Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
Ân Hận
“G
iờ phút này tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đang được sống nhiều cuộc sống, trọn vẹn với công việc, tình yêu và gia đình. Nói gở, dù mai tôi có chết cũng không ân hận gì vì tôi đã sống hết mình.”
Người mẫu Vũ Thu Phương
“Tôi luôn sống theo cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của mình. Dù tôi hay có suy nghĩ về những được mất hơn thua nhưng tôi không ân hận gì cả.”
Ca sĩ Quang Dũng
“Quan trọng là bạn cảm thấy xấu hổ với bản thân của bạn, chứ không xấu hổ vì tác động bởi những lời nói của người xung quanh. Có một điều tôi biết nữa là tôi không bao giờ thấy ân hận vì những việc đã xảy ra.”
Đạo diễn Ngô Quang Hải
Cộng với ba người nổi tiếng trên, hàng nghìn người nổi tiếng ở khắp năm châu, từ nhà văn người Nhật Haruki Mu- rakami (“Tôi không có chút ân hận nào dù nhỏ nhất. Nếu tôi có thể lần nữa sống lại cuộc đời mình, có lẽ tôi sẽ là đúng những điều đã làm.”) đến ca sĩ người Canada Avril Lavigne (“Tôi không có ân hận nào bởi vì tôi không cảm thấy mình đã làm gì sai”) đã nhấn mạnh với công chúng rằng họ “nói không” với ân hận. Khắp sáu châu nếu gồm thuyền trưởng người Anh Robert Falcon Scott, người thứ hai đặt chân tới Nam Cực. “Chúng tôi đang rất yếu, việc viết lách cũng trở nên khó khăn, nhưng... tôi không ân hận về chuyến đi này”, Scott ghi vào nhật ký mấy ngày trước khi chết vì cóng và kiệt sức.
Người nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường được nhiều người biết đến, cho nên trong số người bình thường chưa được nhiều người biết đến cũng phải có nhiêu người “nói không” với ân hận. Bỏ qua trường hợp nói dối (mặc dù không ít), những người vô ân hận đó phải có cơ sờ.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, "Ân hận” có nghĩa là “Băn khoăn, day dứt và tự trách mình trước việc không hay đã để xảy ra”. Hẳn những người săn sàng thông báo “không ân hận điều gì” cũng sẽ sẵn sàng thừa nhận có nhiều việc không hay từng xảy ra với mình: việc chủ yếu do hành động của mình, hành động chủ yếu do quyết định của mình. Nhưng họ không tự trách mình.
Có khi việc “không hay” đó một phần dẫn đến việc “quá hay” - dù tài năng đến mấy nhưng một ca sĩ chưa biết nỗi đau lớn sẽ luôn là ca sĩ bình thường — và họ cảm thấy hài lòng với kết quả chung. Có khi họ còn tự hào về những việc không hay đó, thay vì tự trách mình, họ tự bắt tay mình. Có khi họ không có thời gian tự trách mình, đang tập trung hết mình vào phía trước. Có khi nhiều thứ lắm, thế nhưng điều muốn nói ở đây là họ rất khác tôi.
Tôi ân hận nhiều thứ. Tôi băn khoăn lắm, day dứt quá, nếu được sống lại sẽ làm nhiều thứ rất khác! Từ lúc có ý thức về bản thân, tôi đã làm quá nhiều người thất vọng, làm hỏng quá nhiều việc lẽ ra có kết thúc tốt đẹp. Thành công tôi cũng có. Nhưng nếu thất bại đúng là mẹ thành công thì tôi sẵn sàng đá vài đứa khỏi nhà để không còn phải sống cùng với bà mẹ chúng nó.
Có lẽ vì thế nên tôi sợ người “không ân hận gì”. Bởi tôi không hiểu họ. Cảm giác ân hận là một phần của tôi; tôi chấp nhận sống cùng với nó cho đến khi không còn tôi và không còn nó. Tôi chán nó. Tôi biết nó đang ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống hiện tại. Tôi cười mỉm khi bạn bè đặt câu hỏi về quan hệ giữa tôi và nó. Nhưng tôi vẫn về ngủ với nó. Vì thế, vì tôi không thể tỉnh táo mà bỏ, nên tôi nhìn những người đã bỏ rồi như là con nghiện đang phê ma túy. Và tôi sợ.
Nhìn thẳng vào mắt một nữ sinh đang khóc vì thi trượt đại học khi chỉ thiếu có nửa điểm dễ hơn nhìn thẳng vào mắt một thằng đang phê hêrôin.
“Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua được mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi... khỉ khỉ. Tôi cũng muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật lại vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà. Nghĩa là tồi ham viết lắm. Nhưng giá thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi.”
Giọng Nam Cao không khó nhận ra. Trong đoạn tâm sự này (Những truyện không muốn nói), tôi thích nhất câu “Nhưng cái mộng ấy cũng hơi... khỉ khỉ”. Đọc xong, tôi có cảm giác Nam Cao nghĩ mình hy sinh quá nhiều vì cái mộng “khỉ khỉ” đó — nếu được sống lại trong thời buổi phát triển này, ông sẽ rút kinh nghiệm và nằm võng nhiều hơn. Có chút xi rô ân hận nhỏ giọt từ giữa các dòng chữ ấy. Chút mồ hôi. Của một con người.
Như tôi.
Đọc bài này chắc sẽ có người nghĩ tôi hơi tự hào quá về khả năng ân hận của mình. Có lẽ họ sẽ tung những suy nghĩ đó lên các diễn đàn Online khiến tôi sẽ đập đầu vào tường vì cho phép xuất bản một bài viết vị kỷ như thế này (rồi soi gương và cười tự hào khi thấy máu chảy đầy mũi). Nhưng tôi chọn trích đoạn “khỉ khỉ” trên vì trong đó nhắc đến một điều lớn hơn Nam Cao, lớn hơn tôi, và lớn hơn người mẫu Vũ Thu Phương
Nếu đặt sự thành công trên hết thì không có giá nào quá cao phải trả cho việc “phụng sự nghệ thuật”. Nhưng nếu đặt “sự thoải mái” lên trên hết thì có giá quá cao. Nói theo kiểu Việt Nam (xin xuyên tạc một chút), nếu đặt “trắng tựa bông” lên trên hết thì không nên tiếc việc giã gạo thậm chí nên tự hào. Nhưng nếu đặt sức khỏe của người giã gạo lên trên hết thì có lúc nên tiếc.
Bởi vì rất khó biết mình sẽ mang cái nào tới kiếp sau, một bát gạo trắng như bông hay một cơ thể kiệt sức.