Số lần đọc/download: 1695 / 18
Cập nhật: 2015-10-23 08:23:10 +0700
Chương 31 - Về đài
Đ
ến hôm nay sau hai mươi năm về Đài và trong nghề, tôi thấy mình yêu nghề và cơ quan. Có lẽ số tôi may mắn chăng? Mái nhà lớn của tôi, nhà Đài, rất ấm áp tình người - đồng nghiệp là các bác, chú, anh đi trước và lãnh đạo.
Mái nhà nhỏ: Hồi mới về tôi được phân công làm việc ở phòng Đồng bào, tiếp theo làm ở phòng Khoáng sản. Anh em hoà thuận, không bè phái và các sếp đều mát tính. Đôi lúc có va chạm giữa anh em với sếp, nhưng là công việc, điều tất nhiên thường xảy ra.
Sếp trưởng phòng đầu tiên là anh Đinh Sơn, người dân tộc Mường, quê Thanh Sơn, Phú Thọ. Anh hiền hoà, nói ít, sống công bằng và ít chạnh choẹ với nhân viên. Hiện anh là phó ban Đồng bào. Chị Nguyễn Yến là sếp trưởng phòng thứ hai của tôi, chị thẳng, ruột để ngoài da, cái gì không nói ra là không chịu được. Chị nay nghỉ hưu rồi.
Nguyên do tôi về Đài cũng rất tự nhiên. Bấp bênh hợp đồng cả năm ở lò mổ lợn thành phố, đùng một cái, được tiếp nhận về một cơ quan rất oách. Được việc mà chẳng tốn đồng quà bánh nào, đến bao thuốc lá, lạng chè xã giao cũng không có.
Tôi ở nhờ nhà ông chú ruột, căn hộ tập thể nhà A2, khu 128 C La Thành, giáp nhà ông Hoàng Văn, lúc đó là trưởng phòng Nông dân và ông Trần Sơn, phóng viên cùng phòng, nay là giám đốc cơ quan thường trú Đà Nẵng.
Chủ nhật, ông chú tôi từ trường Thường Tín về, ông Hoàng Văn và ông Sơn thường sang uống nước, chuyện trò. Bà thím tôi có ý sẵn, định dấm cho thằng cháu, nên thỉnh thoảng giới thiệu với khách, hồi ở trường, nó viết cả kịch cho hội diễn trường đấy! Câu giới thiệu đã giúp tôi vào nghề báo, điều mà trước đó tôi chưa hề nghĩ tới. Một lần, ông Sơn nói, Phòng đang cần phóng viên, hay chú mày lên thử xem sao. Tôi đang hợp đồng bấp bênh, có cơ hội tìm việc mới, thì tốt quá. Vội vàng tôi nhận lời ngay.
Trước đó cả thời kỳ dài, quãng mươi năm, Đài nhận rất ít người, hình như khối phóng viên cho các Ban trong nước, chỉ khoảng năm, sáu phóng viên. Sau này về Đài, sinh hoạt Đoàn khối Văn phòng, Đối nội và Đối ngoại, có chưa đầy hai chục người, trong đó chỉ có hai đoàn viên tuổi dưới hai lăm.
Để thử khả năng viết báo, ông Hoàng Văn bố trí tôi theo chuyến công tác cùng ông Đặng Hồng, lúc đó là phó phòng và ông Trần Sơn. Chuyến đi tới hợp tác xã Hợp Thịnh, tỉnh Vĩnh Phúc, một hợp tác nông nghiệp có tiếng về canh tác cây ngô đông và quan hệ mật thiết với Đài. Tiếp chúng tôi là bác Bùi, một tỉnh uỷ viên, được cắm ở đây, ngay quê hương mình. Con người này có công lớn với Hợp Thịnh, đưa thành công cây ngô vào vụ đông trên đồng đất ở đây. Nó là mô hình được khá nhiều hợp tác gần xa đến tham quan.
Tôi cố tâm quan sát hai nhà báo kỳ cựu kia lấy tư liệu và làm việc ra sao. Sau hai ngày tiếp xúc cơ sở, tôi chưa thu thập được gì, chỉ thấy trưa, chiều, chúng tôi được tiếp đãi thịnh soạn. Trước khi đoàn về, hợp tác bán cho đoàn bao gạo khá to. Bao gạo được mang về, chia đều cho anh em trong phòng.
Công tác về, tôi được ông Hoàng hỏi về chuyến đi và nội dung sẽ thử việc. Ông đưa ra cho tôi mấy sự lựa chọn: thứ nhất biên tập bài của cộng tác viên; thứ hai viết phóng sự về chuyến đi và cuối cùng, tự chọn thể loại, đề tài, miễn sao phù hợp với nội dung phát thanh nông nghiệp.
Tôi còn nhớ, ông Hoàng Văn đưa một bài viết, với cái tít: "Con tôm ôm cây đước....", chữ viết rõ ràng, dễ đọc. Đọc lướt qua, tôi đã thấy, mình không sửa sang, thêm bớt được từ nào, một tay viết chuyên nghiệp, lại là vấn đề nóng đang diễn ra ở vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Nghĩ lại chuyến vừa mới đi, tôi biết viết gì đây, chẳng lẽ viết phóng sự mua gạo giá thấp, hay những bữa ăn cơ sở đón tiếp? Đâm hoảng, tôi thần mặt ra.
Quan sát tôi, ông Hoàng Văn hỏi, chọn lựa phương án nào. Tôi lúng túng một lúc, cuối cùng quyết định, chọn thể loại câu chuyện truyền thanh. Ông Hoàng đồng ý và hỏi, thời gian bao lâu thì nộp tác phẩm. Tôi xin hai tuần.
Về nhà đóng cửa suy nghĩ. Biết chọn đề tài gì đây. Không thể viết câu chuyện trong đợt thực tập về Văn Giang, cả hợp tác toàn xã, sức kéo còn mười lăm con trâu, chỉ còn biết dùng sức người cày kéo. Cuối cùng, tôi cũng nghĩ ra tứ viết. Trong khi tôi "sáng tác", thỉnh thoảng ông Trần Sơn lại hỏi, cậu viết đến đâu rồi. Tôi ậm ừ...
Hai tuần sau, tôi đưa cho ông Sơn bản thảo viết tay. Chữ tôi quá xấu, to như con gà, nên bản thảo dày tới gần ba chục trang. Nhờ có ông Ngọc biên tập và Linh Phi đánh máy, bản thảo mới được hoàn thiện. Khi tôi đưa lên cho ông Hoàng, ông hỏi, có phải chuyện ấy tôi viết, hay ông Sơn, tôi khẳng định là mình viết, ông Sơn có sửa chữa, bổ sung thêm chi tiết và biên tập. Câu chuyện của tôi được ông Hoàng ký duyệt, trình lên Ban, không rõ là sếp Ban nào, có lẽ là bác Trần Thụ duyệt. "Tác phẩm" đạt và Ban cho phát.
Hôm mời diễn viên dựng chuyện, ông Sơn bảo tôi lên xem. Đứng ngoài phòng thu, nhìn diễn viên nổi danh Văn Hiệp, lòng tôi lâng lâng. Đứa con tinh thần của mình được công bố. Tự hào, sung sướng quá!
Ngay khi câu chuyện được phát, tôi nghe ông Hoàng thông báo, Tổng biên tập khen, chuyện có nội dung mới. Trong khi mọi người đang ngợi khen đổi mới, thì tôi lại nêu ra vấn đề, có những kẻ nhân danh đổi mới, để tiêu cực - đổi mới giả danh. Ngay sau đó, câu chuyện được phát lại. Thật là một tin quá tốt với tôi. Thế rồi, tôi được nhận quyết định tiếp nhận về Đài, một việc không ngờ, như lộc trên trời rơi bịch xuống.
Cùng đợt về với tôi có tất cả sáu người, trong đó có Chu Nguyễn, nay là Phó trưởng ban Văn hoá. Năm 1975, Chu Nguyễn nằm trong cái tốp học sinh giỏi Hải Hưng tham gia miền Bắc. Cái tốp ấy có nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Trịnh Bá Ninh, giờ họ vẫn rất thân nhau.
Tuyển tôi về Đài là phòng Nông dân, nhưng tới khi nhận việc, tôi lại được phân công về phòng Thời sự. Mới kịp gặp anh Trần Trọng, tôi xin nghỉ vài ngày, một tuần sau, lại được thông báo, lên gặp bác Mai Phạm, Phó tổng. Bác Mai nói, điều tôi về phòng Đồng bào.
Về Đài rồi tôi mới biết, bác Mai là đồng hương huyện. Quê bác cách nhà tôi bốn cây. Bác hiền, tính dễ chịu, một con người "không có gì là quan trọng", việc lớn thu thành chuyện nhỏ... Bác Mai quan to, mà sống bình dân. Bác nghiện thuốc lào nặng, có cái điếu trong phòng, tôi cũng dân nghiện, cứ lên cơn là vào phòng bác, dúi vào một góc hút, kể cả khi bác có khách.
Đáng lý suất về phòng Đồng bào số là của Chu Nguyễn. Từ vùng đất Tri Tôn, đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm Chu cộng tác với phòng Đồng bào. Qua các câu chuyện truyền thanh, chuyên mục Chuyện Buôn sóc bản mường, Văn hoá các dân tộc, Chu Nguyễn được phòng Đồng bào chấp nhận. Đường xa, nhận quyết định rồi, mà Chu Nguyễn chưa ra kịp. Tôi đến trước, nên thế chân Chu Nguyễn. Trong chuyện này, đôi khi tôi cứ nghĩ, mình "tranh chỗ" của bạn.
Sau này tôi và nhà văn Chu Nguyễn có dịp trò chuyện văn chương và cả chuyện đời và những chuyện linh tinh. Tôi rất thích tập truyện ngắn Tổ ấm bồ câu của Chu Nguyễn. Cái chi tiết ghép chim, quê quá. Văn Chu Nguyễn nhẹ nhàng, man mác, man mác như vùng đất Hưng Yên quê Chu Nguyễn, những làng quê êm đềm Bụi tầm xuân, Khu vườn cổ tích,… từ cái truyện anh hàng xóm của Chu, tôi đã bắt chước, mà viết được truyện ngắn Hàng xóm.