Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Chương 30
X
uân cúi xuống hôn vào đôi má bầu bỉnh của con trai bé bỏng, nhìn ngắm nó một hồi, vặn nhỏ bấc đèn, đứng dậy, quơ cái khăn quàng đầu định xuống bếp múc ít chè sâm bổ lượng đưa vào thư phòng cho Tùng. Lúc nãy đi qua đó thấy bóng Tùng thấp thoáng. Từ hôm mướn thêm người giúp việc nhà, Tùng không phụ việc vặt cho Xuân nữa, thêm vào đó bệnh nhân ngày càng đông, ngoài những bữa ăn chung trước mặt mẹ, hai chị em ít có dịp tâm sự với nhau.
Có đêm biết còn sớm, chưa khuya lắm, muốn qua tâm sự với Tùng, nhưng gọi mãi cửa vẫn không mở Xuân cảm thấy thiêu thiếu hụt hẫng buồn buồn sao ấy.
Có tiếng bước chân đi lại giọng Tùng cất lên:
_ Chị Xuân ơi! Chị Xuân!
Xuân vội vàng mở cửa nói:
_Tùng hả? Chị cũng định dỗ thằng Tí ngủ xong rồi mang cho em ít chè bổ dưỡng. Hay chị em mình vào bếp ăn một thể cho vui?
Tùng đưa ngón tay suỵt nhẹ đáp:
_ Em có chuyện muốn nói riêng với chị, sợ nói ở bếp làm mẹ thức giấc. Em vào thư phòng, chị cứ múc chè mang đến, em đợi!
Xuân, Tùng ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn trong thư phòng. Xuân trao bát chè cho em, Tùng đón lấy múc ăn liên tục mấy thìa còn nóng hổi mới chợt nhớ ra ý định muốn nói với chị dâu, chàng ngửng lên, thấy Xuân không ăn chống tay nhìn mình bằng ánh mắt trìu mến Tùng giục:
_Chị ăn đi chứ! Chị ăn để rồi em có chuyện này muốn thưa với chị.
Nghe vậy Xuân cầm thìa chưa múc vội hỏi gấp:
_Chuyện gì? Vui hay buồn có nghiêm trọng không?
Tùng mỉm cười bí ẩn đáp lấp lửng:
_Vui hay buồn còn tuỳ ở người nghe tiếp nhận ra sao? Lẽ ra em phải nói ra điều này sớm hơn nhưng bây giờ cũng chưa muộn nếu không nói là đúng lúc.
_Chuyện gì vậy chị hồi hộp quá, nói đi!
Tùng đứng lên kéo ngăn tủ lấy bức thư của Nghiêm bỏ lên bàn sát bên Xuân nói thầm vào tai chị dâu:
_Chị đọc đi! Thư viết cho em nhưng chị mới là người đáng đọc đấy!
Nói rồi chàng cúi xuống tiếp tục ăn, lặng lẽ quan sát chị dâu ngồi đọc thư. Nét mặt Xuân khi mới đọc thoáng xao động nhưng khi đọc xong Tùng thấy Xuân không đọc trở lại mà cuộn tròn thư đẩy về phía Tùng nói:
_Chị nghĩ lá thư này anh Nghiêm không viết cho chị mặc dù có nhắc đến chị. Em à! Giờ đây chị đã yên phận. Chị không mong gì hơn là được cùng con trai chung sống với những người thân yêu trong ngôi nhà này, làm tròn bổn phận dâu con, đối với chị đó là hạnh phúc.
Tùng chỉ lá thư nói:
_Em nghĩ chị thật may mắn khi có người nghĩ suy về mình như vậy!. Trên đời có nhiều loại hạnh phúc. Hạnh phúc làm tròn bổn phận mẹ con, dâu con, nhưng đối với một người đàn bà hạnh phúc được làm vợ là vô cùng thiêng liêng do đó nếu chồng mất đi, liền để lại khoảng trống tạo ra sự hụt hẫng, ám ảnh, khiến có thể chuyển biến thành căn bệnh nếu như không có gì để khoả lấp khỏang trống đó! Đó là lý do tại sao chị bị ngất trong ngày cưới của con trai dì Thục. Hôm nay em biết chị đã khoẻ hẳn nên mới nói ra điều này!
Vừa nói Tùng vừa nhìn xoáy vào hai mắt chị dâu. Xuân cúi xuống múc chè ăn không mở miệng đáp lại lòng dạ hoang mang hai má đỏ bừng.
Tùng vỗ nhẹ tay mình lên cánh tay chị Xuân tỉ tê:
_Chị biết không, từ khi cha và anh Bách mất, mỗi lần về gia trang em ngại phải xem xét lại mọi ngõ ngách trong ngôi nhà này phần vì lu bu mọi việc, phần vì sợ phải đối diện với những trống vắng bố và anh để lại mà một mình em không thể lấp đầy.
Xuân giữ bàn tay Tùng trên cánh tay mình lắc đầu nói:
_Em khiêm nhường quá! Mẹ và chị, cả cháu nữa vui mừng khôn xiết khi em quyết định lui về đây nối nghiệp tổ tông. Em là linh hồn của ngôi nhà này, ngoài em, không ai có thể thay thế được. Riêng chị không mong gì hơn được mãi thế này!
Tùng nhớ lại giấc mơ đêm qua những lời chú nói lúc trưa lắc đầu:
_Chị à, có những điều của quá khứ ta không thể lấy lại được dù quá khứ có đẹp đẽ nhường nào. Chị có nghĩ rằng em đã có lúc “chết” đi? Em nói vậy không biết chị có thấu cho em không hay nghĩ em không được bình thường?. Dù chưa tắt thở nhưng tâm hồn em đã từng chết đi! Thật khó khi phải chấp nhận từ bỏ điều gì đó mình rất đam mê thấy cần thiết như hơi thở?. Chết đối với em đồng nghĩa với sự chấm dứt mọi điều ta từng quen thuộc, từng yêu thiết tha.
Bây giờ em không sợ “chết” không tiếc quá khứ, em muốn nhìn thẳng vào những đau đớn của hiện tại, không trốn tránh vật lộn và sống với nó. Chị cũng nên thế! Nên đối diện với chính mình. Chị biết hôm chị bệnh em nghĩ gì không? Nếu lỡ chị ra đi bất thình lình thì cu Tí sẽ ra sao? Tội nghiệp cháu! Em chỉ là chú, có thương cũng làm được gì, sao lấp đầy được khoảng trống mà mẹ nó để lại?. Có những căn bệnh không chỉ chữa bằng thuốc nhất là tâm bệnh như chị. Em nghĩ nếu không có già không có Khuyên phụ với em một phần trách nhiệm trong căn nhà này chắc em chới với hoang mang lắm! Khi đọc thư anh Nghiêm, em ước phải chi anh ấy là anh ruột mình hoặc anh rể cũng được. Chị thường nói thời gian sẽ chữa lành tất cả. Anh Bách mất đã ba năm, một ngày nào đó anh Nghiêm về em mong anh ấy sẽ xứng đáng là một trụ cột nữa trong ngôi nhà này. Mẹ thương chị lắm! Em nghĩ khi cha còn sống chắc mẹ cũng đã từng nghe những loại bệnh như của chị nên sẽ thông cảm thôi, chị đừng lo chị nhé! Nếu chị thương cháu Tí chị sẽ chấp nhận đó là một căn bệnh, đừng để rủi ro đến với mình và cháu một lần nữa!
Xuân nhớ lại những cảm giác khi mình sắp ngất đi hôm ở nhà dì Thục. Tuy không thú nhận thành lời với Tùng nhưng nàng thầm thán phục tài chẩn bệnh thần kỳ của người em chồng. Đúng là tối hôm ấy nàng nhớ chồng da diết đến nỗi tưởng đang ân ái với chồng để rồi mê man bất tỉnh lúc nào không biết. Xuân tránh ánh mắt Tùng, cúi đầu câm lặng, vẻ mặt buồn, trầm tư hẳn. Thấy vậy Tùng lãng sang chuyện khác:
_Hồi trưa em không thấy Sa. Chị đưa đồ ăn cho cô ấy à? Lần sau chị cứ gọi cô ấy qua ăn.
_Lâu nay chị đâu có đưa thức ăn cho cô ấy. Ngẫm lại cô ấy là dâu con trong nhà nhưng lại làm mẹ và em phiền muộn nên chị muốn để cô ấy tự ngẫm lại mình mà sống sao cho hợp lẽ nên không cơm bưng nước rót phục vụ nữa! Lâu nay cô ấy ăn cơm với già. Sa cũng có vẻ thích già, cứ luẩn quẩn ngoài sân ngoài vườn, còn chị dạo này cũng bận tíu tít nên hai chị em có nói chuyện với nhau nhiều đâu!
_Vậy à? Ra là cô ấy ăn với già, thôi cũng được.
Tự nhiên Tùng thấy lòng nhẹ hơn một chút. Nếu Sa cứ tiếp tục an phận như vậy một thời gian không có gì bất ngờ xảy ra mình sẽ thưa lại với mẹ.
Đứng phơi thuốc bên sân Sa nghe giọng Khuyên hét lên:
_Anh chị kia đi đâu vậy? Đã đến lượt mấy người đâu! Phải tuân theo nội quy chứ?
Sa tò mò chạy tới nấp sau dãy hoè để nhìn.
Khuyên đang đứng chống nạnh, trước mặt cô ta có hai người. Họ không chịu ngồi chờ như những người khác. Người đàn bà ôm bụng nhăn nhó người đàn ông năn nỉ ỉ ôi:
_Tôi xin cô vào thưa lại với quan làm ơn thăm mạch dùm vợ tôi ngay được không?. Vợ tôi đang có thai, tôi sợ để trễ quá thai bị làm sao có mệnh hệ gì vợ chồng tôi sao sống nổi! Cô cứ vô thưa lại với quan dùm tôi!
_Quan gì ở đây? Chúng tôi là y sĩ hiểu chưa? Kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng đây không phải trường hợp nguy cấp, kiên nhẫn chờ một tí cho, hai lượt người nữa là tới vợ anh. Tôi được lệnh như thế anh hiểu không? Nếu như ai cũng bắt chúng tôi xét theo sự thuận lợi của riêng mình thì phòng mạch này có còn gì là trật tự quy củ không hay lại rối lên như mớ bòng bông?. Chúng tôi sẽ dựa vào đâu mà làm việc?
Tiếng Tùng ở trong vọng ra:
_Khuyên đâu rồi vào ngay đi!
Khuyên dạ ran rồi biến vào trong.
Sa nhìn hai vợ chồng. Người chồng đỡ người vợ tới ngồi dựa ở gốc hoè vì ghế đã hết chỗ. Tiếng rên rỉ của chị ta làm Sa chịu hết nổi nàng tiến lại gần hỏi thăm:
_Chị đau lắm à?
Chị ta không trả lời chỉ nhăn nhó thở dốc, mồ hôi lấm tấm bên thái dương và hai cánh mũi, chị đưa mắt lờ đờ nhìn Sa khẽ gật.
Người chồng không còn biết ngượng ngùng nữa vuốt bụng vợ vỗ về:
_Mình chịu khó chút đi y sĩ nói vậy chắc không sao đâu!
Nói xong anh ta ngước nhìn Sa hỏi:
_Bẩm có phải chị đây là con dâu của nhất phẩm phu nhân không?
Sa gật đầu.
_Vậy anh Tùng chính là phu quân chị? Nghe đồn bây giờ mới biết mặt, đẹp quá!
Sa hỏi tiếp:
_Thai được mấy tháng rồi?
Người chồng đưa năm ngón tay lên kể lể:
_Rõ khổ. Có dám ăn gì bậy bạ đâu! Vợ chồng tôi chờ đợi bao năm phải đi xin đi cúng khắp các nơi linh thiêng vợ tôi mới đậu thai được. Vậy mà bỗng dưng lại thế này!
_Vợ anh đau lâu chưa?
_Mới đây thôi! Khi sáng ngủ dậy còn khoẻ lắm mà!
_Vậy có ăn cái gì không?
_Hồi sáng vợ tôi ngủ dậy than đói, trong lúc lục đục đi nấu cớm chưa nhúm xong bếp thì cô ấy đã ôm bụng kêu thai đang quẫy, bụng đau râm ran
_Từ sáng tới giờ chưa ăn gì à? Sa vừa hỏi vừa nhíu mày có vẻ không tin
Người vợ nghe Sa hỏi vậy như chợt nhớ ra điều gì lắp bắp
_Tôi chỉ mới ăn tí mật ong cho con trong bụng có chút gì trong khi chờ cơm thôi!
Người chồng nói:
_Mật ong bổ mà có gì đâu!
Sa nghe tới đây lẩm bẩm một mình: “Mật ong! Mật ong!” rồi chợt nhớ ra những dòng lão gia viết trong sách nàng kêu lên thất thanh:
_ Thôi chết rồi! Anh ơi mau dìu chị lại cái hiên dãy bên kia chờ tôi một tí thôi!
Người đàn ông nghe vậy hấp tấp dìu vợ về phía Sa chỉ, không hề thắc mắc hỏi han gì nữa!
Vẻ đẹp thanh thoát thái độ tự nhiên ân cần có một sức hút khiến hai vợ chồng quên rằng nàng không phải y sĩ.
Nhanh như chớp Sa chạy ra sau vườn nơi có những cây ngãi cứu mọc tràn lan, vặt vội một nắm đưa ra giếng múc nước rửa sạch rồi lại ù té chạy lại sân kiếm chày cối của lão câm, gác trên phên tre hì hục một lát vắt ra một chén nước ngãi cứu tươi đã được giã nát đưa lại chỗ hai vợ chồng đang ngồi chờ nói khẽ:
_Trong khi chờ anh Tùng thăm bệnh chị cứ uống tí nước ngãi cứu đi! Cứ coi đây là rau nếu không công hiệu cũng chẳng hại gì. Nhưng tôi nghĩ cái thai bị say mật ong, trẻ con còn nhỏ ngoài rà lưỡi một tí lúc cần cũng không được dùng để ăn hay uống huống chi là thai nhi.
Nghe những lời nói rất có lý đầy quyết đoán người chồng cầm chén nước ngãi cứu kề tận môi vợ. Người đàn bà uống ực một hơi hết chén ngải cứu.
Chỉ trong chốc lát người vợ dường như đã hồi lại cũng là lúc Khuyên xuất hiện ở dãy hoè đưa mắt ngơ ngác tìm kiếm rồi hất hàm về phía hai người ra dấu cho họ được quyền vào khám. Người vợ đứng lên bước đi không cần phải dựa vào chồng như lúc nãy. Chị ta đưa mắt tìm Sa để cảm tạ nhưng không thấy nàng đâu nữa!
Khi bước vào đưa tay cho Tùng thăm mạch người vợ buột miệng khen:
_Đúng là tiên đồng ngọc nữ hai người xứng đôi quá! Đã đẹp lại giỏi giang. Thôi chắc cũng không phải uống gì nhiều đâu anh ạ! Tôi uống ngãi cứu lúc nãy của vợ anh bây giờ tỉnh hẳn!
Tùng trố mắt nhìn chị ta hỏi lại:
_Chị nói sao? Tôi không hiểu gì hết?
Lúc nãy vợ anh nói tôi uống mật ong lúc sáng khi đói lại có thai nên thai bị say uống nước ngãi cứu đỡ trong khi chờ anh thăm mạch đó mà!Y sĩ thấy không lúc nãy tôi mệt đờ giờ tỉnh như sáo sậu! Thuốc nam mình hay ghê đó chứ!
Nói xong chị ta cứ chắp tay xá dài:
_Xin đa tạ! Xin đa tạ!
Khuyên nghe xong tức quá định ra mắng cho Sa một trận nên thân nhưng chợt khựng lại khi nghe Tùng nói:
_Đúng rồi! Chị có đau ốm gì đâu! Ăn phải mật ong thai bị say đó mà! May sao vợ tôi lại biết bài thuốc dân gian này!
Tùng nói trong tâm trạng hưng phấn đầy ngạc nhiên! Chàng không tin ở tai mình nữa! Khi hai vợ chồng vừa ra khỏi Tùng quay lại nói với Khuyên:
_Khuyên à! Xem chừng Vân Sa cũng có khiếu trong y thuật đó! Mẹ anh mà nghe được điều này cũng đỡ cho Sa lắm!
Tùng nói với vẻ hồ hởi, nét mặt không bình thản thờ ơ như mọi khi mà háo hức nhìn ra ngoài như đang tìm kiếm:
_Ơ hay anhTùng! Tiếp tục làm đi chứ! Bệnh nhân còn đầy ra, đang ngồi đợi kìa!
Khuyên nói to như hét lên mặt tím tái lại.
Lại nhắc khéo tôi kể công cô vợhư thân cho mẹ anh nghe để chuộc tội cho nó đây!. Còn khuya! Khuyên nhìn Tùng uất ức rủa thầm.
Hình như Tùng không để ý đến sự giận dữ của nàng, chàng tiếp tục công việc khám bệnh thỉnh thoảng mỉm cười một mình Những lỗi lầm của Sa lâu nay đã làm tê liệt mọi xúc cảm nơi chàng nhưng trong thời khắc này hình như nó đang kích hoạt trở lại.
Buổi chiều khi vừa bước ra khỏi phòng chẩn mạch Tùng ghé sang nơi thờ tự thờ thắp cây nhang, trở ra. lại đụng đầu Khuyên đang đứng ở hiên nhìn mông lung. Tùng ngạc nhiên:
_Chưa về hả Khuyên? Có việc gì mà còn đứng đây?
Khuyên đáp:
_Lâu lâu mới có dịp nhìn hoa cau rụng trắng thềm như vậy! Hôm nay mình nghỉ việc được sớm một chút ra ao đá thư thả chút đi anh!
Tùng thoái thác:
_Bụng đói rồi vào bếp xem chị Xuân có gì ăn không?
Nghe vậy Khuyên kéo tay Tùng hối:
_Đúng rồi cho em theo với xin chị Xuân chút gì ăn rồi mới về!
Tùng nhíu mày miễn cưỡng đi với Khuyên. Thật ra Tùng không có ý vào bếp, chàng muốn ra khu vực sau nhưng mà lạ quá cứ mỗi lần tính ra đó thì cứ bị chèo kéo vào việc khác. Lâu nay tuy giận Sa có khi oán trách nàng nhưng Tùng lại thấy tâm hồn mình trở nên yếu đuối, tốt hơn hết là tránh nhìn Sa không để ý đến nàng nữa. Thế nhưng ngày hôm nay lại khác. Chàng muốn ra sau xem nàng sinh hoạt như thế nào? Vậy mà…
Đi bên Tùng, Khuyên mỉm cười đắc chí vì vừa thoáng thấy bóng Sa lấp ló bên dãy hoè nhìn lén về phía nàng và Tùng. Thật ra cả ngày nay Khuyên tìm mọi cách phá đám không cho Tùng có thì giờ để nghĩ về Sa. Bây gìơ nàng đã hiểu phần nào lòng chàng. Có lẽ Tùng không tính bỏ vợ để lấy thiếp thì phải? Không được! Mình phải làm cho Tùng hiểu rõ nếu còn vướng vào Sa là còn điêu đứng khổ sở! Còn cái con Sa nữa, con này thật khó hiểu? Bây giờ mình mong cho nó bỏ nhà thì nó cứ chình ình trước mặt! Nó phải khổ hơn may ra …Coi bộ bị giam lỏng ở khu vực sau trong gian lá chưa thấm tháp vào đâu với nó thì phải? Còn Dân đi đâu mà lâu thế nhỉ? Mau về mà nhổ cái gai trước mắt dùm tôi cái đi ông ơi!
Bây giờ thì Hải đã quen với thế giới của mình. Chàng ngờ mình đang sống trong một cõi không chiều kích. Những ước muốn, cảm xúc cứ thế tuôn ra vô bờ, mở ra vô tận, hun hút đến khôn cùng, tha hồ bộc lộ không cần phải kìm giữ khiến có cảm tưởng như thể đang ngự trị mọi thứ.
Dài ư? Xa ư? Rộng ư? Hẹp ư? Cao ư? Thấp ư?. Hồn chàng vọt xa, sải rộng, luồn lách, tung bay hụp sâu. Ngại gì? Sá gì kia chứ?. Chỉ chưa qua được sông nên chưa có thể gặp Vân Sa nhưng rồi trong tương lai chàng sẽ qua được sẽ gặp nàng!
Buổi sáng hôm ấy hồn Hải nhẹ nhỏm phơi phới nương theo những làn hơi bốc lên từ những khe trũng của đống cỏ.
Giữa vùng mờ đục một thoáng sắc màu ánh lên. Tò mò chàng lướt tới. Ơ kìa, một cánh hoa đỏ thắm còn ướt dẫm sương e ấp hé mở đón chờ nắng mai đang từ từ rọi xuống! Chao ơi! Đáng yêu quá! Ánh mai hay chính hồn ta đang buông xuống? Chàng hôn nhè nhẹ lên những cánh dịu êm mơn mởn mà ngỡ mình đang nhìn thấy đôi môi Vân Sa khép hờ ngaỳ nào! Những nụ hôn dần dần hung bạo ngấu nghiến khiến trong phút chốc nụ hoa chưa kịp nở trọn đã rũ ra tơi tả,
Bỗng có bóng ai đó lầm lũi đi, váy áo nhẹ lay theo gió. Kỷ niệm trên đồi cỏ lại hiện về. Có phải tà áo mình cố với theo, cố nắm bắt mà hụt mãi?.
Tưởng đang còn trong quá khứ chàng gào lên:" Sa ơi! Sa ơi! đứng lại! đứng lại!" Hơi gào chuyển động trên không thành cơn gió kéo dài bất tận.
Người phụ nữ đang đi bỗng thấy có một sức mạnh cứ quấn lấy mình, thổi tung váy áo lên, cặp đùi phơi ra trắng hếu, níu giữ được váy phía dưới thì cái yếm phía trên bật tung, nhũ hoa lồ lộ. Không thể nào che giấu được, hãi quá chị ta rú lên chạy băng băng trong sự loã lồ.
Giận dỗi quay cuồng rít xoáy một lúc mệt quá Hải ẩn vào vòm lá khô un màu lửa lịm đi. Tưởng được yên thân ngờ đâu bị khuấy động bởi một chuỗi âm thanh inh ỏi khác. Thì ra có một cặp chim. Con trống (có lẽ vậy) cứ ngoắc đuôi qua lại theo từng nhịp hót. Còn con mái cần cù hơn tha rơm rạ về đan nốt cái tổ giờ đây trông thật xinh xắn như cái giỏ nho nhỏ đu đưa nhún nhảy cà tưng cà tưng dưới một cành cây. Con trống ngưng hót bay đi. Một lát nó quay về ngậm theo một sợi dây màu hồng rất dài. Con mái bay sáp lại dùng mỏ đỡ sợi dây cho bạn tình rồi cả hai chăm chỉ “may”, viền cái tổ cho thêm phần lộng lẫy. Xong xuôi đôi uyên ương chui vào nằm sát bên nhau thò đầu ra tiếp tục thi nhau hót líu lo. Nhìn cái tổ ấm của chúng mà phát thèm! Sa chắc giờ này cũng đang hạnh phúc trong vòng tay chồng. Nghĩ tới đây, oán hận tức tưởi lại bừng lên, trào dâng như thác lũ, hồn quay cuồng va đập vào cành lá đánh bật cái tổ lìa khỏi cành rơi xuống đất. Đôi chim vội thoát khỏi tổ vừa mới xây kêu lên những tiếng thảng thốt chấp chới bay, lạc mất nhau rồi lại kiếm tìm, hỗ trợ nhau trong cơn lốc cuốn.