Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
Đắn đo mãi, cuối cùng Bao quyết định đưa bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy Phước Vĩnh cho ông Sắc và ông Ẩn để nghiên cứu.
Trong khi chờ ông Ẩn và ông Sắc đọc xong và trao đổi với nhau, Bao mở cuốn sổ xem lại những ghi chép từng ý, từng lời mà Bao sẽ nói về bản dự thảo này.
- Theo tôi, đây là một tư duy mới mẻ mà nhiệm vụ của chúng ta cần quan tâm nghiên cứu chứ không nên vội vã phủ nhận - Ông Sắc nhận xét sau khi đọc xong.
Bao không để ý thái độ của ông Sắc, nói tiếp:
- Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp cũng đã chỉ rõ ba nguyên tắc: Tự nguyện, có lợi, quản lí dân chủ và phương châm: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội, được quán triệt và tích cực thực hiện trong các Hợp tác xã và bà con xã viên. Vì thế khoán sản xuất cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho Hợp tác chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lí mà còn trái với đường lối Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước. Đây là một biến tướng mang màu sắc của chủ nghĩa xét lại hiện đại, đòi xét lại đường lối Xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.
Ông Sắc cười mỉa:
- Mấy ông mấy bà nông dân suốt ngày cắm mũi ngoài đồng ruộng làm gì biết chủ nghĩa này chủ nghĩa kia mà đòi xét đi với xét lại.
Tâm trạng ông Ẩn bỗng nhiên rối bời. Nhiều năm ngồi ở cương vị lãnh đạo mọi nếp suy nghĩ gần như xuôi theo một chiều. Họp bàn định ra kế hoạch cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp chỉ tiêu hàng năm phải đạt được bao nhiêu sản lượng, sản phẩm rồi giao cho các bộ, các ngành đốc thúc hoàn thành cho được kế hoạch đã được giao. Vượt mức thì liên hoan, khen thưởng rầm rầm rộ rộ. Không hoàn thành kế hoạch thì khiển trách, phê bình rút kinh nghiệm. Hầu như công việc chỉ diễn ra trên giấy tờ. Đồng ruộng ra sao, nhà máy ra sao, thị trường thương nghiệp ra sao cũng được thể hiện bằng các bản báo cáo. Mà các bản báo cáo tính trung thực của nó chỉ đạt được một nửa, phần còn lại là báo cáo láo. Báo cáo để lấy thành tích. Ngành nào cũng vượt mức kế hoạch. Đời sống nhân dân được nâng lên một bước đáng kể. Trong khi đó thì người dân thiếu đủ thứ. Từ hạt gạo cho đến cái kim, sợi chỉ. Giờ đây đọc bản dự thảo về quản lí lao động của tỉnh ủy Phước Vĩnh ông thấy vỡ ra nhiều điều. Cái đúng, cái sai không thể chỉ nhìn lướt qua mà đoán định được. Lấy lại sự ổn định trong lòng, ông Ẩn nói:
- Tôi thấy chúng ta tự nhiên đi phê phán nặng nề về một bản dự thảo thuộc nội bộ của một tỉnh là không nên. Hơn nữa bản dự thảo này có nhiều điểm cần được suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh.
Bao thấy ông Ẩn và ông Sắc có ý chần chừ nên nhấn thêm:
- Tôi đề nghị anh Ẩn phải báo cáo kịp thời về bản dự thảo này để Ban bí thư nắm được và có biện pháp ngăn chặn.
Ông Ẩn nhớ lại những gì mà ông đã nhìn thấy được những lần đi xuống các Hợp tác xã gần đây nên đáp lại lời đề nghị của Bao:
- Việc này chúng ta phải hết sức thận trọng. Một hiện tượng mới vừa nảy sinh có thể có mặt nào đó chưa hoàn chỉnh. Nếu chúng ta quá chú ý đến mặt không hoàn chỉnh đó mà phủ nhận tất cả thì có khi còn sai lầm hơn là mặt không hoàn chỉnh của cái mới. Chúng ta cũng cần đề phòng cách nhìn sự vật phát triển theo một chiều thuận. Nhìn mãi thành quen, đến khi gặp phải cái nghịch là không chịu được. Ngay như tôi, khi thấy Hợp tác xã Hồng Vân ở Vĩnh Hòa chia đất cho nông dân làm vụ xen canh, trả ao cá về cho hộ xã viên nuôi khoán cho Hợp tác và bán một số công cụ cho hộ cá thể, tôi lo lắng thật sự. Cứ nghĩ như vậy là Hợp tác xã đã tan rã. Nhưng khi bình tĩnh trở lại mới hay những việc làm đó hoàn toàn có lợi cho cả nông dân lẫn tập thể. Bản dự thảo về quản lí lao động của tỉnh ủy Phước Vĩnh có nhiều điểm mới, phải nói là rất mới. Không tìm hiểu kỹ đã vội vàng báo cáo với Ban bí thư, tôi e rằng sẽ để lại những hối tiếc cho chúng ta sau này.
Ông Sắc đồng tình:
- Tôi thấy ý kiến của anh Ẩn rất chuẩn xác. Bản dự thảo này đã đặt ra những vấn đề hết sức cơ bản có thể làm chuyển biến lối làm ăn lỏng lẻo, trì trệ của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Nếu thấy cái mới mang yếu tố tích cực thì phải ủng hộ.
Bao thấy thất vọng khi không đạt được mục đích nhưng vẫn nói thêm:
- Có lẽ cách nhìn nhận về bản dự thảo giữa tôi và hai anh không có chỗ giống nhau. Dù vậy tôi đề nghị anh Ẩn vẫn nên báo cáo với Ban bí thư, nếu chẳng may bản dự thảo này đến tay các đồng chí trong Ban bí thư, chúng ta sẽ mang tội biết mà không báo cáo.
Ông Ẩn thấy khó chịu nên nói dứt khoát:
- Tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Thế thôi, không nói gì thêm chuyện này nữa nhé.
Bao chưng hửng cầm lấy bản dự thảo và cuốn sổ đi ra khỏi phòng họp, quên cả chào ông Ẩn và ông Sắc. Ông Ẩn nhìn theo Bao lắc đầu thở dài.
2
Buổi sáng mùa đông rét tê tê. Gió khua những cành lá nghe khô khốc. Lũ cò đã kéo nhau đi trú đông nên khuôn viên um tùm cây cổ thụ vắng lặng đến êm ả. Ông Kim đến phòng làm việc ngồi chưa ấm chỗ đã đứng lên bước ra bên ngoài chắp hai tay ra đàng sau, đi đi lại trên đoạn đường chạy qua trước phòng làm việc của mình với dáng điệu khoan thai hiếm thấy ở ông. Lạ thật, chưa khi nào ông thấy đầu óc mình lại thư thái như hôm nay. Mỗi bước chân ông đặt xuống đất là đâu đó những hình ảnh không theo một tuần tự nào hiện về trước mắt ông. Những gương mặt rạng rỡ của những người cùng chí hướng. Những cánh đồng lúa xanh tốt trải dài mênh mông đến tận chân trời. Đàn cò khoan thai vỗ cánh trên thảm lúa xanh mướt…
Có bước chân lước xước sau lưng, ông Kim quay lại nhìn. Ông Sắc chào ông bằng nụ cười:
- Có chuyện gì mà trông dáng điệu anh đi lại có vẻ trầm tư mặc tưởng thế?
- Chẳng có việc gì nên dành chút thời gian ngẫm lại cái sự đời cho vui thôi.
Hai người lại đến ngồi vào cái ghế đá quen thuộc mọi ngày.
- Sáng nay thấy xe chạy qua đây tưởng các anh đi đâu?
- Xe đưa ông Bao đi Hà Nội.
Ông Kim hỏi:
- Về có việc gì thế?
Ông Sắc đáp:
- Tôi cũng chẳng biết. Thấy nói với anh Ẩn về Hà Nội có việc, tôi chẳng hỏi anh Ẩn là ông Bao đi Hà Nội có việc gì.
Thấy khí trời lành lạnh, ông Kim bảo ông Sắc:
- Vào phòng tôi pha một ấm nước uống cho ấm bụng nói chuyện cho vui.
Ông Sắc uống xong chén nước chè ông Kim đưa cho, đặt chén xuống bàn nói:
- Vừa rồi tổ chúng tôi có đọc bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy các anh, tôi thấy có nhiều điểm hay lắm.
Ông Kim ngạc nhiên:
- Làm sao mà anh có bản dự thảo ấy trong tay để đọc?
- Ông Đình đưa cho ông Bao nhờ tổ chúng tôi đọc và cho biết quan điểm về bản dự thảo.
Ông Kim như bị dội nước nóng vào người. Ông Sắc biết ý, khuyên:
- Anh cứ bình tĩnh. Thực ra tôi nói chưa hết. Theo ông Bao nói lại thì ông Đình đã phản đối một số điểm trong bản dự thảo này trước mặt anh.
Ông Kim thừa nhận:
- Đúng như vậy. Tôi có trả lời ông Đình dù ông có báo cáo cho Ban bí thư, Bộ chính trị hay Tổng bí thư thì tôi vẫn cho rằng những điều nêu lên trong bản dự thảo là phù hợp với tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trong tình hình mới. Tôi bực quá nên nói tiếp, dù có đưa tôi lên giàn thiêu thì tôi vẫn nói việc làm của tôi là đúng.
- Ông Đình cũng kể hết những chuyện này cho ông Bao nghe và ông Bao nói lại với chúng tôi. Anh nói câu đó hơi liều đấy. Nó mà đến tai anh Trung Chính thì anh no đòn.
Ông Kim hỏi:
- Vừa rồi anh khen bản dự thảo có những điểm hay lắm. Vậy anh nói cho tôi biết điểm nào cho chúng tôi vững tâm và nói cả những điểm theo anh là chưa được để chúng tôi nghiên cứu, sửa chữa khi soạn lại thành văn bản chính thức.
- Về phần đánh giá chung tình hình của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, theo tôi các anh đánh giá như vậy là chính xác. Có thể có người phản đối vì cho rằng các anh đã phủ màu đen lên con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa.
- Ngay tay Đình cũng lên án tôi nhận định chủ quan, phiến diện đó thôi.
- Người ta quen tô hồng để bốc thơm nhau thành bệnh mãn tính mất rồi. Bây giờ nghe ai nói khác đi là bị coi là nói xấu chế độ. Điều này cực kỳ tai hại chẳng khác gì con người không nhận ra bệnh tật của mình. Chờ đến khi cấp cứu thì đã muộn.
Ông Kim nhìn ông Sắc bằng ánh mắt thiện cảm:
- Giá như ai cũng có cái nhìn biện chứng như anh thì mọi việc biến đổi sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Người có cái nhìn biện chứng là anh chứ không phải tôi. Anh là người đã nhận ra sự mâu thuẫn nội tại của sự vật và đã tìm cách phá vỡ nó, thúc đẩy nó sản sinh ra cái mới để thay thế cái cũ.
Ông Kim cười:
- Cũng chẳng nghĩ sâu sắc được đến thế. Thấy Hợp tác xã nông nghiệp làm ăn trì trệ, nông dân khổ cực nên mới tìm mọi cách làm cho nó ăn nên làm ra để bà con đỡ khổ. Đơn giản thế thôi anh ạ.
Ông Sắc phân vân giây lát rồi nói với ông Kim:
- Riêng phần phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tôi thấy anh đặt vấn đề cho khoán hộ là anh đang đánh đổi sinh mạng chính trị của mình đấy, anh có biết không?
Ông Kim rít một điếu thuốc lào, nhả khói rồi nói thong thả:
- Tôi biết là hết sức mạo hiểm nhưng tôi đã nhìn thấy tương lai của nó nên tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Thú thật với anh đôi khi nghĩ đến hậu quả mình phải gánh chịu, tôi thấy dao động đôi chút, nhưng lại nghĩ mình giống như anh chiến sĩ được giao nhiệm vụ ôm bộc phá lao lên mở cửa mở. Nếu nghĩ về mình mà chần chừ, trận đánh nhất định thất bại, đồng đội sẽ hy sinh. Thế là tự nhiên tôi thấy vững tin với việc khoán hộ. Anh Ẩn có nói gì về bản dự thảo không?
- Anh Ẩn thường thận trọng khi nhận xét về một vấn đề gì đó. Với bản dự thảo của các anh cũng vậy. Anh ấy chưa có ý kiến chính thức. Nhưng khi ông Bao đề nghị anh Ẩn báo cáo kịp thời với Ban bí thư thì anh Ẩn không đồng ý với lí do cần nghiên cứu kỹ những vấn đề mà mà bản dự thảo đề cập tới. Anh ấy cũng nói công khai là mình rất quan tâm đến phương pháp khoán hộ. Khi ông Bao hỏi quan tâm theo nghĩa tốt hay xấu thì anh chỉ trả lời là cần quan tâm nghiên cứu. Tôi nghĩ anh Ẩn sẽ ủng hộ các anh trong việc khoán hộ.
Biết ông Sắc là người có cái nhìn phóng khoáng nên ông Kim thú thực:
- Với anh thì tôi chẳng giấu gì. Mặc dù bản dự thảo đang ở trong thời kỳ tham khảo nhưng tôi đã cho triển khai khoán hộ tại một Hợp tác xã thuộc huyện Tam Bình ngay trong vụ chiêm này và giao cho cô Chi, bí thư huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Tôi muốn chứng minh suy nghĩ của mình là đúng.
Ông Sắc hỏi:
- Có phải Hợp tác xã Gia Đạo không?
Ông Kim ngạc nhiên:
- Sao anh biết?
- Lần xuống làm việc ở đó tôi có nhận xét Ban quản trị của Hợp tác xã này có thể làm nên chuyện khi dám mạnh dạn giải tán trại lợn của Hợp tác xã và khoán cho đội sản xuất. Đặc biệt là việc khoán lợn cho hộ xã viên.
Nghe ông Sắc nói thế, ông Kim khoe luôn:
- Nhân anh nói chuyện khoán lợn cho hộ, anh có biết Hợp tác xã Gia Đạo ngoài lợn các gia đình nuôi theo tiêu chuẩn nghĩa vụ ra thì khoản khoán cho đội sản xuất và hộ thu được bao nhiêu tấn không? Mười ba tấn rưỡi lợn hơi và gần hai trăm tấn phân chuồng. Con số không tồi chút nào có phải không?
Ông Sắc gật đầu tán thưởng:
- Đúng là một con số đầy ý nghĩa.
3
Chiếc Mốt-cô-vích dừng lại trước cổng ngôi biệt thự trên một đường phố rợp bóng cây xà cừ. Ngoài anh thượng sĩ công an vũ trang ôm súng đứng như một pho tượng trước cổng, còn lại bên trong không một bóng người.
Bao ló đầu ra khỏi xe hỏi trống không:
- Anh Trung Chính có ở nhà không?
Anh thượng sĩ công an vũ trang nhận ra Bao nên lễ phép đáp:
- Thưa bác, có đấy ạ. Nhưng bác chờ cháu gọi điện vào báo cho đồng chí thư ký riêng của bác Trung Chính đã.
- Cậu nói là có đồng chí Lê Thanh Bao, phái viên nông nghiệp của Ban bí thư xin gặp anh Trung Chính để báo cáo công việc.
Gọi điện báo xong, anh thượng sĩ công an vũ trang bước ra mở rộng hai cánh cửa cho xe của Bao vào. Chiếc xe chạy chầm chậm rồi đỗ ngay trên con đường rải đá cuội cạnh một cây hoa đại đang nở hoa trắng xóa. Mùi hương hoa đại tỏa ra thơm ngát. Không gian khuôn viên ngôi biệt thự trang nghiêm và tĩnh lặng như một ngôi chùa cổ.
Bao ra khỏi xe, xách cặp đi vào trong ngôi biệt thự.
Ông Trung Chính trạc tuổi trên năm lăm, người thấp, khuôn mặt tròn, trán cao, đôi mắt to lộ vẻ thông minh và cương nghị. Ông mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn hàng ngày bước ra tiếp Bao ở phòng khách. Ông bắt tay Bao hỏi:
- Anh em trong tổ phái viên vẫn khỏe cả chứ?
Bao khúm núm:
- Dạ thưa anh, khỏe cả. Anh có khỏe không ạ?
- Mình lúc nào cũng như lúc nào. Chẳng biết đau ốm là gì. Công tác có vất vả lắm không?
- Thưa anh cũng khá vất vả. Chỉ có ba anh em mà phụ trách những hai tỉnh nên gần như thường xuyên phải đi xuống cơ sở.
Ông Trung Chính mời Bao ngồi và ông cũng ngồi xuống tựa lưng vào sa-lông:
- Mình cũng hình dung ra các cậu rất vất vả. Tình hình có gì mới không?
Bao nhanh nhảu đáp:
- Thưa anh có ạ. Ở tỉnh Phước Vĩnh đang có những diễn biến khá phức tạp nên tôi về xin ý kiến của anh.
Ông Trung Chính chẳng hề tỏ thái độ trước câu nói của Bao, vẫn nói với giọng lành lạnh:
- Thế à. Uống nước đi rồi kể cho mình nghe.
Bao cầm chén nước lên tỏ vẻ cung kính:
- Mời anh ạ.
- Cậu cứ tự nhiên. Ông Ẩn, ông Sắc thế nào. Có khỏe không?
- Hai anh ấy đều khoẻ. Anh Ẩn chỉ thỉnh thoảng lên cơn đau dạ dày.
- Bệnh dạ dày của cậu ấy có từ lâu. Không chữa dứt điểm để nó trở thành ung thư thì chết. Còn ông Hoàng Kim, bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh thế nào?
- Thưa anh. Anh Kim hơi gầy và cũng bị bệnh dạ dày giống anh Ẩn.
- Cái tạng của cậu ấy như vậy nên chẳng khi nào béo. Cậu Kim là một cán bộ có năng lực lãnh đạo. Tác phong lại rất quần chúng nên mình rất quý. Có lẽ Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới sẽ đưa cậu ta vào Ban chấp hành Trung ương.
Bao hơi nhấp nhổm người:
- Đúng vậy, anh Kim là một cán bộ có tác phong quần chúng. Chỉ phải cái tội là thường hành động tùy tiện và nặng về cảm tính. Chưa hoàn toàn thoát khỏi bản chất tự do của một anh nông dân.
Ông Trung Chính nhận ra vẻ khó chịu của Bao khi nhắc đến ông Kim nên hỏi:
- Cậu có vẻ không thích cậu Kim lắm có phải không?
- Về tình cảm thì tôi rất quý anh Kim. Nhưng về quan điểm nhìn nhận các vấn đề thuộc phạm trù lí luận thì anh Kim và tôi ở hai thái cực khác nhau. Nói một cách khác là đối lập nhau.
Ông Trung Chính bắt đầu tỏ ra quan tâm đến câu nói của Bao:
- Trái ngược nhau ở điểm nào?
Bao không ngần ngại đáp:
- Tôi nhìn nhận sự vật dựa trên cơ sở đường lối và biện chứng, còn anh Kim thì nhìn nhận sự vật theo cảm tính, đôi khi rất cực đoan.
Ông Trung Chính hỏi:
- Hai người đã tranh luận với nhau bao giờ chưa?
- Cũng đã vài lần.
- Về vấn đề gì?
- Rất nhiều vấn đề nên tôi định hôm nay về đây báo cáo với anh.
- Có phải chuyện ở Phước Vĩnh có những diễn biến phức tạp mà cậu nói khi nãy không?
- Vâng.
Bao mở cặp lấy ra bản dự thảo của tỉnh ủy Phước Vĩnh cầm hai tay đặt xuống trước mặt ông Trung Chính:
- Thưa anh…
Ông Trung Chính nhìn vào tập giấy Bao vừa để xuống bàn hỏi cắt lời Bao:
- Tài liệu gì đấy?
- Thưa anh, đây là bản dự thảo về quản lí lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã của tỉnh ủy Phước Vĩnh.
Ông Trung Chính cầm lên lật từng tờ xem lướt qua rồi đặt xuống bàn.
- Bây giờ cậu kể cho mình nghe chuyện gì đã xảy ra ở tỉnh Phước Vĩnh.
Bao đắn đo một lúc mới nói:
- Đáng ra việc này phải do anh Ẩn báo cáo với anh. Nhưng mấy lần tôi đề nghị, anh Ẩn vẫn chần chừ bảo để xem tình hình diễn biến đến đâu rồi báo cáo luôn thể. Tôi sợ để cho tình hình trở nên trầm trọng thì hậu quả xấu không thể lường được nên về báo cáo để anh nắm được và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ông Trung Chính vẫn không hề đổi sắc mặt hỏi:
- Tình hình nghiêm trọng đến thế kia à?
- Vâng. Theo tôi là rất nghiêm trọng.
- Cậu nói đi. Chuyện gì đã xảy ra ở Phước Vĩnh?
Bao biết tính của ông Trung Chính nên không hề quan tâm đến thái độ gần như lạnh nhạt của ông. Bao nói rành rọt:
- Về quan điểm của tỉnh ủy Phước Vĩnh, nói đúng hơn là của anh Kim như thế nào, anh đọc kỹ bản dự thảo về quản lí lao động nông nghiệp sẽ rõ. Tôi chỉ xin báo cáo những diễn biến lệch lạc gần một năm nay ở tỉnh Phước Vĩnh để anh nắm được. Do cách nhìn nhận, đánh giá tình hình Hợp tác xã hiện nay đang xuống cấp trầm trọng khiến đời sống nông dân xuống dưới mức nghèo khổ mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do cơ chế hiện hành…
Ông Trung Chính ngắt lời Bao:
- Có đúng tỉnh ủy Phước Vĩnh đánh giá như vậy không?
- Thưa anh đúng như thế đấy ạ. Trong bản dự thảo cũng ghi rõ điều này. Mấy lần tôi tranh luận với anh Kim về điểm này nhưng anh Kim vẫn khăng khăng cho rằng do cơ chế hiện nay là tập trung quan liêu bao cấp nên mới để lại hậu quả đói nghèo cho nông dân hứng chịu…
Ông Trung Chính thốt lên:
- Bậy. Rất bậy. Nhận định như thế là hồ đồ quá.
Bao chớp lấy lời ông Trung Chính:
- Từ chỗ nhận định mơ hồ ấy mà tỉnh ủy Phước Vĩnh đề ra những giải pháp có thể nói là phản Chủ nghĩa xã hội. Không những thế còn ủng hộ những hành động tự phát của nông dân, khiến nhiều Hợp tác xã chỉ còn là hình thức, còn thực chất bên trong là đang dần dần trở về với con đường làm ăn cá thể.
Trán ông Trung Chính nhăn lại:
- Cậu nói cụ thể cho mình biết những diễn biến cụ thể ở những Hợp tác xã đang làm ăn lệch lạc mà cậu nắm được cho mình nghe thử.
Bao phấn chấn hẳn lên:
- Vâng. Tôi xin nêu lên một số Hợp tác xã điển hình của lối làm ăn tùy tiện. Ở huyện Vĩnh Hòa có Hợp tác xã Hồng Vân. Hợp tác này đã chia đất cho xã viên làm vụ xen canh, trả ao cá trong các gia đình về cho hộ xã viên nuôi, chỉ nộp cho tập thể một phần, còn phần lớn đem đi bán ra bên ngoài. Nghiêm trọng hơn là có hai Hợp tác xã ở Vĩnh Hòa đã hóa giá công cụ sản xuất bán lại cho nông dân…
Ông Trung Chính không còn giữ được thái độ bình thản như lúc đầu nữa. Ông gằn trong cổ:
- Thế này thì nguy to, còn đâu là Hợp tác xã nữa. Ông Kim có biết việc này không?
- Có biết. Và chính anh Kim là người cổ vũ việc làm này.
Ông Trung Chính bực tức thật sự:
- Cái tay Kim này sao lại hồ đồ vậy nhỉ. Các cậu đều biết việc này cả chứ?
- Vâng. Chúng tôi đã xuống tận nơi kiểm tra và yêu cầu chấm dứt tình trạng làm ăn vô nguyên tắc trên. Nhưng lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa và Hợp tác xã Hồng Vân được sự bao che của anh Kim và chị Thường, họ kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình.
Ông Trung Chính ngạc nhiên:
- Cậu bảo sao. Cả cô Thường cũng bảo vệ quan điểm lệch lạc của huyện ủy Vĩnh Hòa?
Bao nhếch mép cười:
- Chị Thường bảo vệ hăng hái không kém gì anh Kim anh ạ.
Ông Trung Chính đứng lên đi đi lại lại trong phòng. Những điều Bao vừa nói với ông quả là quá bất ngờ. Đối với người khác không nói làm gì, nhưng đối với ông Kim và bà Thường, ông nghĩ không ai hiểu hai người này bằng ông. Không ai khác chính ông là người đã dìu dắt giáo dục hai người này đi làm cách mạng. Trải qua những ngày gian khổ, hiểm nguy khi Đảng đang còn hoạt động bí mật, họ tỏ ra là những người trung kiên, một lòng một dạ đi theo Đảng. Ông không tin trình độ ông Kim, bà Thường lại nhận thức một cách ngây thơ về con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa được. Phải chăng ngọn gió độc của chủ nghĩa xét lại đang len lỏi vào trong đầu óc của họ? Không bao giờ có chuyện đó. Vậy thì điều gì xui khiến ông Kim, bà Thường lại mở đường cho nông dân trở về với con đường làm ăn cá thể? Chưa tìm ra lời giải đáp nên ông Trung Chính quay lại ngồi vào sa-lông, nói với Bao giọng tâm sự:
- Cậu biết không. Cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình nhiều năm gắn bó với cậu Kim và cô Thường. Mình hết sức yêu thương và tin cậy ở họ. Mình lúc nào cũng nghĩ phẩm chất cách mạng ở họ không thua kém bất kỳ ai. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, có những lúc Cách mạng đứng trước những khó khăn không thể tả, nhưng cả hai người lúc nào cũng kiên định với đường lối của Đảng chứ chưa thấy cô Thường và cậu Kim tỏ ra dao động bao giờ. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ vừa qua cũng vậy. Cậu Kim hết làm bí thư huyện ủy đến bí thư tỉnh ủy nhưng ở cương vị nào cậu ấy cũng rất xứng đáng là một người lãnh đạo xông xáo, năng động. Không kể hiểm nguy vào tận vùng địch hậu để xây dựng cơ sở kháng chiến. Giờ đây toàn Đảng toàn dân ta chỉ còn một mục tiêu duy nhất là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đánh thắng đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước thì họ lại có nhưng suy nghĩ ngược chiều. Cậu thử giải thích cho mình biết vì sao vậy?
Bao thuộc làu những điều mình đã suy nghĩ nên khi nghe ông Trung Chính nói như vậy liền tuôn ra một mạch:
- Tôi suy nghĩ không biết có đúng hay không. Tình hình các Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới đang chịu tác động không nhỏ của Chủ nghĩa xét lại hiện đại. Điều đó có tác động ít nhiều đến một số cán bộ và đảng viên của ta. Không phải không có những hiện tượng đòi xem xét lại đường lối lãnh đạo của Đảng. Biểu hiện rõ nhất là trong giới văn nghệ sĩ và trí thức. Khi đọc kỹ bản dự thảo về việc quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp, tôi thấy nổi lên một vấn đề đáng lo ngại. Đó là khuynh hướng xa rời đường lối Hợp tác hóa của Đảng. Việc bán lại nông cụ cho cá thể, cho mở thị trường tự do trong việc bán khoai tây hay khoán ruộng đất cho hộ, dù vô tình hay hữu ý thì những hiện tượng này đều là biến tướng của xét lại.
Ông Trung Chính chưa xem kỹ bản dự thảo nên khi nghe Bao nói vậy ông tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Cậu bảo sao. Cho khoán ruộng đất đến hộ?
Bao tiếp tục cái giọng đều đều của mình:
- Theo như đồng chí Đình, thường vụ tỉnh ủy, một con người kiên định, đấu tranh không khoan nhượng với những việc làm sai trái của anh Kim cho biết thì trong vụ chiêm sắp tới, anh Kim cho làm thí điểm khoán hộ cây lúa ở Hợp tác xã Gia Đạo. Việc này trong bản dự thảo cũng công khai đề cập tới.
Ông Trung Chính hỏi giọng tức bực:
- Cậu Ẩn, cậu Sắc có biết những việc này không?
- Thưa anh, cách đây mấy tuần, anh Ẩn và anh Sắc có xuống kiểm tra tình hình ở Gia Đạo nên tôi tin là hai anh ấy biết. Nhưng tôi có cảm giác hai anh ấy đang dao động trước hiệu quả đưa lại của việc thay đổi cung cách làm ăn của số Hợp tác xã nói trên.
- Tình hình nghiêm trọng như vậy sao không thấy các cậu báo cáo là thế nào?
- Tôi đã mấy lần đề nghị anh Ẩn báo cáo kịp thời với Ban bí thư, nhưng anh Ẩn bảo để chờ xem tình hình diễn biến như thế nào rồi kết luận và báo cáo một thể.
Ông Trung Chính giận dữ:
- Nghĩa là chờ phong trào Hợp tác xã tan rã rồi báo cáo luôn chứ gì? Mình không hiểu trách nhiệm các cậu để ở đâu?
- Anh Ẩn là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó Ban nông nghiệp Trung ương được phân công làm tổ trưởng tổ phái viên, anh ấy không chịu báo cáo thì tôi và anh Sắc không thể vượt quyền anh ấy để báo cáo được. Tôi biết lần này tôi tự động về gặp anh để báo cáo là một việc làm vô nguyên tắc. Nhưng vì trách nhiệm của một đảng viên đối với sự nghiệp của Đảng, tôi không thể không làm.
Ông Trung Chính không quan tâm đến câu nói của Bao mà hỏi:
- Trong Ban thường vụ tỉnh ủy Phước Vĩnh không có ai có ý kiến với những việc làm của cậu Kim hay sao?
- Trong số bảy ủy viên thường vụ thì chỉ có hai người phản đối. Người phản đối quyết liệt nhất là đồng chí Đình, trưởng Ban tuyên huấn tỉnh ủy. Do đồng chí Đình đấu tranh mạnh nên có lần anh Kim định đẩy anh Đình đi làm chuyên gia ở Lào để khỏi cản trở việc làm của mình.
- Có cả chuyện đó nữa kia à?
- Chính miệng anh Đình nói cho tôi hay.
Ông Trung Chính kêu lên:
- Ông Kim ơi là ông Kim. Tôi hy vọng ở ông bao nhiêu thì giờ đây tôi lại thất vọng với ông bấy nhiêu.
Bao thấy như mở cờ trong bụng:
- Thưa anh. Anh có cho chỉ thị gì không ạ?
- Cậu về nói với cậu Ẩn ngày mai về gặp mình ngay. Nói với cậu ấy chuẩn bị tài liệu đầy đủ dành một ngày báo cáo toàn bộ diễn biến tình hình ở Phước Vĩnh.
Nói xong ông Trung Chính ngả người tựa vào thành ghế nhìn lên trần nhà thở dài. Bao hiểu ông Trung Chính muốn dừng câu chuyện ở đây nên đứng lên chào từ biệt. Người nhẹ lâng lâng.
4
Ông Kim tức điên người khi biết Đình cho đem bản dự thảo qua báo cáo với tổ phái viên. Ông không lo cho ông mà ông đang nghĩ đến những gì tốt đẹp vừa được nhen nhóm lên sẽ trở thành mây khói nếu như bản dự thảo này đến tay ông Trung Chính. Mà điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra bởi ông biết đây là dịp tốt để cho Bao tâng công. Máu nóng trong người ông Kim bốc lên. Không cần cho người gọi Đình qua phòng mình làm việc như mọi lần, ông Kim qua hẳn chỗ Đình…
Bà Thường gặp ông Kim đi ra khỏi phòng làm việc của Đình với vẻ mặt tức giận. Hai người gật đầu chào nhau như hiểu sự tình. Bà Thường hỏi:
- Chú lúc nào cũng căng thẳng với chú Đình là thế nào hả?
- Bực lắm chị ạ. Mình có phải cái thằng không hiểu gì lí luận đâu mà cứ ngồi nói chuyện với hắn là hắn tuôn ra hàng tràng từ Mác, Ăng-ghen, Lê-nin cho đến Mao Trạch Đông. Đúng là cái loài nhai lại. Trong nội bộ mà có một anh như vậy khó chịu lắm chị ạ. Làm gì cũng thấy vướng. Chị định đến chỗ tôi đấy à?
- Tôi đang định đến chú nhưng khi đi ngang qua phòng chú Đình thấy chú và chú Đình đang to tiếng với nhau nên tôi mới định vào để rứt hai con gà chọi ra.
- Vừa rồi chị bảo muốn gặp tôi để nói chuyện gì có phải không?
- Chuyện là thế này. Vô tình hôm kia ngồi hút thuốc nói chuyện trên trời dưới đất với chú Thiện, làm thường trực. Chuyện loanh quanh thế nào chú ấy lại tự phê bình là đôi khi chủ quan thiếu cảnh giác. Rồi tiện mồm chú ấy kể có một lần có người tự xưng là Chủ nhiệm Hợp tác xã ở xã Đạo Thắng lên xin gặp bí thư tỉnh ủy để nói chuyện gì đó. Chú Thiện biết tính chú hễ nghe nói đến nông dân gặp là mừng nên chỉ luôn đường vào phòng làm việc của chú. Anh Chủ nhiệm ấy còn hỏi chú Thiện nhà của các đồng chí phái viên Trung ương ở đâu? Chú Thiện cũng thật thà chỉ luôn. Chú Thiện cứ ân hận mãi chuyện thiếu cảnh giác của mình. Theo chú có phải cái tay Chủ nhiệm nào đó ở Đạo Thắng đem đơn tố cáo nộp cho các đồng chí phái viên không?
Ông Kim ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
- Nếu đúng thế thì chỉ có tay Lịch, Chủ nhiệm cũ Hợp tác xã Gia Đạo. Tay này bày mưu tính kế định để được bầu lại, nhưng sau đó đảng ủy Đạo Thắng nhận ra thủ đoạn của chúng nó nên ra quyết định hủy bỏ kết quả và cho tổ chức bầu lại. Kết quả Ban quản trị cũ rớt. Có lần tôi xuống kiểm tra vụ cấy mùa. Thấy chúng nó vô trách nhiệm để cho xã viên làm ăn gian dối, tôi liền cho gọi cả ba tay, chủ nhiệm và hai phó chủ nhiệm bắt lội xuống ruộng bốc đất lên và chỉ cho chúng nó thấy tác phong quan liêu của mình. Có lẽ do bất mãn nên tay này mới làm xằng.
Bà Thường bảo:
- Chú cho điều tra lại cho kỹ và trị cho nó một mẻ về cái tội vu cáo.
- Chuyện xảy ra lâu rồi chẳng cần khêu lại làm gì chị ạ. Hơn nữa con người ta ai chẳng có những phút dại dột. Biết mình làm bậy rồi, thế nào cũng ân hận và suốt ngày nơm nớp lo sợ hành vi của mình bị lộ. Chẳng có hình phạt nào nặng nề bằng hình phạt lương tâm mình thường xuyện bị cắn rứt đâu chị ạ.
- Biết vậy. Nhưng mình không nói, nó tưởng mình không biết rồi sau này lại ngựa quen đường cũ, vu cáo bậy bạ, gây nên tình trạng nghi ngờ nhau trong nội bộ, ngoài nhân dân khiến Hợp tác xã đâm ra rối ren chẳng ai muốn lo ăn lo làm.
- Đánh trăm người có tội thì dễ, tha một người có tội mới khó. Hơn nữa chị còn lạ gì nông thôn nhà mình. Tắt mắt táy máy bắt trộm con gà con qué, quả mít quả cà mà để cho người ta bắt được còn xấu cả họ huống gì cái tội gắp lửa bỏ tay người. Không khéo rồi tay Lịch phải bỏ làng mà đi. Nếu cần thì bảo anh Chủ nhiệm hay bí thư chi bộ gọi nó tới, rỉ tai cho nó biết là việc làm của nó tổ chức đã biết rồi, phải lo làm lo ăn để chuộc tội. Như vậy lại có tác dụng hơn là đưa ra công khai cho bà con biết.
Bà Thường thấy ông Kim nói có lí nên gật đầu:
- Chú nói cũng phải. Riêng chuyện chú Đình đưa bản dự thảo cho các đồng chí phái viên xem, các đồng chí ấy đã có ý kiến gì với chú chưa?
- Chính thức thì chưa nhưng anh Sắc có qua ngồi nói chuyện một lúc về việc này.
- Ý kiến của anh ấy thế nào?
- Có đời nào ông Sắc và ông Ẩn công khai ủng hộ. Nhưng qua những lời nói của anh Sắc thì tỏ ra anh Sắc và anh Ẩn không hề phản đối. Riêng ông Bao thì chắc chắn là giãy lên như đỉa phải vôi rồi. Hôm kia ông Bao về Hà Nội, anh Sắc cũng không nắm được về có việc gì. Tôi đang lo nếu ông Bao đem bản dự thảo về báo cáo với anh Trung Chính thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây chị ạ.
- Nếu đúng như vậy thì đáng lo thật. Chú định khi nào thì tổ chức họp để trao đổi về bản dự thảo?
Ông Kim hút xong điếu thuốc rồi trả lời:
- Tôi tính rồi. Thời buổi này mà tổ chức hội nghị ở trên này không tiện lắm. Đi lại, ăn ở rồi còn công tác phòng không. Tôi định cho tổ chức trao đổi ở huyện, do bí thư huyện ủy điều khiển có khi tiện hơn chị ạ. Những huyện có những Hợp tác xã trọng điểm như Yên Hòa, Linh Sơn, Tam Bình thì chị, tôi và ông Côn hoặc ông Quốc xuống dự. Các Hợp tác xã tùy điều kiện mà sáng tạo, miễn là đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn. Sau đó tổng hợp lại và soạn thành văn bản chính thức, làm cơ sở cho Nghị quyết sau này. Chị thấy thế có được không?
- Tôi thấy làm như vậy cũng tiện. Giao cho huyện ủy chủ trì lấy ý kiến đóng góp có khi lại được nhiều ý kiến phong phú hơn là tập trung ở tỉnh. Nhưng không nên nói để các Hợp tác xã tùy điều kiện sáng tạo thêm nhiều phương pháp khoán khác nhau. Như thế là nguy hiểm, có thể làm hỏng cả việc lớn. Vì vậy chỉ cần nói, các Hợp tác xã nên vận dụng sáng tạo những phương pháp khoán đã được nêu ra trong bản dự thảo. Như vậy nó chặt chẽ hơn.
Ông Kim cười:
- Chỗ này thì tôi phục sự sáng suốt của chị rồi. Nếu tổ chức lấy ý kiến đóng góp ở huyện thì chị xuống Vĩnh Hòa nhé. Còn Linh Sơn giao cho ông Côn đi, tôi đi Tam Bình. Nếu ông Quốc sắp xếp công việc ở ủy ban được thì giao cho lão ta đi Yên Lộc. Chỉ có hai cái xe con, ủy ban một chiếc, tỉnh ủy một chiếc nên đi lệch ngày mới có xe.
- Từ đây xuống Vĩnh Hòa mấy chục cây số, tôi lóc cóc đạp xe đạp cũng được. Đi xe con, xe mẹ gì trông nó quan cách quá.
- Cái xe là phương tiện để đi làm việc, có gì mà quan cách.
Bà Thường cười:
- Thế mà chẳng hiểu sao cứ mỗi lần bước từ trên xe xuống và được mọi người vây quanh chào đón, tôi cứ thấy chân tay mình nó lóng ngóng thế nào ấy.
Ông Kim hỏi đùa:
- Thế nhỡ mai đây Quốc hội cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chị cũng đi xe đạp à?
- Đến lúc ấy thì tôi đi xe. Nhưng là cái xe có bốn bánh cao su lốp đặc sơn xanh, sơn đỏ, có người kéo người đẩy, có cả dàn nhạc dân tộc vừa đi vừa thổi bài lâm khốc đưa tiễn tôi đến chỗ nhận chức nữa kia chú ạ.
Nói xong bà Thường cười vô tư.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy