"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rước giờ xuất phát, Vinh hối hả xuống đại đội một, mặt tái đi vì tức giận. Vinh đạp phứa vào những vũng bùn nước lõng bõng dưới giao thông hào. Thỉnh thoảng anh lại quật chiếc gậy trong tay vào thành hào đen đét. Lính tráng gì thế này? Đến giờ chiến đấu lại buông súng à?... Đại đội một vừa báo cáo lên có một số chiến sĩ bỏ cơm cáo ốm... Trong người anh dội lên một sự bực bội gần như là căm tức.
Vài năm gần đây, nhất là từ khi học tập chính trị năm trước đến giờ, đôi lúc Vinh cảm thấy con người của mình đang dần dần mờ nhạt đi. Cái thời kỳ nghênh ngang trên mình ngựa, với chiếc kiếm dài lết bết bên sườn, với điệu cười giọng nói ngang tàng, lối đánh giặc đôi khi liều lĩnh táo tợn, đã làm cho anh và một số cán bộ giống như anh nổi bật lên, đã qua từ lâu rồi. Không còn là thời kỳ mà anh và một vài người bạn nổi tiếng trong trung đoàn ngồi công khai khoe chuyện trai gái trên dọc đường công tác (thường là phóng đại, có khi là bịa đặt) vẫn được một số người tán thưởng. Cũng như những cán bộ khác, đã nhiều lần Vinh phải ngồi nghiêm trang kiểm điểm lại tư tưởng, hành động, đạo đức của mình... Hòa hợp được với cuộc sống mới này thật khó khăn, anh đã đôi khi nghĩ vậy. Nhưng anh không bỏ qua sự thật và lẽ phải. Anh thấy rõ những người cán bộ cần cù chất phác ngày xưa anh không hề chú ý, bây giờ bỗng hiện lên rực rỡ như những ngôi sao. Trong cuộc chiến đấu vừa qua, nhiều lúc rõ ràng là họ đã kéo anh đi theo. Và anh phải tự thú nhận, theo kịp họ thật là mệt. Anh cũng đã nhìn thấy đôi người bạn vào loại nổi tiếng một thời, bây giờ đang tụt lại phía sau một cách thảm hại. Nhìn họ anh xấu hổ, và anh tự bảo mình, mình không thể nào chịu như họ.
Qua trận đánh vừa rồi, Vinh đã đo được cái gay go ác liệt của cuộc chiến đấu ngày nay. Lần kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh ở đại đoàn buộc anh phải nhìn rõ mình hơn. Trải qua nhiều phút đấu tranh vật lộn gay go và âm thầm với mình, anh đã đi tới ý nghĩ: không còn con đường nào khác con đường quyết tâm lao vào cuộc chiến đấu. Ngày hôm nay, giữa lúc tâm hồn anh ổn định nhất, thanh thản nhất, anh đang tự bảo mình sẽ không lùi lại trước bất cứ khó khăn nào thì lại là lúc xảy ra cái chuyện không hay này...
Ở vị trí, đại đội một đã sẵn sàng xuất quân. Các chiến sĩ, súng đạn bộc phá trên người tề chỉnh, một số còn ở trong hầm, một số đã ra chiến hào. Vinh thấy Tuấn đã ở đó. Anh ngồi trong hầm đang ôn tồn giải thích cho mấy chiến sĩ. Vinh đứng ngoài lắng nghe một vài câu càng thấy bực vì những lời lẽ chính trị dài dòng rất lép vế, cái kiểu quen thuộc xưa nay của các ông chính trị viên. Anh bỏ đi, xăm xăm bước vào giữa một quãng hào anh em đang ngồi đông, mặt tím lại.
- Đại đội trưởng đại đội một đâu? - Vinh nói rất to.
Khỏe từ trong một căn hầm chui ra, nét mặt vẫn lầm lì, nhìn kỹ mới thấy, hơi khuất dưới đôi gò má tròn và cao, đôi mắt anh đo đỏ.
- Quân số đi chiến đấu của đồng chí được bao nhiêu? - Giọng Vinh giận dữ.
- Báo cáo anh: 85 người.
- Sao lại 85? Bao nhiêu người không đi?
- Anh nuôi 7, văn phòng 2...
Không để Khỏe kể tiếp, Vinh cắt ngang:
- Không. Tôi hỏi con số những người từ sớm đến giờ bỏ cơm không chịu đi.
Khỏe nói nho nhỏ:
- Mười lăm người.
Vinh nói thật to để mọi người đều nghe thấy:
- Tại làm sao mọi hôm không sao, đến ngày đi chiến đấu lại bỏ cơm không ăn cáo ốm? Tư tưởng ấy là tư tưởng gì?.. Chưa bắn một phát đã bỏ súng rồi à?.. Người khác người ta đi được, sao mình lại không đi được? Dễ thường cứ đi chiến đấu là chết hết cả đấy à? Thử hỏi ngay đồng chí Khỏe này...
Vinh quay về phía Khỏe:
- Đồng chí đánh bao nhiêu trận rồi? Gần một trăm trận lớn, nhỏ đúng không? Thế đồng chí ấy chết đâu? Chết đâu? Hay vẫn lù lù đây! Cũng mang danh là chiến sĩ cách mạng à? Học tập đấy! Kiểm điểm đấy! Quang Vinh bên 308 kia kìa, đánh ba trăm trận lớn, nhỏ rồi, có chết không? Hay bây giờ là chiến sĩ thi đua toàn quốc, trên ngực đỏ ối huân chương? Tiểu đoàn này từ xưa đến nay chưa có bao giờ như thế này! Trận nào cũng khá cả, cũng đóng góp được cả. Bông Lau khá này, Thất Khê, Đông Khê, Mộc Châu đều khá, La-ri-vê cũng khá..., chỉ có cái Nà Si là hơi kém một tí, nhưng đó là chuyện cũ rồi, bây giờ Đảng và nhân dân cho ăn học mãi nhất định phải khác. Các đồng chí đem huân chương của đơn vị ra gắn hết lên cờ xem nào! Ai có huân chương đeo cả lên ngực xem nào! Chúng mình đi trận này nhất định phải thắng, nhất định phải tiêu diệt hoàn toàn A1. Không làm xong nhiệm vụ không vác mặt trở về chỗ này nữa! Các đồng chí có đồng ý với tôi không?
Các chiến sĩ ngồi chung quanh, phần lớn trẻ măng, trước những lời sôi nổi của Vinh, đáp lại ran ran:
- Đồng y... ý... ý...?
- Đồng y... ý... ý...?
Vinh hỏi lại một lần nữa.
- Các đồng chí có quyết tâm là chúng ta hoàn thành nhiệm vụ không nào?
- C... o... ó... ó!
Vinh bảo đại đội trưởng Khỏe cùng về hầm, ngồi một lúc anh nói với Khỏe:
- Cậu thử đi các hầm một lượt xem bây giờ ra thế nào rồi!
Trong khi đó ở một căn hầm khác, Tuấn vẫn ngồi kiên nhẫn phân tích cho ba chiến sĩ bằng cái giọng nho nhỏ chẳng có gì là quân sự.
- Lần đánh này khác lần đánh trước rất nhiều. Lần trước ta không thành công vì mấy lý do: Thứ nhất là trận địa tấn công kiến thiết chưa đúng tiêu chuẩn, mình chưa vào đến đồn đã bị đại bác địch tiêu hao mất nhiều lực lượng. Thứ hai là ta không có kế hoạch chặn viện, đánh nó ở A1, thì Mường Thanh nó cứ tiếp viện lên, diệt hết toán này nó lại dồn toán khác lên, thành trận đánh kéo lê thê hết ngày này sang ngày khác. Thứ ba là tại ta chưa phát hiện được đích xác hầm ngầm của địch nên không có kế hoạch để tiêu diệt chúng... Lần này, đó... các đồng chí xem... chúng ta đã đỡ hẳn một giai đoạn mở cửa tiền duyên. Quân ta một bộ phận đã nằm ngay trong đồn của chúng. Trận địa giao thông hào của ta đã ăn lên hẳn đồn địch, lại đúng kích thước, ta đi về, tấn công chúng lúc nào, đến cạnh lô cốt chúng, chúng vẫn không hay. Ta lại có kế hoạch chặn viện rất chu đáo. Tiểu đoàn ta phụ trách đánh một mũi vào "Ụ thằng người" cắt rời A1 ra khỏi Mường Thanh. Trên đã dành cho ta cả một lực lượng pháo lớn để chặn viện khi chúng tiếp viện lên. Anh em cứ đồn là nó có đường ngầm từ Mường Thanh lên..., có đâu! Chẳng có đường ngầm, đường bí mật nào cả, con đường tiếp viện của nó nằm ngay sau "Ụ thằng người", ta điều tra được rồi. Còn cái hầm ngầm, cấp trên đã có một kế hoạch đặc biệt để tiêu diệt nó, làm cho nó tê liệt ngay từ phút đầu. Đánh địch lần này so với lần trước, khó khăn ít hơn mà thuận lợi rất nhiều. Ta không chủ quan khinh địch, nhưng ta cũng không sợ chúng. Các đồng chí tuy mới chiến đấu lần đầu, nhưng chi bộ đã có kế hoạch tỉ mỉ bố trí tiểu đội nào cũng có người mới người cũ. Các đồng chí đều đã trải qua một thời kỳ huấn luyện, không học được tất cả các môn, nhưng những môn cần thiết cho trận chiến đấu này các đồng chí đều nắm được rồi. Nhiều cán bộ chỉ huy của các đồng chí đã thuộc đồn địch như thuộc một cái đồn diễn tập nhiều lần. Trong chiến đấu không thể nào tránh hết được những trường hợp không may. Trung đội hai hy sinh hôm nọ cũng là một trường hợp không may cho ta. Không phải thằng địch giỏi, quan sát thấy ta mà chúng thả bom trúng. Nếu chúng giỏi, chúng đã tiêu diệt chúng ta ngay lúc chúng ta đang kiến thiết trận địa. Đằng này trung đội hai đã đào xong trận địa, khi quay về vị trí trú quân mới bị bom địch rơi lạc phải. Mặt khác cũng phải nhận là, trung đội hai ra xa đồn địch rồi nên chủ quan, đội hình hành quân ùn, dày, nên bị hy sinh nhiều, chứ nếu chúng ta đi thưa thì đâu đến nỗi chỉ có một quả bom mà hy sinh nhiều như vậy...
Tuấn đã cố gắng thu thập những kinh nghiệm còn rất ít ỏi của mình để phân tích cho các chiến sĩ. Anh nghĩ là với họ chỉ động viên tinh thần chung chung không đủ, mà phải làm cho họ thấy rõ chỗ yếu chỗ mạnh của ta của địch, phải dựa trên kế hoạch chiến đấu cụ thể, phân tích, chỉ cho họ thấy ta nhất định sẽ đạt được thắng lợi, thì mới đủ để giải quyết tư tưởng cho họ.
Từ lúc anh vào, hai người chiến sĩ đã ngồi dậy nghe anh nói, còn một người, anh chưa nhìn thấy mặt thế nào. Anh ta vẫn trùm chăn kín mít, từ khi Tuấn đến anh ta không hề nhúc nhích.
-...Nếu các đồng chí mệt nhiều thì không yêu cầu các đồng chí đi. Chúng ta còn chiến đấu lâu dài. Nhưng nếu thấy cố gắng một chút mà vẫn có thể đi được thì các đồng chí nên cố gắng... Thêm một người là thêm sức mạnh, phải không các đồng chí?
Tuấn để ý thấy chiếc chăn trấn thủ động đậy. Anh ta nằm im lâu như thế chắc mỏi nên phải cựa mình. Nhưng người chiến sĩ tung hẳn chăn ra ngồi dậy. Anh ta không còn trẻ lắm, mặt đỏ tưng bừng như đang lên cơn sất thật, đôi mắt hình như muốn tránh cái nhìn của Tuấn, lóe ra nhiều tia sáng.
Người chiến sĩ bỗng cất tiếng:
- Tôi xin đi... Làm thằng người trước sau cũng một lần chết. Vào đồn giết giặc hy sinh cũng là cái chết. Địch bắt đi lính ngụy dính phải quả đại bác của bộ đội ta cũng là cái chết... Đi cả đi thôi các cậu. Anh em là người chúng mình cũng là người.
Hai người kia không nói gì, nhưng đều quay ra vách hầm nhấc súng đạn. Họ bắt đầu nai nịt chuẩn bị chiến đấu. Mặt Tuấn dại ra vì cảm động. Như mọi lần, một bên mép anh lại giật liền mấy cái làm cho một cánh mũi cũng phập phồng. Tuấn bắt tay ba người:
- Chúc các đồng chí lập được nhiều chiến công.
Anh chui ra khỏi hầm. Một luồng gió mát rượi quạt vào mặt. Thì ra... một hiện tượng tưởng như ghê gớm, nhưng ở trong những con người này, không phải là khó giải quyết lắm.
Tiểu đoàn phó Quân ở trung đoàn về nghe tin liền tạt vào đại đội một. Anh rất vội nhưng cũng cố gắng gặp một số chiến sĩ. Quân sà vào bên một chiến sĩ lật chăn ra:
- Lục đấy à!... - Anh đã thuộc tên tất cả những người chiến sĩ mới của đại đội này. Anh ấp tay vào cái trán gồ chưa một nếp nhăn của người chiến sĩ rồi nói:
- Hơi nóng thôi! Cố được đấy! Đánh nhau một lúc toát mồ hôi ra là khỏi ngay. Có bận tớ vừa lên cơn rét vừa chiến đấu! Súng nổ mấy phát là cất cơn ngay. Cả đời mới được một trận đánh sướng như thế này, không đi được thì tiếc lắm các cậu ạ.
Giọng nói của anh dịu dàng như tiếng nói của một người chị hiền. Nó có một sức thuyết phục làm cho những đứa em hư nhất cũng không nỡ từ chối những lời dỗ dành đầy thương yêu ấy. Quân chỉ nói với mỗi người một câu tương tự như vậy rồi đi.
Vinh ngồi chờ ở đại đội bộ một lúc thì Khỏe về. Mặt Khỏe chả tươi tỉnh hơn chút nào:
- Tôi đi các hầm mới có ba bốn cậu dậy sửa soạn trang bị. Các anh ấy còn đang tiếp tục giải thích, động viên thêm...
Vinh sa sầm mặt. Cơn giận lại cuồn cuộn bốc lên trong đầu. Anh đứng phắt dậy bảo Khỏe:
- Nhắc anh em nào có huân chương đeo tất cả lên. Trước khi xuất quân cho anh em hát bài hát của tiểu đoàn. Nhưng đừng kêu váng lên lại đến tai các ông ấy...
Vinh lật đật trở về tiểu đoàn bộ. Khi đi qua các cửa hầm thấy có người nằm, tiếng anh lại oang oang:
- Từ khi đi làm việc cho Chính phủ chưa thấy thế này bao giờ! Thực là nhục?... Nhục! Người ta đi đánh nhau dễ chết hết đấy! Chết cả mà còn từng này bộ đội à?
Bộ đội dàn ra hết ngoài đường hào trục thì chính ủy đến. Khi nghe Tuấn báo cáo chỉ còn có ba người không chịu đi, anh mỉm cười:
- Có lẽ vì họ sợ quá, định ốm giả mà thành ốm thật rồi! Thôi để họ làm lực lượng dự trữ cho tổng công kích.
Tuấn hỏi:
- Đồng chí có định nói chuyện với anh em không?
- Cũng định nói đấy... Nhưng... nghe đồng chí báo cáo như vậy, thì các đồng chí cũng đã nói đủ rồi. Họ thấy tôi xuống thế này là đủ. Đồng chí Tuấn này, đồng chí làm như vừa rồi, tốt đó. Lần này cố làm thêm công tác cổ động chiến trường xem sao. Phải làm đi thì mới ra kinh nghiệm. Tôi có một ý kiến: Chỉ hô: "Các đồng chí anh dũng tiến lên!" thì không đủ. Phải chỉ cho bộ đội nên anh dũng tiến lên bằng cách nào để bảo vệ được mình mà tiêu diệt được địch. Muốn làm như vậy mà chính trị viên cứ đi sau cùng không thể ra vấn đề. Ngay đến việc biểu dương thôi, anh không nhìn thấy anh em chiến đấu thế nào thì làm sao biểu dương cho được kịp thời? Đồng chí thử nghiên cứu xem sao.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng