Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương III - Tuổi Hai Mươi - Phần 7
U
t Huệ ngồi bên bậc cửa vá áo, đầu nghiêng nghiêng. Một giọt nắng lọt qua mái nhà thủng, đậu trên tóc và chảy sáng xuống gò má. Hai lọn tóc mai dài xuống quá đuôi mắt. Hai con mắt to, dài, đen láy ấp ủ một nỗi buồn sâu kín, cặp môi tươi như một cánh hoa nở dưới cái mũi dọc dừa. Cả gương mặt Út Huệ như một hòn ngọc sáng.
Út Huệ tay lảy kim trên miếng vá của tấm áo anh Ba, lòng thẫn thờ, thầm nghĩ: Mấy hôm nay anh Ba hơi khang khác với mọi ngày. Anh trầm lặng, không còn vui tính khơi lên cho anh em trong nhà những trận cười phải ôm lấy bụng. Hằng ngày ảnh ăn rất ít, không còn giữ mức mỗi bữa ba bát nữa. Ảnh ăn không được, mình làm thêm món để ảnh ăn ngon miệng, ảnh lại gắp chia đều lên bát cho từng người. Đêm nào ảnh cũng thì thầm với ba, với anh Tư cho mãi tới khuya. Hình như ảnh không nói những chuyện gì đó với các anh Sáu Đen, Chín Mập. Ảnh cũng giữ kín cả với mình. Mà cũng phải thôi, mình là phận gái…
Đang mải nghĩ, nghe tiếng chân anh Ba ở ngoài cảng đi về, Út Huệ giật mình đặt vội tấm áo xuống đầu gối, ngước nhìn anh Ba, mỉm cười, đon đả:
– Anh đã về. Em ngỡ anh về muộn nên chưa soạn cơm nước chi cả.
– Nấu muộn một tí đợi anh em về đông đủ cùng ăn nóng, càng tốt, cô Út ạ.
Anh Ba vẻ mặt buồn buồn, ngồi xuống sập gỗ.
Bàn chân anh miết qua miết lại trên nền nhà, giọng nói không tự nhiên:
– Có một việc riêng, hôm nay tôi mới có dịp nói với cô Út.
Hai má Út Huệ ửng đỏ, mắt chớp chớp, môi mấp máy, hai lúm đồng tiền ẩn hiện trên má. Cô ngước nhìn thoáng anh Ba, cúi xuống liền, nói hơi run:
– Có điều chi anh Ba thấy cần dạy bảo em, em…
– Ấy chết! Chuyện riêng của tôi chứ đâu dám “dạy bảo” gì, hở cô Út?
Út Huệ đã bình tĩnh hơn:
– Anh đã tin em, anh cứ nói ra. Dù có quá sức em, em cũng ráng giúp anh.
Anh Ba nhìn ra xa, giọng trầm trầm:
– Tôi không ở đây nữa… Mai sớm, tôi… đi… xa…
Út Huệ rùng mình. Cái kim trên tay tuột xuống nền nhà. Cô bối rối, tay run run nhặt cây kim lên, môi mim mím. Hai người như bị hẫng, ngồi im lặng. Út Huệ nói, giọng nghèn nghẹn:
– Sao anh không ở đây nữa với ba em, với anh Tư…?… Mà anh đi mãi đâu, có vẻ hệ trọng vậy ạ?
– Tôi đi… xa lắm… đi khỏi nước mình, cô Út ạ. – Anh chùng giọng:- Ai mà chẳng muốn có một cuộc sống êm đềm bên cạnh những người thân yêu. Nhưng, tình cảnh nước mình, tôi không thể ngồi yên một chỗ, xây dựng cho riêng mình một tổ ấm được.
– Anh đi chừng bao lâu thì anh trở về đây?
– Cô Út! Ngày trở về, – anh Ba nói – cô Út hiểu thấu cho: ngày về của tôi xa mù mịt, tôi cũng chẳng định liệu trước được.
Út Huệ nắm chặt tấm áo vá trong tay mình, nén tiếng khóc từ trong cổ họng. Cô định nói thêm, nhưng tiếng ông già Đờn đã oang oang ngoài đầu ngõ hẻm. Chưa vào nhà, ông già đã hỏi con gái:
– Đã có đồ nhậu tối nay chưa, Út?
Út Huệ giấu mặt buồn, cúi xuống tấm áo vá, thưa:
– Dạ… Con chưa ra chợ, ba ạ.
Thấy anh Ba đã về đang ngồi trên sập giữa nhà, ông già vui vẻ:
– Ồ thầy cháu về rồi à?
– Cháu cũng vừa về được một lúc chú ạ. Mấy ảnh sao chưa về chú?
– Bọn nó biểu, mai sớm cháu đi, bọn nó ghé tiệm mua đồ nhậu, thức suốt đêm nay với cháu mà.
Ông già dặn nhỏ con gái, giọng bồi hồi:
– Út à. Anh Ba mầy hổng còn ở lại đây nữa. Ảnh đi vượt vời sang tận các nước Âu Mỹ kia. Mơi anh mầy đã đi sớm. Con ra chợ mua cái ăn, mua những thứ ngon, mắc mấy cũng được, ăn với nhau bữa cơm cuối cùng mà…
Út Huệ mím mím môi, cắn vội sợi chỉ, trao cái áo đã vá lành cho anh Ba, nói lảng:
– Những đường kim về sau vì vội nên không được đều anh vui lòng, nghe.
– Trời đất, cô Út cẩn thận quá. Cảm ơn cô Út.
Út Huệ sập rèm mi ướt, giọng nói đượm chút dỗi:
– Vá miếng áo có là chi đâu mà anh Ba cảm ơn em.
Anh Ba cười. Ông già Đờn dặn thêm con gái:
– Con nhớ mua một miếng thịt heo nạc, rặt nạc, nghe hông. Rồi mua dừa lấy nước kho với thịt. Kho thiệt khô. Nhớ mua nước mắm hạng nhất kho thịt mới để được lâu. Con cũng đừng mua gạo thường, mua gạo nàng thơm nắm mới dẻo.
Ông ngồi bên cạnh anh Ba, ngậm cái tẩu thuốc, mắt ông mơ màng bóng khói:
– Bước chân xuống tàu có lẽ là phải ăn cơm Tây rồi. Cháu chịu khổ mang cơm nắm theo. Chú nghĩ chắc còn lâu lắm cháu mới được ăn cơm trên đất quê mình. Hạt gạo, củ khoai, con cá, lá rau, quả cà, trái ớt, chút nước mắm, tí dấm… những món ăn của quê mình bình thường vậy mà thiếu nó ta không chịu nổi!
– Cảm ơn chú. Chú và cô Út đã săn sóc cháu nhiều mà cháu chưa đền đáp được gì!
– Đừng, cháu đừng nghĩ vậy. Cháu sắp rời xứ sở, hãy nghĩ về chặng đường phía trước…
o0o
Bóng tối trùm xuống xóm thợ. Những tiếng rao đêm lang thang trong ngõ hẻm. Tiếng chửi rủa của bà già, tiếng khóc gào than vãn, tiếng quát tháo của người say rượu và bao nhiêu thứ tiếng ồn ào hỗn độn dấy lên trong đêm như biển động.
Không khí trong nhà ông già Đờn cũng đang như trước giờ cơn bão đến.
Hai chiếc chiếu trải rộng giữa nhà. Một mâm thức ăn đầy ngộn đặt giữa chiếu. Ông già Đờn ngồi sát anh Ba. Anh Tư Lê, Chín Mập, Sáu Đen ngồi vòng tròn quanh mâm. Người nào cũng đăm chiêu, ít nói. Họ uống rượu từng tợp đủ thấm môi, không như mọi ngày, tu một người hết cả chén. Chẳng mấy ai cầm đũa nhắm. Người nào cũng luôn luôn trăn trở thế ngồi. Không khí trầm lặng kéo dài. Anh Ba định kể một câu chuyện vui vui thì Tư Lê ca bài Nam ai, buồn xé ruột. Tiếp đến Chín Mập hát bài Lý chiều chiều, Sáu Đen hát tích Nguyệt Nga cống Hồ. Hát xong, Sáu Đen nài nỉ anh Ba hát giặm Nghệ Tĩnh. Anh Ba vẻ lúng túng. Ông già Đờn đỡ lời:
– Cuộc vui đêm nay tiễn thằng Ba đi, tụi bây và tao phải làm hết mọi chuyện, đừng để thằng Ba nó phải dính vô một việc chi, nghe hông. – ông già so dây đàn: – Bữa nay tiễn Ba nó đi Tây, tao cho tui bây nghe trọn cả bài “ca lòng” của tao.
Nước mắt ông già rơm rớm, giọng ông buồn buồn:
Một… mối… tình… câm
Tình câm… một.. mối
Chàng… đã… ra… đi…
Chẳng nói lời… chi
Ôi cảnh… biệt… ly…
Thiếp ngóng…. theo… chàng…
Sông nước… mênh… mang…
Kéo neo… tàu… chạy…
Nước… mắt… tiễn…đưa…
Chàng đi… chàng đi…
Muôn trùng… sóng vỗ…
Thiếp giữ… tình câm…
Tình câm… theo… chàng…
Tư Lê, Sáu Đen, Chín Mập đều ngồi xo ro gục trên cánh tay và mỗi người đuổi theo một kỷ niệm của riêng mình.
Anh Ba chống tay đỡ cằm, máng tóc dày đổ xuống trán, mắt anh hướng vào một điểm sáng tụ dưới chiếu, nhưng trong đầu anh hiện lên lớp lớp những gương mặt thân yêu mà anh đã ghi nhớ từ tuổi ấu thơ. Cả hình ảnh các ông già mù hát dạo ở quê hương, ở Huế, ở Phan Thiết cũng hiện lên trong đầu anh. Và bao nhiêu bài ca anh đã từng nghe cũng đang văng vẳng giữa tâm hồn anh: Nước Nam ta sao lại có Tây?…
Út Huệ một mình một đèn, nước mắt giọt ngắn giọt dài tại buồng trong. Hai bàn tay Huệ vắt, nắm, vỗ vỗ nắm cơm gạo nàng thơm dẻo quẹo. Đặt nắm cơm vào tấm bẹ cau trắng mịn như lụa, Huệ ngồi thừ nhìn không chớp mắt. Tiếng đàn ca phòng ngoài vọng vào, cô chẳng để vào tai mình. Cô mở hòm lấy quyển vở, lật lật từng trang, nói thầm: Chữ anh Ba dạy cho mình. Anh Ba đã cầm tay tập cho mình viết. Sao anh Ba không ở lại đây mãi mãi? Lúc nào anh Ba cũng nói “cứu nước, thương đồng bào mình sống cực”!
Tiếng còi tàu chở khách sang Thủ Thiêm kéo một hồi dài. Út Huệ giật mình và chợt nhớ đã sáng đêm. Út Huệ cầm tấm khăn rằn của anh Ba mua dạo nọ, lau nước mắt. Bỗng Huệ nhớ hồi nhỏ Huệ được nghe mẹ ru:
Khăn thương nhớ ai mà khăn rơi xuống đất,
Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt,
Mắt thương nhớ ai mà mắt không khô…
Út Huệ trùm khăn đi ra cửa. Trời còn nhá nhem. Sương mù giăng trên nóc nhà xóm thợ. Út Huệ lại quay vào buồng, nhìn ngọn đèn, nói: Mình thương thầm ảnh. Giờ ảnh đi xa. Đi sang Tây. Mình có nên nói với ảnh cái điều dớ dẩn của mình nghĩ không? Ôi! Ai lại ngược đời đời vậy bao giờ? Mình là con gái kia mà. Nhưng, ảnh ra đi liệu ảnh có đoán biết được cái điều mình nghĩ về ảnh không? Đèn ơi! Nếu anh Ba không biết điều ấy thì đèn chứng cho tấm lòng Út Huệ này nhé. Ôi! Một người mà ai cũng yêu mến…
o0o
Sáng ngày Năm, tháng Sáu, năm Một ngàn chín trăm mười một. Sương sớm phủ nóc Nhà Rồng. Dòng sông Sài Gòn cong vòng như lưng người già đã trải qua nhiều khúc đường đời khổ ải.
Trời ngả màu chì.
Cơn mưa đen tháng sáu dấy lên.
Từ trong ngõ hẻm, anh Ba bước từng bước ung dung, mắt nhìn thẳng phía trước. Đi bên anh là ông già Đờn. Tư Lê, Sáu Đen, Chín Mập đi sát phía sau. Út Huệ đi sau cùng.
Con đường hẻm dài hun hút. Họ im lặng đi. Sắp đến lối rẽ vào bến cảng, họ đi chậm bước, mắt hướng ra phía những con tàu đang xả khói đen đục. Và trong mắt họ có cái ảo giác cả đất trời tròng trành, thành phố Sài Gòn chao đưa.
Anh Ba khựng bước. Anh ôm chầm lấy người ông già Đờn:
– Chú Út ơi! Các anh ơi! Út Huệ ạ – Anh nhìn vào mắt những người thợ thuyền trao gửi niềm tin. – Nước mình, dân mình sẽ không cam chịu cảnh ngựa trâu nầy mãi được. Phải xóa bỏ kiếp nô lệ và nhất định đời thợ chúng ta sẽ đổi khác… Chúng ta tin ở tương lai, tin vào tiền đồ dân tộc…
Ông già Đờn ôm chặt lấy hai vai anh Ba, lắc mạnh:
– Ba! Chú tin… rất tin ở lời cháu vừa nói và càng tin sự quyết chí ra đi vì nước vì dân của cháu. Chúc cháu đi được trơn bọt lọt lạch, chân cứng đá mềm!
Ông ôm chặt anh Ba vào ngực mình, bộ tóc muối tiêu của ông xõa rộng xuống vai anh. Rời ông già Đờn, anh Ba bước đến với ba người thợ trẻ. Tư Lê cầm chặt tay anh Ba, giọng nghẹn ngào:
– Tôi không cùng đi với anh được, nhưng cái bụng của tôi mãi mãi ở bên anh. Ở lại bến cảng này, tôi sẽ làm việc và sống theo như anh đã bày biểu, căn dặn.
Sáu Đen, Chín Mập, hai người cầm hai tay anh Ba nhìn nhau. Và lần đầu tiên anh Ba thấy ở mắt hai người thợ “có đá trong đầu” này rơm rớm lệ. Hai người cùng nói một lúc:
– Anh Ba ơi! Anh đi, để lại trong mắt chúng tôi cái chữ…
Anh Ba chợt nhìn sang út Huệ thì ông già Đờn giục con gái:
– Út! Con đi với anh Ba một quãng đường nữa…
Gió cửa sông thổi giục từng cơn. Anh Bạ chắp tay giơ cao xá xá ông già Đờn và các bạn đang quay bước trên đường về.
Anh Ba im lặng đi bên Út Huệ. Mắt Út Huệ luôn luôn nhìn về hướng con tàu rồi liếc nhìn anh Ba. Chưa bao giờ Út Huệ thấy anh Ba đẹp trai như lúc này. Cô lâng lâng như đang ở trong mơ và thấy anh Ba là chàng hoàng tử trong truyện cổ tích…
Anh Ba bất chợt nhìn Út Huệ, nhìn con tàu. Anh rùng mình. Một luồng giá lạnh từ đỉnh đâu xuống gan bàn chân như phân chia con người anh làm hai. Anh dừng lại:
– Sắp hết giờ lên tàu rồi. Út… đi với tôi, đến đây là… Út về kẻo…
Út Huệ vẫn ôm trên tay mình cái gói nho nhỏ, mắt chớp chớp nhìn vào mắt anh Ba. Tiếng Út Huệ nhẹ như gió thoảng:
– Em muốn nói với anh… chỉ sợ… anh cười em!
– Ấy! Đến giờ này mà Út còn chưa thiệt tin tôi?
Út Huệ bối rối. Cái gói cầm trên tay cứ trao qua trao lại, nhưng Huệ vẫn hết nhìn con tàu đang xả khói lại nhìn anh Ba.
Giọng út Huệ bồi hồi:
– Anh nói đi anh!
Anh Ba lúng túng:
– Điều nói được, tôi đã nói với Huệ từ hôm qua rồi.
– Lúc này khác với ngày hôm qua. Em muốn được nghe anh nói với em một tiếng giữa phút giây nầy, anh Ba ạ!
– Hôm qua, hôm nay và mãi mãi tôi nhớ tấm lòng của Huệ cũng như bao nhiêu tấm lòng vàng khác đã cứu giúp tôi trong những phen hoạn nạn, lúc sẩy nhà ra thất nghiệp.
– Anh Ba luôn luôn nhớ đến những người có lòng tốt với mình, nhưng anh có biết người khác nhớ anh đến cháy ruột cháy gan không? – Út Huệ nghẹn ngào nói.
Anh Ba sững sờ… Út Huệ biết mình đã buột miệng lỡ lời vội nói khỏa lấp:
– Em biết anh là con chim bằng, chiếc lồng son không thể nào nhốt được.
Anh Ba nhấn từng tiếng chắc và ấm:
– Phải có tự do! Huệ ạ, Tổ quốc ta, nhân dân ta phải có độc lập tự do chứ không thể nô lệ mãi được!
– Ước mơ ấy, khát vọng ấy liệu có thành sự thật ở quê mình không anh?
– Vì mất nước mà phải lìa nhà. Nếu không tìm ra phương kế giành lại độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân thì tôi không về mà cũng chẳng ai mong đợi làm gì!
Út Huệ run run, cái gói trên tay như muốn rơi xuống, nước mắt giàn giụa:
– Anh! Cơm nắm. Em nấu cho anh bữa cơm cuối cùng nầy. Cầm lấy anh! Đi đi… anh!
Anh Ba đỡ gói cơm trên tay Huệ. Một tiếng gọi lẫn trong tiếng khóc bật ra từ trái tim người con gái Sài Gòn:
– Anh Ba! Em…
Út Huệ ôm mặt chạy trở về. Anh Ba cầm nắm cơm trong tay. Âm thanh thành phố Sài Gòn đổ dồn xuống cửa sông như trùm lấy anh. Anh nghe tiếng còi tàu nhọn hoắt khoan vào không gian nhức nhối. Anh bước sải dài, vội vã xuống tàu. Gương mặt người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt anh như một búp sen quê hương. Và cả khuôn mặt Việt Nam choán lấy trái tim anh!
Út Huệ lại quay lại chạy theo xuống bến tàu.
Con tàu chở anh Ba mờ mờ phía chân trời. Lê Thị Huệ chắp tay trên ngực nhìn theo, khấn trước đất trời:
Sông ơi!
Đừng mọc đá ngầm…
Biển ơi!
Đừng dựng sóng dữ…
Anh đi thuận gió xuôi buồm…
Hỡi những phương trời xa lạ…
Hãy đón lấy Anh…
Một chàng trai nước Việt…
Anh là của Nước của Dân…
Tất cả đợi Anh về…
Ngõ Văn, ngày 23 tháng 8 năm 1981