We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hững đám rừng gianh bị bom, đại bác đốt cháy đen bữa trước, trổ đầy những cây gianh non có hoa trắng, lá sắc nhỏ cong vút như lưỡi liềm. Một mùi thơm thơm như mùi mật khê bốc lên từ đám cỏ săng bị cháy lúc ban trưa. Trên mặt ruộng, lúa mùa trước của đồng bào chưa kịp gặt để lại đã mục nát, mọc mầm, rải rác những bông hoa hình quả dứa cánh tím hồng. Đại đội trưởng Khỏe chỉ những bông hoa nói với người chính trị viên mới về thay đồng chí Thọ vừa được đề bạt, chuyển sang tiểu đoàn một.
- Hoa này vùng tôi gọi là hoa riềng. Năm đói ở nhà tôi vẫn đi đào lấy củ về ăn. Củ nó nhiều bột lắm, nấu sánh như bánh đúc vậy.
Đã có một thời gian khá dài, người đại đội trưởng này không muốn nhắc nhở đến cuộc đời cũ của mình, thậm chí không muốn nhớ tới nó nữa. Từ lâu gia đình, quê hương anh là đại đội. Trong đời anh, chỉ từ ngày vào bộ đội anh mới tìm được nơi ăn chốn ở yên ổn. Trong những trận đánh, người ta thấy người đại đội trưởng đó lỏn vào giáp hàng rào địch rất nhanh, anh thường xông vào đồn với tổ xung kích đầu tiên và bám nhằng nhằng lấy thằng địch, không chịu rời ra đến vài chục thước. Người ta bảo anh là gan dạ, anh dũng. Anh chỉ nghĩ, làm như vậy là do sự tính toán dựa trên cơ sở những kinh nghiệm cũ của mình, làm như vậy thì dễ tiêu diệt địch và đỡ nguy hiểm cho mình... Trước khi nổ súng, bám sát được hàng rào địch là không ngại súng cối. Còn gần chúng, chúng có thể bắn tiểu liên và ném lựu đạn, thì những việc đó mình cũng làm được. Như thế là ta và địch cân bằng về mặt vũ khí, mình hơn nó về tinh thần, mình nhanh nhẹn linh hoạt, mình giữ được bí mật, là nắm chắc được phần thắng. Anh cũng không nghĩ vì mình dũng cảm nên hay dẫn đầu đơn vị. Anh chỉ thấy nếu không làm thế thì không chỉ huy được. Người chỉ huy không chính mình nhìn thấy cách đánh, đường tiến lui của thằng địch, còn biết đằng nào chỉ huy anh em. Nhiều lần anh đã bị phê bình là không giữ đúng cương vị chỉ huy, làm tranh phần việc của cán bộ tiểu đội, bỏ quên những lực lượng ở phía sau. Đó cũng là một nguyên nhân khiến anh sau mỗi chiến dịch lại thêm một hai cái huân chương trên ngực, nhưng mấy năm nay vẫn là cán bộ đại đội. Thọ là người chính trị viên thứ hai đã chia tay anh ở đại đội lên đảm nhiệm công tác ở cương vị tiểu đoàn. Mỗi lần như vậy, anh cũng có suy nghĩ. Anh cũng muốn sửa chữa khuyết điểm của mình. Và đã có lần trong chiến đấu anh thử lùi lại phía sau. Nhưng lần đó anh thấy mình không còn là đại đội trưởng nữa, anh không còn biết chỉ huy đơn vị thế nào. Chính những lúc ở lùi lại phía sau cách xa địch lại là lúc anh thấy rờn rợn, không bình tĩnh như khi bám sát địch. Khỏe ít nói. Không phải anh thích thế. Nhiều khi anh không bằng lòng cái chậm mồm chậm miệng của mình. Đôi lúc anh thấy vì nó mà anh bị thiệt thòi. Anh biết có người cán bộ chiến đấu không ra gì, chỉ nhờ báo cáo khéo mà trở nên có thành tích. Anh thì chưa bao giờ sau một trận đánh kể lại được đầy đủ công việc mình đã làm. Những buổi anh báo công, các cán bộ chiến sĩ thường phải bổ sung cho anh nhiều. Nếu việc anh làm chỉ có một mình anh biết là... thôi. Không phải anh không muốn cho mọi người biết rõ tất cả những cố gắng của mình. Những khi không làm được đầy đủ điều đó, anh thường tự an ủi: Việc mình làm đây là làm cho Đảng, cho nhân dân, cần quái gì!... Đến cuộc học tập chính trị năm vừa qua anh mới hiểu rõ nguyên nhân bệnh chậm mồm chậm miệng của mình. Anh đã ôn kỹ lại cuộc đời khổ cực ngày trước. Và anh thấy quê hương cũ, cái quê hương đã đối xử rất tàn tệ với gia đình anh, bắt đầu sống lại trong người mình với những kỷ niệm êm đềm... Anh nhớ ngôi đình làng quay về phía mặt trời mọc, nhớ búi tre Đồng Cời anh thường buộc trâu ăn cơm trưa, nhớ những tiếng liềm gõ vào đòn gánh lanh canh của những thằng bạn chăn trâu gọi nhau đi cắt cỏ, nhớ những đêm tối trời tháng ba, tháng chín, lần vào góc ao nhà địa chủ đánh trộm rọ cá trê, cá rô...
Lúc này những bông hoa riềng tươi thắm lại gợi ra trong đầu anh những hình ảnh của quê hương. Giá sau ngày chiến thắng, anh có dịp trở về quê cũ. Quê hương anh đang đổi khác và đang dang tay chờ đón những người con xa xôi như anh. Anh sẽ tìm đến mộ bố anh để nói một câu: "Bố ơi, sao bố chẳng cố gắng sống đến ngày nay. Bố chết khổ sở quá! Giá bố biết cuộc đời các con sẽ được như bây giờ thì bố ra đi nhàng hơn nhiều”. Anh chợt lại nghĩ, không biết mình có dịp trở về quê hương nữa không?
Tiểu đoàn trưởng Vinh, vẫn chiếc mũ nồi đội chênh chếch trên đầu đứng ở giữa ba giao thông hào, cầm chiếc gậy nhỏ gõ nhịp vào má giày da. Thấy Khỏe đi tới, Vinh nói:
- Khỏe này! Liệu có cắm cờ được trước D1 không? Kiếm thêm chiếc huân chương cho tiểu đoàn chứ!
Đại đội trưởng Khỏe ngửi thấy mùi nước hoa sực nức. Anh nhếch miệng cười, chiếc sẹo bên mép lõm hẳn xuống. Khỏe quay lại hỏi anh em đi sau:
- Ban chỉ huy tiểu đoàn hỏi ý kiến của các đồng chí thế nào?
Trung đội phó Lạn bình bịch đi tới, cái đầu nghênh nghênh trả lời thay anh em:
- Cắm cờ trước hẳn đi chứ! Quân của ông Vinh với ông Khỏe chứ bỡn à! Phải không anh em?
Vinh mỉm cười. Chiếc gậy trong tay anh lại tiếp tục gõ vào má giày da theo một nhịp nhảy nhót hơn. Ban nãy, trước khi xuất phát, nghĩ đến cái mùi của những xác chết thối rữa, anh đã quệt nửa lọ dầu Con hổ vào lỗ mũi vào thái dương, vào cổ, vào bụng... làm cho mắt cay xè và người nóng rực lên. Sau nghĩ thế nào anh lại lấy nốt lọ nước hoa trong xà cột ra. Anh không mở nút, lấy sống dao găm ghè vỡ cổ lọ, rồi đổ ộc cả lên dầu, lên người, lên quần áo. Hai mùi thơm rất khác nhau đó lúc này đang tranh chấp trong lỗ mũi anh.
Đứng bên tiểu đoàn trưởng, chính trị viên Tuấn đang chăm chú nhìn một cái cây không tên cạnh đường hào trục. Hồi bộ đội mới bắt đầu kiến thiết trận địa giao thông hào, cái cây này hàng ngày được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Thẳng mục tiêu cây khô mà đào! Còn cách mục tiêu cây khô bao nhiêu thước?...". Rồi đường hào nhích dần lên phía trước, bỏ lùi cây khô này lại phía sau, đi tìm những mục tiêu mới gần đồn địch hơn. Tuấn cũng như mọi người đã quên khuấy cây khô đó đi. Nhưng hôm nay nó bỗng làm Tuấn chú ý. Cái cây khô như một cành ngụy trang cắm trên mặt ruộng cạnh chiến hào lúc này đã xanh rờn một lứa lá mới. Cái cây chết đi đó đã sống lại với mùa xuân tự lúc nào. Trong đầu Tuấn nảy ra thêm một ý thơ.
Đồn địch hiện ra trước mắt tới màu đỏ bệnh tật làm cho người ta nghĩ tới sự đe dọa của một bệnh dịch.
Những con hào tiếp tục chuyển mình. Đến hôm nay những đường chiến hào này đã thành máu thành thịt của các chiến sĩ. Mồ hôi, máu, xương thịt, hơi thở, sức khỏe, nghị lực của họ đã hòa vào từng tấc đất này. Hơi thở nồng nồng của nó mỗi khi mưa xuống nắng lên, trước làm cho các chiến sĩ khó chịu thì ngày nay đối với họ đã trở thành quen thuộc như hơi thở của người thân. Con hào bùn lầy, ẩm thấp này đã bao dung che chở cho họ những ngày qua và đang dần họ tới gần thắng lợi.
Kẻ địch vẫn không hay biết gì. Vẫn những loạt đại bác cầm canh như mọi ngày, và tiếng rền rĩ già nua của chiếc máy bay thám thính đang lượn vòng nhỏ chệch hẳn ra ngoài xa trận địa để tránh tầm pháo cao xạ của quân ta.
Trời nhập nhoạng tối, tiểu đoàn của Vinh đã vượt hết đường hào trục xuyên ngang cánh đồng, tới chiến hào nằm giáp chân đường 41. Những chiến sĩ đi đầu trong đại đội một đã nhanh chóng bám sát chân đồn địch.
“Ụ thằng người" in bóng trên nền trời xám đục trước mắt họ.
Ba tiếng "Ụ thằng người" này không biết ai đặt ra. Hồi đầu chiến dịch, người ta gọi đúng tên của nó là "Cây đa cụt". Đêm đêm vào gần đồn địch, các chiến sĩ thấy ở đây một hình người giơ tay chỉ về phía đỉnh đồi, và phụt ra phía họ những tia lửa quái ác. Cái tên "Ụ thằng người" dần dần thay thế hẳn cho mấy tiếng "Cây đa cụt" kể cả trên những bản kế hoạch tác chiến của cơ quan tham mưu. Riêng với tiểu đoàn của Vinh, cái "Ụ thằng người" này càng rất quen thuộc. Theo lệnh của đại đoàn, họ đã kiến thiết trận địa dưới chân cây đa cụt này. Những đêm đào chiến hào, hễ ngẩng đầu lên, họ lại thấy nó hiện ra sừng sững trước mặt, trên nền trời khi thì đầy những đám mây tro than, khi thì bàng bạc ánh trăng. Nó như có cặp mắt yêu quái theo dõi công việc họ làm không bao giờ mỏi mệt. Thanh kiếm trong tay nó bất thần lại vung ra như ánh chớp xuống đầu họ, làm ngã một, hai người. Ngay cả với những cán bộ tác huấn, những người đã nhìn cái "Ụ thằng người" này với cặp mắt quân sự rất thực tế, họ thấy thằng Tây ngu ngốc đã biết chặt cụt cây đa lại không chặt hết, còn để lại một vật chuẩn rất tốt cho pháo binh của ta, nhưng đôi lúc bò vào chân đồn địch họ cũng rờn rợn trước cái đầu bù xù và cánh tay xương xẩu ma quái này.
Sau khi điều tra biết rõ con đường tiếp viện nằm ngay sau cây đa cụt, bộ tư lệnh đại đoàn càng quyết tâm sử dụng tiểu đoàn Vinh đánh vào hướng này để cắt đứt cổ họng của quân địch.
Vào gần đồn địch, giao thông hào nông hơn đôi chút, nhưng vẫn đủ để giấu bộ đội dưới mặt đất khi vận động, lần này liên lạc Huy đã kiếm cho tiểu đoàn trưởng được một cái sở chỉ huy khá vững chãi. Đó là chiếc cống ngầm nằm ngang đường 41 ở gần chân đồi. Vinh tin là đơn vị của mình đã bám được hàng rào địch sớm nhất so với các đơn vị bạn. Lần này, anh đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần, hễ xung kích xông vào đồn là anh sẽ băng ngay lên cùng với trung đội đầu tiên.
Người giữ điện thoại hấp tấp 'tới trước cửa cống chuyển cho Vinh chiếc ống nói. Tiếng tư lệnh trưởng đại đoàn ồm ồm trong máy:
- D1, D2, D3 đâu? Đủ chưa?... Tất cả nhận lệnh: Mệnh lệnh của đại đoàn: "Các đơn vị lui ngay về phía sau, cách đồn địch từ hai đến ba trăm mét. Khi nhận được lệnh chuẩn bị của đại đoàn thì cho tất cả bộ đội quay lưng về phía đồn địch, chống tay vào thành hào, mồm mở to ra". Nghe rõ chưa?... Sau một tiếng nổ lớn, cho bộ đội xung phong ngay.
Mặt Vinh nóng ran lên. Thế này là làm sao? Bộ đội đã vào đến chân đồn địch lại bắt rút? Có chết người ta không... Muốn để bộ đội ở xa, sao không cho lệnh từ trước? Các ông ấy không biết những khó khăn của thằng cán bộ ở dưới, cứ ra lệnh là ra lệnh. Làm cho anh em tiếp cận được nhanh chóng thế này có phải dễ dàng như các ông ấy ra một cái lệnh đâu! Quay ra bây giờ thì ảnh hưởng tư tưởng anh em lắm!
Màng tai ống nghe lại sôi lên ùng ục. Lần này là tiếng chính ủy trung đoàn:
- Đồng chí Vinh đấy à? Đã rút quân theo đúng quy định của đại đoàn chưa?
Vinh đành phải trả lời:
- Tôi đang định ra lệnh...
Chính ủy không nhận ra giọng bực bội của Vinh, vẫn vui vẻ:
- Đồng chí có thể báo cho anh em biết, tối nay chúng ta sẽ sử dụng một thử vũ khí mới để tiêu diệt địch. Chúc tiểu đoàn của đồng chí sẽ chặn đứng viện binh địch, và cắm cờ lên nóc hầm ngầm đầu tiên... Cho anh em rút nhanh nhé?
Vinh vừa buông máy thì Tuấn đến hỏi:
- Lệnh gì thế
- Lệnh cho bộ đội rút về sau hai trăm thước. Vào rồi lại ra!
Bộ đội rậm rịch rút ra để lại sau lưng con hào nát nhừ vết chân.
Thung lũng Mường Thanh chìm dần trong bóng tối. Tối nay, Mường Thanh yên tĩnh lạ thường. Pháo địch bắn rời rạc, mỏi mệt. Thỉnh thoảng mới bừng lên ánh sáng của một ngọn đèn dù. Rồi cả chiến trường lại tan ra trong bóng đêm đen mượt như nhung, nhấp nhánh vô vàn những ánh đom đóm như mặt biển ban đêm rực rỡ lân tinh. Tiếng dế ran ran. Những người đứng đợi giờ nổ súng nghe rõ cả những tiếng dế kêu khác nhau. Có những con kêu hoài không ngớt, có những con rúc từng hồi ngăn ngắn, có những con thỉnh thoảng mới rít lên một tiếng lanh lảnh như tiếng còi rồi im bặt, ếch nhái ì uôm điểm nhịp vào khúc hòa tấu râm ran đó.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng