Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 30 - Người Đưa Thư Của Nga Hoàng
H
ầu như cùng một lúc, tất cả những thành viên của Hội đồng quân sự nhất tề đứng lên và tiến đến cánh cửa hé mở...
Một người giao liên của Nga hoàng đã tới được Irkuxk!...
Nếu những sĩ quan này chịu suy nghĩ một chút về cái khả năng khó có thể xảy ra đó, thì tất nhiên họ sẽ cho chuyện này là vô lý.
Công tước rảo bước đến gần người sĩ quan cận vệ, ra lệnh:
- Cho người liên lạc đó vào!
Một người đàn ông đi vào. Y có vẻ kiệt sức vì quá mệt nhọc. Y mặc một bộ áo quần cũ của nông dân Xibir, rách vá lỗ chỗ vết đạn, đầu đội một chiếc mũ mềm kiểu Maxcơva. Một vệt sẹo dài còn đỏ hỏn cắt chéo mặt y. Người đàn ông này hẳn là đã phải qua một chặng đường dài gian nan vất vả. Giày mòn vẹt đế, rách tả tơi cũng chứng tỏ là y phải đi bộ khá nhiều đường đất trong cuộc hành trình này.
- Xin cho tôi được gặp Đức Ông công tước! - Y vừa đi vào vừa kêu lên.
Công tước bước tới gần y:
- Ta đây! Có phải ngươi là người đưa thư của Nga hoàng.
- Bẩm Đức Ông, vâng.
- Ngươi từ đâu tới?
- Thưa, từ Maxcơva.
- Ngươi rời Maxcơva hôm nào?
- Dạ, ngày 15 tháng Bảy.
- Tên ngươi...?
- Dạ, Misen Xtrôgôp.
Đó là Ivan Ôgarep. Hắn đã đội tên và danh nghĩa của người mà hắn tưởng là đã bị rơi vào thế hoàn toàn bất lực, đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Cả công tước, cả mọi người, không ai ở Irkuxk biết hắn vì thế hắn cũng chẳng cần phải cải trang. Đã phòng bị trước để chứng minh cho cái căn cước mạo xưng, hắn tin là chẳng ai có thể nghi ngờ gì về hắn.
Vì vậy hắn tới với một ý chí sắt thép để đưa tấn thảm kịch xâm lược mau đến chỗ kết thúc bằng âm mưu phản nghịch, bằng thủ đoạn ám hại tính mệnh của đại công tước.
Sau câu trả lời của Ivan Ôgarep, công tước ra hiệu cho các sĩ quan rút lui. Chỉ còn tên Misen Xtrôgôp giả và công tước ở lại trong phòng khách.
Công tước nhìn Ivan Ôgarep một lát hết sức chăm chú, rồi hỏi:
- Ngày 15 tháng Bảy, ngươi ở Maxcơva phải không?
- Bẩm Đức Ông, đúng như vậy và trong đêm 14 rạng ngày 15, tôi đã được bệ kiến đức Hoàng thượng tại Tân Cung.
- Ngươi có mang thư của Nga hoàng, anh ta?
- Bẩm Đức Ông, thư đây!
Và Ivan Ôgarep trao cho công tước lá thư của Nga hoàng đã được gấp lại nhỏ xíu.
- Thư này đã đưa cho nhà ngươi trong tình trạng như thế này ư? - Công tước hỏi.
- Thưa Đức Ông, không như thế đâu! Nhưng tôi đã phải xé bỏ phong bì đi để cho dễ giấu bọn lính của tên êmir Fêôfar.
- Vậy, là ngươi đã bị bọn Tactar bắt giữ?
- Bẩm vâng, bị chúng giam mất vài ngày, - Ôgarep đáp. - Do đó mà, bắt đầu từ Maxcơva ra đi ngày 15 tháng Bảy như đã có ghi trong thư mà mãi tới ngày 2 tháng Mười tôi mới tới được Irkuxk, sau sáu mươi chín ngày gian nan lận đận.
Công tước mở thư ra và nhận được chữ ký của Nga hoàng, bên trên là công thức thánh lễ tự tay nhà vua viết. Vậy không còn nghi ngờ gì nữa về sự xác thực của lá thư cũng như về căn cước của người đưa thư.
Khuôn mặt hung dữ và gian manh của tên này lúc đầu có làm ông nghi ngại, nhưng không để lộ ra trên nét mặt, nay thì sự nghi ngại đó đã có phần tiêu tan.
Công tước yên lặng một lúc không nói năng gì cả. Ông đọc lại thật thong thả bức thư để hiểu thật sâu ý nghĩa của nó.
Sau đó, ông hỏi tiếp:
- Misen Xtrôgôp! Ngươi có biết nội dung bức thư này không?
- Dạ, thưa có. Vì có thể là tôi bắt buộc phải hủy nó đi để khỏi rơi vào tay bọn Tactar. Và nếu trường hợp đó xảy ra, tôi muốn được báo cáo lại bằng miệng đúng nguyên văn với Đức Ông.
- Thư này ra lệnh cho chúng ta là thà chết trong thành Irkuxk, còn hơn là đầu hàng nộp đất cho giặc, ngươi có biết chứ?
- Dạ, thưa tôi có biết!
- Chắc ngươi cũng biết là bức thư chỉ dẫn các hoạt động phối hợp của quân đội để chặn đứng cuộc xâm lăng chứ?
- Dạ có, thưa Đức Ông, nhưng những hoạt động đó đã không thành công.
- Ngươi nói sao?
- Tôi muốn nói là Ichim, Ômxk, Tômxk tức là chỉ nói tới những thành phố quan trọng của hai miền Đông và Tây Xibir, thì những thành phố này cũng đã lần lượt bị quân của Fêôfar-khan đánh chiếm.
- Nhưng có xảy ra giao tranh không? Quân Côdắc của chúng ta có đụng độ với quân Tactar không?
- Rất nhiều lần, thưa Đức Ông.
- Và họ đã bị đẩy lùi?
- Họ không có đủ lực lượng, thưa Đức Ông.
- Những cuộc đụng độ mà ngươi nói đó xảy ra ở đâu?
- Ở Kôkyvan, ở Tômxk...
Cho tới đây, Ivan Ôgarep chỉ nói toàn sự thật, nhưng với mục đích làm cho tinh thần những người phòng thủ Irkuxk hoang mang dao động bằng cách phóng đại lên những thắng lợi mà quân lính của tên êmir Fêôfar đã giành được. Hắn nói thêm:
- Và lần thứ ba, trước cửa ngõ Kraxnôiarxk.
- Và lần giao tranh cuối cùng này ra sao? - Công tước hỏi, giọng rít lên vẻ tức giận.
- Không còn là một trận giao chiến nhỏ nữa, thưa Đức Ông, - Ivan Ôgarep, vẻ quan trọng đáp, - mà đó là một trận đánh hẳn hoi.
- Một trận đánh kia à?
- Thưa, hai vạn quân Nga từ các tỉnh biên giới và tỉnh Tônbônxk tới, đụng đầu với năm vạn quân Tactar và mặc dù dũng khí có thừa, họ đã bị hoàn toàn tiêu diệt.
- Ngươi nói láo! - Đại công tước kêu lên, cố nén cơn giận.
- Đó là sự thật, bẩm Đức Ông. - Ivan Ôgarep khinh khỉnh lạnh lùng đáp. - Tôi có mặt trong trận đánh ở Kraxnôiarxk, và chính ở đó tôi đã bị bắt.
Công tước bình tĩnh lại và ra hiệu cho Ivan Ôgarep rõ là ông không nghi ngờ gì về sự chân thật của hắn.
- Trận đánh Kraxnôiarxk xảy ra vào ngày nào? - Ông hỏi.
- Thưa, vào ngày 2 tháng Chín.
- Và hiện nay toàn bộ quân đội Tactar đều tập trung xung quanh Irkuxk?
- Thưa vâng, toàn bộ.
- Và ngươi ước lượng quân số của chúng có bao nhiêu?
- Vào khoảng bốn chục vạn.
Lại một sự phóng đại của Ivan Ôgarep, không ngoài mục đích làm cho Irkuxk hoang mang.
- Và ta không thể trông đợi bất cứ một sự viện trợ nào ở phía các tỉnh miền Tây phải không? - Công tước bình tĩnh hỏi.
- Không có một sự viện trợ nào, thưa Đức Ông, ít ra là trước khi mùa đông kết thúc.
- Vậy thì, Misen Xtrôgôp! Ngươi hãy nghe đây: Dù không có một sự chi viện nào tới từ phía Tây cũng như từ phía Đông, và dù cho lũ man rợ đó đông tới sáu chục vạn tên, ta cũng sẽ chiến đấu tới cùng!
Đôi mắt xếch của Ivan Ôgarep khẽ nhíu lại. Tên phản tặc như muốn nói là người em trai của Nga hoàng đã dự tính ngoài âm mưu phản phúc của hắn.
Công tước, tính khí nóng nảy, khó lòng có thể giữ được bình tĩnh trước những tin tức giật gân đó. Ông đi đi lại lại trong phòng khách dưới đôi mắt của Ivan Ôgarep đang hau háu nhìn ông, như đang nhìn một con mồi, đối tượng của sự trả hận. Công tước dừng lại bên cửa sổ, nhìn ánh lửa trại quân Tactar, lắng nghe những tiếng động lách cách của những tảng băng va nhau trên dòng chảy sông Angara từ xa vẳng tới.
Một khắc đồng hồ trôi qua trong im lặng. Rồi, lại cầm lấy bức thư, đọc lại một đoạn, ông bảo “Misen Xtrôgôp”:
- Ngươi biết là trong thư này có nói đến một tên phản bội mà ta phải đề phòng chứ?
- Dạ có, thưa Đức Ông.
- Nó phải tìm mọi cách cải trang để lọt vào thành phố, chiếm được sự tin cậy của ta, rồi khi thời cơ đến, đem dâng thành phố cho quân Tactar.
- Tôi biết tất cả những điều đó, thưa Đức Ông. Và tôi còn biết là Ivan Ôgarep đã thề là sẽ trả mối hận với em trai Nga hoàng.
- Tại sao vậy?
- Người ta nói là người sĩ quan này đã bị Đức Ông thi hành kỷ luật và giáng chức nhục nhã...
- Phải... ta đã nhớ ra... Nhưng hắn xứng đáng với kỷ luật đó. Tên khốn khiếp ấy bất mãn, phản bội lại Tổ quốc, câu kết với phỉ Tactar dẫn đến một cuộc xâm lăng của bọn giặc man rợ!.
- Điều mà Hoàng thượng quan tâm trên hết, - Ivan Ôgarep nói, - là Đức Ông phải đề phòng những âm mưu tội ác nhằm vào cá nhân Đức Ông...
- Đúng!... Bức thư đã cảnh báo ta về điều đó.
- Và Hoàng thượng cũng đích thân chỉ giáo cho tôi là cuộc hành trình qua Xibir, cần trước hết coi chừng tên phản bội đó.
- Ngươi đã gặp hắn phải không?
- Tôi đã gặp hắn, thưa Đức ông, sau trận đánh ở Kraxnôiarxk. Nếu hắn chỉ đôi chút nghi ngờ là tôi có mang theo trong mình bức thư gửi cho Đức Ông mà trong đó âm mưu của hắn bị vạch trần, thì tôi không sao thoát được tay hắn.
- Đúng thế! Nếu vậy thì nhà ngươi đã mất mạng rồi! - Công tước nói. - Nhưng, sau đó làm thế nào mà nhà ngươi lại thoát được.
- Tôi đã nhảy xuống sông Irtys.
- Và ngươi lọt vào thành Irkuxk bằng cách nào?
- Nhờ vào một cuộc xuất quân của Đức Ông ngay buổi chiều nay để đẩy lui một phân đội quân Tactar. Tôi trà trộn vào những chiến binh phòng thủ thành phố, xưng danh cho họ biết và ngay lập tức được ra mắt Đức Ông.
- Khá lắm, “Misen Xtrôgôp”! - Công tước nói. - Người đã tỏ ra gan dạ và trung thành trong sứ mệnh khó khăn này. Ta sẽ không quên cái đó. Ngươi có cần xin ta một đặc ân gì không?
- Được chiến đấu bên cạnh Đức Ông - Ivan Ôgarep đáp đầy vẻ kiêu hãnh.
- “Misen Xtrôgôp”! Từ nay ngươi sê luôn ở bên ta, trong tòa lâu đài này!
- Thưa, nếu đúng như lời đồn đại về ý đồ của hắn, Ivan Ôgarep tìm tới trình diện Đức Ông dưới một cái tên giả thì sao?
- Thì chúng ta sẽ lột mặt nạ hắn ra. Ngươi đã biết hắn kia mà! Ta sẽ cho quật hắn chết tươi bằng roi da có móc thép! Được chứ?
Ivan Ôgarep im lặng, dập gót chân chào theo lối quân sự, không quên vai trò hắn đóng là đại úy trong đội quân liên lạc của Nga hoàng và rút lui.
Như vậy là Ivan Ôgarep vừa đóng kịch thành công trong vai trò nhơ nhuốc của hắn. Hắn đã tranh thủ được lòng tin đầy đủ và trọn vẹn của công tước và có thể lợi dụng sự tin cậy này ở đâu và lúc nào khi hắn thấy phù hợp. Ăn, ngủ ngay trong lâu đài, vì thế mà hắn nắm được toàn bộ công việc phòng thủ. Lợi thế hành động nằm trong tay hắn. Không một ai ở Irkuxk biết hắn, không một ai có thể lột được bộ mặt gian manh của hắn. Thế là hắn quyết định khẩn trương bắt tay vào việc.
Thật vậy, thời gian ép hắn phải gấp rút. Thành phố phải đầu hàng trước khi quân Nga ở phía Đông và phía Bắc tới và đó chỉ là vấn để trong một vài ngày. Một khi quân Tactar đã làm chủ Irkuxk, thì không dễ gì mà lấy lại. Nếu vạn nhất sau này chúng phải rút đi, thì chẳng có lý nào mà thành phố không bị triệt hạ trước đó và đầu của công tước cũng khó mà còn ở trên đôi vai của ông.
Ivan Ôgarep có tất cả những điều kiện thuận lợi để nhìn, để quan sát, để hành động, nên ngay hôm sau hắn chú ý đi thăm các chiến lũy. Ở đâu hắn cũng được đón tiếp với những lời khen ngợi nồng nhiệt của sĩ quan, binh lính và những công dân của thành phố. Người giao liên của Nga hoàng như một sợi dây vừa gắn bó họ lại với đế quốc Nga. Ivan Ôgarep trơ trẽn thuật lại những diễn biến bịa đặt trong chuyến đi tưởng tượng với một giọng quả quyết y như có thật. Rồi, rất khéo léo, lúc đầu không quá nhấn mạnh, hắn nói về mức độ nghiêm trọng của tình thế bằng cách phóng đại thêm lên; nói đến thắng lợi của quân Tactar và lực lượng hùng hậu của những tên man rợ này, hắn đều thổi phồng lên một cách quá đáng. Cứ nghe hắn nói quân cứu viện đang mong đợi dù có tới kịp chăng nữa, thì cũng quá yếu, không đủ sức để đối phó với địch. Nếu có một trận đánh lớn xảy ra dưới tường thành Irkuxk, thì kết cục cũng sẽ tai hại chẳng kém gì các trận đánh ở Kôlyvan, ở Tômxk và ở Kraxnôiarxk.
Ivan Ôgarep tỏ ra dè dặt trong những lời phát ngôn bóng gió này. Sự thận trọng có chủ ý của hắn có tác dụng như một đòn tâm lý đánh vào sự suy nghĩ, làm yếu đi niềm tin của các chiến binh phòng thủ Irkuxk, vì tin là hắn đã nói lên sự thật. Hắn còn làm ra vẻ phải miễn cưỡng trả lời khi bị hỏi dồn dập về tình hình giặc. Nhưng hắn bao giờ cũng chốt lại là phải chiến đấu chống lại giặc đến người cuối cùng và thà làm cho thành phố nổ tung lên, chứ không bao giờ chịu đem nộp cho giặc!
Điều tai hại không phải là không có thể xảy ra, nếu đây là một thành phố khác. Binh sĩ đồn trú và dân chúng Irkuxk có một tinh thần yêu nước thiết tha không dễ gì để cho những lời lẽ huênh hoang chi phối. Trong số binh lính, trong số những công dân bị hãm trong một thành phố trơ trọi ở tít địa đầu châu Á này, không một ai nghĩ tới chuyện đầu hàng. Sự khinh bỉ của người Nga đối với bọn người man rợ này thật là không có bờ bến.
Dù vậy, cũng không có một ai nghi ngờ chút nào về vai trò bỉ ổi của Ivan Ôgarep, không một ai có thể đoán ra được kẻ mạo danh là giao liên của Nga hoàng lại chỉ là một tên phản bội.
Một sự việc rất tự nhiên xảy ra là ngay từ lúc hắn tới Irkuxk, mối quan hệ mật thiết được tạo dựng giữa Ivan Ôgarep với một trong những chiến sĩ phòng thủ dũng cảm nhất của thành phố là Vaxili Fêđor.
Người ta biết là người cha bất hạnh này bị những mối lo âu giày vò như thế nào. Nếu Nađia Fêđor, con gái ông đã rời nước Nga đúng vào ngày ghi trong bức thư cuối cùng ông nhận được từ Riga gửi đi, thì hiện nay nó ra sao rồi? Nó vẫn trên đường, băng qua những tỉnh, thành phố bị giặc đóng hay là đã bị bắt? Vaxili Fedor chỉ thấy dịu bớt đôi chút nỗi đau khổ của mình, khi có dịp được chiến đấu với quân Tactar, nhưng những dịp này còn quá hiếm so với ý muốn của ông.
Nhưng khi Vaxili Fêđor biết có một người liên lạc của Nga hoàng bất ngờ tới Irkuxk, thì ông linh cảm thấy người này có thể cho mình biết tin tức về con gái. Chỉ là hy vọng mong manh, chắc chắn là thế, nhưng ông cũng cứ thử xem sao. Người giao liên này đã từng bị giặc bắt. Vậy thì Nađia cũng có thể bị giặc bắt rồi chăng?
Vaxili Fêđor tìm đến Ivan Ôgarep. Tên này nắm ngay lấy cơ hội để bắt quan hệ thường xuyên với người chỉ huy. Tên phản bội nghĩ đến việc lợi dụng trường hợp này chăng? Hắn tưởng rằng một ngưòi Nga, dù là một chính trị phạm bị lưu đày cũng có thể đốn mạt đến nỗi phản bội Tổ quốc chăng?
Dù sao chăng nữa, Ivan Ôgarep cũng đáp lại sự cầu thân của người cha cô gái Nađia bằng một sự niềm nở khéo léo, nhưng khó che giấu phần giả tạo. Vaxili đã tới dinh toàn quyền tìm hắn ngay hôm sau khi tên mạo xưng là giao liên của Nga hoàng vừa tới. Ông cho Ivan Ôgarep biết những trường hợp mà con gái ông phải rời nước Nga phần châu Âu như thế nào và tâm sự với hắn những băn khoăn lo ngại của ông hiện nay về cô.
Ivan Ôgarep không biết Nađia, mặc dù hắn đã gặp cô ở trạm Ichim cùng với Misen Xtrôgôp. Nhưng lúc đó hắn chẳng chú ý gì tới cô, cũng như với hai nhà báo cùng một lúc ở trong nhà trạm. Vì vậy hắn không thể cung cấp cho Vaxili Fêđor chút tin tức nào về con gái ông cả.
- Nhưng vào thời gian nào, - Ivan Ôgarep hỏi, - con gái ông ra khỏi lãnh thổ Nga?
- Gần như cùng thời gian với ông đấy! - Vaxili Fêđor đáp.
- Tôi rời Maxcơva ngày 15 tháng Bảy.
- Có lẽ cả Nađia cũng rời Maxcơva vào thời gian đó. Thư nó đã viết rõ như vậy.
- Ngày 15 tháng Bảy, cô ấy hãy còn ở Maxcơva ư?
- Vâng, chắc chắn như vậy.
- Vậy thì... - Hắn chợt ngừng lại. - Nhưng mà không, tôi nhầm... Tôi lẫn lộn cả ngày tháng. - Hắn lưỡng lự, rồi nói thêm. - Thật không may, chắc chắn là cô ấy đã phải qua biên giới và ông chỉ còn có thể có một hy vọng duy nhất là cô ấy đã dừng lại kịp thời khi biết được tin có cuộc xâm lăng của quân Tactar...
Vaxili Fêđor, đầu cúi thấp vẻ thất vọng, ông rất hiểu Nađia. Ông biết là không gì có thể ngăn cản được con gái ông.
Bằng lời khẳng định trên đây, Ivan Ôgarep đã gây cho Vaxili Fêđor nỗi hoang mang thực sự. Bằng cách đối chiếu ngày tháng mà con gái ông đã tới Nigiơni - Nôpgôrôđ với ngày tháng của bản nghị định cấm ra khỏi thành phố đó, ông Vaxili Fêđor chắc có thể đi đến kết luận: Nađia vẫn còn trên biên giới nước Nga phần châu Âu ngoài ý muốn của cô, như vậy thì cô chưa thể bị rơi vào tình trạng hiểm nghèo do cuộc xâm lược gây ra.
Ivan Ôgarep, một con người tàn nhẫn không hề động tâm trước những nỗi đau của người khác, đã nói những lời xuất phát từ tâm địa tăm tối ác độc của hắn.
Vaxili trở về nhà, lòng đau như cắt sau cuộc trao đổi đó. Hy vọng cuối cùng của ông tắt ngấm.
Trong hai ngày tiếp theo, ngày 3 và 4 tháng Mười, công tước nhiều lần đòi tên mạo xưng là “Misen Xtrôgôp” tới gặp và bắt hắn nhắc lại tất cả những gì hắn đã nghe được trong Văn phòng ngự tiền ở Tân Cung. Ivan Ôgarep đã chuẩn bị sẵn cho tất cả các câu hỏi đó, trả lời không chút ngập ngừng. Hắn cố ý không giấu diếm là Chính phủ Nga hoàng bị hoàn toàn bất ngờ về cuộc xâm lăng, là cuộc phiến loạn đã được chuẩn bị trong vòng bí mật tuyệt đối, là khi tin tức về đến Maxcơva thì quân Tactar đã làm chủ phòng tuyến sông Ôbi, là các tỉnh nước Nga chưa chuẩn bị kịp để tung vào Xibir những lực lượng cần thiết nhằm đẩy lùi bọn xâm lược.
Rồi, Ivan Ôgarep được hoàn toàn tự do đi lại trong thành, bắt đầu nghiên cứu Irkuxk, tình trạng các công sự, đồn lũy... và các điểm yếu của các vị trí này cốt để sau đây lợi dụng trong trường hợp có tình huống nào đó xảy ra ngăn cản hắn thực hiện hành vi bội phản. Hắn đặc biệt chú ý xem xét cửa thành Lớn “Bônsai” mà hắn đã có ý đồ nộp cho giặc.
Hai lần về buổi chiều, hắn leo lên bờ dốc cổng thành Lớn. Hắn đi dạo ở trên đó một cách lộ liễu, như chẳng thèm chú ý đến bọn đang vây thành; không sợ dính đạn chúng có thể bắn lên. Những vị trí gần nhất của bọn này chỉ cách chiến lũy chưa đầy một dặm. Hắn biết rõ là hắn không bị nguy hiểm, ngay cả khi bị phát hiện. Hắn bỗng thoáng trông thấy một bóng đen luồn lỏi đến tận chân những ụ đất.
Mụ Săngga liều chết cố lẻn tới để liên lạc với Ivan Ôgarep.
Từ hai hôm nay, những người bị bao vây sống trong trạng thái yên tĩnh mà bọn Tactar chưa hề bao giờ để cho họ được như vậy, kể từ khi bắt đầu cuộc công hãm.
Đó là theo lệnh của Ivan Ôgarep. Tên phụ tá của Fêôfar-khan muốn rằng tất cả những mưu toan chiếm thành bằng vũ lực đều phải đình chỉ. Vì vậy nên từ ngày hắn tới Irkuxk, trọng pháo tuyệt đối câm lặng. Có thể, chí ít hắn hy vọng như thế, là làm như vậy thì sự canh gác của những người bị bao vây sẽ phần nào trễ nải chăng? Mặc dù vậy, ở những vị trí tiền tiêu, hàng ngàn quân Tactar sẵn sàng xông vào phía cổng thành không có người phòng thủ, khi Ivan báo cho chúng biết giờ hành động.
Việc này không thể trì hoãn được nữa. Cần phải chiếm được thành trước khi các đơn vị quân Nga tới gần Irkuxk. Ivan Ôgarep đã đi đến quyết định dứt khoát vào buổi tối hôm đó, từ trên bờ thành, một mẩu giấy rơi xuống lọt vào tay mụ Săngga.
Đó là giấy hẹn hôm sau, đêm mồng 5 rạng ngày 6 tháng Mười, vào hồi hai giờ sáng, Ivan Ôgarep sẽ giao nộp thành Irkuxk cho quân Tactar.