Nguyên tác: The Camel Club
Số lần đọc/download: 2988 / 91
Cập nhật: 2015-11-05 15:38:36 +0700
Chương 27
D
jamila thức dậy lúc năm giờ sáng trong căn hộ nhỏ của cô ở ngoại ô của Brennan, Pennsylvania. Ngay sau bình minh cô thực hiện lời cầu nguyện đầu tiên của mình trong ngày. Sau khi đã làm sạch sẽ cơ thể mình và cởi bỏ giầy cùng khăn che đầu, Djamila bắt đầu thực hiện những nghi thức Hồi giáo gồm đứng, ngồi, khấu đầu và phủ phục người trên tấm thảm cầu nguyện của mình. Cô bắt đầu bằng cách tụng lại câu shahada, lời kinh chủ chốt của tín ngưỡng đạo Hồi: La ilaha illa'Llah, có nghĩa là "Không có Chúa nào ngoài Đức Chúa". Sau đó, cô tụng đoạn kinh sura mở đầu, chương đầu tiên của kinh Cô-ran. Những lời khấn nguyện được thực hiện một cách âm thầm, chỉ có môi cô hơi mấp máy khi cô nhẩm đọc những từ đó. Sau khi hoàn thành phần salat của mình, cô thay quần áo và chuẩn bị đi làm trước khi ngồi xuống ăn bữa sáng.
Vừa nhìn quanh căn bếp ngăn nắp của mình, Djamila vừa nhớ lại cuộc trò chuyện của cô với Lori Franklin ngày hôm trước. Djamila đã nói dối người chủ của mình, mặc dù người phụ nữ Mỹ chẳng có cách nào để biết được sự gian dối đó. Giấy tờ chính thức của Djamila cho thấy cô là người Saudi Arabia. Điều đó, cùng với việc cô là một phụ nữ, đã cho phép Djamila nhập cảnh vào Mỹ rất dễ dàng, ngay cả trong thời kỳ hậu 11-9. Trong thực tế, Djamila sinh ra ở Iraq, và xét về mặt tín ngưỡng thì cô là một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, cũng như với hơn 80% tín đồ Hồi giáo khác trên thế giới, mặc dù ở Iraq người Sunni chỉ chiếm thiểu số. Những thời kỳ đầu, người Sunni xung đột với người anh em dòng Shia của mình quanh vấn đề ai là người kế thừa nhà tiên tri Muhammad. Giờ thì những khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo càng nhiều và sâu sắc hơn.
Những người Shia tin rằng vị khalip được kế thừa hợp lệ thứ tư, Ali ibn Abi Talib, con rể và cũng là cháu họ của Muhammad, là người kế thừa dòng máu chân chính của nhà tiên tri Hồi giáo. Những tín đồ Hồi giáo dòng Shia thực hiện việc hành hương đến Mazar-i-Sharif tới thánh đường xanh nơi Ali được mai táng. Những người Hồi giáo dòng Sunni tin rằng Muhammad không hề lựa chọn người kế vị, và do đó họ thành lập ra các khalip để cai quản thay cho nhà tiên tri sau khi ông qua đời. Người Sunni và người Shia đều đồng ý rằng không một ai trong số các khalip vươn tới tầm cao của một nhà tiên tri; tuy nhiên, việc có tới ba trong số bốn khalip phải chết thê thảm là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng Hồi giáo quanh vấn đề này.
Dưới chế độ cai trị mang tính thế tục của Saddam Hussein, Djamila đã được phép lái xe, trong khi đó ở Saudi Arabia đây vẫn là điều không thể. Những người Saudi tuân theo một hình thức sharia rất nghiệt ngã, hay còn gọi là luật Hồi giáo. Sự khắc nghiệt này đòi hỏi phụ nữ lúc nào cũng phải che kín hoàn toàn, và nó cũng cấm họ không được bầu cử hoặc thậm chí là đi ra khỏi nhà mà không có sự cho phép bằng văn bản từ chồng mình. Những quy định này được thực thi rất chu đáo bởi lực lượng cảnh sát tôn giáo rất thủ cựu và tàn nhẫn.
Ngoài ra còn phải kể đến "Quảng trường Chát-chát" khét tiếng, quảng trường chính ở trung tâm thành phố Riyadh. Chính tại đây vào mỗi thứ Sáu những kẻ phá vỡ luật sharia bị trừng phạt trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Djamila đã tới đó một lần và kinh hoàng chứng kiến cảnh năm con người bị chặt đứt hết cả hai tay và hai người khác bị chặt đầu. Một hình thức trừng phạt tinh vi hơn nhiều được gọi là fallaga, tức là cách đánh vào gan bàn chân không hề để lại dấu vết, mặc dù bao giờ nạn nhân cũng không thể nào bước nổi, và sự đau đớn thì vô cùng khủng khiếp.
Toàn bộ phần còn lại của thế giới đã cơ bản phải thay đổi thái độ kể từ khi Vua Ibn Saud, người chinh phục của xứ Arabia và cũng là vị vua đã lấy tên mình đặt tên cho đất nước này, thuê các nhà địa chất tới để tìm nước nhưng thay vào đó họ lại tìm thấy dầu. Với trọn vẹn một phần tư trữ lượng vàng đen của cả thế giới nằm dưới các sa mạc của đất nước, một nguồn tài nguyên được cả thế giới công nghiệp thèm thuồng, những người Saudi gần như lúc nào cũng có thể làm những gì họ muốn mà không sợ phải lãnh chịu hậu quả.
Tuy vậy, Djamila đã không hoàn toàn nói dối Franklin. Sống ở Baghdad, và cũng là một người Hồi giáo dòng Sunni như Saddam Hussein, cô đã từng mặc quần áo gần như tùy theo ý mình, và cô đã từng được học hành đầy đủ. Mặc dù vậy, cô vẫn căm thù cuộc sống dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Iraq. Cô đã mất những người bạn và người thân trong gia đình, những người đột nhiên "biến mất" sau khi lên tiếng phản đối nhà cầm quyền độc tài. Trong thời gian quân Mỹ xâm lược Iraq cô đã cầu nguyện để Hussein bị lật đổ, và những lời cầu nguyện đó đã linh ứng. Cô và gia đình mình ban đầu cũng chào đón những người lính Mỹ cùng đồng minh của họ như những người hùng vì đã mang lại tự do cho đất nước cô. Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi rất nhanh chóng.
Một hôm đi chợ trở về nhà Djamila nhận ra ngôi nhà của gia đình cô đã chỉ còn là đống đổ nát sau một vụ không kích nhầm. Tất cả gia đình cô, kể cả hai đứa em trai, đều thiệt mạng. Sau thảm kịch đó Djamila chuyển tới sống với họ hàng ở Mosul. Nhưng họ cũng trở thành nạn nhân của một vụ đánh bom xe trong đợt nổi dậy sau đó chống lại sự có mặt của quân Mỹ tại Iraq.
Tiếp theo Djamila đến Tikrit để ở với một người chị họ, nhưng cuối cùng thì cuộc chiến cũng buộc cô phải rời bỏ cả nơi đó. Từ đó trở đi cô trở thành người vô gia cư, gia nhập vào đội ngũ ngày càng đông những người về cơ bản đã trở thành người du mục, lúc nào cũng mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa một bên là đội quân nổi dậy ngày càng lớn mạnh và một bên là quân Mỹ và đồng minh của họ. Chính tại một trong những nhóm như vậy cô đã gặp một người đàn ông lên tiếng tố cáo người Mỹ chẳng qua chỉ là những tên đế quốc tham lam săn đuổi nguồn dầu mỏ quý giá. Ông ta lập luận rằng tất cả những người Hồi giáo đều có nghĩa vụ đứng lên giáng trả kẻ thù của Hồi giáo.
Giống như hầu hết các tín đồ Hồi giáo, cuộc jihad duy nhất mà Djamila từng thực hiện là "đại jihad", tức là quá trình đấu tranh nội tâm để trở thành một tín đồ Hồi giáo tốt đẹp hơn. Rõ ràng là người đàn ông này đang nói về một jihad khác, "tiểu jihad", một cuộc thánh chiến, khái niệm nảy sinh cùng với ý thức hệ Hồi giáo từ thế kỷ thứ 7. Thoạt đầu không mấy để ý đến người đàn ông và coi những lời rao giảng của ông ta là sự cuồng tín vô nghĩa, tuy nhiên khi hoàn cảnh của cô mỗi lúc một trở nên tăm tối, cô nhận thấy mình bắt đầu lắng nghe theo ông ta và những người khác giống ông ta. Những điều ông ta nói, kết hợp với những nỗi kinh hoàng mà cô đã tận mắt trải qua, bắt đầu trở nên có lý trong suy nghĩ của một cô gái trẻ đã mất hết tất cả. Và chỉ sau một thời gian ngắn tâm trạng chán nản và tuyệt vọng của cô chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác: giận dữ.
Không lâu sau, Djamila sang Pakistan và rồi là Afghanistan, được huấn luyện để làm những việc mà trước kia cô không bao giờ tưởng tượng là mình sẽ làm. Khi ở Afghanistan, cô mặc bộ burka, giữ im lặng và tuân theo lệnh của đàn ông. Cô thường đi chợ và chỉ một lúc sau quần áo của cô bỗng căng phồng lên vì cô nhét tất cả những thứ mình mua được vào bên dưới. Chiếc áo burka có một tấm lưới mạng ở khoảng mở phía trước mặt. Nó được thiết kế để hạn chế tầm nhìn sang hai bên của người phụ nữ. Nếu người phụ nữ muốn nhìn thứ gì đó cô ta phải quay cả đầu mình lại. Người ta bảo, bằng cách này, người chồng lúc nào cũng có thể biết điều gì đang khiến cho vợ mình quan tâm. Ngay cả khi lực lượng Taliban bị đánh lui, rất nhiều bộ burka vẫn còn được giữ nguyên. Nhưng ngay cả những phụ nữ cởi bỏ bộ burka cũng không thực sự tự do, Djamila có thể nhận thấy điều đó, vì chồng và anh trai, thậm chí cả con trai họ vẫn kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của những phụ nữ này.
Sau nhiều tháng huấn luyện, cô lên đường sang nước Mỹ, cùng với rất nhiều người khác giống cô, tất cả đều mang giấy tờ giả mạo và tất cả đều có tham vọng cháy bỏng là chống lại kẻ thù đã hủy hoại cuộc sống của họ. Djamila đã được dạy rằng tất cả mọi thứ liên quan đến nước Mỹ đều là tội lỗi. Rằng cuộc sống và những giá trị của phương Tây đều trái ngược hoàn toàn với niềm tin Hồi giáo và, thực sự, xuyên suốt trong đó là dã tâm hủy hoại Hồi giáo. Làm sao cô có thể không đấu tranh chống lại một con quái vật như vậy được?
Những tuần đầu tiên của cô tại Mỹ được chia ra giữa những trải nghiệm vừa buồn tẻ lại vừa mới mẻ. Suốt mấy tuần liền cô chẳng có gì để làm ngoài việc đưa tin đi đưa tin lại. Mặc dù vậy cô vẫn đang được chứng kiến nước Mỹ, kẻ thù lớn, lần đầu tiên. Cô đã đến một số cửa hàng lớn cùng một phụ nữ người Afghanistan. Người phụ nữ đó choáng váng khi nhìn thấy những bức ảnh chụp hình người trên các sản phẩm trong cửa hàng. Dưới chế độ của Taliban tất cả những hình ảnh như vậy đều bị xóa sạch.
Người Mỹ là những con người to lớn với khẩu vị vô độ cùng những chiếc xe kềnh càng, Djamila chưa bao giờ thấy những chiếc xe đồ sộ đến vậy. Các cửa hàng bao giờ cũng tấp nập, người ta mặc đủ các loại quần áo khác nhau. Đàn ông và đàn bà ôm quấn lấy nhau ngay giữa phố, thậm chí còn hôn nhau ngay trước mặt người lạ như cô. Và mọi việc diễn ra nhanh đến nỗi cô gần như không tài nào theo kịp. Dường như cô đã bị đẩy quá xa vào tương lai. Cô nhận thấy mình vừa hoảng sợ vừa tò mò khủng khiếp.
Rồi sau đó cô được đưa ra khỏi cái nhóm đã cùng cô tới Mỹ và chuyển tới một thành phố khác, nơi cô tiếp tục được huấn luyện thêm. Cô được trao một thân phận mới, một cách hoàn chỉnh với cả người giới thiệu hẳn hoi. Và cô cũng được cấp cho chiếc xe thùng đặc biệt mà cô đang lái lúc này. Sau đó cô được cử tới Brennan và trở thành người giữ trẻ cho gia đình Franklin. Cô thích công việc đó và thích cảm giác ở bên bọn trẻ, nhưng thời gian qua đi, cô chỉ khát khao trở về nhà. Nước Mỹ đơn giản là không phải dành cho cô.
Djamila lúc nào cũng mong mỏi đến khi cô được thực hiện haji, chuyến hành hương tới thánh địa thiêng liêng nhất của đạo Hồi, Mecca, thị trấn ở Hejaz nơi nhà tiên tri Muhammad chào đời. Cô hình dung ra cảnh mình đang đứng trong một vòng tròn bao quanh Đại Thánh đường, hay còn gọi là Al-Masjid al-Haram, ở Mecca, thực hiện những lời cầu nguyện của mình.
Chuyến hành hương tiếp tục đến Muzdalifa, nơi Lời cầu nguyện ban đêm được tiến hành, và hai mươi mốt viên sỏi được nhặt lên để thực hiện nghi lễ ném quỷ Satan ở Mina. Hai đến ba ngày ở Mina để tham gia rất nhiều buổi lễ khác nhau trước khi quay trở lại Mecca. Những gia đình đã thực hiện chuyến hành hương được phép thêm từ "haji" vào tên tuổi của mình.
Khi còn là một cô bé, Djamila đã đặc biệt bị thu hút với niềm vui đầy háo hức về những câu chuyện của lễ kỷ niệm kéo dài bốn ngày sau đó, lễ id al-adha, nghĩa là Lễ Hy sinh, hay còn gọi là Lễ hội chính. Cô cũng luôn trông mong đến ngày được vẽ hình phương tiện giao thông mà cô đã sử dụng để thực hiện chuyến hành hương lên cửa trước nhà mình, một truyền thống của người Ai Cập mà những tín đồ Hồi giáo khác nhiều khi cũng bắt chước. Tuy nhiên, Djamila đã không bao giờ có cơ hội tới Mecca trước khi đất nước của cô nổ tung trong một cuộc chiến. Giờ thì cô nghi ngờ khả năng một ngày nào đó cô có thể làm như vậy. Quả thật, cô cảm thấy gần như không thể có chuyện cô sẽ trở về tổ quốc của mình trong bất kỳ thứ gì khác ngoài một chiếc quan tài.
Cô gói ghém đồ đi làm của mình và đi xuống lấy xe. Cô liếc nhìn vào khoang chở hàng phía sau chiếc xe. Giấu kỹ trong đó là một chi tiết được bổ sung thêm mà không một nhà sản xuất nào từng nghĩ đến.
Ở chính giữa khu trung tâm thị trấn Brennan, Thuyền trưởng Jack vừa hoàn thành việc mua dinh cơ mới của mình một cơ sở sửa chữa ô tô. Trong bộ vest hai mảnh lịch lãm, vị "doanh nhân" trong cung cách đường bệ cầm chìa khóa, cảm ơn người bán và người môi giới của mình rồi lái đi trong chiếc Audi mui trần. Cả hai đều đã mỉm cười, đếm tiền và chúc hắn may mắn. Chúc các vị cũng may mắn, hắn chỉ muốn nói như vậy. Và chúc thị trấn Brennan may mắn. Chắc chắn thị trấn này sẽ cần điều đó.
Một vài phút sau Thuyền trưởng Jack đậu xe bên lề đường, bật mở chiếc iPAQ, vào mạng internet và đăng nhập chat room. Bộ phim hôm nay là Phù thủy xứ Oz. Hắn nhớ là đã từng xem bộ phim này khi còn bé. Có lẽ là không giống với hầu hết người xem, hắn vẫn luôn cảm thông với tình cảnh của những con khỉ bay bị bắt làm nô lệ. Hắn để lại tin nhắn của mình sắp xếp một cuộc gặp tại công viên.
Cơ sở sửa chữa ô tô này sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của toàn bộ chiến dịch, và đó là nơi người phụ nữ này sẽ xuất hiện. Nếu cô ta không thành công, thì sẽ chẳng công việc nào của hắn còn quan trọng nữa. Có nhiều thứ mà người ta không thể có được từ những bức e-mail vô hình, ví dụ như một con người có ý chí cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhiều khi bạn phải tự đi mà lo cho bản thân mình.
Đó là một ngày đầy mây u ám và hơi giá lạnh, nên công viên gần như vắng tanh. Thuyền trưởng Jack ngồi trên một băng ghế dài, đọc báo và uống cà phê. Hắn đã dành cả nửa tiếng đồng hồ thận trọng quan sát công viên trước khi bước ra khỏi xe của mình. Khả năng có ai đó đang theo dõi hắn là cực kỳ thấp. Tuy nhiên con người ta không thể sống sót trong một cái nghề như của hắn nếu bỏ qua những chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.
Các trang nhất kín đặc những thông tin rất quan trọng: Thị trường chứng khoán hôm qua, thật lạ lùng, đã tăng trở lại sau khi tụt dốc một ngày trước đó. Nhìn đâu cũng thấy tin về giải bóng bầu dục Mỹ; cuộc chiến trên sân cỏ như người ta gọi nó. Ít nhất thì những kẻ chưa bao giờ trải qua chiến tranh thực sự cũng gọi như vậy. Thuyền trưởng Jack còn đọc được một tin hết sức giật gân rằng một ngôi sao điện ảnh đang bỏ vợ vì một ngôi sao điện ảnh khác. Và rồi hắn đọc thông tin mới được phanh phui về việc một ngôi sao nhạc rock bị bắt quả tang hát nhép trong một buổi biểu diễn trực tiếp. Và một vụ đánh bom bằng xe giết chết ba người Israel trong cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt. Hành động trả thù sẽ sớm được thực hiện, những quan chức Israel tuyên bố. Đúng, sẽ sớm thôi, Thuyền trưởng Jack biết chắc. Đừng có dại mà dây vào với dân Israel. Thuyền trưởng Jack là một kẻ cực kỳ liều lĩnh và dạn dày trận mạc. Tuy vậy, ngay cả hắn cũng phải tránh gây thù chuốc oán trực tiếp với dân Israel.
Vùi mặt vào trang sau của tờ báo, Thuyền trưởng Jack đọc về dịch AIDS ở châu Phi tiếp tục giết chết hàng triệu người như thế nào. Sau đó hắn lướt qua một bài báo về những cuộc nội chiến ở lục địa đó làm hàng triệu người nữa mất mạng. Cả một nửa thế giới sống trong đói nghèo cùng cực, một bài báo khác khẳng định. Hàng nghìn trẻ em đang chết mỗi ngày chỉ vì chúng chẳng có gì để cho vào bụng.
Thuyền trưởng Jack đặt tờ báo xuống. Hắn cũng chẳng phải là một nhà đạo đức gì; trong đời hắn đã giết rất nhiều người. Nếu quả thật có thiên đường và địa ngục, hắn thừa biết nơi cư trú vĩnh cửu của mình sẽ là nơi nào. Nhưng, quả thật, hát nhép mà cũng được đưa lên trang nhất sao?
Đầu tiên hắn nghe thấy tiếng lũ trẻ, nhưng không nhìn về hướng đó. Sau đó hắn lắng nghe tiếng chiếc xích đu đung đưa, và rồi là tiếng chiếc đu quay vòng đi vòng lại. Hắn mỉm cười khi nghe những tiếng la hét đầy phấn khích của lũ trẻ.
Cuối cùng, những âm thanh của lũ trẻ cũng lắng dần. Thêm vài phút nữa qua đi, rồi hắn nghe thấy tiếng cánh cửa xe mở ra và đóng lại. Tiếp theo, hắn lắng nghe tiếng bước chân đang đi về phía mình. Những bước chân bình tĩnh, nhẹ nhàng. Rồi một tiếng cọt kẹt khẽ vang lên từ chiếc ghế dài khi người kia ngồi xuống. Ngay lập tức hắn giơ tờ báo lên.
"Tôi nghĩ là cổ phiếu của hãng Steelers sẽ tăng rất mạnh trong năm nay, cô có nghĩ vậy không?" hắn nói.
"Không, tôi đặt tiền của mình vào hãng Patriots cơ," người kia trả lời.
"Cô chắc chứ?"
"Tôi hoàn toàn chắc chắn về những gì tôi nói. Nếu tôi mà nghi ngờ, tôi sẽ không nói gì hết."
Sau khi đã trao đổi xong mật khẩu nhận dạng, Thuyền trưởng Jack bắt tay vào công việc.
"Mọi chuyện với gia đình Franklin vẫn ổn chứ?"
"Vâng, rất ổn," Djamila trả lời.
"Nề nếp sinh hoạt đều bình thường, không có khó khăn gì với cô chứ?"
"Cuộc sống của họ rất đơn giản. Ông ta thì lúc nào cũng làm việc. Chị ta thì lúc nào cũng chơi."
Hắn nhận ra vẻ gay gắt trong giọng cô. "Ồ, cô nghĩ vậy thật sao?"
"Tôi biết vậy mà." Cô ngập ngừng rồi nói thêm, "Người Mỹ khiến tôi ghê tởm."
"Thật sao, giờ vẫn thế à?"
"Họ là lũ lợn! Họ là quỷ dữ, tất cả bọn họ!"
Hắn nói một từ bằng tiếng Ả-rập làm Djamila cứng đờ người.
"Nghe tôi này," Thuyền trưởng Jack đanh giọng nói. "Một số người Mỹ là người xấu và một số người Hồi giáo cũng là người xấu. Nhưng hầu hết đều muốn sống trong hòa bình và hạnh phúc tương đối, tạo dựng một ngôi nhà, lập gia đình, cầu nguyện Chúa và chết trong danh dự."
"Họ đã hủy hoại đất nước tôi! Họ nói Iraq cùng một giuộc với al-Qaeda và Taliban. Điều đó thật điên rồ. Hussein và bin Laden là kẻ thù không đội trời chung; tất cả chúng tôi đều biết điều đó. Và mười lăm trong tổng số mười chín tên không tặc trong vụ 11-9, là người Saudi. Vậy mà tôi không thấy những chiếc xe tăng Mỹ lăn bánh trên đường phố Riyadh, chỉ thấy ở Baghdad."
"Phế truất một người mà họ từng giúp duy trì quyền lực, tôi biết. Nhưng Iraq đâu có sở hữu một phần lớn của nước Mỹ như người Saudi. Hơn thế nữa, tất cả những nền văn minh 'vĩ đại' đều thẳng tay sát hại những kẻ chắn đường mình. Cô có thể nói với người thổ dân châu Mỹ về chuyện đó. Nhưng nếu cô muốn nghe nói về sự tàn độc của người Hồi giáo với người Hồi giáo khác, hãy đến gặp những người Kurd."
"Ông hãy nói cho tôi nghe. Ông hãy nói cho tôi nghe ngay lúc này đi! Tại sao? Tại sao!"
Giọng của Thuyền trưởng Jack nghe thật bình tĩnh nhưng rất dứt khoát. "Bởi vì cơn giận dữ mà cô lầm tưởng là nỗi khát khao có thể chính là yếu tố phá hỏng tất cả những gì chúng ta đã nỗ lực từ trước đến nay. Tôi cần cô phải tập trung, chứ không phải căm thù. Lòng căm thù khiến cô làm những việc không có lý trí, cô có hiểu điều tôi nói không?"
Đáp lại Jack chỉ có sự im lặng.
"Có hiểu không?"
Cuối cùng Djamila cũng nói, "Có."
"Kế hoạch đã thay đổi. Thật ra giờ đây nó trở nên gọn gàng hơn một chút. Tôi muốn cô lắng nghe thật kỹ đây. Và sau đó cô sẽ bắt đầu tuân theo lộ trình mới này, làm đi làm lại cho đến khi ngay cả trong lúc ngủ cô cũng có thể làm được."
Khi hắn làm xong cái việc quán triệt cho cô những chi tiết mới, cô nói, "Đúng như ông nói, bây giờ mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Đó cũng là con đường tôi đi để tới nhà của vợ chồng Franklin."
"Chính xác. Nhưng chúng ta phải lường trước mọi tình huống. Vào ngày hôm đó, nếu lịch sinh hoạt của gia đình Franklin có thay đổi vì bất kỳ lý do gì, và đó là điều hoàn toàn có thể, sẽ phải có người sẵn sàng hỗ trợ. Cô nhớ cô sẽ phải nói gì chứ?"
"Trời sắp có bão," Djamila trả lời. "Nhưng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết."
"Nhưng nếu đó là điều cần thiết, thì nó sẽ phải được làm đúng như vậy." Hắn nói câu này với giọng dứt khoát, bằng tiếng Ả-rập.
Cô lưỡng lự, rồi hỏi, "Và nếu cơn bão đến?"
"Thì cô sẽ làm những gì cô được đưa đến đây để làm. Nhưng nếu bọn chúng ngăn chặn được cô" - hắn ngừng lại - "cô sẽ nhận được phần thưởng của mình. Với tư cách là một fida'ya." 1
Djamila mỉm cười và ngước mắt nhìn lên một điểm trên bầu trời đầy mây nơi một tia nắng mặt trời đang le lói chiếu xuyên qua. Từ trước đến nay chưa ai gọi cô là một fida'ya cả.
Cô vẫn đang chăm chú nhìn lên điểm sáng đó khi Thuyền trưởng Jack đi khỏi.
Hắn đã biết quá đủ.