Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Xin Trả Nợ Người
Ở đời, riêng đời tôi, có nhiều món nợ tôi không hề muốn vay nhưng gặp và phải nhớ mãi, phải luôn luôn nhủ với lòng mình rằng sẽ có một ngày nào đó, mình phải làm một cái gì đó cho người mình mang ơn, dù ngay chính người đó, khi đưa tay cho mình nắm lúc ngã, cũng không hề nghĩ rằng họ đang làm ơn, và sẽ có ngày... bị trả ơn. Chưa bao giờ tôi cho tôi là một người tốt, đẹp, hoàn toàn, trái lại, tôi có rất nhiều tật xấu. Chỉ được một điều, đã tự cho là mình nợ ai một món nợ, dù ly nước, tấm bánh, một lời hỏi han an ủi, thì ngàn đời không quên. Và tôi thấy mình nợ tất cả mọi người bởi trên đường đời, quả thật tôi đã may mắn gặp nhiều người tốt. Chưa ai từ chối mở lòng ra, khi tôi tìm đến.
Nếu một đời người mang quá nhiều “nợ đời” trên vai, cuộc sống cũng thật tội nghiệp. Nợ có nhiều loại khác nhau. Nợ ân. Nợ oán. Nợ tình. Nợ tiền. Nợ nhân. Nợ nghĩa. Nợ nào tôi cũng mang, trừ... oán thù. Không bao giờ tôi để lòng thù oán ai. Buồn thì có. Mà chắc cũng chẳng có ai để tâm thù oán tôi. Có thể không thích, không chơi nhưng thù thì không. Thế thì cuối cùng tôi là người mang nợ nhiều. Nợ đời và nợ người. Nợ đời, lúc nào hết biết ngay. Nợ người không nên để đến kiếp sau. Bởi ai cũng cầu mong cho mình một kiếp sau nhẹ nhàng hơn. Thế cho nên lỡ có nợ ai ráng mà trả cho xong, cho nhẹ. Tốt hơn hết là đừng nợ, nhưng (chữ này không khá được)... ai không nợ, không phải là người.
Chả bao giờ tôi nghĩ mình có duyên hay nợ với chữ nghĩa. Cái bằng tiểu học tôi còn không có thì làm sao có thể nói đến chữ nghĩa với ai. Ấy thế mà... Đầu tiên là gặp Đoan rồi trở thành cái xương sườn của Đoan, phụ giúp việc vặt cho Đoan và Du Miên bằng cách đánh dấu bài cho 80 trang báo Hồn Việt. Đoan là người đầu tiên khuyến khích tôi viết về đời tôi với số tiền 300 đô cho một bài. Lúc đó đầu năm 1976, 300 đô là một số tiền đáng kể vì show đầu tiên của tôi ở Mỹ chỉ có 80 đô. Tôi khởi đầu viết về cuộc tình... nửa đường gãy gánh của mình với cái tựa “Gửi người suối bạc”. Bài viết được ba, bốn kỳ gì đó, mới lãnh được vài kỳ lương, tôi đã bị Đoan xin bàn tay để... đánh dấu bài, rửa chén, nấu cơm, giặt quần áo, chùi nhà tắm và rửa đít cho con.
Quả là cái số, chữ nghĩa chưa kịp gần đã xa, dù sau đó một đôi lần tôi được góp mặt trên báo Hồn Việt. Tôi thật sự không ham muốn hay chú ý đến cái vụ viết bài chạy nhật trình vì đây không phải là sở trường, là tham vọng của tôi. Trong đời tôi, nếu có làm được một việc gì ra hồn thì đó là... hát. Và tôi đã làm. Chấm hết. Nhưng (sẽ có rất nhiều chữ “nhưng” và “nếu” trong đời tôi) rồi một phần thì giờ của tôi đã dành cho những mục tâm sự với độc giả khắp nơi. Người khuyến khích tôi lần này không phải là Đoan mà là ông em Du Miên. Không hẳn là khuyến khích nhưng là một cái gì tôi không cắt nghĩa được... “Chị Mai, cho bài nhé”. Thế thôi. Tôi gọi cái này là một hành động... “bóp cổ, không cho la”. Cái lạ là không bao giờ tôi nói “không” với Du Miên.
Mới bán Hồn Việt, chưa kịp mừng thì người mua lại báo là ông Đỗ Ngọc Tùng chơi cái... tình chạy 16 ngàn đô. Mới qua Mỹ có vài năm, tụi tôi mất tiền đã vài lần, mà mất nhiều hơn nhiều, lần nào cũng cháy túi, cạn láng nên đã có phần quen quen. Buồn làm quái gì. Tiền đôi
khi, có thể, luôn luôn là cục xương khó nuốt. Đời còn dài mà, đã hết đâu. Mình có dư thì giờ để xem đời nó sẽ đưa mình, đưa người đến đâu. Đã bảo là tôi ghét báo, ghét luôn người làm báo. Bắt được Đoan bỏ nghề, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng ghê gớm của các ông các bà làm báo đã đè lên vai tôi mấy năm. Phải thành thật mà nói, thời gian Đoan làm báo là một thời gian kinh hoàng đối với tôi, làm cho tôi đã sợ, lại càng sợ hơn những người làm báo. Giờ nói ra điều này, ai muốn chửi, tôi cũng sẵn sàng nghe, kể cả Du Miên.
Chính vì điều này mà Đoan và tôi hục hặc nhau hoài. Đoan bênh vực nghề nghiệp bạn bè, đàn anh, đàn chị của Đoan và để cân bằng, thỉnh thoảng anh... để nhẹ vài quả về nghề nghiệp của tôi. Chiến tranh giữa hai đứa là điều không thể tránh. Không đến nỗi như Desert Storm nhưng cũng rất căng thẳng như tình hình Cuba. Ông anh Ngọc Hoài Phương và ông em Du Miên đã từng chứng kiến những trận thư hùng giữa hai môn phái, một nhu một cương. Không có bom rơi súng nổ. Không đao, kiếm bay vù vù trong nhà, chỉ có bàn đổ, chén bát rơi vỡ tan tành. Tuy nhiên, đó là chuyện của 13 năm về trước. Tụi tui dễ gây, dễ nóng mà cũng dễ hòa, dễ nguội. Nghề nghiệp không phải là tai họa cho đời sống chung hòa bình của hai đứa.
Nhưng cái oái oăm ở đây là sau khi bứt Đoan ra khỏi cái nghề nghiệp tôi ít ưa, kéo anh vào nghiệp dĩ của mình thì chính tôi lại là người quay trở lại chỉ sau một cú phone của Du Miên, lúc đó làm tờ Trường Sơn. Cũng dịp này, tôi bắt đầu biết Thị Hà Khánh Hội là biệt danh của Ngọc Hà. Tôi viết cái mục “Đời còn dễ thương” cũng khá lâu, viết về vui buồn, trôi nổi của nghề nghiệp, bạn bè. Độc giả cũng chấp nhận cái vụ tôi lảm nhảm, dù cũng có người chỉ trích rằng sao cứ nói về... mình. Rồi Du Miên, cũng lại Du Miên, và chúng tôi đứt dây liên lạc. Cho tới bây giờ, khi ngồi ghi lại kỷ niệm giữa chúng tôi, tôi cũng không hiểu, không biết vì lý do gì. Cứ tự nhiên nhàn nhạt rồi dứt hẳn, dễ cũng có đến mấy năm. Tuyệt không có lấy nửa lời to tiếng.
Tôi chẳng bao giờ quên cái tình thân giữa hai gia đình, song đời sống cuốn xô ở đây không cho tôi thì giờ tìm hiểu. Tôi lại là người không bao giờ muốn tìm hỏi lý do và cũng không bao giờ cải chính bất cứ điều gì. Cái gì rồi cũng qua. Tôi nghĩ vậy, và viết bài cho anh Dzu, cho báo Mai, cho Trần Quốc Bảo. Trong lúc đó tất cả công việc dính líu đến băng nhạc, một mình Đoan gánh vác. Nếu tôi, một ca sĩ, được độc giả chấp nhận cho góp bài trên báo thì Đoan, một người làm báo cũng dễ hội nhập vào ngành sản xuất băng nhạc. Khán thính giả cũng chấp nhận những băng nhạc với tiếng hát của tôi do Đoan thực hiện... “Sông có khúc. Người có lúc”...
Trịnh Công Sơn đã viết: “Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đi đời suối. Đời người cũng dễ sống và hãy thả trôi đi những niềm đau”. Mà tất cả trôi đi thật dù tôi không biết cái “tất cả” đó là những cái gì nhưng nó đã trôi đi, đã qua thật rồi, hầu như không để lại dấu vết nào, hầu như giữa chúng tôi không hề có khoảng thời gian xa cách, không nhìn thấy nhau, không nói với nhau... “Chị Mai viết bài nhé, cho Thời Báo”. Không có cái vụ Pạc-sơ-cờ lẩm cẩm đàn bà. Còn nghĩ đến nhau như vậy là okay rồi. Thời gian và sự im lặng quả là người “giao liên” tốt. Cũng may, tôi không hề nói hay làm điều gì không nên, không phải trong suốt thời gian... im lặng thở dài, để đến phải ngại ngùng khi gặp lại nhau. Và dù tôi không dám
bao giờ gọi đây là trò chơi chữ nghĩa, nhưng tôi quả thật rất vui khi gật đầu hứa giao bài cho Du Miên. Thật ra, tờ Thời Báo nếu không có ba cái bài lẩm cẩm của tôi, nó vẫn có mặt, vẫn là Thời Báo. Người có lợi là tôi. Tôi có cơ hội nói lên cái nỗi lòng của một người ca sĩ, người luôn luôn đi bên cạnh cuộc vui của người khác.
Đến đây, các bạn sẽ hỏi tôi nợ Du Miên cái gì. Không. Chúng tôi không hề nợ nhau một điều gì, nhưng nếu có điều gì đó ràng buộc hai gia đình chúng tôi mà bảo là nợ nhau, thì đó là tình nghĩa. Thế thôi. Có thật không? Với tôi thì có. Còn ai nợ ai thì tôi không biết. Đã một lần là chị em. Mãi mãi sẽ như thế. Chú Mai Thảo đã chẳng thường nhắc nhở chúng ta “Đã đến là ở lại mãi mãi” đó sao? Một giây phút ngắn ngủi cho nhau điều tốt đẹp thì chỉ nên nghĩ đến điều đó tốt hơn. Không ai làm ơn cho ai cả, nên chắc nợ chỉ là nợ. Chỉ vì “Đã đến là ở lại mãi mãi” phải không, thưa chú Mai Thảo?
Tuy vậy, nếu tin vào số mạng thì chị em chúng tôi quả có nợ nhau. Nợ từ kiếp trước kia. Tôi lo cái lo của người làm báo như đó là nghiệp dĩ của chính mình vậy. Nhiều lần đi hát về, tôi thức đến sáng để đánh bài cho kịp lúc Du Miên đưa báo đi in. Có đêm Miên và Thị Hà lên ngồi chơi với Đoan, chờ tôi gõ lóc cóc ở một góc nhà. Gặp lúc tôi vui, bài toàn tin vui. Đụng khi tôi nổi cơn điên, thế nào sau khi báo ra, cũng có người kêu hỏi lý do. Thường thì tôi ghi lại những điều xảy ra cho chúng tôi trong tuần. Kể cả những lời nói không mấy êm ái nếu lọt vào tai mắt những nhà đạo đức. Song đó là sự thật mà công việc của tôi là ghi lại giây phút sống thật thà nhất của ca sĩ, nhạc sĩ.
Tôi làm công việc này, một phần ghi lại kỷ niệm giữa chúng tôi, những người đã được cho là “hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ”. Có ai nghĩ ra đấy cũng là sự trả nợ khán thính giả không? Ít ra là đối với tôi. Bởi tôi quan niệm không có khán thính giả thì không có ca sĩ. Tôi nợ nhiều lắm. Bố mẹ tôi sinh ra tôi, nuôi tôi 16 năm, và sau đó, từ đó đến nay nuôi tôi cả tinh thần lẫn vật chất là những người hoàn toàn xa lạ, đến từ bốn phương trời. Chả có bầu show nào trả tiền cho ca sĩ cả. Bầu chỉ là trung gian. Tôi lấy cái gì trả món nợ này ngoài những tâm sự vui buồn thật thà nhất. Ít ra chúng tôi cũng không hoàn toàn vô ơn, bạc nghĩa đối với những người đã chia sẻ cho chúng tôi đời sống. Đồng tiền của khán thính giả và hơi sức của người ca sĩ bằng nhau. Có điều nếu không đi nghe nhạc, không mua băng nhạc, chẳng ai rụng một sợi lông. Nhưng ca sĩ buồn là một lẽ, còn nhăn răng ra cả đám chứ đừng tưởng. Thế thì tuy được coi như bằng nhau, thí dụ như... người mua, người bán vậy, song rạch ròi ra cho cùng thì tôi tự thấy mình là người chịu ơn.
Trong đêm hát “Bên đời hiu quạnh”, dù bạn bè chị em đã từ chối khi tôi mời đi ăn để... thanh toán. Thế là mọi người để cho tôi mang một món nợ lớn. Tôi rất mong được trả. Chỉ cần kêu một tiếng, xin có mặt ngay. Tôi sẽ trả gấp đôi. Mà dù có trả tiền, tôi vẫn cứ nợ cái tình “đã nghĩ đến nhau”. Trong đời sống, có lúc, có nhiều điều tôi cũng lạng quạng lắm. Nhưng đã là ơn thì phải đền. Tôi không áp dụng sự sòng phẳng trong lãnh vực tình cảm. Nó trắng trợn và bạc bẽo quá. Do đó mà... Sông cứ chảy. Thời gian cứ qua. Tình nghĩa vẫn còn.
Đây là một chút tâm sự vụn của tôi, cắt nghĩa với độc giả khắp năm châu là cái sự nhảy chồm vào báo của tôi. Có điều gì không nên không phải xin cứ cho tôi ý kiến xây dựng thẳng thắn. Tôi không phải một nhà văn, chỉ là người ghi chép lại những điều có thật, đã xảy ra. Và
sự thật dù có rất vui nhưng không hẳn lúc nào cũng lịch sự, cũng chưa hẳn chúng tôi là những người bất nhã hay kém văn minh.
Đến đây thì tôi đã bắt đầu rắc rối rồi đấy, chỉ vì con người của tôi, nếu được phép chọn chỗ ngồi giữa một phòng khách lộng lẫy và cái sàn nhà thì tôi sẽ chọn cái sàn nhà. Nó không xấu thêm nữa vì sự có mặt của tôi và nó lại thoải mái hơn nhiều. Tha hồ duỗi tay, duỗi chân, tha hồ mang giày, vung tàn thuốc lá và cũng rất là mát mẻ, thẳng thớm nếu được ngả lưng xuống, như ngày xưa lúc còn nhỏ, tôi khoái nằm trên cái giường lát bằng đá hoa. Cái này chỉ có Bắc kỳ thứ thiệt mới biết thôi. Trưa hè mà nằm như thế, còn sướng nào hơn.
Kiều Nga và tôi vừa cùng hát ở Ohio. Hai chị em được vợ chồng Tấn, người tổ chức nhường phòng. Kiều Nga bảo: “Tối nay chị Mai ngủ với em.” Tôi ừ hử rồi cũng chỉ nằm được một chút là lò mò tự động đi tìm mền gối trải xuống thảm nằm. Cho chắc ăn. Hát xong... “Ăn gì chị Mai?...” “Có gì ăn đó, mì gói cũng xong.” Kiều Nga OK cái rụp. Tụi tôi sà vào bàn ăn còn nguyên đồ ăn buổi chiều. Tô canh bí nấu tôm khô, chén mắm ruốc và đĩa cà pháo sống. Tụi tôi tự biên tự diễn, tự ăn một mình. Không hề làm phiền đến ai. Trên tàu, tụi tôi từ chối đồ ăn Mỹ. Về đến nhà nhiều khi mệt quá, ăn không vô. Đoan hỏi. “Em muốn ăn gì để anh cho mua? Hay ra tiệm Tàu gần nhà ăn tỉm sấm.” Lắc đầu. Nằm cái đã, nằm ngay trên thảm cho cái lưng thẳng lại sau gần cả chục tiếng ngồi trên tàu bay, cho đến khi cảm thấy cần phải ăn một cái gì đó vì... hình như mình chưa ăn gì, thì lục cơm, làm vài cái trứng, hoặc lại... mì gói làm lẽ sống. Ôi, nuôi... chó còn khó hơn... nuôi tôi.
Đang từ cái vụ “ơn, nghĩa” sao bỗng dưng lại có mục ăn uống ở đây? Chả là vì đã 3 giờ chiều rồi mà tôi chưa có chút gì vào bụng, Thị Hà lại kêu lên hỏi “Chị ăn gì chưa?...” Thế là tự nhiên cảm thấy đói bụng. Bèn đi rửa nồi, vo gạo thổi cơm, mà phải chờ cơm chín đã chứ. Thì chờ. Lục tủ lạnh, còn miếng chả... của ai mua không biết, lăn lóc trong đó, lấy ra nhai đỡ buồn trong lúc chờ cơm. Đói rồi, tạm quên cái vụ ơn iếc qua một bên. Ăn cái đã. Phải ăn mới sống được. Có sống được mới có ngày trả ơn chứ. Thật. Tưởng chỉ có cái... lưỡi không xương, nhiều điều lắt léo, ai ngờ ngón tay cũng có thể gõ ra cái sự lẻo lự. Cho con ăn cái đã. Đừng ai kêu réo lúc này. Trời đánh còn tránh bữa ăn cơ mà. Phỏng?
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười