Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 30
B
ây giờ là kỳ nghỉ hè. Giác Dân có rất nhiều cơ hội gặp Ngọc Cầm. Giác Tuệ có quá nhiều thời giờ sống với các bạn trẻ của chàng, để trò chuyện và làm việc chung với nhau. Với một sức mạnh mới mẻ, Giác Tuệ và các bạn cho ra một tờ báo mới, chinh phục được nhiều độc giả. Công việc diễn tiến tốt đẹp.
Mùa hè ấy một biến cố lớn xảy ra trong nhà họ Cao, đó là lễ chúc thọ thứ sáu mươi sáu của Cao Ðại lão gia.
Việc sửa soạn tiến hành rất sớm. Ðây phải là một tiệc lễ linh đình. Theo đề nghị của Khắc Minh, người nắm tiền chi phí, và với sự đồng ý của ông già, một số tiền lớn được trích ra từ ngân quỹ gia đình cho việc tổ chức lễ chúc thọ này. Khắc Minh nói, "Hàng năm chúng ta thu được tiền thuê ruộng đất rất nhiều, chúng ta có nhiều tiền hơn là chúng ta có thể tiêu. Vậy thì tại sao không chi dùng thêm một ít tiền nữa trong dịp này?"
Dĩ nhiên không gia đình phú hộ nào bỏ lỡ cơ hội phô bày sự giầu sang của mình.
Ngày lễ đang lại gần; quà mừng tuôn vào như nước chảy. Một văn phòng đặc biệt lo việc tiếp nhận quà tặng và gửi thiệp mời. Nhiều người bận rộn cả ngày đêm. Giác Tân xin nghỉ phép hai tuần lễ để phụ giúp. Hoa viên treo đèn lồng và cờ quạt; người ta phải gắn thêm đèn điện. Một khán đài dựng lên trong phòng đại sảnh, và những diễn viên nổi tiếng của thành phố được thuê trình diễn luôn ba ngày. Những vở tuồng trình diễn do Khắc Ðịnh chọn lựa. Ông ta là một người rất sành tuồng hát.
Mọi người đều bận rộn, trừ Giác Dân và Giác Tuệ; hai người thường đi ra ngoài dinh cơ nhà họ Cao, và chỉ dự ba ngày lễ nghi chính thức, vì không có lựa chọn nào khác.
Ba ngày ấy là một kinh nghiệm mới cho hai anh em. Mặc dù hai người không thích cái dinh cơ của gia đình, nhưng ít nhất cũng quen thuộc với cái dinh cơ ấy. Bây giờ trong ba ngày lễ, dinh cơ ấy thay đổi đến không nhận ra được, và trở thành một rạp hát, một chợ phiên - đông đầy người, ồn ào, đầy những khuôn mặt tươi cười giả tạo. Ngay phòng ngủ của hai anh em cũng bị nhường cho những khách mà hai người không quen biết. Chỗ này là một ban nhạc của những nhạc công mù chơi đàn tam thập lục và hát những bài hát mừng sinh nhật; chỗ kia là một nhóm ca sĩ hát những bài thơ dâm đãng kèm theo những cây đàn nhị hai giây. Còn một nhóm thứ ba biểu diễn đằng sau những tấm màn buông kín, giọng hát dâm dật của giọng nam và giọng nữ rất khêu gợi đến nỗi những người còn trẻ không được phép nghe.
Những vở tuồng bắt đầu buổi chiều ngày thứ nhất. Ngoại trừ một vài vở tuồng sinh nhật, phần còn lại là những vở tuồng đòi hỏi tài diễn xuất điêu luyện và thoạt đầu không có trong chương trình. Những vở tuồng này được một số khách danh dự yêu cầu. Khi một màn của vở tuồng được trình diễn tục tĩu khiến đàn bà và giới trẻ phải đỏ mặt và đem lại thích thú cho người lớn, thì một tên gia nhân có giọng sang sảng bước ra sân khấu và đọc một mẩu giấy đỏ: Ðại nhân đáng kính nào đó tặng một diễn viên nào đó một số tiền là bao nhiêu! Và diễn viên may mắn (thường là diễn viên đóng vai giả gái) lập tức bước ra hết lòng cám ơn người tặng tiền, trong khi người tặng tiền mặt mũi tươi rói thoả mãn.
Nhưng ngay hành động cảm tạ của diễn viên như thế cũng không thoả mãn khách danh dự. Khi một vở tuờng chấm dứt, diễn viên được thưởng tiền phải tới ngồi uống rượu tại bàn của người thưởng tiền, vẫn còn mặc y phục trình diễn cùng với son phấn trên mặt. Những vị khách danh dự mân mê vuốt ve các diễn viên và rót rượu cho họ uống; họ hành động một cách thô tục dâm đãng đến nỗi khách trẻ tuổi phải xấu hổ và bọn gia nhân phải thầm thì bàn tán.
Cao Ðại lão gia, người quan trọng nhất trong ngày buổi lễ, ngồi ngay hàng đầu. Lão liếc nhìn sự việc chung quanh, và mỉm cười, rồi quay lại nhìn lên sân khấu, bởi vì cái vai nữ ưa thích nhất của lão vừa xuất hiện trên sân khấu.
Khắc Minh và hai người con trai khác của Cao Ðại lão gia đi quanh quan khách, chăm sóc cho họ với sự kính cẩn biết ơn, trong khi Giác Tân đi theo sau hai ông chú.
Ðối với Giác Dân và Giác Tuệ thì tất cả đều đáng tởm. Hai người cảm thấy trở thành người xa lạ trong gia đình này, trong khung cảnh này. Những cảnh ồn ào và say sưa dường như là những cái gì xa lạ. Một vài khuôn mặt trông quen quen, nhưng khi nhìn gần, thì hai người ngỡ ngàng không biết đã từng gặp họ chưa. Hai người cảm thấy lạc lõng, nhưng không được phép bỏ đi bởi vì hai người được coi là đang làm phận sự chủ nhà. Hai người phải tươi cuời và ăn uống, giống một cái máy hơn là một con người.
Giác Tuệ mắc kẹt tại đó suốt ngày đầu tiên; đêm đó chàng mơ thấy ác mộng. Khi ngày thứ hai trở nên quá đáng, chàng bỏ ra ngoài suốt buổi chiều giữa bữa trưa và bữa tối. Chàng đến thăm bạn bè và họ cuời chế nhạo chàng rồi an ủi chàng. Cuối cùng chàng phải lấy hết can đảm để trở về nhà, để nhận thêm những sự xúc phạm. Nhưng ngày thứ ba thì chàng không thể tránh được.
Lệ Mai cũng đến dự với mẹ nàng, là bà Tiết, nhưng nàng bỏ về nhà sớm vì bị bệnh. Mỗi ngày nàng càng gầy thêm, và tuy sự gầy sút của nàng chưa đến nỗi quá đáng nhưng những người nhạy cảm cũng cảm thấy đau lòng, vì họ biết rằng đó là dấu hiệu bông hoa đẹp này sẽ sớm rụng.
Chỉ có vài người nhạy cảm trong nhà họ Cao, nhưng Giác Tân là một người trong những người ấy. Chàng có lẽ là người quan tâm nhất cho Lệ Mai. Tuy thế có biết bao nhiêu sự ngăn cản vô hình giữa hai người - ít nhất chàng nghĩ rằng có những ngăn cản ấy - đến nỗi hai người chỉ dám nhìn nhau và nói chuyện không lời qua khoảng cách. Họ tránh mọi cơ hội có thể nói chuyện riêng với nhau, nghĩ rằng làm thế họ sẽ giảm bớt được đau khổ. Nhưng kết quả trái ngược lại. Giác Tân xuống cân đều đều và bệnh của Lệ Mai ngày một nặng hơn; nàng bắt đầu ho ra máu.
Bà Châu rất thích Lệ Mai, nhưng bà không biết trong lòng Lệ Mai nghĩ gì, nên bà không biết an ủi nàng thế nào. Thực ra, không ai có thể an ủi được Lệ Mai - ngay cả Thụy Giao, người gần đây thân với Lệ Mai và hiểu nàng nhất.
Ngọc Cầm cũng tới dự lễ thọ, và cũng trở về nhà ngay vì nàng giả vờ bị bệnh. Ngày hôm sau nàng bí mật gởi tin cho Giác Dân, năn nỉ chàng tới thăm.
Giác Dân lẻn đi ngay khi cơ hội đầu tiên tới, và chàng cùng với Ngọc Cầm đã chuyện trÝ lâu dài với nhau. Trên đường về nhà, chàng rất sung sướng. Giác Tân gặp chàng tại cửa phòng đại sảnh, và Giác Dân ngạc nhiên khi Giác Tân hỏi:
"Em lại nhà Ngọc Cầm, phải không?"
Giác Dân chỉ biết gật đầu nín lặng.
Giác Tân khẽ nói, mặt nhăn lại, "Anh trông thấy đầy tớ của cô ta nhét mẩu giấy vào tay em; bệnh của cô ta là bệnh giả. Anh biết tất cả về hai người rồi."
Giác Dân không nói gì. Chàng cũng mỉm cười, nhưng nụ cười của chàng là nụ cười thoả mãn.
Giác Tân trông thấy Khắc Minh lại gần. Chàng trao đổi vài lời với người chú. Khi người chú bước đi, chàng quay lại Giác Dân.
Chàng nói khẽ, "Em sung sướng. Em có thể làm điều em muốn. Anh cũng muốn đi thăm một người bệnh nữa, và người này mắc bệnh thật, nhưng anh không có tự do. Nàng bịnh nặng lắm. Anh biết nàng cần anh." Mặt chàng quặn lại thành một nét kỳ lạ, có thể là một nụ cười hoặc là nhăn mặt đau đớn.
Giác Dân cảm động không biết nói gì. Cuối cùng chàng vụng về buột miệng nói, "Tại sao anh không quên Lệ Mai đi? Anh chỉ tự hành hạ mà thôi. Thế còn Thụy Giao thì sao? Anh yêu chị ấy lắm mà, phải không?"
Mặt Giác Tân tái mét. Chàng đứng đó chết trân nhìn người em. Bỗng chàng nổi giận. "Vậy là em muốn anh bỏ mặc cô ta phải không? Em cũng giống như những người khác! Em có thể nói vậy vào lúc này!" Nói xong Giác Tân vội vã bỏ đi.
Giác Dân chợt nhận ra chàng chưa cho Giác Tân câu trả lời mà chàng đang tìm kiếm. Nhưng chàng có thể trả lời thế nào? Giác Tân nói một đường làm một nẻo. Giác Dân không thể hiểu sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Ðại ca.
Mắt chàng lơ đãng nhìn lên sân khấu, tại đó một tên hề và một mỹ nhân đang trao đổi một cuộc đối thoại tế nhị ẩn ý. Nhiều quan khách bật thành một tràng cười trước những lời bóng gió tục tĩu - khách danh dự cũng như khách không danh dự và những khách thô tục. Giác Dân bật cười khinh bỉ.
Chàng quên hẳn Giác Tân. Chàng thong thả đi đi lại lại, tâm trí tràn dầy chuyện tình của chàng. Lần đầu tiên viễn ảnh của chàng có vẻ sáng sủa.
Dĩ nhiên chuyện tình này liên quan tới Ngọc Cầm. Chàng rất lạc quan; nàng đã cho chàng can đản và lòng tin. Không những nàng tin tưởng chàng, mà nàng còn nói rõ nàng sẽ không làm chàng thất vọng. Mọi sự có vẻ tiến triển tốt đẹp.
Thoạt đầu khi chấm dứt bài học Anh văn mỗi ngày, hai người ngồi nói chuyện về các chuyện thông thường. Dần dần câu chuyện của họ trở nên riêng tư hơn, cho tới lúc hai người hiểu nhau hoàn toàn, cho tới lúc thân mật nhau đến nỗi hai người cùng cảm thấy không thể xa nhau được. Hai người thận trọng nói đến tình yêu - chuyện tình của bà con và bạn bè, của Lệ Mai và Giác Tân. Mãi về sau hai người mới nói tới những cảm xúc riêng của mình. Giác Dân nhớ lại cách Ngọc Cầm đỏ bừng mặt và đùa nghịch với những trang sách, cố tỏ ra bình tĩnh, khi nàng nói nàng rất cần chàng. Nàng nói nàng đã quyết định theo con đường mới, nhưng có quá nhiều trở ngại trên đường của nàng; nàng cần một người như chàng, một người có thể hiểu và giúp nàng.
Chàng và Ngọc Cầm đã biết cái gì trong tim nhau. Ðiều còn thiếu duy nhất là sự tuyên bố thẳng ra. Khi nàng gọi chàng tới ngày hôm nay, chàng cảm thấy cơ hội của chàng đã tới, và chàng cho nàng biết cái điều mà trước đây chưa dám nói, tuyên bố một cách anh dũng rằng chàng sẵn sàng hy sinh tất cả cho nàng.
Rồi nàng đã trả lời. Thực ra chỉ cần một người nói ra mười phần trăm thì người kia sẽ hiểu được chín mươi phần trăm còn lại. Hai người tin tưởng nhau, tin tưởng vào tương lai của họ. Cuộc gặp gỡ lần cuối này đã mở tấm màn ra; họ đã làm rõ và sáng tỏ mối liên hệ của họ. Và Giác Dân nhận biết cái điều tuyệt vời này đã xảy ra ngày hôm nay, đúng ra chỉ một phút trước đó!
Giấc mộng của chàng về tương lai thực là vô cùng tốt đẹp, và dĩ nhiên quá phóng đại. Vì mù quáng trước tình yêu, chàng không trông thấy một khó khăn nào trước mặt. Ðứng trên tảng đá bên ngoài phòng đại sảnh, chàng lại liếc nhìn những diễn viên đang tán tỉnh nhau trên sân khấu bên trong. Bây giờ tên hề lùn và mỹ nhân được thay thế bởi một nhân vật tuấn tú và người đầy tớ gái ngổ ngáo. Khán giả lại rộ lên cười mỗi khi có một lời nói tục tĩu. Giác Dân mỉm cười khinh bỉ. Những người như thế này không thể ngăn cản được chàng.
Chàng nhìn ra xa, phác hoạ một cuộc đời lý tưởng. Một cái vỗ vai của một bàn tay quen thuộc đem chàng trở lại thực tại. Giác Dân quay lại để thấy Giác Tuệ đang dứng cười đằng sau chàng.
Giác Dân nói, "Vậy là em cũng bỏ chạy ra đây."
Giác Tuệ trả lời với một tiếng cười thoả mãn. "Và anh đã có một cơ hội lẻn ra ngoài nữa!" Chàng đoán điều Giác Dân đang suy nghĩ từ nét mặt của Giác Dân.
Giác Dân hơi đỏ mặt. Chàng gật đầu. "Mọi chuyện đã đồng ý giữa anh và Ngọc Cầm. Tụi anh làm bước đầu tiên. Vấn đề bây giờ là bước kế tiếp." Ðôi mắt hơi yếu của chàng sung sướng nhìn Giác Tuệ sau chiếc kiếng gọng vàng.
Một nụ cười thoáng biến đi trên mặt Giác Tuệ. Tuy chàng bảo Giác Dân rằng chàng coi Ngọc Cầm như một người em gái, tuy chàng đã yêu một cô gái khác đã chết vì chàng, tuy chàng đã hy vọng một ngày nào đó Giác Dân sẽ làm Ngọc Cầm trở nên chị dâu của chàng, thế mà khi nghe biết nàng bây giờ thuộc về một người khác, chàng không thể không cảm thấy một nỗi đau của lòng ghen - bởi vì chính chàng đã bí mật yêu nàng. Nhưng ngay lập tức chàng tự trách vì đã nuôi dưỡng một cảm xúc như thế, đặc biệt là liên quan tới người anh ruột.
"Hãy cẩn thận. Ðừng vội quá tin chắc." Tuy Giác Tuệ có lý do để nói thế, nhưng những lời nói này cũng hàm chứa một chút ghen.
Giác Dân không một chút ngã lòng. "Mọi sự đều tốt đẹp. Em thường can đảm lắm mà. Sao bỗng nhiên em lại thận trọng như thế?"
Hiển nhiên là Giác Dân không biết cái gì trong tâm trí Giác Tuệ. Ngay lập tức Giác Tuệ cảm thấy xấu hổ. Chàng cuời, "Anh quả thực rất đúng. Em chúc anh may mắn."
Từ sân khấu vang lên tiếng động điếc tai của chiêng trống, khi những chiến sĩ cởi trần diễn một cảnh giao chiến. Tiếp theo là cuộc chạy trốn của ba viên tuớng mặt bôi đầy son phấn. Giác Tuệ có thể trông thấy ông nội ngồi ngay hàng ghế hàng đầu, nói chuyện với một lão già râu xám bên cạnh. Hình ảnh bộ mặt lốm đốm và nhăn nheo và cái mũi như khúc dồi của người khách làm Giác Tuệ tức giận như điên. Chàng nắm tay lại và nghiến răng:
"Như vậy mà hắn còn có can đảm tới đây!"
Giác Dân ngạc nhiên hỏi, "Ai?"
Giác Tuệ chỉ tay. "Cái tên già sát nhân họ Quách!"
Giác Dân vội nói, "Ðừng nói to quá! Người ta nghe được đấy!"
Giác Tuệ cười lạnh lùng. "Thì đã sao? Em muốn cho mọi người nghe thấy! Anh không thán phục sự liều lĩnh dám làm dám nói hay sao?"
Trong lúc Giác Dân tuyệt vọng nghĩ ra cách làm cho em im lặng thì Thục Hoa và người em họ Thục Trân chạy ra báo tin, "Hầu thiếp mới của lão Quách có mặt ở đây." Thục Trân kéo tay áo Giác Dân và nói, "Hãy lại thăm cô ta đi!"
Giác Dân rất ngạc nhiên và nói, "Nhưng anh không biết cô ta. Làm sao anh nói chuyện với cô ta được?"
Giác Tuệ hỏi, "Em muốn nói tới Vân nhi phải không?" Bỗng nhiên chàng hiểu, và hỏi "Cô ta ở đâu?" như thể hỏi một người mới trở về từ cõi chết.
Thục Hoa mỉm cười. "Ở trong phòng của em. Ở đó không có ai cả. Anh có muốn tới gặp không?"
Giác Tuệ trả lời chàng muốn tới. Chàng đi theo hai người em gái. Giác Dân vẫn đứng lại chỗ cũ.
Chàng thấy Vân nhi ở một mình, cùng với Thụy Giao, Thục Anh và vài nô tỳ khác. Vân nhi ăn mặc rất đẹp, nhưng mặt hốc hác tiều tụy rất đáng thương hại. Nàng đang kể một chuyện gì và Thụy Giao và Thục Anh đang khóc. Ngay khi Vân nhi trông thấy Giác Tuệ bước vào, nàng đứng dậy và cố gắng mỉm cười chào chàng.
"Tam Thiếu gia đã tới."
Giác Tuệ gật đầu và mỉm cười. "Tại sao cô đứng dậy? Cô không còn là gia nhân của chúng ta nữa. Cô đã là hầu thiếp của nhà họ Quách rồi." Tuy Giác Tuệ nói đùa, nhưng chàng rất đau lòng. Vân nhi phải chịu đựng cái số phận mà Minh Phương phải tự tử để trốn tránh.
Vân nhi lặng lẽ cúi đầu xuống. Thụy Giao ngồi bên mép giường, nhẹ nhàng trách chàng. "Tam đệ, hãy coi những gì họ làm cho cô ta. Thế mà Tam đệ còn nỡ lòng cười nữa."
"Em xin lỗi. Em không có ý gì cả." Chàng nhớ lại điều Khiêm nhi đã bảo chàng ngoài hoa viên khi chàng bắt gặp Khiêm nhi đang đốt tiền giấy, và chàng rất buồn tiếc cho Vân nhi. Chàng muốn làm một cái gì để đền bù.
Chàng nói với Thụy Giao, "Chính Ðại tẩu mới đáng trách. Thay vì tất cả ngồi quanh đây khóc lóc khi cô ta lần đầu trở về, tại sao không dẫn cô ta ra coi tuồng hát?"
Thụy Giao giả bộ tức giận nói, "Ai có thể nói lại cái lưỡi trơn tru của chú." Thục Hoa và Thục Trân đều phì cười.
Thục Anh xen vào, "Ðại tẩu không nói lại anh ấy, hãy để em thử!" Nàng chợt nhận thấy Vân nhi vẫn còn đứng, nàng thúc giục, "Xin ngồi xuống đi. Cô không cần phải lễ phép với anh ấy." Vào lúc ấy Giác Tuệ đã ngồi xuống một cái đôn sứ, nên Vân nhi lặng lẽ ngồi xuống chỗ cũ. Thục Anh quay sang nói với Giác Tuệ.
"Những vở tuồng ấy không thể xem được. Một số khách của chúng ta phải biết xấu hổ, đã lựa chọn những vở kịch dơ bẩn. Vân nhi không có nhiều cơ hội trở về đây thăm viếng. Cô ta muốn nói chuyện riêng với Khiêm nhi và một vài người bạn, vì thế tụi em sắp xếp cho cô ta gặp mọi người trong phòng này. Bây giờ ngay lúc họ sắp sửa nói chuyện với nhau thì anh nhảy vào. Ai mời anh tới đây mà lên mặt một thiếu gia?"
"Anh đoán em có ý muốn đuổi anh đi." Giác Tuệ trả lời, nhưng không có vẻ muốn bỏ đi.
Thục Hoa nói xen vào, "Tam ca, anh không cần phải vênh váo như thế. Người ta đã chọn một cô dâu cho Nhị ca đấy. Sau đó sẽ tới phiên anh."
Giác Tuệ nghi ngờ hỏi, "Cái gì? Ai chọn cô dâu cho Nhị ca?"
Thục Anh trả lời, "Quách Ðại lão gia đó. Tôi nghe nói là cháu nội của lão ta. Người ta nói cô ả tính khí hung dữ lắm, và cũng không còn trẻ nữa."
Giác Tuệ vội đứng dậy. "Tại sao, cái lão già khốn nạn đó! Anh sẽ báo cho Nhị ca biết!" Chàng liếc nhìn Vân nhi lần cuối cùng, như để chào giã biệt nàng mãi mãi, và hấp tấp ra khỏi phòng.
Khi đi ngang qua phòng đại sảnh, Giác Tuệ trông thấy một cảnh làm chàng chán nản cùng cực. Giác Dân đang đứng đó, trước mặt ông nội và lão già họ Quách. Lão già họ Quách tươi cười hỏi chàng và chàng trả lời một cách cung kính.
Giác Tuệ tức giận tự hỏi, "Làm sao anh có thể lễ phép với cái tên sát nhân già đó? Anh không biết rằng lão là kẻ thù của anh hay sao, chính hắn đang phân cách anh và Ngọc Cầm!"
Cuối cùng Giác Dân nghe được cái tin ấy, không phải từ Giác Tuệ mà từ Ðại ca của chàng. Theo lệnh của ông nội, Giác Tân lại gần chàng để biết phản ứng của chàng. Dò hỏi phản ứng của Giác Dân không phải là ý của ông già - ông ta chỉ ra lệnh, và đương nhiên lệnh của ông ta phải được tuân theo. Giác Tân cũng nghĩ như vậy, mặc dù chàng không đồng ý với phương cách của ông nội.
Tuy giật mình trước cái tin ấy, Giác Dân không sợ hãi. Câu trả lời của chàng rất giản dị. "Em sẽ quyết định người em muốn sẽ kết hôn. Lúc này em còn trẻ, em phải học xong đã. Em chưa muốn lấy vợ." Chàng còn muốn nói nhiều điều nữa, nhưng chàng cố giữ lại.
"Anh không thể nói với ông nội là em muốn quyết định việc lấy vợ của em. Nên nhấn mạnh đến phương diện còn trẻ tuổi của em thì hơn. Nhưng anh sợ rằng chuyện ấy cũng không thuyết phục được ông nội đâu. Trong gia đình chúng ta, mười chín tuổi không được coi như quá trẻ chưa lấy vợ được." Giác Tân nói một cách nghi ngờ. Chàng rất khó nói cái điều chàng tin tưởng.
Giác Dân tức giận nói, "Vậy theo anh thì tình trạng tuyệt vọng, phải không?"
Giác Tân vội trả lời, "Anh không có ý nói như vậy." Nhưng chàng không nói gì thêm nữa.
Giác Dân chăm chú nhìn Giác Tân, như thể muốn đọc tâm trí người anh. Chàng hỏi, "Anh không nhớ cái gì anh nói với em hồi chiều nay hay sao? Anh có muốn em lập lại cái bi kịch của anh không?"
"Nhưng ông nội..." Giác Tân hoàn toàn đồng ý với em, tuy thế chàng cảm thấy cái mệnh lệnh của ông nội phải được thi hành.
Giác Dân bực mình gắt, "Ðừng nói với em về ông nội. Em sẽ đi con đường riêng của em." Chàng quay lưng và đi vào phòng riêng.
Giác Dân và Giác Tuệ bàn luận vấn đề này đến đêm khuya. Cuối cùng hai người đồng ý một chương trình hành động: Phản kháng. Nếu thất bại sẽ bỏ nhà đi. Trong bất cứ trường hợp nào, không bao giờ chịu đầu hàng.
Giác Tuệ hết lòng khuyến khích Giác Dân, trước hết là chàng có cảm tình với anh, và thứ hai là chàng muốn Giác Dân làm ra một tiền lệ, để mở ra một con đường mới cho những người khác giống như chàng.
Vô cùng hứng khởi, Giác Dân viết cho Ngọc Cầm, chủ ý gửi cho nàng ngày hôm sau, bí mật bỏ vào giữa một cuốn sách. Lá thư như sau:
"Ngọc Cầm, Dù em có thể nghe người ta nói gì, xin em đừng tin một lời nào. Người ta đang tính mai mối cho anh lấy một người khác, nhưng anh đã dâng hiến trái tim của anh cho em rồi và anh sẽ không bao giờ phản lại những lời thề hứa của anh với em. Xin em hãy tin tưởng ở anh. Em sẽ thấy anh chiến đấu can đảm thế nào, em sẽ thấy anh chiến đấu vì em và sẽ chiến thắng được hòan cảnh để có em!
Giác Dân"
Giác Dân đọc lại mẩu thư hai lần. Chàng nghĩ: Ðây là một vật kỷ niệm quan trọng trong biên niên sử tình yêu của chúng ta. Chàng đưa mẩu thư cho Giác Tuệ và hãnh diện hỏi, "Thế nào?"
Giác Tuệ trả lời mỉa mai, "Tuyệt diệu. Y như thời trung cổ!" Và chàng tự nói với mình: Chúng ta sẽ biết anh chiến đấu can đảm thế nào!
Vì bây giờ lễ mừng thọ của Cao Ðại lão gia đã chấm dứt, lão già họ Quách sai một người mai mối để chính thức đề nghị hôn nhân giữa cháu gái của lão với Giác Dân. Dĩ nhiên Cao Ðại lão gia rất đồng ý. Bà Châu chỉ là con dâu và là kế mẫu của Giác Dân, chứ không phải là mẹ ruột của chàng; vì thế bà nghĩ hay hơn hết là không nên bày tỏ một ý kiến gì. Giác Tân nghĩ rằng hôn nhân này là một lỗi lầm nghiêm trọng, làm tan nát đời một cặp trẻ tuổi nữa. Nhưng chàng không có can đảm chống đối lại ông nội. Chàng chỉ cầu nguyện một phép lạ có thể xẩy ra.
Việc mai mối tiến hành một cách bí mật, không cho Giác Dân biết. Những sự mai mối như vậy vẫn thường là rất bí mật; những người liên hệ chỉ là những hình nộm. Những kẻ hồi còn trẻ là hình nộm thì bây giờ lại bắt người thế hệ sau làm hình nộm. Chuyện như thế đã xảy ra trong quá khứ, và Cao Ðại lão gia nghĩ là bao giờ cũng sẽ như vậy. Nhưng người ta đã lầm lẫn trong trường hợp Giác Dân. Chàng không phải là loại người chấp nhận làm hình nộm.
Trái ngược với thế hệ già, Giác Dân làm những phương tiện chủ động về hôn nhân. Không tỏ vẻ dè dặt, chàng hỏi thẳng về vấn đề hôn nhân đang được tiến hành. Giác Tuệ trở thành người dò thám cho chàng. Cùng với Ngọc Cầm, ba người họp lại thành một tổ chức ba người. Họ bàn luận chiến thuật làm thế nào ngăn chặn cuộc hôn nhân với cháu gái lão già họ Quách, và tìm cách công bố mối tình giữa Giác Dân và Ngọc Cầm.
Ngay từ lúc khởi đầu cuộc chiến đấu, Giác Dân cho Ðại ca biết rõ thái độ của chàng. Giác Dân yêu cầu kế mẩu bãi bỏ việc hôn nhân. Bà Châu cho biết hôn nhân này là do ông nội chàng quyết định rồi. Nhưng Giác Dân không thể nói thẳng với ông nội, và chàng cũng không tìm được ai có ảnh hưởng để giúp chàng. Trong cái gia đình này, Cao Ðại lão gia là người cho những phán quyết cuối cùng.
Một vài hôm sau, mẹ của Ngọc Cầm yêu cầu Giác Dân không được tới thăm nhà bà nữa. Bà Trương là con gái của Cao Ðại lão gia. Tuy bà có cảm tình với Giác Dân, nhưng là một người trong nhà họ Cao, bà không thể và không dám giúp Giác Dân. Ngay trong nhà đã có những tin đồn thầm lén rằng hành động chống đối của Giác Dân được bà Trương hậu thuẫn, bởi vì bà muốn con gái bà lấy Giác Dân. Ngọc Cầm tức giận khi nghe tin này đến nỗi nàng phải bật khóc.
Sau những vụ tấn công đầu tiên thất bại, Giác Dân bắt đầu giai đoạn hai của chiến thuật. Chàng tung tin rằng nếu gia đình không tôn trọng ước muốn của chàng, chàng sẽ làm những hành động quyết liệt hơn nữa. Nhưng vì lời hăm dọa này không bao giờ tới tai Cao Ðại lão gia, nên cũng chẳng có kết quả gì.
Rồi Giác Dân nghe nói số tử vi của chàng và của cháu gái lão Quách sắp sửa được trao đổi, và sau đó là nghi lễ hứa hôn. Chàng nghe tin này hai tuần lễ sau ngày lễ thọ của Cao Ðại lão gia.
Lúc đó Giác Tân báo cho ông nội một vài điều về thái độ và cảm nghĩ của Giác Dân, nhưng cũng không có kết quả gì.
Cao Ðại lão gia giận dữ la mắng, "Tại sao nó dám không đồng ý? Cái gì ta đã nói không thay đổi nữa!"
Giác Dân đi đi lại lại ngoài hoa viên hàng giờ ngày hôm ấy. Quyết tâm của chàng cũng hơi nao núng. Nếu chàng quyết định bỏ nhà đi thì chàng sẽ không quay trở về nữa. Tự nuôi sống mình là vấn đề khó khăn lớn nhất cho chàng. Ở nhà, chàng rất thoải mái sung sướng, có sẵn cơm ăn áo mặc. Nhưng khi đi ra ngoài, chàng sống bằng cách nào? Chàng chưa sửa soạn cho một quyết định như thế. Nhưng bây giờ chàng phải lo nghĩ đến vấn đề này, và phải quyết định.
Ði tìm Giác Tân, chàng đi thẳng vào vấn đề, "Có hy vọng thay đổi quyết tâm của ông nội không?"
Giác Tân buồn tiếc trả lời, "Anh sợ là không được."
Giác Dân thất vọng, "Anh đã từng thử mọi cách chưa?"
"Anh đã thử rồi!"
"Anh nghĩ em sẽ phải làm gì?"
"Anh biết em đang nghĩ gì, nhưng thành thực mà nói, anh không thể làm gì giúp em được. Ðiều tốt nhất là làm cái gì ông nội muốn, chúng ta đều phải hy sinh thôi." Giác Tân buồn bã trả lời. Chàng gần như muốn khóc.
Giác Dân lạnh lùng cười. "Vẫn là chính sách cũ bất kháng và triết lý cây cung cong!" Chàng quay gót và bỏ đi.