Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4610 / 101
Cập nhật: 2015-07-18 13:02:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
… Một buổi sáng chúng tôi đang vui cơm nước bỗng có tiếng máy bay tới. Tôi có cảm giác là máy bay sẽ bỏ bom xuống đầu mình. Thì quả thật vậy. Ba chiếc phản lực kiểu gì không rõ rà xuống thật thấp, cánh to bè ra như những tấm phản đen ngòm, ném một lúc năm, sáu quả bom.
Rồi một đợt khác nữa tiếp tục. Tôi và Năm Cà Dom chỉ ngồi nép vào gốc cây chờ dứt trận bom. Chúng tôi vừa hé mắt nhìn ra thì lại nghe máy bay tới, ù… ù… tiếng động cơ quen thuộc của một chiếc L19. Rồi tiếng người cất lên từ trên máy bay nghe oang oang. Có lẽ tiếng người khi phát ra bị tốc lực của phi cơ làm cho méo mó đi cho nên ở dưới này nghe không rõ là người đó nói cái gì.
Mặc dù không biết trên đó người ta nói cái gì nhưng tâm linh tôi nghe buốt lạnh. Tôi ngước cổ nhìn lên.
Chiếc L19 lắc lư như con diều giấy chao nhẹ trong gió và những tiếng nói như những tràng đá sỏi rơi xuống đầu tôi.
“Hỡi anh em cán binh cộng sản. Các anh chịu đựng đóí khát để làm gì. Miền Nam không cần cộng sản giải phóng. Các anh hãy tìm về với chánh nghĩa quốc gia để khỏi phí xương máu!”
Chao ôi! Tôi bỗng thấy cả người mọc ốc lên sần sượng. Cái giọng nói của ai nghe chừng quen quen.
Tiếng nói kia lại tiếp tục rắc xuống đầu lũ người ở dưới này.
“Tôi là thủ kho bị các anh xử tử đây. Các anh đã hành động mù quáng vì quá đói khát. Thử hỏi các anh luôn luôn húp cháo loãng, uống nước suối vì đâu. Kho gạo sẵn đó nhưng tôi không được lệnh phát cho các anh. Cấp lãnh đạo để dành số gạo dự trử để mở chiến dịch ở xứ Lào. Vì gạo đó là gạo nếp lấy ở Lào.”
Tôi bàng hoàng tưởng như mình đang sống một cảnh không thực, nhưng đây là sự thực giữa ban ngày. Cái giọng nói ấy chính là cái “giọng gào thét” dưới mái nhà bừng bừng khói lửa và giữa cơn giận sôi lên của hàng trăm người.
Trói anh thủ kho vào cột để thiêu sống anh ta. Có lẽ vì thế mà xảy ra việc này.
Chiếc máy bay lấp loáng ánh bạc cứ bay lượn. Anh thủ kho đang ngồi trên chiếc máy bay đó. Có lẽ anh ta dòm xuống thấy đám ma đói này lúc nhúc nấu cơm khói lên xanh um từng cụm. Có lẽ anh ta muốn khạc cho vài phát đạn lửa để trả thù, nhưng anh ta lại thấy thương lũ ma đói này chăng.
“Chiêu hồi hoặc tử thần! Hãy hồi chánh ngay! Chiêu hồi hoặc tử thần!”
Tôi càng rùng mình khi nghe tiếng gọi sắc gọn như một nhát dao chém vào tâm tư tôi. Tôi nói với Năm Cà Dom đang đứng bên cạnh cũng nghểnh cổ lên nhìn máy bay:
- Này, cậu có nghe rõ không?
- Có điếc mới không nghe.
- Có đúng thằng giữ kho không?
- Chớ còn ai vô về đó. Nó tự giới thiệu rõ ràng mà.
- Nhưng tại sao nó làm thế nhỉ?
- Giết nó thì nó phải tìm đường sống chớ sao!
Năm Cà Dom nhìn tôi và liếc sang ông Chín. Ông Chín ra miệng ngay:
- Này các chú đứng nép vô!
Tôi nhìn mãi mà không thấy ông Chín đứng ở đâu. Chỉ nghe tiếng nói ông phát ra từ một bụi cây thì biết là ông ta đang đứng trong đó. Khi máy bay phát hiện ra địa điểm đóng quân và tuyên truyền bằng loa phóng thanh như vậy thì phải dời đi. Đi đâu bây giờ? Toàn vùng này chỗ nào thằng thủ kho không biết? Tuy vậy cũng phải dời cho sớm.
Chúng tôi thấy chiếc máy bay vừa biến dạng thì có một đoàn máy bay phóng pháo tới. Không đánh chúng tôi mà ném bom và bắn đạn lửa xuống kho gạo. Lửa bốc lên mù mịt đen kịt một khu rừng. Gạo ở đó còn nhiều quá. Có những bao nếp. Đứa nào cũng định để đó, chừng nào hết gạo thì vô đó xúc bươi tìm cả nếp ăn chơi, chẳng ngờ nó tới ném bom hủy diệt ngay. Thế là hỏng hết rồi. Mạt kiếp lại hoàn mạt kiếp. Của phi nghĩa quả không lâu bền.
Chúng tôi lại đi, nhưng không đến đâu cả, cứ lẩn lút trong rừng và lúc nào cũng nơm nớp sợ máy bay theo ném bom. Tiếng máy bay đối với chúng tôi là tử thần. Cái tiếng gọi của anh thủ kho ban đầu nghe tưởng như nước đổ lá môn, nhưng sự thực thì tác động quá mạnh. Cứ nằm im lại nghe thấy nó vang lên trong tâm não mình. Lại nghe nó nhói lên như một mũi dao dưới võng mình nằm. Chiêu hồi hoặc tử thần. Chỉ có mấy tiếng, nhưng là một loạt súng bắn thẳng vào tường lũy vốn đã lung lay của chúng tôi.
Chúng tôi treo võng bên bờ suối. Thói thường giao liên không cho ai ăn ở như vậy vì sợ máy bay phát hiện. Nhưng vì ở phía trên không có chỗ tốt, vả lại nếu đóng ở trên thì phải đi lên đi xuống múc nước mệt cái thân ốm o gầy mòn, mà sức khỏe lúc này thì có thể tính bằng từng ly một. Đâu có dám xa xí nó như mọi lần. Ngay cả tiếng cười tiếng nói cũng làm cho chúng tôi nhọc xác.
Tôi và Năm đều im lặng, vì bên cạnh chúng tôi cũng có hai người ở một đoàn khác đang kể chuyện quê hương.
Mới biết là những người đi trên con đường quái gở này đều mang một tâm tư nặng nề về quê hương. Quê hương, quê hương! Đầu đội vai mang, thấm sâu trong máu.
Một người nói, giọng hơi ồ ề nhưng rất ấm áp:
- Nhà mình ở gần đình làng. Ông nội mình làm Hương Cả trong làng cho nên mỗi lần có hát Kỳ Yên trong làng thì mình được ngồi ghế thượng hạng xem hát bội. Vì thế tuồng tích nào mình cũng thuộc. Mãi cho tới bây giờ vẫn còn nhớ. Nào Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu Thành, nào Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy trận v.v... Chao ôi! Hồi đó, mình còn con nít mà thấy Phàn Lê Huê ra tuồng mình biết mê. Cái miệng nhỏ xíu, cái càm núng có duyên hết sức.
Anh bạn kia cười.
- Đồ con nít quỉ he!
- Thiệt mà! Nhiều cậu thanh niên mê mệt vì Phàn Lê Huê, đêm nào cũng đi xem cho đến vãn hát mới thôi.
- Có cậu nào bỏ nhà đi theo không?
- Cái sự bỏ nhà có xảy ra nhưng lần đó là một gánh hát Thổ tới hát ba đêm…
Tôi không ngờ một trong hai người đó là bạn đồng hương quê ngoại của tôi. Tôi tìm đến anh.
Những kỷ niệm ấy rất vô tư nó không đượm một thứ màu sắc chính trị lem nhem nào cả, nó không thiên vị ai cả, mà nó rất con người.
Tôi hối tiếc vì tôi đã đi xa quê hương tôi để không có ngày trở lại. Bài học khôn của tôi rút được trên con đường đi kỳ này: “Dù quê hương mình có thế nào đi nữa cũng không nên xa rời nó. Từ nay tới chết tôi sẽ không đi khỏi xứ Nam Kỳ! ” Lạy Chúa, con là dân Nam Kỳ, xin Chúa hãy ban cho con cái ân huệ nhỏ bé nhất là cho con được trở về sống trên xứ sở của con. Không phải xứ của con đẹp hơn tất cả giang sơn khác nhưng đối với con, nó là tất cả, nó đẹp hơn tất cả.
Tôi còn mong gì hơn? Tôi muốn về, về tới ngay. Cứ mỗi một ngày qua, tình cảm giữa tôi và anh bạn đồng hương càng phong phú và thắm thiết, đôi khi bằng một mẩu chuyện vui, nhiều lúc chỉ vài câu đơn sơ để xác định một tên người, một địa danh… nhưng bao giờ cũng gây thêm mối thông cảm giữa hai đứa và cả hai đều cảm thấy quê hương gần lại mình hơn.
Bỗng chiều hôm đó, tôi nhận thấy anh bạn tôi không còn hào hứng trong câu chuyện đồ lại những chuyện quê hương. Tại sao anh ta lại mất hứng ngang như vậy. Tôi cố động viên tình cảm anh ta, nhưng không có kết quả.
Anh ta nằm dàu dàu, tay gác lên trán, thở dài từng chập tỏ vẻ chán ngán cực độ…
Tôi buông một câu thăm dò:
- Nếu mình cứ đi bình thường thì đúng sáu mươi ngày nữa có lẽ chúng mình tới đất Nam Kỳ.
- Ông bạn thì tới, còn chúng tôi thì chẳng bao giờ!
- Ô kìa! Tại sao bi quan vậy nhà quân sự?
- Tôi đang nghe phong thanh là bộ tư lệnh khu sáu đang xin bộ Tổng giữ chúng tôi lại khu sáu để ráp vào một sư đoàn mới thành lập.
Tôi ngồi bật dậy:
- Hả, hả, cậu nói gì tớ không nghe rõ?
- Ở khu sáu vừa thành lập một sư đoàn mới nhưng chưa có cán bộ, cho nên tiện dịp bọn mình đi qua đây, Bộ tư lệnh xin bắt lại hết... Anh ta nghẹn ngào. Nghĩa là bọn này phải nằm lại đây cả, chẳng có thằng nào được về Nam Bộ cả!
Rồi anh ta bật lên tiếng khóc hu hu. Tiếng khóc nức nở hận đời. Sao thế nhỉ? Tôi tự hỏi. Sao cho về tới đây rồi chặn lại. Về cái nơi người ta muốn thì không cho, còn cái nơi người ta không có lấy một chút tình cảm thì lại ép.
Tôi thở dài như để chia xẻ nỗi buồn như trời giáng xuống anh bạn đồng hương. Một chập tôi hỏi:
- Có chắc không? Hay đó chỉ là tin đồn nhảm?
- Chắc quá rồi chứ.
- Ngoài Trung ương cho các cậu đi thì cứ đi thẳng một lèo, chứ ai cản được? Có chứng minh thư trong mình mà.
- Thì phải rồi, nhưng Bộ tư lệnh khu sáu nó điện ra Trung ương nó xin đích danh cái đoàn này mà.
- Chịp! Thế chết còn sướng hơn.
- Chúng tớ sẽ không ở lại thử xem họ có giữ lại được không?
- Ừ thì làm đi! Tụi tớ cũng xin giơ một chân đồng ý.
Số là đoàn của anh ta là một đoàn gồm toàn các bộ từ cấp úy trở lên thiếu tá. Tất cả tổ chức thành hai tiểu đoàn dưới sự lãnh đạo của một ban chỉ huy thống nhất trên đường vào Nam. Tất cả đều là người Nam Bộ. Ai nấy đều phấn khởi như rồng gặp mây. Họ đinh ninh phen này sẽ về tới quê hương của họ.
Nhưng bây giờ đùng một cái họ bị nắm tóc xoay ngược lại, thế là họ bất mãn và quay lại chống đối ngay.
Chúng tôi đang trao đổi tâm sự với nhau thì vị trưởng đoàn xuất hiện. Và cả đoàn vây quanh anh ta ngay để hỏi tin tức. Anh ta vốn đã gầy ốm, bị đói khát càng gầy tọp đi và cái khuôn mặt rậm bi rậm bít râu ria, làm cho anh ta giống một con dã nhơn.
Anh ta giữ sắc mặt lạnh như tiền trong lúc hằng chục câu hỏi câu nói nôn nóng, gay gắt, bực tức ném ra chung quanh anh ta.
- Chắc bỏ mạng tại khu sáu rồi hả đồng chí?
- Ai ở lại ở, tớ cứ đi!
Anh chàng trưởng đoàn tìm một gốc cây ngồi phệt xuống vừa đưa tay áo quệt qua vầng trán bủn xỉn đầy những nếp nhăn chứa ứ mồ hôi, rồi mới chậm rãi cất giọng:
- Vấn đề đặt ra bây giờ là tuân lệnh cấp trên.
- Tuân lệnh, đồng ý rồi, nhưng đồng chí cứ cho chúng tôi biết lệnh cấp trên như thế nào đã…
Anh trưởng đoàn trợn mắt nhìn mọi người và nói:
- Tất nhiên tôi phải cho biết, nhưng các đồng chí ta phải nghĩ: dù cái lệnh đó có như thề nào đi nữa, chúng ta là cấp dưới, chúng ta cũng vẫn phải thi hành, không được do dự.
Một người vọt miệng nói ngay:
- Thì đúng rồi. Lũ chốt trên bàn cờ chưa qua sông thì đem nướng lúc nào chẳng được.
- Đồng chí nói vậy sao phải. Anh tưởng đoàn bình tĩnh đáp.
- Nhưng đồng chí đã nhận được lệnh của Bộ tư lệnh khu sáu giữ chúng ta lại đây chưa?
Anh trưởng đoàn ngơ ngác:
- Ai nói chuyện đó? Lệnh gì đâu?
- Đồng chí cứ giấu mãi, không tốt đâu. Cứ nói thẳng ra. Chúng tôi không phải con nít.
Tuy chưa có lệnh dứt khoát nhưng sự bàn tán càng xôn xao. Tư tưởng và tình cảm của mọi người chia ra làm ba khối. Khối thứ nhất là rên rẩm, bất mãn, kêu trời kêu đất, nhưng không nói năng thái quá. Khối thứ hai thì bất mãn nhưng đành phải nghe theo lệnh cấp trên tới đâu thì tới. Khối thứ ba thì ra mặt chống đối và tuyên bố nhất đinh sẽ phản kháng tới cùng vì nếu có một quyết định như họ sợ xảy ra cho họ, thì đó là một quyết định vô nhân đạo.
Anh bạn đồng hương của tôi càng ủ dột héo xào. Anh ta thuộc khối thứ nhất. Cho nên anh ta cứ rên rẩm, bực tức và xem tất cả mọi sự đối xử của Trung ương đối với anh ta đều bất công.
Anh ta tâm sự dằng dặc với tôi:
- Ông bạn mình nghĩ coi. Mình kháng chiến chống Pháp chín năm không được cái gì hết ngoài mấy vết sẹo trên người chắc ông bạn mình rõ chớ!
- Rõ… chớ sao không!
- Chúng mình là những hòn đất vô tri, ai muốn ném đâu cũng được.
Hôm sau thì có lệnh của Bộ tổng đánh vào. Bảo rằng đã đồng ý cho cái đoàn cán bộ này ở lại khu sáu. Cái tin đó làm tất cả mọi người khóc rầm lên như cha chết mẹ chết.
Dù là người gốc ở Nam Bộ hay Bắc Kỳ thì khu sáu đối với họ cũng không phải là mảnh đất dung thân. Đó là cái khu chết đói, bệnh tật và là một mảnh đất vô danh xưa nay không có ai làm nên cơm nên cháo gì.
Nhìn những sĩ quan khóc mùi mẫn, tôi đau xót, cảm thấy như một mảnh tim của mình cắt để lại đây cùng với những người bất hạnh.
Con không đẻ không thương, người có quê hương không biết thương xót người xa xứ. Con của họ, đứa đi Tây, đứa đi Tàu…
Vị trưởng đoàn như một cái xác không hồn, anh ta nói những lời không phải của anh ta, nhưng bắt buộc phải nói ra:
- Các đồng chí thân mến! Tôi xin phổ biến cho toàn đoàn nghe một cái lịnh mới. Xin các đồng chí hãy bình tĩnh nghe với tư thế kẻ chiến thắng, và với thái độ của một đảng viên tiền phong của giai cấp vô sản.
Anh ta cứ nói vòng quanh mãi mà không chịu vào đề, làm cho ai nấy đều bực dọc. Có người nói ngay:
- Thì cái việc ở lại khu sáu chứ gì mà đồng chí cứ rào đón mãi. Ai ở lại thì xin vái cả mũ. Chúng ta không phải là khỉ hát xiệc của gánh Tạ Duy Hiển mà lúc nào muốn đem chúng ta làm trò chỉ cần cho ta một vắt cơm thì đem ra. Tôi thấy ông Tạ Duy Hiển tuy chỉ là người chuyên môn giáo dục thú vật để làm trò vui cho thiên hạ nhưng tôi tiếp xúc với ông ta, tôi thấy ông ta rất thận trọng trong việc luyện tập và sử dụng từng loại thú một. Ông ta nói với tôi về tâm lý của từng con thú một, rất xác đáng chứng tỏ ông ta là một nhà tâm lý sành sõi. Ví dụ như loại khỉ là loại lóc chóc, rất thông minh nhưng lại rất chóng quên, và hay bắt chước, muốn giáo dục nó phải vừa dỗ ngọt vừa dùng roi vọt, con gấu là con vật lầm lì, hung dữ và táo bạo, muốn dùng nó không nên bao giờ dùng roi vọt với nó. Đại khái, ông ta kể lại rằng có một lần nọ một chú gấu sút chuồng…
Anh bạn nói có vẻ thao thao bất tuyệt những điều chất chứa trong lòng lâu nay chưa có dịp xổ tung ra. Mọi người ngồi im, vừa bực bội vừa chua xót. Có người muốn phản đối nhưng đành im, vì cái ông bạn kia tuy nói ác khẩu thật nhưng lại rất chí lý.
Còn vị đoàn trưởng muốn lãnh đạo cái đoàn của mình. Anh ta ấp úng mãi mới tìm ra câu trả lời, anh ta nói rất gượng gạo:
- Đây là lệnh. Chúng ta là cấp dưới, chúng ta phải thi hành.
Lập tức cả đoàn lại nhao nhao lên. Một người nói:
- Đồng ý là lệnh Ai không biết phàm con nhà lính là phải coi lệnh cấp trên như chính là bộ óc của mình, còn mình chỉ là tay chân. Nhưng muốn được vậy cấp trên phải sáng suốt, mỗi cái lệnh ban ra phải cho hợp với nhân tâm, phải hợp với hoàn cảnh, lệnh ban ra cấp dưới đều thi hành dù có chết cũng vui. Đó mới là lệnh của cấp trên.
Vị đoàn trưởng nói ngay:
- Chúng ta là chiến sĩ cách mạng, chúng ta hy sinh vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng như các đồng chí trung ương đã dạy chúng ta. Đòi hỏi cách mạng phải theo nguyện vọng của chúng ta tức là chúng ta hy sinh có điều kiện.
Anh bạn vừa ngồi xuống lại đứng lên ngay:
- Con c… Con c… tao đây, chẳng có thằng đếch nào hy sinh cho cách mạng vô điều kiện cả. Đồ láo toét. Đồ bịp người. Tôi chỉ thấy những thằng nói hy sinh vô điều kiện thôi, nhưng thực ra thì họ đều hy sinh có điều kiện cả, nhà lầu, ô-tô, cơm gà cá gỏi, vợ con phủ phê. Còn muốn gì nữa? Năm mươi tuổi lấy con gái mười tám uống sâm Triều Tiên như nước vối, nay tiệc mai tiệc, còn muốn gì nữa? Tôi mà được như thế tôi “hy sinh cho cách mạng suốt đời và tôi sẽ bắt con tôi hy sinh suốt đời nó luôn! ” Tôi hỏi các đồng chí bà vợ nhỏ của đồng chí D. là bà N. trước kia là mèo của ông T. Tư lệnh miền Tây, bà ta làm chức gì mà được đi tàu lặn vô Nam? Và vô trong Nam bà ta làm chức gì? Có phải để trốn ghen? Tôi thấy lũ chúng ta bị lợi dụng lòng cương trực và nhiệt tình cách mạng. Nhưng những kẻ lợi dụng nên nhớ rằng cái gì cũng có mức độ. Đi quá mức sẽ đổ vỡ. Tôi là một thằng kháng chiến chín năm, ra Bắc mười hai năm, cuộc đời tôi coi như hết rồi. Tôi được cái gì? Cái cấp thượng úy tôi không cần… tao đếch cần, tao chỉ muốn làm dân.
Anh bạn cởi quân phục ra (cố nhiên không có gắn quân hàm) vứt xuống đất và cởi khẩu súng ngắn ném luôn xuống đất. Rồi anh ta quày quả ra về giữa sự ngơ ngác của cả đoàn Nhưng đi được vài bước, anh ta cười hắc hắc và trở lại, nói giọng rất mỉa mai.
- Ý quên, còn cái quần cởi trả luôn cho đủ bộ! Rồi anh ta cởi quần ném thành đống trên chiếc áo phủ lên khẩu súng lục K54. – Thôi nhé, chào các đồng chí, kể từ giờ này tôi là phó thường dân. Tôi đi, tôi đứng tôi ở tôi nằm đều do lệnh của tôi.
Từ đó trở đi, cuộc họp không tiếp tục được. Anh đoàn trưởng rút lui còn những người khác thì lảng đi dần không ra cái sự hội họp gì nữa.
Anh đoàn trưởng đi vô Bộ tư lệnh suốt buổi chiều hôm đó. Đến sáng hôm sau mới trở về. Đi cùng với anh ta có một ông vẻ mặt quan trọng và một anh cần vụ quảy một cái bòng sữa hộp và đường cát (để làm công tác chánh trị chắc).
Tôi đã từng đọc một dòng chữ như những vết sẹo trên da một cây cổ thụ: “Thà chết không quay lại cuộc đời đất Bắc bạc bẽo.”
Thế mới biết người Nam Bộ vượt Trường Sơn trở về miền Nam với vô số ý nghĩ phức tạp nhất là ý nghĩ oán hận chớ không phải “đi giải phóng Miền Nam” như những kẻ lãnh đạo nhầm tưởng.
Đứng ở đây tôi nhìn thấy cuối dãy Trường Sơn thu nhỏ lại như một hòn non bộ trước tư dinh của ông Phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải nơi mà tôi đã giam thân học lấy học để những bài học của Trung ương đảng ban ra để làm vũ khí chống lại Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa.
Đó, xương đồng chí của các ông đó, hãy chịu khó đi nhặt lấy để mà bán cho các viện giải phẫu với giá hời, các ông sẽ được lãi to trong canh bạc “giải phóng” miền Nam này! Đó là điều chắc chắn!
Hãy đi nhặt những ống xương ấy về kết làm ghế ngồi, làm bàn buya-rô, và khắc chạm thành những chiếc ống điếu đùng để các ông hút thuốc giải khuây!
Vâng! Xương trên Trường Sơn nhiều quá. Xương lộ thiên như những vỉ than ở Hồng Gai đã làm giàu cho miền Bắc.
Vậy mà các vị cứ ở ngoài Hà Nội chạm cốc với nhau chúc mừng chiến thắng. Và có lẽ nhà thơ “vĩ đại” nhất của Hà Nội cũng sẽ lại có thêm cơ hội để mà viết một câu thơ tương tự như sau. “Rượu cúc ấy, các ông, là rượu…!”
Ít hôm sau Thu đau. Theo sự chẩn đoán của ông bác sĩ Cà Dom thì Thu bị thương hàn. Theo lời khuyên của Năm Cà Dom thì nên đưa Thu vào một cái bệnh xá ở gần đó.
Hồng và Năm Cà Dom thì khiêng Thu còn tôi quảy tất cả bốn cái ba lô đi sau hộ tống. Đến bệnh xá xong, Năm Cà Dom quay trở ra ngay. Còn tôi ở lại với Hồng.
Thu mê man suốt đêm. Còn Hồng thì nói chuyện qua loa với tôi một chập rồi biến mất.
Sáng hôm sau, Thu vẫn còn sốt vùi. Tôi nói với Hồng:
- Em ở lại với chị nhé, anh trở lại trạm.
Tôi đắp chăn kỹ lưỡng cho Thu rồi quay đi.
Hồng lặng thinh không buồn không vui. Cậu ta đưa tôi đi một quãng. Khi sắp quay lại thì cậu ta dúi vào tay tôi một hộp sữa. Chao ôi! Cái vật kỳ lạ này bỗng nhiên lại xuất hiện ở giữa rừng này, một kỳ quan có lẽ!
- Ở đâu cậu có vậy?
- Ở đâu em có thì thôi. Em biếu anh đấy.
- Thôi cậu để lại cho Thu đi. Tôi không cần.
- Em còn nhiều mà!
- Trời đất… Em…
- Thôi anh cất đi. Không cần biết ở đâu em có.
Rồi Hồng quay ngoắc trở lại.
Tôi cầm hộp sữa trong tay. Sữa hộp “Nestlé” bên ngoài có hình cái tổ chim mà tôi quen thuộc từ thuở bé!
Trời đất! Ở đâu mà có cái hộp sữa này, mà tôi lại là chủ? Tôi biết chắc chắn Hồng đã giở ngón sở trường của cậu ta rồi. Có lẽ tất cả cái kho của bệnh xá này bị anh ta moi ruột.
Tôi để Thu nằm lại với đứa em trai, nghĩ cũng tàn nhẫn và ích kỷ quá, nhưng ai đứng trong hoàn cảnh của tôi thì chắc cũng xử thế như tôi mà thôi!
Tôi lủi thủi đi trên đường về trạm, tâm sự ngổn ngang. Trong lúc Thu mê man tôi đi mà không nói được lời từ giã. Tôi cảm thấy mình hèn hèn thế nào ấy, thấy mình không được hài lòng về mình. Tuy thế tôi vẫn cứ mạnh bước, tôi biết trước rằng nếu tôi quay trở lại ở săn sóc Thu thì khi Thu khỏi bệnh, chúng tôi cũng chia tay, chừng đó tôi sẽ ân hận.
May mắn cho tôi vô cùng, khi tôi về tới nơi tất cả đều có ở nguyên vị, không vắng ai. Năm Cà Dom, Hoàng Việt…
Chúng tôi nằm thoi thóp trên võng, không muốn đi đâu không muốn làm gì. Có lẽ cái chết, duy nhất có thể giúp chúng tôi giải quyết tất cả
Một buổi trưa, chúng tôi nằm im. Năm Cà Dom thì thở dài thườn thượt, còn Hoàng Việt thì cứ chốc chốc lại kêu lên “cách mạng cái gì kỳ cục vậy he? ” và đưa những ngón tay lên quàu trên mái tóc trắng xóa như để bới tìm phương cách giải quyết khó khăn. Nhưng đâu có cách gì ngoài gạo?
Chung quanh đây đâu còn cái kho nào nữa để mà ăn cướp? Các đồng chí trung ương đã xua chúng tôi vào đây như xua một đàn vịt mạnh con nào con ấy rút rỉa, đói no sống chết cũng mặc.
Bỗng Roánh xuất hiện. Roánh nắm một mớ lá trong tay, vừa đi vừa rứt tung mớ bỏ vào mồm nhai có vẻ thú vi lắm. Tôi hỏi ngay:
- Gì đấy?
- Lá cây.
- Lá cây gì mới được chứ?
- Lá bép.
- Đâu đưa đây coi
Roánh tạt vào lều chúng tôi, đưa mớ lá cho chúng tôi xem.
Những chiếc lá láng mướt như thoa mỡ hình bầu dục và nhỏ như lá
ô-môi. Roánh nói:
- Ở vùng này có một tiểu đoàn ăn lá bép sáu tháng.
- Ai nói đó? Năm Cà Dom hỏi.
- Nghe người ta nói chớ ai.
- Nói dóc! Người ta chớ phải trâu bò đâu mà ăn lá sống được.
- Đây các anh ăn thử xem. Béo lắm.
Năm Cà Dom bứt mấy chiếc cho vào mồm và nhai thử. Năm Cà Dom phun ra và lắc đầu:
- Không ăn được đâu.
- Các anh rồi phải ăn như tôi. Đói quá mà.
Hoàng Việt phát cáu:
- Ai mà ăn kỳ cục vậy!
Roánh biến vụt đi với mớ lá trong tay.
Tôi đã nhận diện cái giống lá đó và bắt đầu đi tìm.
Tôi đi bẻ được ngay một mớ nhưng lòng buồn nản vô cùng, không thiết gì đến việc nấu nó mà ăn. Năm Cà Dom gợi ý:
- Hay là mình lội trở lại cái kho gạo bị thiều hủy tìm những hạt gạo còn sót chung quanh kho.
- Đúng rồi! Hoàng Việt đồng ý. Bây giờ mình phải đi ăn mót.
Tôi nói ngay:
- Nhưng bây giờ ai biết đường trở lại đó. Và ai dám đi?
Vấn đề của tôi đặt ra làm cho mọi người thất vọng. Dù có nhớ vị trí cái kho gạo cũng không ai dám đi.
Tôi nghĩ lại mà tiếc ngơ tiếc ngẩn.
Một hôm tôi đi quanh quẩn trong khu vực đóng quân tôi gặp Ngân. Té ra nàng vẫn đi gần bên tôi và Thu mà chúng tôi không hay. Trông nàng cũng không khác trước là mấy. Cô kỹ sư nông lâm có vẻ bình thường trước vấn đề gạo. Hơn thế nữa Ngân đang nấu cháo. Lúc này mà có gạo để nấu cháo là một việc vô lý hoặc là một việc làm mà người ta phải giấu đi để khỏi phiền phức cho mình.
Thấy tôi đến, Ngân mừng lắm, nhưng nàng cố giữ vẻ bình thản. Tôi hỏi:
- Lâu nay sao không thấy Ngân tới chơi… với Thu?
- Mệt quá anh ạ. Đâu có lúc nào rỗi rảnh mà đi.
- Nhưng tôi cứ nghĩ là Ngân đã giận tôi.
- Em giận gì anh?
- Tôi biết mà, giận tôi chi!
Ngân đang ngồi nấu bếp ngẩng lên đối đáp với tôi nhưng khi tôi nói đến câu đó thì Ngân cúi mặt xuống, tay khẽ bẻ những que củi nghe răng rắc, ném vào lửa một cách sững sờ.
Tôi thấy đứng lâu không tiện cho nên tôi vội vã ra về. Ngân nói ngay:
-Anh ở chơi ăn cháo?
Đàn bà có phép mầu nhiệm. Mỗi khi họ mời mọc thì khó chối từ. Tôi đành phải ở lại.
- Ngân mời tôi ăn cháo, tôi lấy gì mà đáp lại.
Tôi vừa nói vừa nhìn hai hàn tay của Ngân. Chúng vẫn như xưa hai bàn tay ấy, với nước da trắng nõn và những ngón tay thon như búp cây
rừng, những ngón tay đã từng giữ nhánh tre khi đi ngang qua một lạch suối, và những ngón tay đã giở những trang sách của tôi ở dãy rừng núi này.
Trước đây Ngân rất hồn nhiên với tôi khi bên cạnh Ngân có cả Thu. Hay ít ra Ngân cũng đã tạo ra được sự hồn nhiên đó, còn bây giờ Ngân hơi luống cuống.
Tôi cũng lấy làm lạ rằng sự luống cuống đó lại tác động vào tâm hồn tôi một cách sâu xa. Cái nhánh tre xanh tươi bên ven suối trở nên mát mẻ trong lòng tôi lạ thường. Tôi cảm thấy hình như những ngón tay của Ngân vẫn còn giữ nó để cho khỏi quất vào mặt người phía sau đang đi tới, vì thế mà, anh ta nhìn thấy và yêu những ngón tay đó.
- Anh ở đâu? Ngân đột nhiên hỏi tôi.
-
Ở đây bên em. Tôi đáp.
- Không em muốn hỏi bây giờ anh đang ở gần đây không?
Tôi vui vẻ:
- Thì ở đây ngay bên em. Em không thấy điều đó hay sao?
Ngân dẫy nẩy phụng phịu:
- Anh kỳ quá. Em muốn hỏi chỗ đóng quân của anh.
- Anh cũng lấy làm lạ quá! Anh đang đóng quân ở đây, hay nói rõ hơn là đang đóng đô trong lòng…
Tôi vui vẻ pha trò để đề phòng sự phản ứng của Ngân. Nhưng Ngân để lộ nét vui trên gương mặt.
Ngân hơi ửng đôi má. Rồi để cố dấu cái hiện tượng bừng lên trong lòng Ngân lấy nắp cà men múc cháo ra đưa cho tôi. Cháo ngon lành thật. Nó hồi sinh trong tôi những tế bào héo hon sắp bị thải ra ngoài.
Tôi từ giã Ngân trở về lều.
Năm Cà Dom nằm võng nghe radio. Cái radio đang dùng mấy cục pin cũ phát ra những tiếng è è.
Ông Chín nằm tóp ve trên võng như tàu lá. Lâu nay thì cục lập trường của ông Chín đã trở thành “mảnh da lừa” teo dần theo những nguy nan hằng ngày. Tội nghiệp ông Chín hết sức. Ông trối dài. Ông không giấu giếm sự bi quan trong lòng ông nữa. Ông cho rằng ông đi không đến nơi. Và ai cũng công nhận như thế. Một con người chỉ còn xương bọc trong da mà phải leo núi hai tháng nữa với những cơn đói bất ngờ luôn luôn xảy ra thì làm sao mà đi nổi.
Tôi chú ý thấy gần đây ông Chín ngụy trang nhẹ nhàng hơn trước, vì sức khỏe kém hơn là vì khinh địch.
Roánh mang đến cho tôi một mớ lá bép trong cái nắp cà mèn. Roánh bảo:
- Anh ăn thử đi, khá lắm. Giống như có pha mỡ lợn.
- Có chết dại không?
- Em ăn rồi mà. Cả đơn vị đùng đùng đi hái về ăn đấy.
- Có nhiều không?
Tôi chỉ nếm vài miếng rồi trả lại cho Roánh.
- Cám ơn cậu. Tôi sẽ đi tìm.
Roánh cứ lân la bên tôi, không chịu đi. Mãi lúc sau Roánh mới e ngại nói:
- Em và thằng Hồng rất thân nhau.
- Thế hả? Tôi hỏi lơ là.
Roánh nói tiếp:
- Nó bảo với em rằng anh có cái máy ảnh.
- Nhưng để làm gì?
- Em xin anh một “pô”.
- Cậu sắp trở thành “anh hùng” hả?
- Không? Chính là em sắp chết.
- Hả? Cậu nói cái gì? Cậu mê sảng trong cơn sốt ác tính à?
- Không, em vẫn bình tĩnh. Để em kể cho anh nghe.
Roánh nói tiếp:
- Em sắp đi trinh sát.
- Sắp đánh à?
- Sắp mở đường máu anh ạ.
-Thế à!
- Nếu không mở đường máu thì nằm đây cũng chết vừa chết đói vừa chết bom. Vi chỗ này lộ quá rồi. Anh cũng biết thừa rằng sau vụ cướp kho gạo, máy bay do thám hằng ngày. Ở đây cả đơn vị lớn thế này thì làm sao tránh khỏi B52? Cho nên các cha cán bộ khung bị khu sáu bắt lại đã chuồn đi hết rồi để lại cho mình hưởng nguyên cái “gia tài” vĩ đại đó.
Vì thế cho nên cấp chỉ huy của em, ông Mạnh Rùa và ông Tuất định tổ chức một cuộc tấn công mở đường máu. Cuộc tấn công này sẽ có hai cái lợi. Thứ nhất nếu thắng lợi thì cả đơn vị mở đường đi vào sẽ có tiếp tế gạo. Còn nếu không thắng thiếc gì cả thì sẽ có một số toi mạng. Do đó sẽ nhẹ lo vấn đề gạo cho các ông.
Tôi gạt ngang:
- Cậu nói bậy, chỉ huy mà ai lại đi tổ chức một trận đánh như vậy?
- Em bảo đảm với anh đó là sự thực.
- Thánh thần cũng không biết nổi.
- Em nghe lén mà. Họ bàn luận với nhau chẳng ngờ em ngồi gần đó. Em nghe rõ không sót một câu nào. Các ông Mạnh Rùa và Tuất Chó đồng chủ trương nhờ kẻ địch giết chết em. Để em trong đơn vị hai ông ấy khó chỉ huy.
- Kỳ cục vậy! Tôi kêu lên.
- Nhưng đó là sự thực.
- Đồng chí với nhau không mà.
- Đồng chí gì! Các ổng nhớ cái lần các ổng lén mua gà trong buôn về chưa kịp ăn bị em đớp mất không dám la, nên bây giờ các ổng trả thù.
Roánh nói tiếp:
- Nhưng trước khi họ cho chúng em ra trận, họ còn cho chúng em chút ít ân huệ.
Tôi hỏi:
- Ân huệ gì?
- Họ kết nạp chúng em.
- Cậu và ai?
- Một thằng nữa, tên thằng Đính, cũng ngổ ngược như em.
- Kết nạp vào đoàn hay vào đảng?
- Em thì vào đoàn, còn thằng Đính thì vào đảng. Vì thằng Đính đang ở trong đoàn rồi. Họ động viên em bằng cách đó. Anh xem có ” thiêng liêng ” không? Ghê quá!
- Thế ra các cậu cũng “vinh quang” tột đỉnh rồi.
- Vâng, nay mai đơn vị sẽ mặc niệm em và truy tặng em là “anh hùng quân đội” trong lúc đó thì bố mẹ em ở nhà khóc sưng con mắt và chỉ muốn em sống để trở về nhà thôi. Em dự đoán thế là vừa, nếu may mắn mà em sống thì còn nói gì nữa, còn nếu em chết thì anh gởi bức ảnh về cho bố em.
Tôi bỗng nhiên xúc động vì tâm sự và điều yêu cầu cỏn con của thằng bé. Tôi lâu nay cứ đánh giá nó như một thằng lính láu cá chuyên ăn cắp vặt. Chẳng ngờ nó lại ưu tư đến thế!
Tôi đắn đo, không biết có nên lừa gạt cậu thanh niên này không? Rốt cuộc, tôi nhận lời. Vì đó là yêu cầu của kẻ biết mình sắp phải chết. Anh ta đâu biết máy tôi không phim. Cứ nhận cho anh ta yên lòng. Thế cũng chẳng tội tình chi.
Tôi nói:
- Cậu bi quan quá! Nhưng tôi sẵn sàng chụp cho, cậu muốn mấy pô tớ chụp cho mấy pô. Sáng mai nắng lên tôi chụp.
Roánh nhảy cỡn lên. Anh chàng không ngờ tôi tốt bụng đến thế. Hôm sau thì hai cậu thanh niên được kết nạp, y như Roánh đã nói với tôi, Roánh thì vào đoàn viên thanh niên lao động, còn Đính thì vốn là đoàn viên, thì vô đảng.
Tôi không có dự hai cái buổi lễ kết nạp đó, nhưng tôi cũng hình dung ra nó diễn ra như thế nào.
Đại khái là đồng chí Bí thư chi bộ tuyên bố lý do rằng thì là ngày hôm nay chi bộ ta quyết định kết nạp đồng chí nọ đồng chí kia vào chi bộ. Kể từ nay hàng ngũ ta có thêm chiến sĩ giai cấp vô sản, v.v... (nghĩa là không có cả gạo nấu… cháo).
Rồi người được kết nạp giơ tay thề hì sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, và đặt quyền lợi đảng (hay cho một nhóm tham quyền cố vị độc tài? ) lên trên hết (cả quyền lợi của tổ quốc).
(Từ đó trở về sau, tôi không gặp lại hai cậu thanh niên này nữa. Tôi cũng không rõ hai cậu đó chết, hay đã sống cuộc sống sau khi đã rời đơn vị.)
Xương Trắng Trường Sơn Xương Trắng Trường Sơn - Xuân Vũ Xương Trắng Trường Sơn