Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Chương 8 - Dưới Sự Thống Trị Của Mãn Châu
Triều đại này là triều đại cuối cùng của chế độ quân chủ, của nền văn minh cổ Trung Hoa.
Người Hán lại phải chịu cái ách của Mãn Châu, lâu gấp ba cái ách của Mông Cổ thời Nguyên; nhưng lần này ách không nặng bằng lần trước (Mãn không quá nghi kị Hán, không dùng ngoại nhân để trị, cũng không quá bóc lột quá mức) mà Mãn, Hán sớm biết sống chung với nhau và rốt cuộc có lợi cho cả hai bên. Nhờ hơn một thế kỷ thịnh trị - cho tới cuối thế kỷ XVIII – đế quốc mở mang hơn các thời trước (không kể thời Nguyên), và nhờ biết trọng văn minh Trung Hoa, người Mãn đã Hoa hóa hoàn toàn, Mãn Hán chỉ là một.
Một đế quốc càng rộng thì càng bị dòm ngó nhiều mà sự bao vây lâm thế càng khó. Từ đời Hán không triều đại nào dân tộc Trung Hoa không điêu đứng về nạn bị các rợ phía Bắc và phía Tây xâm lấn. Qua Mãn Thanh, nhờ những võ công của Khanh Hi, Ung Chính, Càn Long 1 tránh được nạn đó; nhưng từ thế kỉ XIX họ lại nhục nhã bị các “rợ” phương Tây qua ức hiếp, chiểm các nguồn lợi kinh tế của họ. Rồi người Nga, người Nhật cũng vào hùa chiếm miền Bắc. Rôt cuộc họ bị bao vây bốn phía, thành một bàn thuộc địa của non chục cường quốc, có cơ nguy hơn các triều đại trước nữa. Nhưng chính vì các nạn đó, mà dân tộc Trung Hoa mới quyết tâm duy tân, Âu hóa mà lật đổ triều đại nhà Thanh, tiến theo trào lưu của Thế giới.
A. THỜI THỊNH TRỊ
1. Thống nhất – củng cố
Ông vua Thanh đầu tiên của Trung Hoa là Thuận Trị (Thế Tổ). Lúc vào Bắc Kinh ông mới bảy tuổi, mẹ ông bồng ông, đặt lên ngai vàng. Mười lăm tuổi ông có vợ, nhưng chỉ mê một quí phi, tám năm sau bà này chết, ông ưu uất, ít tháng sau chết theo. Sử gia cho rằng ông bị bịnh thần kinh suy nhược. Việc nước do môt thân vương (chú ông) làm phụ chánh quyết định hết, triều đình nhờ vậy có kỷ cương.
Việc đầu tiên nhà Thanh làm khi vào Bắc Kinh là cấm quân lính xâm nhập vào nhà dân, rồi cải tang vua Tư Tôn, ông vua đã tuẫn quốc ở núi Lôi Sơn, phát tang, hạ lệnh cho quan dân để tang ba ngày; viên Thái giám Vương Thừa Ân tuẫn nạn cũng được chôn ở bên lăng Tư Tôn. Những người tuẫn nạn khác được thờ chung trong một ngôi đền.
Biện pháp đó sáng suốt, cho người Hán thấy rằng, nhà Thanh không muốn chiếm nước của nhà Minh mà chỉ có ý dẹp bọn giặc Lý Tự Thành cứu khổ cho dân chúng. Dĩ nhiên nhiều người cho là giả dối, nhưng hành động đó có vẻ văn minh, hợp với đạo Nho. Người Mãn già tâm lý hơn người Mông.
Thanh lại trưng dụng cựu thần của Minh, dùng cả hai thứ chữ Hãn, Mãn, coi trọng văn hóa Hán, nhưng hậu duệ của nhà Minh thì họ tìm cách diệt cho hết.
Để lấy lòng dân Hán, họ tha cho một sổ tội nhân, bỏ mốt số thuế hà khắc quá, những kẻ cô quả, không có phương tiện mưu sinh, được họ giúp đỡ mà.
Hồi quân Mãn mới vào Trung Quốc, chúng chiếm đất của dân, vach khu để quản lí, triều đình ra lệnh tuyệt cấm, bắt trả lại cho dân.
Họ cũng khôn hơn Mông Cổ, lập lại ngay khoa cử để lung lạc kẻ sĩ.
Một số đỗ đạt được bổ dụng, nhưng họ thận trọng chưa tin hẳn, mới đầu chỉ cho người Hán phụ tá người Mãn thôi, mà người Mãn không cần thi cũng được làm quan.
Đó là chính sách dùng ân huệ để vỗ về; chính sách dùng uy để đàn áp cũng tàn nhẫn lắm. Cũng như người Mông, họ cấm hia dân tộc Mãn – Hán kết hôn với nhau, bắt người Hán phải dùng y phục của Mãn, phải cạo đầu, gióc bím như Mãn; thời Nguyên người Hán phải để hai cái bím thòng xuống hai bên, thời Thanh phải để một cái từ đỉnh đầu thong xuống giữa lưng; người nào không tuân lệnh thì bị chặt đầu. Người hán lấy vậy làm tủi nhục, mới đầu nổi lên phản kháng: ”Chặt đầu thì chặt đầu, để bím thì không”. Phong trào phản kháng mạnh nhất ở miền Đông Nam. Một thị trấn nọ chống cự với lính Mãn tám chục ngày. Khi chiếm được thị trấn, viên tướng Mãn cho phép quân lính tàn sát dân chúng ba ngày để làm gương cho các nơi khác: 97.000 người chết trong thị trấn, và 75.000 người ở vùng lân cận.
Ngoài ra còn lệnh cấm lập xã (đoàn thể), lập hội. Kẻ nào có giọng phản Thanh, nhất là trong sách vở thì đều bị tử hình, (coi ở sau một họa văn tự đời Càn Long, tr 190).
Trong ba bốn chục năm đầu, nhiều đại địa chủ và kẻ sĩ giữ thái độ bất hợp tác, hoặc vào rừng ở ẩn như đầu đời Nguyên; hoặc dắt díu nhau bỏ quê hương ra nước ngoài làm ăn như bọn Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch năm 1679 qua nước ta, qui phục chúa Nguyễn Phúc Tần, được chúa cho vào Đồng Nai kinh doanh và họ lập nên một nơi buôn bán thịnh vượng ở cù lao Phố (Biên Hòa); như bọn Mạc Cửu cuối thế kỉ XVII, qua lập nghiệp ở Mang Khảm (Hà Tiên) lâp tại đó một hải cảng phồn thịnh, một tiểu quốc văn hiến dưới sụ bảo hộ của chúa Nguyễn. Những nơi họ ở gọi là Minh hương (làng người Minh), ngày nay Minh hương có nghĩa rộng hơn, trỏ tất cả những người Trung Hoa qua Việt Nam lập nghiệp.
Chắc thời đó còn nhiều nhóm người Minh (đa số ở Đông Nam Trung Hoa: Phúc Kiến, Quảng Đông) di cư qua Thái Lan, Mã Lai…
Nhưng qua các đời sau, Khanh Hi, Càn Long tinh thần phản Thanh giảm đi vì thấy người Mãn coi trọng văn minh Trung Hoa, đồng hóa với người Hán, và qua thế kỉ XIX thì cơ hồ không còn sự kì thị giữa Hàn và Mãn nữa, nhiều người Hán như Tăng Quốc Phiên, Lí Hồng Chương đã giúp cho triều đình Thanh vững lại (coi ở sau).
Chú thích:
(1) Từ đời Hán các vua Trung Hoa có lệ dùng niên hiệu rồi lại dùng niên hiệu nữa). Có nhiều ông dùng cả chục niên hiệu. Qua đời Thanh, ông nào cũng chỉ dùng một niên hiệu thôi. Vì vậy các sử gia chép về vua các triều đại từ Minh trở lên đều dùng miếu hiệu, qua đời Thanh thường chỉ dùng niên hiệu như Khanh Hi, Ung Chính, Càn Long, chứ không dùng miếu hiệu: Thánh Tổ, thế Tôn, Cao Tôn. Những miếu hiệu quanh đi quẩn lại chỉ có vài chục tên, triều đại nào cũng dùng, dễ bị trùng mà lại ít ý nghĩa, không tiện bằng niên hiệu.
DẸP CÁC PHONG TRÀO PHẢN THANH
Sau khi quân Mãn Thanh chiếm được Nam Kinh, Phúc Vương tự tử, sự kháng chiến của tôn thất nhà Minh còn tiếp tục, mặc dầu yếu ớt.
Kế tiếp Phúc Vương là ba vương nữa: Lỗ Vương nổi ở Chiết Giang, Đường Vương kháng chiến ở Phúc Kiến và Quế (?) Vương ở Quảng Đông, Quảng Tây. Họ đều hùng tâm, được dân chúng ủng hộ, nhưng thực lực không có gì, nên chỉ trong mấy năm, ông thì chết vì bịnh, ông thì bị Thanh bắt; và nghĩa quân cứ phải lùi dần về phía Nam. Quế Vương chống cự lâu hơn cả, Mãn Thanh phải đem đại đội binh mã tấn công toàn diện, ông lùi về Quí Châu, rồi Vân Nam, sau cùng vô Miến Điện, Ngô Tam Quế bị Mãn Thanh mua chuộc, đem quân truy tới cùng, ép vua Miến phải nạp Quế Vương, và Tam Quế giết chết năm 1662, đầu đời Khang Hi.
Cuối cùng chỉ còn Trịnh Thành Công, một viên tướng của Đường Vương, dắt bộ hạ qua đảo Đài Loan, tiếp tục kháng chiến.
Ông ta hô hào các chí sĩ ở miền duyên hải từ Chiết Giang tới Phúc Kiến phản Thanh phục Minh. Từ 1624 nhà Minh đã cho người Hòa Lan lập ở đảo đó vài căn cứ để buôn bán, mà cũng để khống chế bọn hải tặc Nhật Bản. Trịnh Thành Công lực lượng khá lớn, đuổi người Hòa Lan đi, chiếm lấy đảo (rộng bằng một tỉnh Trung Hoa), khai thác, tính chuyện lâu dài. Chẳng may ông chết sớm, con còn nhỏ lên nối ngôi. Nhà Thanh thừa dịp đó, một mặt bắt dân ở ven biển Phúc Kiến phải dời sâu vào trong nội địa để không tiếp tế được cho họ Trịnh; mặt khác nhờ hải quân Hòa Lan giúp sức, chiếm được Đài Loan năm 1683 (đời Khanh Hi). Tới đây Mãn Thanh mới bình định xong Trung Hoa. Cứ mỗi lần một nhóm phản Thanh bi diệt thì lại có hàng trăm người tuẫn quốc. Đó là đặc điểm của một dân tộc thấm nhuần đạo Khổng. Trước sau có cả ngàn người.
TRIỆT HẠ BA PHIÊN VƯƠNG
Đầu đời Thuận Trị, nhà Thanh dùng ba tên Hán gian để dẹp loạn trong nước, phong cho chúng tước Phiên Vương. Có thế lực nhất là Ngô Tam Quế được phong làm Bình Tây vương ở miền Tứ Xuyên; còn hai tên kia được phong làm Bình Nam Vương, Tĩnh Nam Vương, có nhiệm vụ bình định miền Nam.
Ngô Tam Quế vẫn ức nhà Thanh phổng tay trên ngôi báu Trung Hoa, bất đắc dĩ phải tuân lệnh họ đi dẹp Lí Tự Thành ở Sơn Tây, rồi bình định miền Tứ Xuyên. Hắn lập được nhiều công cho Thanh (Công cuối cùng là bắt giết Quế Vương như trên đã nói), những vẫn thầm nuôi cái ý chiếm cứ một phương, thành lập một quốc gia độc lập, không chịu sự thúc phược của triều đình Thanh.
Năm 1677, hắn phất cờ khởi nghĩa ở miền động Đình Hồ dùng khẩu hiệu “Hưng Minh thảo lồ” (dẹp giặc đề phục hưng nhà Minh) nhưng tội y nhiều và nặng quá, dân chúng không ai theo, coi hắn là một tên “trành” (người bị cọp vồ thành quỉ, cọp sai về bắt đồng bào), rồi hai phiên vương lần lượt hàng Thanh hết, quay lại tấn công hắn, hắn hóa cô độc, bỏ khẩu hiệu “Phục Minh” mà xưng đế, chẳng bao lâu sau bị bệnh chết (1676). Hắn chết rồi, Khang Hi tìm cách giết luôn hai phiên vương kia.
2. Phát triển
- CHẾ ĐỘ
- CHÍNH THỂ
Cũng như nhà Nguyên, Mãn Thanh mới đầu không mong gì được người Hán ủng hộ, nên trông cậy nhiều nhất vào bộ tộc của mình và một phần vào một số bộ tộc anh em với mình như Mông Cổ, nhưng Thanh không hơn Nguyên, khéo dùng người Hán, vậy là họ dùng cả Mãn, Hán, Mông, mà có hạn định.
Các chức vụ lớn ở triều đình luôn luôn giao cho hai người: 1 Mãn, 1 Hán. Sáu bộ thì mỗi bộ đều có một thượng thư người Mãn, một thượng thư người Hán, hai thị lang người Mãn, hai thị lang người Hán.
Do đó phải dùng nhiều thông ngôn trong nội các và lục bộ. Hai ngôn ngữ Hán, Mãn đều được dùng cả, và một số người Hán thi đậu tiến sĩ được khuyến khích học thêm tiếng Mãn tại một viện Hàn Lâm. Người Mãn cũng được khuyến khích học tiếng Hán. Tới khoảng 1670, nhiều cơ quan không cần có thông ngôn nữa, và khoảng 1838 thì không còn tiến sĩ Trung Hoa nào học thêm tiếng Mãn nữa. Vua Khang Hi cho soạn bộ tự điển mang tên ông (Khang Hi Tự điển) để giúp người Mãn, nhưng khi soạn xong thì ít khi họ dùng tới.
Thanh theo Mãn áp dụng chính sách trung ương tập quyền, không đặt chức tể tướng, bao nhiều quyền đều do vua nắm hết, thành thử các đại học sĩ ở Nội Các và các đại thần ở lục bộ chỉ là những kẻ thừa hành thôi.
Mệnh lệnh của Hoàng đế gởi cho một viên quan nào thì gởi thẳng cho viên quan ấy, chứ không gởi cho bộ hoặc thượng cấp của viên quan ấy để chuyển giao; các quan thượng thư cầm đầu các bộ cũng không được trực tiếp ra mệnh lệnh cho cấp dưới; 12 thượng thư và 24 thị lang của 6 bộ đều có thể trực tiếp tâu riêng với vua, người này không biết người kia tâu gì, vậy là thượng thư hoàn toàn không có chút trách nhiệm gì cả. Thời đầu, vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long đều cần mẫn,mà việc nước cũng ít rắc rối, nên có thể áp dụng chính sách đó được, về sau chắc phải châm chế nhiều.
Một điểm đặc biệt là nhà Thanh không lập thái tử như các triều trước: Vua Thuận Trị là lâm thời tôn lên, chứ không định trước. Vua Khang Hi lên ngôi di chiếu; ông có 35 hoàng tử (không biết bao nhiêu công chúa) và khi ông theo lệ Trung Hoa, lập thái tử thì các hoàng tử ghen ghét, kết bè đảng khuynh loát, mưu hại, có lần một hoàng tử là Jun Jeng (Doãn Nhung?) (theo f. Backhouse và J.O.P Bland trong Les Empereures Mandchous Payot, 1964) tính giết cả vua cha, Khang hi kể tội con với các quan rồi lăn xuống đất khóc lóc (năm đó ông trị vì đã 50 năm). Thấy chế độ lập thái tử tai hại như vậy, ông hai lần lập thái tử rồi hai lần phế đi. Khi ông chết, Ung Chính được sự ủng hộ của quân đội mà lên ngôi, tức là loạn nổi lên trong anh em, họ tranh giành ngôi vua với ông, ông phải giết hết những kẻ đó; và quyết tâm bỏ lệ lập thái tử. Ông lựa chọn một người con cho sau này kế vị, viết tên, bỏ vào trong một hộp kín, cất một nơi trong cung, đến khi lâm chung, bảo các đại thần mở ra xem mà thi hành. Người kế vị ông là Càn Long. Các vua sau đều theo cách ấy, trừ vua Đồng Trị.
Cái tệ lập thái tử, chăng kể tư cách tài năng ra sao, cứ cho con lớn của dòng chính là được lên ngôi, cái tệ đó do chế độ tôn pháp từ đời Chu tới đầu đời Thanh, trên 2.500 năm, mới được một vua Mãn hủy bỏ. Cai cách đó đáng kể là một tiến bộ; đời Thanh chỉ có vài ông vua bất tài, vô hạnh, ít hơn các đời trước nhiều là nhờ vậy. Nhưng cái hạn chế độ truyền tử chứ không truyền hiền, vẫn còn nặng lắm.
Chính chế ở các địa phương (18 tỉnh) thì theo nhà Minh, không có gì thay đổi.
• Khoa Cử: cũng theo nhà Minh, dùng văn bát cổ để lựa nhân tài.
• Binh chế: Quân đội phân biệt hai hạng: kì binh và doanh binh. Kì binh (kì là cờ) mỗi đoàn có một màu cờ, dùng cả người Mãn, người Mông, người Hán, có nhiệm vụ giữu kinh sư và xuất chinh, họ được tập luyện tập kĩ hơn hết.
Doanh binh thường dùng để trấn áp nội loạn. Các viên đô thống, tướng dù kì binh hay doanh binh mới đầu đều là người Mãn, gần cuối triều đại mới dùng người Hán.
• Tư pháp:
Pháp luật đời Thanh đại để theo đời Minh. Nhưng dĩ nhiên là bất bình đẳng như nhà Nguyên. Người Mãn được nhiều đặc quyền nhất, người Hán thấp nhất.
Tôn thất và kĩ nhân (người Mãn) do nhưng cơ quan riêng xét xử và được đổi hình phạt.
• Thuế:
Cũng như đời Minh, phân biệt hai thứ: thuế điền và thuế đinh, sau đem thuế đinh san ra ruộng đất mà thu chung.
Năm 1712, Khang Hi xuống chiếu định rằng cứ lấy ngạch thuế ghi trong sổ sách năm 1711 làm tiêu chuẩn (năm đố số đinh là 24.620.000) sau dân số có tăng thì thuế vẫn như cũ. Dân số năm 1710, theo Eberhard là 116.000.000. Vậy cứ 5 người dân (kể cả nam, phụ, lão, ấu) thì có 1 đinh?
Ngoài các thứ thuế cũ: muối, đánh cá, trâu ngựa… còn đặt ra thuế “li kim” hồi giặc Thái Bình đánh vào hàng hóa chuyên chở qua các tỉnh, “thuế quan” đánh vào hàng hóa qua các cửa quan, và thuế hải quan đánh vào các hàng từ nước ngoài vào.