Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 183 / 5
Cập nhật: 2020-01-25 21:17:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28 - Những Vị Khách Đến Thăm
hông lâu, sau lần thứ hai gặp ông John Pendleton, một buổi chiều, Milly Snow đã tới thăm Pollyanna. Chưa bao giờ cô đặt chân đến trang trại Harrington, vì thế khi bà chủ xuất hiện, cô đỏ mặt và nhìn bà hết sức bối rối.
“Thưa bác, cháu... cháu tới thăm cô bé.” Milly lắp bắp.
“Cảm ơn cháu. Em nó vẫn chưa đỡ chút nào. Mẹ cháu khỏe không?” Bà Polly hỏi với giọng mệt mỏi.
Giọng hổn hển cô đáp: “Thưa bác mẹ cháu vẫn khỏe ạ. Nghe tin Pollyanna phải nằm liệt một chỗ, mẹ con cháu vô cùng hoảng hốt. Nghĩ mà thương cô bé bác ạ. Vậy là giờ đây cô ấy không thể tham gia vào các cuộc chơi nữa rồi. Đó là trò chơi cô bé đã kiên trì hướng dẫn mẹ cháu. Nhờ có trò chơi ấy, mẹ cháu đã thoát khỏi tâm trạng buồn chán, thất vọng. Pollyanna thực sự là vị cứu tinh của mẹ con cháu bác ạ. Xin bác nói điều ấy với Pollyanna giúp cháu. Cháu nghĩ cô bé sẽ vui.” Milly ngừng lời, lúng túng thấy rõ. Dường như cô đang đợi ý bà Polly.
Mặc dù Dì Polly ngồi nghe với thái độ lịch thiệp nhưng ánh mắt bà lại như của một người không hiểu quá nửa những gì đang diễn ra: một tràng dài những từ ngữ lộn xộn không ra đầu ra cuối. Trước giờ, Milly Snow là một cô gái “kỳ quặc” trong mắt người dân thị trấn, song lần này, bà không cắt nghĩa được những gì cô nói về cháu gái mình.
Im lặng chừng vài phút, Bà Polly dịu giọng hỏi: “Milly à, cháu nói mẹ cháu vui vì trò chơi Pollyanna đã hướng dẫn ư? Và cháu tin rằng Pollyanna sẽ vui khi biết điều ấy? Ta không hiểu rõ điều cháu muốn ta nhắn lại cho Pollyanna.”
“Thưa bác, cháu tin cô bé sẽ vui khi biết điều cô bé làm có ý nghĩa thế nào với mẹ con cháu.” Milly luống cuống trả lời: “Tất nhiên, Pollyanna cũng đã đến nhà cháu, nhưng cô bé không thể rõ mẹ cháu đang dần dần thay đổi nhiều đến thế nào. Mẹ cháu phấn khởi và lạc quan hơn trước bác ạ. Cháu cũng đang luyện tập trò chơi ấy.”
Dì Polly cau mày. Bà muốn Milly nói rõ về trò chơi nhưng điều đó dường như rất khó. Bởi lẽ Milly tiếp tục liến thoáng: “Bác chưa biết ngày trước mẹ cháu khó tính thế nào đâu. Mẹ cháu chỉ muốn mọi việc theo ý mình và luôn khó chịu với tất cả mọi điều người khác làm cho bà. Cũng chẳng trách được khi mẹ cháu ở trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi rồi bác ạ. Mẹ đồng ý để cháu kéo rèm cửa sổ lên, mẹ quan tâm săn sóc bản thân, đến phục sức, bộ áo ngủ... Mẹ bắt đầu đan lát những chiếc địu và chăn cho em bé để mang bày bán ở hội chợ hay tặng cho bệnh viện. Mẹ cháu làm những việc ấy với một niềm say mê thực sự. Tâm trạng của bà đã vui vẻ, thoải mái lên rất nhiều. Tất cả là nhờ có Pollyanna bác ạ. Cô bé đã nói với mẹ cháu: Dù không đi lại được, nhưng mẹ cháu vẫn nên mừng vì bà còn đôi tay lành lặn kia mà. Câu nói ấy đã làm mẹ cháu phải suy nghĩ: ‘Vì sao mình không làm một việc gì đó bằng đôi tay bình thường khỏe mạnh của mình?’ Và mẹ cháu đã chọn công việc đan len. Căn phòng của mẹ cháu giờ đây ngập tràn ánh sáng với lăng kính treo trên cửa sổ và những tấm vải đỏ, xanh, vàng để may quần áo. Pollyanna đã tặng mẹ cháu lăng kính ấy bác ạ. Bác sẽ cảm thấy thoải mái khi đến thăm mẹ cháu bây giờ. Ngày trước mỗi lần vào phòng mẹ cháu, cháu rất sợ vì căn phòng tối mò và ảm đạm. Mẹ cháu nằm quay mặt vào tường với tâm trạng u uất. Còn bây giờ đã khác. Tất cả là nhờ có Pollyanna. Cháu nghĩ Pollyanna sẽ vui khi biết điều đó vì cô ấy quý mẹ con cháu lắm, cũng như mẹ con cháu quý cô ấy bác ạ. Mong bác nói với cô ấy giúp cháu.” Milly thở dài lấy hơi sau một hồi nói không ngừng nghỉ, rồi vội đứng lên.
“Được, bác sẽ chuyển lời.” Dì Polly khẽ nói trong lúc bà còn chưa biết phải sắp xếp ý bài diễn thuyết đặc biệt này thế nào tới Pollyanna.
Hai lần tới thăm của ông John Pendleton và của Milly Snow là hai cột mốc khởi đầu cho những cuộc thăm hỏi khác sau đó. Dì Polly luôn nhận được những lời nhắn nhủ thăm hỏi động viên cháu gái. Những lời nhắn lạ lùng ấy luôn làm bà khó xử.
Một buổi sáng, bà Widow Benton đã tới thăm Pollyanna. Mặc dù Dì Polly chưa gặp người phụ nữ này bao giờ nhưng dì lại biết khá rõ về bà. Bà được cả thị trấn biết đến với biệt danh người phụ nữ buồn rầu nhỏ bé. Người ta luôn thấy bà vận trang phục màu đen, nhưng riêng sáng nay bà thắt nơ xanh nhạt trên cổ áo. Đôi mắt bà nhòa lệ. Bà nói về nỗi buồn và sự kinh hoàng khi nghe tin vụ tai nạn xảy ra với Pollyanna. Rồi bà rụt rè yêu cầu được vào gặp cô bé. Dì Polly lắc đầu:
“Thưa bà, Pollyanna chưa thể gặp ai lúc này được. Mong bà hiểu cho.”
Bà Benton lau nước mắt, đứng lên và quay bước. Nhưng khi đã ra tới cửa phòng, bà vội quay người lại. Nhìn Dì Polly, bà lập bập yêu cầu: “Cô Harrington này, cô chuyển tới Pollyanna những lời tôi muốn nói được không?”
“Được chứ, thưa bà. Tôi luôn sẵn lòng làm điều ấy.”
Ngập ngừng một lúc, bà Benton mới nói: “Mong cô nói với Pollyanna là tôi đã tới thăm và cài chiếc nơ xanh nhạt trên cổ áo.” Vừa nói, bà vừa đưa tay chạm vào chiếc nơ. Nhận thấy sự ngạc nhiên trong ánh mắt Dì Polly, bà vội giải thích:
“Con bé đã phải cố gắng thuyết phục tôi cài chiếc nơ này trong một thời gian dài, vì vậy tôi nghĩ con bé sẽ vui khi biết tôi thích nó. Pollyanna nói rằng Freddy sẽ rất vui khi nhìn thấy tôi cài chiếc nơ này. Freddy là tất cả những gì tôi có...” Bà lắc đầu và quay mặt đi. Một lúc sau bà hạ thấp giọng: “Chỉ cần cô nói với Pollyanna như vậy, con bé sẽ hiểu.” Cửa ra vào khép lại sau lưng bà.
Ngày hôm ấy còn có một quả phụ đến thăm Pollyanna. Dì Polly đoán vậy dựa trên phục trang của vị khách. Bà không biết gì về người phụ nữ này. Bà tự hỏi làm thế nào cháu gái mình lại quen biết bà khách này. Người phụ nữ tự xưng là Tarbell.
Bà khách chủ động mở lời: “Với bà đương nhiên tôi là khách lạ, nhưng tôi không xạ lạ với Pollyanna. Hè vừa rồi tôi ở khách sạn. Để giữ gìn sức khỏe, sáng nào tôi cũng đi bộ. Cũng từ những cuộc đi bộ tôi đã làm quen với cháu gái bà. Cô bé thật đáng yêu! Tôi sẽ nói để bà hiểu vì sao tôi lại yêu mến Pollyanna. Gương mặt ngời sáng và tính cách hồn nhiên của cô bé đã làm tôi nhớ đến con gái bé bỏng tội nghiệp đã khuất của tôi. Nghe tin Pollyanna gặp nạn, tôi đã bị sốc mạnh. Cô bé sẽ phải nằm bất động một chỗ mãi hay sao? Tôi nghe nói cô bé đang vô cùng sầu não. Tôi vội tới gặp bà và thăm cô bé. Ôi, cô bé tội nghiệp của tôi!”
“Bà thật tốt bụng, thưa bà.” Dì Polly khẽ nói.
“Cảm ơn bà, bà chủ mến khách.” Sau câu nói ấy, giọng vị khách bỗng trở nên ngần ngại: “Tôi có vài điều muốn nói với cô ấy, mong bà chuyển lời giúp tôi.”
“Tôi sẵn lòng làm việc đó, thưa bà.”
“Xin bà nói với cô ấy, cô Tarbell giờ đây đã vui hơn trước nhiều. Tôi biết điều tôi vừa nói có thể khiến bà thấy kì lạ. Nhưng xin bà thứ lỗi, tôi không thể nói một cách chi tiết được.” Nét buồn lại thoáng hiện trên gương mặt người phụ nữ. Đôi mắt bà tắt ánh tươi vui.
“Tôi thấy mình cần phải cho Pollyanna biết điều này. Cô ấy sẽ hiểu. Xin bà thứ lỗi nếu cuộc viếng thăm bất ngờ của tôi đã khiến bà phật ý.” Bà khẩn cầu rồi tạm biệt Dì Polly.
Với tâm trạng bối rối, Dì Polly vội lên gác tới phòng cháu gái.
“Pollyanna này, cháu quen biết cô Tarbell ư?”
“Thưa dì vâng ạ. Cháu thương cô ấy lắm. Sức khỏe của cô Tarbell không được tốt, cô ấy rất hay buồn rầu. Cô Tarbell nghỉ ở khách sạn và thường đi bộ mỗi ngày. Hai cô cháu cháu hay đi bộ cùng nhau dì ạ. Nhưng giờ thì cháu không thể đi bộ cùng cô ấy nữa rồi!” Giọng Pollyanna nghẹn ngào, hai giọt lệ lăn dài trên má em.
Dì Polly vội hắng giọng trấn an: “Cô Tarbell vừa ở nhà mình về, cháu gái yêu quý ạ. Cô ấy muốn dì nói với cháu: giờ đây cô ấy đã vui hơn trước nhiều. Nhưng cô ấy không nói rõ điều gì làm cô ấy vui.”
Pollyanna vỗ tay khe khẽ và thốt lên: “Cô ấy đã nói thế ư, thưa dì? Ôi, cháu vui quá dì ạ!”
“Nhưng điều gì đã làm cô ấy vui?”
“Cô Tarbell muốn nói về một trò chơi dì ạ. Đó là trò chơi...” Pollyanna vội im bặt và đưa bàn tay che miệng.
“Trò chơi gì vậy?”
“Xin dì thứ lỗi cho cháu, cháu không thể nói với dì về trò chơi ấy được. Nếu cháu nói cho dì nghe, cháu sẽ phải kể hết những chuyện thầm kín khác mất!”
Dì Polly muốn hỏi kỳ được nhưng nỗi lo sợ hiện trên nét mặt cháu gái đã chặn lại những câu hỏi của bà.
Chẳng bao lâu, một cuộc thăm hỏi đáng chú ý đã diễn ra. Đó là cuộc viếng thăm của một phụ nữ trẻ có đôi má hồng một cách bất thường và mái tóc vàng mà nhìn qua đã biết đó không phải màu tóc tự nhiên. Cô đi giày cao gót và đeo đồ trang sức rẻ tiền. Dì Polly không lạ gì người phụ nữ này vì cả thị trấn đang xôn xao bàn tán. Những chuyện không hay về cô đã để lại trong lòng bà một ấn tượng xấu. Vì thế khi thấy cô tới cổng, bà đã không kìm được nỗi ngạc nhiên tột độ.
Dì Polly không đưa tay ra bắt. Bà lùi ra xa khi vị khách bước vào nhà. Đôi mắt vị khách ngầu đỏ như thể cô vừa khóc một trận rất lớn, nhưng cô vẫn xin được gặp Pollyanna. Ánh mắt người phụ nữ trẻ có chút gì đó ương ngạnh. Dì Polly kiên quyết không đồng ý nhưng ánh mắt cầu xin của người phụ nữ đã làm bà ngã lòng. Bà dịu giọng nói với khách gắng đợi một thời gian, lúc này chưa ai được gặp Pollyanna, ngoài bà.
Do dự một lúc, người phụ nữ nói rõ ràng, mạch lạc, cái cằm nghiêng nghiêng như thách thức:
“Tên tôi là Payson, chồng tôi là Tom Payson. Chắc bà đã nghe người ta nói nhiều về tôi lắm nhỉ! Ý tôi là những công dân thuộc tầng lớp của bà, song những lời đồn đại ấy không hoàn toàn là sự thực. Dù sao, hôm nay tôi tới đây để thăm Pollyanna. Nghe tin cô bé gặp nạn, tôi đã rất buồn. Ước gì tôi có thể tặng cô bé đôi chân lành lặn của mình. Nếu đôi chân này là của cô bé, dù chỉ trong một giờ thôi, cô bé cũng có thể tạo ra nhiều điều vui vẻ có ích hơn tôi trong vòng trăm năm nữa. Thôi, bà đừng đế ý đến lời tôi nói. Không phải lúc nào người đủ đầy cũng biết cách sử dụng thứ mình có đâu.”
Vị khách ngừng lời và hắng giọng. Nhưng khi tiếp tục câu chuyện, giọng cô vẫn khản: “Tôi đã gặp và chuyện trò với Pollyanna, những câu chuyện tưởng chừng không dứt. Hai cô cháu tôi thường hay đi dạo cùng nhau. Cô bé hay đi qua đường đồi Pendleton, nơi chúng tôi sinh sống. Thi thoảng, cô bé vào nhà tôi chơi, trò chuyện vui đùa cùng các con tôi. Dường như cô bé thích điều này và yêu mến gia đình nhỏ của tôi. Tôi nghĩ cô bé không hề để ý đến lí do vì sao những người thuộc tầng lớp của bà trong thị trấn này chưa từng một lần qua lại với tầng lớp của chúng tôi. Nếu họ làm vậy, biết đâu những người như chúng tôi sẽ không đông đến thế!” Trong giọng nói của cô có chút gì đó cay đắng. “Cô bé vô tư và chân thành quan tâm tới chúng tôi, khiến chúng tôi cảm động lắm. Tất nhiên, việc đến thăm không ảnh hưởng gì đến cô bé cả. Tôi mong sao cô bé sẽ không biết những điều không cần phải biết. Năm nay quả là một năm khó khăn, chúng tôi đang phải đối mặt với sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng và đang nghĩ tới cuộc ly hôn. Nhưng tôi chưa biết phải nói với các con thế nào khi hai đứa còn nhỏ. Rồi đây chúng sẽ ra sao? Đang lúc còn cân nhắc chuyện gia đình thì thông tin về vụ tai nạn ập tới. Sau đó chúng tôi được biết tin Pollyanna không thể đi lại được. Tôi nhớ lại thời gian cô bé thường hay lui tới gia đình tôi và chơi đùa cùng bọn trẻ. Cô ngồi ở ngưỡng cửa và kể những câu chuyện vui cho chúng tôi nghe. Dường như Pollyanna luôn có thể mỉm cười trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rồi đến một ngày, con bé đã kể về một trò chơi làm em nó vui. Chắc bà cũng biết trò chơi đó. Cô bé đã cố thuyết phục chúng tôi chơi bằng được.
Giờ đây Pollyanna đang buồn khổ về đôi chân tật nguyền vì cô bé sẽ không bao giờ chơi được trò chơi đó nữa. Chẳng thể nào vui khi phải nằm một chỗ. Nhưng tôi mong cô bé cùng chia vui với gia đình chúng tôi vì vợ chồng tôi đã quyết định hàn gắn lại tình yêu. Và gia đình tôi đang cùng chơi trò chơi cô bé đã hướng dẫn. Khi biết những điều này cô bé sẽ cảm thấy vui hơn, vì trước kia, có đôi lúc, những lời chúng tôi nói trước mặt nhau khiến cô bé không khỏi suy nghĩ và ái ngại thay. Tôi tin chắc như vậy thưa bà. Tôi không dám khẳng định trò chơi của Pollyanna có phép màu, nhưng có lẽ nó sẽ là chiếc cầu nối lại tình yêu của vợ chồng tôi. Chúng tôi đang cố gắng vì cô bé tội nghiệp. Xin bà nói với Pollyanna giúp tôi những điều ấy.”
“Vâng, tôi sẽ nói với cháu.” Dì Polly hứa với giọng mệt mỏi. Rồi như có động lực thôi thúc, bà bước tới bắt tay vị khách. Bà nói bằng giọng chân thành: “Cảm ơn bà đã tới thăm cháu, thưa bà Payson.”
Thái độ thách thức của vị khách bỗng tan biến. Môi cô run lên bởi một cảm xúc bất ngờ lạ lùng đang trào dâng. Cô khẽ nói một điều gì đó rồi nắm lấy bàn tay bà Polly. Nhìn bà vài giây, cô vội bỏ đi.
Sau khi đóng cửa ra vào, dì Polly bất ngờ gọi to: “Nancy!” Giọng bà đanh và sắc. Những cuộc thăm hỏi cháu gái làm bà bối rối, nhất là cuộc viếng thăm của bà Payson. Nó làm bà thực sự căng thẳng. Nancy không lạ gì giọng nói giận dữ, lạnh lùng của bà chủ. Cô bước vội từ bếp ra, lễ phép mở lời: “Dạ, thưa bà.”
“Hãy nói cho tôi biết trò chơi cả thị trấn này đều nhắc đến. Nó có liên quan gì đến cháu gái tôi? Tại sao từ Milly Snow đến bà Tom Payson đều muốn tôi nói với cháu gái rằng họ thích trò chơi đó? Nó là trò chơi gì vậy? Quá nửa số người ở thị trấn, người thì chấm dứt được những xung đột vợ chồng, người thì yêu thích những điều trước đây họ ghét, người thì bỗng dưng cột nơ xanh. Tất cả đều nói rằng đó là nhờ Pollyanna. Đã có lần tôi hỏi cháu tôi về trò chơi ấy nhưng thấy cô bé lo lắng, tôi lại thôi. Không nên bắt buộc cô bé nói về trò chơi trong lúc này. Nhưng tôi tin chắc một điều: Pollyanna đã nói với cô về trò chơi đó. Hãy nói tôi nghe!”
Giọng nói thôi thúc của bà chủ làm Nancy mất hết can đảm. Nước mắt cô trào ra. Cô nói: “Từ tháng Sáu khi chuyển về đây, cô Pollyanna đã đem niềm vui tới cho người dân thị trấn này vui bằng trò chơi của cô ấy. Giờ đây họ mang tới tặng cô Pollyanna những gì cô chủ tặng họ thưa bà.”
“Trò chơi gì mà vui?”
“Dạ, đó chính là mục đích của trò chơi, cứ vui thôi ạ!”
Dì Polly nóng ruột quát to và giậm chân. “Cô cũng trả lời y như họ sao, Nancy?”
Nancy ngẩng đầu lên nhìn vào mắt bà chủ và chậm rãi kể lại câu chuyện.
“Thưa bà, cháu xin nói. Mọi chuyện bắt đầu từ việc chơi với cây nạng mà cha của Pollyanna đã chỉ dẫn cho cô bé chơi. Pollyanna nhận được đôi nạng để trong thùng đồ của Hội truyền giáo thay vì con búp bê mà cô đã xiết bao mong muốn. Như bao em gái nhỏ, cô mong ước một con búp bê và cô đã khóc. Thấy con gái khóc, cha cô đã nói với cô rằng: ‘Nếu con chịu khó tìm kiếm, trong tất cả mọi chuyện luôn có điều khiến con có thể mỉm cười. Kể cả những chiếc nạng này cũng vậy’.”
“Vui với những chiếc nạng ư?” Dì Polly thốt lên, giọng bà nghẹn lại. Nghĩ về đôi chân bất động của cháu gái, nước mắt bà trào ra.
“Vâng ạ. Lúc đầu, cháu cũng sửng sốt như bà vậy. Tiểu thư nói rằng cô cũng ngạc nhiên lắm, song cha cô giải thích: ‘Pollyanna, con hãy vui mừng vì ít ra con không cần dùng đến những chiếc nạng này’.”
“Ồ, vậy ư?” Dì Polly thốt lên.
“Từ đó, hai cha con cô Pollyanna thường xuyên cùng nhau chơi trò chơi nhỏ ấy, tìm kiếm niềm vui trong tất cả mọi điều cuộc sống mang lại cho họ. Đó chính là trò chơi của cô Pollyanna, thưa bà. Cô chủ gọi đó là trò ‘Hãy vui lên’ và trò chơi ấy đã theo cô chủ suốt từ bấy đến giờ.”
“Nhưng trò chơi ấy chơi thế nào?” Bà Polly ngập ngừng hỏi.
“Bà sẽ thích thú lắm khi biết về luật chơi. Cô Pollyanna cũng từng về nhà cháu chơi hai lần, mẹ và các em cháu cũng thích trò chơi của tiểu thư lắm. Cô chủ giúp cháu thấy vui vẻ, thoải mái hơn về rất nhiều việc, như cái tên Nancy mà cháu luôn ghét chẳng hạn, cô chủ bảo cháu nên thấy vui vì ít ra không bị đặt cái tên như Hephzibah. Trước đây cháu không thích ngày thứ Hai nhưng cô ấy đã làm cho cháu vui thích.” Nancy nói với niềm háo hức thấy rõ.
“Thích ngày thứ Hai ư?”
Nancy bật cười trước sự ngạc nhiên của bà chủ. Cô giải thích: “Cháu biết là nghe rất điên khùng. Cô Pollyanna nhận thấy cháu ghét cay ghét đắng những buổi sáng thứ Hai, vì thế một hôm cô ấy lại gần và bảo cháu: ‘Nancy thân mến, em nghĩ sáng thứ Hai là buổi sáng chị nên cảm thấy vui nhất mới phải. Thử nghĩ mà xem, vì còn cả tuần nữa mới đến sáng thứ Hai kế tiếp cơ mà!’ Từ đó, sáng thứ Hai nào, cháu cũng nghĩ về điều tiểu thư nói và không khỏi bật cười.”
“Vì sao Pollyanna không nói với tôi về trò chơi này trong khi cả thị trấn dường như ai cũng biết?” Dì Polly gặng hỏi.
Ngập ngừng một lúc, Nancy mới nói: “Xin bà thứ lỗi cho cháu khi cháu nói ra điều này. Cô Pollyanna không kể chuyện trò chơi ấy với bà vì trò chơi đó cha cô đã hướng dẫn cô chơi. Cô ấy biết bà có định kiến với cha cô nên đã tránh chuyện đó, thưa bà.”
Bà Polly mím chặt môi. Nancy nói tiếp, giọng hơi run: “Thưa bà, bà là người đầu tiên cô chủ muốn kể về trò chơi. Do tiểu thư không có ai để chia sẻ trò chơi thú vị đó nên cháu đã chơi cùng tiểu thư.”
“Vậy còn những người khác? Làm thế nào họ biết về nó?” Bà Polly kêu lên với giọng bực dọc.
“Ồ, khắp nơi trong thị trấn cháu nghe mọi người bàn tán về trò chơi. Tiểu thư cũng kể cho cháu nhiều về mọi người. Họ luôn hào hứng kể lại cho cháu nghe về trò chơi ấy. Thưa bà, niềm vui một khi đã được gieo hạt thì sẽ nảy nở mãi. Cháu nghĩ, tự bản thân nụ cười hồn nhiên, trong sáng và chân thật của cô Pollyanna đã đủ để lôi cuốn mọi người cùng tham gia vào trò chơi ấy rồi! Nghe tin cô bị chấn thương, mọi người ai cũng cảm thấy thương xót. Nhất là khi họ biết cô bé buồn vì từ giờ không còn có thể vô tư vui cười được nữa. Họ động viên cô bằng cách đến thăm và chuyển tin vui tới cô ấy thông qua bà, rằng họ đã vui cười nhiều thế nào nhờ trò chơi ấy, rằng tiểu thư nên phấn chấn lên vì giờ đây, họ đang làm điều mà tiểu thư mong muốn: tất cả mọi người cùng vui vẻ bên nhau.”
“Được lắm, giờ thì tôi biết một người sẽ sẵn sàng chơi trò chơi ấy ngay lúc này đây.” Bà chủ ngắt lời Nancy rồi nhanh chóng rời nhà bếp.
Nancy đứng ngây người nhìn bà với ánh mắt hết sức ngạc nhiên. Cô lẩm bẩm: “Giờ thì dẫu bà chủ có làm gì đi chăng nữa, mình cũng không thấy quá khó tin như khi xưa nữa, thật vậy!”
Dì Polly vào phòng cháu gái. Cô y tá ra ngoài để hai dì cháu trò chuyện. Cố lấy giọng bình thản, bà thông báo: “Cháu gái thân yêu, cháu lại có thêm một vị khách đến thăm nữa đấy. Cháu có nhớ cô Payson không?”
“Cô Payson ư thưa dì? Cháu nhớ rồi. Nhà cô ấy nằm trên đường đến nhà bác Pendleton. Cô ấy có hai con, một bé trai và một bé gái. Bé gái mới lên ba, xinh lắm dì ạ. Còn bé trai sắp tròn 5 tuổi. Cháu thấy vợ chồng cô ấy rất tốt, song dường như họ không nhận thấy điều đó ở người bạn đời của mình. Họ hay to tiếng với nhau dì ạ. Gia đình nhỏ của cô Payson cũng nghèo, không có nổi thùng đồ như...” Pollyanna vội ngừng lời, vẻ lo sợ xuất hiện trên nét mặt. Dì Polly nhận thấy điều đó.
Một lúc sau, cô mới lấy lại can đảm để tiếp tục câu chuyện. Cô bé vội nói:
“Đôi lúc cháu thấy cô Payson ăn mặc thật đẹp. Cô ấy có những chiếc nhẫn đính kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo. Cô ấy cất giữ chúng rất cẩn thận. Nhưng có một chiếc nhẫn cô ấy lại muốn vứt đi dì ạ. Cô Payson đang muốn ly dị chồng. Dì ơi, ly dị là thế nào ạ? Dù không hiểu nhưng cháu nghĩ từ ấy chẳng hay ho gì, vì cô Payson trông rất buồn mỗi lần nhắc tới nó. Cô ấy bảo cháu, nếu cô ly dị, vợ chồng cô sẽ xa nhau. Chú Payson sẽ rời xa ngôi nhà hai vợ chồng đã từng chung sống. Các con của cô chú ấy cũng sẽ bị chia cách. Nhưng vì sao họ phải ly hôn khi đã có với nhau nhiều kỷ niệm đẹp như vậy? Cháu thấy thật khó hiểu dì ạ. Cháu thì nghĩ, dù họ có bao nhiêu chiếc nhẫn đi chăng nữa, họ vẫn nên giữ chiếc nhẫn ấy lại. Mà ly dị là thế nào hả Dì Polly?”
“Vợ chồng cô Payson sẽ không xa nhau đâu cháu ạ.” Dì Polly vội trấn an cháu gái, cố ý không nghe thấy câu hỏi của cô bé. “Họ sẽ tiếp tục sống cùng nhau trong căn nhà đó.”
“Ôi, cháu vui quá dì ạ. Vậy là cô chú ấy vẫn ở ngôi nhà xưa, cháu lại được tới thăm cô chú và các em rồi.” Ngừng một lúc, giọng Pollyanna chợt òa vỡ nức nở: “Dì ơi, nhưng cháu làm sao tới thăm cô chú ấy được. Đôi chân cháu giờ đây làm sao còn có thể cử động được nữa. Cháu sẽ không còn được đến thăm bác Pendleton nữa rồi.”
“Thôi nào, cháu có thể đến thăm bác ấy bằng xe ngựa, phải không?” Dì Polly trấn an: “Giờ hãy nghe dì nói! Cô Payson muốn dì thông báo với cháu, vợ chồng cô ấy sẽ gắn bó bên nhau. Cả gia đình họ lại cùng chơi trò chơi cháu đã hướng dẫn.”
Pollyanna nhoẻn miệng cười trong lúc đôi mắt nhòa lệ, thốt lên với giọng xúc động: “Cô Payson sẽ không ly dị chồng nữa ư, thưa dì?”
“Đúng vậy, cô ấy hy vọng cháu sẽ vui khi biết điều này. Gia đình họ lại cùng chơi trò chơi của cháu.”
Pollyanna ngước nhìn dì thật nhanh rồi hỏi: “Dì ơi, dì biết trò chơi của cháu ư?”
“Phải rồi, cháu gái ạ. Nancy đã nói cho dì biết. Quả là một trò chơi thú vị. Từ giờ, dì cháu mình cùng chơi nhé, cháu thấy sao?” Dì Polly cố gắng giữ giọng thân thiện, vui vẻ.
“Thực ư, thưa dì? Cháu vui lắm dì ạ. Từ lâu cháu vẫn mong dì chơi trò chơi cùng cháu. Dì vẫn luôn là người cháu mong mỏi được chia sẻ về trò chơi nhất!”
Dì Polly nín thở. Niềm xúc động trào dâng khiến bà không còn giữ được sự bình tĩnh thường thấy trong giọng nói. Bà nói: “Cháu gái yêu quí, hầu như cả thị trấn này đều đang chơi trò chơi cháu đã hướng dẫn họ. Ngay cả ngài Mục sư cũng thích chơi. Sáng nay dì đã gặp ông Ford trên đường vào làng. Ông ấy nhắn dì nói với cháu, ông sẽ tới thăm cháu và sẽ kể cho cháu nghe việc ông đã không ngừng mỉm cười kể từ lúc cháu nói cho ông ấy biết về tám trăm ‘câu kinh tươi vui’. Cháu thấy đấy, chưa bao giờ cả thị trấn cùng nhau chơi một trò chơi, ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc hơn, tất cả là nhờ một cô gái nhỏ bé luôn tươi cười. Mọi người ai cũng hướng về cháu, chỉ mong cháu được vui.”
Pollyanna vỗ tay thốt lên: “Cháu vui quá dì ơi!” Khuôn mặt cô bé như bừng sáng: “Ôi dì ơi, cháu vừa chợt nghĩ ra, cháu nên cảm thấy vui mừng, vì nhờ có đôi chân này mà cháu mới có thể làm được tất cả những điều đó cho mọi người!”
Pollyanna Pollyanna - Eleanor Hodgman Porter Pollyanna