Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 30
G
iáp mê man cho mãi đến gần sáng, mới đòi uống nước. Khánh Ngọc lúc ấy cũng thức dậy.
- Thôi ông để em lấy cho. Thế nào François đã thấy soang chưa?
Giáp cứ nhắm mắt chẳng trả lời, uống nước xong, lại nằm xuống rên khừ khừ.
- Cô cứ ngủ đi. Đã biết đòi uống nước là bệnh không nặng mấy.
- Thôi, bây giờ đến lượt ông, em ngủ thế cũng đã đủ rồi. Ông nên nghe lời em để cho em được vui vẻ một chút.
- Thế thì vâng. Nhưng tôi đã ngủ thì say lắm. Nhỡ có thế nào cô gọi tôi nhé.
Khánh Ngọc chèn chăn vào hai bên vai cho Trọng Khang rồi ngồi xuống cạnh lấy một điếu thuốc lá thơm ra hút. Thấy Trọng Khang chưa ngủ, nàng giơ điếu thuốc lá gần môi Trọng Khang:
- Cả ngày hôm nay, ông không có thuốc lá hút, chắc thèm lắm. Ông hút với em một hơi.
Tay Trọng Khang đang duỗi thẳng ở trong chăn khuỳnh lên để cầm. Chẳng may chạm phải đùi Khánh Ngọc, điếu thuốc lá ở trên tay nàng bỗng rơi xuống, lăn ngay vào cổ Trọng Khang.
- Trời ơi! Có bỏng ông không? Em thật vô ý.
Nàng nhặt vội điếu thuốc, rồi cúi xuống nhìn vào cổ Trọng Khang. Hai mặt gần giáp nhau, hơi thở của nàng phà vào má chàng. Bất giác, Trọng Khang nhắm mắt. Nhưng may, Khánh Ngọc đã ngửng đầu lên:
- Trời ơi! Tối quá, chẳng trông thấy gì hết. Thôi bỏng đâu để em xoa đền.
- Cái lối chữa bỏng của cô học ở đâu đấy? Thế thì có rát chết; kìa thuốc đâu, cô cho tôi hút.
- Em bối rối quên khuấy đi mất. Thôi ông đừng giơ tay ra nữa lạnh, để em cho ông hút. Em gái hầu anh trai mà.
Cứ hút xong một hơi, Khánh Ngọc lại để vào tận môi cho Trọng Khang. Mỗi lần, bàn tay nàng chạm vào môi chàng, nàng lại thấy lòng tràn ngập một khoái cảm. Nàng ao ước điếu thuốc không bao giờ hết. Nhưng vừa đến hơi thứ năm thì mắt Trọng Khang đã nhắm. Biết cái lối hút thuốc ấy nguy hiểm, Trọng Khang phải giả vờ ngủ.
Khánh Ngọc tần ngần nhìn cái khuôn mặt rắn rỏi như tạc vào đá ấy một lát, lâu, rồi không cầm nổi được lòng yêu mến, nàng lấy tay xoa khẽ vào trán. Lúc ấy, Trọng Khang cũng vẫn chưa ngủ, nhưng chàng cứ phải vờ ngủ. Chàng tự nhủ: "Nếu mở mắt ra lúc này thì thế nào cũng có những lời thú nó du mình vào một tình thế không đẹp đẽ".
Chờ Khánh Ngọc nhắc tay, chàng mới giả vờ ú ớ, rồi quay đầu ra ngoài. Thì liền đó, một giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống má chàng. Chàng nghiến răng, cố nghĩ đến Giáp. Rồi chàng thầm đếm: một, hai, ba, bốn. Đếm đến gần ba trăm thì giấc ngủ đến.
Gần đến bữa cơm, chàng trở dậy thì đã thấy có nước chè, nước rửa mặt sẵn sàng. Khánh Ngọc như chỉ rình chàng dậy là bưng đến.
- Ông uống nước rồi đi tắm đi. Ngủ ít mà tắm một cái thì cũng tỉnh lắm.
- Cô chịu khó nhỉ. Ha, ha, mình đã có một cô em gái để hầu mình.
- Em học cái nết chăm chỉ của ông đấy.
Trọng Khang vươn vai:
- À thế nào, ông Giáp...
- Cứ rên khừ khừ và ngủ li bì thế thôi. Em đã nấu sẵn cháo, nhưng muốn để ông ngủ, nên không đánh thức anh ấy dậy.
Trọng Khang lùa tay vào trong chăn:
- Còn nóng lắm. Nhưng bệnh không tăng. Để hôm nay, lại cho uống thuốc xem sao.
Khánh Ngọc lấy chiếc chăn treo ra góc hầm đá, rồi bưng bồn nước vào.
- Thế cô không tắm à?
- Em hai ngày một lượt. Tắm luôn sợ tốn nước, tốn củi. Người ta đối với mình, mình không nên lợi dụng.
- Thế cô bảo với họ thế nào mà có nước đấy.
- Em ra hiệu bằng tay, bằng mắt và bằng mồm.
Trọng Khang tắm xong, toan giặt quần áo thì Khánh Ngọc đã giằng lấy:
- Để em. Những việc này về phần đàn bà. Ông giặt nếu có ai trông thấy họ cười và khinh em đi.
- Nếu cô bị giam ở đây ba tháng nữa thì cô thành một người nội trợ số một.
- Quái, em làm việc thấy khoan khoái đáo để.
- Thì dĩ nhiên. Sinh thú của sự sống là làm việc. Bây giờ cô mới biết à?
- Em nghe nói thì đã lâu. Nhưng bây giờ em mới sống cái chân lý ấy. Thế thì bảo rằng bây giờ em mới biết cũng thế.
- Mà cái chân lý này cô cũng lại sống rồi: một chút vất vả, một chút gian nan, một chút khổ sở cần cho sự trau dồi bản ngã.
- Em đương sống thì đúng hơn.
- Bây giờ mà cô sống cái chân lý này nữa thì đạo của cô cao lắm: tình yêu làm cho người ta sung sướng, một thứ sung sướng đau khổ, nhưng tình thương thì bao giờ cũng làm cho người ta thư thái.
Khánh Ngọc nhìn thẳng ngay vào mắt Trọng Khang:
- Nhưng ông đã yêu bao giờ chưa?
Trọng Khang ngập ngừng:
- Chưa.
- Thế thì ông không có quyền nói.
Ngửng đầu một cách kiêu hãnh:
- Cái quyền nói ấy là về phần em, bởi em đã yêu. Thứ đau khổ của yêu đương là một phương diện của hạnh phúc. Hay nói một cách khác thì nó là một yếu tố để hiểu sự sống. Ông từng trải cái gì, chứ về lòng người thì phải kém em.
- Thì đành là tôi kém. Có lẽ suốt đời tôi, tôi gạt yêu đương đi, bởi tôi thấy nó làm phiền phức cuộc đời.
- Thế thì không bao giờ ông hiểu sự sống cả. Và cũng không bao giờ ông sống hết cái sức điện ở trong người ông cả.
Khánh Ngọc nói bằng một giọng tin tưởng nó làm như rung bốn bức tường đá.
Trọng Khang trố mắt nhìn nàng, nhìn cái vẻ đẹp của nàng lúc bấy giờ, rồi bỗng thấy mình như đứng trên một cái gì nó đang chuyển động.
Thì vừa may, có người mang cơm đến; chàng đỡ mâm cơm, rồi cố bông đùa:
- Chà, cô bây giờ nói bằng cái giọng của tín đồ trước một thần tượng.
Rồi thấy giọng bông đùa trong lúc ấy làm cho mình thấp kém, chàng lại vội chữa:
- Mỗi người chúng ta có một quan niệm riêng về nhân sinh do di truyền, tập quán và hoàn cảnh gây nên. Tôi không thể lấy quan niệm về nhân sinh của tôi mà chê cái quan niệm của cô được. Cô cứ sống quan niệm của cô mà tôi cứ sống quan niệm của tôi. Chúng ta đều còn trẻ. Biết đâu có một ngày kia, cô chả phải nhận cái quan niệm của tôi là đúng.
- Điều đó còn thuộc về tương lai. Nhưng em tin chắc rồi đây thế nào ông cũng phải cho cái quan niệm của em là đẹp.
Ngừng một khắc.
- Mà cái ngày ấy có lẽ không lâu, vì một người như ông thì không thể rung động tất cả những cảm giác đẹp đẽ của nhân loại.
- Thì hẵng chờ đến ngày ấy. Bây giờ, tôi và cô, ta hãy sống cho tình bạn. Cô múc cháo, tôi đánh thức ông Giáp dậy.
- Thôi ta hãy ăn cơm. Cứ để cho anh ấy ngủ. Cháo chưa được nhừ mấy.
- Thế bây giờ tôi cứ nhờ tên này mời thầy thuốc lát nữa đến nhé. Gớm, mới có một ngày một đêm mà ông ta đã róc cả người đi.
- Hay ông nhờ người ta lấy thuốc lá của ông. thế là chắc chắn hơn. Bởi ông đã dùng qua vài lần và thấy hiệu nghiệm.