Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
ôi cứ ngẫm nghĩ mãi về số phận của tôi. Thật đáng ngạc nhiên. Tôi đang là nhà sư, bỗng nhiên trở thành người lính. Ngạc nhiên ở chỗ người tu hành lấy đức từ bi làm cơ bản, thậm chí thương xót đến cả sinh mạng của con sâu cái kiến; còn người lính lấy sự tiêu diệt kẻ thù làm cơ bản, ai đứng trước mũi súng chống lại ta đều bị giết, bất kể kẻ đó thế nào. Sư thúc Vô Trần của tôi thì sao? Ông ấy là nhà sư đã trở thành chính ủy. Có khác chứ, tôi là người tự nguyện mãi mãi là sư, còn sư thúc là người tự nguyện từ nhà sư trở thành người lính.
Cả một năm trời được huấn luyện trước khi vào Nam thì không sao. Không có vấn đề gì vì mới chỉ là tập luyện. Còn bây giờ khi đã ở B rồi, không còn là chuyện quân xanh, quân đỏ, nằm bắn quỳ bắn, rồi mục tiêu cố định mục tiêu di động nữa, mà trước mũi súng là những con người bằng xương bằng thịt đang xả đạn vào ta.
Đã nhiều đêm tôi vắt tay lên trán, mắt chong ra nhìn vào đêm đen để suy nghĩ. Đạo Phật dạy có ngàn vạn pháp môn để đi đến giải thoát. Có người chỉ ngày đêm tụng kinh niệm Phật cũng tìm thấy đích. Có người kiên trì hành thiền lòng như tro lạnh, thân như cây khô, chỉ nghe suối reo chim hót, thế mà hốt nhiên bỗng ngộ được đạo. Có người đọc thiên kinh vạn quyển, thuyết pháp làu làu; cũng có kẻ thõng tay vào chợ, hòa đồng cùng bụi bặm cuộc đời; rồi còn có những bậc thiện tri thức, ăn ở chẳng khác người thường, chỉ chăm chăm làm lợi lạc cho quần sinh, nguyện là kẻ sau cùng được giải thoát... Tu Phật ư? Ở thời nào cũng có thể tu, ở bất cứ cảnh nào, vùng nào cũng có thể thấm nhuần ánh sáng của Từ bi. Tôi nghĩ như vậy để làm yên lòng? Hay là tôi đang tìm lý lẽ để biện minh cho hoàn cảnh của tôi?
Trong những ngày sống ở chiến trường miền Nam gian khổ, có lúc cận kề cái chết, không hiểu sao tôi cứ nhớ tới câu chuyện về cuộc hành hương của thầy tôi lên đất Phật. Đó là câu chuyện khi thầy tôi còn là một du tăng, hành hương lên Yên Tử. Câu chuyện ấy thầy tôi kể lúc người từ nhà tù “Đơ Bê” trở về. Cụ sư Điếc già nua ở chùa Rồng dạy thầy tôi: “Người đi đường ngắn, đường dễ ít khi tới đích. Muốn đi tới đỉnh, thường phải đi đường vòng”. Câu chuyện ấy để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh. Cái khác giữa hai cuộc đi của thầy tôi và của tôi ở chỗ, ngày xưa thầy tôi lên Yên Tử, đó là cuộc hành hương đến chốn linh địa. Còn bây giờ, cuộc đi của tôi là cuộc hành hương vào cuộc đời. Không phải cuộc đời bình thường mà là cuộc đời ở dạng trần trụi nhất, khốc liệt nhất, nơi hàng ngày hàng giờ cái chết ở sát bên ta. Nơi ấy cuộc sống như chiếc cối xay, và ta chỉ là hạt thóc. Ta sẽ bị tróc vỏ, trầy cám. Ở đó, ta
sẽ trắng tinh, hoặc bị nghiền thành bột. Nghĩa là qua nó, ta sẽ nhìn ra cái cốt lõi của mình.
Thầy tôi vẫn bảo sống ở cuộc đời chính là đang làm một cuộc hành hương. Hành hương không chỉ là tìm đến một nơi chốn, mà là qua cuộc du hành ấy tìm thấy được cái sức mạnh linh thiêng ngay chính trong tâm hồn mình. Rốt cuộc, đó là cuộc đi truy tìm cái bản lai diện mục của ta. Ý nghĩa các cuộc hành hương tốt đẹp ở chỗ nó làm biến đổi hẳn sự thức nhận tầm thường của thế gian, chuyển sự thức nhận ấy lên một tầm cao. Ở đó con người trở nên cao thượng hơn, sâu sắc hơn, khoáng đạt hơn, từ bi hơn. Cũng có những kẻ sau cuộc du hành lại trở nên thâm hiểm hơn, cuồng bạo hơn. Đó là vì khi tróc vỏ, khi lột xác, anh ta quá ngã mạn để cho cái mầm quỷ trong người thức dậy.
Đó là những suy ngẫm của tôi. Đó cũng là những lời dạy của thầy, khi tôi ở chùa. Thực ra, thầy chẳng bao giờ nói cụ thể như tôi nghĩ. Tuy nhiên, tôi chắc chắn thầy đã dạy tôi như thế. Những lời dạy của thầy tôi, chúng bàng bạc ẩn chứa trong mọi hành xử hàng ngày từ sáng đến tối. Chúng nằm trong việc tụng kinh, niệm Phật, trong đánh chuông gõ mõ, cho đến cả lúc ăn uống, đi lại, nói năng, thậm chí khi đọc sách, suy nghĩ...
Trong cuộc hành hương, hay là một cuộc hành trình ngoài chiến trường miền Nam đầy gian truân ấy, may mắn là tôi vẫn được biên chế trong đơn vị của trung đội trưởng Trắm, lại vẫn được ở cùng tiểu đội với những người bạn tốt bụng, vui vẻ của tôi từ ngoài Bắc. Chúng tôi đã tham dự vài trận chiến đấu nhỏ tao ngộ chiến, chống càn, tuy nhiên trận đánh chưa thật ác liệt. Hình như vào đến đây, chúng tôi vẫn được cấp trên tiếp tục cho huấn luyện. Đưa chúng tôi vào những trận đánh đầu tiên ấy, phải chăng cấp trên muốn cho chúng tôi được cọ xát dần dần với thực tiễn để cho dày dạn kinh nghiệm. Làm như thế khi gặp những thực tế khốc liệt hơn, chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ sẽ đương đầu dễ dàng hơn. Trắm bảo đó là cách sử dụng quân của chính ủy Trần.
- Chính ủy Trần nào? - Tôi hỏi Trắm.
- Chính ủy Vô Trần chứ còn ai. Sư thúc của cậu chứ còn ai. Thế cái Huệ nó không nói cho cậu biết à.
- Không.
- Ừ. Lạ thật đấy! Ông Trần là bố cái Huệ, là người cùng làng. Thế mà tớ chưa bao giờ gặp ông ấy. Dân làng Sọ hay nhắc đến ông Trần, nhưng ông ta chỉ như cái bóng, rất ít khi xuất hiện. Người ta đồn bao nhiêu chuyện về thời ông hoạt động bí mật trước tổng khởi nghĩa. Rồi thời đánh Pháp là một vị chỉ huy xuất quỷ nhập thần. Quân Pháp treo giải thưởng cho cái đầu của ông hàng vạn tiền Đông Dương. Thế mà ông không chết. Hòa bình lập lại, thì lại được tin ông làm việc gì rất bí mật cho quân đội, chẳng bao giờ về thăm vợ con. Đến nỗi khi cải cách ruộng đất, vợ suýt bị đem đi bắn. Rồi vợ con trốn chạy, lại phải nhảy xuống sông Hồng... Bà vợ chết... Nghe đâu, cái Huệ, cô con gái cũng đã đi B rồi. Vậy là cả ba cha con đều có mặt trong này.
- Anh Trắm này, thế có nghe tin gì của Căn không?
- Thằng Căn hiện nay là đại đội trưởng. Dũng sĩ diệt Mỹ, lại có lý lịch tốt nên được đề bạt nhanh. Ở cùng một trung đoàn mà mình cũng không biết ông Trần là chính ủy của mình. Chính thằng Căn viết thư nên tớ mới biết mọi chuyện và kể với cậu.
- Ừ, gia đình này làm gì cũng nguyên tắc, cũng bí mật thật. Cô Huệ thân với mình đến thế, mà cái hôm chia tay vào B, cô ấy cũng chẳng nói cho mình biết tí gì.
- Thì họ là cộng sản nòi mà. Nòi nghĩa là ông Trần là cộng sản trước khi cướp chính quyền.
- Nếu nói thế, ông ta còn là Phật giáo nòi trước khi làm cộng sản.
Thằng Cường trong tổ tam tam ngồi hóng chuyện cũng góp ý kiến:
- Các ông để ý mà xem. Những người làm nghề tôn giáo chuyển sang làm chính trị, đều trở thành những nhà chính trị cứng rắn, thậm chí có thể nói là cực đoan.
Trắm có vẻ không hài lòng, nhíu mày hỏi:
- Cậu thử cho một ví dụ.
- À... à... Như... như ông Cao ủy Pháp chẳng hạn. Ông D'Argenlieu trước kia là thầy tu. Năm 1946 sang Đông Dương làm Cao ủy. Các tướng tá quân sự Pháp có người còn muốn đàm phán hòa bình. Riêng D'Argenlieu thì không. Vì vậy mới nổ ra chiến tranh Pháp - Việt.
- Thôi đi ông tướng. Rõ là gái góa lo việc triều đình...
Cường còn định gân cổ lên cãi, Trắm liền hỏi một câu:
- Nói như cậu, thì trường hợp thằng An này cũng thế à? Đi bộ đội cũng là làm chính trị. Trước khi vào lính, nó là nhà sư. Vậy khi thành bộ đội, nó sẽ thành một con người cứng rắn, thậm chí thành một con người bạo hành hay sao?
Câu chuyện đến đấy thì sững lại. Trong đơn vị, Cường là một người lý luận sắc bén. Có bận tôi nói với Cường quan niệm của tôi rằng cuộc ra đi của chúng tôi là một cuộc hành hương mà cái đích không là đi đến một nơi chốn mà là tìm đến sự thức nhận một điều sâu xa cùng tột.
- Thì cậu cứ nói thẳng ra. Nói cho cùng, các nhà sư các cậu, ngay trong lò lửa cũng muốn tìm thấy một Niết bàn. Song, An ạ, Niết bàn và địa ngục cũng gần nhau lắm. Giống như lòng bàn tay và mu bàn tay... Này... Sao các cậu nhìn tôi thế... mà cho dù là hỏa ngục thì củng phải xông vào... Con người là phải như thế. Mọi người đang đứng trong bão lửa... Chẳng có lẽ riêng ta, ta đứng bên ngoài sao?
Quay trở lại cuộc nói chuyện trên, khi Cường đưa ra ý tưởng rằng một nhà tu hành khi chuyển thành một người thế tục thì anh ta sẽ vô cùng quyết liệt, có khi còn quyết liệt gấp bội người thường. Và đảo lại khi một người thế tục, một nhà chính trị chuyển thành nhà tu hành, anh ta cũng là một nhà tu hành cuồng tín. Câu chuyện đến đấy thì chững lại. Mọi người nhìn tôi, rồi mắt lảng ra chỗ khác. Chuyện này có nguyên nhân. Đó là câu chuyện xảy ra với tôi.
Chúng tôi đi lấy gạo vào một ngày mùa xuân. Đó là một ngày tương đối yên tĩnh. Không nghe thấy tiếng máy bay. Bom nổ nhưng ở rất xa. Chim rừng ở vùng này đã bạt đi đâu hết nhưng sáng hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng chim. Đúng hơn là tiếng gà rừng. Tiếng gà rừng trên nương nghe thật thanh bình. Sương trắng choàng trên đỉnh núi. Trông ngọn núi như người khổng lồ đương trùm chăn nhìn xuống chúng tôi. Núi xanh biếc lỗ đỗ những mảnh trắng của những bông hoa chân ngựa. Chúng tôi lội qua một con suối nông. Hai bên bờ ê hề các loài hoa mà tôi chẳng biết tên. Có những bông hoa hình mõm chó đỏ tươi. Hoa cúc dại tím biếc từng đám. Nhiều nhất là hoa mai. Sao ở đây lắm mai đến thế. Mai vàng ươm theo dọc bờ suối. Người lính dẫn đường bảo:
- Theo con suối mà đi. Khi nào gặp rừng lau, rẽ phải. Đi chừng năm cây số nữa thì tới.
Người dẫn đường nói thế thôi. Chẳng phải năm cây số mà dài hơn nhiều. Khoảng mười giờ sáng chúng tôi mới lấy xong gạo.
Trên đường về, chúng tôi đi theo từng đơn vị tiểu đội để dễ cơ động. Chúng tôi đi xuôi theo dọc con suối. Hiếm có ngày im ắng thế này, nên anh em thoải mái, vừa đi vừa cười đùa tếu táo cùng nhau. Ra đến chỗ rẽ, tức là bãi cỏ đầy hoa ven suối, chúng tôi ngồi nghỉ. Tôi khoan khoái nằm dài trên cỏ, ngửa mặt nhìn bầu trời xanh thăm thẳm, nhìn tán lá rừng bên trên. Ô hay! Cái gì kia? Không phải dưới đất đầy hoa mà trên trời cũng đầy hoa. Ở cái trạc ba một cây cổ thụ, rủ xuống một búi hoa phong lan. Búi phong lan khổng lồ tỏa ra hàng trăm nhành. Từ những nhành hoa cong cong như những ngón tay búp măng của Phật, mọc ra hàng ngàn bông hoa trăng trắng. Hình như không phải trắng tinh, màu của hoa là trắng pha chút tím thì phải. Tôi lim dim con mắt để nhìn. Qua hàng mi của tôi, ánh sáng xuyên búi hoa, lọt xuống, không hiểu sao trở nên tím hơn. Có lẽ hàng mi của tôi là một bộ lọc ánh sáng chỉ cho phép màu tím đi qua. Tôi cứ nghĩ vớ vẩn như vậy. Rồi tôi nhắm tịt mắt lại. Lạ chưa? Lúc này, tôi lại ngửi thấy mùi thơm. Búi lan phớt tím này lại có cả hương. Tôi nghe người ta nói phong lan chỉ phun hương vào ban đêm để gọi loài bướm ma, loài ong đen đến giao duyên. Hay là hoa đặc biệt yêu quý tôi, nên phun hương, tặng riêng cho tôi một ân sủng chỉ mình tôi có. Mà lạ chưa! Đúng là mùi hương mà ngày xưa tôi quen biết. À, hiểu rồi, mùi thơm ở cái giếng chùa, cái giếng tỏa hương ở đấy cô bạn học của tôi thời thơ ấu đã trầm mình. Ký ức xưa thật là đẹp nhưng cũng thật là buồn. Tôi bỗng giật mình vì đột ngột xuất hiện một mùi lạ. Nó thơm thơm nhưng hăng hắc. Mùi hương dịu dàng của tôi đang bị xâm lấn. Tôi khịt mũi và chợt hiểu ngay. Đó là thứ hương nhân tạo của thứ nước gội đầu thời hiện đại. Bộ đội chúng tôi không dùng thứ ấy. Chắc chắn là của Mỹ. Tôi ngẩng đầu tìm ngược theo hướng gió và tôi tìm thấy ngay. Sau một búi cây dại loáng thoáng một bóng người. Đúng rồi. Quần áo rằn ri. Chúng tôi đang bị phục kích.
Thế là tôi vội vàng vớ lấy cây súng. Và đáng lẽ tôi nhằm bắn vào cái bụi ấy, thì tôi lại bắn lên trời. Bắn thế càng tốt. Tôi đã báo động cho toàn đơn vị. Anh em đang chơi đùa bỗng im bặt. Cả những người đang tắm dưới suối cũng vớ ngay lấy súng. Họ tản ngay vào khoảng rừng có bụi hoa lan phớt tím. Đang ở thế bị động, chúng tôi chuyển sang thế chủ động. Súng từ khắp phía ran lên. Tuy nhiên chúng tôi đã rõ địch đang ở hướng này.
Địch khoảng hai tiểu đội. Bên tôi chỉ có một. Cuộc tao ngộ chiến có vẻ không cân sức, khoảng năm phút bỗng có tiếng hét lên:
- Thằng Cường bị thương.
Tôi vội bò lại chỗ Cường. Cậu ta bị đạn vào chân. Máu chảy đầm đìa. Tôi làm garô, băng bó vết thương cho cậu ta. Tiến nói:
- Đưa hai khẩu súng của chúng mày cho chúng tao.
- Chặn hậu à?
- Có vẻ chúng đông hơn ta. Nhưng chúng mình chặn được. Chỉ vài phút nữa, bọn đi sau sẽ lên kịp tiếp ứng.
Tôi lần chần thì Tiến nói:
- Mày bắn dở ẹc... Xem chừng vết thương thằng Cường, máu chảy rất nhiều. Mày cõng nó về quân y ngay.
Tôi vội cõng Cường lên lưng. Nhân lúc đạn ngớt, tôi vùng đứng lên chạy nhanh vào rừng. Đạn đuổi theo tôi chiu chít. Tôi cúi rạp mình chạy hết sức. Đạn cắm vào cây phía sau lưng; Đạn cắm xuống đất ngay bên cạnh vết chân tôi. Tôi định hướng. Hóa ra địch còn ở phía bên phải. Định hướng rồi tôi lại cắm cúi chạy tiếp. Tôi thở hồng hộc. Mồ hôi vã ra như tắm. Tôi chạy cho đến lúc tiếng súng xa dần phía sau. Lúc này, hầu như Cường đã ngất xỉu trên lưng. Và cũng lúc này tôi mới phát hiện ra cánh tay trái của tôi bị ướt đẫm. Cứ tưởng mồ hôi, hóa ra là máu. Tôi đã bị thương ở vai phải. Vào phần mềm thôi nhưng lúc này tôi mới thấy đau và mệt. Chắc vết thương chảy máu nhiều. Và Cường trên lưng tôi tự nhiên bỗng nặng hẳn lên. Mặc kệ! Tôi vẫn cố sức lảo đảo cõng bạn đi về chỗ đóng quân. Còn cách đơn vị khoảng vài trăm mét, tôi hoàn toàn kiệt sức. Tôi ngã gục xuống. Nhưng tôi vẫn còn đủ sức để kêu lên khi trông thấy bóng người.
Nhờ kịp thời nên Cường không hề gì. vết thương của Cường không nặng, nhưng chạm vào một mạch máu. Nếu để chậm Cường sẽ không chết vì vết thương mà chết vì mất máu.
Trong cuộc họp đại đội, tôi được chính trị viên biểu dương:
- Đồng chí An là người thương yêu đồng đội. Chứng tỏ là đồng chí có tinh thần giai cấp cao. Ban chỉ huy biểu dương tinh thần ấy. Và đề nghị toàn thể đại đội học tập tinh thần xả thân vì đồng đội. Người cách mạng có thể hy sinh, nhưng không bao giờ bỏ rơi đồng đội của mình...
Nghe những lời khen ngợi ấy, tôi chợt thấy mặt mình nóng lên. Tiếng nói của chính trị viên sang sảng, càng lúc càng hùng hồn:
- Chính đồng chí An đã bắn phát súng đầu tiên vào bọn phục kích, báo động cho toàn thể đơn vị. Nếu không tất cả sẽ rơi vào ổ phục kích. Chắc ta sẽ bị thiệt hại lớn hơn... Rồi cõng đồng đội ra khỏi vòng vây... Bị thương nhưng đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Toàn là những câu chữ to tát... Tôi cảm thấy cái nóng bắt đầu từ gò má, từ đôi tai dần dần lan rộng ra... Tôi thấy mình không thể ngồi yên được... Và thế là tôi đứng lên.
- Báo cáo thủ trưởng, cho em được nói một lời.
Chính trị viên tươi cười.
- Đồng chí có ý kiến ư? Chúng tôi hoan nghênh. Nào, xin mời.
Mọi người hơi rì rầm: Cậu này rách việc thật. Thủ trưởng khen thế là hết lời rồi. Còn định kể lể gì nữa đây.
- Thưa, báo cáo anh em, tôi không dám nhận đâu ạ.
- Cái gì? Anh em lại xì xào.
- Thưa, báo cáo... Tôi không xứng đáng đâu ạ.
Đến lúc ấy, mọi người có vẻ ngạc nhiên. Thế ra không phải kể lể thêm à. Lại xì xào, nhưng rồi bặt lặng ngay khi tôi nói rất thành thật.
- Đúng là em có cứu thoát đồng chí Cường thật... nhưng là do động cơ cá nhân thôi ạ.
- Cá nhân ư?
- Vâng, chả là anh Cường, anh Tiến và em cùng tổ tam tam. Thân nhau nên em cứu Cường. Chỉ có thế thôi ạ.
- Nhưng chính cậu là người bắn phát súng đầu tiên vào bọn biệt kích.
- Đúng là em bắn phát súng đầu tiên... nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Nhưng không phải là bắn vào quân địch. Em chỉ bắn lên trời.
- Tức là bắn chỉ thiên.
- Vâng, bắn chỉ thiên ạ.
- Cậu trông thấy thằng mặc áo rằn ri sau bụi sim?
- Đúng thế ạ.
- Vậy, tại sao không bắn vào bụi sim, mà lại bắn lên trời?
- Em cũng... không hiểu tại sao ạ.
- Em xin ý kiến - Có tiếng một ai đó ngập ngừng.
- Phát biểu đi.
- Em cũng thắc mắc từ lâu rồi. Thắc mắc nhưng không muốn nói ra... Chả là không nói vì sợ nói oan cho đồng chí. Nhưng hôm nay đồng chí An tự thành khẩn nói ra khuyết điểm của mình thì em mới dám nói... Chả là... chả là...
- Chả là gì... Cứ ấp úng mãi... Rõ sốt ruột.
- Chả là khi đánh địch xã Hòa Bình... em cũng thấy đồng chí An... nhắm mắt lại và bắn... lên trời.
- Lại bắn chỉ thiên à... Có đúng thế không?... Chuyện này là chuyện tư tưởng... không phải chơi đâu... Có thì nói là có. Không thì nói là không... cậu phát ngôn phải có trách nhiệm... với sinh mạng chính trị của người ta.
- Không tin thì cứ chất vấn cậu An khắc rõ.
Lúc này, chính trị viên mới lên lời:
- Đồng chí An phát biểu đi. Cứ thành khẩn mà nói. Anh em không được truy ép, đổ oan cho đồng chí. Nhưng nếu đúng là sự thật thì phải nói rõ sự thật. Không một sự thật nào ở trên đời này có thể giấu giếm mãi. Biết sự thật mới tìm được ra bệnh và mới tìm ra phương thuốc chữa. Phê bình và tự phê bình của chúng ta là thế. Chẳng qua là chữa bệnh cứu người.
Tôi lặng người khi nghe chính trị viên. Thế ra tôi là một bệnh nhân. Nhiệm vụ của người lính là nhằm vào quân thù trước mũi súng mà bóp cò. Thế mà tôi lại nhắm mắt lại và bắn vọt lên trời. Có bận, thầy tôi nói với tôi rằng: “Đạo Phật ở Việt Nam từ xưa tới nay, luôn luôn đồng hành với dân tộc. Nước thịnh thì đạo Phật thịnh. Nước suy, đạo cũng suy theo”. Phải nói, cũng vì vậy nên tôi mới vào bộ đội. Khi nhận lệnh, tôi đã lên đường chẳng đắn đo. Lúc đầu, tôi nghĩ rất giản đơn. Nhưng bây giờ mới hiểu chẳng giản đơn chút nào. Những điều dạy của Phật và thực tiễn đời sống làm tôi thật phân vân khó nghĩ. Thật ra tôi rất thành thực, tôi không hề giấu giếm việc mình làm. Cường và Tiến đều biết rõ hành xử của tôi. Cường bảo:
- Cậu rắc rối quá. Cậu là người lính. Nhiệm vụ là bắn kẻ ở chiến tuyến bên kia. Cậu bắn lên trời tức là cậu để cho đối phương tự do bắn vào cậu, bắn vào bạn cậu. Cậu đang ở thế kỷ hai mươi cậu có nhớ không. Ở thế kỷ này, nhà sư cũng phải biết bắn súng, biết giết người.
- Nhưng mình chịu, không làm được.
Cường nổi giận đùng đùng.
- Thằng dở hơi. Bất bạo động hả. Định học tập thánh Găngđi (Gandhi) hả. Nhưng ông ấy là thánh. Còn cậu chỉ là một ông sư quèn, một anh lính quèn. Ông thánh có thể làm những việc khác đời. Mày dỏng tai lên mà nghe đây này. Sùng bái bạo lực, cuồng tín giết người, hành hạ con người là có tội. Nhưng ngược lại, bất bạo lực cũng là cuồng tín. Khoanh tay để cho đồ tể lên ngôi, tự do giết người cũng là tội lỗi.
Tôi cúi đầu, nhận lỗi.
- Mình hiểu cậu nói, nhưng mình vẫn không bắn được.
- Thằng này hết thuốc chữa.
Quay trở lại cuộc họp đại đội hôm ấy. Phải nói hôm ấy, khi mọi người hỏi tôi có bắn lên trời không, tôi không nói gì nhưng cúi đầu nhận tội, thì không khí bỗng trở nên căng thẳng và lúng túng. Căng thẳng vì đó là một chuyện hệ trọng. Còn lúng túng bởi vì từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự. Chính trị viên còn phân vân, trung đội trưởng Trắm thương tôi, gỡ bí cho mọi người bằng cách vừa đưa ra câu hỏi, vừa gợi ý trả lời.
- Tôi biết đồng chí An có mối thù sâu nặng với đế quốc. Cha mẹ đồng chí đều bị Tầy giết. Nhưng từ thuở bé, đồng chí An vẫn chỉ sống trong chùa. Không khí nhà Phật thì hiền hòa. Sớm tối chỉ tụng kinh gõ mõ. Phải hiểu hoàn cảnh riêng ấy, ta mới thông cảm... Tôi nghĩ có thể đồng chí An sợ. Tôi nghĩ mới ra trận, người ta sợ là bình thường, về sau này qua vài ba trận ta quen ngay thôi mà. Anh em chẳng ai thành kiến với chuyện đó đâu. Tôi nghĩ nên để cho đồng chí An nhận khuyết điểm và hứa lần sau sẽ sửa chữa. Thế là ổn thôi mà.
Thường thường người có tội nhận lỗi và hứa sẽ thay đổi. Đó là kịch bản sẵn có. Nhưng bận ấy, tôi lại nói trước đại đội. Tôi nhận tội.
- Đúng là tôi đã không nhắm quân thù, mà đã chĩa súng lên trời để bắn. Nhưng tôi cũng không thể nói dối các đồng chí được bằng cách hứa suông. Tôi đi tu từ bé. Tôi đã hứa trước đức Thế Tôn là không sát sinh. Tôi đã quen mất nết đi rồi.
Có lẽ cách trả lời của tôi quá vụng về. Một số anh em bực tức vặn hỏi tôi.
- Anh bảo anh quen nết. Vậy tại sao khi huấn luyện ở miền Bắc anh lại đạt loại xạ thủ giỏi. Tại sao kỳ thi bắn nào anh cũng được tuyên dương.
- Vì lúc đó tôi chỉ bắn bia.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ tôi phải bắn người... Tôi van các đồng chí. Tôi không làm được.
- Ôi chao! Ngài cao cả quá! Ngài nhân đạo quá nhỉ. Phải vạch trần ra cho anh biết. Tại sao mẹ anh, cha anh bị giặc giết? Tại anh đấy. Những kẻ như anh sợ giặc, tức là tiếp tay cho giặc. Chính anh trước tiên mang tội với cha mẹ anh...
- Tôi xin các đồng chí. Không phải thế đâu. Đừng kết tội tôi như vậy.
Cuộc họp đại đội bỗng nhiên sôi động. Có người còn lấy gương cụ Trần Nhân Tông đệ nhất tổ Trúc Lâm ra để nhắc nhở tôi. Phật hoàng vị tổ lừng danh đất nước, mà còn giết giặc nữa là tôi. Tôi là cái thá gì? Một anh sư quèn, vô danh ở cái xó chùa quê mà dám ngang nhiên bất bạo động, dám đi ngược lại mọi người hay sao?
Chính trị viên thấy tinh thần chiến sĩ như vậy rất hài lòng. Anh không cắt ngang, dội gáo nước lạnh làm mất khí thế của anh em, nhưng cũng không để anh em đi quá đà biến thành cuộc đấu tố. Cuối cùng anh bảo tôi phát biểu. Tôi nhũn người nói:
- Tôi không dám dối trá. Tôi xin tiếp thu ý kiến của tất cả mọi người. Bây giờ đại đội kỷ luật tôi thế nào, tôi cũng chấp nhận. Tôi xin thề trước anh em rằng tôi không hề sợ chết. Tôi xin chấp hành nhiệm vụ, dù nguy hiểm thế nào cũng không dám từ nan. Nhưng mong trên thông cảm cho khuyết điểm của tôi hay nhược điểm của tôi là bắn đạn không trúng. Nói như thế để trên dễ phân công cho tôi.
Anh em cười ồ:
- Thằng này nói hay thật. Xạ thủ loại giỏi mà lại “bắn đạn không trúng”.
Chính trị viên cũng cười theo.
- Chúng tôi sẽ báo cáo lên trên trường hợp của đồng chí An. Cách mạng không thiếu gì việc. Bắn đạn không trúng ư? Hiện nay đơn vị vận tải thủy đương yêu cầu chúng ta cử hai chiến sĩ về đó. Trước đây, tôi đã dự kiến một người là An nhưng qua cuộc họp này tôi thấy không được. Tôi rất tiếc. Ở miền Nam này, chúng ta đang dồn hết tâm lực tài lực vào, cho nên cuộc chiến này khốc liệt lắm. Địch chống trả kịch liệt lắm. Nơi nơi chốn chốn, chỗ nào chả máu với lửa. Thế mà đồng chí An lại muốn đem lòng từ bi vào chiến trận. Là điên rồ, hay ngớ ngẩn, hay khiếp sợ? Ta tha cho chúng, liệu chúng có từ bi với ta không. Có thể nói ở đây, không có chỗ nào là không tiếp xúc với súng đạn. Giả sử đồng chí đi vận tải trên sông đi. Chúng ta chở những bao tải hàng trong túi nilông. Chở bằng những con thuyền gỗ trên con sông toàn ghềnh thác, nước chảy băng băng. Tôi ví dụ trong khi ấy một chiếc “bà già” hai thân đuổi theo thuyền. Chúng bắn súng máy, bắn rốc két. Khi ấy, một người còn phải chèo lái, còn đồng chí đứng trên thuyền cầm súng. Đồng chí không bắn hay sao? Đồng chí đành lòng cho giặc bắn thuyền, bắn hai đồng chí hay sao? Tan thuyền mất hàng nhà nước. Đồng chí hy sinh thì đã đành, nhưng còn sinh mạng người đồng chí chèo thuyền thì sao. Hành động của đồng chí sẽ làm hại cả người khác. Vậy tôi xin nói thẳng từ bi ở đây là tự sát, là tội lỗi. Tỉnh lại đi. Tỉnh ngộ lại đi. Dung túng cho cái ác giết chúng ta, không những đồng chí có tội với nhân dân mà tôi nghĩ còn có tội với cả đức Phật.
Anh chính trị viên nói dài, rất hùng hồn, rất có tình có lý. Tôi nghe, đôi hàng nước mắt ròng ròng chảy. Tôi thầm nhủ với lòng: “Đúng là ta tội lỗi”. Tôi chưa có đủ lý lẽ sắc bén để cãi lại chính trị viên, tôi chưa đủ lập luận để biện hộ cho hành vi của mình. Tuy nhiên, không hiểu sao, ở đáy sâu tâm hồn tôi vẫn cứng cỏi một niềm tin, tôi không thể bắn vào những người trước mũi súng của tôi.
Chiều hôm ấy trung đội trưởng Trắm gặp tổ chúng tôi. Trắm bảo:
- May mắn cho thằng An mới gặp được chính trị viên Thiện của chúng ta. Chỗ khác, chắc mày phải ra tòa án quân sự. Ông ấy bảo: “Đồng chí An chưa là người giác ngộ cách mạng, nhưng là người lương thiện. An nói: Tôi không thể bắn, nhưng chắc chắn là tôi không sợ nguy hiểm. Tôi có thể hy sinh vì đồng đội... Điều ấy tôi tin”.
- Ông ấy tin mình ư? - Tôi nói - Thế thì tốt rồi.
- Nhưng từ nay cậu thay đổi công tác. Cậu được biên chế vào tổ anh nuôi.
- Việc này tôi làm được.
- Này, đừng tưởng bở nhé. Nguy hiểm chẳng kém gì xung kích đâu. Lúc cần còn làm tải thương và các việc linh tinh khác. Thế là xong việc cậu An... Tiếp đến là việc cậu Cường. Đáng lẽ cậu An phải đi bổ sung cho đội vận tải thủy. Nhưng như chính trị viên nói, An không đủ tiêu chuẩn. Trên đã chọn Cường thay cậu An. vết thương ở chân lành rồi chứ... Thế nhé... Cậu Cường chuẩn bị, sáng mai lên đường.
Tiến thở dài:
- Chán ghê! Chúng mày chuyển đi hết. Tổ tam tam của chúng mình chỉ còn lại mình tao... Nhưng mà ở lại cũng tốt. Tôi xin đề nghị trung đội điều này nhé.
- Điều gì?
- Xin đừng chuyển tôi đi đơn vị khác. Tôi xin mãi mãi chung thủy với đơn vị mình.
- Tưởng cái gì, chứ cái đó thì được... Tớ cũng thích vậy... À, này cậu được đề bạt tiểu đội phó rồi đấy.
- Oách thật! Mình đã lên cán bộ...
- Nhưng tại sao cậu cứ thích đóng đô một chỗ... không muốn di chuyển, là cớ làm sao?
Cường cười:
- Anh Trắm không biết sao? - Nó không muốn chuyển vì muốn chờ để nhận thư vợ... Chuyển sang đơn vị khác, thì lại phải đi vòng vèo. Nhỡ thất lạc thì gay...
- Gớm! Thư quan trọng thế sao?
- Thế anh không biết à?
- Biết gì?
- Biết chuyện mấy tháng trước, lúc ở ngoài Thanh Hóa nó đi về phép ấy.
- Này thằng Cường. Có im mồm đi không.
- Có chuyện gì vậy? - Trung đội trưởng Trắm hỏi.
- Không được nói! - Tiến hét to - Mày đã hứa rồi mà. Thề không phản bội, không lộ chuyện của tao rồi mà.
- Thôi! Mai tao đi rồi. Cho tao phản bội mày chỉ lần này thôi.
- Có phải cái chuyên vợ cậu Tiến đi tiễn chồng đến rừng phi lao rậm, rồi bắt cậu ấy phải yêu thêm một lần nữa, cố đúc ra một đứa con cho cô ấy không?
- Báo cáo thủ trưởng! Đúng!
- Tưởng gì. Chuyện ấy thì cả đại đội đều biết hết rồi. Từ lâu rồi.
- Thế có chết tôi không. Hóa ra thằng Cường phản bội tôi từ lâu rồi.
Chúng tôi cười rũ ra.
Thực ra, câu chuyện của tôi cũng không đơn giản như Trắm nói. Chính trị viên đại đội làm sao dám quyết định một mình. Đến chính ủy Trần cũng cho rằng vấn đề tế nhị và ông báo cáo lên sư đoàn. Các cán bộ bảo vệ của sư đoàn phải nghiên cứu. Cuối cùng họ đưa ra kết luận:
Thứ nhất - về gia đình. Đúng bố mẹ Nguyễn Văn An là bần nông, lại bị Tầy sát hại.
Thứ hai - về bản thân. Từ năm mười tuổi, An đã là chú tiểu. Ngôi chùa Sọ trong thời đánh Pháp đã nhiều lần giúp đỡ cách mạng. Khi đi bộ đội anh là người chấp hành kỷ luật tốt, học tập tốt. Lại có tinh thần thương yêu đồng đội, không ngại hy sinh, cứu đồng đội trong chiến đấu.
Kết luận - Xét trường hợp đồng chí Nguyễn Văn An, không có quan hệ gì với phong kiến, đế quốc, trái lại, có mối căm thù với đế quốc. Vậy trường hợp này không phải là phản ứng giai cấp, hay phản động, chỉ là lạc hậu về tư tưởng. Nguyễn Văn An từ nhỏ đã ở chùa, đã bị tiêm nhiễm nặng nề tư tưởng xuất thế, tư tưởng từ bi nhân đạo phi giai cấp.
Vậy, không cần thi hành kỷ luật, mà chỉ cần bố trí công tác cho thích hợp.
Câu chuyện tôi trở thành cấp dưỡng là như vậy đó. Tôi nói với Trắm:
- Thực ra, tôi làm y tá là tốt nhất. Giá mà anh đề nghị cấp trên cho tôi đi học một lớp quân y sơ cấp.
Trắm cười:
- Cậu lại được tin cô Huệ đã về trạm y tế X nên muốn đi học y tá chứ gì.
- Đúng là Huệ đã vào đây rồi hả anh?
- Thì nghe tin thế. Chứ có ai đã gặp cô ấy đâu. Cậu muốn biết rõ hơn thì lên gặp thủ trưởng Trần.
Tôi im lặng và nghĩ đến Huệ nhiều. Nghĩ tới hôm giỗ tổ ở chùa, lúc tôi nhận lệnh nhập ngũ. Hôm ấy Huệ bảo lo lắng cho tôi nhiều. Huệ sợ tôi không thích ứng nổi với cuộc đời bộ đội. Hôm ấy, tôi nghe Huệ nói nhưng chỉ như một làn gió thoảng qua. Ôi! Cô bạn gái thơ ấu của tôi thật là nhạy cảm. Hóa ra, cô ấy hiểu tôi còn hơn cả bản thân tôi. Có lẽ tôi là kẻ hồn nhiên ngây ngô. Chỉ biết tin vào những cái gì tích cực của thế gian. Còn những khuất lấp, những khúc quanh co thì chẳng nhìn thấy.
Lại nhớ tới lần đến thăm Huệ ở Trường Trung cấp Y tế. Lúc ngồi ở hiên nhà bà mẹ nuôi của Huệ để nghe tiếng một đứa trẻ khóc dạ đề ra rả trong đêm. Khi ấy Huệ nói gì nhỉ? Phải rồi, cô ấy bảo những đứa trẻ khóc dạ đề lúc mới lọt lòng, khi lớn lên sẽ là con người hay làm nũng. Tôi ngẫm nghĩ rồi tự cười thầm. Ở thế gian vô thường này, đã là con người, ai mà chẳng thèm làm nũng. Thèm làm nũng tức là muốn quay lại thời hồn nhiên tuổi ấu thơ, ở đấy là Niết bàn, là trong trắng vô tư... Ở đấy, mẹ cho ta nụ hôn, chị cho ta tấm bánh. Tôi bỗng dưng nhớ tới chị Nguyệt của tôi. Quên đi thì thôi, chứ nhớ tới là nhớ nhung da diết. Từ nhớ chị lại nhớ đến thầy. Đáng trách thật. Đã lâu lắm rồi tôi chằng viết thư về chùa...
“Thầy ơi!
Con thật cố lỗi, thật là kẻ vô tình bạc bẽo, vì chẳng biên thư về vấn an thầy. Thật ra con không viết thư, nhưng chẳng hề có phút nào quên lời thầy dạy. Gặp hoàn cảnh nào con vẫn nghĩ tới chánh đạo. Con nghĩ thực hành lời đức Thế Tôn, chắc sẽ làm cho thầy vui hơn là chỉ nói những lời đầu môi chót lưỡi.
Chiến trận có muôn vàn hiểm nguy nhưng con đều tai qua nạn khỏi cả. Hiện nay, con làm cấp dưỡng. Đơn vị con phải giữ một cao điểm trên một ngọn đồi. Bom đạn vãi xuống như mưa rào. Anh em ăn mãi lương khô không thể bảo đảm sức khỏe. Chúng con nắm cơm, nấu canh tiếp tế cho anh em ăn được mát ruột. Con đeo hai cái ba lô thức ăn leo lên đồi. Con leo lên trong mưa bom bão đạn. Đạn chiu chít vây quanh người. Lạy Phật! Thế mà con vẫn chẳng hề gì. Thưa thầy, con nghĩ chắc đức Thế Tôn đã phù hộ độ trì cho con.
Đã lâu lắm rồi, con chẳng nhận được tin tức gì. Sư bác Khoan Độ ra sao? Chị Nguyệt con ra sao? Con đều mù tịt. Chị Nguyệt với con chẳng khác nào người mẹ của con...”.
Viết đến đây, tôi muốn khóc. Không hiểu sao thế. Dòng nước mắt không chảy ra, nhưng tôi biết chúng đang trong tim tôi. Một cảm giác bồn chồn lo lắng bỗng dâng lên trong tôi. Cứ như thể có chuyện gì đã xảy ra với chị. Nghĩ nhiều quá về người thân nên cảm giác khắc khoải đã đến với tôi chăng? Hay là tại những hồi ức? Cái buổi tối ở trường Y tế tôi đã kể cho Huệ nghe về chị tôi. Cả về tôi nữa. Về một thằng bé khóc dạ đề. Rồi người chị ôm đứa em đi quanh sân. Cả chị và em cùng khóc. Đứa em rên rỉ như một con mèo. Còn người chị thì khóc thầm, nhưng nước mắt tuôn ra lã chã. Để rồi mệt quá, chui trong đống rơm... Chị Nguyệt ơi! Khi xưa, lúc ấy em còn quá nhỏ, làm sao có thể lưu lại được trong ký ức những kỷ niệm quá xa xôi như vậy. Nhưng về sau khi được nghe kể lại, thì những kỷ niệm ấy lại xuất hiện ra rõ mồn một. Có lẽ những đứa trẻ sơ sinh cũng đã có ký ức. Những xúc động mạnh như yêu thương và đau khổ chắc cũng đã có vết hằn trong não bộ. Chỉ có điều là chúng mong manh nằm trong cõi mịt mùng. Nhưng nếu khéo biết gợi mở thì chúng sẽ trở về, mà có thể trở về ào ạt...
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa