The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ba Lẻ Một
ặc dù là sự ngẫu nhiên nhưng mà có lẽ chẳng phải chuyện tình cờ. Bởi nếu không thì chúng tôi đã lướt về đến Nha Trang mới dừng chứ chẳng nghỉ vặt lại làm gì ở dọc đường. Và xe sẽ không đỗ đúng ngay trước cửa tiệm cà phê đầu thị trấn.
“Lêkima”, tên tiệm như vậy, trên tấm biển gỗ sơ sài. Một nhà gác nhỏ, mái ngói sạm màu rêu. Quầy cà phê ở tầng trệt, gian giữa, nhưng chỗ của khách ở ngoài vườn. Một ai đó lúi húi sau quầy, tôi lên tiếng chào, gọi một tách đen, và qua cửa sau đi xuống vườn. Vườn rộng, xanh ngát, vú sữa và lêkima. Bàn ghế mây kê rải rác dưới vòm cây xum xuê, bên những lối đi rải sỏi. Giờ này các bàn đều bỏ trống. Cả khu vườn chỉ một mình tôi với tiếng chim ríu rít trên cành. Đợi anh tài xế sửa xong xe chắc là còn lâu. Tôi ngả người vào lưng ghế, nhắm mắt lại.
- Dạ thưa, cà phê của ông.
Tôi không nghe thấy bước chân đàn bà ấy. Rất khẽ chị ta đi tới, thật nhẹ để khay cà phê lên mặt bàn và se sẽ cất tiếng. Trên chiếc khay gỗ bày một bộ đồ uống cà phê kiểu đã xưa, rất đẹp, đĩa và tách bằng gốm, men màu lam vân trắng, phin và thìa mạ bạc.
- Gia đình ta có khu vườn tuyệt quá, - Tôi nói, bày tỏ sự hài lòng và nỗi khoan khoái.
- Dạ, cám ơn ông - Người đàn bà nói nho nhỏ, giọng Nam êm như nhung, lễ phép, dịu dàng - Xin mời ông bữa sau lại ghé tiệm chúng tôi, dùng cà phê, ngoạn cảnh chiều.
- Ồ vâng, dĩ nhiên. Nếu như còn có một dịp thứ nhì.
- Thưa, thị trấn nầy, ông mới một lần đầu ngang qua?
- Vâng. Cũng gần như là lần đầu. Lần trước đã lâu lắm rồi. Đã hai mươi năm. Vả lại, ngày đó, thời cuộc gấp gáp, chúng tôi tiến ào qua.
Tôi có cảm giác là người đàn bà như chợt sững đi vì điều tôi vừa nói. Tôi nhìn chị. Có thể đoán rằng tuổi chị đã chừng bốn mươi, mặc dù chắc là chưa đến như vậy.
Gương mặt gầy yếu, xanh xao, song vẫn còn giữ được nét đẹp phảng phất.
Gặp ánh mắt của tôi, chị ngại ngùng nhìn tránh đi, và không nấn ná thêm nữa, lặng lẽ quay vào nhà. Tôi nhìn theo. Bỗng đâu một cảm giác phi lý nhen lên. Chẳng cần lục lại trí nhớ, tôi biết chắc chắn là trước đây chưa từng bao giờ gặp chị ta, và chắc chắn là không hề quen ai có thoảng nét giống, thế nhưng lại cũng hoàn toàn chắc chắn như vậy tôi cảm nhận được ở chị một sự quen biết, thậm chí một tình thân mến, từ xưa. Tình thân ấy mang máng đâu đây trong buổi chiều nay giữa khu vườn này. Tôi lắng nghe và tôi nhìn xung quanh, nhìn lên cao. Bên ngoài các vòm lá, bầu trời đã ngả hồng. Ngày đã tàn, thời tiết vẫn đẹp, càng đẹp hơn trước. Những đám mây cao và thưa nhẹ nhàng lướt trôi, mỏng dần và tan ra. Trong vườn, những ngọn gió khi thì lặng đi lúc lại dậy lên như cao trào của một bản nhạc. Một chiếc lá vú sữa nửa màu xanh nửa màu nâu nhạt bứt khỏi cành rớt xuống bên tách cà phê đang nhè nhẹ tỏa hơi. Chiếc thìa bạc kêu lanh canh. Lòng tôi xao xuyến lạ thường. Bỏ dở tách cà phê, tôi đứng vội dậy, rời bàn. Nóng lòng tôi muốn ngắm lại một lần nữa kỹ hơn dung nhan thân thuộc của người đàn bà không quen.
Không có ai trong nhà khi tôi từ ngoài vườn đi vào. Tôi tới bên quầy. Trên mặt quầy để một máy quay băng, mấy trái xoài tượng, một cái bình xay sinh tố, các thẩu đường, những lọ cà phê và một hộp kính xếp đầy những gói thuốc lá. Ở trong góc tối phía sau quầy, trên tường treo một bức tranh. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại tôi thấy không phải tranh mà là một bức ảnh, được phóng to, lồng trong khung kính. Trong ảnh là hình một chiếc xe tăng. Và không phải M48. Vì khuất tối không nhìn được rõ nhưng tôi vẫn nhận biết rõ ràng dáng vóc một chiếc T54 um tùm cành lá ngụy trang. Vòng ra sau quầy, tôi lần tìm công tắc, bật đèn lên. Ánh điện bừng sáng và tim tôi như ngừng đập. Toàn, Trung và Chí, ba khuôn mặt ấy, ngay trước mắt tôi. Ảnh đen trắng, khi chụp hơi bị ngược sáng lại đã úa vàng vì năm tháng nên nom không được nét, song chẳng còn hồ nghi gì nữa, đúng là họ, và đúng là nó, xe 301. Đầu quấn băng, AK buông thõng trước ngực, Toàn ngồi trên nóc xe, ôm lấy nòng khẩu 12 ly 7, hai người kia bá vai nhau ngồi tựa vào sườn tháp pháo. Số xe khuất sau lưng họ, chỉ ngôi sao lộ ra. Cả ba anh em đều còn rất trẻ, còn rất non nét mặt và dường như do vậy mà có vẻ kém ăn ảnh, nhân dạng phần nào mờ nhòa, tuy nhiên bởi đều đã vào ảnh với nụ cười nên cả ba gương mặt đều như tự bừng sáng. Xúc động, cổ nghẹn lại, tôi run khắp thân mình, hồi lâu không sao trấn tĩnh được.
Nghe thấy tiếng guốc đi xuống cầu thang song tôi không rời mắt khỏi bức ảnh. Người đàn bà tới bên quầy. Ngoài cửa ánh chiều đã tắt hẳn. Căn phòng im ắng. Từ cõi nào xa xăm vọng đến tiếng còi tàu hỏa. Lát sau đoàn tàu rùng rùng băng qua cung đường gần thị trấn. Những hàng bánh sắt rền rền lăn trên ray. Mặt đất nhè nhẹ rung lên. Chiếc đồng hồ treo tường thong thả đổ chuông.
Lòng khắc khoải bao nhiêu là ý nghĩ và điều phỏng đoán, tôi chậm rãi xoay mình lại, đối diện với người đàn bà. Chị chống khuỷu tay lên quầy, áp mặt vào hai bàn tay. Một gương mặt thanh tú và khiêm nhường, một dung nhan dẫu đã lụi đi mà không hề tàn héo, đôi mắt hiền dịu, rất to, lặng nhìn tôi.
- Chị biết không, thật kỳ lạ - Tôi nói, ngập ngừng - Chiếc xe tăng trong bức ảnh kia chính là chiếc xe tăng của tôi, ngày xưa.
- Ơn trời, - Chị thầm thì - Thế là cuối cùng các anh đã trở lại. Bởi vì anh đã đổi khác quá nhiều so với anh trong hình nên em không nhận liền ra anh. Nhưng anh à, bao năm qua, từ ngày đó đến giờ, em vẫn một lòng tin rằng nhất định các anh còn trở lại.
* * *
Ngày đó, năm 75, buổi sáng cuối cùng của tháng Ba. Thị trấn bên bờ biển cho tới chiều tối hôm trước còn nghẹn ứ một biển người vậy mà sáng ra đã hoàn toàn trống rỗng.
Không ai ngờ thời cuộc lật nhanh đến thế. Vừa mới phong phanh tin thất thủ Buôn Ma Thuột, còn bán tín bán nghi, đã nghe mạn Khánh Dương tiếng đại bác rền vang. Người từ cao nguyên chạy xuống ban đầu thưa thớt, về sau kìn kìn. Người ta bảo rằng quân dù đã được điều về giữ đèo Ma Đơ Rắc, họ sẽ chặn đứng Việt Cộng và rồi sẽ tái chiếm Đắc Lắc chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng chỉ trong ngày một ngày hai vụ di tản chiến thuật đã trở thành cơn giãy chết vĩ đại. Thị trấn ngã ba nghẹn cứng hai luồng chạy loạn khổng lồ đổ ập về theo hai ngả, quốc lộ 1 và quốc lộ 21. Phố biển muôn thuở bình yên ngập chìm trong khói bụi và hoảng loạn. Mặt đường đen đặc người và xe. Xe đò và xe nhà binh, đồ đạc và chiến cụ, dân thường bỏ quê hương và lính tráng vỡ mặt trận, như lũ lụt tràn bờ, như trời long đất lở. Gần cả tháng trời thị trấn triền miên trong quang cảnh tán loạn đầy thú vật của cuộc đại bại. Chen chúc, xô lấn, giày đạp, chà xéo, đánh nhau, giết nhau, cưỡng hiếp và cướp bóc. Đến cuối tháng thì đã thật sự những ngày tận thế. Phòng tuyến trên đèo tan vỡ. Các Thiên thần mũ đỏ còn sống sót ôm đầu máu tháo chạy. Có những toán đông nghìn nghịt súng ống còn trong tay mà không còn giày, không còn áo, trần thùi lụi ồ ồ tràn qua trấn. Tất cả đều đã điên lên vì khiếp sợ. Chạy, chạy, và chạy. Muốn sống thì chạy đi. Mạnh ai nấy chạy. Giành đường mà chạy, dẫm lên nhau mà chạy. Tiền pháo hậu xung, đại bác quân Bắc Việt sẽ san bằng thị trấn. Chiến xa quân Bắc Việt sẽ cán nát tất cả. Và bộ binh Bắc Việt khi xung phong vào sẽ giết nốt, sẽ giết hết, giết tuốt mo, giết không còn một mống.
Buổi trưa, phi cơ từ biển ào vào bổ nhào ngay trên đầu thị trấn trút bom xuống Dục Mỹ để cản bước địch quân. Nhưng trận chiến vẫn từng giờ một xích gần lại. Cửa kính rạn vỡ, vôi vữa rơi lả tả. Chập tối, đạn pháo hú vang, từng loạt, từng loạt nã vòng qua thị trấn rót xuống dọc mép biển. Nửa đêm tiếng nổ thưa dần và tinh mơ thì bặt hẳn. Hừng đông mong manh chuyển dần sang buổi ban mai và ở xa thẳm ngoài khơi vừng dương đã nhô lên trên mặt biển. Trên bờ, ở ngôi nhà đầu thị trấn, ông chủ hiệu ảnh Lêkima và cô con gái của ông ngồi lặng im trong bóng tối. Bên ngoài, ánh mai hồng ngời rạng, trong nhà tối như hũ nút. Cửa đóng then cài.
Cả đêm hai cha con không chợp mắt, thao thức nghe sấm sét của quân đội cách mạng và nghe những hậu đội cuối cùng của quân Sài Gòn huỳnh huỵch tháo thân chạy qua trước cửa. Nỗi lo âu cồn cào, nhức nhối ruột gan. Hồi giữa tháng khi còn có thể ra đi người cha lại chùng chình nghe ngóng, tiếc nhà tiếc vườn, tiếc kế sinh nhai. Tới lúc không thể do dự thêm được nữa thì cũng là lúc cảnh tượng của cuộc tùy nghi di tản đã trở nên quá độ kinh hoàng. Cô con gái xin cha để cô được ở lại. Thà chết còn hơn là phải dấn thân vào một lộ trình dã man đến như vậy. Hai cha con náu mình trong nhà. Bọn lính cướp phá tan hoang hai bên hàng xóm nhưng may phúc làm sao chúng chưa xông vào hiệu ảnh. Chúng bắn tan tấm biển Foto Lêkima nhưng chưa bắn vỡ tường và chưa làm sập nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng hỗn mang kéo dài thêm nữa bọn kẻ cướp sẽ không bỏ qua ngôi nhà này. Nhưng mà nếu chúng biến đi thì tức là họ sẽ vào. Họ vào thì trời ơi, sẽ ra sao?
Trời đã sáng hẳn. Hình như có tiếng vạn vật thức giấc, ì ầm như sóng biển xô bờ. Nhưng mà chẳng phải tiếng sóng. Tiếng động mới mẻ xa xôi mơ hồ ấy không tắt mà cứ lớn dần lên và loang rộng ra. Rồi bỗng nhiên tất cả rung lên. Đất trời như rạn nứt.
- Trời đất ơi, chiến xa! Tránh xa cửa, con ơi!
Tiếng kêu khiếp đảm bị tiếng gầm của động cơ xe tăng nuốt đi. Chiếc thứ nhất rồi chiếc thứ hai, thứ ba… mũi đột phá xe tăng gần chục chiếc, T54 và K63, như một cơn lốc bằng thép xé mặt lộ lướt tới với thần tốc kinh hồn, là phẳng mọi chướng ngại trên đường, nhằm hướng nam truy kích. Nhà cửa rung giần giật. Cả thị trấn điếng hồn, choáng đi trong tiếng rít của xích thép hòa lẫn với hơi dầu xả phùn phụt, tiếng tháp pháo nghiến ken két. Mặt đường tóe lửa, nứt ra, rền vang như gang vỡ.
Thị trấn được giải phóng trong vòng không đầy năm phút đồng hồ. Đoàn xe tăng lao tới, tràn qua và mau chóng mất hút phía trời nam. Sấm vang chớp giật rồi tất cả lại trở về trong buổi sáng mai êm ả dưới bầu trời trong xanh, cao vòi vọi miền duyên hải.
- Nhưng mà hình như họ ngừng. Họ ngừng rồi! Hình như ngay trước nhà mình đấy, con ơi!
Mà họ dừng lại thiệt, trời ạ! Chỉ một chiếc nhưng mà tắt máy dừng ngay trước thềm. Nghe huỵch huỵch tiếng chân từ trên xe nhảy xuống đất. Những giọng xứ Bắc, nói oang oang. Họ to tiếng quát nhau. Rồi lại nghe rộ lên tiếng cười. Rồi choang choang tiếng gõ tiếng đập. Tò mò, quên cả sợ, cô gái tới bên cửa sổ vén màn nhìn ra. Thình lình, chiếc tăng rú lên, phụt khói đen ngòm, rồi như bị sặc nó nấc lên và tắt ngóm. Lại ồn lên tiếng quát tháo, tiếng la lối bực bõ. Nắp xe mở ra đóng vào sầm sầm. Mấy phút sau xe khởi động lại. Cô gái bưng lấy tai. Nền nhà rung nảy. Không khí khét nồng mùi khói ma dút. Khi cô bỏ tay ra thì tiếng gầm gào hung dữ đã ngừng bặt, thế nhưng cô lại nghe thấy tiếng những bước chân đi lên thềm. Cha cô mặt tái mét, vội vội vàng vàng bỏ trốn lên gác. Khiếp hãi cô đứng nép vào góc. Tiếng gõ cửa dẫu dè dặt vẫn chẳng khác nào súng bắn. Những giọng nói từ bên ngoài ngưỡng cửa vọng vào rõ mồn một.
- Có ai đâu nào. Bác phó nháy nhà này hẳn là đã cao chạy xa bay.
- Nhưng tớ bảo đảm là vừa nãy tớ thấy thoáng có người từ cửa sổ nhìn ra mà lỵ. Để tông cửa vào xem nào. Hay đấy là một thằng dù?
Sợ hết hồn nhưng không còn cách nào khác, cô gái đành khe khẽ thưa lên và đi nhanh tới bên cửa, mở khóa rồi nhấc then ra. “Xin kính chào quí ông”, cô lí nhí. Hai ông ngoáo ộp đứng choán trước cửa tươi tỉnh cất tiếng chào đáp. Lần đầu trong đời cô gái tận mắt thấy Việt cộng. Một người vóc dạng cao lớn, đầu húi cua, súng đeo trễ bên vai, tay xách một cái can nhựa, người kia gầy gò, nhỏ thó, đầu quấn băng, súng lăm lăm trong tay. Cửa mở, thấy cô, anh ta vội chúc họng súng xuống. Bàn tay, gò má và bộ đồ trận của cả hai đều ám khói.
Họ nói xe họ bị sự cố phải dừng sửa, giờ sửa xong rồi, nhưng vì đã cạn hết nước uống nên trước khi xuất kích còn phải vào làm phiền gia đình một chút, mong thông cảm. Họ gọi chị xưng chúng tôi, lễ phép, nhã nhặn, gần như khách sáo khiến cô gái trẻ vừa bối rối vừa phần nào cảm thấy an lòng. Cô mời họ vào. Cô bảo sau nhà có bể chứa nước mưa xin để tùy quí ông dùng, lấy bao nhiêu cũng được. Nhưng họ nói chỉ xin nạp một can đủ dùng thôi. Những người lính nầy mặc dù súng ống lịch kịch, mặc dù bụi bặm và nhầu nhĩ, thế nhưng chẳng hề có cái vẻ lính tráng như cô vẫn thường thấy. Cô thấy họ rất lành. Không sục sạo, không ngó nghiêng, và không một mảy may lỗ mãng. Lấy đầy can nước rồi, tuy rất vội, họ không xồng xộc bỏ đi ngay mà tế nhị ngồi nán lại vài phút bên bàn, từ tốn nhấp tách trà cô mời, ân cần hỏi han, trò chuyện. Chỉ là theo phép lịch sự nhưng rất mực thân tình. Họ khen vườn của cô đẹp tuyệt, khen cơ ngơi của cô trang nhã, khen trà cô pha ngon, khen những bức ảnh mẫu bày trong tủ kính. Họ nói không lâu nữa đại quân sẽ trẩy qua, bộ binh, xe pháo nườm nượp, nhưng đừng có sợ hãi, cứ thoải mái, cứ mở cửa tiệm, giữ lấy nếp sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Đà tiến của quân ta sẽ mau chóng giãn tầm phi pháo của địch ra xa thị trấn này. Vả chăng, rất có thể chiến tranh sắp kết thúc. Không chừng ngay trong năm nay, thậm chí ngay trong mùa khô này cũng nên, biết đâu đấy, chúng tôi sẽ tiến thấu được đến tận mũi Cà Mau.
- Hết được chiến tranh rồi sẽ sung sướng biết bao - Anh lính nhỏ người, đầu quấn băng, ngả người ra lưng ghế, khẽ thở dài - Không còn bọn Mỹ, không còn bọn ngụy, không bom không pháo, đất nước thống nhất, hòa bình, dẫu chỉ được sống trọn một ngày như vậy thôi rồi chết, cũng đáng.
- Nói gì thế cái cậu này! Cậu chỉ được độc cái tài nói gở thôi à? - Người kia nhăn mặt, khẽ gắt.
- À, là nói thế. Chứ chết sao được. Đã đến ngày khổ tận cam lai mà lại chết thì thật hoài. Phải gắng sống để hưởng hồng phúc của thái bình chứ. Mai này, khi đã tàn trận mạc, tôi sẽ rời tay lái xe tăng chuyển ngành sang làm xế quốc doanh, vi vu dọc ngang cho đến già trên các ngả đường, ngắm Chủ nghĩa xã hội, ngắm đồng ruộng núi sông trời bể nước Nam cho đã bao năm ròng tút hút rừng sâu. Và nhất định năm nào tôi cũng sẽ qua đây, dừng thăm ngôi nhà này, thăm người quen hôm nay.
Không hoàn toàn hiểu những điều họ nói, cô gái ngồi im, khép nép, thỉnh thoảng khe khẽ dạ thưa, mắt nhìn xuống. Tuy nhiên, cung cách hiền hòa dễ mến của hai người khách đã giúp làm vợi đi nỗi lo sợ. Tâm trạng căng thẳng chùng xuống, hầu như chẳng còn chút nào mối dè chừng và sự thủ thế. Thậm chí không còn lấy một mảy may ác cảm. Tự cô cũng thầm lấy làm lạ về sự nhẹ dạ của mình. Bao nhiêu những định kiến đã thấm sâu vào tâm trí, tưởng chừng bất biến, vậy mà cô đã rứt bỏ nhẹ nhàng như thể trút một tiếng thở phào. Chẳng những không hề là những tên cuồng sát, thấy người là giết thấy nhà là đốt, hai người lính này cũng không giống những nhân vật rắn như đanh, lòng dạ gỗ đá, đầu óc cứng nhắc, mặt mày thì khắc nghiệt, cử chỉ thì thô bạo, miệng lưỡi thì cục cằn, phách lối được gọi là Việt Cộng mà cô vẫn hàng ngày nghe thấy trên đài phát thanh và đọc thấy trên sách báo. Tuyệt nhiên chẳng có vẻ gì là một cuộc tẩy não, họ nói năng nhẹ nhàng mà thân ái, vui vẻ nhưng đúng mực, giữ lễ xã giao chủ khách.
Nhìn những vật dụng trong phòng, nhìn gói thuốc với hộp quẹt cha cô để trên bàn, cái gạt tàn đầy mẩu, cái áo khoác đàn ông trên mắc áo, hẳn rằng hai người lính Việt Cộng thừa biết hiện trong nhà này không chỉ có mình cô, song họ chẳng hề căn vặn. Họ hỏi thăm song thân cô nhưng thấy cô ngập ngừng họ không gặng. Thật tình cô không sao hiểu nổi duyên do của nỗi ghê khiếp cộng sản đã ám ảnh và chế ngự cuộc sống của cha cô cũng như của bao người khác nữa ở thị trấn này. Có cái gì thật vô lý và tức cười trong thái độ tột cùng hoảng hốt của cha cô khi nãy. Khiếp sợ đến nỗi bỏ cả con gái đấy để trốn chạy. Cô hình dung lúc này đây cha cô mặt mày xanh xám, náu mình trong một góc tối om trên gác, run cầm cập chờ tiếng chân cộng sản sầm sầm bước lên cầu thang.
Nhưng những người cộng sản còn bận công chuyện của họ. Họ nhìn đồng hồ, thốt kêu lên, rồi vội vã đứng dậy, đeo súng lên vai, vội vội xin cáo từ và một lần nữa xin cám ơn sự giúp đỡ của gia đình. Họ bắt tay cô. Một người chỉ nắm nhẹ rồi buông ngay. Nhưng người kia giữ lại lâu hơn bàn tay nhỏ nhắn mềm dịu của cô trong bàn tay thô ráp của mình:
- Bọn anh là bộ đội chứ nào phải là quí ông. Mai này gặp lại nhau nhớ đừng gọi bọn anh như vậy nữa. Nhớ nhé. Bọn anh nhất định sẽ trở lại. Anh sẽ chẳng bao giờ quên nơi này, chẳng bao giờ quên buổi sáng hôm nay. Buổi sáng hôm nay, quê hương em giải phóng, em hãy nhìn xem, đất trời tươi đẹp biết bao. Còn anh thì anh coi hôm nay là ngày đầu tiên sau bao năm trời xa cách được trở về gặp lại quê hương. Quê anh ở bờ biển Quảng Ninh cho nên hễ cứ nơi nào bờ biển cũng đều là quê nhà. Vậy nên anh và em chúng mình là đồng hương duyên hải đấy.
Hai người buông tay nhau. Người lính chạy ra xe, cô gái đi vội vào nhà rồi lật đật chạy ngay ra, trên tay cầm chiếc máy ảnh. Xe tăng đã nổ máy, gầm lên, nhưng chưa lăn xích. Cô gái chạy xô tới trước đầu xe, huơ máy ảnh lên.
Chiếc tăng dường như ngần ngừ do dự, động cơ vẫn rền rền song có vẻ dịu xuống. Nắp tháp pháo bật mở, lần lượt hai người từ lòng thép chui ra. Người thứ ba từ cửa buồng lái. Anh ta không tắt động cơ. Chiếc tăng rầm rầm nổ máy tại chỗ như hối thúc.
Cô gái không ham nghề ảnh nên rất ít khi rờ đến máy và chưa bao giờ cô thay cha chụp hình cho một người khách nào. Cô nhỏ bé, yếu ớt và run rẩy trước khối thép đồ sộ đang hừng hực phả hơi nóng và rung lên giần giật. Phải bậm môi lại, gần như vận hết can đảm và lấy hết sức bình sinh cô mới bấm máy nổi. Không may, sáng hôm đó, cuộn phim trong chiếc Canon chỉ còn một kiểu. Bấm xong cái tách, hết phim. Sững sờ ngó chiếc máy, dường như mãi mới chợt hiểu, cô sực tỉnh, hớt hải kêu lên muốn át tiếng máy bảo ba ông khách gắng chờ để cô vào nhà lấy máy khác chụp tiếp.
Nhưng khi cô ôm chiếc Kodak chạy lao ra, xe tăng đã gầm lên, tốc bụi mù mịt, chồm mạnh tới và lập tức lao xộc đi như thể chạy trốn cô. Cô đứng khựng lại giữa lòng đường. Chiếc T54 nhỏ dần, mặt đường vẫn rung chuyển nhưng tiếng gầm của động cơ nghe không còn hung dữ nữa, và càng lùi xa chiếc tăng nom giống một lùm cây xanh, rung reo trong gió và lấp lánh trong nắng.
* * *
Những ngày giông tố qua mau, cuộc đời lật nhanh sang trang khác. Chủ hiệu ảnh đó vượt biển, bỏ xứ ra đi. Cô con gái của ông một mình ở lại với ngôi nhà và vườn cây lêkima. Hiệu ảnh tuy còn đó, song không nhận chụp, chỉ mở thế để chờ trả ảnh. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, khi mà ngay cả những người lính được giải ngũ sau chót cũng đã về đến quê nhà của họ, bức ảnh chụp cỗ chiến xa vẫn mãi mãi là một tấm hình vô chủ.
Thời gian thấm thoắt như thoi đưa. Cô gái trẻ măng ngày ấy đã thành thiếu phụ, lập gia đình, có con. Đời sống gian nan khắc khổ kéo dài suốt mười mấy năm trời sau chiến tranh khiến chị mau già. Chồng chị đã sớm từ giã phố nghèo để tìm vào Nha Trang kiếm kế sinh nhai dễ dàng hơn. Các con chị lớn lên cũng lần hồi đi hết. Rất muốn theo chồng con nhưng chị lại không muốn rời bỏ thị trấn. Đành lại thui thủi một mình với ngôi nhà, chật vật sống tựa vào mảnh vườn và tiệm cà phê. Trong nhà chẳng còn dấu tích nào nữa của hiệu ảnh, ngoại trừ tấm hình chụp chiếc chiến xa, được phóng rộng ra thật lớn và lồng khung nhưng chưa người tới nhận, ngày một úa vàng.
Ngày lại ngày, năm này qua năm khác, ngôi nhà xưa cũ vẫn đấy, mòn mỏi bên rìa lộ, như âm thầm ngóng trông một điều gì đó, không biết là điều gì, rồi sẽ đến trong dòng thời gian đang đều đều trôi chảy ngược xuôi không cùng tận trên đường. Cuối cùng thì cái sự kiện mơ hồ được bền bỉ ngóng trông ấy dường như đã thực sự bước chân qua ngưỡng cửa. Một trong những chủ nhân của chiếc xe tăng đã nhận ra chiếc xe tăng của mình.
Chỉ có điều, người đàn bà chủ tiệm cà phê đã lầm: tôi không phải là một trong những người mà chị ngóng trông. Mặc dù là xạ thủ 12 ly 7 trên chính chiếc xe tăng trong ảnh, tôi không hề có mặt trong ảnh.
Đã trót lọt qua những trận ác chiến trên đèo Ma Đơ Rắc, đã an lành vượt qua Dục Mỹ, tôi lại để bị thương ở cây số cuối cùng của đường 21. Và ngu ngốc làm sao, lính xe tăng mà lại bị đốn bởi đạn súng trường. Chỉ độc một phát, bắn tù mù trong đêm tối, nhưng đúng lúc tôi đang nhoài nửa người khỏi cửa xe.
Vết thương không nặng nhưng đủ để loại nhau ra khỏi vòng chiến trong hơn chục ngày trời. Nằm được mười ngày, tôi ôm vết thương tếch khỏi bệnh viện, nhặt một chiếc zép lùn nằm quăng bên vệ đường, lái hết tốc độ rượt theo vết xích xe tăng. Nhưng vào giai đoạn hành quân thần tốc ấy chậm một giờ là lỡ cả đời, huống hồ tụt hậu mất mười ngày như tôi. Đuổi theo vết xích của 301, tôi phóng ô tô qua Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, rẽ đường 11 lên đèo Ngoạn Mục, rồi qua Di Linh, Đức Trọng về Bảo Lộc, về Lộc Ninh, và ngoặt gấp sang đông nhằm hướng Sài Gòn. 30 tháng Tư vẫn theo vết xích xe tăng, tôi qua Lăng Cha Cả vào phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng 301 của tôi hình bóng đã mịt mù nơi đâu trong mưa rơi buổi chiều ngày đại thắng.
Tôi đã trở lại Lăng Cha Cả, trở lại Cầu Bông, trở về tận Phan Rang, địa danh của những trận tử chiến bằng xe tăng trên đường tiến đánh Sài Gòn. Nhưng trời đất bao la, mặc cho tôi bền bỉ theo đuổi, 301 vẫn mãi mãi xa khuất khỏi tầm mắt của tôi.
Và như thế là đã hai chục năm trời rồi theo đuổi vô vọng cho tới buổi chiều hôm ấy. Chẳng phải sự tình cờ, mà là một sự run rủi tuyệt vời của định mệnh đã khiến tôi bước vào vườn cây lêkima bên bờ biển Khánh Hòa. Cuộc đời có hậu đã cho tôi, một số phận lẻ một, khi đã luống tuổi, lúc đã xế tà vẫn còn ruổi kịp đà tiến công vũ bão của thời thanh xuân để gặp lại được số phận chung bốn anh em.
Chiều hôm ấy, trước bức ảnh xe tăng 301, người thiếu nữ năm xưa, vụt sống lại với buổi bình minh của đời mình, đã không cầm được nước mắt. Và tôi cũng vậy, sau hai chục năm trời, lệ chiến tranh lại tràn mi.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn