Số lần đọc/download: 2901 / 47
Cập nhật: 2018-05-15 00:10:09 +0700
Chương 30/31
T
rên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu chị Ngà thường ngồi, mọi người tìm thấy một chiếc dép. Ðôi dép màu xanh - một chiếc sấp, một chiếc ngữa – đang nằm lăn lóc trên bãi cỏ. Ðó là đôi dép của chị Ngà thường mang.
Cách đó một quãng, một dải lụa buộc tóc cũng nhanh chóng được phát hiện. Dải lụa ở dưới nước, vướng vào một cọng cỏ ven bờ nên bập bền mãi một chỗ. Ðó cũng là dải lụa của chị Ngà.
Ngay từ khi nhìn thấy đôi dép nằm chỏng chơ bên bờ suối, mẹ chị Ngà đã ngất xỉu. Mọi người phải xúm lại đỡ bà, người thoa dầu, người giật tóc. Mãi một lúc, bà mới tỉnh lại. Và giương đôi mắt thất thần nhìn mọi người, bà nghẹn ngào rên rỉ:
- Con ơi tội tình gì mà con phải ra nông nổi này hở con!
Tiếng khóc đau đớn xé lòng của người mẹ khiến tôi không cầm được nước mắt. Dì Miên đứng bên cạnh tôi cũng sì sà sì sụt. Anh em thằng Chửng cặp mắt cũng đỏ hoe.
Qua làn nước mắt, tôi thấy mặt mày ai nấy đều buồn dã dượi. Một vài phụ nữ trong làng dù không hề quen biết chị Ngà cũng tức cảnh sinh tình cất tiếng khóc theo. Chỉ có anh Ðiền là đứng tuốt đàng xa, mặt quay về hướng khác, nên tôi không rõ anh có nhỏ giọt nước mắt nào cho chị Ngà hay không.
Cuộc vớt xác được tiến hành ngay từ lúc mẹ chị Ngà ngất xỉu nhưng không thu lượm được kết quả gì.
Hai người đàn ông nổi tiếng bơi giỏi trong làng lao xuống dòng nước lặn hụp một hồi rồi trồi lên, lắc đầu ngán ngẩm.
Lại thêm hai người nữa xuống theo, vẫn công cốc.
Cho đến chiều tối, người ta vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Ngà. Một người nói:
- Có thể cái xác đã trôi xuống phía hạ lưu. Ngày mai phải chia con suối ra làm nhiều chặng mới tiện lùng sục!
Chẳng còn cách nào khác, mọi người đành ủ rũ chia tay.
Khi chúng tôi về đến nhà, ông tôi liền kêu dì Miên và tôi vào phòng tra hỏi. Trước sự chứng kiến của mẹ chị Ngà, dì Miên bùi ngùi thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không giấu giếm một đều gì. Ðến lúc đó, mọi người mới biết nguyên nhân nào đưa đẩy chị Ngà đến hành động tuyệnt vọng như vậy.
Còn tôi, khi nghe chị Ngà đã lỡ mang giọt máu oan nghiệt của anh Ðiền trong bụng, tôi mới ngỡ ngàng hiểu ra tại sao thời gian gần đây chị Ngà bỗng nbhiên thích ăn xoài xanh cũng như tại sao hôm trước bà Sáu lại nói với tôi những câu lấp lửng mơ hồ không tài nào hiểu nổi.
Ông tôi tính tình vô tâm, khoáng đạt, quanh năm suốt tháng mải lo chữa bệnh cứu người, chẳng hay biết gì về hành vi càn quấy của học trò. Bây giờ nghe dì Miên kể chuyện anh Ðiền, ông mới bàng hoàng bật ngửa. Nhưng đến khi ông cho đi tìm anh Ðiền để hỏi tội thì chẳng thấy anh đâu. Dường như biết trước những gì sẽ chờ đợi mình, anh đã nhân lúc lộn xộn nhảy xe đò trốn về Quán Gò mất biệt.
Tối đó, tôi không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh của chị Ngà cứ ẩn hiện chập chờn trong đầu tôi như một ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ lại ngày nào tôi nằm ngủ bên cạnh chị trong căn lều trại mỏng manh trên bãi biển Kỳ Hoà. Cái đêm bão bùng mưa gió ấy đã qua lâu rồi nhưng bây giờ nhớ lại tôi vẫn có cảm giác làn hương lạ đã từng làm tôi bồi hồi thao thức năm xưa như đang còn lẩn quất đâu đây. Rồi làn hương lạ ấy theo chân chị về trú ngụ ở nhà ông tôi gần suốt mùa hè năm nay, đã thổi vào trí não non nớt của tôi những giấc mơ đầu đời đẹp đẽ. Nhờ chị, tôi hiểu thế nào là nỗi khao khát ngọt ngào của trái tim mới lớn cũng như niềm hoan lạc khó bề lập lại của tâm hồn trong những chuyến phiêu lưu. Vậy mà bây giờ những giấc mơ của tôi đã tắt và chị cũng không còn. Tất cả cứ như là ảo ảnh. Nỗi tiếc nuối pha lẫn đắng cay ấy khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi, mắt đầy ngấn lệ.
Ngày hôm sau, hàng chục tay lặn trong làng được huy động vào việc tìm kiếm thi thể chị Ngà.
Người xem đứng đen kịt cả một quãng suối dài, lần này có thêm dân Bãi Cháy, dân xóm Cây Duối, cả dân trên xóm Ðầu Cầu.
Suối được chia thành nhiều khúc, dài xuống tận miệt dưới. Mỗi khúc, hai ba tay bơi giỏi luân phiên lặm hụp.
Nhưng cũng như hôm qua, công việc kỳ khu đó vẫn chỉ là cuộc kiếm tìm vô vọng. Chị Ngà như biến mất tăm dưới làn nước.
Một người nói:
- Hay cô Ngà đẹp quá, Hà Bá giữ lại làm vợ, không chịu trả!
Người khác bảo:
- Có thể cái xác kẹt đâu dưới gốc cây hay trong hố đá mò không ra! Nhưng chắc chắn ngày mai thế nào cũng nổi lên!
Chửng anh cũng nói với tôi như vậy:
- Ngày mai thế nào chị Ngà của mày cũng trồi lên mặt nước!
Tôi bán tín bán nghi:
- Làm sao mày biết được?
Chửng em xía vào:
- Cái đó ai chẳng biết! Qua ngày thứ ba, những xác chết trôi bao giờ cũng nổi lên!
Tôi không tin, đem hỏi bà Sáu, bà Sáu gật đầu:
- Xưa nay đều vậy, cháu ạ! Lời xác nhận của bà Sáu khiến tôi lo nghĩ suốt buổi chiều hôm đó. Cứ nghĩ đến cảnh chị Ngà đang từ từ nổi lên mặt suối với thân thể trương phình và khuôn mặt hum húp vì ngâm nước ba ngày, tôi không khỏi rùng mình đau đớn. Không, chị Ngà của tôi bao giờ cũng nõn nà, xinh đẹp thậm chí ngay cả khi chị không còn sống trên cõi đời này nữa.
Tôi đã quen nhìn thấy hình ảnh thơ mộng của chị Ngà khi chị ngồi hong tóc bên bờ suối hay khi chị ngồi ngẩn ngơ hàng giờ bên vàng hoa cúc trước sân. Chị là nàng Giáng Kiều bước ra từ trong bức tranh treo ở nhà bà tôi. Nàng Giáng Kiều có thể chết đi, nhưng đó phải là một cái chết đẹp. Nàng có thể bay về trời trong đôi cánh tha thướt chứ không thể từ dưới nước trồi lên trong dáng điệu phù nề.
Ngày mai chị Ngà sẽ nổi lên, ai cũng bảo như vậy. Và ai cũng mong như vậy. Nhất là mẹ chị, người đàn bà chỉ trong hai ngày đã bị nỗi đau khổ làm cho quắt lại như một quả cau khô.
Tất nhiên cả tôi, tôi cũng cầu mong điều đó. Nhưng tôi không đủ can đảm và nhẫn tâm chứng kiến giây phút người ta vớt chị lên như vớt một đám bèo trôi. Hình ảnh đẹp đẽ của chị trong ký ức tôi sẽ mãi mãi không bị méo mó, biến dạng đi như thân xác của chị. Những kỷ niệm về chị sẽ mãi mãi là ngôi sao xanh lấp lánh và không bao giờ tắt trong cõi lòng sầu muộn và nhiều mong nhớ của tôi. Và để làm được điều đó, tôi đành phải khăn gói về nhà ngay trong đêm nay, trước một ngày nữa lại bắt đầu.
Ông tôi và dì Miên chẳng hề ngăn cản, cũng không tỏ ra bất ngờ trước quyết định đột ngột của tôi. Ông tôi bảo:
- Ừ, cháu nên về nhà cho thần kinh bớt căng thẳng!
Dì Miên không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt bùi ngùi, mệt mỏi.
Tôi chui rào chạy qua chia tay với anh em thằng Chửng.
Nghe tôi tính bỏ về nhà, Chửng em trố mắt ngạc nhiên:
- Sao mày không ở lại đến ngày mai coi người ta vớt xác!
Tôi trả lời Chửng em bằng một nụ cười buồn.
Chửng anh hỏi:
- Mày về luôn hay về mấy bữa?
- Tao cũng không biết.
- Nhà mày xuống đây gần xịt mà! - Chửng anh vỗ vỗ vai tôi - Nếu mày không xuống thì tụi tao thỉnh thoảng chạy lên chơi với mày!
Tôi lặng lẽ gật đầu và quày quả chạy về nhà để kịp thu dọn đồ đạc.
Sau khi chào từ biệt mọi người trong nhà, cả bà Sáu lẫn người mẹ tội nghiệp của chị Ngà, tôi ngậm ngùi quay lưng bước qua ngách cửa, vội vàng như người chạy trốn.
Nhưng khi băng qua sân, mắt chạm phải dãy cúc vàng từ nay không người nâng niu chăm sóc, lòng tôi bất giác chùng xuống và đôi chân bỗng dưng nặng nề không bước nổi.
Những cánh hoa vàng mỏng manh kia rồi đây biết sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn ai trong những ngày sắp tới khi chị Ngà đã vĩnh viễn ra đi và tôi cũng đang từ bỏ nơi này?
Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người...