You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Selma Lagerlöf
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Nils Holgerssons Underbara Resa Genom Sverige
Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 174 / 13
Cập nhật: 2020-07-08 19:35:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31 - Thành Phố Bơi Trên Nước[78]
uê hương của Lông Tơ Mịn
Thứ sáu, 6 tháng năm
Chẳng có ai dịu dàng hơn, cũng như tốt bụng hơn con ngỗng cái bé nhỏ màu tro Lông Tơ Mịn.
Cả đàn ngỗng trời đều thương nó vô cùng, và ngỗng đực trắng có thể vì nó mà nhảy cả vào lửa. Lông Tơ Mịn mà xin thì đến Akka cũng không thể từ chối cái gì hết.
Khi đến phá Mälar thì nó nhận ra phong cảnh. Phía ngoài phá là biển, nơi mà cha mẹ và chị em nó ở trên một hòn đảo nhỏ. Nó xin đàn ngỗng trời bay vòng ra đấy trước khi đi lên phía bắc. Gia đình nó sẽ vui mừng biết mấy khi biết nó còn sống. Nó khẩn khoản mãi nên sau cùng người ta phải chiều lòng, dù là đàn đang chậm, nhưng vòng ra đấy thì cũng chỉ kéo dài chuyến đi thêm có một ngày mà thôi.
Đàn lên đường một buổi sáng sau khi đã ăn no, và bay sang hướng đông trên phá Mälar. Nils nhận thấy là càng đi về hướng ấy thì các bờ phá càng trù mật, và trên mặt phá càng náo nhiệt. Xà lan và thuyền buồm, thuyền đánh cá và thuyền nhẹ hai buồm, nối đuôi nhau chạy về một hướng. Vô số tàu máy sơn trắng xinh xinh vượt lên hoặc đi ngược lại. Ở trên bờ, đường sắt và đường bộ cũng đều chạy đến cái đích ấy. Rõ ràng là ở đằng kia, bên hướng đông, có một nơi mà mọi người đều vội vàng đi đến.
Trên một trong những hòn đảo, Nils trông thấy một tòa lâu đài lớn màu trắng; xa xa một ít, bờ hồ kín những biệt thự, trước còn cách nhau, rồi sau càng sát vào nhau, cuối cùng thì liền vào nhau và xếp thành hàng thành dãy san sát. Đủ các kiểu biệt thự. Có cái trông như những tòa lâu đài và những cái khác thì như những ấp trại khiêm tốn. Vài biệt thự có vườn tược bao quanh; những cái khác, và đó là số đông, thì xây dựng trong khu rừng mọc quanh hồ. Tất cả những biệt thự ấy, dù khác nhau đến đâu, ít nhất cũng có một nét chung: đó không phải là những ngôi nhà giản dị và trang nghiêm chút nào, mà đều sơn những màu rực rỡ, lục xanh, trắng, đỏ, như những chiếc nhà cho búp bê ở.
Bỗng Lông Tơ Mịn kêu lên: “Kìa! Thành Phố Bơi Trên Nước! Tôi nhận ra rồi”.
Nils nhìn trước mặt, nhưng thoạt tiên chỉ thấy những đám sương khói[79] và sương mù nhẹ cuồn cuộn trên mặt phá. Rồi chú thấy loáng thoáng những mũi tên nhọn và vài tòa nhà, có những dãy dài cửa sổ. Những thứ ấy cứ mỗi lúc hiện ra, rồi lại biến đi giữa các đám sương khói di động. Chẳng trông thấy một dải đất nào cả. Mọi vật tựa hồ nằm trên mặt nước.
Và giờ thì các biệt thự biến hết: chỉ thấy những xưởng máy sẫm màu. Những kho gỗ và than nép mình sau những hàng rào cao; những chiếc tàu chạy hơi nước nặng nề neo trước những cầu tàu đen thui, bụi bặm. Nhưng một màn sương mù nhẹ và trong thấm ướt mọi vật, đã biến đổi, mở rộng một cách lạ lùng cái cảnh ấy và truyền cho một vẻ lộng lẫy nào đó.
Đàn ngỗng bỏ lại phía sau những nhà máy và những đường giao thông, và bay đến gần những mũi tên thấp thoáng trong sương. Bỗng mù rơi lả tả, chỉ còn vài mảnh nhẹ bồng bềnh phía trên đàn ngỗng, phơn phớt hồng và xanh nhàn nhạt; phần lớn khối sương thì lổn nhổn, như đàn cừu ở trên mặt đất và mặt nước, phủ kín tầng dưới của các nhà, chỉ còn trông thấy những cái mái, những ngọn tháp, những đầu hồi và những mi nhà cao.
Nils hiểu rằng đàn đang bay trên một thành phố lớn. Đôi khi giữa khối sương mù chồng chất kia xé ra một khe hở, thì chú trông thấy một dòng nước chảy cuồn cuộn, ào ào, nhưng chẳng thấy một tí đất nào.
Bay qua hết thành phố rồi, Nils lại nhìn thấy dưới một màn sương mù mỏng hơn, những bờ phá, mặt nước và hòn đảo. Chú quay lại phía sau, mong nhìn thấy thành phố rõ hơn, nhưng vô hiệu; quang cảnh bây giờ còn quái dị hơn trước. Những mảng sương mù trôi bồng bềnh được ánh mặt trời chiếu vào, ánh lên những màu rất tươi: hồng, thanh thiên, da cam. Những ngôi nhà màu trắng, ánh mặt trời chiếu vào rực rỡ đến nỗi có thể nói là được xây toàn bằng ánh sáng. Các cửa kính và mũi tên rực lên như bị cháy. Và thành phố cứ thế nổi trên mặt nước.
Đàn ngỗng bay thẳng sang hướng đông. Thoạt tiên phong cảnh trông như trên phá Mälar, nhưng lát sau thì những mặt nước rộng hơn lên, những hòn đảo to hơn lên. Cây cỏ lại nghèo nàn hơn, cây lá rộng hiếm hơn, nhường chỗ cho các loài thông. Biệt thự biến hết, chỉ còn những ấp trại và những nhà nhỏ của dân chài. Xa hơn nữa cũng không thấy một hòn đảo lớn nào có người ở, mặt nước nhan nhản vô số đảo nhỏ và bãi đá. Dưới mắt những kẻ lữ hành, biển trải ra, mênh mông, vô tận.
Đàn ngỗng lao xuống một khối núi đá, Nils quay lại hỏi Lông Tơ Mịn:
- Thành phố mình vừa đi qua là thành phố nào thế?
- Tôi không biết tên gọi giữa loài người là thế nào, nhưng loài ngỗng chúng tôi thì gọi là Thành Phố Bơi Trên Nước[80] ngỗng bé nhỏ màu tro trả lời như vậy.
Người nhạc công ở vườn Skansen
Thứ bảy, 7 tháng năm
Từ mấy năm nay, một người nhỏ nhắn, chất phác, tên là Klement Larsson đến ở tại Skansen, khu vườn lớn ở Stockholm, nơi đã thu thập được bao nhiêu là vật lạ ngày xưa.[81] Ông ta quê ở tỉnh Hälsingland và đã đến Skansen để kéo vĩ cầm những bài nhạc nhảy vòng tròn[82] và những điệu nhạc cổ. Thường thì ông ta hành nghề nhạc công vào các buổi chiều. Buổi sáng ông ta trông coi một trong các ngôi nhà xưa của nông dân rất ngộ nghĩnh, mà người ta đã chuyển về Skansen từ tất cả mọi miền của đất Thụy Điển.
Những ngày mới tới đây, Klement tự cho là rất sung sướng được trải qua tuổi già như thế, nhưng chẳng bao lâu ông ta bắt đầu buồn chán ghê gớm, nhất là trong những giờ trực. Khi có đông người đến thăm ngôi nhà cổ thì còn khá, nhưng lắm khi Klement phải ở một mình hàng giờ liền. Những lúc như thế ông ta nhớ quê nhà quá đỗi, đến nỗi lo là e phải buộc lòng từ bỏ cái chức vụ này. Klement rất nghèo, ông ta biết rằng trở về quê nhà thì sẽ sa xuống cái thân phận nhờ trại tế bần nuôi nấng. Vì thế mà có thể đứng vững ở đây lâu được ngày nào là ông ta cố gắng ở lại. Nhưng mỗi ngày ông ta lại càng cảm thấy khổ sở thêm mà thôi. Một buổi chiều đẹp trời, vào đầu tháng năm, Klement xin được tự do vài giờ; đi xuống cái dốc thẳng đứng của vườn Skansen, ông ta gặp một người dân chài lưng đeo cái lưới. Anh chàng trai trẻ khỏe mạnh ấy thường đến Skansen mời mua các loài chim biển mà anh ta bắt sống được. Klement gặp anh ta luôn.
Anh dân chài đón Klement, hỏi ông giám đốc vườn có đấy không; và đến lượt mình Klement hỏi lại là anh ta có cái gì để bán. Anh dân chài nói: “Tôi rất vui lòng đưa ông xem cái vật tôi đem đến đây; ngược lại ông hãy bảo tôi biết là có thể đòi đến cái giá bao nhiêu”. Anh ta chìa cái lưới ra. Klement liếc nhìn vào rồi hoảng hốt lùi lại. Ông ta lắp bắp hỏi: “Cái gì thế này?
Ashbjưrn! Anh bắt được ở đâu thế này?”
Ông ta nhớ lại thuở còn là đứa trẻ bé tí, có nghe mẹ mình nói đến cái tộc đoàn các gia thần, họ ở dưới sàn nhà, và hễ trẻ con mà kêu gào quá sức hay là không ngoan ngoãn thì họ rất giận. Lớn lên, ông đã tưởng là mẹ bịa ra cái chuyện gia thần ấy để làm cho mình chịu yên thôi. Thế mà, trong cái làn của Ashbjưrn ông ta nhìn thấy một gia thần! Klement không thể bỏ hết những nỗi sợ hãi thời trẻ con: ông ta rùng mình suốt cả sống lưng. Ashbjưrn trông thấy và bật cười. Anh ta nói:
- Ông biết không, tôi có rình bắt nó đâu. Chính nó tự dẫn đến với tôi đấy chứ. Sáng nay tôi đi biển rất sớm. Vừa mới ra khỏi bờ thì một đàn ngỗng trời bay qua, vừa bay vừa kêu. Tôi bắn cho chúng một phát súng, bắn trượt; nhưng thằng bé này nhào xuống; nó rơi xuống nước ngay cạnh thuyền, đến mức tôi chỉ cần dang tay ra là bắt được.
- Ít nhất cũng không bị thương chứ, Ashbjưrn à?
Klement hỏi.
- Không, không. Nó an toàn vô sự. Rơi xuống thì thoạt tiên nó không biết là nó ở đâu, và tôi đã trói tay chân nó lại với một mẩu dây, để cho nó đừng chạy trốn. Tôi nghĩ ngay rằng nó phải là một vật có giá trị ít nhiều gì đấy đối với vườn Skansen này.
Klement cảm thấy trong lòng đau khổ quá. Tất cả những gì đã được nghe kể trong thời thơ ấu về những kẻ thuộc “tộc đoàn bé nhỏ”, về cái thói hay thù hằn của họ và tính mau mắn cứu giúp bạn bè của họ, tất cả đều trở lại trong trí nhớ ông ta. Xưa nay những ai mà cố bắt giữ một gia thần, đều chẳng bao giờ gặp điều gì may mắn đâu.
- Không nói năng gì cả à? Klement hỏi.
- Có chứ, thoạt đầu nó cố gọi đàn ngỗng, nhưng tôi bịt miệng nó lại, không cho gọi.
- Nhưng này, Ashbjưrn! Anh nghĩ gì thế? Klement hoảng hốt kêu lên. Anh lại không hiểu rằng đó là một linh vật siêu phàm ư?
- Tôi chẳng biết nó là cái gì cả. Ashbjưrn cứ trơ trơ đáp lại. Những người khác cứ việc mà quyết định nó là cái gì đi. Còn tôi thì sẽ rất hài lòng nếu người ta mua đi cho tôi, thế là đủ. Giờ ông cho tôi biết là theo ý ông thì ông giám đốc sẽ trả tôi bao nhiêu đây.
Klement im lặng một hồi. Một nỗi khắc khoải thực sự làm nghẹt tim ông. Hình như bà mẹ già của ông đang đứng bên cạnh, cầu khẩn ông nên nhân hậu với “tộc đoàn những người bé nhỏ”.
Ông nói: “Tôi không biết ông giám đốc sẽ trả cho anh bao nhiêu về vật này, Ashbjưrn à, nhưng mà tôi thì tôi biếu anh hai mươi cơ-rao[83] nếu anh muốn để lại cho tôi”.
Nghe được biếu số tiền lớn ấy, anh dân chài sửng sốt nhìn Klement. Anh nghĩ chắc Klement tin là gia thần có uy lực huyền bí và có thể giúp ích cho ông ta. Hơn nữa, anh ta có ấn tượng mơ hồ rằng ông giám đốc sẽ không rộng rãi được như thế, anh ta liền nhận lời ngay.
Người nhạc công đút vị gia thần vào một trong các túi áo to rộng của mình, rồi trở về Skansen, bước vào một trong các ngôi nhà nhỏ không có khách xem, cũng không có người trực. Đóng cửa lại cẩn thận rồi, ông ta nắm lấy người tù của mình, tay chân còn bị trói và mồm còn bị bịt, và đặt lên một cái bàn.
Klement nói: “Bây giờ thì nghe kĩ điều tôi đề nghị đây! Tôi biết là những kẻ cùng loài với thần không thích để cho người trần trông thấy, và chỉ muốn cần cù làm lụng một mình. Vậy tôi đã nghĩ đến việc trả tự do cho thần, nhưng với điều kiện dứt khoát là thần ở đây, trong vườn này cho đến khi nào tôi cho phép đi khỏi đây. Nếu thần nhận lời thì gật đầu ba cái.
Klement nhìn gia thần, lòng mong mỏi thần nhận lời, nhưng thần cứ đứng yên.
“Ở đây thần sẽ không khổ đâu, Klement lại nói. Tôi nấu cho thần mỗi ngày một bát thức ăn và thần sẽ có bao nhiêu việc để làm, nên thời gian đối với thần sẽ không dài đâu. Nhưng mà thần chỉ đi khỏi đây khi nào tôi cho phép. Chúng ta thỏa thuận với nhau về tín hiệu này. Hễ tôi mà còn đựng thức ăn cho thần trong một cái bát màu trắng thì thần hãy ở lại. Bao giờ tôi đựng trong một cái bát màu xanh thì thần có thể ra đi”. Klement lại im lặng lần nữa, chờ con người bé nhỏ gật đầu với mình, nhưng kẻ kia vẫn không hề nhúc nhích.
“Vậy thì tôi chỉ còn cách nộp thần cho ông chủ vườn này nữa thôi. Ông ta sẽ nhốt thần trong chuồng và tất cả thành phố Stockholm rộng lớn sẽ đến xem thần”. Klement nói như vậy.
Cái viễn cảnh đó hình như làm cho thần khiếp sợ, vì thần tức khắc gật đầu ba cái.
“Thế là tốt”, Klement nói và cầm lấy con dao cắt dây buộc hai tay cho con người bé nhỏ. Rồi ông ta đi ra phía cửa.
Thần liền tự mình tháo dây buộc các mắt cá chân, và mở miếng giẻ bịt miệng mình. Khi quay lại để cám ơn Klement Larsson thì ông ta đã đi rồi.
Câu chuyện của vị tôn trưởng
Ra ngoài, Klement gặp một vị tôn trưởng[84] cao lớn và đẹp lão, hình như đang muốn đi đến một chỗ cạnh đấy, là nơi mà đứng ngắm thì trông thấy phong cảnh rất đẹp. Klement không nhớ là đã gặp ông cụ bao giờ, nhưng vị tôn trưởng cao lớn chắc đã trông thấy Klement trước, vì ông cụ đứng lại và ngỏ lời với Klement.
“Chào anh, Klement à! Mạnh khỏe chứ? Mong rằng anh chẳng ốm đau gì. Nhưng hình như anh có gầy đi đấy”.
Cách cư xử của vị tôn trưởng thật đáng mến và dễ thu hút người, làm cho Klement dạn lên; ông ta nói là mình rất khổ sở vì nỗi nhớ quê nhà.
Vị tôn trưởng đẹp lão nói: “Làm sao? Anh luôn chán trong khi được ở Stockholm à? Có thể thế được không?”
Vị tôn trưởng tựa hồ bị xúc phạm. Rồi, nghĩ lại, ông cụ tự nhủ là mình đang nói chuyện với một người nông dân đáng thương tỉnh Hälsingland, nên phong mạo cụ liền trở lại vẻ khoan nhàn.
“Có lẽ anh chưa bao giờ được nghe nói thành phố Stockholm đã được thành lập như thế nào chắc? Được nghe rồi thì anh sẽ hiểu là nỗi nhớ quê hương của anh chỉ là ảo tưởng. Hãy đến ngồi cái ghế đằng kia, ta sẽ nói cho anh nghe về Stockholm!”
Vị tôn trưởng ngồi xuống và nhìn một lúc thành phố Stockholm đang trải ra lộng lẫy dưới chân mình: ông cụ thở rất sâu như để hít vào tất cả vẻ đẹp của phong cảnh. Rồi quay lại phía người nhạc công, ông cụ nói.
“Nhìn đây, Klement à! Ông cụ vừa nói vừa vẽ một bản đồ nhỏ lên cát. Đây là tỉnh Uppland, nó đâm về phía nam một mũi đất mà bao nhiêu cái vũng đã làm cho sứt mẻ. Và kia là tỉnh Sưrmland đang tiến đến gặp Uppland với một mũi đất khác cũng sứt mẻ như vậy, một cái phá từ phía tây lại, đầy những đảo, đó là Mälar; từ phía đông một mặt nước khác chạy sang, cố gắng hết sức mới vạch ra được một lối lách giữa những hòn đảo và những bãi đá: đó là biển Baltic. Chính ở ngay đây, Klement à, nơi mà tỉnh Uppland gặp tỉnh Sưrmland, phá Mälar và biển Baltic, có một con sông nhỏ, rất ngắn, nối liền hai dòng nước; và giữa con sông ấy xưa kia có bốn hòn đảo, chia dòng sông ra làm nhiều nhánh. Một trong các nhánh ấy nay gọi là Norrstrưm.
“Những đảo ấy trước tiên chỉ là những đảo nhỏ có phủ rừng, bình thường như nay còn có rất nhiều trong phá Mälar; trong những thời gian rất dài vẫn không có người ở. Chẳng một ai nhận thấy vị trí của các đảo thật thuận lợi giữa hai tỉnh và hai dòng nước lớn. Năm tháng trôi qua. Có người đến ở các đảo giữa phá Mälar và các đảo ngoài biển Baltic, nhưng mà các đảo trong dòng sông thì vẫn chẳng ai đến cư trú. Thỉnh thoảng có một người đi biển đổ bộ lên và căng lều ngủ một đêm. Thế thôi. “Nhưng mà, một ngày nọ, một dân chài mải đánh cá trong phá Mälar, và khi quay về thì gặp đêm tối trên biển Baltic. Anh ta bèn đổ bộ lên một trong bốn hòn đảo nhỏ để chờ trăng lên.
“Bấy giờ vào cuối hè, thời tiết còn nóng và đẹp, dù đêm đến trời đã khá tối. Anh dân chài nằm dài trên bãi cỏ, đầu gối lên một viên đá, và ngủ thiếp đi. Khi thức giấc thì trăng đã mọc từ lâu rồi. Trăng sáng vằng vặc tưởng như là đang giữa ban ngày.
“Anh ta vọt dậy, và sửa soạn thả thuyền xuống nước, bỗng nhiên trông thấy ở đằng xa có những chấm đen đang cử động. Đó là một đàn hải cẩu đang bơi thẳng đến đảo. Khi mà đàn thú sắp leo lên bờ thì anh dân chài cúi xuống tìm cái gậy bịt sắt nhọn thường đem theo trong thuyền. Đến lúc ngẩng lên thì các con hải cẩu đã biến mất, thay cho chúng ở trên bờ đang có những thiếu nữ xinh đẹp vô cùng, mặc những áo lụa dài lướt thướt màu lục và đội những vòng ngọc trai trên đầu. Anh dân chài hiểu ngay: đó là những nàng ônđin[85] ở rất xa dưới biển, đã đội lốt những con hải cẩu để lên đất liền vui chơi dưới ánh trăng trên các hòn đảo xanh màu lá cây. “Nhìn họ múa một hồi dưới bóng cây, rồi anh ta lướt về phía bờ, vớ lấy một bộ da hải cẩu mà các ônđin đã để đấy, đem giấu dưới một tảng đá. Xong, anh ta trở lại thuyền, nằm xuống và giả vờ ngủ.
“Lát sau anh ta thấy các thiếu nữ thanh tân kia lại đi xuống phía bờ để mặc các bộ da hải cẩu vào. Họ vừa mặc vừa cười vui vẻ và chơi đùa đủ trò nhưng chỉ một lát là nổi lên tiếng than, tiếng khóc. Một trong các thiếu nữ không thể nào tìm lại được bộ da hải cẩu của mình. Tất cả các ônđin đều chạy đi tìm kiếm khắp bờ, nhưng vô ích. Bỗng họ trông thấy da trời nhạt dần và trời sắp sáng. Họ không dám ở lại trên bờ nữa và bơi đi tháo thân, tất cả, trừ một ônđin, kẻ đã không thể tìm thấy bộ da hải cẩu của mình. Nàng ở lại trên bờ nước và tấm tức khóc.
“Anh dân chài chắc cũng thương hại, nhưng nén lòng cứ ẩn mình cho đến lúc trời sáng. Bây giờ anh ta đứng lên, đẩy thuyền xuống nước và làm như bỗng trông thấy nàng; anh ta nói khi thuyền đã ra khỏi bờ: “Cô là ai? Bị đắm tàu à?” “Ônđin trông thấy anh ta, liền chạy đến, và trong cảnh nguy nan, liền hỏi anh ta có trông thấy bộ da hải cẩu của mình không. Anh dân chài làm bộ ngơ ngác, như không hiểu là nàng muốn nói gì nữa. Thế là ônđin ngồi xuống một tảng đá và lại khóc. Anh dân chài đề nghị ônđin đến nhà mình để mẹ mình săn sóc cho.
“Cô không thể ở cả đêm đây được, đây cô chẳng có giường để ngủ, cũng chẳng có gì để ăn cả”.
“Anh ta nói dịu dàng, làm cho nàng nghe lời và đi theo. “Anh dân chài và mẹ rất tốt với nàng ônđin tội nghiệp.
Ở với họ nàng hình như cũng thấy dễ chịu. Mỗi ngày nàng mỗi thấy vui thêm, giúp đỡ bà già trong việc nội trợ, chẳng khác nào một cô gái ở đảo, ngoài cái điều nàng đẹp hơn tất cả các cô khác. Một hôm anh dân chài hỏi nàng có muốn làm vợ anh ta không: nàng trả lời rằng có, không do dự.
“Người ta sửa soạn lễ cưới. Trong dịp này, cô dâu mặc chiếc áo dài lướt thướt màu lục, đội vòng ngọc trai lấp lánh như lúc mà anh dân chài trông thấy nàng lần đầu tiên. Rồi cô dâu, chú rể và đoàn người dự lễ xuống thuyền đi đến nhà thờ Mälar.
“Anh dân chài dẫn vợ sắp cưới và mẹ. Anh ta lái thuyền khéo quá, bỏ tất cả mọi người lại đằng sau. Đến trước hòn đảo mà ngày nọ đã gặp ônđin, giờ đây đang ngồi cạnh anh, điểm trang xinh đẹp và đáng tự hào, anh ta không thể nén được một nụ cười.
- Anh cười cái gì vậy? Nàng hỏi.
- Anh nghĩ đến cái đêm mà anh giấu bộ da hải cẩu của em, anh dân chài trả lời; anh ta tự thấy đã nắm được nàng đến mức cho rằng chẳng cần giấu nàng bất kì cái gì nữa hết.
Nàng hỏi lại: - Anh nói cái gì? Bộ da hải cẩu của em à? Nàng tựa hồ đã quên hết mọi việc.
- Em không nhớ là em đã múa nhảy vui thích với các ônđin nữa ư? Anh ta hỏi.
- Em không hiểu anh muốn nói gì. Em cho là đêm qua anh đã mơ một giấc mơ lạ lùng.
- Vậy anh đưa cho em xem bộ da ấy thì em có tin lời anh không? Anh dân chài vừa nói vừa đưa thuyền về phía đảo. Họ lên bờ. Anh dân chài lấy bộ da, vẫn ở dưới tảng đá mà anh đã giấu.
“Vừa trông thấy, cô dâu liền giật lấy, khoác lên vai trông rất vừa, như thể da sống thật, rồi nhảy xuống nước. “Chú rể trông thấy nàng bơi ra xa, rất nhanh. Anh ta cố lao theo, nhưng vô ích. Thất vọng, anh ta liền vớ lấy cái gậy bịt sắt nhọn phóng theo. Có lẽ anh ta ném trúng hơn là ý anh ta muốn; nàng ônđin tội nghiệp kêu lên một tiếng xé lòng, rồi biến mất dưới đáy sâu.
“Anh dân chài đứng trên bờ, chờ nàng lại hiện lên; bỗng thấy nước ánh lên một vẻ dịu dàng, và như linh động lên với một vẻ đẹp mới. Nước long lanh, nhấp nhánh, tỏa ra một ánh hồng và trắng trông như cái ánh lấp lánh trong các vỏ ngọc trai.
“Nước long lanh đó mà vỗ vào bờ thì hình như cũng biến hóa đi. Bờ tỏa hương ngạt ngào hơn. Một ánh sáng mờ mờ dìu dịu chiếu lên bờ, đem cho bờ một vẻ dịu dàng không ngờ. Anh dân chài hiểu là việc gì đang xảy ra: các ônđin vốn có trong thân thể cái gì đó làm cho họ có vẻ đẹp hơn tất cả mọi đàn bà khác. Máu của một nàng ônđin đã hòa vào sóng nước, nhan sắc của nàng đang làm cho phong cảnh rực sáng. Từ đấy các bờ biển này thừa hưởng được uy lực, làm cho tất cả những ai ngắm cảnh phải sinh lòng yêu thương, và thu hút họ bằng một thứ tình quyến luyến gia hương”.
Vị tôn trưởng quay về phía Klement, ông này gật đầu đáp lại, trịnh trọng, chẳng nói năng gì để khỏi ngắt câu chuyện.
Người kể chuyện lại tiếp tục, đôi mắt thoáng một tia tinh nghịch: “Thế là, Klement à, anh phải nhận thấy từ lúc ấy thiên hạ bắt đầu đến ở các đảo này. Trước tiên chỉ là những dân chài và nông dân; nhưng một ngày tốt đẹp, nhà vua và tể tướng ngược dòng nước đi lên. Họ nhận thấy các đảo ở một vị trí mà không chiếc tàu nào vào phá Mälar, lại có thể tránh không đi qua được. Và tể tướng đề nghị đóng chặt lối thông này lại, để có thể mở ra hay trấn ngự tùy theo ý mình, mở ra cho tàu buôn, đóng lại không cho hạm đội giặc cướp vào.
Việc ấy được làm ngay, vị tôn trưởng kể tiếp, rồi đứng dậy và lại vẽ lên cát và nói: “Và ở đây, trên đảo lớn nhất, tể tướng xây một thành lâu kiên cố”.
“Quanh đảo, cư dân đắp lũy. Họ bắc cầu nối liền bốn đảo lại, và tất cả các đảo đều xây địch lâu. Và dưới nước, khắp chung quanh, họ đóng một vòng cọc nhọn, và những rào chắn mà tàu thuyền bắt buộc phải đi qua không tránh được.
“Anh thấy đấy chứ, Klement à, bốn hòn đảo nhỏ, bao nhiêu năm không có người ở, đã thành ra những tòa thành quách thực sự. Nhưng mà những bờ phá này, những eo biển này thu hút người đến mạnh lắm, từ mọi nơi người ta kéo đến lập nghiệp ở đây. Chẳng bao lâu, cư dân bắt đầu dựng lên một giáo đường, sau này được gọi là Đại Giáo đường, ở sát thành lâu. Ở trong thành thì cư dân làm những nhà nhỏ. Không nhiều lắm đâu, nhưng thuở ấy thì cũng chẳng cần nhiều nhà hơn mới xứng danh là thành phố. Và thành phố được gọi là Stockholm, và đến nay vẫn được gọi như thế.
“Một ngày nọ, viên tể tướng đã khởi công làm những việc này nhắm mắt vĩnh viễn, nhưng Stockholm vẫn không thiếu người xây dựng. Những tu sĩ gọi là Thầy Dòng Áo Xám[86] đến ở Thụy Điển; họ xin phép nhà vua dựng ở đây một tu viện. Vua cho họ một hòn đảo nhỏ. Rồi những tu sĩ khác gọi là những Thầy Dòng Áo Đen[87] cũng đến. Họ xây tu viện của họ gần cửa nam của đảo Đô Thành. Trên một đảo nhỏ khác, ở phía Bắc, xây một Quán xá của Chúa hay là bệnh viện. Chỗ khác những người khéo léo dựng lên một nhà xay; ở khắp các vùng nước chung quanh thì các tu sĩ đánh cá.
Trên các hòn đảo nhỏ, nhà cửa mọc lên san sát rất nhanh. Vì thế khi những nữ tu sĩ dòng Nữ Thánh Clara[88] đến xin đất, thì người ta chỉ có thể cho bờ đất ở phía bắc các đảo mà thôi. Chắc rằng họ cũng chẳng hài lòng lắm, vì ở đó có một ngọn đồi thì trên đỉnh thành phố đã dựng lên cái đài treo cổ. Dù vậy họ cũng vẫn xây ở chân đồi một tu viện và một giáo đường, rồi thiên hạ được thu hút cũng đến ở chung quanh. Chẳng bao lâu, tận trên cao mọc lên một bệnh viện, với một giáo đường phụng hiến Thánh George.[89]
Ngoài những tu sĩ nam, nữ, nhiều người khác cũng kéo đến, và trước hết là vô số thương nhân và thợ thủ công người Đức. Khôn khéo hơn các đồng nghiệp Thụy Điển, họ được hoan nghênh lắm. Họ ở ngay đô thị phía trong thành, họ san bằng những nhà nhỏ cũ, xây những nhà bằng đá rất đẹp. Vì đất rất chật, họ phải xây nhà liền nhau san sát và quay đầu hồi ra các phố hẹp.
“Klement à, anh thấy là Stockholm có uy lực thu hút người ta đấy chứ”.
Lúc ấy trên lối đi, thấy một vị khách khác tiến đến. Nhưng người đang nói chuyện với Klement đưa tay làm hiệu, và người kia dừng lại ở đằng xa. Vị tôn trưởng lại nói tiếp:
“Klement à, bây giờ thì anh có thể làm cho ta vui lòng. Ta không có thì giờ chuyện trò với anh nữa, nhưng ta sẽ gửi cho anh một cuốn sách về Stockholm để anh đọc. Có thể nói là ta đã làm cho anh chứng kiến việc thành lập Stockholm rồi đó. Tự anh sẽ nghiên cứu xem thành phố đã phát triển như thế nào; làm thế nào mà cái đô thành bé nhỏ, chật chội, bao bọc thành quách, đã biến thành cái biển nhà cửa mênh mông mà ta trông thấy dưới kia! Hãy đọc trong sách xem cái thành lâu nặng nề đã nhường chỗ cho tòa lâu đài xinh đẹp sáng sủa trước mặt ta kia như thế nào; giáo đường của các Thầy Dòng Áo Xám đã thành ra mộ địa của các quốc vương Thụy Điển như thế nào. Hãy đọc trong sách xem những mảnh vườn của người trồng rau ở phía nam và phía bắc thành phố đã thành những khu vườn xinh đẹp và những khu nhà ở như thế nào, những eo biển được lấp bằng, những đồi gò được san phẳng như thế nào. Hãy đọc trong sách xem ngự uyển của các triều vua đã được biến thành một chốn vui chơi ưa thích của dân chúng như thế nào. Klement à, anh phải thân thuộc với thành phố chứ! Bởi vì thành phố này chẳng phải chỉ là của những người Stockholm, mà còn là của anh và của cả nước Thụy Điển.
“Đọc lịch sử Stockholm, hãy nhớ cái điều ta đã nói. Klement à: Stockholm có uy lực thu hút tất cả mọi người. Trước tiên nhà vua đến đóng ở đây, rồi các công hầu xây dựng phủ đệ ở đây! Và bây giờ Stockholm không chỉ thuộc về chính mình chút nào, cũng như chẳng thuộc về miền băng cận; mà thuộc về toàn thể vương quốc.
“Và khi mà nghe trong cuốn sách của anh nói đến tất cả mọi thứ đã được tập hợp lại ở Stockholm, thì Klement à, hãy nghĩ đến cả những gì người ta đã thu thập lại ở đây, ở Skansen này! Đây là những ngôi nhà cổ. Ở đây người ta nhảy những điệu nhảy xưa: đây là những bộ y phục cổ, những đồ gia dụng xưa. Ở đây có những nhạc công và những người kể xaga[90] và truyện thần tiên. Tất cả những gì tốt đẹp và cổ kính, Stockholm đều thu hút về Skansen để đem biểu dương và tôn vinh trong nhân dân. Nhưng mà, Klement này, nhất là đọc cuốn sách của anh, thì anh phải ngồi đây, tại chỗ cao này! Anh phải nhìn thấy cảnh hoan hỉ của sóng nước đổi thay và vẻ xinh đẹp của các bãi bờ rực rỡ kia. Phải chịu sức mê hoặc của cảnh vật. Klement à!”
Vị tôn trưởng đẹp lão đã cất cao giọng; tiếng nói vang lên, hùng hồn và khẩn thiết, không cãi lại được, đôi mắt phát ra những hào quang. Cụ đứng dậy và từ giã Klement bằng một cái vẫy tay nhè nhẹ. Và Klement hiểu rằng người vừa nói chuyện với mình là một vị vương công rất lớn. Ông ta liền cúi chào thật thấp.[91]
Ngày hôm sau, một người thị vệ trong cung vua đem đến cho Klement một cuốn sách to, bìa đỏ và một phong thư. Và thư nói rằng cuốn sách là của nhà vua gửi đến. Sau việc ấy, ông Klement Larsson nhỏ nhắn, rối bời đầu óc trong mấy ngày liền. Hết một tuần, ông ta đến gặp ông giám đốc, xin từ chức. Ông ta bắt buộc phải trở về quê hương.
- Nhưng tại sao vậy? Ra ở đây anh không thấy thích thú hay sao? Ông giám đốc hỏi.
- Tất nhiên là giờ thì ở đây tôi thấy thích thú, nhưng mà tôi phải trở về.
Thật ra, Klement đang hết sức phân vân: nhà vua đã truyền cho ông phải cố học hỏi để hiểu rõ Stockholm và thích thú ở đây, nhưng làm sao mà Klement lại có thể từ bỏ niềm hạnh phúc được trở về quê hương, để kể chuyện rằng chính đích thân nhà vua đã truyền cho ông ta mệnh lệnh ấy? Ông ta cần tập hợp mọi người lại quanh mình, hôm chúa nhật, sau khi lễ nhà thờ ra, để kể rằng nhà vua đã rất nhân hậu với ông ta, đã ngồi bên cạnh ông ta trên một chiếc ghế dài, và đã để thì giờ nói chuyện với ông ta, một nhạc công thôn quê già và nghèo, để làm ông ta khỏi nỗi thương nhớ gia hương. Chuyện ấy kể cho những người Lapps già và những cô gái tỉnh Dalarna nhỏ nhắn ở vườn Skansen này đã hay quá rồi. Về kể lại ở quê nhà thì còn hay đến đâu nữa.
Cho dù sau này có phải lạc loài vào trại tế bần đi nữa Klement cũng sẽ không khổ sở gì. Ông ta đã thành ra một con người hoàn toàn khác trước rồi, và sắp được hưởng một niềm kính trọng mới.
Và ý muốn ấy không thể nào cưỡng lại được. Ông giám đốc đành phải để cho ông ta đi.
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils - Selma Lagerlöf Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils