Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 32
T
rích Những Tên Biệt Kích Cầm Bút
Căn phòng nhỏ của Kiên Trinh lại trở nên náo nhiệt với các loại tiếng ồn ào quen thuộc, thân thương: Những chiếc máy đánh chữ đang mổ liên hồi để hoàn thành gấp bản báo cáo kết thúc vụ án, xen lẫn những câu chuyện mà những trinh sát vui miệng kể cho nhau nghe.
Hồng Sơn dí dỏm:
- Nếu cho Hoàng Hải chỉ là nhà văn, nhà thơ gì đó, quả là chưa đủ. Phải tính thêm hắn vaò danh sách soạn giả kiêm diễn viên! Thủ vai chính trong vở kịch trá hàng, hắn đến công an thành phố nhằm đánh lạc hướng mũi nhọn điều tra vào họa sĩ Ý Nhi. Vở kịch không thành công. Hôm bị bắt, hắn lại chuyển sang đóng vai cải lương. Buồn cười là khi bọn mình vào nhà "hỏi thăm" hắn thì hắn nói nghe tỉnh rụi:
- Trời! Tôi chờ các anh đã mấy ngày nay rồi. Tưởng đâu các anh đến sớm hơn chớ!
Chẳng lẽ giờ G của kế hoạch phá án được chuyển dời, mấy tướng nhà mình cứ thấp thỏm sợ lọt mất hắn nên bám quá sát khiến hắn ngửi thấy tấm lưới bủa vây.
Hắn lại tỏ ra "thanh thản" lúc phải "khăn áo ra đi". Hắn vừa vẫy tay, vừa nói lời từ biệt vợ: "Thôi… anh ra đi lần thứ hai nghe em.."
Nhiều tiếng cười cùng cất lên một lúc khi một số trinh sát hình dung lại điệu bộ và lời nói "rất chi là cải lương" ấy của Hoàng Hải.
Quý bạn vừa đọc một đoạn trong hai trang 195-196 chương XXII, quyển "Những tên biệt kích cầm bút". Anh cu Hoàng Hải bị kể phạm tội "trá hàng" và có lời nói "rất chi là cải lương" khi anh bị công an Việt cộng, hai giờ sáng đến nhà dựng cổ dậy, đọc lệnh bắt và sau đó "khăn áo ra đi"
Nhiều tiếng cười cùng cất lên một lúc khi một số trinh sát hình dung lại điệu bộ và lời nói "rất chi là cải lương" ấy của Hoàng Hải. Bọn đầu trâu, mặt ngựa tỏ ra sung sướng, khoái lạc với việc đi bắt người cho vào tù. Chúng thích thú khi thấy người khác sợ hãi, đau khổ. Giống như bọn văn nô ca tụng việc Đảng giết người, bọn công an cộng sản nhẩy múa, ca hát trên xiềng xích và trên xác chết những nạn nhân của chúng, những đồng bào của chúng:
Ông cha ta có câu:
Một đời làm lại
Bại hoại ba đời…
đời chúng ta có câu:
Một đời cộng sản
Tàn mạt ba đời…
Tôi, người mang cái tên Hoàng Hải "rất chi là cải lương" là công tử bột, con nhà thông phán, nhưng quán tính con nhà Tổng đốc, con nhà Thượng thư, tôi ăn chơi, chưng diện không bằng ai, nhưng tôi có cái tật tôi rất khó chịu khi tôi làm việc gì rởm, lố bịch, không được thanh lịch hay khi tôi bị người khác chê cười, chọc quê, cho là quê, rởm. Vì vậy, tôi coi lời hai cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên diễn tả tôi "có điệu bộ và lời nói rất chi là cải lương" là lời mạ lỵ tôi nặng nhất trong tất cả những trang Những tên biệt kích cầm bút viết về tôi.
Hai giờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 1984, chừng 10 tên công an thành Hồ kéo vào nhà tôi. Đọc lệnh bắt, khám xét, làm biên bản, khoảng 5 giờ sáng, chúng đưa tôi ra khỏi nhà.
Chỉ có vợ chồng tôi sống trong căn nhà nhỏ Cư xá Tự Do trước cửa hồ tắm Cộng Hòa, Ngã ba Ông Tạ. Tháng 11 năm 1977, khi công an Thành Hồ đưa xe bông đến nhà rước tôi đi lần đầu, Alice ở lại nhà một mình, lần thứ hai, nửa đêm, chúng đưa xe bông đến nhà đưa tôi đi, Alice cũng ở nhà một mình.
"Hắn lại tỏ ra ‘thanh thản’ lúc phải khăn áo ra đi". Tôi phải nhận cớm cộng diễn tả đúng tâm trạng vợ chồng tôi lúc ấy. Chúng tôi cũng buồn, cũng ngao ngán, nhưng chúng tôi "bình thản" vì chúng tôi biết trước việc bắt bớ sẽ xẩy ra, việc tôi bị tù đầy bắt buộc phải có, không tránh được, việc tôi bị bắt là tự nhiên, hợp lý. Chúng tôi đã làm những việc chúng tôi phải làm, chúng tôi biết rõ là làm những việc đó bọn công an Thành Hồ không để cho chúng tôi yên.
Nếu tôi viết: ".. Đêm chúng đến nhà bắt tôi lần thứ hai tôi thanh thản ra đi.." trong các bạn có thể có bạn nghĩ: "Anh này dzóc. Công An ViXi nó nửa đêm đến nhà còng tay dẫn đi, sức mấy mà ra đi thanh thản.." Nhưng chính bọn Công An ViXI viết như thế về tôi.
Một người bạn nói: "Viết tả lại những vụ Việt cộng bắt người ngoài những thủ tục như đọc lệnh, còng tay, khám xét, moi móc v.v… có lẽ ta nên viết về tâm trạng của người bị bắt…" Tôi đồng ý với anh. Chỉ có điều, nếu tôi tả lúc tôi bị bắt vợ chồng tôi bình thản nhiều bạn đọc có thể sẽ không tin. May cho tôi là cớm cộng đến bắt tôi đêm ấy xác nhận "hắn lại tỏ ra ‘thanh thản’ lúc ra đi..."
Và đây là việc tôi làm, lời tôi nói với Alice trước khi tôi xách túi theo bọn đầu trâu, mặt ngựa ra khỏi căn nhà tình ái của chúng tôi.
Nhớ lại lần trước vào Số 4 Phan Đăng Lưu, tôi bị lấy mất cái dây nịt thắt lưng - cái dây lưng Mỹ, hai mặt đen, nâu, đẹp nhất, vừa nhất, tôi ưa nhất - nên lần này khi sửa soạn ra đi tôi cởi dây lưng để trên bàn. Dây lưng đó của tôi thuộc loại to bản theo kiểu 1970, có cái khóa to và nặng, khi đặt lên bàn phát ra một tiếng kịch.
Tôi nói bốn câu với Alice trước khi ra khỏi nhà:
- Anh bỏ không hút thuốc nữa. Khi được thăm nuôi, đừng gửi thuốc lá cho anh.
Tôi hôn nàng. Và đây là câu nói thứ hai:
- Anh dâng đời anh lên Thiên Chúa.
Đây là câu thứ ba:
- Anh sẽ về với em.
Tôi cầm tay nàng:
- Đi với anh ra cửa
Khi tên trưởng đội ra lệnh đưa tôi đi, bọn công an ra ngoài đứng quanh chiếc xe ô tô đã mở sẵn cả bốn cửa. Nhưng một tên vẫn đứng trong cửa nhìn chừng chúng tôi. Khi tôi dắt Alice ra đến hàng ba, tên đứng cửa nghe được câu tôi vừa nói với Alice, hỏi tôi:
- Anh nghĩ là anh còn có thể trở về được cái nhà này à?
Đây là câu tôi trả lời hắn:
- Tôi còn sống thì tôi còn trở về chứ.
Câu "Trời…. Tôi chờ các anh đã mấy ngày rồi…" là câu cớm cộng bịa. Tôi không nói câu đó.
Người tù bị bắt nửa đêm ở nhà, tảng sáng bị còng tay đưa đi, đi một chuyến đi âm u không biết ngày về, đi theo lũ cai tù tàn bạo, ác ôn nhất lịch sử, người tù ấy hôn vợ và nói với vợ:" Anh sẽ về với em.." Chỉ có bọn công an cộng sản mới thấy việc làm và lời nói đó của người tù "rất chi là cải lương.." Nếu chúng không thấy như thế chúng không phải là công an cộng sản.
Sáu mùa lá rụng sau, một sáng đầu xuân tôi trở về mái nhà xưa lần thứ hai. Ông bạn ở sát nhà tôi sang thăm. Ông kể lúc tôi bị đưa ra khỏi nhà, ông đứng bên cửa nhà ông và ông nghe rõ tiếng tên công an hỏi tôi và câu tôi trả lời. Ông nói:
- Thằng đó nó hỏi ngu quá. Người ta còn sống thì người ta trở về chứ. Chúng nó muốn giam người ta cho đến chết sao.
Hai bà trong cư xá, buổi chiều ngồi nói chuyện với nhau trên hiên nhà cho mát, một bà nói khi tôi đi ngang:
- Chúng nó muốn giết người ta nhưng đâu có được. Còn có Trời nữa chứ!
Chuyến đi kéo dài sáu năm, năm năm sống quanh quẩn giữa những bức vách phòng tù, những hàng song sắt, một năm ở trại lao cải. Tôi đã làm đúng lời tôi hẹn với vợ tôi buổi sáng tháng Năm xa xưa khi tôi ra đi: "Anh sẽ về với em.." Sáu năm sau tôi trở về với nàng.
Thực ra, ngay khi tôi còn ở trong Thánh thất Chí Hòa, đọc vài trang NTBKCB do vợ con tôi gửi được vào cho tôi, tôi thấy tức cười nhiều hơn là sợ hay hờn giận. Các con tôi đọc những trang NTBKCB viết về bố mẹ chúng chúng cười lên hô hố. Tôi dám chắc người nào đọc NTBKCB cũng phải cười, vì họ thấy bọn Công An Việt Cộng viết về chúng tôi "kỳ" quá, không có qua một điểm nào giống chúng tôi..
… Về phần Hoàng Hải, người vợ như một dòng sông mà hắn có thể ngụp lặn, tắm mát thỏa thích sau những ngày bon chen vất vả. Thân hình đầy đặn, sung mãn của người phụ nữ sinh trưởng ở đồng bằng Nam Bộ cộng với khuôn mặt sắc xảo phảng phất những nét Tây phương đã nâng nhan sắc của bà ta lên trên mức bình thường…
Đó là lời hai anh Cớm Cộng Nam Thi-Minh Kiên viết về Alice, vợ tôi, trong Những Tên Biệt Kích Cầm Bút. Một đêm trong Phòng 10, Lầu Ba, Khu ED, Lầu Bát Giác Chí Hòa, nằm trong mùng đọc trang báo mới gửi vào lúc ban ngày bằng cách dùng để gói thức ăn thăm nuôi, đọc xong câu trên tôi nói với Trí Siêu Lê mạnh Thát, ngày ấy, tháng ấy, năm ấy hai chúng tôi nằm cạnh nhau:
- Chúng nó viết chửi tôi tàn độc quá, nhưng chúng nó khen vợ tôi đẹp và vợ tôi yêu thương tôi, tôi xí xóa với chúng nó.
Viết ở Rừng Phong, Virginia, Hoa Kỳ, năm 1955.
Sửa lại Tháng Tư năm 2000.