nói tiếp: “Cháu xin lỗi vì đã thất lễ!”.
Ông Vu không nói gì, khoác tay lên vai cậu, đưa mắt ngắm nhìn chân dung cô gái nhỏ, sau đó vỗ vỗ lên vai cậu rồi dịu dàng nói: “Về thôi cháu!”.
Hai người một trước một sau chậm rãi rời khỏi nghĩa trang, trước khi lên xe, hai người không hẹn mà cùng dừng lại, cùng quay đầu nhìn về hướng bia mộ của Vu Huyên.
“Ta là người theo thuyết Vô thần, không tin vào mấy trò thần Phật hư vô không có thực này, nhưng có đôi lần lại nghĩ, nếu như thật sự có kiếp sau chắc là Tiểu Huyên nó sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc hơn kiếp này chứ?”. Ông đưa đôi mắt đầy trông mong nhìn Vương Tranh, như muốn tìm thấy một lời an ủi. “Liệu con bé có vui vẻ hơn bây giờ không?”.
“Tất nhiên rồi ạ!”. Lòng Vương Tranh đau xót khôn chừng nhưng vẫn cố an ủi, gật đầu nói: “Nhất định là như thế!”.
Trên đường về hai người không nói chuyện gì cả. Đến khi tới trước cửa nhà họ Từ, ông Vu bảo tài xế dừng xe lại, vỗ vỗ đầu gối nói với Vương Tranh: “Nếu ở nhà ông ấy thấy không vui thì cứ tới chỗ ta, không cần phải cố chịu đựng lão già bướng bỉnh đó. Nếu có gì khó khăn cứ thoải mái tới tìm ta, ta sẽ nói chuyện với họ!”.
Vương Tranh cười đáp: “Bác đừng lo, có Văn Diệu bên cạnh, cháu sẽ không bị ức hiếp đâu ạ”.
“Ừ, coi vậy mà cha mẹ thằng bé không quản được nó”. Khóe miệng ông Vu nhếch lên, nói: “Cháu đi đi, cho ta gửi lời chào họ”.
“Dạ”. Vương Tranh xuống xe, mỉm cười nói: “Tạm biệt bác Vu!”.
“Tạm biệt cháu!”.
Vương Tranh đứng nhìn cho tới khi xe đi khuất rồi mới xoay lưng lại nhìn nhà Từ Văn Diệu. Đây là tòa nhà có từ thế kỷ trước, đúc bằng gạch xanh ngói đỏ, có kiểu dáng rất đẹp, phía trên gác lửng còn có cả mái vòm, trên sân phơi được điêu khắc theo lối Baroque. Nhưng tiếc một nỗi chỗ vốn dĩ phải trồng hoa trồng cỏ lại được xới lên, thay bằng hàng rào tre trúc cùng bao nhiêu là dưa chuột. Bấy giờ đang độ mùa đông, phía trên còn sót lại các thân cây nhưng khô khốc, buông rủ xuống hai dãy mướp khô quắt héo hon. Vương Tranh bất chợt thấy căng thẳng, cố hít sâu một hơi, bỗng dưng thấy chuyện mình chẳng báo chẳng rằng cho Từ Văn Diệu hay lại đến đây thế này thật quá đường đột. Trong cốt lõi cậu chỉ là một cậu trai con nhà bình thường, nay lại đột ngột đứng trước cửa gia đình quyền cao chức trọng, lại thấy thấp thỏm áp lực không cách gì hóa giải được.
Cậu đắn đo một lúc rồi đặt va ly xuống, lấy điện thoại ra định gọi cho Từ Văn Diệu, cậu vẫn chưa kịp gọi thì cổng lớn đột nhiên mở tung, từ bên trong một người phụ nữ đứng tuổi đang nổi giận đùng đùng xộc ra, vừa đi vừa ngoái đầu kêu gào: “Tôi mà không vui vẻ hầu hạ ông nữa thì ông làm thế nào, thích thì cứ làm loạn đi! Chừng này tuổi rồi còn không biết tiết chế gì cả! Để xem tới khi không ai lo cho ông, ông còn ngông cuồng được nữa chăng?”.
Vương Tranh ngẩn ra, thì thấy người phụ nữ kia từ trong nhà bước ra rất nhanh về phía mình liền mỉm cười hỏi: “Thưa bác, cho cháu hỏi…”.
Bà đứng khựng lại, thu hồi vẻ mặt tức giận trên mặt, hồ nghi quan sát Vương Tranh: “Cậu tìm ai?”.
“Dạ, cháu tìm Từ Văn Diệu ạ”. Vương Tranh hơi thẹn thùng đỏ mặt, cậu nhìn bà lão tinh thần phấn chấn đang đứng trước mặt, đột nhiên từ lông mày và ánh mắt của bà cậu lại nhìn ra được đường nét hao hao với Từ Văn Diệu. Cậu giật mình, liền dùng lời kính ngữ để thưa: “Cháu xin lỗi vì đã quấy rầy, xin cho cháu hỏi, anh ấy có nhà không ạ?”.
Bà chỉ đứng đó không nói một lời, liếc qua liếc lại quan sát cậu, ánh mắt sắc bén, thần thái vô cùng uy nghiêm. Xưa nay Vương Tranh rất sợ kiểu phụ nữ lợi hại như vậy. Mặc dù mẹ cậu cũng rất cường thế, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một thị dân nhỏ bé. Nhưng người trước mặt cậu lúc này, vừa nhìn liền biết đó là một người lãnh đạo, vô cùng uy nghi, chỉ trong nháy mắt khiến Vương Tranh toát mồ hôi lạnh cả sống lưng, có cảm giác như thể quay lại ngày còn bé, không làm bài tập thì bị thầy giáo bất ngờ kiểm tra.
“Từ Văn Diệu đang ở đây. Cậu tên gì?”.
“Dạ?”. Vương Tranh ngẩn người, lại đáp: “Cháu là Vương Tranh ạ”.
“Chữ Tranh viết như thế nào?”.
“Tranh của tranh tranh thiết cốt ạ[3]!”.
“Nhìn cậu nho nhã thư sinh chẳng hợp lắm với cái tên này!”. Bà cười mà như không cười, nói.
Vương Tranh thoáng nhíu mày, ngay lập tức lại cười đáp: “Cha mẹ khi đặt tên cho con cái thường có ý gửi gắm nguyện vọng tốt đẹp, nhưng khi con trẻ lớn khôn lại thường chọn đi con đường của chính mình, bác nói thế có đúng không ạ? Vì vậy mà tên của cháu có không hợp với người cũng là lẽ thường”.
Bà Từ sắc mặt không đổi, nhàn nhạt nói: “Nói hay lắm. Năm nay cậu bao nhiêu tuổi?”.
“Hai mươi chín ạ!”. Vương Tranh dễ chịu đáp: “Tới tháng Ba sang năm thì tròn ba mươi, quê ở tỉnh XX thành phố G, chỉ là một trấn nhỏ nên chắc bác chưa nghe qua. Cháu học tiến sĩ và sau tiến sĩ ở đại học Z, và đồng thời cũng đang giảng dạy môn Văn nghệ Lý luận Phương hướng của khoa Trung văn, đã xuất bản được hai đầu sách chuyên ngành, đang tham gia chuyên đề quốc gia. Nếu như không có gì trục trặc sẽ thành phó giáo sư trong mấy năm nữa. Những gì bác muốn hỏi cháu đều nói cả rồi ạ”.
Mặt mày bà Từ không còn đanh lại như vừa nãy nữa mà đã mỉm cười, bà vẫn không nói gì, cánh cửa sau lưng lại mở ra. Từ Văn Diệu còn chưa kịp tròng áo khoác vào người đã hối hả chạy tới, vừa nhác thấy Vương Tranh đã ngẩn ra kinh ngạc, vui mừng, rồi vội vàng đỡ lấy hành lý từ tay cậu, lo lắng nói: “Lúc nãy dì Trâu gọi điện anh mới hay là em đã đi rồi, sao không gọi báo cho anh hả? Làm anh sợ gần chết, còn tưởng có chuyện gì không hay xảy ra. Đồ tồi, lần sau không được như vậy nữa!”.
“Xin lỗi, xin lỗi! Vì em muốn ghé thăm Vu Huyên trước. Với lại anh cũng đang bề bộn, em sợ anh không có thời gian ra đón em. Hơn nữa, tới đây mà không đến gặp bác Vu trước thì cũng không được…”.
“Hừ, em chỉ giỏi mượn cớ!”. Từ Văn Diệu bất mãn lườm cậu một cái.
“Không phải là em mượn cớ, nhưng tiên ngoại hậu nội, thân sơ khác biệt”. Vương Tranh cười hì hì đáp lại.
Từ Văn Diệu nhất thời vui vẻ, định xấn tới ôm người yêu thì bà Vương đã đứng một bên hắng giọng. Bấy giờ Từ Văn Diệu mới giật mình, kéo tay cậu mà rằng: “Em đến đây, để anh giới thiệu nào, đây là mẹ anh! Mẹ, đây là Vương Tranh, Tiểu Tranh ạ!”.
“Trong mắt anh còn người mẹ này sao?”. Bà Từ tức giận nhìn con trai, đoạn lại mỉm cười với Vương Tranh: “Tiểu Vương vào nhà đi cháu, Văn Diệu nó sẽ tiếp đón cháu, bây giờ bác có việc phải đi trước”.
“Mẹ đi đâu, muộn rồi, lại sắp tới giờ ăn cơm”. Từ Văn Diệu kéo tay mẹ, nhỏ giọng nói: “Đừng giận cha con làm gì, mẹ còn lạ gì tính cha nữa?”.
“Mẹ không về!”. Bà gân cổ quát lên.
“Tiểu Tranh lần đầu tới nhà, lẽ nào mẹ lại không nể mặt ạ?”. Từ Văn Diệu xoay người nhỏ to khuyên lơn bà Từ: “Người biết chuyện thì hiểu là cha mẹ đã quen như vậy, nhưng còn người không biết lại cho rằng gia đình chúng ta mâu thuẫn bất hòa tới độ không thể hòa giải được”.
Bà Từ mềm lòng, Từ Văn Diệu tức khắc ôm bà kéo vào nhà, đoạn lại quay đầu lại ra hiệu bằng miệng với Vương Tranh: “Theo anh!”.
Vương Tranh mỉm cười bước theo hai mẹ con. Vào nhà, cậu liền tới gặp ông Từ. Ông thấy cậu thì rất vui vẻ, niềm nở bắt chuyện, lại sai người mang trái cây cho cậu. Vương Tranh biếu cho ông một lọ trà Vũ Tiền[4] khiến ông càng cao hứng, như con nít được quà mà liền tay mở ra xem. Hai người hàn huyên hồi lâu, đại đa số thời gian đều là ông Từ chỉ dạy còn cậu khiêm tốn lắng nghe. Trước đây Từ Văn Diệu vẫn thường mượn lời cạnh khóe ông mấy câu nhưng sau khi ông đổ bệnh lại không dám nữa. Giữa lúc hai người đang nói cười vui vẻ thì người vú già vừa lau tay vào tạp dề đi đến: “Cơm đã nấu xong rồi, ông và hai cậu vào ăn thôi”.
Ông Từ đứng dậy, Từ Văn Diệu muốn qua bên đó dìu ông nhưng lại bị ông đẩy ra, tự mình bước chầm chậm vào phòng ăn, dáng lưng vẫn thẳng tắp như trước. Vương Tranh nhìn anh mỉm cười, nói: “Xem ra bác đã hồi phục rất tốt!”.
“May là được vậy!”. Từ Văn Diệu thở dài, nắm chặt tay cậu rồi không ngừng ve vuốt: “Anh nhớ em quá!”.
“Em cũng vậy!”.
Hai người nhìn nhau cười, tính nhân lúc vắng vẻ nói chút lời người yêu thương thì đùng một cái từ trong phòng ăn truyền ra tiếng đập bàn, liền sau đó là giọng phẫn nộ của ông Từ: “Lại cho tôi ăn mấy thứ này, dù có nuôi heo cũng phải cho nó ăn mặn chứ? Có phải không? Bác sĩ nói? Lời bác sĩ là thánh chỉ à? Còn lời tôi chỉ như gió thoảng bên tai thôi hả? Tôi còn chưa từ chức về hưu đó! Hôm nay tôi nói cho các người biết, nếu không đổi khẩu phần ăn cho tôi thì không yên với tôi đâu! Để tôi thử xem, tiếng nói của mình còn có giá trị gì với cái nhà này nữa hay không!”.
Từ Văn Diệu và Vương Tranh vội vàng chạy sang bên đó, thấy ông Từ mặt mày đã đỏ au vì giận, khoanh tay đầy uy nghi, tư thế với vẻ nếu ai dám không nghe mệnh lệnh của ông thì chết không tha. Phía bên kia bàn thần sắc bà Từ cũng đã xám đi. Người vú già thì càng im như thóc. Hai binh sĩ trẻ mặc quân trang cũng không dám ho he gì.
Từ Văn Diệu mỉm cười nói: “Cha, cha lại tức giận nữa rồi, coi chừng lại lên huyết áp nữa. Thôi, ngồi xuống nào, có gì từ từ nói!”.
“Nói cái rắm!”. Ông Từ tức giận quát. “Xem lời tôi nói chẳng là cái đinh gì hết, muốn tạo phản hả? Để xem ai có gan đó!”.
Bà Từ nóng nảy đứng bật dậy quát lên: “Ông thế này là sao, tôi chẳng phải vì muốn tốt cho ông hay sao hả? Lúc nào cũng làm như phát xít quân phiệt vậy…”.
“Mẹ, mẹ đừng cãi nhau với cha nữa được không?”. Từ Văn Diệu cũng hét lên, quay đầu liếc nhìn Vương Tranh tỏ ý xin lỗi rồi xoay người nhìn mẹ mình: “Cha chỉ mới xuất viện vài ngày, chẳng gì quan trọng hơn sức khỏe của cha cả!”.
Bà Từ im lặng, bực mình ngồi xuống. Từ Văn Diệu mềm mỏng lựa lời nói với ông Từ: “Cha, cha ngồi xuống đi, những món này không hợp khẩu vị của cha, chúng ta cùng nghĩ cách điều chỉnh nó, nhưng con có ba đầu sáu tay cũng không đổi kịp. Hôm nay cha cố chịu đựng một chút nhé?”.
Ông Từ lạnh lùng hừ một tiếng: “Anh với mẹ anh cũng như nhau cả thôi, đều không cho ta ăn cái gì ngon một chút”.
“Con”. Từ Văn Diệu bị cha chen ngang nghẹn họng tới mức chút nữa là định bật ra từ “mẹ nó”, cuối cùng đành nhẫn nại, bất lực nói: “Được được, cha thích nói gì cũng được, giờ cha ăn bữa cơm này đã, mọi người cùng trật tự ăn cho xong bữa này rồi nói tiếp, nhé?”.
Ông Từ cứ nằng nặc không nghe, lại tức giận nạt: “Đừng có ở đây mà giảng hòa vô lối nữa, việc ngày hôm nay chẳng phải chỉ đơn thuần là một bữa cơm cho qua chuyện, nó còn liên quan tới vị thế của ta, là việc vô cùng hệ trọng!”.
Từ Văn Diệu lúc này cũng muốn phát hỏa rồi, Vương Tranh vội vàng ngăn anh lại, cúi đầu nhìn bàn ăn, thấy các món ăn vô cùng phong phú, có gà có thịt, nhưng để ở trước mặt ông Từ chỉ có một bát giá xào, một bát cải trắng kho với phù chúc[5], lạt lẽo tới mức dường như không một gợn mỡ. Cậu khẽ thở dài, xoay người hỏi người vú già: “Nhà mình còn đồ ăn chưa chế biến không ạ?”.
“Còn vài củ niễng[6], cà tím và một ít thịt thăn”.
Vương Tranh mỉm cười thưa với bà Từ: “Thưa bác, trong trường cháu cũng có vị giáo sư mắc chứng cao huyết áp như bác trai, ông ấy vẫn thường nói với cháu là ăn một ít thịt và cá tươi cũng rất cần thiết. Nếu hôm nay không có món nào vừa miệng bác trai, không bằng làm thêm hai món khác, được không bác?”.
Bà Từ biết Vương Tranh có ý giảng hòa, nên dù có đang tức giận nhưng cũng sợ ồn ào quá mọi người nhìn vào lại không hay đành nói: “Làm phiền cậu!”.
Vương Tranh cười đáp: “Vậy để cháu nói với vú một tiếng”. Nói xong cậu liền xắn tay áo, đi theo người vú già vào bếp. Một lát sau bên trong đã vang lên tiếng cắt thái đồ ăn. Chưa đến mười phút sau, người vú già bưng một đĩa niễng xào thịt bằm lên bàn, một lát sau Vương Tranh lại mang thêm bát cà tím om thịt ra, làm cả nhà thơm lừng mùi thức ăn.
Tuy tay nghề nấu nướng của Vương Tranh không sành sỏi nhưng các món gia đình nấu mãi thành quen, cũng tự rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa hai món ăn này đều dậy mùi thịt nhưng thực ra lại chẳng cho vào bao nhiêu, khiến ông bà Từ vừa nhìn cũng phải miễn cưỡng hài lòng, rồi coi như nể mặt cậu lần đầu tới nhà mà khen một tiếng.
Cuối cùng bữa cơm cũng bình an mà qua. Sau giờ ăn, Từ Văn Diệu và Vương Tranh ngồi hầu chuyện với hai ông bà. Từ Văn Diệu nhác thấy Vương Tranh cứ díu mắt lại mãi, biết người yêu đã mệt, liền nói với cha mẹ mình: “Tiểu Tranh đi cả ngày nay mệt rồi, con đưa cậu ấy lên nghỉ ạ!”.
“Ừ đi đi”. Bấy giờ bà Từ đã không còn thấy khó chịu với Vương Tranh, bất tri bất giác xem cậu là khách mà tiếp đãi, bà nhìn Vương Tranh cười, nói: “Cháu đi nghỉ ngơi sớm đi, sáng mai bảo Văn Diệu đưa cháu đi dạo”.
Vương Tranh cũng thấy đầu óc mụ mị, không còn sức chống cự được nữa, bèn lễ phép đáp: “Vậy cháu sẽ không khách sáo ạ. Hai bác cũng nghỉ ngơi sớm ạ!”.
“Cháu cứ đi đi!”. Ông Từ vung tay phê chuẩn.
Vương Tranh theo Từ Văn Diệu lên lầu, vào một phòng ngủ có sẵn nhà vệ sinh, được bày trí đơn giản sạch sẽ. Hành lý của cậu đã để ở trên giường. Cậu vừa mở miệng đã bị Từ Văn Diệu ôm chặt lấy eo, sau đó trên cổ nóng lên, rồi môi anh tìm tới. Vương Tranh nhắm mắt, cảm nhận nụ hôn ấm nóng đang lướt trên mặt và dái tai mình, sau đó cả người cậu bị lật lại, môi anh liền phủ xuống môi cậu.
Vài ngày không gặp, cậu cũng rất muốn Từ Văn Diệu, lúc này tuy rất mệt nhưng vẫn không nỡ đẩy anh ra, đành dựa hết cả lên người ôm lấy cổ anh, mặc môi anh làm loạn. Vào đúng lúc trước khi cậu không còn thở nổi nữa, anh cũng chịu buông cậu ra, nhìn cậu bằng đôi mắt sâu hun hút, tận trong đáy mắt ánh lên những tia lửa dục vọng. Vương Tranh đã ở bên anh lâu như vậy, biết quá rành ánh nhìn này có ý đồ gì, vội đẩy anh nói: “Đừng, hôm nay em mệt lắm!”.
“Anh biết mà. Cục cưng yên tâm, anh không làm gì hết, để anh giúp em tắm rửa”. Từ Văn Diệu hắng giọng, ôm người yêu vào phòng tắm, mở nước nóng, cởi quần áo của cậu ra, sau đó là cởi của chính mình. Vương Tranh mềm rũ người, mặc anh làm gì thì làm, cảm nhận anh thay mình dội nước nóng lên trên người và xoa sữa tắm, dầu gội đầu. Cậu cảm giác hôm nay Từ Văn Diệu vô cùng dịu dàng, dù thứ đang dán sát vào mông cậu đã cương cứng nhưng lại không làm gì quá trớn, chỉ thật thà giúp cậu tắm táp.
“Anh…”. Vương Tranh nắm tay anh. “Hôm nay anh sao thế?”.
“Không sao cả, chỉ là muốn chăm sóc cho em thôi!”. Từ Văn Diệu lại hôn cậu, luồn tay vào giữa hai chân cậu, hòa cùng bọt xà phòng nhẹ nhàng xoa nắn. Vương Tranh bị anh làm cho thở gấp, cả người tê dại, suýt đứng không vững, ôm chặt lấy anh mà chống lại từng đợt khoái cảm đang trào dâng, tới khi đến cao trào chẳng kìm được mà bật ra tiếng rên nức nở.
Việc xong, Vương Tranh thở dốc liên hồi. Hiện tại dù cơ thể cậu đã mềm nhũn nhưng trong lòng lại cháy bùng lên ngọn lửa khao khát được thỏa mãn bản thân, đoạn cúi đầu nhìn xuống hạ thân anh, rõ ràng cũng đang gào thét vậy mà cứ giả vờ đứng đắn giúp cậu tắm lại nước sạch. Vương Tranh miệng lưỡi khô khát, nhất thời không kìm chế được, quay sang đỏ mặt hỏi: “Anh, chẳng lẽ anh không muốn à?”.
Từ Văn Diệu ánh mắt nồng nàn, đầy mê mẩn, ngắm nhìn cơ thể trắng nuột của cậu, cố nuốt trôi nước bọt, khó khăn đáp: “Em mệt rồi, hôm khác chúng ta lại…”.
Vương Tranh đột ngột dâng lên cảm giác bất mãn, cậu cười cười, chầm chậm ép sát vào Từ Văn Diệu, để cho anh ôm lấy mình từ phía sau, rồi nhẹ nhàng ma sát, quay đầu nhìn anh bằng cặp mắt ngấn nước. Trong phòng tắm hơi nước mù mịt lượn lờ, khuôn mặt xinh đẹp của Vương Tranh đỏ bừng, hơn nữa còn bày ra tư thế gọi mời, khiến Từ Văn Diệu cảm thấy đầu mình choáng váng, rồi cũng không thèm quan tâm đến việc gì nữa. Anh đưa tay ra, một tay ghì lấy eo Vương Tranh, tay còn lại giúp cậu chuẩn bị. Vương Tranh không ngừng thở dốc liên hồi, quay đầu nói: “Vào… vào đi… anh…”.
Từ Văn Diệu chậm rãi dựng cao cờ tiến vào bên trong đường hầm, đợi khi Vương Tranh đã thích ứng thì anh mới dốc sức. Cơn khoái cảm dâng cao khiến Vương Tranh phải bịt miệng lại để không phát ra tiếng, nhưng lại khiến tiếng thở dốc nặng nề thêm, điều đó càng làm cho Từ Văn Diệu hồn phách phiêu lạc xương cốt rã rời, buông bỏ lý trí mà đẩy mạnh tốc độ.
Đợi tới khi anh phát tiết xong, da hai người do ngâm nước nóng quá lâu, nhăn nheo cả lại. Từ Văn Diệu rửa người Vương Tranh, rồi dùng khăn bọc cậu lại, bế về giường, vùi cậu vào trong chăn. Vương Tranh lúc này mệt đến mức mắt cũng không mở nổi, vùi đầu vào ngực Từ Văn Diệu, mơ hồ ngủ thiếp đi. Trong lúc mơ màng, cảm thấy anh đang hôn mình, dịu dàng nói: “Cảm ơn em! Cục cưng, cảm ơn tất cả những gì em đã làm hôm nay!”.
Vương Tranh tính nói đó chẳng qua chỉ là hai món ăn bình thường, nhưng vì mệt mỏi quá lại chỉ cọ mặt vào lòng anh, ngủ thiếp đi.
Từ Văn Diệu mỉm cười nhìn người trong lòng, vuốt tóc cậu, lòng thấy an bình, đầy đủ và sung túc. Anh biết đối với Vương Tranh mà nói, chuyện cậu làm hôm nay chỉ là lẽ thường nhưng với anh đó là cách cậu biểu đạt tình yêu của mình dành cho anh.
Tình yêu nghĩa là yêu ai yêu cả đường đi lối về, không xem bản thân như một người ngoài cuộc.
Trong đêm đó Từ Văn Diệu ôm lấy Vương Tranh đột nhiên nhớ tới bốn chữ đã nhìn thấy rất lâu trước đó “Phu phục hà cầu[7]”! Anh nghĩ quả đúng như vậy, khi một người thật sự hiểu được điều quý giá mà bản thân mình có được, sẽ có cảm giác cuộc sống bỗng nhiên tràn đầy hạnh phúc biết dường nào.
Chỉ cần ôm cậu, song hành cùng nhau thì cảm giác hạnh phúc đó sẽ mãi tồn tại.
Bốn năm trước,
Ai lướt vai ai qua trời ly biệt
Để cây bật gốc để nhánh gãy tàn.
Bốn năm sau,
Ai hạnh ngộ ai giữa trời nắng ấm
Cho cây bén rễ cho nhánh bắt nguồn.
Thời niên thiếu đó, anh đã đập tan giấc mơ hạnh phúc của người khác để rồi chân mang xiềng xích, lưng vác tội nghiệt, một mình đi giữa băng nguyên hoang vu tịch mịch.
Tuổi trưởng thành ấy, cậu gặp lại anh, cùng nhau mơ về một nhánh cây nảy nở bên ngoài hiện thực của định mệnh vốn đã héo tàn, hai người không phải trơ trọi giữa tận cùng cô độc.
Nhưng liệu có thật, khi cây sinh trưởng sẽ hướng số phận rẽ theo một con đường khác, có hoa vàng nắng mới, hay chỉ là một bước ngoặt đưa đẩy nhau vào vùng quá khứ tối tăm giăng mắc gánh nặng tình duyên tội nghiệt?
Chú thích
[1] Thủy Vu hay còn gọi là Hoa Rum là một thành viên trong họ thực vật hoa kèn. Hoa Thủy Vu có ý nghĩa vẻ đẹp lộng lẫy nên thường hiện diện trong các bó hoa cầm tay của cô dâu. Tuy thường được sử dụng trong các đám cưới biểu tượng cho sự thuần khiết, nhưng Thủy Vu còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự hồi sinh nên hay được trồng xung quanh các ngôi mộ, và hiện diện trang trọng ở các đám tang.
[2] Bài thơ “Мы не умеем прощаmься” (tạm dịch Đôi ta không nói lời từ tạ) của Anna Akhmatova.
[3] Tranh là một từ tượng thanh, ý chỉ tiếng leng keng thanh thoát, hoặc muốn nói tới sự sáng bóng của kim loại. “Tranh tranh thiết cốt” có thể hiểu nôm na là một người cương trực, có cốt cách kiên cường bất khuất
[4] Loại trà hái vào lúc sau tiết Thanh Minh, trước tiết Cốc Vũ.
[5] Phù chúc hay còn gọi là tàu hũ ky hoặc váng đậu là một sản phẩm làm từ đậu nành. Trong quá trình nấu đậu, một lớp đậu mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt nồi sữa đậu. Người ta sẽ vớt lớp màng mỏng này và phơi khô để thành phù chúc.
[6] Củ niễng còn có tên gọi khác là bạch thục linh thường mọc ở ven bờ ao, hồ, đồng ruộng… Thân cây cao từ 5-60 cm, phần dưới gốc thân cây thường phình to, có nhiều nhánh rễ con gọi là củ. Cứ đến độ cuối tháng Chín, đầu tháng Mười âm lịch là bắt đầu mùa thu hoạch củ niễng. Ở nước ta, cây được trồng ở bờ ao, ven hồ, ao cạn nước còn bùn nhão hoặc ruộng nước, phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ như ở Hà Nội (vùng ngoại thành), Thái Bình (Vũ Thư), Nam Hà (Đồng Văn), Lâm Đồng (Đà Lạt).
[7] Nguyên tác: 夫复何求. Ý muốn nói: Đã có được điều mình muốn, không còn điều gì đáng để theo đuổi, mong muốn nữa. Phát xuất từ bốn câu thơ mà các cặp đôi yêu nhau dùng để thề nguyền: “的执子之手,与子共著。执子之手,与子同眠。执子之手,与子偕老。执子之手,夫复何求?” (Tạm dịch: Nắm lấy tay người, bên nhau trọn kiếp. Nắm lấy tay người, cùng người say giấc nồng. Nắm lấy tay người, bên nhau đến khi đầu bạc. Nắm lấy tay người, chẳng còn mong ước gì hơn?). Bốn câu thơ trên lại được biến tấu từ hai câu “执子之手, 与子偕老” (Tạm dịch: Nắm lấy tay người, bên nhau đến khi đầu bạc) trong bài Kích cổ – Bội phong của Kinh Thi.