Số lần đọc/download: 0 / 54
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 30 - Giữa Những Lạch Biển - Tàu Hơi Nước Grafton - Trở Về Auckland - Cuộc Đón Tiếp Ở Thủ Đô Của New Zealand - Evans Và Bà Kate - Kết
K
hông cần kể chi tiết cuộc du hành trên các lạch biển của quần đảo Magellan vì không có sự cố quan trọng nào xảy ra. Thời tiết tốt, ổn định kéo dài, vả lại trên các lạch biển rộng sáu, bảy dặm này, nếu có trận cuồng phong thì sóng cũng không kịp nổi lên. Các luồng lạch này lại hoang vắng và như thế là tốt vì thổ dân vùng này không phải bao giờ cũng mến khách. Một vài lần, vào ban đêm họ thấy trong đảo có ánh lửa, nhưng trên bãi biển thì không thấy người nào.
Ngày 11 tháng 2, nhờ gió vẫn thuận, xuồng vào eo biển Magellan theo kênh Smyth, giữa bờ tây đảo Hoàng hậu Adélaide và những núi trên đất Vua Guillaume. Bên phải là đỉnh Saint-Anne. Bên trái, phía trong cùng vịnh Beaufort là những tầng băng hà tuyệt đẹp mà Briant đã thoáng thấy tầng cao nhất từ phía đông đảo Hanovre - nhưng đối với các trại viên thì vẫn cứ là đảo Chairman.
Mọi chuyện trên xuồng đều tốt đẹp. Phải nói rằng không khí đượm mùi biển quả là rất tốt cho Doniphan. Cậu ăn ngủ tốt và tự thấy có đủ sức khỏe để lên bờ và nếu có dịp là lại tiếp tục cuộc sống Robinson với các bạn.
Ngày 12 xuồng đi về đảo Tamar thuộc vùng đất Vua Guillaume. Nhưng cảng ở đây vắng tanh. Vì thế, Evans không dừng lại mà vượt mũi Tamar theo hướng đông nam ra eo biển Magellan. Một bên là đảo Désolation, bờ biển thấp, kéo dài và cằn cỗi, không có cây cối xanh tươi như đảo Chairman. Bên kia là bờ biển lồi lõm, uốn éo nham nhở của bán đảo Crooker. Evans định tìm một lối thông xuống phía nam, qua mũi Forward và men theo bờ đông bán đảo Brunswick tới những nơi có người ở của Punta-Arena.
Nhưng rốt cuộc không phải đi xa thế.
Sáng 13, Service đứng phía mũi xuồng kêu:
- Có khói phía mạn trái!
- Liệu có phải của ngư dân không? - Gordon hỏi.
- Không! Của tàu hơi nước thì đúng hơn. - Evans đáp.
Thật thế, ở phía này, các vùng đất đều xa, không thể thấy khói từ một trại ngư dân được. Briant lập tức leo lên đỉnh cột buồm trước, rồi đến lượt cậu cũng reo:
- Tàu! Tàu!
Chẳng mấy chốc tàu ấy đã xuất hiện. Đó là một con tàu hơi nước, trọng tải tám, chín trăm tấn, tốc độ mười một, mười hai dặm một giờ.
Từ xuồng, tiếng reo vang lên, xen lẫn cả tiếng súng. Xuồng đã được nhận biết và mười phút sau thì áp mạn vào tàu Grafton đang trên đường đi Australia.
Lát sau, thuyền trưởng tàu Grafton, ông Tom Long đã biết chuyện gì xảy ra với tàu Sloughi. Mặt khác, việc du thuyền mất tích đã có tiếng vang đáng kể ở Anh cũng như ở Mỹ, nên ông Tom Long mau mắn tiếp nhận số hành khách từ xuồng. Thậm chí, ông còn nhận chở họ về thẳng Auckland mặc dầu như vậy là chệch khỏi đường đi đã định vì đích tới của tàu Grafton là Melbourne, thủ phủ tỉnh Adélaide ở phía nam Australia.
Hành trình diễn ra mau chóng và ngày 25 tháng 2, tàu Grafton đã thả neo ở vũng tàu Auckland.
Vậy là vừa tròn hai năm kể từ khi mười bốn học sinh trường nội trú Chairman bị phiêu bạt xa New Zealand tới một ngàn tám trăm dặm.
Xin được miễn tả lại niềm vui của các gia đình được trả lại con cái, những đứa con mà họ tin là đã chìm sâu dưới đáy Thái Bình Dương. Những cậu bé bị gió bão cuốn tới tận vùng biển Nam Mỹ đã trở về không thiếu một ai.
Không lâu sau, tin con tàu Grafton đưa các nạn nhân trở về đã loan truyền khắp thành phố. Dân chúng liền đổ tới và tiếng hoan hô vang dậy khi các em lao vào vòng tay cha mẹ.
Mọi người háo hức muốn nghe kể tường tận những gì đã xảy ra trên đảo Chairman! Sự hiếu kì đó cũng sớm được thỏa mãn. Đầu tiên Doniphan thuyết trình mấy buổi về chủ đề ấy, những buổi nói chuyện thật sự thành công khiến chàng trai không khỏi tự hào ra mặt. Tiếp đó, cuốn nhật kí của Baxter, có thể nói là ghi chép chi tiết đến từng giờ cuộc sống ở động Người Pháp được in ra hết nghìn cuốn này đến nghìn cuốn khác để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc chỉ riêng ở New Zealand, sau đấy còn được báo chí hai châu lục đăng tải bằng mọi thứ tiếng, vì chẳng ai không quan tâm đến vụ tai nạn của du thuyền Sloughi. Óc khôn ngoan của Gordon, lòng tận tụy của Briant, sự gan dạ của Doniphan, sức chịu đựng của các em từ bé đến lớn được cộng đồng ngưỡng mộ.
Không cần phải dài dòng nhấn mạnh sự tiếp đón dành cho bà Kate và thủy thủ trưởng Evans. Chẳng phải họ đã hết lòng để giải cứu các em hay sao? Vì vậy, một cuộc quyên góp trong cộng đồng được tổ chức để trao tặng Evans dũng cảm một tàu buôn, tàu Chairman, mà anh vừa là chủ sở hữu, vừa là thuyền trưởng với điều kiện lấy Auckland làm căn cứ. Và mỗi khi tới New Zealand, bao giờ anh cũng được các gia đình “những chú bé của anh” đón tiếp thân tình nhất.
Còn bà Kate hiền hậu thì các gia đình Briant, Garnett, Wilcox đều muốn đón tới ở cùng. Sau chót, bà quyết định đến ở với gia đình Doniphan, người mà bà đã chăm sóc hết lòng khi bị thương.
Về bài học rút ra từ cuốn truyện mang cái tên xứng đáng là Hai năm trên hoang đảo thì nên ghi nhớ điều này:
Có thể chẳng bao giờ học sinh trường nội trú lại phải trải qua một kì nghỉ hè tương tự. Nhưng, mong các em hãy hiểu rằng không có hoàn cảnh nào dù gian nguy đến mấy mà con người không thể vượt qua được bằng tính kỉ luật, sự cần cù và lòng dũng cảm. Nhất là xin các em đừng quên rằng được rèn luyện qua bao thử thách và thực tế trong buổi tập sự gian nan để sống còn, những nạn nhân trẻ của tàu Sloughi đã sớm trưởng thành khi trở về quê hương, các chú bé đã thành thiếu niên, còn các thiếu niên đã sắp thành những người đàn ông.