Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Trọng Huân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Trần Thanh Sơn
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1695 / 18
Cập nhật: 2015-10-23 08:23:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30 - Bài học nghề
ôi về Đài vào tháng 10/1987. Sau đây xin giới thiệu những bài học làm báo, khi tôi mới vào nghề:
Bài học thứ nhất. Về làm việc ở nhà Đài, những ngày tháng chập chững vào nghề, tôi được các bậc đàn anh thuyết giáo những lý thuyết cơ bản về nghề nghiệp, về sự cao quý của nghiệp báo: "Làm báo là làm chính trị, là nhà chính trị!" Vinh dự quá! Tôi đâm ra thấy mình oách. Giờ mình trở thành nhà chính trị, lời ăn tiếng nói phải giữ gìn. Mình nói, viết một câu, cả ngàn, cả vạn người đọc, người nghe. Sau mấy tháng lắng nghe, học tập miệt mài, tôi được theo một bậc nhà báo đàn anh đi cơ sở.
Một ngày, hai ngày, ba ngày của chuyến đi, mọi động tác của bậc nhà báo đàn anh tôi đều chú tâm quan sát, tự nhủ với mình, phải cố mà học hỏi từng lời, từng chữ, từng động tác của ông.
Qua mấy ngày, mà tôi chưa học hành được gì, đâm phân vân. Hay mình chưa chú tâm quan sát. Việc cứ lặp đi lặp lại, chỉ quanh quẩn, đại ý như sau: tối trước nhà báo đàn anh ngồi tính toán cung đường, gọi điện thoại liên hệ và nhẩm tính hôm sau ăn sáng, ăn trưa ở đâu, cơ sở nào lo. Còn nội dung, tôi chưa thấy vấn đề chính trị, quân sự đâu, chỉ thấy mấy câu, ông hỏi quanh đi quẩn lại. Ví dụ, xin đồng chí đánh giá về những nỗ lực trong nhiệm vụ chính trị của huyện nhà; động cơ và nguyên nhân nào thúc đẩy các đồng chí có những ý tưởng táo tợn ấy; vân vân và vân vân.....
Lạ nhất là việc nhà báo đàn anh dắt theo cô con gái. Cô nàng đang học dở năm thứ hai ngành xã hội. Ông bảo, cho nó đi luyện chuyên môn, bổ sung kiến thức. Nhà báo đàn anh giới thiệu với cơ sở, con gái mình là đồng nghiệp và xưng hô anh anh, em em với con. Bổ sung kiến thức, chuyên môn đâu chưa thấy, chỉ rõ, nhà ông kiếm thêm suất quà. Quà thì chẳng ảnh hưởng đến ai, chỉ chối nhất là cô nàng này hay ngủ gật. Mới đầu cô nàng cũng giả vờ ghi ghi, chép chép. Đến khi ông bố phỏng vấn, người ta trả lời, thì cô nàng gật gù ngủ. Lắm lúc ông bố đá chân, huých tay, cô con gái rượu vẫn ngủ. Có bận ngủ say quá, dãi trên miệng đổ thành vệt dài, còn nghe rõ cả tiếng ngáy nhè nhẹ của cô nàng.
Trước chuyến đi, bậc nhà báo đàn anh dặn đi dặn lại, cậu nhớ chuẩn bị hai cái giấy đi đường nhá. Vậy mà đến hôm thứ ba, thứ tư, tịnh không thấy ông nhắc nhở tới nó. Hay là ông quên? Đến hôm thứ năm, cũng là gần hết hạn chuyến đi, đoàn tới một huyện vùng bán sơn địa.
Từ trụ sở uỷ ban, nhìn về phía chân trời, thấy những đỉnh núi nhấp nhô. Trong khi ông chánh văn phòng cầm giấy giới thiệu của đoàn lên trình chủ tịch huyện, bậc nhà báo đàn anh tranh thủ cầm ống nghe điện thoại đặt trên bàn ông chánh văn phòng, trước đó ông giương mục kỉnh tra cuốn sổ bé tẹo, sổ ghi số điện thoại, nhoay nhoáy bấm, rồi ông áp tai vào ống nghe:
- Đây, tôi đây... Tôi ở Đài đây. Phòng Tài vụ đấy phải không? Làm ơn cho hỏi, tôi đang ở huyện.... Đây đã là địa bàn xã vùng ba chưa? Sao, chưa á?
Ông hét oang oang, như cãi nhau với cái máy. Tôi nghĩ bụng, à hoá ra ông đang xác định vị trí xã vùng ba. Tôi nghĩ: Chắc nhà báo đàn anh muốn dẫn dắt tôi tới một điểm khó khăn, để rèn nghề cho nhà báo trẻ. Đúng lúc bậc đàn anh gọi điện xong, ông chánh văn phòng quay lại. Nhà báo ta hỏi ngay, huyện nhà có mấy xã vùng ba?
Khi gặp và làm việc với đồng chí chủ tịch huyện, nhà báo đàn anh nói:
- Báo cáo chủ tịch! Chúng tôi biết huyện nhà gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mấy xã vùng ba. Nơi đây đời sống của đồng bào còn khó khăn lắm. Trong chuyến đi này, ngoài nắm tình hình chung, chúng tôi rất muốn thị sát cụ thể một xã vùng ba.
Nghe nhà báo nói, ông chủ tịch nở nụ cười phấn khởi:
- Ôi, thế thì còn gì bằng. Huyện chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm các xã vùng ba. Nếu không, khó mà đồng bào thoát được cảnh nghèo đói. Nhưng cũng xin thông báo, đường lên đấy xấu lắm.
- Ồ, tưởng gì. Chúng tôi đi được. Miễn là huyện giúp cho chuyến xe.
Quá đơn giản, ông chủ tịch chỉ đạo và điều ngay cho đoàn chuyến xe, Huyện còn cử ông chánh văn phòng tháp tùng. Đúng là khó khăn thật. Đường xấu, ngồi trên xe mà chúng tôi cứ nhảy tênh tếch, hết dúi bên này, lại đổ sang bên kia. Ông chánh văn phòng luôn miệng: Các nhà báo thông cảm! Đấy, đường sá khó khăn vậy. Có đi thực tế, các nhà báo mới thông hiểu đời sống các xã vùng ba.
Khởi hành từ tám rưỡi, đến mười một giờ, mà xe chưa tới trụ sở xã vùng ba. Ông nhà báo đàn anh có vẻ sốt ruột, mấy lần hỏi. Khi ông chánh văn phòng thông báo, còn vài cây số nữa, thì xe chợt dừng lại. Trước mặt là cây cầu, người đứng ngồi lố nhố. Thấy xe ô tô chạy tới, một người đứng ra xua xua tay, ra hiệu phải dừng xe. Đêm qua có trận lũ lớn, cuốn trôi mất chân cầu. Giờ dân bản đang sửa chữa.
Cũng may nhờ có ông chánh văn phòng huyện đi cùng, nói tầm quan trọng của đoàn nhà báo: Đoàn lên là lên tìm hiểu các xã vùng ba. Sau chuyến công tác này, qua nhà báo, nhân dân xã nhà sẽ nhận ối dự án. Mấy người dân đang sửa chữa, xúc động quá, nên một nhoáng, cầu đã sửa xong. Chúng tôi đến uỷ ban xã đúng mười hai giờ. Ủy ban lúc này vắng ngắt, chỉ có mỗi ông cán bộ định canh. Túm được ông cán bộ trên, bậc nhà báo đàn anh hỏi ngay, phụ trách văn phòng xã ở đâu, dấu uỷ ban ai giữ.
Nghe ông cán bộ nói, nhà ông văn phòng ở gần đây thôi, dấu cũng do ông này giữ, nhà báo đàn anh khẩn khoản nhờ ông cán bộ kia gọi giúp cho. Ông còn không quên nhắc:
- Nhớ, nhớ nhé, bảo ông ấy mang theo cả dấu nữa.
Không thấy nhà báo nhắc tới việc tìm chủ tịch xã, ông chánh văn phòng nhắc thêm:
- Gọi cả chủ tịch nữa.
Một loáng đã thấy ông cán bộ văn phòng xã đến. Vừa thấy ông ta, bậc nhà báo đàn anh đã hớt hải bảo tôi, lấy hai tờ giấy đi đường ra, đưa ông này đóng dấu ngay. Sau khi dấu đóng xong, nét mặt nhà báo đàn anh giãn ra. Ông cán bộ văn phòng uỷ ban ngó nhìn trời chép miệng:
- Gió mây thế này, khéo lại lũ lớn. Lũ lớn là cây cầu nguy đấy!
Mới nghe có thể, bậc nhà báo đàn anh hốt hoảng:
- Sao, sắp có lũ à. Vậy thì,... chúng ta phải ra gấp. Cây cầu kia mà sập, thì biết bao giờ mới ra được?
Ông chánh văn phòng huyện tròn mắt:
- Ơ kìa! Thế chúng ta không làm việc với chủ tịch xã để lấy tư liệu vùng ba?
- Xong rồi, xong rồi... Tư liệu chẳng vừa lấy xong rồi đấy thôi. Chỉ riêng chi tiết cây cầu đã là minh chứng sinh động cho khó khăn xã vùng ba.
Mặc cho ông cán bộ văn phòng xã níu kéo, bậc nhà báo đàn anh vẫn cương quyết cáo từ. Sự việc xảy ra làm tôi đâm khó hiểu. Lúc trước thì nằng nặc xin đi, huyện người ta nhiệt tình điều hẳn chuyến xe, lúc đến nơi, chưa làm việc gì, đã vội vã quay về.
Buổi tối ở phòng khách của huyện, trước khi đi ngủ, bậc nhà báo đàn anh nhẩn nha giải thích: Chuyến đi này công tác phí vị chi là sáu ngày, đã có cái dấu xác nhận công tác sáu ngày xã vùng ba. Cậu có biết, thanh toán ở vùng bình thường là bao nhiêu không? Còn xã vùng ba, gấp rưỡi đấy. Sáng nay chúng ta bò được lên đấy, đóng cái dấu, vị chi mỗi người thêm được mấy chục đồng. Nếu không, chả ai dở hơi mất công, mất sức leo lên đấy.
Bài học làm báo, làm chính trị đơn giản quá, hiệu quả quá, mà mãi đến lúc nghe giải giải, tôi mới nhận ra.
Bài học thứ hai. Phàm đã là cán bộ trung ương, thì đều oách. Mình ở Hà Nội, toàn cán bộ trung ương sẽ không thấy đâu. Thử xuống địa phương xem, càng xuống thấp, càng xuống cơ sở, càng thấy sự trọng thị. Tôi có dịp đi cùng với một ông chuyên viên của Bộ Thuỷ nông. Hồi ấy Bộ còn độc lập, chưa sáp nhập vào đâu. Ông ta thuộc bộ phận tuyên truyền của Bộ. Trông ông này đúng là cán bộ trung ương, com lê, cra vát, tay xệ nệ xách ca táp, bụng thây lẩy to. Vừa thấy tôi lò dò đến Bộ đón xe, ông đã đon đả:
- Nhà báo... Nhà báo phải không?
Ông xởi lởi hỏi và cười với cái giọng cấp trên.
Trên xe, chuyện của ông nở như ngô rang. Tôi thầm nghĩ, ông là người quảng giao, rộng rãi. Tướng ông này còn tiến. Chuyến đi công tác do Bộ tổ chức cho cánh nhà báo xuống cơ sở nắm tình hình, viết bài tuyên truyền về Bộ. Ông cán bộ kia dẫn đoàn đi. Điểm đầu tiên là sở thuộc một tỉnh miền núi. Sau khi giám đốc sở giới thiệu về tình hình hoạt động, cùng thành tích của sở, ông cán bộ tuyên truyền khéo léo dẫn dắt để giám đốc nêu ra những khó khăn, đề xuất các kiến nghị lên trên. Được lời như cởi tấm lòng, ông giám đốc nêu một loạt khó khăn và một lô kiến nghị. Trong khi giám đốc nêu kiến nghị, ông cán bộ tuyên truyền hí húi ghi chép, thỉnh thoảng còn ghếch kính lên:
- Ô tô hả, các đồng chí xin Bộ ô tô hả? Chuyện vặt! Mấy cái?
Giám đốc sở phấn khởi ra mặt.
- Báo cáo, chỉ cần một cái.
- Tưởng gì. Quá đơn giản. Loại xe nào? Đã xin, thì cứ xin hẳn cái TOYOTA mà đi. Như cái xe của chúng tôi đỗ ngoài sân kia kìa.
- Không dám. Thôi thì, các bác trung ương thải ra cái nào, chúng em địa phương vui vẻ nhận cái đó.
- Việc gì phải dùng đồ thải. Cứ trình bày đi, cái đơn kiến nghị ấy, về tôi sẽ trình bày với ông Vụ Tài chính Kế hoạch, một câu là xong béng. Một, chứ hai ba xe, ký roẹt là xong. Thế còn dự án thuỷ lợi.... triển khai đến đâu rồi.
Ông Giám đốc sở gãi gãi tai.
- Khó khăn quá anh ạ. Đã trình mấy bận...
- Không đúng chỗ rồi. Cứ đưa cho tôi. Qua anh Thứ trưởng là xong ngay tắp lự. Nếu cần, văn phòng Chính phủ cũng xong.
- Ôi, thế thì còn gì bằng. Chuyến này...
- Được rồi. Các vị còn kiến nghị, đề đạt những gì nữa không?
Ông giám đốc sở sung sướng ra mặt, như vớ được mỏ khoai bở. Mặc dù đột xuất, chưa hề chuẩn bị, ông cũng kịp liệt kê một loạt kiến nghị...
Sau buổi làm việc rất kết quả, Sở tổ chức bữa thịnh soạn, cá thịt ê hề. Nhìn lên mặt bàn thấy bia hộp bày la liệt, ông cán bộ tuyên truyền mắt sáng long lanh:
- Bia, bia hộp hả? Thế mới chịu chơi. Được!
Đón cái phong bì rất nhanh từ tay giám đốc sở đưa, ông cán bộ tuyên truyền rôm rả khoát tay mời chủ khách vào bàn. Vừa ngồi xuống, ông đã nhoay nhoáy mở bia, cụm người này, chúc người kia. Bữa ăn vui vẻ làm chủ, khách ngà ngà say. Đến lúc cánh nhà báo và chủ nhà nhiều người đã rời bàn, vẫn thấy ông cán bộ tuyên truyền vô tư ăn uống.
Cho đến lúc mấy nhân viên phục vụ vào dọn dẹp bàn, thì ông cán bộ tuyên truyền cao giọng, bảo cho xin vỏ hộp các tông. Nhân viên chưa rõ ý ông lấy làm gì, thì ông sai họ luôn, nhặt tất cả vỏ hộp bia cho vào đấy. Nhặt đến vỏ hộp cuối cùng, cũng là lúc ông chùi mép, đứng lên, tiến lại bê luôn cái hộp. Mấy nhân viên ngỡ ngàng, không rõ hành động của ông là gì. Ông cán bộ điềm nhiên bê cái hộp, khệnh khạng bước về phòng nghỉ.
Trận bia làm tôi say, về đến phòng vật ngay ra giường, mắt díp lại. Tôi ngủ từ lúc nào không hay. Chợt tôi choàng tỉnh giấc, bởi tiếng động bùm bụp ngay bên tai. Nhỏm người dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn, tôi thấy ông cán bộ tuyên truyền ngồi chồm hỗm giữa phòng. Tay ông lăm lăm thanh gỗ giơ cao, dưới nền nhà là một đám vỏ lon bia bị đập dập.
Thấy tôi ngơ ngác, ông cán bộ tuyên truyền hềnh hệch cười, giải thích: Tớ đập vỏ lon bia ấy mà. Thứ này về Hà Nội, gọi đám ve chai, bán được giá lắm. Nói xong, ông lại giáng thanh gỗ xuống nghe đánh bụp. Tôi ngỡ ngàng không tin nổi mắt mình. Khu nhà khách, giữa đêm hôm khuya khoắt, tiếng đập rầm rầm, khua mấy ông nhà báo ngủ phòng khác cùng dậy. Không hiểu chuyện gì, chạy sang, họ ngơ ngác nhìn ông cán bộ tuyên truyền, với đống lon bia bị đập dập.
Sau khi đập dập xong đám vỏ hộp lon bia, ông cán bộ tuyên truyền lôi từ trong ca táp ra cái bao tải dứa, cho tất cả đám lon bia đập dập vào đấy. Hình như tôi còn nghe tiếng ông lẩm nhẩm đếm. Sáng hôm sau, ngoài ca táp xách tay, ông còn toòng teng bao dứa. Trên xe cứ nhìn cái bao tải trên sàn xe, tôi lại nghĩ, ô tô là cái tép, hệ thống thuỷ lợi là cái tép! Còn cái gì là cái tép nữa đây?
Chuyện hơn chục năm rồi, chắc ông kia giờ đã nghỉ hưu. Nếu ai không tin, cứ đi hỏi mấy ông gốc ở phòng Tuyên truyền của Bộ Thuỷ nông là khắc rõ.
Bài học thứ ba. Lần tôi cùng Đặng Quang đi công tác huyện Phù Yên, Sơn La. Buổi tối anh Nhuận, Bí thư huyện, sau này là Phó bí thư Sơn La, đưa chúng tôi xuống một bản Thái, dự đêm xoè. Tôi nhớ mãi hình ảnh trên nhà sàn, bên bếp lửa hồng, trai gái bản say mê xoè múa. Được một bà mế hướng dẫn, chỉ cho cách gõ cồng, tôi hăng hái phụ trách chiếc cồng. Đêm xoè đang vui thì r…ì…nh một cái,... cả đám người trên sàn hẫng xuống. Khói lửa mù mịt. Khách, chủ được bữa khiếp vía. May không ai bị sao và căn nhà sàn không bị cháy.
Trên đường về, xe qua nhà anh Nhuận trước, mọi người xuống chào bí thư. Lúc lên xe, tôi và Đặng Quang trèo lên trước. Là xe com măng ca, phải lật ghế trước và trèo qua nó, mới vào được ghế sau. Chúng tôi lên rồi, mà dưới đất, thấy mấy ông cứ quẩn quanh. Chợt nghe anh lái gắt:
- Lên thì lên không nào. Hay ông nào muốn lên, lên luôn ghế lái xe này, tôi nhường cho.
Tôi không rõ tại sao anh tài lại bực và nói thế. Rồi mấy người kia cũng lục tục lên xe. Trên đường về huyện uỷ, xe đỗ từng chặng để thả người xuống. Đến một điểm, ông ngồi ghế trên vừa xuống, một ông ghế sau trườn qua mấy người khác và trèo lên ngồi ghế trước. Tôi nghĩ, chắc điểm tới sẽ dừng ở nhà ông ta, nên ông ta trèo lên để chuẩn bị xuống. Xe lại dừng, một ông ngồi phía sau trèo lên và trườn qua ông ngồi ghế trên, để xuống đất. Xe lại dừng ở một điểm, ông ngồi ghế trên xuống. Thấy cái ghế trên trống, tôi định trườn lên như mấy ông vừa trườn, thì thấy Đặng Quang bấm vào tay tôi. Không biết Quang có ý gì. Một ông nữa lại bắt đầu trườn lên cái nghế trước.
Về đến phòng, tôi được Quang giải thích, ghế ngồi phía trước xe là ghế quan trọng. Trên xe, người nào có chức tước cao nhất, thì ngồi chỗ đó. Lúc trước mấy ông cứ dùn dẩy nhau là do có hai ông ngang chức, ngang quyền nhau, một ông trưởng ban tổ chức, một ông chánh văn phòng. Thế là hai ông không chịu nhường nhau. Ông nào lên sau sẽ ngồi ghế trước, nên chả ông nào chịu lên trước.
Nghe Quang giải thích, tôi mới biết, cái ghế quan trọng thật!
Bài học thứ tư
Tôi và anh Diễn Như có chuyến đi Yên Bái. Chúng tôi được đưa xuống một bản người Mông. Sáng sớm đi, hơn tám giờ mới tới nơi. Chúng tôi vào thẳng nhà ông chủ tịch xã. Có lẽ nghe tiếng Việt chưa sõi, nên ông chủ tịch triệu tập đủ thành phần của xã đến dự, khoảng chục thành phần và đến mười giờ họ mới có mặt đông đủ, có đại diện còn dẫn theo hai, ba đứa trẻ đi cùng, có đứa tồng ngồng, mũi dãi thề lề.
Tại trụ sở uỷ ban, ba ông khách, chủ nhà và đám trẻ, đến hơn năm chục người. Không khí ồn ã như cái chợ, chúng tôi lúc này chẳng còn phỏng vấn, ghi âm được thành phần nào, đành giở sổ ra ghi chép. Đến mười một giờ thì làm việc xong. Thấy chúng tôi cáo từ ra về, ông chủ tịch nhất quyết mời ở lại ăn trưa. Ông bảo, chỉ một tý là xong. Trước lời mời quá nhiệt tình, chúng tôi đành ở lại.
Trong khi chờ xã làm cơm, chúng tôi lạo dạo ra xóm người Mông trước trụ sở uỷ ban, họ mới di dời về định cư ở đây. Mấy cô gái Mông Hoa thấy tôi xách máy anh, cười xấu hổ, bảo chụp ảnh cho họ. Nghe tôi đồng ý, các cô vội vàng về nhà thay váy áo mới, những cái váy Mông, hoa văn sắc sỡ đẹp thật! Con gái Mông Hoa có nước da cũng rất đẹp, đỏ hồng và mịn như quả bồ quân. Tiếc là sau đó mấy bức hình tôi đều chụp hỏng, không gửi lên cho họ được.
Mười hai rưỡi quay lại, vẫn chưa thấy bữa ăn đâu, chúng tôi đành ngồi nói chuyện suông. Một giờ, bát ô tô thức ăn đầu tiên được đưa ra, cứ từng cô gái Mông, lững thững bê ra. Thấy người bê cơm và thức ăn, mấy con chó xô vào trụ sở uỷ ban, chúng đảo quanh dưới gầm bàn và gầm ghè nhau.
Sau khi thức ăn bày xong, ông chủ tịch đứng lên phát biểu. Ông nói dài lắm, phát biểu về đời sống đồng bào khó khăn, dân số của xã, kế hoạch hoá dân số đặt vòng, trẻ em bỏ học,…. Bài phát biểu dài chừng gần nửa tiếng, mấy bát thức ăn bày ra, lúc trước bốc khói, đến lúc phát biểu xong, đám ruồi xúm vào đậu kín. Trong lúc ông chủ tịch xã phát biểu, đại diện ngồi quây quần quanh bàn, còn đám trẻ, khoảng hai chục đứa, bám cửa sổ, cửa ra vào và đứng dựa tường xoi mói cá và cơm bày trên bàn.
Cuối bài phát biểu, ông chủ tịch rào đón, do đến đột xuất, nên chỉ có cơm rau mời khách. Tôi cứ nghe cải mèo, có thấy tý rau nào đâu. Mỗi mâm gồm hai bát ô tô, mỗi bát có hai con cá nhỏ nằm trong nước canh, hai bát ô tô cơm và hai chai rượu loại hơn nửa lít, trông đùng đục.
Bữa ăn được bắt đầu, sáu người một mâm, gồm khoảng ba chục chủ nhà và ba ông khách. Lũ trẻ con không được dự, vẫn đứng dựa quanh tường nhà nhìn người lớn chuẩn bị ăn, còn đám chó nghe tiếng bát đũa va chạm, mõm chầu hẫu cả lên. Chủ nhà không có ý kiến gì về đám trẻ, mình là khách, chả lẽ lại kéo chúng vào ăn.
Nhìn mâm cơm chỉ có từng ấy thứ thức ăn, chẳng lẽ nhắm rượu với cơm, tôi đành xới bát cơm, chan tý canh và đưa lên và xồ. Cơm thì màu đo đỏ nhạt, nhão nhoét. Mấy vị chủ nhà cũng xới cơm và chan canh, họ đều xắn cá và gắp vào bát. Sau khi và xồ vài nhát, đồng loạt họ gắp miếng cá trong bát, chìa về phía đám con nhà mình. Thấy bố chìa khúc cá ra, bốn năm cánh tay đồng thanh giơ ra, vồ lấy, đứa nào vớ được, đứng luôn tại chỗ, thản nhiên đút vào mồm nhai.
Dưới gầm bàn, đám chó ngóng mãi không thấy miếng xương nào, xô vào cắn nhau kêu ăng ẳng. Tôi hoảng quá, sợ chó nó tức, cắn cho, định thu chân lên ghế, song nghĩ khách ngồi ăn như thế, không được đẹp, đành liều cứ để chân dưới gầm bàn, vừa và xồ cơm, vừa liếc chó. Tôi chỉ được một lần xới, đến bận thứ hai định xới tiếp, thì cơm và cá sạch nhẵn.
Một bài học về cái đói, về khó khăn vùng đồng bào, tôi không phải ghi chép vào sổ, không phải ghi âm, vẫn nhớ.
Bụi Vết Tháng Năm Bụi Vết Tháng Năm - Trọng Huân Bụi Vết Tháng Năm