Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 29
C
ái chết của Minh Phương và hôn nhân của Vân nhi bị mau lẹ quên lãng trong cái dinh cơ mênh mông của nhà họ Cao. Hai biến cố này không có một hậu quả gì trong đời sống hàng ngày của gia đình. Hai nô tỳ ra đi, có thế thôi, và chủ nhân mau lẹ mua hai nô tỳ khác thay thế. Kê Hạ thay chỗ Minh Phương và Thôi Hoàn làm công việc của Vân nhi. Tính theo con số thì không có gì thay đổi cả. Kê Hạ trở thành người hầu gái, nó vốn là người nhà quê. Thôi Hoàn cùng tuổi với cô chủ Thục Anh. Nó được bán đi khi cha chết, và không còn một người bà con nào khác. Rồi người ta không nhắc đến tên Minh Phương nữa. Nhưng trong tâm Hỷ nhi, Khiêm nhi, Hoàng má má và một vài người khác, Minh Phương vĩnh viễn là một tưởng nhớ buồn bã.
Giác Tuệ cũng không bao giờ nhắc đến nàng nữa. Chàng dường như đã quên nàng. Nhưng nàng để lại cho chàng một vết thương không bao giờ lành. Chàng không có thời giờ để tưởng nhớ tiếc thương nàng, và cũng vì có một vài vấn đề mới xảy ra.
Sau khi số báo Bình Minh thứ sáu phát hành, có tin đồn chính quyền sẽ đóng cửa tờ tuần báo tiến bộ này. Người ta nói Hội Luân Lý Khổng Mạnh đứng sau vụ này. Tin đồn ấy khiến Giác Tuệ và các bạn khích động, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, họ không coi nặng chuyện này. Hơn nữa họ không tin Trương tướng quân, viên Tổng đốc mới, cho phéo thuộc hạ làm như vậy.
Số thứ bẩy phát hành như thường lệ. Có thêm một số độc giả dài hạn nữa. Tờ tuần báo thuê một phòng trên lầu của một cửa tiệm trong khu thương xá, và nhân viên toà soạn họp mặt tại đó mỗi tối. Ban ngày, trừ Chủ nhật, văn phòng đóng cửa, đến nỗi Giác Tân ở ngay trong cùng một thương xá mà cũng không biết Giác Tuệ thường tới họp ở đây.
Những hãng buôn lớn chiếm những cửa tiệm ở tầng dưới; phần lớn tầng thứ hai không có ai mướn. Văn phòng tờ báo một mình trên lầu hai, và những phòng bên cạnh đều bỏ trống.
Mỗi tối, hai hoặc ba học sinh đóng cửa lại, bật đèn lên và sắp dọn văn phòng cho gọn ghẽ. Một lát sau, khoảng gần một chục học sinh đến, phần lớn là con trai, mặc dầu một vài người con gái như Hạ Kim Ngọc cũng ghé một vài lần. Họ ngồi quanh bàn và nói chuyện. Họ nói bất cứ chuyện gì không thể nói được ở nhà, và tại đây họ bàn cãi không cần phải dè dặt. Họ tươi cười và thoải mái. Văn phòng này chính là hội quán của họ.
Giác Tuệ thường có mặt, đôi khi có Giác Dân đi theo. Vào tối ngày thứ Ba thì bao giờ Giác Tuệ cũng tham dự, vì tờ tuần báo được đưa đi in vào sáng thứ Tư. Vào ngày thứ Ba, chàng, Trương Hải Cư và Hoàng Tác Nhân có phận sự duyệt lại bài lần cuối cùng.
Ngày số báo thứ tám được sửa soạn để đem đi in là ngày sau cái chết của Minh Phương. Tối hôm ấy Giác Tuệ đến văn phòng như thường lệ. Chàng thấy Hạ Kim Ngọc đang đọc to một bài cho những người khác nghe. Ðó là một thông cáo của sở Cảnh sát ngăn cấm con gái không được để tóc ngắn. Tóc ngắn được coi là quá "tân tiến" và "phản loạn."
Kim Ngọc tức giận ném bản thông cáo xuống và buông người xuống một chiếc ghế bành. Nàng kêu lên, "Thật là chuyện bá láp!"
Tác Nhân nhăn mặt đề nghị, "Tại sao chúng ta không in nguyên văn thông cáo này, trong mục "Thể Diện!" trong số báo tới?"
Kim Ngọc đồng ý, "Ðược lắm!"
Những người khác đều đồng ý. Hải Cư nghĩ phải có thêm một bài báo phản đối in kèm thông cáo này. Mọi người yêu cầu Hải Cư viết bài đó, nhưng chàng giao lại công việc ấy cho Giác Tuệ. Ðối với Giác Tuệ thì đây là cơ hội tuôn ra những sự chua chát trong tâm chàng sau cái chết của Minh Phương. Chàng lẳng lặng cầm bút viết bài, không nói một lời.
Chàng viết xong ngay; bài báo đó hơi ngắn. Chàng đọc to cho người khác nghe, và tất cả chấp nhận bài đó. Tác Nhân thay đổi một vài chỗ, và tuyên bố bài báo sẽ in trang nhất của số báo tới. Chỉ một học sinh lớn tuổi nêu ra một sự thận trọng, "Bài này sẽ gây sôi nổi đấy."
Hải Cư hớn hở nói, "Kệ nó. Càng sôi nổi càng tốt!"
Tờ Bình Minh số tám được in sáng Chủ nhật. Buổi chiều, Giác Tuệ và Giác Dân đến thăm văn phòng của Giác Tân như thường lệ. Họ không ở lại lâu. Giác Tuệ lẻn tới văn phòng tờ tuần báo. Hải Cư, Tác Nhân và một vài người khác đã có mặt tại đó. Giác Tuệ hỏi số báo mới bán thế nào; họ cho biết đã đi hỏi một vài sạp báo và được biết báo ra đến đâu bán hết đến đấy.
Tác Nhân bỗng nói với Giác Tuệ, "Anh chưa đóng nguyệt liễm."
Giác Tuệ lần mò các túi, và nói một cách xin lỗi, "Cho tôi đến ngày mai đi. Hôm nay tôi không đem tiền theo."
Tác Nhân mỉm cười, "Vậy thì ngay mai là hạn chót nghe không!"
Hải Cư đang đi lại trong phòng, nói xen vào, "Anh ta có tài móc tiền của người khác. Anh ta cũng đang đòi tiền tôi nữa. Sáng nay trước khi tôi ở nhà đi ra, tôi mặc chiếc áo choàng mới. Chị tôi tưởng tôi khùng hay sao mà mặc quần áo ấm trong thời tiết này. Tôi cứ nhất định là trời lạnh và bước ra..."
Mọi người cười và Hải Cư cũng cười theo. Chàng nói tiếp:
"Tôi hầu như bị chiên chín dưới mặt trời nóng bức trong chiếc áo choàng đó. May mắn là tiệm cầm đồ không cách xa nhà tôi bao nhiêu. Tôi bở áo choàng tại tiệm cầm đồ. Tôi bây giờ nhẹ nhàng và mát mẻ hơn lúc tôi ở nhà đi, và tôi cũng có tiền để trả tiền nguyệt liễm nữa!"
Giác Tuệ hỏi, "Chị anh sẽ nói gì khi anh trở về nhà?"
"Tôi phải nghĩ ra. Tôi sẽ nói tôi cảm thấy nóng quá và để quên chiếc áo tại nhà một người bạn. Nếu chị tôi không tin, tôi sẽ phải kể sự thực vậy. Có lẽ chị tôi sẽ cho tôi tiền để chuộc lại cái áo."
Giác Tuệ cuời và nói, "Tôi thực tình thán phục anh - " Chàng chưa kịp nói hết câu thì có hai cảnh sát bước vào.
Người cảnh sát lớn tuổi để râu mép hỏi, "Các anh còn số báo mới nhất không?"
Tác Nhân đưa cho hắn một số và nói, "Ba xu một số."
Người cảnh sát trẻ nói, "Chúng tôi không muốn mua. Chúng tôi được lệnh đến tịch thu báo". Hắn ôm lên hai chồng báo đang để trên sàn nhà.
Người cảnh sát lớn tuổi ra lệnh bằng một giọng không có thiện cảm, "Các anh sẽ phải đi theo tôi đến sở cảnh sát. Không cần phải đi tất cả - hai người cũng đủ rồi."
Các học sinh giật mình nhìn nhau. Rồi tất cả cùng tiến lên, người nào cũng đòi mình được đi theo cảnh sát.
Người cảnh sát lớn tuổi bực mình và nói, "Nhiều quá. Chúng tôi chỉ cần hai người thôi." Cuối cùng hắn chọn Hải Cư và Giác Tuệ. Hai người đi theo cảnh sát, và những người khác cũng đi theo sau. Khi đi tới đầu cầu thang, tên cảnh sát lớn tuổi bỗng đổi ý. Hắn nói với Giác Tuệ, "Thôi quên đi. Chúng tôi không cần hai anh. Các anh về đi."
Hải Cư nóng nẩy hỏi, "Chuyện gì thế này? Các ông có quyền gì tịch thu báo của chúng tôi?"
"Chúng tôi được lệnh trên," tên cảnh sát trẻ trả lời, vẫn ôm hai chồng báo đi xuống cầu thang. Tên cảnh sát lớn tuổi dừng lại và cho hai người một lời khuyên:
"Các anh còn trẻ và không hiểu nhiều. Tốt hơn là chỉ nên chăm chú học hành thôi. Ðừng ra báo nữa và đừng bận tâm tới những chuyện không liên quan tới các anh."
Hắn chậm chạp xuống cầu thang. Hải Cư và Giác Tuệ quay trở lại văn phòng.
Tất cả bắt đầu một cuộc tranh luận sôi nổi. Trong lúc họ đang mải bàn luận, một cảnh sát khác tới và đưa cho họ một lá thư của cấp chỉ huy cảnh sát. Lá thư rất nhã nhặn nhưng cương quyết:
"Vì bản chất khích động trong tờ tuần báo của các anh đã gây phiền toái cho trật tự và an ninh công cộng, chúng tôi rất tiếc phải yêu cầu các anh chấm dứt việc phát hành tờ báo ngay lập tức..."
Số phận của tờ Bình Minh đã bị bức tử.
Theo sau là một sự im lặng thương tiếc. Lệnh cấm là một thất bại nghiêm trọng cho các học sinh. Họ đã bỏ nhiều công sức vào tờ tuần báo, đóng góp số tiền ít ỏi của họ với mục đích đem lại cho người dân bình thường đôi chút ánh sáng. Làm việc chung với nhau cũng tạo cho họ một tình thân hữu, một an ủi mạnh mẽ. Tất cả đã chấm dứt trong hai tháng ngắn ngủi!
Hải Cư kêu lên, "Bây giờ tôi biết - tất cả bọn họ chỉ là quân đạo đức giả! và tân Tổng Ðốc cũng không khác gì bọn chúng!"
Tác Nhân đứng lên, tay gãi cái đầu hớt tóc ngắn. "Lực lượng phản động cổ có những cái rễ mạnh mẽ. Thực là vô ích khi mong đợi một cái gì từ Trương tổng đốc. Mười người như ông ta cũng không làm được một cái gì khác."
Hải Cư nói tiếp, "Ðó là điều tôi vừa nói. Tất cả những lời nói muốn cải cách của ông ta chỉ là giả dối. Một điều "mới" duy nhất mà ông ta đã thực hiện là thuê hai người đã du học ngoại quốc làm cố vấn, và chọn thêm vài nữ sinh làm hầu thiếp!"
Tác Nhân mỉa mai, "Thế mà năm ngoái trước khi nắm chức tổng đốc, ông mời nhiều người có tư tưởng tiến bộ từ Thượng Hải và Nam Kinh tới diễn thuyết."
Hải Cư cười khinh bỉ, "Các anh đã quên bài diễn văn của ông ta khi đón tiếp các nhà tư tưởng tiến bộ chưa? Thư ký của ông ta viết sẵn bài đó cho ông ta, nhưng ông ta không thuộc bài nên nói ngược lại hẳn bài viết sẵn. Ông ta có nhiều sai lầm ngớ ngẩn như thế!"
Tác Nhân không nói gì nữa. Còn về phần Hải Cư, những lời nói tức giận của chàng không những không giải quyết được vấn đề, mà cũng không ai buồn vuốt ve cơn giận của chàng nữa. Chàng giận như điên cuồng. Chàng đề nghị:
"Chúng ta hãy đổi tên tờ báo và ra một tờ báo khác cũng cùng một chủ trương! Làm sao họ có thể ngăn chặn chúng ta được?"
Giác Tuệ vẫn ngồi im lặng, bỗng bật ra nói, "Tôi đồng ý!"
Tác Nhân đang mải trầm tư suy nghĩ, bỗng ngẩng đầu lên, "Nhưng chúng ta phải sắp đặt kế hoạch thật cẩn thận."
Tất cả lại bắt đầu một cuộc thảo luận mới. Lần này mọi người đi tới một kết luận: Họ sẽ gửi thư báo cho các độc giả dài hạn về việc tờ Bình Minh bị đóng cửa. Ðồng thời họ sẽ sửa soạn cho một tờ báo mới. Họ cũng biến đổi văn phòng thành một phòng đọc sách công cộng, mà mọi người có thể đóng góp những sách báo tiến bộ. Bất cứ ai cũng có thể đến và tìm đọc sách báo, không phải trả tốn phí. Việc làm này sẽ phát triển nền văn hoá mới.
Với một chương trình làm việc mới, mọi người tươi tỉnh và bắt tay vào việc làm. Thực là một sự hăng say tuyệt vời! Nó giúp những chàng thanh niên này chiến thắng được khó khăn trong một thời gian ngắn. Ngay ngày hôm sau, họ đã thiết lập được một phòng đọc sách. Hai ngày sau nữa, những sửa soạn cho tờ báo mới đã có nhiều tiến bộ, và tờ báo có tên là Quần Chúng.
Ngày thứ Hai không có lớp học, bởi vì kỳ thi cuối năm sắp sửa bắt đầu. Giác Tuệ và Giác Dân cùng nhau tới tham dự ngày khánh thành phòng đọc báo công cộng. Khi họ trở về nhà, lúc đó đã quá muộn, đúng vào lúc ăn tối. Hoạt động của ngày hôm ấy giúp Giác Tuệ rất phấn khởi; trưóc đó không gì có thể làm chàng cảm động. Những cuộc nói chuyện, tình bằng hữu, sự hăng say và tin tưởng, chưa bao giờ đẹp đẽ thích thú như ngày hôm ấy. Buổi tiệc trà cho khoảng mười học sinh quả thực là một cuộc tụ họp của một gia đình thân mật. Nhưng những người trong cái gia đình này không liên kết với nhau bằng máu huyết và cũng không bởi một sự thừa hưởng tài sản chung, mà là có chung một ý định tốt đẹp cho cùng một lý tưởng cao cả. Giác Tuệ cảm thấy mọi người trong nhóm có cách đối xử giữa những tâm hồn bằng một sự chân thành trong sạch tuyệt đối, hoàn toàn không vướng mắc một sự gò bó hoặc tư lợi nào cả. Chàng cảm thấy chàng không phải là một người lạ, một con người cô đơn giữa bọn họ. Chàng yêu quý những người chung quanh, và những người chung quanh cũng yêu quý chàng. Chàng hiểu họ và họ hiểu chàng. Chàng tin họ và họ tin chàng. Chàng tham gia nồng nhiệt như mọi người khác trong việc tổ chức buổi tiệc trà, và khi tiệc trà bắt đầu, chàng thưởng thức đồ ăn giải khát và chia xẻ niềm sung sướng như mọi người khác. Họ nói đến những chuyện vui thích dễ chịu, và tất cả những vấn đề đen tối dường như không còn nữa vào lúc đó.
"Nếu cứ được như thế này thi cuộc đời đẹp biết bao!" Giác Tuệ hứng khởi nói với Giác Dân trong buổi tiệc trà. Người anh cũng xúc động gật đầu.
Hai anh em nói đến rất nhiều chuyện trên đường về nhà. Tim Giác Tuệ vẫn còn nồng ấm và rực rỡ. Nhưng ngay lúc chàng bước chân vào đại sảnh, chàng lại rơi xuống tuyệt vọng. Tại đây cái xã hội cổ vẫn còn bao vây chàng. Quả thực không có một ai thuộc vào cái thế hệ mới ở đây, không có ai để chàng có thể nói chuyện được.
Chàng chua chát thở dài, "Quả thực là cô đơn không chịu đựng được!"
Những bộ mặt quanh bàn ăn cũng mang vết thẹo của sự chua chát. Kế mẫu của chàng than thở về sự thù nghịch giữa Thím Thẩm và Thím Vương. Ở đâu đó phía sau, Thím Vương đang la mắng con nô tỳ Khiêm nhi. Thím Thẩm và Trần Di Thái đang cãi nhau nhau ngoài hoa viên.
Giác Tuệ ăn mau lẹ cho xong, liệng đũa xuống và chạy ra ngoài, như thể bị một cái gì đáng sợ đuổi theo.
Giác Dân cũng buớc khỏi phòng ăn cùng một lúc. Hai anh em đồng ý ra ngoài đi dạo. Giác Dân mỉm cười đề nghị, "Chúng ta thử đến thăm Cao Tư Thất tại Khánh Linh?"
Giác Tuệ cộc lốc trả lời, "Ðược rồi." Hai người im lặng đi dọc đường phố, và chỉ một lát họ tới con đường yên tĩnh của tư thất ấy.
Ðó là một ngày đẹp trời, bầu trời quang đãng không có mây. Mặt trăng nhô lên từ ngọn cây, dần dần trải ánh sáng xuống con đường buổi tối. Không nghe thấy tiếng người. Tiếng ve sầu kêu râm ran từ những cây cối bên trong những bức tường. Hai người vẫn tiến bước và thấy bóng của mình trên con đường trải đá cuội dẫn tới khu tư thất của Cao Khắc Minh. Chiếc cổng đen đóng chặt. Họ đI ngang qua và tiếp tục bước đi cho tới lúc hết con đường, rồi quay trở lại. Khi hai người đi ngang qua cái cây um tùm lần thứ hai, họ nghe thấy tiếng kêu của quạ con, và dừng lại xem chuyện gì xảy ra. Họ trông thấy một tổ qụa trên một cành cây lớn, và hai con chim con đang vươn cổ ra.
Cái cảnh này làm hai anh em cảm động, và không thể rời mắt khỏi hai con chim, và hai người bước sát lại gần nhau hơn. Người anh nắm lấy tay em và nói bằng một giọng buồn thảm, "Chúng ta cũng giống như những con quạ non không có mẹ này." Những giọt lệ ứa ra từ mắt chàng. Người em nắm chặt tay anh và không nói gì.
Ngay sau đo hai người nghe thây tiếng quạ kêu trên đầu, đôi cánh vươn rộng, một hình ảnh đen bay vụt qua mắt họ, và con quạ mẹ đã trở về tổ. Hai con quạ con nhào vào người mẹ với những tiếng kêu sung sướng, và con mẹ vuốt ve các con bằng mỏ, và tổ chim vang lên âm thanh và cử động của sự đoàn tụ và vui thích.
"Bây giờ chúng có mẹ rồi," Giác Dân nói bằng một giọng khàn khàn và cúi xuống nhìn người em đứng bên cạnh, mắt vẫn còn lấp lánh nước mắt.
"Thôi, về nhà đi," Giác Dân nói như thể mệt mỏi lắm.
"Không, hãy để em ở lại một lát nữa." Giác Tuệ trả lời bằng một giọng tiếc thương, và quay nhìn lại tổ chim.
Bỗng từ trong nhà vang lên tiếng tiêu thổi một bản nhạc tình. Ðiệu nhạc dịu dàng và du dương vương chút buồn bã, diễn tả một nỗi lo buồn đau khổ đè nén. Trí tưởng tượng của hai người vẽ ra hình ảnh của một thiếu nữ nhìn nửa vầng trăng từ cửa sổ, nghĩ đến người yêu xa vắng, và gửi ý tưởng của mình vào ống trúc mảnh mai này. Tiếng tiêu cất lên chuyện tình thương dau run rẩy với sự sầu buồn của cuộc đời cô đơn. Ðây là một bản nhạc thịnh hành mà hai anh em đã biết rõ. Trong nhà họ, thỉnh thoảng người ca sĩ mù được gọi vào để hát, và những bản nhạc như bản này thường được hát bằng một giọng cao vút, biểu tượng cho một người nữ. Mặc dù lời ca thì tầm thường, nhưng nó biểu tượng cho tiếng nói của đời, gợi ra những xúc cảm trong lòng người.
"Có người tới," Giác Dân cảnh giác nói và lôi Giác Tuệ đi. Chàng biết người tới là ai.
Giác Tuệ quay đầu lại và trông thấy kiệu của người chú Khắc Minh đang từ góc đường tiến về phía họ, với Cao Chung vừa chạy vừa thở hổn hển. Chàng nói, "Tại sao phải sợ, chúng ta chỉ cần quay lưng lại, giả bộ không trông thấy chú ấy." Chàng không muốn chạy theo người anh và bắt Giác Dân dừng lại.
Ngay lập tức chiếc kiệu đi ngang qua hai người. Họ thấy Cao Chung lại gần cổng để báo tin, và lập tức cổng mở ra. Tiếng bước chân của phu khiêng kiệu biến mất bên trong ngay khi cổng đóng xập lại ngay. Ngay lập tức tiếng tiêu chơi bản nhạc tình im bặt và không nghe thấy nữa.
"Khốn kiếp, thế là hết rồi. Thôi đi về nhà." Giác Tuệ nói và quay lại đi luôn.
Hai anh em bước đi thong thả. Khi hai người vẫn còn đi trong con đường nhỏ, một chiếc kiệu khác xuất hiện và đi về phía hai người. Hai ngưòi ngạc nhiên và ngó nhìn khi chiếc kiệu đi qua.
"Lạ thật, chú Khắc An cũng tới đó." Giác Dân lên tiếng khi bước ra khỏi con đường nhỏ.
Giác Tuệ chép miệng khinh bỉ, "Tại sao không? Có phải chú ấy đã gây nên nhiều chuyện nực cười ở nhà, phải không?" Chàng nhớ lại một số chuyện về chú Khác An, từ chuyện mèo chuột với nô tỳ cho đến việc đem một diễn viên chuyên đóng vai con gái về nhà để chụp hình cùng với son phấn và y phục trình diễn.
Chàng nói tiếp, "Họ cũng giống nhau thôi. Em muốn nói họ đều thế cả! Thế mà họ có quyền tự nhận là trưởng thượng của chúng ta, và rầy la chúng ta không biết bổn phận của hàng con cháu!" Giác Tuệ bày tỏ sự bất mãn. Rồi chàng nhớ lại những gì Minh Phương đã cho chàng biết, và chàng tiếp tục nói, "Chỉ mình Ðại ca sợ họ, chỉ mình Ðại ca cố gắng làm vừa lòng họ. Em không sợ."
Giác Dân nói một cách hòa dịu, "Nhưng Ðại ca có sự khó khăn khổ tâm của Ðại ca." Rồi chàng không nói gì thêm nữa.
Hai người quay về nhà, và Giác Dân bắt đầu học cho kỳ thi cuối cùng. Ðây là phong cách của Giác Dân. Chàng là người lạc quan và bản tính mau quên đã giúp chàng nhiều lần, để cho nếu những chuyện không vui xảy ra cho chàng, chàng sẽ quên ngay, và chỉ cần mở sách vở là đủ giúp chàng tập trung vào sách vở. Nhưng Giác Tuệ thì khác hẳn. Chàng hăng say và nông nổi hơn các anh. Chàng về nhà cũng định học thi, nhưng khi chàng mở sách ra, tâm trí chàng trở nên bồn chồn hơn. Cái cảm giác cô đơn đè nặng tâm trí chàng. Sự chua chát không đè nén nổi lại đến với chàng. Cái ghế bên dưới chàng cảm thấy nóng bỏng trong lửa đỏ và chàng không thể ngồi lâu thêm nữa. Chàng thở dài, gập sách lại và đứng lên.
Giác Dân quan tâm hỏi, "Em đi đâu vậy?"
"Em muốn đi quanh quẩn đôi chút. Em thấy bực bội lắm."
Giác Dân nói một cách an ủi, "Ðược rồi. Nhưng hãy trở về ngay nhé. Ngày mốt kỳ thi của chúng ta bắt đầu rồi. Em nên học ôn lại bài."
Giác Tuệ gật đầu. Chàng đi vào đại hoa viên. Chàng thấy dễ chịu đôi chút với quang cảnh thay đổi. Chàng thong thả đi dạo dưới ánh trăng.
Tiếng dế kêu thương tiếc. Một mùi hương tỏa ra trong đêm giống như một cái lưới mềm dịu, bao trùm tất cả. Mọi thứ đều lờ mờ, đầy ảo tưởng và bí mật, giống như một cuộc đi dạo trong cõi mộng.
Dần dần Giác Tuệ bình tĩnh trở lại. Chàng vẫn đi dạo thưởng thức quang cảnh, đi theo lối đi mà chàng và những người trẻ tuổi đã đi cái đêm đi thuyền trên hồ.
Trên chiếc cầu cong, chàng dừng lại và tựa vào lan can cầu, nhìn cái bóng đen của chàng phản chiếu trên mặt nước bên dưới. Mặt hồ là một bầu trời xanh thẫm có nửa vành trăng đang lấp lánh trôi qua. Bỗng một khuôn mặt xinh đẹp hiện lên trên mặt nước, cái khuôn mặt mà chàng yêu dấu. Giác Tuệ quay lại và bỏ chạy.
Băng qua bãi cỏ ven hồ, chàng trông thấy một con thuyền neo vào cây liễu. Cảnh này cũng gợi lại kỷ niệm. Chàng vội vã băng qua cây cầu cong và trở lại phía bên kia hồ.
Chàng men theo lối đi bọc quanh một khu vườn tùng gần bờ hồ cho tới khi chàng đi tới Nhà Nghỉ Bên Hồ. Chàng đang định bước vào trong để nghỉ ngơi một giây lát thì chàng bỗng trông thấy một ánh lửa sáng lên từ sau ngọn giả sơn. Chàng muốn kêu lên vì ngạc nhiên. Vượt qua cây mẫu đơn, chàng đứng nhìn. Ðây là một ánh lửa đều đều, nhưng bây giờ không bùng lớn lên nữa. Lấy hết can đảm, Giác Tuệ dón dén bước lại gần để tìm hiểu rõ hơn.
Ði vòng qua ngọn giả sơn, chàng không thấy gì. Ánh lửa hắt lên từ một ngọn đồi nhân tạo khác. Chàng lại tiếp tục tiến tới. Sau ngọn đồi thứ hai, chàng trông thấy một người con gái đang quỳ xuống đất, dốt những thỏi vàng và bạc bằng giấy.
Chàng lớn tiếng hỏi, "Ngươi làm cái gì thế này?"
Người con gái cao mảnh khảnh giật mình đứng vội dậy. Khi nhận ra Giác Tuệ, người con gái kính cẩn nói, "Chào, Tam thiếu gia!"
Ðó là Khiêm nhi, con nữ tỳ của Tứ gia.
Giác Tuệ nói, "Thế ra là ngươi. Ngươi làm ta sợ muốn chết! Tại sao ngươi đốt tiền cúng ở đây?"
"Xin Tam thiếu gia đừng cho ai biết. Bà chủ em sẽ rấy mắng em đấy."
"Nhưng tại sao ngươi làm thế này?"
Khiêm nhi cúi đầu xuống. "Hôm nay là ngày thứ bảy sau cái chết của Minh Phương. Nó chết quá thảm thương. Em nghĩ nên gửi cho nó ít tiền, để nó không bị đói lạnh ở bên ấy." Khiêm nhi gần như muốn khóc.
Giác Tuệ nói, "Cứ việc làm đi. Ta sẽ không cho ai biết." Chàng đè một bàn tay lên ngực. Tim chàng bỗng đau nhói. Chàng nhìn Khiêm nhi đốt tiền giấy một cách vô hồn. Khiêm nhi không đoán được cái gì trong lòng chàng.
Chàng hỏi, "Tại sao ngươi đốt hai đống tiền?"
"Ðống này cho Vân nhi."
"Vân nhi hả? Nhưng nó đâu có chết!"
"Nó yêu cầu em đốt cho nó. Khi nó bước lên kiệu hoa, nó nói với em rằng: Sớm muộn tôi cũng chết. Ngay cả khi tôi còn sống, cuộc đời của tôi còn tệ hơn cái chết. Hãy coi như tôi đã chết rồi. Khi chị đốt vàng cho Minh Phương, hãy đốt thêm một ít cho tôi. Và đó là cái em đang làm."
Nghe thấy giọng nói bi thương của Khiêm nhi, và nhớ lại hai biến cố đau dớn, liệu chàng có thể cười cho cái nghi lễ dị đoan của Khiêm nhi không? Dĩ nhiên là không. Giác Tuệ cố gắng ngăn chặn xúc động. Cuối cùng chàng nói:
"Hãy đốt đi! Ngươi làm việc đúng lắm!" Chàng lảo đảo bước đi, không dám quay lại nhìn thêm một lần nữa.
Chàng lẩm bẩm, "Tại sao có quá nhiều đau khổ trên đời này?" Xoa bóp trái tim đau đớn, chàng bước ra khỏi hoa viên.
Khi chàng đi ngang qua phòng của Giác Tân và trông thấy đèn sáng trên cửa sổ, và nghe thấy giọng nói ấm áp, chàng cảm thấy như thể chàng vừa trở về từ một thế giới khác. Chàng nhớ lại lời giáo sư Pháp văn của chàng đã nói, "Ở bên Pháp, những người trẻ tuổi như các anh không hiểu ý nghĩa của bi kịch."
Nhưng chàng là một người trẻ tuổi tại Trung hoa, và bi kịch đang đè nặng lên người chàng.