The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ây quanh Tiển là các anh du kích làng Nhuần. Người trai trẻ đeo vào vai Tiển một cái túi thổ cẩm bên trong còn nóng hôi hổi gói cơm nếp và thịt gà lôi. Rồi nắm tay Tiển lắc lắc lưu luyến. Các anh du kích làng Nhuần lần lượt bắt tay Tiến, âu yếm dặn dò Tiển. Vẻ lo ngại hiện trong ánh mắt từng anh. Đường về Hoàng Liên xa lắm. Mà các ngả đường lớn đều đã có địch cả rồi. Tiển đành phải đi theo đường rừng đường núi thôi. Và bây giờ trước hết là Tiển phải đi qua Ngài Thầu, rồi từ đó qua Y Tý, Dào San rồi muốn thì mới có thể về Hoàng Liên được.
- Em chào các anh nhé!
- Tiển đi an toàn nhé!
Lời đáp vọng dài theo triền núi.
Đi được một quãng, Tiển dừng chân. Thung lũng Phong Sa dưới kia mờ mờ trong sương mây, loang lồ những vệt đất đang bị đào xới và ngoằn ngoèo đường nét những bờ ruộng bị bỏ hoang.
Còn trên này, thoạt tiên là những mảnh nương đã qua mùa gặt, lấm chấm chân rạ bạc phếch. Bên cạnh là túp lều canh nương mái lợp lá chít[136], góc lều còn lại chiếc điếu ống đã mọc nấm mốc. Tiếp đó hiện ra trong lặng lẽ một làng Dao lấp ló bên các vòm cây bưởi cây ổi xanh cằn. Những căn nhà nửa đất nửa sàn cắm túm lá xanh đã héo khô ở cổng, dấu hiệu cấm người lạ vào nhà. Người đã du cư du canh đi nơi khác. Cái bếp lò đắp đất long lở ám khói. Nước rót từ lòng chiếc máng vầu xuống tảng đá kê lạch tạch âm vang. Bụi hoa râm bụt đỏ ngời vo ve một cánh ong bò vẽ.
Trong thanh vắng, chim dạo khúc ca sớm mai, véo von điệu hót luyến láy ngọt ngào. Con kêu nhịp ba, con điểm nhịp bốn. Bầy sáo ca tiếng một, quay đôi cánh có vệt vôi trắng hoa mắt. Háp háp... Khon khon... Rộc rộc... Khờ- líp, khờ- líp. Tuýt tuýt... Chuyện chim là chuyện người đấy. Hai con chim kêu “háp háp khon khon” là hai vợ chồng người nghèo ngày xưa. Ngày ấy, đói quá, người chồng đi vay địa chủ được một khon[137] gạo. Đến mùa, hai vợ chồng đem khon gạo tới trả nợ. Địa chủ gian tham bảo: Vay một háp[138] sao trả một khon? Hai bên cãi nhau. Cuối cùng, người nghèo thua. Chết đi, họ biến thành con chim suốt vụ mùa kêu “háp háp khon khon” nhắc chuyện khổ ngày xưa. Chuyện buồn quá!
Nắng vừa hé đã nhuộm vàng thung lũng Phong Sa dưới kia. Khu đồng rộng tít tắp. Khói bốc chỗ này một cụm, chỗ kia một cụm. Một chiếc máy bay đang ù ù liệng vòng trên không.
Sương đã tan hẳn. Mặt trời đã vượt lên trên mỏm núi cao nhất, chói lóa. Đường rừng chếch dần lên cao. Từ dưới nhìn ngược lên, thấy những mỏm đá trắng hun hút đâm vào mây mù. Leo tới đầu mom núi thì nhận ra đường bổ xuống thẳng đuột một nét. Ở đây, những ngọn núi đá vôi đứng rời ra từng ngọn.
Chênh vênh trên lưng núi, những cây thông cắm rễ vào vách đá, cành lá đâm ngang xoà tỏa dáng hình bàn tay xoè.
Có tiếng hú u u. Trên một mom đá, ai đã đục một lỗ tròn bằng cái nong. Gió lùa qua đấy, đùa nghịch rú còi. Ối! Cửa hang gì mà rộng như một căn nhà. Nước từ trần hang đang buông rơi. Tinh tang tinh tang... Đàn ai gảy mà đều đặn nhịp nhàng.
Xuyên qua lòng núi, sang cửa hang bên kia, nước ộc ra từ một cái hốc rộng bằng miệng chiếc chum đựng chàm. Nước bốc hơi trắng mờ, rồi ào ào chảy theo một khe đá và chẳng mấy lúc đã mở rộng lòng hệt như con suối chảy từ U Sung về qua làng Thác của Tiển tới làng Nhớn có chị Va, anh Cắm. Cũng hàng cây vả ngả nghiêng bên đồi bờ. Cũng lõm bõm tiếng quả vả chín tự rụng buông rơi trên mặt suối và bồng bềnh trôi. Nghe tiếng chít chít trên cao, Tiển ngẩng đầu. Trong vòm lá vả, lay láy hai chấm đen đưa đẩy. Chà, chú sóc nhỏ diện áo hai màu đen trắng đang tặc tặc lưỡi tiếc rẻ, cái đuôi xù lông giữa hai chạc cây khô.
Một vệt mây vừa bay qua để lộ ra cả một triền núi lác đác bóng cây hồng bì chiu chít từng chùm quả ửng vàng. Mấy chục chú khỉ vàng, đuôi dài như đuôi mèo đang như những cái lò xo, bật mình nhún nhảy, đu bổng trên những cành cây cao. Dưới chân núi, cỏ tế[139], lông cu li[140] mọc bồng bồng êm như một tấm đệm. Chân núi trên vạt đất bằng phẳng là khu rừng nứa dại. Kết lại từng khóm um tùm. Khóm nào khóm nấy xanh đặc như một đám khói.
Vui chân, đang bước nhanh nhanh, Tiển bỗng dừng lại, nghiêng nghiêng đôi vành tai tròn tròn đỏ hồng. Có người chặt cây ở đây hay sao mà vừa nghe thấy tiếng rìu bổ gỗ. Lại thoảng qua khứu giác mùi nhựa thông thơm thơm hăng hắc.
Có người vừa ở đây thật! Những khúc gỗ thông đã bổ còn la liệt trên mặt cỏ. Gỗ thông thớ thẳng, vàng hươm. Rải rác đây đó là những cái chèn gỗ cũ kĩ, tòe đầu. Cạnh một khúc gỗ đang bổ dở, chỏng chơ một cây rìu sắt. Cây rìu của ai và người đó đi đâu rồi?
“Hú ú ú...” Tiển khum hai bàn tay quanh miệng, cất tiếng. Không một hồi âm. Lò dò thận trọng đi theo một vệt đường mòn chừng chục bước chân thì thấy một thồ củi đổ nghiêng. Cạnh thồ củi là cái ống điếu thuốc lào và chiếc bật lửa đã mở nắp. Mồi thuốc còn nguyên trong nõ.
Chắc người bổ ván, lấy củi còn quanh quất ở đâu đây. Đi thêm vài bước nữa, đúng như dự đoán, Tiển đã thấy những dấu chân người. Những dấu chân người sin sít nối nhau, trông cũng có thể đoán được là người này đã chạy trong khiếp đảm. Rùng mình vì một linh giác chợt đến khi Tiển nhận ra cùng với dấu chân người nọ là những nốt chân tròn, to bằng cái bát con. Trời! Nốt chân hổ!
Ngước lên phía trước, thót người vì kinh hoàng, Tiển vội giật lui một bước. Và cùng với động tác lên đạn khẩu các bin, Tiển vội nằm ập ngay xuống đất. Người lạnh toát như đóng băng. Khủng khiếp quá! Cách Tiển chỉ hai chục bước chân, một con hổ lớn như con ngựa hai tuổi đang vờn quanh một khóm nứa. Một khóm nứa ngộ cây nào cũng to bằng bắp tay và ken chặt như đũa đặt trong giỏ. Kinh khủng quá! Ngay trước mắt Tiển là một chúa sơn lâm to lông da vằn vàng ngoặc đen trông như một khối lửa cháy đang hồng hộc chạy như lên cơn ngộ dại quanh một khóm nứa!
Con chúa rừng hung tợn này đang giở trò gì với khóm nứa này vậy? Kìa, nó nhún hai chân, lấy đà phốc lên với hai cái cẳng chân trước xoè đủ mười cái vuốt sắc nhọn, rồi lại ngã uỵch xuống. Phốc lên rồi lại rơi đánh uỵch xuống đất. Cả chục lần như vậy. Cứ như nó định vồ cái gì đó ở trên đỉnh khóm nứa mà không được. Không được thì nó xuất chiêu khác. Chiêu khác của nó là sử dụng hàm răng. Hàm răng với hai chiếc răng nanh lợi hại của nó ngoạm vào khóm nứa. Nghe đồn rằng hổ vốn sợ nứa vì nứa mà toác ra thì sắc như dao mà hóa ra không phải. Hay là con hổ này đang lên cơn say máu nên nó bất chấp? Bất chấp tuốt. Cột cột... Nứa, từ cây bên ngoài cùng đến cây bên trong lần lượt đều bị nó gặm, nó nhay, nó cắn xé. Tất nhiên cũng lại cả chục lần như thế mà chẳng có kết quả gì. Thế là nó gầm một tiếng thật to rồi cứ thế vừa gầm gào vừa chạy huỳnh huỵch vòng quanh khóm nứa. Chạy và gầm để dọa dẫm. Kết cục xem chừng thấy chẳng ích lợi gì thì nó dừng lại, ngồi chống hai chân, quẫy đuôi, ngoác mồm ngáp dài đánh “oặc” một tiếng. Rồi tiếp đó nó rạp mình, dùng hai chân trước cào bới liên hồi vùng đất quanh chân khóm nứa với tiếng gầm thét mỗi lúc một thêm dữ dằn. Không! Con thú chúa tể rừng xanh này đâu đã chịu thất bại. Đâu đã nản lòng thối chí. Đỡ mệt, nó lại nhổm dậy và lần này nó biểu diễn ý chí quyết tâm của nó bằng một cuộc chạy đường trường kết hợp với các cú nhảy bất thình lình, xoáy thành một vòng tròn siết chặt quanh khóm nứa với những tiếng gầm mỗi lúc một hằn học và dữ tợn.
Đúng là con thú điên, con thú rồ dại thật rồi. Khóm nứa làm gì nó mà nó có hành động cuồng nộ như vậy! Nằm cách con thú hai chục bước chân, Tiển đã bình tĩnh trở lại vì con thú gần như không biết đến sự có mặt của chú. Và do vậy, Tiển đã có thể quan sát toàn cảnh sự việc, nhận ra cốt lõi của tình huống này. Trời ạ! Thật là một tình huống quá kì quặc, quá li kì và hi hữu, không sao tưởng tượng được.
Trong khóm nứa dày, ở giữa những cây nứa ngộ ken chặt có một bóng người! Có một người đang mắc kẹt ở giữa khóm nứa.
Không thể chân chừ lâu hơn được nữa, Tiển nâng khẩu các bin, nhằm đầu con thú đúng lúc nó dồn sức thực hiện cú nhảy vọt có tính quyết định lên đỉnh khóm nứa, chắc chắn là để vồ cái người đang rũ rượi như cái xác không hồn trong đó!
o O o
Hồi âm truyền lan vách núi của tiếng súng đã tắt. Khói tan, trả lại yên tĩnh cho cả một vùng rừng mênh mông. Con ác thú, như bị ngọn gió cuốn, biến đâu mất. Nghe thấy tiếng lá nứa lào xào và tiếng người nấc nghèn nghẹn, Tiển cầm khẩu các bin, bước chầm chậm tới.
Trong khóm nứa, một người đàn ông trẻ đang tụt xuống từ một cây nứa dại. Ra khỏi khóm nứa, chợt nhìn thấy Tiển, anh liền rụt rè bước lại.
Đó là một người Mông, đầu chom chỏm chiếc mũ vải sáu múi, áo khoác ngắn tay lấm bùn, quần lanh chàm rách xoạc một bên ống, mắt vàng ệch, mày rậm, môi dày, miệng ho hó, trên gương mặt thật thà và cục mịch, vẻ bàng hoàng còn chưa tan. Người đó đến cách Tiển ba bước thì quỳ sụp xuống, nghèn nghẹn nấc lên từng hồi.
Tiển bước tới, đỡ người nọ, lúng túng:
- Sao thế? Sao lại thế, anh người Mông!
Người nọ ngẩng lên, đầu gối vẫn tì trên đất, nước mắt giàn giụa, lắp bắp:
- Cứu mạng tôi, cứu mạng tôi. Ơn anh, ơn anh...
Tiển nắm hai bàn tay thô ráp của người nọ, kéo mạnh cho anh ta đứng dậy:
- Không nên thế! Không nên thế!
Người nọ đã đứng lên, hai tay vẫn để Tiển nắm, mếu máo:
- Tôi họ Thào, tên Cầu. Tôi đang bổ ván thì bị con hổ xồ ra đuổi. Súng tôi gãy kim hỏa. Tôi chui vào khóm nứa. Đùa a[141] Không có anh thì tôi không còn được quỳ trước anh thế này.
- Nhà anh ở đâu, để tôi đưa anh về, anh Câu?
- Tôi người thôn Ngải Phong Chổ, xã Ngài Thầu. Phải rồi. Chuyện dài lắm. Mời anh về nhà tôi, ở gần đây thôi, cho tôi trò chuyện và đền ơn trả nghĩa...
o O o
Lội qua một con suối rộng là tới khu ruộng thoai thoải dưới chân núi. Ruộng tiếp ruộng. Hàng trăm mảnh. Mảnh hình dải khăn. Mảnh hình cái khuyên. Mảnh hình chiếc móng ngựa. Nối tiếp nhau, như các nấc thang, lên cao dần. Cạnh ruộng là đá hòn, đá tảng đen sầm, nổi hình nổi khối như trâu nằm.
Trên cùng của khu ruộng là hai mom núi. Hai mom núi đối diện nhau. Cùng một kiểu nhà mái lợp ván thông, tường trình. Cùng mặt nhìn xuống ruộng, lưng tựa vào núi. Cùng cảnh trí ngày cũng như đêm, lúc nào cũng đọng một ngấn sương trắng ngang lưng. Cùng thuộc một ngành Mông xanh, tiếng nói trong thanh hơn các ngành Mông khác. Cùng thuộc xã Ngài Thầu, nhưng đó là hai thôn tên khác nhau. Ngải Phong Chồ là của người Mông họ Thào. Vả Dì Thầu Ván là dân họ Vàng.
Ngải Phong Chồ túm tụm hơn ba mươi nóc nhà họ Thào nằm trên một bãi đá. Ở đây, mở mắt là nhìn thấy đá. Đá xếp bậc, đá kết thành hàng rào vây quanh khiến mỗi căn nhà đều có vẻ kín đáo biệt lập.
Đánh hơi thấy người lạ, đàn chó trong thôn, đồng tới mấy chục con, xô ra đầu làng sủa váng. Thào Câu cầm mấy hòn đá ném thật lực và cất tiếng chửi một thôi một hồi, đàn chó mới dạt cả về cuối làng, nhưng sau đó cứ hướng về căn nhà Thào Câu sủa nhăng nhẳng.
Theo Thào Câu qua một cánh cửa gỗ có sợi dây giăng căng tự động đóng mở, Tiển đứng trước một căn nhà lợp ván thông, vách đất, dài năm gian. Trước nhà, mé phải là một vũng ao nước đục ngầu có đàn vịt trắng đang sục mỏ kiếm mồi. Trên một phiến đá bằng ở góc trái mảnh sần, vành vạnh một chiếc mẹt tròn đầy ăm ắp ngô hạt vàng chóe.
Đẩy cánh cửa gỗ nặng trịch, bước vào nhà, động tác đầu tiên của Câu là cầm cây gậy dựng ở góc cửa, thọc mấy nhát lên mái nhà. Hai tấm ván gỗ thông lợp nhà bị chọc lập tức tõe sang hai bên, để hở một lỗ hồng rộng bằng hai bàn tay cho ánh sáng mặt trời ùa xuống. Căn nhà như bật đèn. Một người phụ nữ trạc ba mươi tuổi, váy xoè trên đất, đang ngồi tẽ ngô, nghển lên, nghe Thào Câu nói cái gì, liền nhổm dậy, nhìn Tiển, vẻ mặt kinh ngạc, rồi vội vàng chạy đi.
Tiển ngồi ở cái bếp khách.
Ngoài sân có tiếng người đuổi gà xuỳ xuỳ. Cửa mở. Nhảy vào liền một lúc ba con gà choai, đuôi cụt, chân chì. Người phụ nữ và hai chú bé nữa bước vào. Ba người chân bước rón rén từng bước. Ba con gà bay tóe. Người phụ nữ nhảy lên. Quác quác, phạch phạch. Một con gà lông nâu đã bị tóm chân.
Chiều nghiêng, nắng rọi vào cửa một vầng sáng hồng hào. Mâm cơm đã đặt trên bàn. Bốn cái bát và bốn chiếc thìa sứ đặt ở bốn góc. Giữa bàn, hai bát rau cải xào, hai bát tô lõng bông canh thịt gà. Đứng ở đầu bàn là chai rượu bắp bảy mươi nhăm đùng đục như nước vo gạo nút lõi ngô.
Ngoài cửa bước vào hai người đàn ông hao hao giống Câu.
- Tôi anh cả, tôi anh hai đấy!
Câu giới thiệu bằng tiếng Kinh bập bẹ, sai cả mẹo luật, rồi mời cả ba người vào mâm. Người phụ nữ đứng ở cửa bếp nhìn ra, rưng rưng cảm động.
Chai rượu nghiêng cổ. Mùi rượu ngô bốc say say. Ba bàn tay đàn ông to nặng cùng nhấc chén đưa về phía Tiển.
- Anh Tiển à! - Câu gắp một miếng lườn gà, khẽ đặt xuống bát Tiển. - Không có anh hôm nay, cái miệng tôi không bao giờ còn được ăn miếng ngon nữa.
Hai người đàn ông bên kia bàn chớp chớp mắt, gật gù:
- Đúng thế! Miếng cay miếng đắng phải ăn nhiều rồi.
- Nó ở trong búi nứa, tôi bói chân gà thấy có lối thông, biết nó không chết. Hừ, nó chết, người họ Thào đau lắm. Năm nay nó làm đầu hội[142] đấy, anh bộ đội Tiển à.
Câu nhấc chén, hai tròng mắt vàng nhờ thật thà, long lanh:
- Anh Tiển. Anh phải ở đây với tôi thật lâu. Cho tôi trả ơn trả nghĩa. Một vốc cũng là ơn nghĩa, anh à. Huống hồ là cả một mạng sống! Anh Tiển! Người họ Thào tôi tốt, không như họ Vàng đâu. Người họ Thào tôi giỏi. Có người đóng chức quan một đấy.
Đặt chiếc thìa vào lòng cái bát đầy ụ thịt gà, Tiển ngẩng lên:
- Ai là người họ Thào làm quan một đấy?
- Thào A Đủa ấy mà.
- Ở đâu kia?
- Ở dưới Phong Sa ấy. - Câu ngả người tựa cột, mặt bừng hơi rượu, lẩn mẩn những nốt đo đỏ. - Kể ra ông ấy cũng không tốt lắm. Làm lí trưởng có ác. Nhưng không ác, không trị được họ Vàng.
Hai người anh Cầu lại gật gù:
- Người họ Vàng nó xấu lắm. Nó đánh người chúng tôi. Nó ăn cắp ngựa của chúng tôi, anh Tiển à.
- Phải đấy. Kể chuyện anh nghe. Ông cụ tổ chúng tôi với nó hồi mới đến cùng ở một nhà với nhau như anh em. Có cơm cùng ăn. Có rượu cùng uống. Nhưng bụng nó đấy lá độc. Nó được trời cho làm thầy cúng. Nó sai ám binh bắt ông cụ tổ chúng tôi trói vào vách đá, ông cụ tổ chúng tôi chết. Nó chiếm cái ruộng ngoài kia kìa.
- Chuyện lạ nhỉ!
- Ây dà. Nói để anh biết nhé. Xưa, ruộng bên Ngải Phong Chồ tôi nhiều hơn bên họ Vàng. Về sau thế nào đó, nó cậy nó là thầy cúng, nó biết chữ, viết văn tự giả, lấy mất hơn chục mảnh của chúng tôi đấy!
Tiển ngồi lặng, tay ôm chén rượu còn đầy. Chuyện mơ mơ hồ hồ, chẳng có bằng cứ, rất khó tin.
Bị câu chuyện kích thích, Câu chồm lên, thao thao. Trước ân nhân, chẳng có gì phải giữ kẽ. Nghĩ thế nào, cứ thế nói.
- Nói để anh Tiển biết nhé. Chuyện xưa là thế! Thù cứ để trong bụng thôi. Năm ngoái, làng này chết một lúc năm đứa trẻ. Anh có biết tại sao không? Ma họ Vàng nó bắt đấy?
- Ai nói thế?
Hai người đàn ông đặt chén rượu xuống bàn:
- Bói thì biết chứ!
- Bói thì biết chứ! Vừa rồi chính người họ Vàng nó bói, bảo thổ thần sai con hổ tới bắt chú Câu nhà tôi đấy.
Câu nhấp nhỏm:
- Miệng ông Thào A Đủa nói vậy đấy, anh Tiển à. Ông Đủa làm lí trưởng bênh họ Thào, không thì người họ Thào bị họ Vàng nó chặt làm ba khúc rồi. Kể anh Tiển nghe. Làng Tôi hằng năm đều mở hội ăn thề, cử người đứng đầu hội. Năm nay, tôi làm đầu hội. Một hôm, tôi đi chợ Phong Sa thì có một người Mông tóc dài tới bảo tôi vào trong đồn chơi. Ai da! Tưởng ai, hóa ra gặp ông Đủa. Ông Đủa rời Ngài Thầu đi từ hồi bọn họ Vàng bên kia theo Việt Minh đánh Phăng- ki. Ông Đủa bảo tôi ngồi, pha sữa cho uống. Ông hỏi tôi năm nay làm đầu hội à? Tôi đáp ừ. Ông lại nói: Làm đầu hội phải biết lo cho sinh mạng người trong họ, có biết kẻ nào nó đang mưu giết sạch họ Thào không? Tôi đáp không! Ông bảo: Họ Vàng xưa ở cùng ta chung một mái gianh đấy. Nó theo Việt Minh rồi. Nó thề sẽ lấy họ Thào làm ớt ăn đấy! Anh Tiển à, họ Vảng độc ác thế đấy! Tôi hỏi ông Đủa: Ông có về giúp họ Thào được không? Ông Đủa nói: Phải lấy họ Vảng làm rau ăn trước, không là đại họa. Ông sẽ về giúp họ Thào sau.
Tiển giật mình, nhưng cố nén:
- Bao giờ Thào A Đủa về?
- Hẹn ngày đầu tháng có trăng lên làm điều tốt cho đời người, ông ấy về. Lại dặn tôi phải làm thế này thế nọ thì mới đón được ông ấy về.
Người Tiển nóng ran. Thào Câu vẫn nói. Trời! Câu chuyện đón Thào A Đủa về bốc lên như hơi rượu. Cho tới lúc tiếng đàn chó trong thôn chợt sủa ran lên một hồi.
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao