Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 31
S
áng hôm sau khi Giác Tân vào thăm ông nội, ông già hể hả thông báo việc hôn nhân với cháu gái nhà họ Quách đã thu xếp xong rồi. Cao Ðại lão gia cho biết hôn lễ sẽ cử hành hai tháng nữa và đang chọn lịch tìm ngày lành tháng tốt. Ông già bảo Giác Tân cứ việc trao đổi số tử vi của hai người. Lẩm bẩm vâng lời, Giác Tân bước ra thì đúng lúc đó Giác Tuệ bước vào, trên mặt là một nu cười khó hiểu.
Ngay khi Giác Tân về đến phòng riêng thì một tên gia nhân chạy đến cho biết Cao Ðại lão gia bắt chàng trở lại ngay. Chàng vội vàng quay lại thư phòng của ông nội để thấy ông nội đang ngồi trên ghế trường kỷ và la mắng Giác Tuệ, trong lúc Trần Di Thái, mặc quần áo màu lục nhạt, tay áo rộng, mặt bư phấn, tóc chải mượt, ngồi bên cạnh ghế của ông già, và xoa đấm lưng cho ông già. Giác Tuệ đứng trước mật ông già không nói một lời.
"Quân hỗn xược! Một việc như thế mà cũng xảy ra được! Ngươi phải đi tìm Giác Dân và đem nó về đây!" Cao Ðại lão gia quát lên khi trông thấy Giác Tân bước vào. Giác Tân không hiểu gì cả.
Lão gia bỗng bật ho liên hồi và Trần Di Thái gia tăng nhịp đấm lưng và năn nỉ, "Ðại lão gia, Hãy bình tĩnh nào. Ở tuổi của lão gia đừng bận tâm đến chuyện đời nữa. Không đáng cho lão gia đâu!"
Lão già mặt đỏ bừng, thở hổn hển, "Tại sao nó dám bất tuân ta? Không thích vụ mai mối của ta hả? Ngươi hãy đem nó về đây. Ta sẽ trừng trị nó."
Giác Tân lẩm bẩm vâng lời. Chàng bắt đầu hiểu.
"Cho chúng nó đi học là làm hại chúng nó. Ta muốn bọn trẻ chúng bay học với thày đồ ở nhà, nhưng chúng bay không nghe lời ta. Bây giờ hãy nhìn những gì xảy ra đó! Ngay Giác Dân cũng hư hỏng, nó thực sự chống lại ta. Từ nay trở đi không một đứa con trai nào trong họ Cao được đi học trường bên ngoài. Bay nghe rõ chưa?" Ðại lão gia lại lên cơn ho.
Giác Tân đứng đỏ mặt, những lời nói của ông nội đập vào tai chàng như tiếng sấm.
Giác Tuệ đứng bên cạnh anh thì hoàn toàn không suy chuyển. Chàng nghĩ cứ gầm thét đi rồi sẽ lộ ra như một chiếc đèn lồng bằng giấy!
Cuối cùng lão già ngừng ho. Mệt nhoài, lão nằm ngửa ra và nhắm mắt lại. Lão không nói gì một lúc lâu. Lão trông như đang ngủ. Hai anh em vẫn đứng trước mặt lão một cách kính cẩn, chờ đợi. Mãi khi Trần Di Thái ra hiệu cho hai người đi ra, họ liền rón rén đi ra khỏi phòng.
Khi ra đến ngoài, Giác Tuệ nói với Giác Tân, "Nhị ca để lại một mẩu thư cho Ðại ca. Ở trong phòng em. Ðại ca hãy tới đó đọc."
"Em nói cái gì với ông nội? Tại sao em không nói với anh truớc, thay vì vào gặp ông nội? Sao em có thể ngu ngốc thế?"
"Em muốn ông nội biết! Em muốn ông nội nhận thức rằng chúng ta là con người, không phải là đàn cừu để cho bất cứ ai cũng có thể dẫn chúng ta vào lò sát sinh!"
Giác Tân hiểu những lời này cũng nhắm vào chàng nữa. Chàng bị đánh trúng, nhưng chàng chỉ biết âm thầm chịu đau. Dù chàng giải thích thành thực thế nào, Giác Tuệ cũng sẽ không bao giờ tin chàng.
Về đến phòng, Giác Tuệ đưa cho anh một lá thư. Giác Tân không muốn đọc lá thư, nhưng cuối cùng chàng đọc:
*
"Ðại ca,
Em đang làm một điều mà không ai trong gia đình dám làm từ trước tới nay: Em bỏ chạy trốn khỏi một cuộc hôn nhân đã sắp đặt trước. Không ai quan tâm tới số phận của em, vì thế em quyết định bước trên con đường riêng của em một mình. Em quyết tâm chống lại những sức mạnh cổ lỗ đến cùng. Trừ phi anh hủy bỏ hôn ước, em sẽ không bao giờ trở về nhà. Em thà chết. Bây giờ vẫn chưa trễ để cứu vãn tình thế. Hãy nhớ tình huynh đệ của chúng ta và hãy hết sức giúp em.
Giác Dân
Viết lúc ba giờ sáng."
Giác Tân tím mặt. Lá thư rơi từ những ngón tay run rẩy xuống sàn nhà. Chàng thẫn thờ hỏi, "Ta sẽ làm gì? Nó có hiểu cho địa vị của ta không?"
Giác Tuệ nói cứng cỏi, "Không có gì liên can tới địa vị của anh hết. Vấn đề là anh sẽ làm gì để giải quyết chuyện này?"
Giác Tân đứng vội dậy, như thể chàng bị điện giật. Chàng chỉ nói, "Ta sẽ đem nó về."
Giác Tuệ cười lạnh lùng và nói, "Ðại ca sẽ không bao giờ tìm thấy anh ấy đâu."
Giác Tân ngơ ngác lập lại, "Không bao giờ tìm thấy nó."
"Không ai biết anh ấy ở đâu."
Giác Tân năn nỉ, "Nhưng chắc chắn là em biết. Em phải biết. Hãy cho anh biết, nó ở đâu? Xin cho anh biết đi."
Giác Tuệ cương quyết nói, "Em biết. Nhưng chắc chắn em sẽ không cho Ðại ca biết."
Giác Tân nổi giận đòi hỏi, "Em không tin anh hay sao?"
"Ðây không phải là vấn đề tin anh hay không. Cái chính sách bất bạo động và triết lý cây cung cong của anh chắn chắn sẽ đưa Nhị ca vào vòng khốn khổ. Nói tóm lại, Ðại ca quá yếu đuối." Giác Tuệ nóng nẩy nói. Chàng đi đi lại lại trong phòng.
"Anh phải gặp nó. Cho anh địa chỉ."
"Không, tuyệt đối không!"
"Em sẽ phải cho biết. Người ta sẽ bắt em phải nói. Ông nội sẽ bắt em phải nói."
Giác Tuệ lạnh lùng nói, "Em sẽ không cho ai biết! Ngay cả trong cái gia đình này, em không nghĩ họ sẽ tra tấn em." Chàng chỉ biết chàng đang thực hiện một vài biện pháp trả thù gia đình chàng. Chàng không cần biết Ðại ca của chàng có thể phải chịu đựng những gì.
Giác Tân thất vọng bước ra. Nhưng chàng quay lại ngay và nói chuyện với Giác Tuệ một lần nữa, cố gắng tìm ra một kế hoạch. Nhưng chàng thất bại. Chàng không thể đưa ra một nhượng bộ có thể thoả mãn cả Giác Dân và ông nội.
Cuối ngày hôm ấy, một hội đồng gia đình họp trong phòng bà Châu. Hiện diện gồm có bà Châu, Giác Tân, Thụy Giao, Thục Hoa và Giác Tuệ. Giác Tuệ đứng một phía, những người còn lại ngồi đối diện với chàng. Tất cả xin chàng cho biết chỗ ẩn trốn của Giác Dân; họ muốn chàng khuyên nhủ Giác Dân nên quay trở về. Họ đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn hấp dẫn - kể cả một điều bảo đảm nếu Giác Dân trở về thì sẽ tìm ra được giải pháp hủy bỏ hôn ước.
Nhưng Giác Tuệ vẫn cương quyết không nhượng bộ.
Vì không lấy được tin tức gì từ Giác Tuệ, và vì yêu cầu của Giác Dân không thể chấp nhận được, bà Châu và Giác Tân đành phải lo lắng đi tìm Khắc Minh và nhờ ông ta tìm cách hoãn việc trao đổi ngày sinh tháng đẻ vài ngày mà không cho ông già biết. Cùng lúc đó họ phái người đi ra ngoài cố gắng tìm ra chỗ ẩn nấp của Giác Dân.
Cuộc tìm kiếm không có kết quả. Giác Dân ẩn trốn quá kỹ.
Khắc Minh gọi Giác Tân vào thư phòng và giảng cho chàng một bài học - nhưng cũng không có kết quả. Rồi ông thân mật hướng dẫn chàng - nhưng cũng không có kết quả. Giác Tân nhấn mạnh chàng không biết gì về Giác Dân.
Bà Châu và Giác Tân lại tiếp tục áp lực Giác Tuệ. Họ van xin chàng đem Giác Dân về nhà. Họ nói tất cả điều kiện của Giác Dân sẽ được chấp nhận - miễn là chàng phải trở về nhà trước. Giác Tuệ vẫn cương quyết. Nếu chàng không được bảo đảm trước, chàng không tin ai cả.
Bà Châu trách mắng Giác Tuệ rồi khóc. Tuy bà để mặc mấy đứa con chồng được tự do, nhưng bà thực tình quan tâm đến họ. Nhưng hoàn cảnh này quá nghiêm trọng. Bà không muốn một chuyện tệ hại nào xẩy ra cho các con chồng, nhưng bà cũng quân tâm đến danh tiếng của chính bà, nếu chuyện xấu này lọt ra ngoài. Bà không đồng ý thái độ bất kính với cha chú của Giác Tuệ, và rất buồn phiền với việc bỏ trốn của Giác Dân trước quyết định của ông nội. Nhưng dù bà cố gắng thế nào, bà cũng không tìm ra được một giải pháp.
Phải đương đầu với một vấn đề khó khăn, biện pháp duy nhất của Giác Tân là khóc. Chàng biết rằng Giác Dân hành động đúng. Tuy thế không những chàng không thể giúp được em, mà chàng còn giúp ông nội áp bức em nữa. Và bây giờ Giác Tuệ coi chàng như một kẻ thù. Chàng không thể làm vừa lòng ông nội nếu chàng không thể đem được Giác Dân trở về. Nhưng nếu chàng đem được Giác Dân về thì chàng sẽ làm tổn thương Giác Dân trầm trọng.
Không, đó là việc chàng không thể làm được! Chàng yêu quý Giác Dân. Cha chàng đã giao phó hai người em cho chàng trên giường chết. Làm sao chàng nuốt lời hứa với cha, phải yêu thương và chăm sóc hai em? Giác Tân nức nở khóc. Chàng khóc lóc nhiều đến nỗi Thụy Giao cũng phải khóc theo.
Cao Ðại lão gia không hay biết những chuyện này. Ông già chỉ quan tâm lệnh của ông phải được tuân theo, mặt ông nghiêm khắc. Những người khác phải chịu đựng hậu quả gì ông khônmg cần biết. Ông đòi hỏi phải tìm ra được Giác Dân. Ông chửi bới Giác Tân. Ông chửi bới Khắc Minh. Ðôi khi ông còn chửi bới cả bà Châu.
Nhưng tất cả những cơn nóng giận của ông không tạo được sự vâng lời của Giác Dân. Áp lực của ông vô dụng. Giác Dân không có mặt ở đó để chịu áp lực. Ðến bây giờ mọi người trong dinh cơ nhà họ Cao đã biết rõ chuyện rắc rối này. Phải cố gắng lắm mới giữ được câu chuyện không lan rộng ra bên ngoài.
Nhiều ngày trôi qua. Cao Ðại lão gia ở trong một tâm trạng điên giận cáu kỉnh. Một vòng đen tối treo trên đầu gia đình của Giác Tân, trong khi những gia đình khác kín đáo cười khinh bỉ sự không may của chàng.
Một hôm, Giác Tuệ về nhà sau một cuộc gặp bí mật với Giác Dân. Rời người anh đang phấn đấu tuyệt vọng giống như xa rời một thế giới ánh sáng. Dinh cơ nhà họ Cao làm chàng chán nản cùng cực. Thực là một nơi hoang vắng, hay nói đúng hơn, có thể coi là một căn cứ phản động, căn cứ chính của kẻ thù của chàng. Giác Tuệ đi tìm ngay Giác Tân.
Chàng nóng nảy hỏi, "Anh có sẵn sàng giúp Nhị ca hay không? Cả một tuần lễ đã qua rồi."
Giác Tân tuyệt vọng chìa hai tay ra, "Anh có thể làm gì được?" Chàng tự nói với mình: Bây giờ em lại là người lo lắng.
"Anh định để sự việc kéo dài như thế này ư?"
Giác Tân đau khổ nói, "Kéo dài, chẳng có gì cả! Ông nội nói nếu Giác Dân nửa tháng nữa mà không trở về thì nó sẽ không bao giờ được trở về nữa. Ông nội sẽ đăng báo từ Giác Dân."
Giác Tuệ vẫn còn tức giận và chua chát hỏi, "Anh có nghĩ ông nội có tâm địa làm một việc như thế không?"
"Tại sao không? Ông nội cực kỳ tức giận. Ông nội không cho phép lệnh của ông không được tuân theo. Sự chống đối của Nhị đệ không thể thắng được."
"Vậy là anh cũng nói như thế. Thảo nào anh không giúp đỡ Nhị ca!"
"Nhưng anh giúp bằng cách nào?" Giác Tân tự coi là một người đau khổ nhất trên đời. Chàng không có bất cứ một sức mạnh nào.
"Khi cha chúng ta chết, có phải cha đã bảo anh phải chăm sóc cho chúng em không? Cha sẽ rất thất vọng vì anh ngày hôm nay!" Trong mắt Giác Tuệ đã có những giọt lệ tức giận.
Giác Tân không trả lời. Chàng bắt đầu nức nở khóc.
"Em có thể nói cho anh biết nếu em ở địa vị anh, em sẽ không bao giờ yếu đuối và vô dụng như thế. Em sẽ cắt đứt hôn ước với nhà họ Quách chỉ bằng một nhát dao, đó là cách em sẽ làm!"
Cuối cùng Giác Tân ngẩng đầu lên và hỏi, "Thế còn ông nội thì sao?"
"Thời đại của ông nội đã qua rồi. Anh sẽ để Nhị ca thành một vật hy sinh cho thành kiến của ông nội hay sao?"
Giác Tân lại chìm vào im lặng.
Giác Tuệ giận dữ bỏ đi, "Anh là một kẻ yếu đuối!"
Giác Tân ở lại một mình trong phòng, mỗi khốn khổ đè nặng xuống chàng. Cái triết lý "cây cung cong" và chính sách "bất phản kháng' của chàng đã đưa chàng đến thất bại; chàng đã không thể đem lại yên ổn trong gia đình. Trong một cố gắng muốn làm vừa lòng mọi người, chàng đã phải hy sinh hạnh phúc riêng của chàng, nhưng cũng không đem lại cho chàng sự bình an. Chàng đã sẵn sàng chấp nhận cái gánh nặng do người cha đã chết giao phó lại; chàng đã làm mọi hy sinh cho các em trai và em gái. Kết quả là chàng đã đẩy một người em trai đi trong khi người em trai khác mắng chàng là yếu đuối. Chàng phải tự an ủi thế nào?
Sau khi thừ người suy nghĩ như vậy một lúc, chàng cầm bút viết một lá thư tha thiết cho Giác Dân, trinh bày sự chân thành của chàng, và phơi bày mọi khó khăn và hoàn cảnh bi thảm của chàng. Chàng nói đến lòng thương yêu và tình thân mật với các em, và kết luận năn nỉ Giác Dân hãy trở về, vì danh dự của người cha đã chết, và vì sự bình yên trong nhà họ Cao.
Rồi chàng đi tìm Giác Tuệ và nhờ chuyển lá thư cho Giác Dân.
Giác Tuệ đọc lá thư và khóc. Chàng lắc đầu và bỏ lại lá thư vào trong phong bì.
Thư trả lời của Giác Dân dĩ nhiên cũng do Giác Tuệ chuyển giao. Lá thư viết:
*
"Sau khi chờ đợi lâu như thế, em thực sự rất thất vọng nhận được lá thư như thế của anh! Tất cả những gì anh có thể nói là - Hãy trở về, hãy trở về! Khi em viết lá thư này, em ngồi trong một căn phòng nhỏ, giống như một người mới vượt trốn, không dám đi ra ngoài vì sợ bị bắt và nhốt lại vào trong nhà tù cũ. Em muốn nói nhà mình chính là một nhà tù, và cai tù là những người trong gia đình của chúng ta - họ liên kết với nhau để hủy hoại em không thương xót.
"Phải, tất cả mọi người đều muốn em trở về nhà. Việc ấy sẽ giải quyết được sự khó khăn của mọi người. Sẽ có bình yên trong gia đình và một nạn nhân khác sẽ bị hy sinh. Dĩ nhiên mọi người sẽ vui sướng lắm, nhưng em sẽ rơi xuống bể sầu. Thôi, anh hãy quên đi. Em sẽ không về nhà trừ phi yêu cầu của em được thoả mãn. Gia đình chẳng là gì đối với em, mà chỉ là quá nhiều ký ức buồn thảm.
"Có lẽ anh tự hỏi cái gì làm em can đảm như vậy? Ðôi khi em cũng tự hỏi như vậy. Ðó là tình yêu của em đã hỗ trợ cho em. Em đang chiến đấu cho hạnh phúc của hai người - của nàng và của em.
"Em vẫn thường nghĩ tới hoa viên của chúng ta, cách chúng ta chơi đùa với nhau khi còn trẻ. Anh là Ðại ca của em. Anh phải giúp đỡ em, vì cha chúng ta. Và cũng vì Ngọc Cầm nữa. Và anh đừng quên Lệ Mai. Lệ Mai đã tan nát lòng rồi. Xin đừng để Ngọc Cầm trở thành một Lệ Mai khác."
Nước mắt dàn dụa trên mặt Giác Tân, nhưng chàng không biết. Chàng rơi xuống một cái hố sâu thẳm, không có ánh sáng, không có hy vọng. Chàng cứ tiếp tục lẩm bẩm, "Em không hiểu anh. Không ai hiểu cho tôi."
Giác Tuệ đứng ngắm nhìn người anh, lòng vừa tức giận vừa tội nghiệp. Không những chàng đã đọc thư của Giác Dân, mà chính chàng đã giúp Giác Dân viết lá thư ấy. Chàng hy vọng lá thư sẽ làm Ðại ca cảm động, thúc đẩy Ðại ca hành động, thế mà kết quả chỉ có thế. Chàng muốn trách móc Giác Tân, nhưng rồi chàng nghĩ - Làm thế có ích gì? Ðại ca đã trở thành một con người không có ý chí rồi.
Giác Tuệ tự nhủ, "Cái gia đình này tuyệt đối vô hy vọng. Ta càng bỏ nhà này đi sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu." Kể từ lúc đó, chàng không còn bi quan về cơ may thành công của Giác Dân nữa. Một ý nghĩ mới thúc đẩy chàng. Ðó là một cái mầm mới nhú lên trong tâm thức chàng, nhưng nó mọc lên rất mau lẹ.
Một số người khốn đốn vì việc bỏ nhà ra đi của Giác Dân, kể cả chính Giác Dân. Chàng đang ẩn náu trong nhà bạn học là Tác Nhân, và tuy chàng cũng được thoải mái và Tác Nhân rất tốt với chàng, chàng rất ghét phải thu mình trong một căn phòng nhỏ chật hẹp. Không thể làm được những việc chàng muốn làm, bị hành hạ bởi sợ hãi và lòng ao ước, Giác Dân thấy cuộc đời quả thực là khó khăn.
Suốt ngày chàng chờ đợi tin tức, nhưng những tin duy nhất Giác Tuệ có thể đem tới cho chàng đều là tin xấu. Dần dần hy vọng của chàng lung lay. Nhưng hy vọng ấy cũng chưa tắt hẳn, và chàng vẫn còn can đảm tiếp tục. Giác Tuệ lúc nào cũng khuyến khích chàng với hứa hẹn chiến thắng cuối cùng. Tình yêu của Ngọc Cầm, hình ảnh nàng, đem lại cho chàng sức mạnh. Chàng bám chặt lấy nó; chàng không có ý định đầu hàng.
Lúc nào Ngọc Cầm cũng ở trong tâm trí chàng; chàng mơ tưởng đến nàng ngày đêm. Chàng càng cảm thấy thất vọng bao nhiêu thì chàng càng nghĩ đến nàng bấy nhiêu. Và chàng càng nghĩ đến nàng bao nhiêu thì chàng càng ao uớc được gặp nàng bấy nhiêu. Nhưng, tuy nàng sống gần nhà Tác Nhân, chàng cũng hkông dám đến thăm nàng bởi vì mẹ nàng có nhà.
Chàng muốn gửi cho nàng một lá thư qua Giác Tuệ. Nhưng khi chàng cầm bút, chàng thấy chàng có quá nhiều điều để viết - nên chàng không biết bắt đầu từ chỗ nào. Ðồng thời chàng sợ rằng nếu chàng không viết cho nàng đầy đủ chi tiết thì nàng sẽ lo lắng. Chàng quyết định chờ một cơ hội có thể nói chuyện thẳng với nàng.
Cơ hội ấy đến sớm hơn chàng mong đợi. Một hôm Giác Tuệ mang tin tới bà Trương đi vắng nhà và đưa Giác Dân lại thăm Ngọc Cầm.
Ðể Giác Dân đứng chờ ngoài cửa, Giác Tuệ bước vào trước. Chàng vui vẻ thông báo, "Ngọc Cầm ơi, tôi đem lại cho cô một điều tốt đẹp."
Ngọc Cầm đang nằm trên giường, vừa đọc sách vừa ngái ngủ, nhưng nàng vội ngồi nhỏm dậy. Vuốt lại mớ tóc, nàng thơ ơ hỏi, "Cái gì vậy?" Nàng trông xanh xao, mệt mỏi đến nỗi không mỉm cười được.
Giác Tuệ buột miệng kêu lên, "Cô gầy quá!"
Ngọc Cầm mỉm cuời nhăn nhó, "Ðã mấy ngày rồi anh không đến chơi. Nhị ca thế nào? Tại sao tôi không nhận được lấy một lá thư của anh ấy?"
"Mấy ngày? Sao vậy, tôi mới tới đây ngày hôm kia mà."
Ðôi mắt to của Ngọc Cầm nhìn chàng một cách lo lắng. "Anh không biết thời gian kéo dài đến thế nào đối với tôi hay sao? Hãy mau kể cho tôi nghe anh ấy bây giờ ra sao."
Giác Tuệ không thể không đùa phá nàng. "Anh ấy chịu đầu hàng ông nội rồi."
"Không. Tôi không tin thế!"
Ngay lúc ấy một người bước vào phòng và mắt Ngọc Cầm sáng rỡ lên.
Nàng bật kêu lên, "Anh!" Không biết nàng cảm thấy sự nghi ngờ hoặc ngạc nhiên hoặc vui thích hoặc trách móc, nàng cũng không biết. Nàng chạy nhào lại với chàng, nhưng rồi tự chế và đứng lại nhìn chàng, hai mắt sáng rỡ.
Giọng Giác Dân vừa vui thích vừa buồn đau, "Phải, Ngọc Cầm ơi, chính là anh đây. Anh đã định lại thăm em từ lâu, nhưng anh sợ gặp phải mẹ em."
"Em biết anh sẽ đến, em biết anh sẽ đến." Nàng trả lời, mặt đầm đìa nước mắt hạnh phúc. Nàng nhìn Giác Tuệ một cách trách móc. "Tam ca, tại sao anh đùa tôi như vậy. Tôi biết anh ấy không bao giờ chịu đầu hàng ông nội. Tôi tin tưởng anh ấy." Nàng âu yếm nhìn Giác Dân, không còn vẻ e thẹn nữa.
Giác Tuệ rất là cảm động. Chàng không ngờ rằng Ngọc Cầm đã trưởng thành như thế. Chàng mỉm cười nhìn một Giác Dân đang cảm thấy mình là anh hùng khi được người yêu ca ngợi tán thưởng. Giác Tuệ tự nhận chàng đã lầm. Chàng đoán cuộc gặp gỡ của hai người sẽ chỉ là khóc lóc và than thở về những bi kịch. Những cảnh như thế rất quen thuộc trong gia đình chàng.
Nhưng trái với sự đoán trước của chàng, hai người tình dường như không sợ hãi gì, hỗ trợ nhau bằng lòng tin tưởng lẫn nhau rất mạnh mẽ. Chàng sung sướng cho họ. Họ chính là một ngọn lửa sáng trong cái thế giới tối tăm này; họ cho chàng hy vọng. Họ không cần sự khuyến khích của chàng nữa. Giác Dân sẽ không bao giờ quỳ gối.
Thực là dễ dàng cho một thanh niên nồng nhiệt như Giác Tuệ có thể tin vào con người!
Giác Tuệ tươi cười, "Ðược lắm, hai người không cần phải nói với nhau như một cặp diễn viên trên sân khấu và có thể đi thẳng vào việc chính rồi. Nếu có điều gì muốn nói với nhau thì nói mau lên. Chúng ta không có nhiều thời giờ. Hai người có muốn tôi bước ra ngoài không?"
Cả hai người tình cùng cười nhưng không trả lời. Không để ý đến Giác Tuệ, hai người ngồi xuống cạnh giường, nắm tay nhau và âu yếm nói chuyện. Giác Tuệ cầm một cuốn sách của Ngọc Cầm từ kệ sách. Ðây là tuyển tập những vở kịch của Ibsen, nhiều trang gập lại để đánh dấu. Hiển nhiên nàng vừa đọc vở kịch Một Kẻ Thù Của Quần Chúng. Nàng chắc tìm được sự khích lệ trong đó. Chàng không thể không mỉm cười.
Chàng liếc mắt nhìn Ngọc Cầm. Nàng và Giác Dân đang hào hứng nói chuyện. Mặt nàng đẹp rạng rỡ. Giác Tuệ cảm thấy thèm muốn địa vị của người anh. Chàng quay lại vở kịch Một Kẻ Thù Của Quần Chúng.
Sau khi đọc hết màn thứ nhất chàng ngẩng lên. Hai người tình vẫn còn đang nói chuyện. Chàng đọc màn thứ hai. Hai người vẫn chưa nói hết chuyện. Chàng đọc một mạch hết vở kịch. Ngọc Cầm và Giác Dân vẫn còn nói chuyện, không có dấu hiệu chấm dứt.
Giác Tuệ có vẻ nóng ruột, "Thế nào? Hai người quả thực có nhiều chuyện!"
Ngọc Cầm ngẩng lên mỉm cười, nhưng lại tiếp tục nói chuyện.
Sau một nửa giờ nữa, Giác Tuệ lên tiếng giục giã, "Nhị ca, thôi đi về. Anh nói đủ rồi mà."
Ngọc Cầm năn nỉ, "Ở thêm một chút nữa đã. Vẫn còn sớm mà. Sao anh vội vã thế?" Nàng nắm chặt bàn tay Giác Dân, như thể sợ chàng bỏ đi.
Giác Tuệ nói một cách bướng bỉnh, "Tôi phải về."
Ngọc Cầm dẩu mỏ, "Thì cứ về đi. Tệ xá của tôi không đáng cho một người quý tộc như anh mà!" Nhưng khi nàng trông thấy chàng thực sự bắt đầu bước ra thì nàng và Giác Dân cùng lên tiếng gọi chàng chờ đợi.
Giác Dân tha thiết hỏi, "Tam đệ, em phải đi hay sao? Em không giúp anh được đôi chút sao?"
Giác Tuệ cười, "Em chỉ đùa thôi mà. Nhưng hai người quá lạnh nhạt với em. Ngọc Cầm, cô không nói chuyện với tôi, hoặc ngay cả không mời tôi ngồi xuống. Bây giờ Nhị ca ở đây, cô hoàn toàn quên hẳn tôi."
Hai người tình cùng cười.
Ngọc Cầm chống chế, "Tôi chỉ có một cái miệng. Mỗi lần tôi chỉ có thể nói chuyện với một người mà thôi. Tam Ca, bây giờ hãy tử tế đi. Hôm nay để tôi nói chuyện với Nhị ca. Ngày mai tôi và anh tha hồ nói chuyện." Nàng dỗ dành chàng như thể chàng là một đứa trẻ.
"Ðừng đùa nhạo tôi. Tôi không may mắn như Nhị ca đâu!"
Giác Dân mở miệng định nói gì, nhưng Ngọc Cầm nói trước. Nàng e lệ hỏi, "Vận may của anh đối với Hạ Kim Ngọc thế nào? Anh có thích cô ta không? Cô ấy quả thực là một cô gái mới."
"Có thể tôi thích cô ta, có thể không. Nhưng chuyện ấy thì có liên quan gì tới cô chứ?" Giác Tuệ cãi lại. Tính chàng thích thế.
Giác Dân xen vào, "Hai người thực là xứng đôi. Chính anh cũng nghĩ như vậy."
Giác Tuệ cười và vung tay từ chối. "Không, cám ơn. Em không muốn giống như hai người - những cuộc hẹn hò bí mật như trong những vở kịch của Shakespeare!" Chàng nghĩ trong tim chàng: Cái mà ta muốn chính là em, Ngọc Cầm ạ! Nhưng ý nghĩ thứ nhất này bị xua đuổi đi ngay bởi một ý nghĩ thứ hai: Ta đã làm một cô gái bị chết. Ta đã có đủ tình yêu rồi. Bề ngoài chàng cười, nhưng là một nụ cười chua chát.
Cuối cùng Giác Dân và Ngọc Cầm cũng chấm dứt nói chuyện. Bây giờ họ phải chia tay. Giác Dân không muốn ra về. Nghĩ tới cuộc đời cô đơn trong cái phòng nhỏ bé ấy, chàng không có can đảm trở về. Nhưng cái nhìn bắt buộc của Giác Tuệ bảo cho chàng biết chàng phải trở về; không còn cách gì khác.
"Anh phải đi đây." Chàng buồn bã nói, một vẻ phấn đấu hiện ra trong giọng nói của chàng. Nhưng chàng vẫn ngồi im. Chàng cố nghĩ một vài lời để an ủi Ngọc Cầm; tất cả những gì chàng có thể nói được lúc ấy là: "Ðừng nghĩ nhiều đến anh." Nhưng đấy không phải là ý muốn của chàng. Ðúng ra, chàng hy vọng nàng sẽ nghĩ đến chàng thật nhiều.
Ngọc Cầm đứng trước mặt chàng, đôi mắt to trong sáng của nàng chăm chú nhìn mặt chàng, thận trọng lắng nghe chàng, như thể chàng sẽ nói một điều gì đặc biệt. Nhưng chàng không nói gì. Nàng chờ đợi, nhưng chàng chỉ nói ngắn ngủi. Thất vọng, nàng nắm tay áo chàng và năn nỉ:
"Ðừng đi vội. Ở thêm chút nữa. Em còn nhiều điều muốn nói với anh."
Giác Dân đón nhận những lời nói tuyệt diệu này như những món ăn ngon lành nhất. Chàng chăm chú nhìn khuôn mặt lộng lẫy của nàng. Chàng mỉm cười và nói, "Ðược rồi, anh chưa đi đâu." Giác Tuệ nhìn ngang, nhận thấy một nụ cười đau đớn; chàng tưởng Giác Dân sẽ khóc.
Ðối với Ngọc Cầm, cái nhìn dịu dàng của Giác Dân dường như khẽ vuốt ve khuôn mặt nàng. Cái nhìn ấy dường như nói, "Nói đi, anh đang lắng nghe từng vần từng lời nói của em." Nhưng nàng không thể nghĩ được điều gì để nói, và nàng hoảng hốt vì sợ hãi chàng sẽ ra đi ngay lúc ấy. Vẫn nắm chặt tay áo chàng, nàng bật ra điều đầu tiên hiện ra trong trí nàng:
"Lệ Mai gần đây gầy ốm một cách tội nghiệp lắm. Ngày nào cũng ho ra máu, mặc dầu không nhiều lắm. Chị ấy giấu không cho mẹ biết, và chị ấy cũng không muốn em cho ai biết, bởi vì chị ấy không muốn bắt buộc phải uống thuốc nữa. Chị ấy nói một ngày chị ấy sống là một ngày đau khổ - chị ấy thà chết đi còn hơn. Mẹ chị ấy lúc nào cũng bận mua vui và chơi mà chược, và không chú ý đến chị ấy. Cuối cùng hôm qua em có cơ hội nói cho mẹ chị ấy biết chị ấy bệnh nặng quá rồi; mãi bây giờ mẹ chị ấy mới lo lắng. Có lẽ Lệ Mai đúng. Nhưng em không thể đứng nhìn chị ấy chết. Ðừng cho Ðại ca biết. Lệ Mai van xin em đừng cho anh ấy biét."
Bỗng nhiên Ngọc Cầm trông thấy nước mắt lấp lánh sau mắt kiếng của Giác Dân. Nước mắt bắt đầu chảy xuống má chàng. Môi chàng run rẩy, nhưng không nói được. Nàng hiểu. Chàng hoảng sợ tình yêu của hai người cũng chấm dứt trong bi kịch.
Nàng kêu lên, "Em không thể nói được nữa!" Nàng lùi lại và bước đi, hai tay ôm mặt và khóc.
Giác Dân đau khổ nói, "Ngọc Cầm, bây giờ anh phải đi." Chàng không tưởng tượng rằng cuộc gặp gỡ vui vẻ lại chấm dứt với cả hai cùng khóc. Thế mà họ tự gọi mình là những thanh niên thời đại mới, những người can đảm!
"Ðừng đi. Hãy ở lại!" Ngọc Cầm buông hai tay xuống từ khuôn mặt đầm đìa nước mắt và chìa ra cho Giác Dân.
Giác Tuệ phải nắm chặt Giác Dân để chàng khỏi chạy lại ôm Ngọc Cầm. Giác Dân nhìn người em. Mắt của Giác Tuệ khô ráo, và đốt cháy với một ánh sáng mạnh mẽ và vững chắc. Giác Tuệ hất đầu về phía cửa.
Giác Dân nói bằng một giọng đau khổ, "Ngọc Cầm, đừng khóc nữa, anh sẽ trở lại. Anh sống cũng gần đây thôi. Anh sẽ lại thăm em khi có cơ hội. Hãy bảo trọng. Anh sẽ có tin mừng ngay."
Chàng quả quyết, quay lại và bước ra cùng với Giác Tuệ. Ngọc Cầm đi theo tới tận cửa phòng khách lớn. Nàng dừng lại đó và đứng tựa vào khung cửa. Nàng chùi nước mắt, nhìn theo hai người ra đi.
Hai anh em ra tới đường với tiếng khóc của Ngọc Cầm vẫn còn trong tai. Hai người im lặng bước mau, và tới nhà Tác Nhân ngay. Giác Tuệ bất thần đứng lại giữa đường.
Chàng nói với một giọng trong trẻo mạnh mẽ, "Anh và Ngọc Cầm nhất định sẽ chiến thắng. Chúng ta không cần thêm những nạn nhân hy sinh nữa. Chúng ta có quá đủ rồi." Giác Tuệ ngừng lại, rồi tiếp tục một cách cương quyết, gần như tàn nhẫn, "Nếu phải cần bất cứ một sự hy sinh nào nữa, hãy để bọn họ là nạn nhân lần này!"