Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ba Mươi
ha tôi đã nói dối.
Cha có đi bác sĩ. Nhưng không phải cuộc hẹn ấy kết thúc bằng việc người ta bảo cha tôi hãy mặc lại áo, ông khỏe như vâm, tình trạng sức khỏe thật đáng nể so với một người từng này tuổi, nhưng - một cái vỗ lưng, nháy mắt thân mật từ gã lang băm - có lẽ ông nên tính chuyện giảm bớt lượng thuốc lá tự cuốn đi.
Bác sĩ có thể đã nói với ông rằng không có cách nào để biết được ông sẽ còn phải sống bao lâu nữa. Và có thể bác sĩ đã nói là những bệnh này có thể kéo dài nhiều năm. Nhưng rất ít khả năng viên bác sĩ đa khoa đã lấy quả cầu thủy tinh NHS(1) ra và bảo với ông già nhà tôi là ông sẽ sống đến lúc được chứng kiến ngày cưới của đứa cháu.
Thứ đang phát triển bên trong người cha tôi đã đi quá xa rồi.
Lần đầu tiên trong đời tôi, mẹ gọi điện cho tôi ở văn phòng.
Ông đang ở bệnh viện. Tại Đơn vị Phụ thuộc Cao, mẹ nói, giọng nghẹn ngào ở ba từ y tế hiện đại ấy.
Cha đang dọn đồ trang trí vườn, những thứ luôn luôn hiện diện trong vườn nhà chúng tôi đến tận giữa đông, để ghế vải bạt màu xanh và ô che nắng kẻ sọc vào ga ra cho đến mùa xuân sau, như ông làm mọi năm, và chính vào lúc đó, đột nhiên ông ngạt thở, ngạt thở hoàn toàn, và thật kinh hoàng, kinh hoàng vô cùng, bà nói, và bà gọi cấp cứu nhưng bà không nghĩ là họ sẽ đến kịp. Kịp để cứu ông.
“Nhưng nó là gì ạ?” tôi nói, vẫn chưa hiểu, chưa nhận thức được rằng có tồn tại một thế giới không có cha tôi.
“Là phổi của ông ấy,” mẹ tôi nói, giọng thầm thì run rẩy. “Một khối u.”
Một khối u trong phổi ông. Bà không thể nói lên từ ấy, bà không thể gọi tên thứ đang cướp mất chính luồng không khí mà ông thở, và cái từ kinh khủng, đáng sợ ấy treo giữa chúng tôi trên đường điện thoại, như thể nó có thể biến mất nếu chúng tôi không nói gì đến nó.
Bà không nhất thiết phải nói từ ấy. Cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu hiểu.
Nó là một bệnh viện hiện đại, nhưng ở giữa hàng dặm đất nông nghiệp.
Đấy là đặc điểm của nơi tôi lớn lên, đặc điểm của vùng ngoại ô. Bạn có thể đi từ khu rừng bê tông uế tạp đến những cánh đồng mênh mang thoáng đãng chỉ sau một chuyến xe ngắn. Chính là vì những cánh đồng này - hay những cánh đồng y hệt như vậy - mà hồi xưa cha tôi đã đưa gia đình mình ra đây.
Khi tôi tới nơi thì mẹ tôi đang trong phòng chờ. Bà ôm lấy tôi và, với một kiểu lạc quan tuyệt vọng, nói với tôi rằng bác sĩ đã đảm bảo với bà là họ có thể làm rất nhiều điều để giúp cha tôi.
Rồi bà đi tìm anh ta, anh bác sĩ người Ấn Độ đã nói cho bà tin tức tuyệt vời này, và khi quay lại bà đặt anh ta trước mặt tôi. Anh ta đủ trẻ để trông vẫn hơi xấu hổ trước niềm tin của mẹ tôi vào sức mạnh của anh.
“Đây là con trai tôi, thưa bác sĩ,” bà nói. “Xin anh hãy nói với nó rằng có thể làm rất nhiều điều để giúp chồng tôi, xin anh.”
“Tôi đang nói với mẹ anh là cơ chế kiểm soát cơn đau ngày nay rất tinh tế,” anh ta nói.
“Kiểm soát cơn đau à?” tôi nói.
“Chúng tôi có thể làm nhiều điều để giúp cha anh thở dễ dàng hơn, để giúp ông ngủ ngon hơn và làm giảm sự đau đớn mà ông phải chịu đựng.”
Bác sĩ nói với tôi về mặt nạ ô xy mà cha tôi đã bắt đầu dùng. Một cách gián tiếp hơn, anh ta nói về những cái lợi của một giấc ngủ sâu và công dụng của thuốc giảm đau có hiệu quả.
“Ý anh là thuốc ngủ và moóc phin?” tôi nói.
“Vâng,” anh ta đáp.
Có thể làm rất nhiều điều, nhưng đều chỉ là những thứ giúp cha tôi thoải mái hơn. Chúng đều chỉ kiểm soát triệu chứng của thứ đang lớn dần trong người ông. Không thứ nào sẽ làm ông khỏe hơn.
Người ta có thể ép không khí vào hai lá phổi vô dụng đáng thương của ông và họ có thể làm cho cơ thể kiệt quệ của ông bất tỉnh một lúc và họ có thể bơm đủ thuốc mê vào người ông để khiến não ông mù mờ đi, trơ trơ trước những cơn đau không thể chịu nổi.
Có thể làm được rất nhiều điều.
Nhưng cũng đồng thời chẳng làm được điều gì.
Cha tôi sắp chết.
Chúng tôi ngồi bên ông, ngắm ông ngủ.
Ông được đỡ dậy trên giường bệnh, một cái mặt nạ trong buộc lên mũi và miệng, râu ria mọc lởm chởm trên khuôn mặt đã không cạo râu một ngày của ông, khuôn mặt ông luôn muốn giữ sạch sẽ nhẵn nhụi.
Có một cái hộp kim loại có nút bấm để gọi giúp đỡ bên sườn ông và một tấm ga ni lông dưới người ông, và những thứ cỏn con này cào xé tim tôi, làm tôi muốn khóc. Chưa gì mà ông đã có vẻ bất lực như một đứa trẻ sơ sinh.
Ông ở một phòng cùng bảy người đàn ông trên bảy chiếc giường khác - hầu hết họ đều già, nhưng có hai người trẻ hơn tôi - tất cả đều có cùng một căn bệnh.
Có thể nó nằm trong những bộ phận khác nhau của cơ thể họ, và có thể nó ở các mức độ phát triển khác nhau và một số người họ có thể sẽ được về nhà còn một số người có thể sẽ không bao giờ được về nhà. Nhưng họ đều có cùng một bệnh, cái bệnh mà chúng tôi vẫn không thể nói ra được, mẹ và tôi.
“Cha đã biết rồi, phải không ạ?” tôi nói. “Cha biết từ đầu, con cá là vậy.”
“Chắc hẳn là ông ấy biết từ đầu,” mẹ tôi nói. “Ông ấy đi xét nghiệm ngay từ lúc mọi chuyện mới bắt đầu, khi ông ấy bắt đầu khó thở - mẹ bắt ông ấy đi - và ông ấy bảo là mọi chuyện ổn cả.”
“Con không biết,” tôi nói, ngỡ ngàng là cha mẹ mình vẫn còn có thể giữ bí mật với tôi. “Con chưa bao giờ biết cha đã đi xét nghiệm.”
“Cha mẹ không nói với con vì xem ra chẳng có lý do gì để làm con lo cả. Con đã bận tối mắt tối mũi với Pat rồi. Và bên cạnh đó, cha ổn. Ít ra thì ông ấy nói vậy.”
“Nhưng cha đâu có ổn,” tôi nói một cách cay đắng, nghe như một cậu bé kêu khóc, thật bất công, thật bất công. “Cha đã không khỏe lâu lắm rồi.”
“Chắc là cha đã biết ngay từ hồi đầu.” Mắt mẹ tôi chưa bao giờ rời khỏi khuôn mặt ông khi mẹ nói chuyện với tôi. “Mẹ vừa nói chuyện với một cô y tá xong, và cô ấy nói rằng có cái được gọi là ‘tiết lộ từng bước một’ - người ta không báo cho ta toàn bộ tin xấu một lúc, trừ phi ta bắt họ, trừ phi ta đòi được biết đang có điều gì không ổn.”
“Và cha chắc đã muốn biết,” tôi nói chắc nịch. “Ông chắc đã bắt họ nói với ông.”
“Ừ,” mẹ tôi nói. “Ông ấy chắc đã bắt họ nói với mình.”
“Thế thì tại sao cha giữ bí mật lâu đến vậy?” tôi nói, dù đã biết câu trả lời. “Cha hẳn phải biết là rồi chúng ta cũng phát hiện ra chứ.”
“Cha bảo vệ hai mẹ con mình,” bà nói.
Mẹ tôi nắm tay tôi đưa lên má, và tôi quay đi, sợ rằng mình sẽ suy sụp khi nhìn thấy bà vẫn còn yêu ông đến mức nào.
“Bảo vệ hai mẹ con mình,” bà lặp lại.
Đúng vậy, mẹ à. Cha đang che chắn cho chúng ta khỏi những thứ tồi tệ nhất mà thế giới đem đến, ông đang gánh đỡ cho chúng ta một phần sự đau khổ ở phía trước, ông bảo vệ hai mẹ con tôi.
Ông đã làm điều mà ông luôn làm từ trước đến giờ.
“Xin chia buồn về chuyện cha anh, Harry à,” Gina nói. “Em nói thật lòng đấy - ông luôn đối xử với em vô cùng ân cần.”
“Ông rất thích em,” tôi nói, suýt nói thêm là tim ông tan vỡ khi chúng tôi chia tay - nhưng tôi kịp ngăn được mình.
“Em muốn thăm ông ở bệnh viện,” cô nói. “Nếu anh cho phép. Và mẹ anh nữa.”
“Được thôi,” tôi nói, không biết làm sao để nói là rõ ràng ông không muốn khách đến thăm, rằng kể cả lúc không nhìn thấy nỗi đau của mọi người thì việc chịu đựng cơn đau của bản thân cũng đã là rất khó khăn với ông. Nhưng nếu tôi nói vậy với Gina thì chắc chắn sẽ nghe như muốn tách cô khỏi gia đình tôi.
“Pat có định gặp ông không?”
Tôi hít một hơi.
“Pat muốn gặp ông,” tôi nói. “Nhưng hiện giờ thì cha anh quá ốm. Nếu có tiến triển gì thì có thể. Còn ngay lúc này thì việc đó sẽ chỉ làm cả hai buồn quá mức.”
“Anh nói gì với thằng bé?”
“Ông nội đang ốm. Ốm nặng. Ta biết nói sao với một đứa năm tuổi là ông nó, người luôn nghĩ nó là điều tuyệt vời nhất thế giới, sắp chết đây? Em làm thế nào? Anh không biết.”
“Chúng ta cần bàn về Pat,” cô nói. “Em biết giờ không đúng lúc và em thật lòng chia buồn về chuyện anh đang phải trải qua với cha anh. Nhưng anh nên biết là em muốn đón Pat về càng sớm càng tốt.”
“Em muốn đón Pat về à?”
“Đúng. Chúng ta không cần phải cãi vã giống như trước nữa, được không? Em đâu đưa nó ra khỏi nước. Em đã quay lại London. Richard và em đang đi xem một số chỗ trong khu này. Pat thậm chí còn không phải chuyển trường.”
“Thế Richard chết tiệt thế nào rồi?”
“Ổn.”
“Vẫn bán-ly-thân?”
“Ly thân hẳn rồi. Vợ anh ấy đã quay lại Mỹ. Và em biết là có vẻ nhanh, nhưng em và anh ấy đang tính chuyện kết hôn.”
“Bao giờ?”
“Một khi vụ ly dị của chúng ta xong xuôi.”
Ôi tôi buồn cười quá đi.
“Khốn nạn thật,” tôi nói. “Em định kết hôn một khi vụ ly dị của em xong xuôi? Ôi tình yêu thật lớn lao làm sao?”
Gina và tôi còn chưa bắt đầu nói về quy trình ly dị. Chúng tôi đã nói hàng đống thứ về chuyện chia tay. Nhưng chúng tôi chưa bàn chuyện giấy tờ.
“Xin anh đấy Harry,” cô nói, giọng hơi đanh lại. “Đừng có bắt đầu hung hăng, được không?”
Tôi lắc đầu.
“Em nghĩ là mình cứ quay lại cuộc đời của hai cha con và bắt đầu lại là được à Gina? Em nghĩ là em có thể lấy lại Pat chỉ vì sự diệu kỳ của nền kinh tế châu Á hóa ra lại không diệu kỳ nữa à?”
“Chúng ta đã đồng ý,” cô nói, đột nhiên giận dữ hơn bao giờ hết. “Anh luôn biết là Pat sẽ đến sống với em. Nếu em có ở lại Tokyo hay quay lại đây đi chăng nữa, em luôn có ý định đón nó về ở với mình. Điều gì làm anh nghĩ là anh có quyền được giữ thằng bé?”
“Vì nó hạnh phúc khi ở với anh,” tôi nói. “Vì anh có thể làm được. Anh có thể làm được. Lúc đầu thì không tốt lắm nhưng anh đã học được cách, được chưa? Đã khá hơn và giờ thì khá ổn. Và thằng bé hạnh phúc khi ở đây. Nó không cần phải ở bên em và một gã nào đó, một gã chó chết nào đó em câu được ở một quán bar Roppongi.”
Tôi nhớ là hồi trước miệng cô không đanh lại kiểu này.
“Em yêu Richard,” cô nói. “Và em muốn Pat lớn lên với em.”
“Chúng ta đâu có sở hữu chúng, em biết không. Chúng ta không sở hữu con cái mình, Gina à.”
“Anh nói đúng - chúng ta không sở hữu con cái. Nhưng luật sư của em sẽ cãi là, khi tất cả các thứ khác đều giống nhau thì một đứa trẻ nên ở cùng với mẹ nó.”
Tôi đứng dậy, tung vài đồng xu lên bàn.
“Và luật sư của anh sẽ cãi là em và Richard có thể biến con mẹ nó cả hai người đi,” tôi nói. “Và luật sư của anh - khi anh thuê được một người - cũng sẽ cãi là một đứa trẻ nên ở cùng với người phụ huynh có khả năng nuôi nấng nó tốt nhất. Và đấy là anh, Gina à.”
“Em không muốn ghét anh, Harry à. Đừng dạy em cách ghét anh.”
“Anh không muốn em ghét anh. Nhưng em không thấy chuyện gì đã xảy ra sao? Anh đã học được cách trở thành một người cha thực sự. Em không thể cứ quay lại và lấy nó khỏi tay anh được.”
“Không tin nổi,” cô nói. “Anh trông nó được đôi tháng mà anh tưởng là mình có thể chiếm mất chỗ của em à?”
“Bốn tháng,” tôi nói. “Và anh không cố chiếm chỗ của em. Chỉ là anh đã tìm được một chỗ cho riêng mình.”
Cyd nhìn tôi và nói cô sẽ đưa tôi ra ăn ngoài hàng. Tôi không đói, nhưng đồng ý vì tôi quá mệt mỏi không muốn tranh cãi. Và cũng vì có một điều tôi muốn hỏi cô.
Tôi thơm Pat và để nó lại xem Pocahontas với Peggy. Bianca rầu rĩ lởn vởn trong bếp, nhai kẹo cao su liên tục vì nó không được phép hút thuốc trong căn hộ.
“Xe em hay xe anh?” Cyd hỏi.
“Xe anh,” tôi nói, và chúng tôi lái xe đến một nhà hàng Ấn nhỏ giữa phố Upper và đường Liverpool. Băng dính dán những chỗ bị rạch trên mui xe đã khô lại, nứt và bắt đầu rời ra, phập phồng như buồm một con thuyền gặp gió lớn.
Hình ảnh đồ ăn làm tôi buồn nôn và tôi hững hờ đẩy chỗ gà tikka masala quanh đĩa, cảm giác như mọi thứ đang mờ dần.
“Thích cái gì thì ăn cái đấy, anh yêu,” cô nói. “Cái mình thích ấy. Nhưng gắng ăn cái gì đó, được không?”
Tôi gật đầu, mỉm cười một cách biết ơn với người phụ nữ tuyệt vời này, người đã mất cha khi cô bằng nửa tuổi tôi, và tôi suýt hỏi cô câu hỏi đó ngay lúc ấy, nhưng tôi nghĩ mình sẽ tuân theo đúng kế hoạch và hỏi cô vào cuối buổi tối. Đúng, tốt nhất là tuân theo kế hoạch.
“Chúng ta không phải đi xem phim này tối nay nếu anh không muốn,” cô nói. “Nó không quan trọng. Chúng ta có thể bỏ qua nó và làm bất cứ điều gì anh muốn. Chúng ta có thể chỉ nói chuyện. Hoặc là chúng ta có thể không làm gì cả. Thậm chí chúng ta không nói chuyện cũng được.”
“Không, đi xem đi,” tôi nói, thế nên chúng tôi lái tới Soho để xem một bộ phim Ý tên là Cinema Paradiso về tình bạn của một cậu bé với ông chiếu phim già ở rạp phim địa phương.
Cyd thường rất tài trong việc chọn những bộ phim mà tôi biết là mình sẽ thích nếu tôi cho chúng cơ hội, những bộ phim có phụ đề và không có những cái tên ngôi sao, những bộ phim mà vài năm trước tôi còn không thèm ngó tới.
Nhưng tôi nhận thấy mình nguội lạnh hẳn với phim này ở đoạn cuối khi ông chiếu phim cộc cằn già nua, giờ đã bị mù bởi một đám cháy trong rạp phim, nói với cậu bé mắt nai, giờ đã là thanh niên, là hãy rời khỏi khu làng và đừng bao giờ trở lại.
Cậu bé, Toto, đi mất và trở thành một đạo diễn phim nổi tiếng, ba mươi năm không quay lại khu làng nhỏ bé của mình, cho tới tận ngày người ta chôn Alfredo, ông chiếu phim, người đã dạy cho cậu tình yêu phim ảnh và rồi đuổi cậu đi.
“Tại sao Alfredo lại đuổi cậu bé kia đi mãi mãi?” tôi hỏi khi chúng tôi đang đi qua đám đông trên phố Old Compton. “Tại sao ít ra họ không giữ liên lạc nhỉ? Cách ông ấy bắt cậu bé ra đi, cái cậu bé ông đã biết cả cuộc đời, nó có vẻ thật tàn nhẫn.”
“Vì Alfredo biết rằng Toto sẽ không bao giờ tìm được những thứ mà cậu bé cần trong khu làng nhỏ bé đó,” Cyd mỉm cười, vui vì được nói về điều đó. “Cậu ta phải bước ra khỏi lối mòn để có thể học được những thứ Alfredo đã biết. Cuộc sống không phải là những thứ cháu nhìn thấy trên phim - cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều.” Cô nắm tay tôi và cười lớn. “Em thích chúng ta nói mấy chuyện này,” cô nói.
Chiếc MGF đang ở trong khu đỗ xe rộng cuối phố Gerrard, nằm ở sau đồn cứu hỏa trên đại lộ Shaftesbury, bãi đỗ xe của khu Phố Tàu. Chúng tôi vào xe nhưng tôi chưa khởi động.
“Anh muốn chúng ta sống cùng nhau,” tôi nói. “Em và Peggy và anh và Pat.”
Cặp mắt tôi yêu có vẻ ngạc nhiên thật sự.
“Sống cùng?”
“Căn hộ của em quá nhỏ cho tất cả chúng ta,” tôi nói. “Thế nên tốt nhất là em chuyển vào ở với cha con anh. Em nghĩ thế nào?”
Cô bối rối lắc cái đầu xinh đẹp của mình.
“Anh vừa trải qua một thời gian rất khốc liệt,” cô nói. “Với chuyện cha anh. Và Gina. Thật chẳng khác gì địa ngục.”
“Chẳng liên quan gì đến việc này cả,” tôi nói. “Ừ, thì có thể là một ít. Thậm chí có thể là rất nhiều. Nhưng đấy không phải là tất cả. Anh biết tình cảm của mình dành cho em. Và anh nghĩ tình cảm của em cũng khá giống vậy. Anh muốn chúng ta được bên nhau.”
Cô mỉm cười, lắc đầu một lần nữa, lần này chắc chắn hơn.
“Không, Harry à.”
“Không á?”
“Em xin lỗi.”
“Tại sao lại không?”
Đấy là một câu hỏi thừa, loại câu hỏi mà một đứa trẻ đặt ra. Nhưng tôi vẫn phải hỏi.
“Vì anh muốn ai đó ít rắc rối hơn em,” cô nói. “Không con. Không chồng cũ. Không có sự nhắc nhở về quá khứ. Anh biết là anh muốn vậy mà. Nhớ hôm sinh nhật Pat không? Nhớ vụ đó không? Anh và em đều biết là không có tương lai cho hai chúng ta.”
“Anh không nghĩ vậy,” tôi nói.
“Anh nghĩ là anh muốn ai đó có thể biến đổi cuộc đời anh bằng tình yêu. Nhưng anh không thực sự muốn tình yêu, Harry à. Anh đâu đối mặt được với tình yêu thực sự. Anh muốn lãng mạn.”
Những lời cô nói trở nên tệ hơn, tệ hơn rất nhiều, bởi chúng được nói với sự dịu dàng mênh mang. Không có giận dữ hay ác ý gì trong chúng. Như thể cô thật sự thấy thương hại tôi.
“Và thế cũng không sao,” cô nói. “Anh vốn là như thế và xét trên nhiều phương diện thì đấy lại là điều tốt. Nhưng chuyện giữa chúng ta sẽ không bao giờ thành vì anh không thể khiến một túp lều tranh hai trái tim vàng tồn tại cả đời được. Có trẻ con thì không. Nhất là khi chúng không phải con anh.”
“Chúng ta có thể,” tôi khăng khăng.
“Không,” cô nói. “Rồi chúng ta sẽ kết thúc ở đúng cái chỗ mà anh và Gina đã kết thúc. Và em không muốn điều đó. Em không thể trải qua bao thứ ấy nữa - với Peggy bên em. Những lời âu yếm thì không sao. Lãng mạn cũng không sao. Nhưng em muốn ai đấy có thể bóp chân cho em khi em già và nói với em là người đó vẫn yêu em ngay cả khi em không nhớ nổi mình để chìa khóa ở đâu. Và đấy là thứ em muốn. Em muốn ai đó có thể cùng em già đi. Và - em thật lòng xin lỗi - nhưng em không nghĩ đấy là điều anh muốn.”
Cô đưa tay ra chạm vào khuôn mặt tôi nhưng tôi quay đi tự hỏi xem tôi đã nghe tất cả những thứ này ở đâu rồi. Chúng tôi yên lặng ngồi đó trong bãi đỗ xe dưới hầm, toàn bộ sức nặng của khu Phố Tàu ở trên đầu chúng tôi.
“Anh tưởng là em không muốn Peggy bị tổn thương khi nhìn thấy em trong một mối quan hệ ngắn hạn,” tôi nói.
“Em thà để nó nhìn thấy cái đó còn hơn là một quan hệ dài hạn sai lầm,” cô nói. “Và Pat và Peggy sẽ vẫn là bạn. Nó sẽ vẫn gặp anh. Nhưng thế này thì cả anh và em sẽ đỡ được rất nhiều buồn đau.”
“Thế này sao?” tôi nói. “Em nói nghe như em đang chấm dứt nó vậy.”
“Không phải chấm dứt nó,” cô nói. “Chúng ta vẫn có thể là bạn. Nhưng em đã nhìn anh trong tiệc sinh nhật của con trai anh và em nhận ra Peggy và em không phải điều anh muốn. Không hẳn.”
“Anh biết khi một người phụ nữ nói chúng ta vẫn có thể làm bạn có nghĩa là gì,” tôi nói. “Nó có nghĩa là khi ra khỏi đây hãy nhớ đóng cửa. Nó nghĩa là thế phải không?”
“Đừng buồn quá Harry,” cô nói. “Ngày nào chẳng có người chia tay nhau. Đâu phải tận cùng thế giới.”
Đặc tính của ung thư là nó luôn vượt qua ngay cả những phỏng đoán xấu nhất của bạn. Có gì đó thật kinh khủng ở khả năng tàn phá trí tưởng tượng của bạn của căn bệnh ung thư. Cho dù ung thư tạo ra bất kỳ sự khủng khiếp mới nào để giày vò và tra tấn bạn, thì ngày mai nó luôn có thể làm ở mức độ kinh khủng hơn.
Cha tôi được tiêm nguyên một liều moóc phin và da ông không còn mang màu sắc của một làn da còn sức sống và, ngay cả với mặt nạ ô xy, phổi của ông vẫn ì ạch và phập phồng mới hít được vào lượng không khí đáng thương hại hoàn toàn không hề đủ.
Có những lúc màn sương trong mắt ông tan đi, cái màn sương làm nên bởi sự đau đớn và thuốc giảm đau, và khi nó tan đi, tôi nhìn thấy tiếc nuối và sợ hãi trong cặp mắt đang chìm trong nước mắt ấy và tôi đã chấp nhận rằng đây chính là nó, đây là kết thúc, đây chắc chắn là kết thúc.
“Con yêu cha,” tôi nói với ông, nắm lấy tay ông, nói ra những từ mà tôi chưa từng nói với ông trước đây.
Và tôi nói vậy với ông vì chắc hẳn là tình hình không thể tồi tệ hơn thế này - nhưng nó vẫn tệ hơn, và đấy là đặc tính của ung thư, nó luôn có thể tồi tệ hơn giây phút đen tối nhất của bạn.
Thế là ngày hôm sau tôi lại đến cái phòng bệnh chật chội ấy, ngồi bên giường nắm lấy tay ông, và - lần này khóc nhiều hơn - tôi nói với cha tôi một lần nữa là tôi yêu ông.
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con