Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 29 - Sau Chiến Thắng - Những Người Hùng - Kết Cục Của Kẻ Khốn Khổ - Tìm Kiếm Trong Rừng - Doniphan Dưỡng Thương - Tại Cảng Hòn Gấu - Sửa Xuồng - Ra Về Vào Ngày 5 Tháng 2 - Xuôi Lạch Zealand - Vĩnh Biệt Vũng Sloughi - Mũi Đất Cuối Cùng Của Đảo Chairman
M
ột thời kì mới của trại di thực đảo Chairman bắt đầu.
Sau khi chiến đấu để sống còn trong những điều kiện khá nguy kịch, bây giờ là lúc phải lao động cật lực, thực hiện những cố gắng cuối cùng để tự giải phóng, về với gia đình, với quê hương.
Phấn khích vì những tình tiết của cuộc chiến, giờ đây trong mỗi người có một phản ứng tự nhiên. Họ dường như nghẹt thở vì một thắng lợi mà họ nghĩ là không tưởng. Thực tế nguy hiểm vừa trải qua lớn hơn là các em đã tưởng. Đúng là lần đụng độ đầu tiên ở bìa rừng, họ đã gặp may. Nhưng không có sự can dự bất ngờ của Forbes thì hẳn Walston, Brandt và Cook đã chạy thoát. Moko sẽ không dám bắn vì e sát thương cả Jacques và Costar cùng với những kẻ bắt cóc. Và rồi sẽ xảy ra chuyện gì nữa? Phải nhượng bộ chúng thế nào để giải thoát cho hai chú bé đây?
Vì vậy, khi bình tâm nhận định lại tình hình vừa qua, Briant và các bạn không khỏi kinh hoàng vì những gì đã xảy ra. Tất cả chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi và bây giờ, mặc dầu chưa xác định được số phận Rock và Cope ra sao, nhưng có thể nói về cơ bản an ninh đã được lập lại trên đảo Chairman.
Những người hùng của trận đánh thật xứng đáng được khen ngợi: Moko với phát đại bác thật đúng lúc qua lỗ châu mai của kho, Jacques đã chứng tỏ sự gan góc khi bắn vào giữa ngực Walston và cả Costar nói rằng chú cũng có thể hành động được như Jacques, chỉ tiếc là chú không có súng.
Còn Phann, sau chiến công dùng răng nanh tấn công tên vô lại Brandt để giải cứu cho Costar, được các cậu chủ ban cho bao nhiêu cái vuốt ve và Moko thưởng riêng một lô xương còn nguyên cả tủy.
Khỏi phải nói, sau phát đại bác của Moko, Briant đã chạy ngay ra chỗ các bạn bên cáng thương. Mấy phút sau, Doniphan vẫn bất tỉnh được khiêng vào sảnh. Còn Forbes thì được Evans đưa vào một giường ngủ trong kho. Suốt đêm, hai người bị thương được bà Kate, Gordon, Briant, Wilcox và thủy thủ trưởng chăm nom, săn sóc.
Vết thương của Doniphan rõ ràng là nặng nhưng hơi thở của cậu vẫn điều hòa, chứng tỏ mũi dao chưa phạm vào phổi. Bà Kate liền hái mấy cây tống quán sủ mọc ở bờ lạch Zealand, vò ra làm gạc đắp lên vết thương cho cậu. Đây là phương thuốc người dân miền Viễn Tây nước Mỹ thường dùng, rất hiệu nghiệm để chống mưng mủ vì nguy hiểm chính là ở đó.
Nhưng đối với Forbes bị Walston đâm vào bụng thì lại khác. Biết mình bị tử thương, khi tỉnh lại, anh ta nói với bà Kate đang cúi xuống săn sóc mình:
- Cảm ơn bà Kate nhân hậu! Cảm ơn! Nhưng vô ích thôi… tôi sẽ chết… - và nước mắt anh trào ra.
Phải chăng sự hối hận đã khuấy động những gì tốt đẹp còn lại trong tim con người khốn khổ này?… Phải, nếu trước đấy bị những lời dụ dỗ không hay và những tấm gương xấu xa lôi kéo, anh trót nhúng tay vào vụ thảm sát trên tàu Severn, thì giờ đây, con người lương thiện trong anh đã vùng lên trước số phận tàn khốc đang đe dọa các cậu bé trại di thực và anh đã hi sinh thân mình để cứu các em.
- Hãy hi vọng, Forbes! - Evans nói. - Anh đã chuộc được tội rồi. Anh sẽ sống!
Không! Kẻ bất hạnh này không sống được. Mặc dầu được chăm sóc hết lòng, tình trạng của anh rõ ràng mỗi lúc mỗi xấu. Trong những lúc bớt đau, anh ngước nhìn bà Kate và Evans. Anh đã làm người khác đổ máu và giờ đây, máu anh đã đổ để chuộc tội.
Forbes tắt thở lúc 4 giờ sáng. Anh ta chết trong hối lỗi, được trời và người tha thứ, tránh được cơn hấp hối kéo dài và dường như không đau đớn khi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm sau, anh được mai táng cạnh nạn nhân người Pháp và giờ đây hai cây thập giá đánh dấu hai phần mộ ấy.
Sự hiện diện của Rock và Cope vẫn đang còn là một mối đe dọa. An ninh của trại chỉ được đảm bảo hoàn toàn khi hai tên ấy không còn khả năng tác hại nữa. Evans quyết định phải thanh toán cho xong việc này rồi mới tới Hòn Gấu được. Thế là hôm ấy, anh ra đi cùng với Gordon, Briant, Baxter, Wilcox súng trường cầm tay, súng ngắn giắt thắt lưng, dẫn theo cả Phann nữa vì rất cần đến khả năng tìm dấu vết của chú chó.
Cuộc tìm kiếm hóa ra chẳng khó, cũng không lâu la gì và chẳng nguy hiểm chút nào. Không còn phải lo ngại gì về hai tên đồng bọn của Walston nữa. Theo vết máu từ chỗ Cope trúng đạn đi vài trăm bước thì thấy thi thể hắn nằm giữa vùng rừng cây rậm rạp của rừng Hố Bẫy. Họ cũng thấy xác Pike đã mất mạng ngay từ đầu trận đánh. Còn Rock thì bây giờ Evans mới hiểu tại sao lại tưởng như hắn biến xuống đất. Thì ra sau khi trúng đạn, hắn sa ngay vào một hố bẫy thú của Wilcox. Cả ba xác chết được chôn chung vào hố bẫy ấy và một nấm mộ được đắp lên. Rồi thủy thủ trưởng và các chàng trai trở về đem theo tin tốt lành là toàn trại chẳng còn phải lo lắng gì nữa.
Niềm vui sẽ trọn vẹn nếu Doniphan không bị thương nặng đến thế! Giờ đây liệu mọi con tim đã có thể mở ra hi vọng hay chưa?
Hôm sau, Evans, Gordon, Briant, Baxter bàn bạc về những việc cần tiến hành ngay. Điều quan trọng trước hết là phải sở hữu được chiếc xuồng của tàu Severn. Vậy họ phải tới Hòn Gấu, ở lại đó để sửa chữa xuồng. Họ quyết định là Evans, Briant và Baxter sẽ đi theo đường thủy từ hồ và sông Đông vì đó là đường đi an toàn và ngắn nhất. Chiếc xuồng con được tìm thấy ở một chỗ nước xoáy trên mặt lạch Zealand vẫn nguyên vẹn vì đạn chỉ lia ở phía trên. Sau khi xếp xuống xuồng dụng cụ sửa chữa, lương thực, súng đạn… sáng ngày 6 tháng 12, nhân gió thuận, họ ra đi dưới sự điều khiển của Evans. Chặng qua hồ đi khá nhanh vì sức gió và hướng gió đều ổn định, chẳng cần kéo căng hoặc thả lỏng dây lèo. Chưa tới 11 giờ 30 phút, Briant đã chỉ cho thủy thủ trưởng thấy cái vũng đầu nguồn sông Đông và chiếc xuồng con tận dụng thủy triều xuống, xuôi theo dòng chảy giữa hai bờ sông…
Cái xuồng của tàu Severn đã được bọn Walston kéo lên cạn đang nằm trên bãi cát Hòn Gấu, không xa cửa sông. Sau khi xem xét thật chi tiết những chỗ cần sửa, Evans nói:
- Các cậu ạ, ta có đủ dụng cụ, nhưng lại thiếu những vật liệu để vá vỏ và rẻ sườn mà ở động Người Pháp lại có đúng những thứ ấy vốn được tháo dỡ từ tàu Sloughi. Nếu ta có thể kéo xuồng về lạch Zealand…
- Em cũng nghĩ thế, - Briant trả lời. - Nhưng liệu có thể làm thế không, thủy thủ trưởng Evans?
- Tôi cho là được, - Evans nói đáp. - Xuồng này đã được đưa từ bãi Severn về Hòn Gấu thì hẳn cũng có thể kéo được từ Hòn Gấu về lạch Zealand. Về đó thì công việc thuận lợi hơn nhiều và rồi đây chúng ta lại từ động Người Pháp xuôi tới vũng Sloughi để ra khơi.
Hiển nhiên nếu thực hiện được thì đó là phương án tối ưu. Cả ba quyết định ngày mai, khi con nước lên, sẽ dùng xuồng con kéo xuồng to ngược dòng sông Đông. Trước hết, Evans lấy những nắm xơ gai đem theo từ động Người Pháp vít qua những khe hở, tới khuya mới xong. Đêm ấy họ ngủ bình yên trong động mà nhóm Doniphan đã ở khi tới vũng Ảo Tưởng lần đầu.
Hôm sau, vừa mờ sáng, sau khi buộc xuồng to vào đuôi xuồng con, ba người ra về theo nước triều đang lên. Kết hợp chèo tay với sức nước họ xoay xở được. Nhưng khi thấy nước triều bắt đầu xuống, nước lại rỉ vào nhiều khiến xuồng to thêm nặng thì việc lai dắt khá vất vả. Vì vậy, lúc 5 giờ chiều, vừa về tới bờ phải hồ Gia Đình, thủy thủ trưởng thấy với những điều kiện lúc đó thì không nên liều lĩnh vượt hồ trong đêm tối. Hơn nữa, chiều về thì gió cũng lặng dần, đến sáng ra gió mới nổi lên cùng với ánh bình minh như thường xảy ra vào mùa đẹp trời này. Họ dừng lại, ăn thật ngon miệng rồi đầu tựa vào một gốc sồi lớn, chân duỗi ra trước đống lửa tí tách suốt đêm, đánh một giấc ngon lành.
- Xuống xuồng thôi! - Tiếng hô đầu tiên của thủy thủ trưởng vang lên khi ánh ban mai vừa chiếu sáng mặt hồ.
Đúng như mong đợi, gió đông nam lại thổi khi bình minh vừa hé. Thật là không thể nào thuận lợi hơn để trở về động Người Pháp. Buồm được kéo lên và chiếc xuồng con hướng mũi về phía tây, dắt theo sau chiếc xuồng to nặng nề vì ngập nước tận mạn. Không có sự cố gì khi vượt hồ. Evans thận trọng sẵn sàng cắt dây kéo kịp thời đề phòng xuồng to chìm nghỉm kéo theo xuồng con xuống đáy hồ. Đó là nỗi e ngại cực lớn vì nếu chìm mất xuồng to thì việc rời đảo đành phải gác lại và họ có thể còn phải lưu lại đảo Chairman chưa biết đến bao giờ.
Cuối cùng, vào khoảng 3 giờ chiều, từ phía tây, đỉnh đồi Auckland đã hiện lên và đến 5 giờ cả xuồng con, xuồng to vào lạch Zealand và thả neo ven con đê nhỏ trong tiếng hoan hô chào đón của những người ở nhà vẫn tưởng mấy hôm nữa họ mới về.
Trong thời gian họ vắng mặt, thể trạng Doniphan có khá hơn một chút. Chàng trai dũng cảm đã có thể đáp lại cái nắm tay của Briant. Cậu thở dễ dàng hơn, chứng tỏ phổi không tổn thương. Tuy phải ăn kiêng khá kĩ, nhưng sức lực đã bắt đầu hồi phục và nhờ những miếng gạc cứ hai giờ bà Kate lại thay một lần, vết thương chắc chắn sẽ mau liền. Chắc là cũng phải dưỡng thương khá lâu, nhưng với sức trai, sự bình phục của cậu chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Việc sửa chữa bắt đầu ngay hôm sau. Thoạt tiên phải ra sức đưa xuồng lên cạn. Chiều dài ba mươi bộ, bề ngang ở chỗ rộng nhất sáu bộ, xuồng đủ sức chứa mười bảy người gồm toàn thể trại viên cùng bà Kate và thủy thủ trưởng. Kéo được xuồng lên rồi, công việc được tuần tự tiến hành. Evans đóng tàu cũng thạo như làm thủy thủ, rất thích hợp với nhiệm vụ này, anh đánh giá cao sự khéo tay của Baxter. Vật liệu cũng như công cụ đều không thiếu. Những rẻ sườn gãy, những chỗ vỏ vỡ đều được thay thế bằng những thứ tương ứng lấy từ xác du thuyền Sloughi. Cuối cùng xuồng được trám lại thật kín bằng xơ gai tẩm nhựa thông. Boong mũi trước đây được nới rộng thêm khoảng hai phần ba để có chỗ trú khi trời xấu, dù điều này chẳng đáng ngại khi đang là thời kì thứ hai của mùa hè. Hành khách có thể ngồi bên dưới hay trên boong tùy thích. Cột buồm trên đài của tàu Sloughi nay dùng làm cột buồm trước cho xuồng. Theo chỉ dẫn của Evans, bà Kate lấy lá buồm thay thế của du thuyền cắt thành một lá buồm trước, một lá buồm lái và một lá buồm mũi. Với bộ buồm này, xuồng sẽ thăng bằng hơn và tận dụng được các chiều gió.
Công việc kéo dài đã ba mươi ngày, tới mùng 8 tháng 1 vẫn còn có một số chi tiết cần hoàn thiện. Phải cẩn thận thế vì thủy thủ trưởng muốn chiếc xuồng có thể đi qua các luồng lạch trong quần đảo Magellan và nếu cần thì vượt hàng trăm dặm tới Punta-Arena trên bờ đông bán đảo Brunswick.
Trong khoảng thời gian này, lễ Thiên Chúa Giáng sinh được tổ chức khá rôm rả và tiếp đó là ngày mùng 1 tháng 1 của năm 1862, các trại viên hi vọng sẽ không phải ở lại trên đảo Chairman cả năm tới nữa. Cùng lúc, sức khỏe Doniphan tiến triển khá tốt. Cậu đã có thể ra bên ngoài sảnh, tuy còn rất yếu. Không khí trong lành và thức ăn bổ dưỡng khiến cậu lại người trông thấy.
Tuy nhiên các bạn chưa muốn đi xa khi cậu chưa đủ sức chịu đựng một chuyến vượt biển hàng mấy tuần lễ, e rằng vết thương tái phát.
Trong khi chờ đợi, nếp sống bình thường đã trở lại với động Người Pháp. Vừa qua, việc học hành ít nhiều bị trễ nải, có khi Jenkins, Iverson, Dole và Costar tưởng mình được nghỉ hè cũng nên.
Hẳn là ai cũng thừa biết Wilcox, Cross và Webb đã tiếp tục săn bắn khi ở ven truông phía Nam, khi thì ở khu vực nhiều cây to của rừng Hố Bẫy. Bây giờ dò, bẫy bị coi thường và mặc dù Gordon vẫn yêu cầu tiết kiệm đạn dược, nhưng đó đây tiếng súng cứ vang lên và Moko rất giàu thịt tươi vừa để ăn ngay, vừa để dành lại cho chuyến đi. Giá mà được trở lại làm trưởng ban săn bắn thì Doniphan sẽ thích thú biết bao khi được tha hồ đuổi theo chim thú mà không cần nghĩ gì đến tiết kiệm đạn dược! Thật não lòng khi không được săn bắn cùng các bạn! Nhưng phải chịu đựng thôi, không liều lĩnh được.
Sau cùng, Evans dành mười ngày cuối tháng 1 để xếp đồ xuống xuồng. Đương nhiên là các trại viên muốn mang theo mọi thứ đã cứu được từ tàu Sloughi. Nhưng không đủ chỗ nên phải lựa chọn. Trước hết, Gordon để riêng ra số tiền thu được trên du thuyền mà bây giờ các cậu có thể cần đến để hồi hương. Moko thì tính toán mang theo thực phẩm cho mười bảy miệng ăn, không chỉ đủ cho chuyến đi dự kiến kéo dài ba tuần lễ mà còn phòng trường hợp vì sự cố bất thường mà phải đổ bộ lên hòn đảo nào đó trước khi đến Port-Galant hoặc Port-Tamar ở Punta-Arena. Đạn dược còn lại, súng dài, súng ngắn thì cất vào các hòm của xuồng. Doniphan yêu cầu mang theo cả hai khẩu đại bác, trên đường đi nếu nặng quá thì bỏ vẫn kịp. Briant thì mang theo quần áo để thay đổi, phần lớn bộ sách của thư viện, những dụng cụ nấu ăn chính, trong đó có một bếp lò và cuối cùng là dụng cụ đi biển cần thiết: đồng hồ hàng hải, kính viễn vọng, la bàn, dụng cụ đo tốc độ, đèn hiệu và không quên chiếc xuồng cao su. Wilcox thì lựa chọn lưới và dây câu để có thể bắt cá trong khi ở trên xuồng. Nước ngọt thì kín ở lạch đầy mười thùng nhỏ rồi Gordon xếp đều đặn dọc theo sống ở đáy xuồng. Rượu brandy, rượu gin và các loại rượu chế từ quả trulca và quả algarrobe cũng không bị bỏ sót.
Cuối cùng tới ngày 3 tháng 2, mọi thứ đã ổn định đâu vào đấy, chỉ đợi Doniphan đủ sức khỏe là khởi hành. Và chàng trai dũng cảm đã đáp lại mong đợi của mọi người. Vết thương đã hoàn toàn liền sẹo, cậu ăn ngon miệng trở lại, phải tự kiềm chế để không ăn quá nhiều. Bây giờ được Briant hay bà Kate dìu, mỗi ngày cậu đi dạo được hàng giờ trên Bãi Tập.
- Ta đi thôi! Ta đi thôi! - Cậu nói - Mình nóng lòng lên đường lắm rồi! Biển sẽ giúp mình phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Thế là ngày khởi hành được ấn định vào mùng 5 tháng 2.
Hôm trước, Gordon đã thả các vật nuôi: guanaco, vicuña, ô tác và các loài chim khác. Chúng chẳng hề tỏ ra biết ơn sự săn sóc được hưởng bấy lâu. Vừa được phóng thích, con thì ba chân bốn cẳng chạy miết, con thì thẳng cánh vụt đi. Thế mới biết chẳng gì kiềm chế được bản năng yêu tự do của động vật. Garnett thốt lên:
- Những quân bạc bẽo! Chăm sóc chúng bao lâu mà bây giờ thế đấy!
- Đời là thế! - Service đáp bằng một giọng khôi hài khiến nội dung triết lí của câu nói được mọi người đáp lại bằng một tràng cười.
Hôm sau, hành khách xuống xuồng. Chiếc xuồng con được dắt theo để làm phương tiện bốc dỡ. Nhưng trước khi nhổ neo, Briant và các bạn tụ tập lần nữa trước mộ của François Baudoin và của Forbes, đứng lặng hồi lâu rồi đọc kinh lần cuối để tưởng nhớ hai con người bất hạnh.
Doniphan được bố trí ở cuối xuồng, cạnh Evans là người cầm lái. Briant và Moko thì ở mũi xuồng, giữ dây lèo, tuy rằng vận hành xuồng lúc này nhờ sức dòng chảy là chính, còn gió thì vướng dãy đồi Auckland nên khá thất thường. Những người khác và chó Phann thì ngồi tùy ý trên boong.
Neo nhổ lên, các mái chèo khua nước.
Ba lần tiếng reo vang lên từ biệt căn động mến người lâu nay là nơi trú ẩn đầy tin cậy của các trại viên trẻ. Ai nấy đều thấy nao nao khi đỉnh đồi Auckland khuất sau cây cối trên bờ lạch. Riêng Gordon thì rất buồn phải rời bỏ hòn đảo của mình.
Xuôi theo lạch Zealand, xuồng không thể đi mau hơn dòng chảy vốn tốc độ cũng không nhanh lắm. Đến trưa, khi xuôi ngang rừng Vũng Lầy thì Evans cho neo lại. Quãng lạch này nông, xuồng lại chở nặng, dễ mắc cạn, tốt hơn là đợi thủy triều lên rồi khi con nước bắt đầu xuống trở lại thì đi tiếp.
Phải dừng lại khoảng sáu giờ. Tận dụng thời gian, hành khách ăn một bữa ra trò; rồi Wilcox và Cross lên bắn được mấy con dẽ giun ở rìa truông phía Nam. Từ cuối xuồng, Doniphan cũng hạ được hai con tinamou tuyệt đẹp bay xập xòe bên bờ phải. Thế là cậu đã bình phục hẳn.
Chiều muộn mới ra tới cửa lạch. Đêm tối khó lái xuồng tránh khỏi đá ngầm, là một thủy thủ lão luyện, Evans chờ đến sáng mới ra khơi. Đêm bình yên, gió đã lặng từ chập tối. Các loài chim biển như hải âu, mòng, két đã trở về các hốc đá. Sự tĩnh mịch tuyệt đối ngự trị trên vũng Sloughi.
Sáng hôm sau, gió từ đảo thổi ra. Biển lặng cho tới mũi tận cùng của truông phía Nam. Cần tận dụng để vượt hai mươi dặm vì khi gió chuyển hướng từ ngoài khơi vào sẽ có sóng lừng rất khó đi. Trời vừa hửng, Evans đã cho giương cả buồm trước, buồm lái và buồm mũi. Thế là dưới bàn tay thành thạo của thủy thủ trưởng, chiếc xuồng ra khỏi lạch Zealand. Mọi con mắt hướng lên đỉnh đồi Auckland. Rồi những khối đá cuối cùng của vũng Sloughi cũng khuất đi khi xuồng vòng qua mũi Mỹ. Một phát đại bác và ba lần hoan hô vang lên chào lá cờ vương quốc liên hiệp bay trên cột buồm.
Tám giờ sau, xuồng vào con lạch ven đảo Cambridge, vượt mũi Nam rồi đi vòng ven đảo Adélaide. Mũi đất xa nhất của đảo Chairman vừa khuất sau chân trời phía bắc.