Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30: Đào Duy Từ Gặp Người Tri Kỉ
ách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép rằng:
"Ất Sửu, năm thứ 12 (tức năm 1625 - ND). Mùa đông, Đào Duy Từ đến theo (chúa Nguyễn). Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND), làu thông kinh sử lại giỏi cả thiên văn và thuật số. Năm ấy, Thanh Hoa có kì thi Hương, quan Hiến ti cho Duy Từ là con phường chèo nên tước bỏ tên, không cho vào thi. Duy Từ bực tức trở về, nhân nghe tiếng chúa (Nguyễn) yêu dân và quý học trò, các bậc hào kiệt đều quy phục, nên quyết chí vào Nam một mình để theo.
(Đến nơi, Đào Duy Từ) ở huyện Vũ Xương đến hơn một tháng nhưng không ai biết đến cả. Lúc ấy có tin quan Khám lí huyện Hoài Nhân là Trần Đức Hòa, giàu mưu lược, được Chúa tin dùng, (ông) bèn vào Hoài Nhân, (lúc đầu) giả thác làm người ở chăn trâu cho một nhà giàu ở xã Tùng Châu. Nhà giàu này thấy ông là người biết rộng, nghe nhiều, bèn nói với (Trần) Đức Hòa. Đức Hòa đến nói chuyện với ông, thấy ông không có điều gì là không thông suốt, lấy làm kính trọng, bèn gả con gái cho. Duy Từ từng ngâm bài Ngọa Long Cương để tự ví mình (với Khổng Minh Gia Cát Lượng). Đức Hòa thấy thế, nói:
- Đào Duy Từ là Ngọa Long (tức Khổng Minh - ND) đời nay chăng?"
Năm 1627, quân của Trịnh Tráng chủ động tấn công quân của chúa Nguyễn, nhưng trải mấy tháng trời không thể thu được thắng lợi, họ liền rút lui. Được tin này, Trần Đức Hòa từ quê nhà là Hoài Nhân ra tận phủ Chúa để chúc mừng. Cũng sách trên chép tiếp:
"Chúa hỏi cuộc sống của dân xứ Quảng Nam sướng khổ thế nào, Hòa liền thưa:
- Nhờ chúa thượng rộng ban ơn huệ, lại giữ hiệu lệnh nghiêm minh nên trăm họ ai ai cũng được an cư lạc nghiệp.
Nói rồi, Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long Cương từ trong tay áo ra dâng và thưa rằng:
- Bài thơ này do gia sư của tôi là Đào Duy Từ làm ra.
Chúa xem, thấy lạ, liền giục mời (Đào Duy Từ) đến. Mấy ngày sau, Đức Hòa cùng Đào Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy, Chúa mặc áo trắng, đứng ở cửa nách chờ, Duy Từ vừa chợt nhìn thấy đã đứng lại, không chịu đi nữa. Chúa liền vào mặc áo, đội mũ chỉnh tề để ra mời. Duy Từ lúc ấy mới rảo bước vào lạy. (Chúa và Duy Từ) cùng nói chuyện. Chúa vui vẻ hỏi:
- Khanh sao đến muộn thế?
Nói xong; trao ngay cho chức Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê Hầu, sai trông coi việc quân cơ trong ngoài và dự bàn việc lớn của quốc gia.
Chúa mời (Duy Từ) vào trong cung cấm để bàn bạc. Duy Từ nhân đó bày tỏ hết những điều uẩn khúc trong lòng cho Chúa hay. Chúa khen Đức Hòa là bậc biết người, bèn trọng thưởng cho ông.”
Lời bàn: Sự đời quả là còn éo le hơn cả những màn chèo mà do lí lịch xuất Thân, Đào Duy Từ từng am tường cặn kẽ. Tích xưa thường có đoạn kết rất có hậu, hậu vận của Đào Duy Từ cũng rất có hậu đó thôi.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên khen Trần Đức Hòa là bậc biết người, thật không thể nào nói khác hơn được. Kẻ bất tài lại bất nhân, bao giờ cũng chỉ canh cánh nỗi lo người khác hơn mình. Họ ghen ghét đã đành, có khi còn tìm cách hãm hại, đẩy người tài đức vào chỗ chết. Khám lí Trần Đức Hòa thì hoàn toàn ngược lại, gặp được người tài còn lấy làm vui hơn bắt được vàng, một lòng tận tụy bảo bọc, chỉ chờ được dịp là tiến cử, đáng kính thay! Có người sống cạnh ta cả đời mà rốt cuộc vẫn chẳng hiểu ta, nhưng cũng có người dẫu chỉ mới sơ giao, ta đã có cảm giác như họ vừa từ trong lòng ta đi ra vậy. Những người tri kỉ như vậy, đông tây kim cổ vẫn rất hiếm. Phải chăng cũng chính vì sự đặc biệt hiếm hoi ấy mà sử đã trân trọng chép cuộc gặp gỡ rất tương đắc giữa Đào Duy Từ với Trần Đức Hòa? Nếu coi đó là hạnh phúc thì Đào Duy Từ là người vô cùng hạnh phúc vậy.
Chúa khen Trần Đức Hòa, còn hậu thế cũng xin có lời khen Chúa vậy. Vui vẻ sửa sang áo mũ chỉnh tề để tiếp bậc hiền nhân quân tử, chỉ chừng ấy thôi. Chúa cũng rất đáng mặt là Chúa rồi. Ban quyền và trao chức, ấy là Chúa thực lòng muốn trọng dụng. Hóa ra, Đào Duy Từ ít nhất cũng có đến hai người tri kỉ. Hai người tri kỉ, chừng ấy thôi cũng đủ cho một đời vui. Cứ ngoái đầu lại rồi suy ngẫm mà xem!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6