Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi.

Horace

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Mươi Tám
rông con giống ai ạ?” Pat nói vào thời điểm cây trong công viên đã trơ trụi và thằng bé phải mặc áo choàng mùa đông suốt ngày và Gina đã ra đi được hơn bốn tháng.
Thằng bé nghếch đầu lên để nhìn được vào gương nhỏ phía trước cửa xe, ngắm nghía mặt mình như thể đang nhìn nó lần đầu tiên, hay như thể khuôn mặt ấy thuộc về một ai khác.
Thằng bé trông giống ai? Mọi người lúc nào cũng bảo tôi - và nó - là trông nó giống tôi. Nhưng tôi biết sự thật không hẳn là như thế. Thằng bé là một đứa trẻ xinh hơn tôi hồi tôi còn nhỏ nhiều. Cho dù tôi chưa từng rụng mất cả hàm răng trước vì một con chó thì thằng bé vẫn đẹp trai hơn tôi. Sự thật là, thằng bé trông giống cả hai chúng tôi. Nó trông giống tôi và nó trông giống Gina.
“Mắt con giống mắt mẹ,” tôi nói.
“Mắt con màu xanh da trời.”
“Đúng rồi. Mắt con màu xanh da trời. Và mắt cha có màu xanh lá cây. Nhưng miệng con, nó giống miệng cha. Chúng ta có miệng rộng đẹp. Tuyệt vời cho việc hôn, phải không nào?”
“Vâng ạ,” thằng bé nói, không cười cùng tôi, không rời mắt khỏi cái gương chữ nhật con con.
“Và tóc con - nó rất vàng. Giống tóc mẹ.”
“Hồi trước mẹ tóc vàng.”
“Bây giờ vẫn còn mà con yêu,” tôi nói, nhói đau khi nghe thì quá khứ trong câu nói của thằng bé. “Mẹ vẫn có tóc vàng. Tóc mẹ vẫn vàng. Đúng không?”
“Đúng ạ,” thằng bé nói, gấp cái gương lên và nhìn ra ngoài cửa sổ. “Đi thôi cha.”
Và răng con giống như răng mẹ - hơi nhiều kẽ hở, hơi ngố, hàm răng làm cho mỗi một nụ cười đều có vẻ ngông nghênh - nhưng cái mũi hếch ngắn của con là của cha, cho dù cái cằm bạnh, đẹp đẽ là thuộc về mẹ con và làn da con cũng vậy - làn da trắng ưa ánh mặt trời và bắt đầu sạm đi một khi trời ngừng mưa.
Pat trông không giống tôi. Và thằng bé trông không giống Gina. Nó trông giống cả hai chúng tôi.
Dẫu chúng tôi có muốn đi chăng nữa, chúng tôi cũng không thể thoát nổi mẹ nó. Cô có ở đó trong nụ cười thằng bé và trong màu mắt nó. Tôi bị kẹt lại với bóng ma của Gina. Và Pat cũng vậy.
“Cha không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với bọn trẻ,” cha tôi nói. “Những đứa trẻ như Pat và Peggy. Cha không thể tưởng tượng nổi việc lớn lên chỉ có một người phụ huynh sẽ ảnh hưởng thế nào đến chúng.”
Ông không nói như cái kiểu ông từng nói trước đây - giận dữ, khinh bỉ và với một sự ngỡ ngàng móc mỉa cái thứ mà thế giới này đang biến thành. Ông không nói câu đó với lòng căm ghét cha mẹ đơn thân và tất cả những thay đổi mà họ tượng trưng. Ông nói một cách nhẹ nhàng, với một cái lắc đầu nhẹ, bối rối, như thể tương lai ngoài sức tưởng tượng của ông.
“Con lớn lên với cả cha và mẹ ở bên,” ông nói. “Ít ra thì con cũng có biết chút ít hôn nhân là như thế nào. Hôn nhân có thể ra sao. Nhưng chúng không có cái đó, phải không? Pat, Peggy và tất cả bọn trẻ con ấy.”
“Vâng. Bọn nó không có những điều đó ạ.”
“Và cha thật sự lo chuyện sẽ xảy ra với bọn chúng. Nếu ly dị chỉ là một việc mà ai cũng làm, thì còn cơ hội gì cho hôn nhân của chúng? Và con của chúng?”
Chúng tôi đang ngồi trên ghế gỗ ngay ngoài cửa bếp, ngồi trong ánh chiều tà lúc ba giờ ngắm Pat chọc quả bóng bằng thanh kiếm ánh sáng của mình ở phía kia của khu vườn.
“Có vẻ như mọi thứ đều... tan vỡ,” cha tôi nói. “Con có biết Peggy nói gì với cha không? Nó hỏi cha có muốn làm ông nó không. Đâu phải lỗi của con bé, phải không? Ôi cái con bé đáng thương.”
“Không, không phải là lỗi của nó,” tôi nói. “Chẳng bao giờ là lỗi của đứa trẻ cả. Nhưng có lẽ lớn lên với chuyện ly dị sẽ làm chúng thận trọng hơn trước khi kết hôn. Và quyết tâm hơn để làm mọi chuyện suôn sẻ khi thực hiện việc đó.”
“Con nghĩ vậy thật à?” cha tôi nói đầy hy vọng.
Tôi gật đầu, nhưng chỉ vì tôi không nỡ lắc đầu. Điều tôi thực sự nghĩ là thế hệ họ đã đối mặt với trách nhiệm theo cái cách mà đám chúng tôi sẽ không bao giờ có thể.
Thế hệ họ đã trông coi con cái của mình, họ đã có rất nhiều buổi tối ngủ sớm, và nếu họ có nhà riêng và một chuyến du lịch hai tuần trên xe lưu động ở Frinton thì họ sẽ coi bản thân mình là những người may mắn.
Nhưng thế hệ tôi đã lớn lên với đống hạnh phúc riêng nho nhỏ của mình ở hàng đầu của danh sách mua sắm.
Thế nên chúng tôi phá phách, trốn tránh và làm loạn với tần số đáng báo động như vậy.
Thế hệ chúng tôi muốn cuộc sống hoàn hảo. Tại sao con chúng tôi lại khác chứ? Cha tôi đã sớm học được là chẳng ai có được một cuộc sống hoàn hảo cả.
“Đúng, có lẽ sẽ ổn,” cha tôi nói trong khi vẫn ngẫm nghĩ về nó. “Vì mỗi đứa trẻ đều có cả cha cả mẹ, phải không? Ngay cả một đứa trẻ lớn lên trong - gọi là gì nhỉ? - một gia đình đơn thân. Và có lẽ Pat và Peggy và tất cả bọn trẻ con ấy sẽ không lớn lên thành con người giống như vị phụ huynh đã bỏ đi. Có lẽ chúng sẽ giống như vị phụ huynh đã ở lại.”
“Ý cha là gì?”
“Thì, con đang xoay xở khá ổn với Pat,” cha nói, không nhìn tôi. “Con làm việc chăm chỉ. Con trông nom nó. Nó thấy tất cả cái đó. Thế thì tại sao nó lại không làm thế với con mình?”
Tôi cười xấu hổ.
“Cha nói thật lòng mà,” ông nói. “Cha không biết mình có đương đầu được không nếu mẹ con - con biết đấy.” Bàn tay phải chai sần đặt nhẹ lên vai tôi. Ông vẫn không nhìn tôi. “Con đang xoay xở khá ổn với thằng bé Harry à.”
“Con cảm ơn,” tôi nói. “Con cảm ơn cha.”
Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi gọi khẩn thiết từ trong phòng khách, và khi chúng tôi chạy vào thì bà đang đứng bên cửa sổ, chỉ vào chiếc xe của tôi.
“Tôi đã nhìn thấy bọn ranh con chết tiệt,” mẹ tôi, người không bao giờ chửi tục, nói. “Tôi nhìn thấy bọn ranh con chết tiệt ấy làm thế!”
Cái mui mềm của chiếc MGF bị rạch đi rạch lại bởi một con dao. Những gì còn lại của cái mui thụt vào trong chiếc xe, như thể có cái gì đó đã rơi vào nó từ trên cao.
Tôi nhìn chòng chọc chiếc xe bị phá hoại của mình. Nhưng cha tôi đã ở ngoài cửa trước. Dì Ethel đang đứng ngoài thềm cửa nhà mình.
“Cái hẻm!” mẹ thét lên, chỉ về tít cuối phố, cái phía ô tạp nơi có một ngõ cụt đầy những ngôi nhà do nhà nước trợ cấp, như khu ổ chuột cho những người sở hữu những chiếc Ford Escorts được mông má, áo West Ham sân khách và chẳng quan tâm gì đến hoa hồng.
Có một con hẻm ở cuối phố dẫn tới một dãy cửa hàng tồi tàn nơi bạn có thể kiếm vé xổ số khi trời sáng và một trận đòn túi bụi khi trời tối. Hai thằng thanh niên - cái đôi đã cố cướp của cha mẹ tôi? Hay đôi khác giống hệt chúng? - đang chạy về phía con hẻm. Cha tôi đang đuổi theo chúng.
Tôi nhìn cái mui xe hỏng và thấy sự giận dữ đang dâng trào trong mình. Lũ vô dụng đần độn hằn học, tôi nghĩ, tức điên lên vì điều mà bọn nó đã làm với chiếc ô tô của tôi và còn điên hơn vì đã kéo cha tôi ra khỏi vườn của ông.
Tôi bắt đầu đuổi theo chúng, nhìn bọn chúng sợ sệt quay lại nhìn khi có một giọng chết người gọi chúng từ đằng sau, dọa sẽ giết chết con mẹ chúng nó, và tôi choáng váng nhận ra cái giọng chết người ấy có vẻ là của tôi.
Hai thằng du côn biến mất trong hẻm đúng lúc cha tôi đột ngột dừng lại. Lúc đầu tôi tưởng cha đã đầu hàng, nhưng chuyện còn tệ hơn thế, vì cha quỵ xuống và ôm ngực, như thể đang bị ngạt thở.
Đến lúc tôi bắt kịp cha thì ông đang quỳ trên hai chân, giữ người mình không đổ sụp xuống bằng cách chống một bàn tay lên mặt đất. Ông đang phát ra những âm thanh tồi tệ, khủng khiếp, cổ họng khò khè những hơi thở ngắn, nông.
Tôi quàng tay quanh người ông và đỡ ông, mũi hít mùi Old Holborn và Old Spice của ông, và ông thở hổn hển, thở nghẹn ngào, phổi ông đấu tranh hết sức mà vẫn không hút vào đủ lượng cần thiết. Ông hướng mắt ra nhìn tôi và tôi thấy sự sợ hãi trong ánh mắt ông.
Cuối cùng thì ông cũng lấy lại đủ không khí để loạng choạng đứng dậy. Vẫn quàng tay quanh người ông, tôi dẫn ông chầm chậm về nhà. Mẹ tôi, Pat và dì Ethel đang đứng bên cửa trước. Pat và dì Ethel mặt trắng bệch vì sốc. Mẹ tôi thì giận dữ.
“Ông phải đi bác sĩ,” mẹ nói, nước mắt giàn giụa trên mặt. “Không lý sự gì nữa.”
“Tôi sẽ đi,” cha tôi lí nhí nói, và tôi biết là ông sẽ không cố trốn. Ông không thể từ chối bất kỳ điều gì mẹ nói.
“Bọn chúng chẳng phải là một lũ vô liêm sỉ độc ác sao?” dì Ethel nói. “Làm sao mà không tức sôi máu lên được chứ?”
“Vâng ạ,” Pat nói. “Chúng là bọn chó chết.”
Veston đen, trên giấy mời viết thế, và tôi luôn thấy phấn chấn khi phải lôi ra áo veston, áo sơ mi và nơ đen - một cái nơ hẳn hoi mà ta phải tự thắt rất tốn thời gian, chứ không phải cái nơ đã thắt sẵn trên dây chun mà bọn trẻ con hay mấy thằng hề đeo.
Tôi vẫn còn nhớ ông già tôi mặc veston đen mỗi năm một lần trong bữa tiệc tối và buổi khiêu vũ thường niên của công ty ông tại một khách sạn sang trọng nào đó trên Park Lane. Có cái gì đó ở cái áo đuôi tôm chỉnh tề, vừa khít lại hợp với dáng người bè bè chắc nịch, vạm vỡ của ông. Mẹ tôi năm nào cũng có vẻ hơi thấy buồn cười với bất cứ cái váy nào bà mặc. Nhưng cha tôi sinh ra là để mặc veston.
“Òa,” Sally nói, bẽn lẽn cười với tôi qua một rèm tóc khi tôi xuống cầu thang. “Chú trông giống hệt một ông bảo vệ. Canh cửa một câu lạc bộ, kiểu như là, rất rất ngầu.”
“Không,” Pat nói, chỉ ngón trỏ về phía tôi và ngón cái giơ lên. “Trông cha giống như James Bond. 007. Được tự do bắn tất cả những kẻ ác.”
Nhưng khi tôi đứng ở trước gương trong sảnh, tôi biết mình thực sự giống ai khi mặc veston.
Càng ngày tôi càng trông giống cha tôi.
Cyd mặc một cái sườn xám màu xanh bằng vải lụa Trung Quốc - cổ kín, bó sát như một lớp da thứ hai, cái váy tuyệt vời nhất tôi từng nhìn thấy trong đời.
Cô không làm gì với mái tóc của mình cả - chỉ vuốt ra phía sau buộc lại thành đuôi ngựa, và tôi thích như thế, vì như thế tôi càng có thể nhìn khuôn mặt cô rõ hơn.
Có những lúc chúng ta chỉ nhận ra mình hạnh phúc đến mức nào khi giây phút đó đã trôi qua. Nhưng thi thoảng nếu cực kỳ may mắn, chúng ta sẽ nhận ra hạnh phúc ngay khi nó đang xảy ra. Và tôi biết đây là cảm giác hạnh phúc. Không phải hạnh phúc trong hồi ức mắt-rưngrưng hay trong một tương lai tưởng tượng ra mà là ở đây và ngay bây giờ, trong một cái váy xanh lá cây.
“Đợi anh một phút,” tôi nói với Cyd lúc xe taxi thả chúng tôi ở ngoài khách sạn. Tôi nắm tay cô và đứng đó trong yên lặng, giờ cao điểm tắc đường trên Park Lane đang gầm rú đằng sau chúng tôi, một bông tuyết ở Hyde Park lấp lánh đằng xa phía sau đoàn xe cộ.
“Có vấn đề gì à?” cô hỏi tôi.
“Không có gì,” tôi nói. “Thế mới đáng nói.”
Tôi biết là tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của cô trong cái đêm đó, tôi biết là tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh của cô trong bộ váy Tàu xanh lá cây. Và không chỉ muốn thưởng thức nó, tôi còn muốn giữ lại khoảnh khắc này để sau này tôi có thể nhớ lại nó, sau khi buổi tối đã kết thúc.
“Được chưa?” cô nói, mỉm cười.
“Được rồi.”
Rồi chúng tôi gia nhập vào dòng người cười nói trong những bộ veston và váy dạ hội, đi vào trong buổi lễ trao giải.
“Và giải thưởng Phát hiện của năm được trao cho...”
Cô gái dự báo thời tiết khêu gợi lóng ngóng mở cái phong bì.
“... Eamon Fish.”
Eamon đứng lên, say và cười toe toét, trông có vẻ tự mãn hơn nhiều so với cậu ta muốn thể hiện trước bao nhiêu máy quay đang dõi theo, và ôm tôi với cảm xúc thật lòng khi cậu ta đi qua.
“Chúng ta đã thành công,” cậu ta nói.
“Không,” tôi nói, “cậu đã thành công. Đi nhận giải đi.”
Ở đằng sau cậu ta, tôi nhìn thấy Marty Mann và Siobhan ở một cái bàn khác - Marty đang vận trên người cái kiểu áo gi lê sáng màu thường thấy ở những người cho rằng mặc veston đen cũng giống như hút tẩu hay đi dép trong nhà, Siobhan thon thả và điềm tĩnh trong một bộ váy trắng trong suốt khá xinh.
Cô mỉm cười. Cậu ta giơ ngón cái lên chúc mừng. Lúc sau, khi tất cả các giải thưởng đã được trao, họ qua bàn chúng tôi.
Dù Marty hơi say và cay cú - năm nay không có giải thưởng gì cho cậu ta - họ vẫn tỏ ra vô cùng tử tế.
Tôi giới thiệu Cyd và Eamon với họ. Nếu Marty có nhớ Cyd chính là cô gái đã từng có lần đổ một đĩa mì Ý vào đùi cậu ta thì cậu ta cũng không biểu lộ điều đó. Cậu ta chúc mừng Eamon được nhận giải. Siobhan chúc mừng Cyd về bộ váy.
Siobhan không nói - Thế cô làm gì? vì cô quá thông minh và nhạy cảm để hỏi những câu hỏi như vậy, nên Cyd không phải nói - À, hiện tại thì tôi đang làm bồi bàn, thế nên Siobhan không phải xấu hổ và Cyd cũng vậy, họ có thể hòa hợp với nhau theo cái cách dễ dàng, có vẻ như rất tự nhiên mà chỉ phụ nữ mới làm nổi.
Họ bắt đầu nói chuyện với nhau về chuyện không biết mặc gì ở những ngày như thế này, và Marty quàng vai tôi một cách bí ẩn. Mặt cậu ta phục phịch hơn tôi nhớ. Cậu ta có cái vẻ nặng nhọc, mang máng thất vọng của một người mà, sau hàng năm mơ mộng, cuối cùng cũng đã có được chương trình trò chuyện của riêng mình, thế rồi phát hiện ra là anh ta không thể thu hút được ai xứng đáng trò chuyện.
“Nói vài lời cái nhỉ?” cậu ta nói, ngồi xổm xuống bên tôi.
Chuẩn bị đến đoạn đó rồi đấy, tôi nghĩ. Giờ thì cậu ta muốn tôi quay lại. Giờ khi cậu ta nhìn thấy Eamon đang làm tốt thế nào, cậu ta muốn tôi quay lại chương trình.
“Tôi có một việc muốn nhờ cậu,” Marty nói.
“Có chuyện gì hả Marty?”
Cậu ta ghé vào gần hơn.
“Tôi muốn cậu làm phù rể của tôi,” cậu ta nói.
Ngay cả Marty, tôi nghĩ.
Ngay cả Marty cũng mơ làm điều đúng đắn, cũng mơ tìm được người ấy, cũng mơ khám phá cả một thế giới bên trong một con người khác. Hệt như tất cả mọi người.
“Này Harry,” Eamon nói, mắt nhìn theo cô gái dự báo thời tiết ở đằng kia căn phòng, chỉnh lại dáng đứng của mình vì có một vùng áp suất cao luồn qua quần lót của cậu ta. “Đoán xem tối nay tôi phang cô nào?”
Có lẽ không hẳn là tất cả mọi người.
Có quá nhiều đèn đang bật trong nhà. Có đèn ở tầng trên. Có đèn ở tầng dưới. Có đèn sáng chói khắp mọi nơi vào thời điểm mà đáng lẽ ra chỉ nên có một ánh sáng mờ nhạt phát ra từ phòng khách.
Và có nhạc phát ra từ nhà tôi - những tiếng bass vang vang ồn ào và cái dàn trống đánh dồn dập nghe không khác gì một cơn đau tim. Nhạc trẻ. Thứ nhạc trẻ tồi tệ đang phát ra từ dàn âm thanh nhà tôi.
“Chuyện gì vậy?” tôi nói, như thể chúng tôi đã đến nhầm chỗ, như thể có một sai lầm nào đó.
Có ai đó trong bóng tối ở ngoài cái vườn trước con con. Không, có một vài đứa. Một cậu con trai và một cô con gái đang ôm ấp ngay ngoài cổng trước đang mở. Một cậu con trai khác đang lấp ló bên thùng rác, nôn đầy lên chiếc áo khoác Tommy Hilfiger và quần YSL của mình.
Tôi vào nhà trong khi Cyd trả tiền tài xế taxi.
Là một bữa tiệc. Tiệc của thanh niên. Khắp nhà tôi là những cô cậu mặc đồ Polo hôn hít nhau, phang nhau, uống rượu, nhảy nhót và nôn mửa. Nhất là nôn mửa. Có một cặp đôi đần độn nữa đang nôn mửa ngoài vườn sau.
Trong phòng khách, đầu xô pha này Pat mặc đồ ngủ đang lắc lư người theo nhịp nhạc, trong khi đầu kia có một cậu con trai béo nào đó đang sờ soạng Sally. Pat nhoẻn cười với tôi - vui không này? - trong lúc tôi soi xét thiệt hại - nào là lon bia đã đổ hết ra sàn gỗ, những đầu mẩu thuốc lá ở khắp nơi, những miếng pizza gọi về dính đầy trên đồ đạc và những vết bẩn mà chỉ có Chúa mới biết là gì trên mấy cái giường ở tầng trên.
Có lẽ có khoảng một tá thanh niên. Nhưng cảm giác như giặc Nguyên đã tới đây vậy. Tệ hơn thế - giống như một cái quảng cáo kệch cỡm về khoai tây chiên hay nước ngọt hay quần thể thao, chật ních những cô cậu trẻ tuổi đang hưởng khoảng thời gian vui vẻ nhất đời. Trừ việc chúng đang hưởng khoảng thời gian vui vẻ nhất đời trong phòng khách của tôi.
“Sally,” tôi nói, “cái chó chết gì đang diễn ra vậy?”
“Harry,” cô bé nói, và những giọt nước mắt hạnh phúc ứa ra trong cặp mắt nó. “Steve này.”
Nó chỉ cái thằng đang há hốc mồm nằm trên người nó. Thằng nhóc nheo cái mắt ngu si núng nính nhìn tôi, cặp mắt chẳng có cái gì bên trong ngoài hoóc môn thừa và chín lon bia.
“Anh ấy đã đá con đĩ Yasmin McGinty,” Sally nói. “Anh ấy đã quay lại với cháu. Không phải thật tuyệt vời sao?”
“Cháu điên à?” tôi nói. “Cháu điên hay cháu bị ngu? Là cái nào hả Sally?”
“Ôi Harry,” nó nói, thất vọng tràn trề. “Cháu tưởng chú sẽ hiểu. Nếu có người hiểu thì đó phải là chú chứ.”
Rồi tiếng nhạc đột ngột dứt. Cyd đứng đó cầm dây điện trong tay.
“Đã đến lúc dọn đống bừa bộn này rồi,” cô nói với cả phòng. “Đi lấy túi rác và đồ lau rửa đi. Thử tìm dưới bồn xem.”
Steve trèo khỏi người Sally, chỉnh lại cái quần thùng thình, mặt khinh khỉnh nhìn đám người lớn đã phá hỏng bữa tiệc của mình.
“Tôi đi đây,” thằng nhóc nói, như thể nó đến từ Beverly Hills chứ không phải Muswell Hill.
Cyd nhanh chân bước đến và dùng ngón cái và ngón trỏ bóp mũi thằng nhóc.
“Cháu sẽ đi khi cô bảo, voi à,” cô nói, làm cho thằng nhóc thét lên khi nhấc mũi nó lên và buộc nó phải đứng nhón chân. “Và việc ấy sẽ không xảy ra cho đến khi cháu dọn xong đống bừa bộn này, hiểu chưa?”
“Được rồi, được rồi!” thằng nhóc lí nhí, cái vẻ anh hùng kiểu Mỹ giả tạo của nó mềm nhũn ra khi phải đối mặt với hàng thứ thiệt.
Tôi đưa Pat lên giường, đuổi một đôi đang làm trò mèo trong phòng tắm ra, trong khi Cyd chỉ đạo công việc dọn dẹp. Đến lúc tôi đọc xong một câu chuyện cho Pat và bắt thằng bé nằm yên thì Sally và Steve cùng với những người bạn mặt mụn của chúng đã ngoan ngoãn lau dọn sàn nhà và bàn ghế.
“Em học cách làm vậy ở đâu thế?” tôi hỏi Cyd.
“Texas,” cô nói.
Hóa ra bọn chúng cũng khá vô dụng trong việc nhà, cũng như tôi tưởng tượng rằng bọn chúng sẽ vô dụng ở tất cả những thứ chúng cố làm trong cuộc đời chìm đắm với hàng hiệu và không có chút đầu óc nào của mình.
Có một số đứa thì quá buồn mửa. Những đứa còn lại quá ngu si.
Steve xịt nguyên một chai nước rửa đa năng hương chanh lên sàn và dành cả tiếng đồng hồ cố chùi hết chất tẩy rửa đó khi nó bắt đầu sủi bọt lên như một hiệu rửa xe bị điên. Rốt cuộc Cyd và tôi làm gần hết.
Chúng tôi đá bọn chúng đi ngay sau rạng đông. Tôi giữ Sally lại và nhét nó vào một cái taxi. Nó không xin lỗi. Nó vẫn giận tôi vì không hiểu rằng con đường của tình yêu đích thực nhiều lúc sẽ để lại những vết bẩn trên đồ đạc.
“Cháu mong là chú vừa lòng,” nó nói khi chuẩn bị đi về. “Chú làm hỏng cơ hội của cháu với Steve rồi Harry à. Chắc là anh ấy sẽ quay lại với Yasmin McGinty. Con đĩ ấy.”
Cyd đưa cho tôi một cốc cà phê khi chỉ còn lại hai chúng tôi.
“Anh có ao ước là mình vẫn còn đủ trẻ để biết tất cả mọi thứ không?” cô cười.
Tôi ôm lấy cô, cảm thấy cái váy xanh trượt dưới tay tôi. Tôi hôn cô. Cô hôn lại tôi. Rồi điện thoại kêu.
“Sally đấy,” tôi nói, “gọi để ném cho anh thêm bài diễn văn của nó đây mà.”
“Thế thì con bé chắc sắp cạn sạch lượng từ ngữ của nó rồi,” Cyd bật cười.
Nhưng không phải Sally. Là Gina, nhưng không có tiếng bíp xuyên lục địa như thường lệ trước khi cô lên tiếng. Đấy là vì sao tôi biết ngay lập tức là Gina không còn ở Nhật nữa. Đây là một cuộc gọi nội địa. Cô đã quay lại thành phố.
“Em vừa nhận ra điều này,” Gina nói. “Đây là số điện thoại duy nhất trên đời này mà em thuộc.”
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con