Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-16 09:43:46 +0700
Tiếng Hót Chim Sơn Ca
Tôi đẩy cổng bước vào vườn nhà người bạn chơi chim. Ông chủ reo to:
- Nhà văn! Ai báo mà biết đấy?
Thấy tôi ngơ ngác, ông cười vui:
- Vô tình hả? Càng hay!
Ông quay lại nói với người khách đầu bạc:
- Có thể… điềm lành cho ta đây.
Chúng tôi ngồi trên thảm bẹ ngô trải trên nền cỏ dưới bóng một cây nhãn cổ thụ. Đang say mê thưởng thức hương vị thơm đậm của nước chè trong cái chén hạt mít mộc, tôi bỗng nghe tiếng hót của họa mi. Tiếng hót vang động, vui tươi, dồn dập.
- Họa mi hót được nhiều giọng thật! – Tôi thán phục.
Xem ra câu nói của tôi nịnh được ông chủ ít nhiều, ông cười khà khà. Rồi ông thổi sáo miệng theo nhịp điệu nào đó. Con họa mi ngừng hót, vươn người lắng nghe. Ông thổi vài tiếng nữa, nhẹ như gió thoảng qua. Nhưng con họa mi bắt nhận được ngay, nó đáp lại bằng những chuỗi âm thanh êm ái. Nó hót ngập ngừng, có ý nghe ngóng, tiếng cao dần, lảnh lót. Sau lần sáo miệng thứ ba của ông chủ, tôi thấy con họa mi đứng thẳng người, rướn ngực cất lên một bài ca nhiều thanh sắc cao sang.
Tôi ngỡ ngàng, bình thường trông tướng con họa mi rất dữ, sao bây giờ nó dịu dàng đến thế? Biết được ý tôi, ông chủ lại cười khà:
- Từ hiền nhân quân tử đến những kẻ quê mùa cục mịch, phàm đã tán gái thì ai nấy cố lên giọng ngọt ngào, quyến rũ. Ban nãy tôi phải giả tiếng chim mái đấy.
Chúng tôi ồ cười, cũng chẳng tự hỏi cười mình hay cười con họa mi háo sắc bị lừa. Ông chủ lại nẩy những tiếng sáo miệng ngắn. Con họa mi quay ngoắt đầu, lơ láo nhìn quanh. Đến nhịp sáo thứ hai, nó nhảy chồm chồm về bốn phía, mắt long lên, các ngón chân quắp chặt nan lồng như muốn phá tung ra. Rồi nó hót liến thoắng, những nhịp ngắn, dữ dằn. Chỉ một tiếng nó mà vang cả khu vườn như có rất nhiều con đang chành chọe với nhau.
- Ông nói đến chất dữ dằn của nó thì đấy – Ông chủ bảo tôi – Tôi giả tiếng chim trống, nó vội vàng khẳng định quyền chủ lãnh địa của nó, đe dọa đối phương. Còn tiếng hót của nó lúc ông mới đến là tiếng hót phởn phơ, phởn phơ khi được tắm mát, được ăn ngon…
Ông cười, quay lại với mấy người khách, lắc đầu:
- Mời các ông đến nghe tiếng sơn ca tôi lại đi giới thiệu họa mi… Thôi, âu cũng là cái sự đời!
Thấy tôi không hiểu, ông khách đầu bạc giải thích:
- Chúng tôi hâm mộ tiếng hót của chim sơn ca, đã nhiều lần đến chầu chực ở đây cả buổi rồi lại về không. Nghe nói độ này con sơn ca hay hót vào quãng 10 giờ sang, hôm qua chúng tôi đến đây từ 9 giờ. Mãi đến hơn 11 giờ trưa nó vẫn lặng thinh. Chúng tôi vừa ra về thì nó hót, tiếc thật! Hôm nay quyết chờ cho kỳ được.
Tôi thấy lòng phấn chấn, nói góp:
- Tôi cũng từng được nghe nói về tiếng hót cao qúy của chim sơn ca và cũng chưa một lần được thưởng thức. Liệu ông chủ có thể giúp chúng tôi không? Như với con họa mi ấy….
Ông lắc đầu, nghiêm chỉnh:
- Khác với các giống chim khác, con sơn ca không hót để mồi chài con mái, không hót vì miếng ăn ngon, không hót vì chuyện tranh giành, thù hận. Nó chỉ hót khi nó thích hót, không có cách gì kích thích được nó.
Ông lim dim mắt, giọng mơ màng:
- Và khi hót, nó không cần biết những gì ở xung quanh… Toàn thân nó rung lên, mỗi sợi long đều rung, nó từ từ bốc thân lên cao tới khi lưng chạm vào nan lồng lại từ từ hạ xuống… Còn tiếng hót… Trời! Tiếng hót…
Một lát im lặng, mọi con mắt đều hướng về phía một cái lồng cao, đan rất đẹp đặt ngay trên mặt đất chỗ có bóng nắng lấp loáng. Bây giờ tôi mới thật sự để ý thấy một con chim nhỏ, màu nâu nhạt đa tha thẩn tìm bới đám cát rải trên đáy lồng, con chim hiền hòa, giản dị, vẻ ngoài không có gì đáng để ý.
- Nó giống con sẻ đồng quá nhỉ! – Tôi thốt lên.
- Đúng vậy! – Ông chủ khẳng định – Bình thường nó cũng hay kiếm ăn lẫn trong đám sẻ đồng, ít người phân biệt được nó là sơn ca. Bọn đánh sẻ cũng thường bắt lẫn nhiều sơn ca, với họ thì chim là để vặt long, buộc thành từng xâu mười con, mang bán ở chợ Bắc Qua với giá năm trăm đồng một con…
Giọng ông khàn đi sau chuỗi ho khan:
- Có lần nhìn những xâu chim đó, tôi đã ứa nước mắt, không biết trong số này có bao nhiêu con sơn ca!