When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: sach123
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 48
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1338 / 35
Cập nhật: 2016-02-04 14:38:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Quá Trình Êm Dịu - Nguyễn Anh Biên
ợ tôi là cán bộ kỹ thuật của nhà máy chế tạo máy cái, thuộc Bộ Công nghiệp nặng, người học hành đến nơi đến chốn, có bằng cấp hẳn hoi, năm nay gần 40 tuổi nhưng đã về nghỉ mất sức, mặc dù sức khỏe vẫn còn rất tốt, chẳng đau ốm bệnh tật gì. Bà ấy là người có năng lực làm việc lại xinh xắn nổi tiếng, được nhiều anh chị em trong cơ quan bầu làm hoa hậu "Ðã có chồng". Tính tình bà ấy cởi mở thẳng thắn, trung thực, không biết ton hót xu nịnh ai, nhất là lãnh đạo bà ấy phê bình thẳng cánh, cho nên cũng không được lãnh đạo quý, tất nhiên về phía bè bạn cũng có vài người dài môi thì ghen ghét, đố kỵ, nhưng phải nói rằng bà ấy được nhiều người yêu mến, vậy mà lại về "Vườn"!
Số phận của vợ tôi cũng như số phận của nhiều cán bộ công nhân viên khác, nó là "sản phẩm" ưu việt một thời của nền kinh tế bao cấp, khi mà nước ta đổi mới, cải tổ, thì nó lại là "sản phẩm" thừa của kinh tế thị trường.
Những năm trước đây, hàng ngày bà ấy dậy thật sớm nấu cơm sáng; rồi xách cặp lồng cơm trưa đến cơ quan làm việc, công việc đều đều vui vẻ, cuối năm bình bầu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua rất quyết liệt, thận trọng trong việc chọn người tài, so đo từng ly từng tý. Nhưng vài năm trở lại đây tự nhiên nhà máy hết việc làm, sản phẩm của nhà máy làm ra không tiêu thụ được chất cao như núi, giống như nguồn suối tự nhiên cạn nước. Ngày ngày cán bộ công nhân viên đến cơ quan, công việc quá nhàn hạ, phải làm gì cho hết 8 giờ vàng ngọc? Mỗi người phải tự tìm lấy việc mà làm, linh hoạt phải biết: Người thì đi chợ mua rau, mua cá về làm thịt, xào nấu bằng bếp điện (dùng điện cơ quan) chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình tại ngay cơ quan thật là thuận tiện; kẻ thì cắt may, đan lát, người thì đi tác chiến, những hợp đồng kinh tế riêng, từng tổ, hoặc từng cá nhân cũng cực kỳ linh hoạt. Còn Vân nhà tôi thì đánh tú lu khơ, đọc báo, tán chuyện chồng con với các bà nạ dòng, trình bày quan điểm yêu đương với các cô gái trẻ, bàn luận những vở kịch kệch kỡm, những bộ phim dởm, với những pha sếch rẻ tiền làm ô uế nền nghệ thuật nước nhà; phê phán những cuốn sách tình ái nhảm nhí và uống trà vặt.
Một hôm sau bữa cơm chiều bà ấy nghiêm trang nói:
- Anh ạ! Em đã bàn với anh nhiều lần rồi mà anh không chịu nghe em, lần này em muốn...
Tôi biết chuyện gì rồi, bình tĩnh hỏi:
- Bà đã quyết rồi chứ gì?
- Tại sao anh không thể hiểu, không thể thông cảm được nỗi lo lắng của em nhỉ?
- Sao lại không?
- Cuộc sống cứ kéo lê kiểu này thì đến chết đói cả lũ. Lương của anh của em, cộng với nhuận bút còm, những tác phẩm của anh, may ra đủ trả tiền điện, tiền nhà, tiền nước, chưa chắc đã đủ nuôi chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nuôi con?
- Nhưng em làm nghề gì để sống? - Tôi lo lắng đặt câu hỏi. Buôn bán không biết, nghề phụ không có, cả đời học hành rồi đi làm cán bộ, lao động chân tay không quen?
- Em vẫn nhớ câu chuyện anh kể: Ngày xưa trong kháng chiến chống Mỹ, anh vào Nam đánh giặc. Trong một trận đánh đơn vị anh bị bao vây, anh là người dũng cảm mở đường máu, thật bất ngờ, chính nhờ lòng dũng cảm ấy đã cứu anh và đồng đội. Ngày nay không còn bom đạn ác liệt, nhưng cuộc sống đã bao vây chặt chúng ta, dồn chúng ta đến chân tường. Cũng giống như cuộc phá vòng vây của anh ngày xưa, bây giờ ta cũng phải liều, phải có quyết định táo bạo mới thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nghe vợ nói trong lòng tôi thầm nghĩ cũng có lý, song tôi vẫn không chịu công nhận, nói lời phủ định luôn:
- Em đừng ví dụ, đừng so sánh như vậy, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lắm, phải có lòng tin, phải biết tin tưởng... - Tôi ngập ngừng cách dùng từ tiếp theo thì Vân cướp lời:
- Phải tin tưởng ở lãnh đạo đúng không? Anh mới ngoài năm mươi mà suy nghĩ đã trì trệ, không khác gì các "cụ" lãnh đạo nhà máy em, thế cho nên nhà máy đang trong cơn hấp hối, không thể cứu vãn được, nó sẽ phá sản nay mai.
- Này! Ăn nói thận trọng. - Máu tôi đã dồn ngay lên mặt, sao hôm người bạo phổi thế nhỉ? Bà ấy nói tiếp quyết liệt hơn:
- Là nhà thơ mà anh không có tư tưởng đổi mới thì anh viết cho ai đọc?
Lúc ấy tôi đang ngắm nghía tập thơ "Bông hồng sầu muộn" của tôi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa mới in xong còn thơm mùi mực, và đang định khoe với vợ, bỗng "Bông hồng sầu muộn" run lên bật bật, không kìm chế được bởi câu phê rất mạnh, thậm chí quá nặng nề, chạm đến danh dự đảng viên, đến nghề nghiệp thiêng liêng của tôi, mà xưa nay chưa bao giờ bà ấy nói thế, hoàn toàn nói những lời ca ngợi phẩm chất của chồng, văn chương cao quý của chồng. Lập tức cuốn sách bay vèo qua cửa kính, ô cửa vỡ tan những mảnh thủy tinh rơi loảng xoảng rào rạo. Con mèo đực hiếu động tưởng trò đùa của tôi với nó thường ngày, nó bay theo "Bông hồng sầu muộn" lao qua lỗ vỡ cửa kính vồ quyển sách, bị một mảnh vỡ trên cửa sắc như dao nhọn chọc tiết lợn cứa vào đầu, máu vãi ra đầm đìa. Sau giây phút bất ngờ, hoảng hốt và bối rối Vân chạy lại ôm lấy con Liu Liu. Liu Liu bị đau kêu toáng lên, Vân lặng lẳng ôm con mèo vào lòng, đi lấy bông băng băng lại cho nó, âu yếm vuốt ve nó. Tôi liếc nhìn, thấy máu thấm loang đỏ chiếc áo sơ mi trắng ở phía ngực trái, như máu từ trái tim của bà ấy phun ra, trông nét mặt đau đớn dữ dội vô cùng. Hình ảnh ấy làm cho lòng tôi quặn đau, mồ hôi toát ra. Tôi ngồi im như chết rồi trên chiếc ghế tựa, đầu gục xuống bàn viết. Tôi có cảm giác cả căn nhà như quả núi khổng lồ đang đè tôi xuống.
Thời gian nặng nề, chậm chạp, không gian lặng im bối rối, nóng nực và vỡ vụn!
- Hàng tháng anh đưa về cho em hết cả số tiền lương mà anh được trả, anh nghĩ rằng thế là ổn rồi phải không? Và anh yên tâm ngồi mà sáng tạo ra những mẫu nhân vật, có cuộc sống phong phú đầy tính cách, và những vần thơ hiện đại sống động cuộc đời trong đó. Nhưng cuộc sống hàng ngày ở gia đình này và vợ anh ngày ngày phải đối mặt với đồng tiền với giá cả. Có thể nói không khác gì ngày xưa anh bị địch bao vây, sống chết chỉ còn treo trên sợi tóc. Nhưng cuộc bao vây ngày nay em không kêu, và cũng không bao giờ anh cần biết đến vợ anh đã phải chèo chống như thế nào trong cơn bão tố mà không có gió, trong lửa nóng như thiêu mà không có ngọn lửa.
- Ngao ngao... nào nào... - Con Liu Liu đau đớn rên rỉ.
- Ðừng rên nữa con, ráng chịu đau. - Bà ấy vỗ về, cưng nựng con mèo. - Không phải mày mở đường máu mà bị thương trong trận chiến này. Chính mẹ! Mẹ mở đường máu mà bị thương đấy con ạ.
À... đàn bà rất tài nói cạnh nói kháy, tôi rùng mình, có một giây lạnh chạy từ đỉnh đầu dọc xuống sống lưng rồi lan nhanh khắp cơ thể.
- Thôi! Cô im đi, đau đầu lắm. - Tôi nói như một mệnh lệnh, nhưng âm sắc và ngữ điệu thì như là một yêu cầu khẩn thiết. Tôi khẳng định, đây là lần đầu tiên vợ chồng to tiếng với nhau, và kịch tính đẩy nhanh đến không ngờ, chính là vì cuộc sống đè nén, lý do thứ hai có lẽ là do một chất xúc tác đã làm bùng lên ngọn lửa: đó là lòng say mê nghề nghiệp của tôi, mà cổ nhân đã có lời cảnh cáo rồi: "Lập thân tối hạ thị văn chương" làm cái nghề mang lại cảnh nghèo nàn, đói khổ cho vợ con mà vẫn vui, vẫn sướng mà hành nghề. Là một người vợ hiền lành mấy cũng có khi phải khó chịu đức ông chồng nghệ sĩ của mình. Chuyện nhanh chóng xảy ra như một cơn lốc xoáy, đẩy cả hai vợ chồng đến trước bờ vực thẳm, cả hai đều giật mình phải cầm tay nhau lui lại.
Lúc này ngữ điệu của bà ấy hoàn toàn thay đổi, song thái độ vẫn cương quyết:
- Anh còn cái thú sáng tạo của người nghệ sĩ, anh có thể quên đói mà ngồi viết, còn em, em là con người của đời thường. Trong chuyện này chúng ta không cùng chung tiếng nói. Em không thể nghe anh nói được.
Ðây là một tuyên ngôn đanh thép, tôi nhìn thẳng vào mặt bà ấy, vừng trán đang căng ra, suy nghĩ dồn nén chồng chất trong đầu, nhưng nói ra bằng lời chỉ có thế. Bà ấy bế con Liu Liu đứng lên ủ nó vào tấm chăn cũ:
- Con nằm đây, đừng đi đâu nhé, để mẹ đi làm cơm, ăn cơm xong mẹ sẽ cho con uống thuốc bổ, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, người ta có thể chết vì nhiễm trùng đấy con ạ!
Ðấy, thấy chưa, bà ấy lại nói kháy rồi, như thế có nghĩa là quan điểm của tôi là một thứ siêu vi trùng, nếu không thay đổi thế hạnh phúc sẽ tan vỡ. Á cha cha bọn nữ giới họ cũng thâm thúy ghê, thì ra mình nằm cạnh vợ hơn chục năm nay mà không hiểu vợ, bà ấy dữ dội ghê gớm, chứ không hiền lành dịu dàng như bạn bè thường ca ngợi.
Cần phải thoát khỏi bầu không khí này, mình phải làm gì bây giờ! Ngồi vào bàn viết... làm sao mà viết nổi. Ðọc! Thật là kỳ cục, nếu như anh giở trang sách ra, và anh sẽ không hiểu người ta viết gì trong trang sách đó, đi làm cơm với bà ấy!... Thế là mình tự thú, mon men đến làm lành "anh đã thua em"... À! Phải rồi đi đón các con, hôm nay chúng nó nghỉ học đi sang bà ngoại chơi?... Không thể được, bà ngoại phát hiện ra ngay bộ mặt "cãi nhau" giữa hai vợ chồng. Thôi, mình đến nhà Trong tán phét cho khuây khỏa, thằng cha này rất hay thông báo thời sự "mật" trong nước và thế giới, rất hay kêu ca, thường đưa ra những dẫn chứng sinh động về sự xuống cấp trong tất cả những lĩnh vực của xã hội, rồi tự đau đớn đến não lòng.
- Chào nhà đạo diễn.
- Ông Tiên!... Tôi đã trông thấy tập thơ "Bông hồng sầu muộn" của ông rồi, mang đến tặng đấy hả?
- Làm việc miệt mài như thế là đang lấy lại niềm tin đấy.
- À! Phân cảnh phim Lý Tử Trọng. Tuyệt vời, một con người tuyệt vời... Hắn nói say sưa một thôi một hồi về con người quang vinh của đảng của dân tộc, sau đó lại bài ca cũ: "Cậu là đảng viên...". Tôi bực bội nói như quát:
- Vợ chồng tớ vừa cãi nhau to, gây đổ máu. - Không định thông báo cho Trong biết tin này, nhưng không hiểu sao sau câu nói nhàm chán của hắn làm cho tôi bực mình nghĩ hắn "hâm" thật sự hâm, là nghệ sĩ thằng nào cũng hâm, lại bực cho cả chính mình, tôi bật ra câu thông báo chết người ấy. Trong tròn mắt kinh ngạc, mặt tái đi, buộc lòng tôi phải kể tỉ mỉ, nghe xong câu chuyện hắn phá lên cười và nói:
- Ðồ hâm ạ! - Rồi hắn tiếp tục cười như chế giễu tôi.
Ấy đấy thế có tức mình không kia chứ, mình nghĩ rằng nó "hâm" thì nó lại nói toẹt ra là mình "hâm". Hắn nói:
- Nếu cô ấy là nhà thơ thì cô ấy thơ tài hơn cậu nhiều, vì cậu có hiểu quái gì cuộc sống đời thường đâu, cô ấy đã làm hết mọi việc để giúp đỡ cậu viết hết quyển sách này đến quyển sách khác, nhưng xin lỗi, tác phẩm của cậu chưa thuyết phục tôi mấy đâu. Cô ấy đã hành động đúng, còn cậu lúc nào cũng thơ thơ thẩn thẩn, ngất nga ngất ngưởng chả ra cái gì, chỉ ra một thằng hâm!
Ðấy! Tưởng tìm đến hắn cho khuây khỏa, thì hắn lại vào hùa với vợ mình mắng mình xa xả, thế mới biết bọn đạo diễn chúng nó thực dụng hơn cánh nhà thơ nhiều. Như mọi khi, Trong đứng lên lấy hũ rượu rót ra hai chén, còn tôi thì đứng dậy ra về, lòng buồn bã, đau đớn, không thèm uống rượu, không thèm chào hắn nữa, cay cú nghĩ: bọn đạo diễn rất tài tán các cô gái trẻ xinh đẹp để đóng phim cho mình, rồi làm người tình của mình, chứ báu gì mà rao giảng.
- Nào, uống!...
Trong khi đó tôi đã bước ra khỏi nhà.
- Ơ! Tiên! Ông giận tôi đấy à?
Về mặt nào đó nhà đạo diễn nói cũng có lý, lời nói của hắn làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều... Về đến nhà cơm nước đã sẵn sàng, các con đã về, đang léo nhéo bên mẹ, trông thấy bố chúng reo lên:
- Bố đã về, mẹ ơi bố đã về,
- Ăn cơm thôi, con đói rồi.
Các con reo mừng, tôi chú ý để nghe xem bà ấy có phản ứng gì không?... Tuyệt nhiên im lặng. Ðứa con gái út 8 tuổi ôm con mèo lo lắng hỏi:
- Nó có đau không mẹ? - Không trả lời.
- Nó có chết không hở mẹ? - Không trả lời!
- Hở mẹ?
- Việc gì mà nó chết, em chỉ hỏi vớ vẩn. - Con Ngà trả lời thay mẹ.
Một tiếng nói rất nhỏ, cốt để cho tôi không nghe thấy, song tôi đã nghe được.
- Con hỏi bố? - Ðấy là bà ấy xui con Ngọc.
- Chết không hở bố? - Im lặng!
- Hả bố?
- Ai chết? - Tôi quát lên. - Cái gì mày cũng hỏi, mày hỏi bao giờ tao chết hả.
- Không ạ! Con hỏi con mèo.
Tôi nghe tiếng cười, rõ ràng bà ấy cười, song rất kìm chế. Bữa cơm dọn ra có đĩa rau muống luộc, nước rau vắt chanh, và đĩa nhộng rang. Như những bữa ăn khác, dù không có thức ăn, vợ chồng con cái vẫn vui, nhưng hôm nay không khí đầm ấm không còn nữa, tôi biết lỗi ấy là do tôi gây nên, cần phải sửa chữa.
- Ăn mạnh đi các con, sao uể oải thế, rau non luộc xanh ăn giòn lắm, chan nước rau vào mà và cho mau, bố chan cho cái Ngọc nào, nhộng còn bổ hơn thịt, ngon hơn ăn tôm đấy các con ạ.
Có lẽ bà ấy cũng nghĩ, cần phải tạo bầu không khí này:
- Ăn đi, mỗi người gắng lên một bát, đừng để cơm thừa.
Mẹ đã có lời động viên, tình trạng bữa ăn lập tức được cải thiện, mọi người đều cố gắng, bát đũa khua lanh canh, nồi cơm hết nhẵn.
Cạnh nhà tôi có một cái lò mổ, bình thường mỗi ngày người ta mổ trên chục con lợn, ngày lễ ngày tết có đến vài chục con. Cả khu tập thể rất phiền lòng về cái lò mổ này, bởi vì tiếng lợn kêu đinh tai nhức óc, thông thường từ 18 giờ cho đến 24 giờ, là lúc người ta nhập lợn, giờ cao điểm là lúc từ 4 giờ cho đến 5 giờ sáng. Trong khi cả khu tập thể đang say sưa trong giấc ngủ mệt mỏi, sau một ngày vật lộn với cuộc sống, thì cả chục con lợn bị hóa kiếp kêu la thảm thiết, đánh thức mọi người trong khu chung cư dậy. Nhưng biết làm thế nào, không ai có thể có ý kiến gì ngoài sự im lặng và chịu đựng, vì đấy là cuộc sống và nhất là ông chủ lò mổ là một người thương binh nặng cụt cả hai chân lên đến tận bẹn. Cô Lấy vợ anh ta là một cô gái trẻ, lùn mập, đen đúa nhưng lại rất có duyên, mồm năm miệng mười tay dao tay thớt, ra thịt chặt xương, cắt giò như làm xiếc, xông xáo, táo tợn vô cùng. Gia đình ấy rất quý gia đình chúng tôi, vợ tôi thường được mua chịu, mua rẻ hơn người khác, họ rất biết chúng tôi có khó khăn về kinh tế, có lần chị ta sang nhà tôi chơi rồi bảo:
- Nói thật sự chứ! Trí thức như các bác thời buổi này đói khổ là phải rồi, như chúng em lại kiếm ăn được.
Ðúng, hoàn toàn đúng, đấy là một hiện thực đau lòng. Cô Lấy nói với vợ tôi:
- Nói thực sự chứ! Sớm hôm nào chị mua thịt cho em là y như rằng ngày hôm ấy em bán hàng sướng vô cùng, vèo một cái đã hết sạch. Chị có duyên lắm, em mà được cái duyên như chị thì để đâu cho hết tiền.
À, thì ra vì cái duyên của nhà tôi mà chúng tôi được quý, được mua rẻ, mua chịu hàng của cô hàng thịt. Nghe vui tai tôi phải dừng bút lại, cô hàng thịt nói:
- Chị không biết à, cả cái chợ khu tập thể này đa phần là cán bộ về hưu, về mất sức, xin thôi việc ra làm con buôn. Em nói thực sự chứ! Chị còn tiếc gì, về xin lấy một chỗ mà ngồi làm gì mà chả kiếm được mỗi ngày mười nghìn, gấp mấy lần lương của chị rồi. Em nói thực sự chứ! Vợ chồng em quý các bác, nếu bác muốn em xin giúp đỡ.
- Chị giúp tôi gì nào? - Vân chân thành hỏi lại.
- Nói thực sự chứ! Bác rất có duyên, nếu bác không chê nghề của chúng em thì em sẽ giúp, ngày ngày bác lấy thịt ở lò mổ của em mang ra chợ bán, chỉ cần bác mỉm cười mời chào: Mời anh mua thịt của em, bà ơi, bác ạ, em này, lại đây, lợn Móng Cái nạc nhiều, mỡ ít, thịt thơm, cân tươi... thế là chị gạt đi không hết khách. Các anh giai chả lao vào mà mua thịt để ngắm chị, để nghe chị nói như hát. Nói thực sự chứ, em cũng mê chị.
Vợ tôi mỉm cười thú vị, còn tôi thì cười to.
- Em nói thực sự chứ!...
Chị hàng thịt nghĩ rằng chúng tôi nghi ngờ lời chị. Vài hôm sau k hí trời mát mẻ, khi các con đã ngủ say, tôi đang ngồi viết, bỗng nhiên đôi bàn tay thon dài, nuột nà và mềm mại, êm dịu như nhung, lần lần lên hai bờ vai tôi. Tôi dừng bút. Ðôi bàn tay, tôi yêu đôi bàn tay này vô cùng...
Khi nàng 18 tuổi thì tôi đã ba mươi lăm. Tôi là người lính, một sĩ quan cấp tá từ chiến trường trở về, tôi đến với nàng đầy lòng kiêu hãnh của một người lính chiến thắng và chiến công. Còn nàng là một thiếu nữ tuổi xuân đang phơi phới, cũng đầy lòng kiêu hãnh về nhan sắc lẫy lừng của mình, chưa hề chấp nhận bất cứ một tình yêu nào. Tất cả những ai đến với nàng đều trở thành vệ tinh quay chung quanh từ trường của nàng. Khi người lính xuất hiện trước người đẹp, không tấn công mệt sức, và cũng không bao giờ dám ngộ nhận do tài cán của mình mà giành được chiến thắng vẻ vang. Ðây chính là duyên số, Trời Phật đã ban nàng cho anh, là thưởng cho chiến công của người lính một trinh nữ tuyệt vời.
Hai cánh tay của bà ấy ôm chặt lấy người tôi, toàn bộ thân thể phía trước áp sát vào lưng tôi nóng hôi hổi, tôi nắm chặt lấy hai bàn tay. Ðôi bàn tay này, tấm thân này đã làm cho đời tôi dịu ngọt vô cùng, làm cho thơ tôi đằm thắm và hào sảng. Ðôi bàn tay này đang muốn trình bày, thuyết phục tôi điều gì. Sau vụ con mèo bị thương cả bốn bàn tay đang nắm chặt lấy nhau phải rút kinh nghiệm. Chủ đề gì mới, hay chủ đề cũ được nhắc lại. Tôi thành tâm chờ đợi.
- Hôm nay anh nghỉ làm việc sớm hơn được không? Phải nói rằng toàn bộ con người nàng lúc này là sự thuyết phục hoàn toàn, tôi làm sao cưỡng nổi. Tôi chưa kịp trả lời, nàng đã hỏi lại:
- Anh vui lòng không?
- Tất nhiên rồi! - Vân không giận mình nữa, tôi quay lại nhìn vào mắt, tôi biết rằng đôi mắt ấy đang có một yêu cầu chân thành, và một mong muốn cháy bỏng. Tôi ôm lấy ngang lưng nàng, kéo sát ghì chặt vào mình, vùi mặt vào bụng nàng, hương thơm trên da thịt nàng nồng nàn, lan tỏa bao bọc.
- Ðể anh sắp xếp tài liệu, em lên giường trước đi.
Tôi nhanh tay thu dọn tài liệu, trong lòng phấn chấn, tình cảm dâng lên phơi phới, xao xuyến men say. Tôi đi nhanh vào giường ngủ, thì bà ấy lại ngồi trên xalông chờ đợi.
- Nào đi em!
- Anh ngồi xuống đây, em muốn nói chuyện.
Tôi đã hiểu sai ý bà ấy rồi! Tôi hỏi:
- Chuyện gì mà quan trọng thế?
- Anh ạ... em đã làm thủ tục thôi việc rồi.
Tôi biết việc này sẽ phải đến, nhưng vẫn thấy hơi bất ngờ.
- Mình em hay còn ai nữa?
- Em chưa kịp làm đơn xin thì nhà máy đã tuyên bố phá sản, mình phải về là lẽ đương nhiên. Toàn bộ cơ quan bị xóa sổ, ai xin đi đâu được cứ đi, em về nhà để anh xin việc cho em.
Nghe vợ nói mà tôi gai hết cả người. "Anh xin việc cho em" thật sự là một lời thách đố, thời buổi này chỉ có vợ con quan to thì mới xin được việc làm. Thế thì từ hôm nay vợ chồng tôi phải đối đầu với cuộc sống một cách quyết liệt, thật là "cơm áo không đùa với khách thơ".
- "Ðã mang lấy nghiệp vào thân" quá nửa đời người rồi, anh không biết làm nghề nào khác để nuôi vợ nuôi con được nữa.
Biết chồng quá lo lắng bà vợ mỉm cười nói:
- Em không phải là người phụ nữ chỉ biết sống dựa vào chồng, chỉ cần anh bớt chút thì giờ giúp đỡ em, em sẽ xoay xỏa nuôi anh, nuôi con được, anh có tin em không?
Tôi nhìn Vân bằng ánh mắt lo lắng, thương yêu trìu mến vô cùng, tôi thấy mình có lỗi trong những trận cãi nhau. Tôi nói:
- Không phải con mèo bị thương, không phải em trúng đạn, chính anh, anh là người bị thương. Lần thứ nhất vết thương chiến tranh ở chân bên phải, xuýt nữa toi mạng; lần thứ hai, lần này bị thương trong hòa bình.
- Em xin lỗi! Hôm ấy ý em muốn nói một điều khác cơ...
- Thôi đừng nhắc lại chuyện cũ nữa. Em định làm gì để sống?
- Lò mổ!
- Sao?
Vân phì cười, còn tôi thì ngơ ngác khó hiểu, và tôi nhớ lại buổi nói chuyện của chúng tôi với cô hàng thịt:
- Làm sao mà em có thể làm được cái nghề ấy?
- Cuộc sống đã dồn chúng ta đến chân tường rồi, phải quăng chữ "sĩ" đi, ta sẽ làm được tất cả. Bà ấy khẳng định như một chân lý.
Ôi! Cuộc sống mới khắc nghiệt làm sao, đúng như cô hàng thịt nói: "Trí thức như các bác thời buổi này thì đói khổ rồi". Nhìn bàn tay thon dài mềm mại kia mà phải ra làm nghề đồ tể, nhìn gương mặt đẹp thuần hậu, đôi mắt thông minh sắc sảo kia, phải ra ngồi giữa chợ mời chào khách qua đường: "Thịt lợn Móng Cái nạc nhiều, mỡ ít thơm ngon đây, mời anh, mời chị, mời bác, mời bà... Bỏ kiến thức khoa học xuống phản thịt, đè lên mà chặt mà băm vằm, bằng con dao to nhọn hoắt, sáng loáng của nghề đồ tể. Thấy tôi ngồi lặng đi suy nghĩ, bà ấy hiểu tâm trạng của chồng mình, mỉm cười nói:
- Anh không muốn cho em làm nghề bán thịt phải không? Em sẽ làm một nghề khác, bất ngờ với anh đấy, nhưng chắc là kiếm ăn được. Em đang còn phải giữ bí mật chỉ xin anh yên tâm, viết cho hay vào.
Tôi mệt mỏi rã rời.
- Thôi, đi ngủ.
Trên giường hạnh phúc, bà ấy ôm lấy tôi, như ôm con Liu Liu vào lòng, trong tôi tiêu tan đi hết sức xuân phơi phới khi nẫy, lúc này tôi chỉ là một con mèo, hay một đứa trẻ được che chở trong bàn tay dịu dàng của người mẹ.
Mắt nhắm nghiền giả vờ ngủ là để cho bà ấy yên tâm. Tôi thức chong chong cho đến khi những con lợn bị hóa kiếp, kêu vang thảm thiết náo động cả khu tập thể. Tôi bật dậy pha một ấm trà thật đặc, ngồi uống một mình và nghĩ: "Trong cuộc chiến đấu này ta bị bao vây thật rồi". "Phá vòng vây" bằng cách này ư? Trên giường Vân cựa mình trong giấc ngủ mệt mỏi, mơ màng tiếng lợn kêu về sáng.
Toàn bộ số tiền người ta trả cho bà ấy sau mười sáu năm công tác, để ra khỏi biên chế được sống cuộc đời tự do, tự lo là 500 ngàn đồng, bà ấy mua ngay một cái tivi Việt-tô-nich 450 ngàn, để nâng cao đời sống văn hóa cho cả nhà, còn 50 ngàn liên hoan một bữa cho chồng con. Hôm bà ấy bê cái tivi về cả nhà rất phấn khởi, nhất là bọn trẻ. Tôi nói với mấy mẹ con: "Thôi cũng được, có 450 ngàn được ngồi ở nhà mà biết toàn thế giới. Cám ơn mẹ mày!".
Phải nói rằng tôi hoàn toàn bị động, lo lắng, lúng túng trước cuộc sống. Còn bà ấy lại tỏ ra rất bình tĩnh như một đấu thủ đã nắm chắc phần thắng trong tay. Vân đi đâu từ sáng đến giờ không thấy về? Tim tôi đập mạnh, ruột gan cồn cào, đúng lúc ấy Vân tươi cười xuất hiện trước cửa:
- Em đi đâu từ sáng đến giờ?
- Em có cái này. - Vân bình tĩnh khoe.
- Cái gì?
Bà ấy giơ ngón tay lên, một chiếc nhẫn vàng to sáng lấp lóa nơi ngón tay.
- Ở đâu ra? - Tôi hỏi.
- Ðố anh biết.
- Làm sao mà anh biết?
- Em vay con bạn, thế là em đã có một triệu trong tay, không lo chết đói nữa đâu anh ạ. Các con đi học chưa về à?
- Em vay ai? - Tôi hỏi lại.
- Con Thư.
- Nhưng em sẽ làm gì?
- Hôm nay em có thể nói cho anh biết được rồi. Em sẽ đi biên giới với con Thư.
- A!... - Tôi nhớ, cô Thư là giáo viên cấp III bạn học thân thiết của Vân, nghề tay trái là nghề đi buôn biên giới đã thành thạo, mấy năm nay kiếm ăn cũng khá. Thật may mắn đúng kỳ nghỉ hè, hai hôm sau cô Thư về nhà tôi chơi, hai bạn rủ nhau đi biên giới Lạng Sơn. Cứ hai ngày một chuyến hàng về, họ giao vải cho các quầy hàng bán buôn, bán lẻ ở chợ Ðồng Xuân, chợ Hôm, Hàng Da... Nhờ có cô Thư hướng dẫn nghiệp vụ, dần dần Vân quen với thị trường, với cuộc sống mới. Mỗi chuyến đi như vậy, chị em chia nhau được dăm chục, chuyến thắng một trăm, có chuyến hòa, có chuyến lỗ. Nhưng nói chung cuộc sống đã bắt đầu tươi tỉnh, bữa ăn có chút thịt cá, các con có quà bánh.
Tháng hè đã hết, Thư trở lại với nghề dạy học, bà ấy phải hoạt động một mình. Khi mà đã kiếm được tiền, có đồng ra đồng vào, thì người ta ham lắm, không riêng gì ai, bà ấy cũng vậy, dù nóng bức, dù rét mướt, thậm chí có khi giông bão, hàng đóng rồi thì không thể lùi bước, giống như người lính đã đi vào trận, đạn đã lên nòng, không thể không xông lên. Một hôm hàng bà ấy đóng đã khá nhiều, nhưng toàn là những thứ hàng "lông vịt" nào là giày bảo hộ, quần áo bảo hộ, nhồi vào bốn bao tải tạ. Hàng đóng xong đã năm giờ chiều, bỗng mây kéo đen kịt, trời sập xuống thấp tè, phía tây xuất hiện những ráng đỏ bầm như máu, gió bắt đầu nổi lên. Tôi lo lắng nói với bà ấy:
- Em ạ, bão đến nơi rồi, hay là... chuyến này nghỉ được không?
- Không được. - Bà ấy kiên quyết - Vì khách ăn hàng đã hẹn, bất cứ giá nào cũng phải đi.
Không dám bàn ra tính vào nữa, bởi thông thường một chuyến đi, người ta cấm kỵ những lời nói bàn lùi, và không ăn cá mè, không ăn thịt chó... rất kỵ gặp đàn bà khi ra khỏi nhà... trời đất hôm nay lại nổi cơn giông đột ngột thế này. Hiểu được nỗi lòng của tôi, và chính trong lòng bà ấy cũng đang cồn lên những lo lắng.
- Anh à! Hay là... hay là... chuyến này nhiều hàng lại có một mình em, anh đi với em?
Nghe vợ nói trong lòng tôi xảy ra cuộc đấu tranh quyết liệt: - Ði là cực kỳ gian khổ, nhưng tại sao mấy tháng nay vợ mình chịu đựng được mà mình lại sợ? Thế là hèn, phải đi. Còn công việc cơ quan, bỏ một ngày thì đã sao? Phải vậy thôi. Các con ở nhà với ai? Gửi hàng xóm. Nếu từ chối thì bà ấy sẽ nghĩ: "Ðích thị ông chồng mình là người vô tích sự, thơ phú chữ nghĩa thì cần cho ai, khi mà cuộc sống không có gạo mới là cái chết, không có thơ cuộc sống vẫn nhăn răng cười"... lộ bộ mặt thằng chồng hèn, khó khăn dồn tất cả lên lưng vợ, ăn bám vào sức lao động của vợ, thế không hèn là gì hỡi nhà thơ?
- Ðược! Anh đi. - Tôi mạnh dạn trả lời.
Mắt Vân sáng lên trong cơn mưa giông đang ùn ùn kéo về.
Thế là cả hai vợ chồng nhanh chóng thu dọn nhà cửa, mọi việc tạm ổn. Bấm giờ tốt, đúng 8 giờ tôi thuê xích lô chở hàng ra bến xe Hàng Ðậu đi Lạng Sơn. Xe nhiều, hàng đầy, người đông, Vân nhanh chóng tính cước phí hàng hóa với lái xe. Cửu vạn bốc hàng lên mui, tôi trèo lên buộc hàng, chăng bạt rất chắc chắn, xong công việc tôi xuống ghế ngồi, mà bà vợ đã xí chỗ từ đầu nhưng chỗ của chúng tôi đã bị một thanh niên chiếm mất rồi. Tôi nói khó:
- Anh cho tôi xin chỗ.
- Ông già nói gì? Chỗ nào của ông?
- Chỗ này chứ còn chỗ nào, yêu cầu anh đi nơi khác.
- Ð... mẹ thằng già, bố mày lại cho mấy chưởng bây giờ, cút!
Nghe lạ tai, ngơ ngác, và khó hiểu, máu dồn lên mặt song tôi vẫn cố kìm mình. Tiếng một tên trong bọn:
- Xe chật bố già ạ, phấn khởi lên mà tìm chỗ khác đi, thế mới là người biết điều.
- Nhưng đây là chỗ tôi đã giành từ trước.
- Làm việc đi! - Một tên trong bọn hô lên, tôi hiểu nó xúi thằng này đánh tôi.
Ðúng lúc ấy Vân hớt hải, tay cầm hai cái bánh mì kẹp batê chạy lại:
- Cái gì, cái gì thế các chú? Chị xin, có gì các em cho chị biết, đây là chồng chị, anh ấy đi lần đầu.
- Em ạ, bọn này mất dạy quá. - Tôi nói.
- Anh im đi! - Vân trừng mắt quát tôi.
- Thằng già kia!
Ba bốn tên xô lại, Vân cuống cuồng đẩy chúng ra, - Chị xin, chị xin lỗi các em. - Vân quay sang tôi: Anh già rồi mà dại. - Ðẩy mạnh tôi ra nơi khác. - Các em thông cảm, chị vẫn thấy các em hay đi chuyến xe đêm này với chị, hóa ra quen nhau cả.
- À! Ðúng rồi, chị gái này cũng là dân làm ăn biên giới, thôi nể mặt chị gái, chúng tôi tha cho, cứ như thằng chồng già của bà, không biết phép tắc là gì, đáng lẽ bọn này phải cho mấy bài học cần thiết, nhưng chị gái phải biết dạy chồng nghe chưa.
- Vâng! Chị nhớ - Bà ấy kéo tôi ra khỏi điểm nóng, trách móc một thôi một hồi... - Anh không hiểu gì cả, suýt nữa thì tai vạ, đấy là bọn chuyên đi trấn lột, trên tàu, trên xe, anh dây với chúng nó làm gì, không có em hôm nay thì chúng nó đánh anh chết, kêu ai, kiện ai, hậu quả vợ con anh gánh chịu hết. - Bà ấy rơm rớm nước mắt. - Thấy việc chúng nó làm, lời chúng nó nói mình phải như câm như điếc như mù, chẳng may chúng nó đụng đến mình, còn lạy chúng để chúng buông tha ra kia. - Bà ấy giảng giải cho tôi hiểu về lẽ đời ở chợ búa, bến tàu, bến xe, ở đường biên, mà tôi đang phải tiếp cận. Quả thật tôi bây giờ mới thực sự giáp mặt với cuộc sống, và rồi sẽ còn xảy ra những gì nữa trên đường "hành quân chiến đấu" này.
Xe đi biên giới trong lòng nó chứa đầy người, đủ các hạng người, đầy hàng hóa, nhiều loại hàng nói ra nghe rất kỳ cục: Rùa đá, rùa vàng, ba ba, rắn, trăn, khỉ, culi, gà, mèo, chó, đồng, chì, niken, thuốc phiện... trăm thứ bà rằn, chuyến xe bão táp này có vợ chồng tôi ở trong đó, với mấy tạ hàng tầm tầm không đáng giá gì. Chiếc xe lầm lũi đi trong đêm mưa gió tơi bời, thỉnh thoảng sét cục, sét hòn nổi lên dội xuống nghe chừng như muốn đánh tan nát trời đất, thỉnh thoảng điện trời lại chập mạch, những dây lửa xiên xẹo ngang dọc trông thật khiếp đảm, chiếc xe vẫn đội mưa gió, sấm chớp tiến lên biên giới, tôi liên tưởng đến những chiếc xe đội bom đạn ra mặt trận năm nào. Những ngày ấy tôi là một thanh niên còn rất trẻ, ngày ấy vì tự do độc lập thống nhất của dân tộc; còn ngày nay vì tự do và cuộc sống của chính mình.
Chuyện cãi cọ với bọn người kia rồi cũng qua đi, đặc biệt trong chuyến đi gian khổ này, nhưng vợ tôi lại rất vui vì có chồng bên cạnh, vừa chia sẻ nỗi nhọc nhằn, vừa có bạn đường tuyệt vời. Từ Hà Nội lên biên giới qua nhiều trạm kiểm soát của công an thuế vụ, hải quan, người ta phát hiện những hàng quốc cấm, hàng của chúng tôi là thứ "lông vịt" chỉ phải nộp thuế, chứ không phải "làm luật", yên tâm mặc cho các nhà chức trách khám xét.
Qua trạm kiểm soát Ðồng Bành, gió đã ngưng, mưa đã tạnh, trăng cuối tháng mờ nhạt, mòn vẹt, trông rất bẽ bàng nhô lên đằng đông, nhìn qua ô cửa những đám mây đen mờ xám vần vụ vây quanh, nghe chừng trời đất còn muốn mưa gió nữa.
Một sợi dây thừng? Ðúng! Sợi dây buộc hàng rơi xuống lòng thòng vắt vẻo bên cửa sổ chỗ tôi ngồi. Tôi nghi ngờ, trườn mình ra cửa sổ nhìn lên nóc xe, hàng chồng đống trên ấy, giờ không còn nữa. Tôi đập thành xe thét lớn:
- Hàng bị mất hết cả rồi! Dừng lại... ại...
Cả xe nhao nhác.
- Hàng của mình? - Vân kinh ngạc hỏi.
- Mất hết rồi em ơi!...
Chiếc xe dừng lại, phụ lái nhảy xuống, sau đó là tôi rồi đến những người có hàng trên xe. Tôi nhanh chóng trèo lên nóc, thì những hàng nhôm Liên Xô, những sọt ba ba đều biến mất, chỉ còn những túi hàng của chúng tôi, thì ra hàng "lông vịt" chúng không thèm lấy. Tài tình thật, xe đang chạy với tốc độ nhanh như thế mà chúng "đánh" được. Theo yêu cầu của tôi, lái xe đồng ý cho chuyển hàng vào trong xe.
- May quá! Hàng mình còn là còn cuộc sống. - Vân sợ hãi, hồi hộp nói giọng còn run run.
- Ừ, may quá em ạ.
- May quá! Em đã linh cảm thấy chuyến đi này sẽ có chuyện chẳng lành, nên bảo anh đi với em mà.
- May thật!
- Anh này! Bọn thanh niên ấy chuồn hết theo số hàng trên nóc xe rồi. Khi đèn trong ô-tô bật sáng, tôi đảo mắt nhìn khắp lượt, bọn chúng không còn một tên nào thật.
Chiếc xe bò lên được đến Ðồng Ðăng thì trời bắt đầu hừng sáng, đám cửu vạn tranh nhau, xô đẩy, chào đón các chủ hàng từ dưới xuôi lên. Vân thuê tám thanh niên cả trai lẫn gái gánh hàng qua biên, người hàng nườm nượp, tôi không khỏi liên tưởng đến những cuộc hành quân ra phía trước cách đây hai mươi năm, ngày ấy bộ đội, thanh niên xung phong đi đánh giặc cứu nước, ngày nay từng người, từng tốp bạn bè, từng cặp vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em, đi đánh giặc đói cho chính mình. Một cuộc đi tự do cũng đầy nguy hiểm, nhưng nét mặt "chiến sĩ" nào cũng đầy khí phách. Người ta chuyền lại cho nhau rằng: - Ði cẩn thận, hai bên đường rừng vẫn còn mìn cài trong cuộc chiến tranh biên giới năm nọ.
Chợ biên giới ở phía bên kia, dân buôn Trung Quốc háo hức chờ đón dân buôn Việt Nam mang hàng qua. Khách hàng chờ đón chúng tôi từ lâu, Vân giao thiệp với họ bằng tiếng Trung Quốc, tiếng dân tộc Nùng, tiếng Việt, lộn xộn mỗi tiếng vài từ để bổ sung cho nhau, nghe rất vui tai làm tôi phải bật cười, giá cả thì được viết bằng chữ số! Vân nhẩm đổi tiền rồi quay sang nói với tôi:
- Ðược lãi rồi, cần giải phóng hàng cho nhanh, ăn ít thôi anh ạ.
- Tùy em.
Vân quyết định bán, đôi bên đang trao tiền, thì có một tiếng kêu thất thanh:
- Cướp! Cướp!
Cả chợ nhốn nháo, ngay sau lưng chúng tôi một làn khói mỏng lờ mờ bay từ họng súng của người công an chưa tra vào vỏ, thì trước mắt chỉ cách 30 mét một người đàn ông đổ gục giẫy giụa trong vũng máu.
- Trời ơi! Nó cướp của tôi, toàn bộ số tiền một tạ mực khô, đáng đời nhà nó.
Tôi quay lại phía sau nhận ra tiếng nói Thanh Hóa của một cô gái quãng 30 tuổi, mặt cô không còn hột máu, cô gái rên rỉ:
- Làm thế nào để lấy lại được, nó còn nhét trong bụng nó.
Dân chợ ồn ào nói:
- Báo cho công an biết để người ta lấy lại cho.
- Họ có cho không?
- Sao lại không?
- Hu hu... Cô gái khóc rống lên đau đớn như chính phát đạn trúng vào mình, còn kẻ dính đạn thì đang nằm im không kêu rên giữa trời nắng. Khi người ta khênh hắn đi qua như khênh một con thú, bị người ta săn bắn trọng thương, tôi nhìn bộ mặt của hắn, đúng là mặt của tên gây gổ định đánh tôi tối hôm qua. Lúc này tôi không giận y, không khinh bỉ y, không chửi rủa y, mà trong lòng tôi dấy lên một sự cảm thương. Ôi! Cơm áo không đùa với con người, chứ chẳng riêng gì với nhà thơ. Vợ tôi bấm cánh tay tôi ý hỏi: "Anh có nhận ra mặt nó không?".
- Anh ạ! Ngày hôm nay dữ lắm, ta không vào chợ mua hàng nữa, phải về cho sớm. - Thế rồi Vân kéo tôi vào chỗ khuất, chia đôi số tiền, một nửa bà ấy giấu vào nón, còn một nửa giấu vào bao tải đựng hàng, nếu gặp bọn trấn lột thì chỉ việc quăng hai thứ này ra khỏi mình là an toàn.
Ðoàn người lũ lượt, chủ hàng kèm cửu vạn vượt biên giới trở về. Ðến gần dốc Quýt thì bỗng Vân kêu to:
- Chạy nhanh!
Vân chạy thục mạng, chưa kịp nhận thức, thì cả đoàn người ào ào chạy như bị giặc càn.
- Trấn lột! Trấn lột!..ột...ột...
Tôi trông thấy một họng súng vung lên, chặn một người phụ nữ lại. Nhớ lời vợ dặn, "phải như câm, như điếc, như mù" người tôi gai lạnh cũng chạy bán sống bán chết. Ra đến cửa rừng thì gặp Vân đứng đón ở đấy. Hú vía!
- Anh có thấy bọn trấn lột không?
- Có.
- Bằng một giác quan kỳ lạ em nghe được, chúng nó bàn nhau trấn em. Chúng theo dõi mình từ trong chợ kia, trông thấy tướng mạo của anh, chúng nó nghĩ rằng anh là một ông chủ lớn, chứ có biết đâu là một nhà thơ nghèo. Khi phát hiện ra bọn chúng đón đường, em đã hô lên và chạy lẫn trong dòng người, thế là chúng mất mục tiêu.
- À! Ra thế, nhưng đã có một bà khác bị trấn thay em rồi, anh trông thấy.
Mồ hôi tôi toát ra đầm đìa như ngã xuống nước. Vân thuê xe ôm chở ngay hai vợ chồng ra thị xã, ra đến thị xã Lạng Sơn, không kịp ăn uống gì, vọt ngay lên xe về Hà Nội...
Sau chuyến đi buôn ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều. Từ ngày bà ấy đi biên giới kiếm được ăn cho gia đình, sắm sửa tấm vỏ chăn, cái nồi áp suất... ngoài vốn ra lại còn có chỉ vàng đeo tay, nhưng biết bao khó nhọc, vất vả, biết bao nguy hiểm, luôn luôn theo sát bên mình, ngoài nạn trấn lột ra, tôi nhìn thấy những chiếc ô tô bẹp dúm dó dưới đáy vực mà lạnh toát hết cả người.
- Em ạ! Cứ hôm nào em lên xe đi biên giới, thì bố con anh ở nhà khắc khoải mong chờ, đêm nào cũng chong chong chờ tiếng gõ cửa quen thuộc, khi bố và con được trông thấy mẹ mới hết lo lắng. Thôi bỏ, không tham nữa, làm gì loanh quanh ở Hà Nội, rau cháo cho qua ngày.
- Biết thế em không cho anh đi chuyến ấy, khó khăn gian khổ, nguy hiểm em quen rồi, sợ gì, anh cứ cho em đi.
- Không đi nữa!
- Sẽ lấy gì mà sống?
- Không sống thì chết, chứ đi biên giới thì thôi.
- Ðể em làm nghề hàng thịt thì anh không muốn.
- Thà rằng làm hàng thịt.
- Cả ngàn con người kiếm ăn trên con đường này, có sao đâu?
- Kệ người ta! - Tôi quát ầm lên.
Các con ngơ ngác, cả hai vợ chồng im lặng không ai nói gì nữa. Với thái độ kiên quyết của tôi làm cho bà ấy phải nghĩ lại.
Mấy ngày hôm nay bà ấy một mình một xe, đạp đi lang thang khắp Hà Nội, đến bạn bè bàn bạc, đi các chợ để nghiên cứu thị trường. Khi chưa có thể làm được gì lớn hơn, vợ chồng bàn nhau làm cò con vậy, thế là bà ấy đã từng thổi xôi, nấu chè, bán bún chả, bún cua. Làm nghề hàng ăn cũng đâu có dễ, phải làm thật ngon, sạch sẽ mới có khách. Phải tìm ra công thức đặc biệt sẽ trở thành đặc sản, thì sống với nghề lâu dài. Khó nhọc mà lãi suất lại quá thấp, Vân nhiều lần tỏ ý luyến tiếc biên giới. Tôi động viên:
- Anh biết đi biên giới kiếm ăn khá hơn, nhưng đầy nguy hiểm, vất vả em phải chịu đựng hết, làm sao anh có thể yên lòng được.
Rồi một hôm Vân ôm lấy tôi trong vòng tay nồng nhiệt, vừa cười vừa nói hài hước:
- Em phải làm tên đồ tể thôi anh ạ.
- Ðồng ý. - Tôi cũng cười vui.
- Thật nhá!
- Thật.
Chuyện là thế này: Vân ngầm đi tìm hiểu thị trường, rồi về bàn bạc với vợ chồng cô Lấy, nhà tôi đã góp vốn đầu tư với cô ấy một tuần nay, mỗi ngày vợ chồng cô ấy chia cho được hai chục nghìn. Cảm thấy chắc ăn rồi hôm nay nàng mới khai báo với chồng. Vân cười nói vui vẻ:
- Sợ ông chồng bảo thủ không chịu đựng đổi mới lại phá đám nên phải bí mật.
- Hà hà hà... - Tôi bật cười - Anh là phần tử lạc hậu thật à?
- Anh này, mai là chủ nhật, anh có muốn đi chơi với em một chuyến không?
- Ði đâu? - Tôi hỏi.
- Ði ngoại thành, sáng đi tối về thôi.
- Ðể làm gì?
- Ðể tìm nguồn hàng.
- Ðược! - Ðang đà phấn khởi, tôi vui vẻ nhận lời.
Sáng ngày hôm sau hai vợ chồng lên đường bằng chiếc xe Honda cà tàng mượn của nhà đạo diễn. Theo tính toán của Vân, nếu khai thác được nguồn hàng đều đặn, đóng góp với vợ chồng Lấy, thì lãi suất sẽ còn khá hơn nhiều. Vân hy vọng đây sẽ là nguồn sống lâu dài của chúng tôi. Xe chạy bon bon, Vân ôm lấy chồng tình cảm và tin tưởng, như cặp tình nhân trẻ tuổi trên đường du lịch. Bỗng Vân thét lên kinh hãi, tôi phanh gấp, xe đổ kềnh, người văng ra khỏi xe, phía trước là hai cô gái và chiếc xe đạp nằm đè lên nhau. Mấy giây trôi qua, Vân lồm cồm bò dậy đến bên tôi lo lắng hỏi:
- Anh có sao không?
- Không sao!
Có cái gì buồn buồn, nóng nóng trên mặt, tôi giơ tay lên ôm lấy mặt, máu tứa ra đầm đìa cả bàn tay.
- Anh bị thương rồi! - Vân thét lên kinh hãi.
Chỉ một phút sau tôi hiểu ra mọi chuyện: Hai cô gái đi từ trong ngõ ra trên chiếc xe đạp nam, lại không có phanh, cũng may không ai việc gì, chỉ có mình tôi bị thương vào trán.
- Có nhà thương gần đây không? - Vân hỏi cả đám người đang vây quanh chúng tôi.
- Quay lại Bạch Mai. - Có tiếng trả lời.
Chiếc xe máy nằm quay ra lề đường, máy vẫn nổ. Vân dựng xe lên.
- Ði anh!
Tôi ngồi lên xe, tay ôm đầu máu. Chiếc xe lao vun vút.
- Ði chậm thôi! - Tôi đề nghị.
- Anh bị có bị choáng không, có đau lắm không?
- Không!
- Ðây rồi! Vân trông thấy một hiệu thuốc bên đường, chủ hiệu là một bác sĩ, khám vết thương và băng bó, tiêm thuốc ngay cho tôi. Chiếc băng trắng ngang mặt, quanh đầu, không trông khác nào người chiến sĩ bị thương trên mặt trận năm xưa.
Nằm nghỉ tại hiệu thuốc nửa tiếng, người bình thường trở lại, tôi nói với Vân:
- Ta đi tiếp!
- Em quên, năm nay anh sao thái bạch, chuyến đi không ra gì, ta về thôi.
- Ðến nơi rồi, sao lại quay về. Ði!
Cám ơn người bác sĩ, thanh toán tiền thuốc. Vì cuộc sống hai vợ chồng lại tiến lên. Trong lòng tôi vang lên câu nói "bất hủ": "Cơm áo không đùa với khách thơ". Chúng tôi rẽ vào nhà một người bạn văn bên đường. Trông thấy chúng tôi anh hốt hoảng chạy ra.
- Trời ơi! - Ông Tiên! Sao thế này. - Mặt anh xao xác hỏi.
- Không sao, ông cho chúng tôi uống nước đã...
Nghe kể chuyện vợ chồng nhà thơ đi mua lợn về làm lò mổ, anh bạn tôi cười, nụ cười như người đang muốn khóc, song có người pha trò tài quá mà phải bật cười.
- Giỏi! Kính phục bà, còn ông, thế mà ông vẫn viết được, vẫn say sưa với nghiệp văn chương được, quả là lạ, lạ lắm.
Hôm ấy chúng tôi không thống nhất được với khách hàng, cũng có thể là chưa có kinh nghiệm, hay là vì một ngày xấu? Hai vợ chồng phải về tay không. Trên đường về bà ấy nhận xét:
- Anh là người sinh ra để làm thơ, để mơ mộng, anh không phải là con người của đời thường. Cho nên chuyến đi làm ăn nào có anh cũng dữ dằn, từ nay em không cho anh đi nữa.
- Không đúng, không phải vậy đâu. Anh cho rằng những chuyến đi như thế này là thú vị và cần thiết cho anh.
Xe về đến nhà, các con chạy ra đón bố mẹ reo vui. Khi chúng phát hiện ra cái đầu kỳ lạ của bố, em khóc, chị run lẩy bẩy:
- Bố ơi! Bố làm sao thế?
- Bố ngã, nhưng không sao, các con đừng sợ.
*
* *
Vết thương trên trán bây giờ mới thấy đau. Bà ấy bắt tôi nằm im, không được làm gì cả, bên ngoài tốc độ cuộc sống của nền kinh tế thị trường đang diễn ra chóng mặt. Tôi thương mình, thương vợ, thương con vô cùng. Mắt nhắm nghiền, nhưng tôi biết "bà hàng thịt" đang đứng nhìn tôi, mỉm cười, nụ cười thương cảm, sau đó nàng cười thành tiếng, như phát hiện điều gì mới mẻ ở chồng, mọi điều bí ẩn nay đã bị nàng khám phá, nàng cúi xuống rất nhẹ đặt cái hôn trên môi chồng.
- Hoan hô bố mẹ hôn nhau. - Bé Ngọc bắt được quả tang hành động của mẹ reo lên.
Tôi mỉm cười trên môi nàng.
- Con cái nhà! - Bà ấy đỏ mặt đứng dậy mắng yêu con.
(......................????)
Truyện Ngắn Việt Nam Đặc Sắc 2 Truyện Ngắn Việt Nam Đặc Sắc 2 - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Việt Nam Đặc Sắc 2