Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
ăm 1977, trong phòng thẩm vấn nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Ba Trung Huỳnh Bá Thành nói với tôi:
- Trong lúc toàn dân phấn khởi, hồ hởi xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, anh làm thơ Buồn. Bài thơ của anh có thể làm nhiều người khác buồn lây. Vì vậy, chúng tôi phải bắt anh…
Lúc ấy bẩy tám giờ tối. Khu thẩm vấn vắng tanh, đèn vàng nhờ, bốn bề yên lặng. Ba Trung thường vào thẩm vấn tôi lúc bốn năm giờ chiều, ngồi mãi đến tám, chín giờ tối mới thả tôi về xà lim. Tô cơm tù được anh em tù đưa vào từ lúc bốn giờ chiều khô cứng trên sàn xi măng. Khi tôi nghe Ba Trung nói câu trên, quả thực trong lòng tôi có sự ngậm ngùi, tim tôi nặng như đá đeo. Tôi hối hận nghĩ: "… Thơ mí thẩn. Thơ con cóc. Mần thơ làm cái quái gì để cho nó bắt, nó nhốt thảm cảnh xã hội thế này! Vợ con nheo nhóc, mình thì tù tội mút chỉ cà tha, xa mùa lệ thủy. Việt cộng dzô Sègoòng, người Sègoòng nào mà chẳng buồn, nhưng người ta buồn, người ta chịu, người ta đâu có mần thơ. Nó nói nhân dân vui sướng, mình mần thơ tả nhân dân buồn khổ, nó cho mình dzô xà lim là đúng thôi."
° ° °
Trích Những Tên Biệt Kích Cầm Bút từ trang 117 đến trang121
Về phần Hoàng Hải, người vợ như một dòng sông mà hắn có thể ngụp lặn, tắm mát thỏa thích sau những ngày bon chen vất vả. Thân hình đầy đặn, sung mãn của người phụ nữ sinh trưởng ở đồng bằng Nam Bộ cộng với khuôn mặt sắc sảo phảng phất những nét Tây phương đã nâng nhan sắc của bà ta lên trên mức bình thường. Trong đời Hoàng Hải có hai thích thú mà hắn cho là kỳ diệu là đôi mắt của người vợ và ngọn đèn dầu lạc trong tiệm hút. Nhìn vào đó, hắn thấy cả độ sâu thẳm của lòng mình, sự níu kéo của cuộc sống, vừa đam mê vừa tỉnh táo, vừa rực rỡ vừa mờ ảo. Đó là những nguồn gợi hứng cho hắn suy nghĩ và sáng tác.
… Với gia cảnh ấy, con người ta thường dễ yên phận với tuổi xế bóng. Song Hoàng Hải đâu phải là một con người như vậy. Hắn luyến một thời xưa. Hắn hi vọng về một sự cứu rỗi, về một cơ may đủ sức xoay ngược tình thế hiện tại. Và hắn đã nhận được tín hiệu từ xa vọng đến đầy hứa hẹn, thúc giục hắn vùng vẫy. Đó là một ảo vọng, nhưng đối với hắn lại là một vũng nước xanh mát trong sa mạc mà hắn là kẻ sắp chết khát. Những tín hiệu đến với hắn bằng nhiều cách. Những lá thư của bạn bè gửi đi từ bên kia đại dương, những buổi phát thanh bằng nhiều ngôn ngữ ngày đêm vút lên không gian mà Hoàng Hải đón nhận bằng chiếc radio hiệu Zenith cực mạnh. Hắn biết rằng qua những tín hiệu ấy, từ những xứ sở xa xôi, người ta còn quan tâm đến "sự tồn tại" của hắn.
Có những câu, những ý hắn gần như thuộc nằm lòng: "Chúng tôi sẽ làm hết mình để anh trở thành immortel"
Hoàng Hải còn nhớ rất rõ nét chữ quen thuộc của người bạn ở Oa-sinh-tơn gửi cho hắn năm 1976. Có lẽ người bạn ấy cho rằng từ immortel trong tiếng Pháp thâm thúy hơn từ bất tử trong tiếng Việt Nam nên đã cố tình sử dụng từ ấy đến hai lần trong mấy chục dòng của lá thư đầu tiên gửi cho Hoàng Hải.
"… Ở đây mọi người đều nghĩ và tin chắc rằng thế nào Việt Nam cũng có những Xôdennítson. Dễ gì có thể viết một cái gì đại loại như "Quần đảo Gulắc" để biện minh cho tên phản bội Vlasov. Nhưng hắn biết chắc bạn bè của hắn benâ kia đại dương đang cần những "món" gì. Lúc cháy khát cổ, một ly nước lã cũng quý không kém gì một chai Coca Cola ướp lạnh.
Hoàng Hải đã làm cho cơ quan USOM từ năm 1954, đến năm 1973 lại làm việc chu USIS. Cách nhau gần hai mươi năm, ở hai thời điểm mở đầu và kết thúc sự có mặt chính thức của người Mỹ ở Sàigòn, hắn có đủ thời gian để hiểu người Mỹ. Trước kia họ là như thế thì nay và sau này họ vẫn thế: nếu không có Coca Cola thì họ sẵn sàng nhận ly nước lạnh. Có còn hơn không!
Hoàng Hải tự cho mình không chỉ là một ly nước lạnh bình thường mà là một ly nước lạnh hiếm hoi trong sa mạc. Sự khan hiếm ấy nâng cao giá trị của hắn lên.
Năm 1976, 1977 hắn đã hái ra tiền nhờ nhạy bén khai thác tình trạng khan hiếm ấy. Nhưng hắn đã phải trả giá khá đắt. Chính vì thế, sau khi dự cuộc họp ở nhà bà chị của Kiều Trang về, Hoàng Hải thấy có điều không ổn, lần trước chỉ một mình hắn độc quyền "làm ăn" với bên ngoài, thế mà công an đã phăng ra, khiến hắn phải vô trại giam. Hắn đã viết rất nhiều thể loại truyện, phiếm luận, nghị luận, văn học, thơ … với đủ các bút hiệu hắn đã ký tên những bài đã được in trên các báo của "phe hắn" xuất bản ở nước ngoài, nào là "Người Sàigòn", "Ngụy Công Tử", "Con trai Bà Cả Đọi", "Yên Ba", "Hạ Thu"… Hắn không ngờ công an lại bỏ công sưu tầm và nghiên cứu "sự nghiệp văn chương" của hắn kỹ đến thế. Biết dấu không được, hắn đã khai tuốt tuột. Đó là phương thức "tối ưu" - thà rằng khai cái người ta đã biết để được nhẹ tội còn hơn chối quanh. Về mặt này, hắn cũng tự hào rất am hiểu công an cộng sản. Hắn được khoan hồng thật. Hắn không tiếc lời thề thốt và viết trong bản cam kết:
"Khi được nhà nước khoan hồng cho về sum họp với vợ con, tôi sẽ lo làm ăn v.v…"
Tôi thích viết, vẽ, chơi đàn từ thuở tôi chưa biết thích đàn bà, con gái. Tức là lúc tuổi đời chưa đầy một bó. Thuở xa xưa ấy tôi không chỉ thích văn, họa, nhạc bình thường như mọi người, tôi hung hăng con bọ xít muốn mai sau mình sẽ trở thành văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ. Nói cách khác, tôi muốn sáng tác văn, họa, nhạc. Khi tôi nói tôi học nhạc không phải chỉ để chơi đàn suông, tôi muốn sáng tác những bản nhạc như các ông Jôhan Sìtờrao, ông Bít Tô Vơ, ông Môza, tôi bị khựng khi ông anh tôi nói: "Mày chơi được mấy bản nhạc của mấy ông ấy cũng đủ hết đời mày rồi. Ở đấy mà đòi sáng tác nhạc.."
Những năm học tiểu học ở thị xã Hà Đông - trường Tự Đức, hiệu trưởng cậu giáo Kiên - tôi là tên vẽ khá nhất những lớp có tôi là học sinh. Bạn học có giấy thường đưa cho tôi vẽ cao bồi cưỡi ngựa, bắn súng đuổi mọi da đỏ, vẽ chó mèo, đôi khi vẽ cả những cảnh trai gái theo sự tưởng tượng bậy bạ của bọn nhóc chúng tôi. Năm 1946, tôi theo gia đình tản cư lánh nạn chiến tranh về quê tôi ở ven sông Đuống. Năm 1947, tôi đi kháng chiến ở vùng Bắc Bắc - Bắc Ninh, Bắc Giang - năm 1950, tôi theo gia đình hồi cư về Hà Nội. Từ đó tôi bỏ vẽ và giấc mộng họa sĩ của tôi tiêu tán thoòng. Tôi học đàn ghi ta ba lần. Lần thứ nhất học thầy Tạ Tấn ở Hà Nội, lần thứ hai học thầy Vĩnh Lợi ở Sàigòn, lần thứ ba học thầy Lâm Tuyền cũng ở Sàigòn. Tôi thích nhạc nhưng có lỗ tai trâu, mù tịt về nhịp điệu, thêm cái tật cầm cây đàn là muốn thánh thót du dương ngay, không chịu ngồi gù lưng mà phứng phưng cả tiếng đồng hồ.
Năm 1983 con tôi đi học vẽ. Thầy dậy là bà họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và ông chồng là họa sĩ Nguyễn Long Sơn. Ông bà mở lớp dậy tại nhà riêng sau trường Mỹ thuật Gia Định. Tôi theo con tôi đến thụ huấn ông bà họa sĩ Sơn Tâm. Vì yêu họa từ ngày còn nhỏ lại sống đời dân Ngụy tại thành Hồ quá nhàn rỗi, ngày tháng phất phơ toàn chủ nhật, quanh năm chủ nhật, hết năm này 365 ngày chủ nhật đến năm khác 365 ngày chủ nhật, tôi đi học vẽ cho đỡ buồn, cho có việc làm. Ở đời có những ông "Già năm mươi tuổi chưa đeo kính. Thức suốt năm canh chỉ sợ già…" tôi mới bốn mươi đã đeo kính lão. Thầy Sơn nói:
- Vẽ mà cứ bỏ kính ra nhìn, đeo kính lên, vẽ được vài nét lại bỏ kính ra… thì vẽ viếc cái gì… Mấy ông trên năm mươi học vẽ chỉ để chơi thôi…
Thầy nói đúng. Tôi học vẽ những năm 80 không phải để trở thành họa sĩ mà chỉ để đỡ buồn. Tuy nhiên tôi nghĩ, tôi có thể minh họa được những truyện ngắn của tôi. Mình viết truyện, mình vẽ tranh đi kèm truyện theo đúng ý mình. Là nhất. Học vẽ chừng vài tháng, tôi bắt đầu vẽ được hí họa. Bức vẽ anh Nguyễn Văn Nghêu số 4 Phan Đăng Lưu khệ nệ ôm thùng quà nước ngoài gửi về đề thêm bốn câu lục bát tôi cho là hay cực kỳ. Bốn câu thơ có âm điệu lá đa dân tộc, theo sự đề cao có thể là quá đáng của tôi, xứng đáng được chọn làm ca dao ghi lại cả một thời nhân dân Thành Hồ Con Cá, Cái Bang ba, bốn túi tấp nập đến chầu chực ở những nhà bưu điện, kho hàng Tân Sơn Nhất chờ lãnh những thùng đồ cứu đói. Thời gian người Thành Hồ sống nhờ đồ Pháp, đồ Mỹ kéo dài từ năm 1978 đến năm 1990. Bốn câu bất hủ nguyên là tám câu:
Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay anh vín đôi cành
Quả chín anh hái quả xanh anh vồ
Năm sáu năm nay anh ăn ở thành Hồ
Anh ra bưu điện lãnh quà em cho
Đồ em vừa nặng vừa to
Anh đã con mắt anh no cái mồm
Trong hai triệu người Việt sống ở các nước Tây Dương chắc phải có 50.000 vị từng được hưởng niềm sung sướng được đi lãnh đồ ở Thành Hồ. Xin quý vị làm chứng: thơ tôi tả đúng hay sai? Ở đời ta thấy có những thứ đồ thật to mà không nặng, như bao rơm chẳng hạn, lại có những thứ đồ thật nặng mà không to, như cục sắt. Riêng với đồ ngoại quốc gửi về cho ta, ta mơ ước thùng đồ có đủ hai điều kiện: nặng và to. Đồ vừa nặng vừa to là nhất. Trước hết nhìn thùng đồ hai chục ký, ba chục ký lô to vuông, vững chãi, phương phi, sung túc, phồn vinh, hiện đại mắt ta truyền cảm được thống khoái đi khắp châu thân ta, đến từng chân lông, ngọn tóc của ta. Ta mệt mỏi một cách sướng khoái ôm thùng đồ về nhà. Sau khi mắt ta nhìn đã - đây là sướng - ta hiu hiu ngồi chờ những nhóm anh chị chuyên săn mua đủ các thứ đồ ngoại thấy ta có đồ lớn, xin ta địa chỉ, theo ta đến tận nhà xin mua đồ của ta. Ta bán đồ lấy tiền mua gạo nếp, gạo tẻ, thịt cá rau dưa, vợ chồng, bố con, ông cháu hí hửng dắt nhau đi ăn mì vịt tiềm, phở, bún bò giò heo, ta cùng bạn hữu hạ cờ tây, bia Trung quốc. Chị vợ gầy guộc xanh leo xanh lét vì đói, vì lo của ta có ít tiền còm yên tâm được một hai tháng, chị sẽ dzui dzẻ đôi chút với anh chồng gà què ăn quẩn cối xay. Cuộc sống như dzậy chẳng phải là đỡ khổ ư? No cái mồm nhờ đồ em, dù chỉ no được một tháng cũng là no.
Những ngày ấy, tháng ấy, năm ấy - thấm thoát đã qua mười mấy mùa cóc chín - tôi di chuyển bằng xế đạp - người Thành Hồ gọi là xế Điếc - mang theo trong cái túi vải xách tay đủ thứ linh tinh bịch thuốc, hộp quẹt, cặp kính, chìa khóa, thêm quyển sổ tay và cây bút chì để khi ngồi cà phê vỉa hè lấy ra hí hoáy ghi hình. Về nhà tôi dùng bút mực vẽ lại, đôi khi tô màu. Bọn công an thành Hồ đến nhà tôi đêm mùng Hai tháng Năm năm 1984 vớ được tập hí họa của tôi. Vì vậy hai anh Nam Thi - Minh Kiên mới thấy bức họa "Đồ em vừa nặng vừa to" của anh chàng phản động Hoàng Hải.
Việc đi học vẽ và vẽ mấy bức hí họa của tôi bị hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên diễn tả bằng những câu:
… Vì thế hắn đã chọn để lại một thứ có thể thanh minh rằng hắn đã biết hối cải và không làm gì xấu. Gần đây, hắn học thêm nghề hội họa. Trong mớ tài liệu mà hắn không đốt có tập phác họa do hắn vẽ. Hắn có thể nói với công an: "Thưa các ông, đây là công việc hàng ngày của tôi. Các ông xem, tôi già rồi, sức yếu còn làm gì nổi, nên tôi đã học vẽ, may ra có đươc một nghề vừa sức, hợp với khả năng để sống…"
Đại tá Tổng Biên Tập chi mà viết quá ngu. Một người tuổi đời năm bó, làm báo, viết truyện chuyên nghiệp từ năm mới hai bó gập, hai mươi mấy mùa táo tầu Nghị Hách sống đàng hoàng, sống ung dung, sống phơi phới với nghề viết truyện giải trí lương thiện, bỗng dưng bị bọn cộng sản bẻ gẫy cái cần câu cơm, bắt dzô tù, còn đổi nghề, đổi nghiệp cái gì được nữa! Thay vì phải lấy làm hổ thẹn vì chế độ của chúng đập bể nồi cơm của người dân lương thiện, bọn đầu trâu mặt ngựa, tim heo, óc chó lại tỏ ra hiu hiu tự đắc khi thấy những người dân miền Nam vì chúng mà lâm vào cảnh đói khổ.
Hai mươi niên vất vả ở Thành Hồ, tám niên ngồi rù trong những Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, tôi có phạm một số việc không được đàng hoàng chi mấy. Khi ra tòa năm 1988, tôi có nói: "Thưa bà chánh án" - Mụ chánh án xử tôi là mụ Nguyễn Thị Thu Phước, bao nhiêu phước, mụ ấy thu ráo trọi vào lòng mụ - nhưng tôi không -: "Thưa quý tòa…" như nhiều anh em ta. "Quý Tòa" là danh từ gọi tòa án quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Với người dân Việt Nam Cộng Hòa tòa án cộng sản có cái gì là "quý"? Chúng muốn tuyên án tử hình cho mình lên thùng phuy bãi bắn Thủ Đức, chúng muốn bỏ tù mình mút mùa Lệ Liễu kiêm Lệ Thủy - Lệ Thu… Vậy mà mình cứ phải "quý trọng" nó thì ngoài sự nhục nhã thậm tệ còn có sự lạ lùng không chấp nhận được.
Nhưng với bọn công an thành Hồ đến bắt tôi, thẩm vấn tôi, tôi không "Thưa ông…" với tên nào cả. Tôi trích đăng đoạn hai anh Nam Thi - Minh Kiên viết về chuyện tôi đi học vẽ để bạn thấy Việt cộng chửi rủa chúng tôi đểu cáng đến chừng nào. Tôi bị chúng chửi, mạ lỵ, bới móc tàn tệ nhất trong số tám người bị chúng gọi là "Những tên biệt kích cầm bút". Các bạn thấy đấy: Cả ông ngoại tôi cũng bị chúng lôi vào chuyện. Chúng viết tôi kính cẩn: "Thưa các ông…" vẫn còn là nhẹ. Trong một tập sách mỏng chúng viết về một ông từ nước ngoài trở về bị chúng bắt sống ở Lào, tôi đọc được năm 1982, chúng viết ông chiến sĩ quốc gia này gọi chúng bằng "ông", xưng "con".
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút