Số lần đọc/download: 2080 / 57
Cập nhật: 2015-01-20 16:57:30 +0700
Chương 31
Trời đã sụp tối từ lâu. Trong sân khám đường, đèn đuốc sáng choang như ban ngày. Quang cảnh vẫn còn hỗn loạn.
Mụ Quỷ Sứ đã xông ra điều khiển bọn nữ tù nhân hỗn loạn. Dưới sự chỉ huy của mụ, bọn nữ tù hợp lại và tìm cách mở đường thoát thân. Người nào cũng cầm lăm lăm trên tay một thứ khí giới bằng gỗ hoặc sắt. Bọn chúng vẫn chưa chạy thoát một mạng nào.
Mụ Quỷ Sứ đứng đầu, dữ dằn như một nữ tướng. Mụ ôm chặt đứa bé sơ sinh trên cánh tay gân guốc. Đứa bé vẫn khóc thét lên từng hồi nghe não nuột. Bọn nữ tù vẫn la hét ầm ĩ và chửi bằng những từ tục tĩu nhất.
Nhân viên công lực chưa có lịnh đàn áp thẳng tay. Binh sĩ tiếp viện đã tới, phụ sức với cảnh sát lập thành một hàng rào ngăn cản bọn nữ tù vượt ra ngoài. Bao nhiêu mũi súng đều chĩa về phía bọn nữ tù. Hai bên chỉ còn cách nhau một khoảng ngắn.
Nếu không tránh được xô xát thì tình thế chắc bi đát lắm.
Muốn tránh cuộc đổ máu vô ích, ông quản đốc khám đường dùng loa phóng thanh khuyên dụ bọn nữ tù:
- Chị em buông khí giới đầu hàng mau! Hẹn trong năm phút! Quá thời hạn này nhân viên công lực sẽ dùng mọi cách để vãn hồi trật tự an ninh! Có thể súng sẽ nổ! Chị em đừng nuôi ảo tưởng vượt ngục dễ dàng! Đừng nghe lời dụ dỗ của mụ Quỷ Sứ! Chị em sẽ được tha thứ tội lỗi nếu tuân lệnh tôi ngay! Còn nếu cãi lệnh, chị em sẽ bị trừng phạt thật nặng nề! Tôi nhắc lại lần nữa. Chỉ năm phút thôi nhé! Chị em hãy buông khí giới và lần lượt trở về phòng giam trong trật tự nghe cho rõ!
Sợ bọn nữ tù lung lạc, mụ Quỷ Sứ hùng hổ hét to:
- Cứ bắn đi! Đừng chờ đợi năm mười phút gì ráo! Chúng tao không sợ chết đâu, bắn đi!
Mụ bồng đứa bé đưa lên cao và thách thức:
- Cả thằng bé này cũng chết oan theo chúng tao!
Trước sự khiêu khích có toan tính của mụ Quỷ Sứ, ông quản đốc khám đường lấy làm khó xử vô cùng. Tình cảnh này không giải quyết bằng lời lẽ êm dịu được rồi, kéo dài thì giờ không xong vì sẽ khó ổn định lại trật tự. Nếu ra lệnh nổ súng, đứa bé vô tội kia sẽ lãnh đạn trước nhứt, làm sao bây giờ? Tình hình nghiêm trọng và nan giải. Từng phút một, từng phút một trôi qua.
Mọi người hiện diện trong sân khám đường như muốn nghẹt thở, bao nhiêu lồng ngực hồi hộp thở chờ đợi. Bầu không khí nặng trĩu. Đã quá năm phút rồi.
Triệu Vĩ tái mặt đứng chết trân. Chàng nhìn lăm lăm đứa bé: giọt máu duy nhất còn lại của chàng.
Ông quản đốc khám đường chưa dám đàn áp mạnh bọn nữ tù. Ông biết mụ Quỷ Sứ dám hạ sát đứa bé chớ chẳng phải hăm dọa suông.
Chưa ai tìm ra phương pháp tốt đẹp để giải quyết vấn đề nan giải này. Mọi người im phăng phắc.
Bọn nữ tù cũng ngừng la ó. Họ cũng linh cảm tình thế này sẽ vô cùng nghiêm trọng. Sự sống đang kề bên sự chết. Họ đang trả giá sự tự do của họ bằng một cái giá đắt. Mụ Quỷ Sứ đã mang mạng sống của một trẻ thơ vô tội để đánh đổi sự tự do của mụ. Thực là tàn nhẫn.
Ánh sáng bập bùng yếu ớt trong sân khám đường càng làm khung cảnh ma quái và rùng rợn thêm.
Hoang mang cực độ!
Giữa lúc tình hình đang căng thẳng gay go, bỗng nhiên ni cô Diệu Linh tách rời đám đông và chậm rãi bước tới trước. Thái độ trang nghiêm, lạnh lùng của nàng làm tất cả mọi người đều đổ xô nhìn về phía nàng. Chẳng ai đoán nổi nàng định làm gì. Màu áo nâu sòng nổi hẳn lên.
Triệu Vĩ hồi hộp lo âu. Hình như chàng đã đoán được ý định của Mỹ Lan. Vì tất cả mọi người đều tụ ngoài sân khám đường nên chưa ai hay biết cảnh chết thảm thương của Tuyết ở trong căn phòng vắng lạnh!
Mụ Quỷ Sứ hét to:
- Mầy định làm gì, muốn gì? Con trọc khả ố kia!
Trước thái độ dữ dằn đầy vẻ hăm dọa của mụ Quỷ Sử, ni cô Diệu Linh bình tĩnh đáp:
- Tôi muốn bồng đứa bé! Chị hãy trao cháu bé cho tôi! Chị giữ nó chẳng ích lợi gì. Chị thấy chưa, thằng bé đang khóc thét thảm thương. Có lẽ nó khát sữa rồi đó, nó đang đòi mẹ nó!
Vừa nói, ni cô Diệu Linh vừa từ từ tiến về phía mụ Quỷ Sứ.
Nhìn cử chỉ can đảm và cương quyết của ni cô, mụ Quỷ Sứ tuy dữ dằn nhưng vẫn thấy chột dạ. Mụ lùi lại một bước và cố hét to hơn như để đàn áp tinh thần đối thủ:
- Không đời nào tao giao đứa bé! Chúng mầy cứ bắn đi! Bắn đi! Tao không sợ đâu!
Tiếng quát tháo của mụ vang lồng lộng như tiếng hét của tử thần. Mỗi con tim đều như ngừng đập.
Tình hình căng thẳng ghê gớm. Hai đối thủ gườm nhau. Kẻ nhứt định đòi đứa bé. Người nhứt định giữ đứa bé. Ni cô Diệu Linh vẫn tiến đều bước. Nàng dùng lời lẽ ngọt dịu khuyên dụ mụ Quỷ Sứ:
- Đứa bé vô tội! Chị hãy giao nó cho tôi! Mẹ nó đang hấp hối và chính chị gây ra tội lỗi đó, chị chưa hài lòng sao?
Mụ Quỷ Sứ cười hăng hắc:
- Con khốn nạn đó chết mất rồi chớ còn đâu mà hấp với hối! Tao đã giết nó và giờ sẽ giết luôn con nó nữa! Ha! Ha! Giết! Giết!
Tình thế xem chừng khó giải quyết tốt đẹp. Mụ Quỷ Sứ hùng hổ nói tiếp:
- Tao sẵn sàng trao trả đứa bé nhưng với điều kiện rõ ràng là tao đánh đổi đứa bé bằng sự tự do của tao. Chỉ có điều kiện duy nhất đó là giải quyết được vấn đề. Bằng không...
Nói tới đây mụ Quỷ Sứ bỏ dở câu nói và buông tiếng cười rùng rợn khoái trá, đầy tính cách đe dọa.
Ông quản đốc khám đường nóng nãy xen vào:
- Bằng không... mụ tính thế nào?
Mụ trả lời không do dự:
- Nếu đề nghị của tao không được thỏa mãn thì tụi bây cứ nổ súng, tao sẵn sàng chết cùng với đứa bé. Tao có tội thì đã đành rồi nhưng còn đứa bé sơ sinh. Chắc ai cũng đồng ý là nó vô tội, phải không?
Ni cô Diệu Linh trầm tĩnh:
- Chị hãy nghe tôi. Hiện thời chị chưa có con, chị chưa biết thế nào là tình mẫu tử. Nhưng rồi chị sẽ có con, chị sẽ yêu con chị và chị sẽ không muốn cho ai giết con chị. Chị hãy giao đứa bé cho tôi!
Giọng nói của ni cô Diệu Linh có vẻ khẩn thiết, chân thành, ni cô nói tiếp:
- Chị đánh đổi sự tự do bằng sinh mạng của một đứa bé vô tội, chị sẽ ăn năn suốt đời. Dù có được tự do chị cũng chẳng bao giờ sung sướng. Chắc chắn như vậy đó! Đề nghị của chị khó được Nhà nước chấp thuận. Chị đã xúi giục và cầm đầu một cuộc nổi loạn, đó là điều quan trọng. Chị hãy giao trả đứa bé, chuộc lại lỗi lầm và Nhà nước sẽ khoan hồng đối với chị. Chị nên nghe tôi. Tôi chẳng lợi lộc gì trong vụ này. Tôi là kẻ tu hành, tôi lấy lòng nhân đạo làm gốc, tất cả mọi người đều sẽ chết nhưng chết vinh còn hơn sống nhục. Trong đời đã gây nhiều tội lỗi, chị đừng mơ ước gây thêm oan nghiệt nữa.
Giọng nói của ni cô Diệu Linh càng lúc càng làm mọi người có mặt xúc động.
Mụ Quỷ Sứ tuy lòng dạ độc ác nhưng cũng bị giọng nói ôn tồn của ni cô Diệu Linh chinh phục. Mụ mất dần vẻ sắt đá. Giọng mụ đã bớt hung hăng. Mụ kêu gần như van lơn:
- Trời ơi! Mầy đừng nói nữa! Tao không muốn nghe những lời đạo đức giả của mầy! Mầy im đi tao chán lắm!
Lợi dụng lúc mụ Quỷ Sứ có vẻ yếu lòng, ni cô Diệu Linh chụp ngay lấy cơ hội tốt:
- Chị vừa mới cầu cứu với trời, chính trời đã ban đời sống cho đứa bé kia. Chị không có quyền làm trái ý muốn của trời!
Ni cô Diệu Linh vẫn tiến tới đều. Còn mụ Quỷ Sứ thì không còn lùi được nữa.
Hai người đã gần chạm mặt nhau.
Đôi mắt ni cô Diệu Linh sáng như thôi miên.
Mụ Quỷ Sứ run rẩy cả toàn thân. Không hiểu sao, mụ bỗng thấy sợ sợ. Dường như giọng nói của ni cô Diệu Linh có một mãnh lực phi thường làm mụ Quỷ Sứ vừa xúc động lẫn khiếp sợ. Chút điểm lương tâm còn sót lại đã làm mụ thức tỉnh. Mụ ngần ngại, do dự. Mụ run rẩy cả toàn thân.
Mọi người hồi hộp chờ đợi, chưa biết kết quả ra sao. Ni cô Diệu Linh quyết liệt tiếp:
- Thượng đế sẽ cứu vớt linh hồn chị nếu chị hồi tâm. Pháp luật cũng sẽ tha thứ chị nếu giờ phút này chị có một hành động hối lỗi. Chị còn chờ đợi gì nữa! Mẹ đứa bé vô tội đã chết. Nhưng tôi biết ở bên kia thế giới, người đàn bà đáng thương đó sẵn sàng tha thứ hết cho chị nếu chị bảo toàn mạng sống của đứa bé.
Trong ánh đèn chập chờn tranh tối tranh sáng, gương mặt mụ Quỷ Sứ nhợt nhạt trông dễ sợ. Mụ đã mất hết tinh thần. Mụ không còn tự chủ được nữa.
Mỗi lời nói của ni cô Diệu Linh như những mũi dao nhọn xuyên qua tim mụ Quỷ Sứ. Mụ rảo mắt nhìn chung quanh. Bọn nữ tù nổi loạn đứng im phăng phắc, vẻ hung hăng trên gương mặt họ đã biến đâu hết. Nghe ni cô khuyên dụ, họ buông rơi thanh gỗ, thanh sắt từ bao giờ. Họ không còn nuôi ý định vượt ngục nữa.
Nhìn tình hình chung, mụ Quỷ Sứ cảm thấy tràn ngập tuyệt vọng. Bọn nữ tù đã bỏ rơi mụ. Mộng vượt ngục không thành. Mụ vừa sát hại Tuyết, giờ giết thêm một mạng trẻ thơ cũng chẳng được lợi ích gì, gây thêm tội ác làm chi nữa.
Lần thứ nhứt trong cuộc đời đầy dẫy tội ác, mụ Quỷ Sứ cảm thấy hối hận. Mụ buông một tiếng thở dài não nuột. Mụ chán nản buột miệng:
- Thôi! Tao không muốn nhúng tay vào máu nữa! Lần đầu tiên tao chịu tin là có Trời Phật! Mẹ kiếp!
Ni cô Diệu Linh tiến thêm một bước. Hai người đã chạm mặt nhau. Ni cô đưa hai tay ra.
Không hiểu sao tự nhiên mụ Quỷ Sứ từ từ trao trả đứa bé cho ni cô Diệu Linh, như có một quyền năng vô hình nào thúc đẩy mụ.
Lạ lùng thay! Một khi đã nằm yên trên vòng tay ni cô, đứa bé bỗng ngưng bặt mặc dù đang khóc thét từng hồi thê thảm.
Mọi lồng ngực đều thở phào nhẹ nhõm. Bầu không khí đang căng thẳng cực độ bỗng dịu hẳn xuống. Tấn thảm kịch gớm ghê đã kết thúc một cách tốt đẹp, ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Ni cô Diệu Linh bồng đứa bé, chậm rãi trở về chỗ cũ. Nàng trao đứa bé cho Triệu Vĩ và nói:
- Đây là con của anh. Mẹ nó đã chết nhưng nó sẽ sống bên cạnh anh. Anh hãy thương yêu nó và đặt tên nó là Đức. Trần Đức như thằng Trần Đức, đứa con xấu số ngày xưa của chúng ta.
Ni cô nhấn mạnh:
- Dĩ vãng đã chết nhưng tương lai đang mở rộng ở chân trời. Giờ đây anh cần phải sống, sống vì con anh để cho mẹ nó được yên lòng nơi chín suối.
Nghe Mỹ Lan gọi bằng anh, Triệu Vĩ bồi hồi xúc động. Đã từ lâu rồi chàng không nghe được tiếng "anh" êm ái này vì thôn nữ Mỹ Lan đã trở thành ni cô Diệu Linh và nàng đã quyết liệt cắt đứt mối tình xưa cũ đằm thắm của hai người. Triệu Vĩ biết không thể nào chắp nối lại được cuộc tình duyên này nữa. Âu đó cũng là số mệnh. Lần này là lần cuối cùng Triệu Vĩ và Mỹ Lan gặp nhau rồi xa nhau mãi mãi.
Tuy nhiên, Triệu Vĩ cũng được an ủi phần nào vì chàng biết Mỹ Lan vẫn chưa quên chàng. Còn yêu nhau mà phải xa nhau, còn nổi khổ tâm nào bằng.
Ni cô Diệu Linh cố đè nén cảm xúc nói tiếp:
- Triệu Vĩ, anh hãy nhận con anh!
Triệu Vĩ tiếp nhận đứa bé. Chàng vụng về ôm đứa bé trong lòng và run run đáp:
- Mỹ Lan, em cho anh gọi em bằng cái tên thiệt của cô thôn nữ bên dòng sông Trẹm ngày xưa. Đây có lẽ là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau, em tha lỗi cho anh.
Chàng cao giọng:
- Thằng bé này sẽ mang tên họ Trần Đức giống như em mong muốn. Mỹ Lan, anh chẳng bao giờ quên ơn em. Anh và Tuyết đã tạo ra đứa bé nhưng em mới là kẻ cứu sống nó.
Hai người lặng nhìn. Cả hai đều ứa nước mắt.
Mỹ Lan bùi ngùi:
- Chúng ta là hai kẻ vô phước nhất thế gian. Chúng ta chẳng đời nào tìm ra hạnh phúc cho riêng chúng ta. Vậy theo ý em, chúng ta hãy cố gắng lo cho hạnh phúc của kẻ khác, vì chung quanh chúng ta vẫn còn những kẻ đau khổ hơn chúng ta nhiều.
Triệu Vĩ tê tái, gật đầu:
- Em nói đúng! Anh rất đồng ý với em. Chúng ta vẫn còn sung sướng hơn nhiều kẻ khác. Chúng ta có bổn phận giúp những người đau khổ chung quanh chúng ta.
Ni cô Diệu Linh nghẹn ngào:
- Em sẽ quay về sống vĩnh viễn bên cạnh dòng sông Trẹm đỏ ngầu màu máu vì dân nghèo Thới Bình thôn vẫn còn cần sự có mặt của chúng ta. Chúng ta hãy giúp họ gầy dựng lại sức sống, gầy dựng lại sự nghiệp sau cuộc chiến khốc liệt đã tàn phá miền quê yêu dấu của chúng ta.
Triệu Vĩ thở dài:
- Anh cũng sẽ trở về với rừng U Minh và dòng sông Trẹm, nơi chúng ta đã gặp nhau và yêu nhau. Ngày ngày anh sẽ ra thăm mộ Trần Đức. Từ nay, nó sẽ có cha mẹ nó ở bên cạnh và chắc ở dưới suối vàng nó cũng mãn nguyện phần nào. Chúng ta hãy quên tình riêng, góp công ra sức xây dựng lại Thới Bình thôn. Chúng ta hãy lấy hạnh phúc của thiên hạ làm hạnh phúc của chúng ta.
Trước tình cảnh này, mọi người đều bồi hồi cảm động. Trong đám nữ tù, có nhiều kẻ khóc sướt mướt.
Khám đường đã tìm được sự yên tĩnh.
Mụ Quỷ Sứ đã khuất phục trước lẽ phải và nhân đạo. Mụ cùng với bọn nữ tù ngoan ngoãn trở về các phòng giam.
Ông quản đốc khám đường thở phào nhẹ nhõm. Nhưng mọi người đều buồn rầu vì cái chết thảm thương của Tuyết.
Ni cô Diệu Linh nói nhỏ với Triệu Vĩ:
- Anh hãy lo chôn cất Tuyết tử tế. Nếu thuận lợi, anh chuyển đưa quan tài về Thới Bình thôn để sau này con anh được thăm viếng mồ mẹ. Như thế hương hồn Tuyết cũng thỏa mãn.
Triệu Vĩ gật đầu:
- Anh sẽ chiều ý em. Anh sẽ tìm hết mọi cách để chôn cất Tuyết tại thôn Thới Bình.
Đôi tình nhân cũ im lặng nhìn nhau, sóng mắt chìm trong sóng mắt.
Họ nhìn nhau như để ghi mãi hình ảnh của nhau trong tâm tưởng. Diệu Linh nói khẽ:
- Thôi, anh bế con về đi!
Nàng hạ thấp giọng, nói chỉ đủ cho Triệu Vĩ nghe:
- Em sẽ không bao giờ quên anh.
Triệu Vĩ bùi ngùi xót xa:
- Anh sẽ nhớ em đời đời. Anh về đây!
Chàng đắm đuối nhìn Mỹ Lan lần cuối cùng rồi lặng lẽ ẵm con thơ rời khỏi khám đường.
Ni cô Diệu Linh quay đầu nhìn theo bóng Triệu Vĩ rồi cúi mặt để gạt nhanh hai dòng lệ đang chảy tràn xuống má.
Định mệnh ai mà xoay chuyển nổi?
Cơn sóng gió kinh hoàng đã lướt qua. Sự tàn phá ghê rợn không xảy đến, chỉ để lại một phần đổ vỡ nhưng cũng đủ làm tan nát lòng người. Tất cả những kẻ chứng kiến cơn ác mộng hãi hùng đều ngậm ngùi sa lệ.
Ai mà không cảm thương trước một cái chết thê thảm, một cuộc chia ly vĩnh viễn.
Ni cô Diệu Linh lặng nhìn theo bóng người yêu muôn thuở đang khuất dần dần tan biến theo một ảo ảnh không bao giờ thành hình. Cuộc đời của chàng và nàng là một cuộc đời đau khổ, ngang trái diễn ra không ngừng. Họ chỉ tìm được thứ hạnh phúc tạm bợ nhất thời để rồi đánh đổi bằng trọn cả một cuộc đời đang tan nát.
Giờ thì đã thật hết rồi.
Cuộc sống và tâm hồn của hai người, từ đây biết có được yên ổn chưa hay là còn phải hứng chịu những thảm cảnh khác nữa. Không ai trả lời được. Hãy phú thác cho định mệnh.
Triệu Vĩ còn một đứa con ở bên cạnh. Còn Mỹ Lan, nàng sẽ trọn kiếp cô đơn, sống lẻ loi với câu kinh lời kệ và những nỗi đau khổ thương tâm không bao giờ nguôi.
Sân khám đường chìm đắm trong bầu không khí yên lặng. Ánh đèn mờ nhạt ma trơi dễ sợ phảng phất màu tang tóc đâu đây.
Ni cô Diệu Linh cúi đầu, nuốt ực niềm cay đắng xuống tận đáy lòng.
Buồn ơi, buồn mãi không thôi...