Số lần đọc/download: 5230 / 84
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 27 - Đàm Phán Gay Go Thoả Thuận Về Một
Đ
ã lâu không về căn nhà ở phố Châu Long. Lần này, bước 1ên thang gác, người bếp cũ vẫn còn ở đấy, lộ vẻ vui mừng thấy tôi về. Tôi ít khi về nhà, nhưng Liên vẫn thường tới, dọn dẹp đồ đạc, quần áo. Dưới nhà, hai anh bạn là Phan Huy Đán và Nguyễn Gia Trí vẫn còn ở.
Liên bảo, có khi anh Tam cũng đến đây nghỉ, vì ngay bên cạnh trụ sở quốc dân đảng. Chiều hôm ấy, tôi được hưởng một bữa cơm ngon miệng, tuy đơn sơ, khác hẳn với những món tại toà báo.
Có thịt gà luộc và lạp xường. Do đương đàm phán tinh thành đoàn kết nên tình thế cũng tạm yên, ra ngoài đường không sợ bị bắt cóc.
Anh Đán và anh Gia Trí đều có vợ cả rồi, những truyện gia đình của các anh ấy tôi cũng không biết rõ, vì quá bận túi bụi. Tôi còn nhớ, hình như tôi có nhờ anh bếp cắt hộ tóc, vì đã quá dài, còn râu thì cũng nhân dịp rỗi cạo cho nó nhẵn nhụi một chút.
Sáng hôm sau, cùng với anh Chu Bá Phượng, tôi tới Bắc bộ phủ để bàn về mấy vấn đề quan trọng. Trụ sở quốc dân đảng có hai chiếc xe hơi, chúng tôi ngồi một chiếc xe Ford màu đen chạy khá êm. Nên nhớ lúc đó ngồi xe nhà là một điều hiếm có. Ngồi trên xe, nhìn qua các đường phố, thấy có vẻ vắng im hơn trước, nhưng các cửa hàng đều vẫn mở tại hàng Ngang, hàng Đào. Qua vườn hoa Paul Bert cũ, (tôi không nhớ lúc ấy đã đổi tên là gì) rẽ vào cổng lớn Bắc bộ phủ -tức phủ Thống Sứ cũ. Xế cửa, vẫn có nhà khách sạn Metropole sau đổi tên là khách sạn Thổng Nhất - Xe chúng tôi vừa vào đến trong cổng thì trong có một chiếc xe chạy ra. Người ngồi trên vẫy tay, nhìn không rõ đó là Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp. Từ cửa bên, lên gác, vào một phòng khách rộng, giữa bầy một bàn lớn. Hồ Chí Minh từ một phòng bên ra tiếp, vẫn mặc một bộ áo kaki vàng theo lối Trung Sơn cổ đứng, thái độ rất điềm đạm. Cùng với ông, có một cán bộ nữa, tôi không nhớ tên.
Lần thảo luận này chỉ có hai vấn đề: một là xếp đặt cho một cuộc họp rộng, thảo luận về thành lập Chính phủ Liên hiệp, hai là thảo một bản thông cáo chung, cho cả các tổ chức địa phương của hai bên, về thực thi việc đình chỉ công kích lẫn nhau về hành động cũng như về ngôn luận, cùng thành lập những ủy ban hỗn hợp của cả hai bên để duy trì trật tự.
Vấn đề thứ hai được giải quyết rất nhanh nhưng thực ra về sau có thực hiện hay không lại là một truyện khác. Còn vấn đề thứ nhất thì lại quá phức tạp và khó giải: nguyên tắc đoàn kết chung, thành phần trong chính phủ Liên hiệp, vấn đề quốc hội, quốc kỳ và quốc ca, vấn đề thống nhất quân đội. Nhiệm vụ của chúng tôi hôm ấy chỉ là đúc kết chi tiết cần thảo luận sau này, không phải là vì cách giải quyết, nên sau cũng kết thúc bằng một đề nghị về chương trình nghị sự.
Những cuộc hội họp diễn ra sau đó đưa tới thỏa thuận chính là thành lập một chính phủ kháng chiến lâm thời để tỏ quyết tâm tinh thành đoàn kết, hiệu triệu quốc dân nhất trí kháng Pháp, và cổ võ tinh thần đồng bào đương chiến đấu tại Nam bộ.
Cuộc tổng tuyển cử được hoãn tới đầu tháng Giêng năm 1946. Do tình thế đặc biệt, phe quốc gia không đủ thời gian để chuẩn bị ứng cử tại toàn quốc, nên Việt minh đề nghị giành 70 ghế trong Quốc Hội cho phe quốc gia, trong đó 50 ghế cho quốc dân đảng và 20 ghế cho Việt cách. Nhận thấy chưa đủ lực lượng và điều kiện để cản trở cuộc tuyển cử, phe quốc gia chấp nhận giải pháp này.
Việc lá cờ và quốc ca không thể thỏa thuận được. Vì nếu chấp nhận cờ đỏ sao vàng và bài Tiến Quân Ca thì cũng như đầu hàng rồi, mà Việt minh không thấy có lý do gì để thay đổi lá cờ và bài ca sẵn có.
Gay cấn nhất vẫn là việc thống nhất quân đội. Việt minh nhất định đòi quân đội phe quốc gia phải sát nhập vào Vệ Quốc quân.
Bên này thì đòi lấy tên Quốc Dân quân. Song dù lấy tên gì đi nữa, thì trên thực tế, số lượng quân đội của quốc dân đảng và của Việt cách rất nhỏ và yếu so với Việt minh có cả chính phủ trong tay, nếu sát nhập thì chẳng bao lâu sẽ tiêu vong.
Tuy đều biết việc đoàn kết chỉ là trên bề mặt, nhưng một chính phủ kháng chiến lâm thời đã được thành lập. Đây là chính phủ liên hiệp đầu tiên, vào đầu tháng 1-1940 chính phủ lâm thời này sẽ từ chức khi quốc hội họp, lúc đó một Chính Phủ Liên hiệp chính thức sẽ được ra đời.
Vấn đề cờ và quốc ca sẽ giao cho Quốc Hội quyết định. Việc thống nhất quân đội thì sẽ do một hội nghị liên tịch của đảng phái giải quyết sau. Tốn nhiều thì giờ nhất là việc phân chia các ghế bộ trưởng.
Tuy tôi không dự nhiều về những buổi cãi cọ ấy, song có lần, một đại biểu Việt minh đã phàn nàn thẳng thừng:
- Các anh có ít mà lại cứ đòi nhiều, vô lý!
- Nhưng vô lý hay không, nếu ai đòi được thì cứ đòi chứ.
Cuối cùng, danh sách các vị trong Chính Phủ Lâm Thời gồm có những nhân vật chính như sau (vì đã lâu quá mà thiếu tài liệu để tham khảo, tôi chỉ nhớ được một số nhân vật) cũng không khác với Chính Phủ chính thức sau này mấy.
Chủ Tịch: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn tối cao: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng bộ Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng
Bộ trưởng bộ Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam
Bộ trưởng bộ Tài Chánh: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng bộ Quốc Phòng: Phan Anh
Bộ trưởng bộ Kinh Tế: Nguyễn Tường Long
Bộ trưởng bộ Tư Pháp: Vũ Trọng Khánh
Bộ trưởng bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền
Quốc Phòng ủy viên hội Chủ Tịch: Võ Nguyên Giáp
Quốc Phòng ủy viên Phó Chủ Tịch: Vũ Hồng Khanh.
Trên nguyên tắc, những bộ quan trọng chia đều cho các phe và những nhân vật không đảng phái.
Tôi được cử vào tiểu ban dự thảo bản Tuyên Ngôn của Chính Phủ Liên hiệp lâm thời. Không ngờ, trong buổi họp tại nhà Khai Trí Tiến Đức, tôi lại gặp lại anh Dương Đức Hiền. Đã hơn nửa năm rồi, hai người lại gặp nhau trong một trường hợp kỳ lạ, không thể ngờ tới.
Trông anh không có gì khác trước, chỉ bớt đen đi một chút. Anh rất ít nói, không biết có phải vì sự có mặt của tôi hay không? Hai người bạn, đồng chí thân thiết mấy năm trước đây, nay đã trở thành đối địch, trở thành phải e dè, giữ miếng với nhau. Tại sao cùng một chí hướng mà thành ra thế này? Chắc anh còn nhớ tới những ngày chạy tránh bọn Pháp, ngày anh tới thăm tôi mệt trên cái gác trọ ngõ Chân Hưng, ngày ngồi trên bờ sông Nhuệ anh khuyên tôi và Khái Hưng gia nhập Việt minh, nếu lừng khừng thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!. Quả nhiên hiệu nghiệm. Bây giờ anh đã thuộc phái cầm quyền, sức mạnh ở về phe anh...
Chắc anh không tin gì nhiều về cái đoàn kết trong một chính phủ... Tuy vậy, mọi người cũng cố gắng bàn cãi, cho tới khi bản tuyên ngôn đó ra đời, và được công bố trên toàn quốc.
Vì chính phủ lâm thời này chỉ là quá độ, nên không có tuyên truyền rùm beng, dân chúng cũng ít chú ý. Nhưng việc này phần nào cũng đưa tới hòa hoãn. Trong đầu năm, tại một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nam định, Phát Diệm, Thanh Hoá và khu từ Thừa Thiên tới Quảng Nam, Phú Yên... tiếp tục thành lập đảng bộ Việt nam quốc dân đảng. Tại Đệ Tam Khu, tức từ Vĩnh Yên tới Lào Cai, các cơ cở sẵn có cũng được củng cố và tăng cường, mặc dầu vẫn bị phong toả.