Most books, like their authors, are born to die; of only a few books can it be said that death hath no dominion over them; they live, and their influence lives forever.

J. Swartz

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Godfather
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Open Heineken
Upload bìa: Open Heineken
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2023-11-05 19:16:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30
lbert Neri ngồi trong căn hộ của nó ở Bronx chải chuốt bộ đồ cảnh sát cũ bằng nỉ xanh. Nó gỡ cái huy hiệu, để lên bàn, đánh bóng sau. Súng và dây đeo treo trên ghế. Việc làm tỉ mỉ mà trước đây nó vẫn thường làm, gây cho nó niềm vui là lạ, niềm vui hiếm hoi, kể từ con vợ nó bỏ đi, gần hai năm trước.
Nó đã lấy Rita từ khi con bé còn học trung học, còn nó mới là anh cảnh sát tò te. Con bé e thẹn, tóc đen, gia đình Ý nghiêm túc, chẳng bao giờ cho con gái đi chơi tới quá mười giờ tối. Neri yêu con bé thật tình, yêu từ vẻ ngây thơ, tính ngoan ngoãn tới màu da nâu nâu xinh đẹp. Lúc đầu Rita cũng mê tít anh chồng. Vì nó cực kỳ khỏe mạnh, con bé hãnh diện vì thấy ai cũng nể sợ chồng vì sức mạnh của nó, lại không có thói khúm núm, quỵ lụy, dù nó phải hay trái. Nó không có tính tế nhị, mềm mỏng. Không đồng ý với bất kỳ ai, một là nó ngâm câm, hai là ào ào cãi lại liền. Chẳng bao giờ nó có thể ôn tồn, hòa nhã được. Nó có bầu máu nóng của dân chính gốc Sicily, khi đã nổi cơn thịnh nộ thì thật là đáng sợ. Nhưng thật là, nó chẳng bao giờ nóng giận với vợ.
Chỉ trong vòng năm năm, nó trở thành tay cớm đáng gờm nhất tại New York. Và đồng thời cũng là một thằng cớm đàng hoàng nhất. Khổ nỗi, nó lại có một cách riêng để thượng tôn pháp luật. Nó rất ghét tụi đĩ điếm, ma cô. Ban đêm bắt gặp đám nhóc tụ tập đầu đường, góc phố, quậy phá người qua lại, nó xử đẹp liền. Mà nó ra tay là làm thẳng cánh với tất cả sức mạnh sẵn có, đến nỗi chính nó cũng chẳng hiểu sao mình hằng quá vậy.
Một đêm trong Công viên trung tâm, nó nhảy khỏi xe tuần cảnh, túm đầu sáu thằng tuổi chừng mười bảy, mười tám, chơi toàn áo gió lụa đen. Mấy đồng đội của nó ngồi im re trong xe, vì biết tính thằng Neri quá rõ, không dám xía vào. Thằng Neri bắt mấy thằng nhóc dàn hàng ngang, sát
vách tường đá. Neri đã thấy mấy thằng này chặn người đi đường xin đểu thuốc lá, chọc gái bằng những cử chỉ thô tục. Vậy thôi, chứ cũng chưa đến nỗi gây thương tích ai.
Neri rọi cái đèn pin to đùng vào lũ nhóc. Nó thấy chẳng cần thiết phải rút súng. Nội cái mặt sát khí đằng đằng và bộ cảnh phục của nó cũng đủ làm khiếp vía mấy thằng mất dạy này rồi. Nó hỏi một thằng:
– Mày tên gì?
Thằng nhóc nói một cái tên Ái Nhĩ Lan, Neri quát:
– Xéo khỏi đây ngay. Đêm nay, còn để tao gặp lại, tao đóng đinh mày, nghe chưa?
Neri vung cây đèn pin, thằng nhóc chuồn gấp. Hai thằng tiếp theo cũng được nó cho đi. Đến thằng thứ tư xưng tên Ý, cười cười với Neri, ra vẻ "mình là đồng hương với nhau". Nghe giọng, Neri cũng thừa biết, nhưng Neri vẫn hỏi:
– Mày là người Ý hả? Thằng ranh cười rất tự tin.
Neri đập thẳng cánh cây đèn pin ngay trán thằng bé, làm nó quỳ xuống. Vết thương rộng toang hoác, máu xối xả đầy mặt. Nhưng rõ ràng chỉ bị thương phần mềm thôi. Neri gầm lên:
– Thằng chó đẻ. Mày làm nhục người Ý. Mày làm nhục chúng tao.
Đứng dậy chưa?
Nó đá một cái vừa phải, bảo:
– Cút về nhà ngay, tránh xa khu phố này ra. Đừng bao giờ để tao bắt gặp mày mặc cái áo này nữa, nghe không. Tao mà thấy lần nữa, là tao cho mày đi nằm nhà thương ngay. Mày còn may đấy. Tao là bố mày, thì mày như đòn.
Neri đá đít hai thằng nhóc còn lại, bảo chúng cút khỏi khu phố này cho khuất mắt.
Những đụng độ như trên xảy ra cấp kỳ, chẳng ai kịp bu lại hay phản ứng gì. Neri chỉ việc chui vào xe, để đồng đội phóng đi. Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có những ca gây cấn, đó là khi gặp phải mấy thằng hung hăng đánh lại, có khi còn rút cả dao ra chơi. Nhưng gặp Neri là tụi đó tới số. Tính hung bạo, dã man của nó trỗi dậy tức thì. Nó đập cho đến đổ máu mồm, tuôn máu mũi, rồi mới quẳng lên xe, đem về đồn, ghép vào tội chống lại nhân viên cảnh sát trong khi thi hành công vụ. Đương nhiên, mấy vụ này được ngâm cho đến khi nạn nhân lành lặn, xuất viện mới đem ra xử.
Sau cùng, Neri bị chuyển đến làm việc tại tòa nhà Liên hiệp quốc, vì cái tội bất kính với một thầy đội cấp trên. Mấy ông trong ngoại giao đoàn ra vào trụ sở Liên hiệp quốc đâu thèm coi quy định của cảnh sát là gì, đậu xe thoải mái, nghênh ngang khắp phố. Neri báo cáo lên cấp trên, cấp trên bảo lờ đi, đừng đụng tới mấy cha ấy. Nhưng có một tối, giao thông ùn tắc, vì xe của cánh ngoại giao đoàn đậu vô trật tự. Thằng Neri lẳng lặng vác cây đèn pin tổ bố cứ nhà kính chắn gió của mấy cái xe đó mà phang. Dù có là ngoại giao đoàn, thì sửa chữa, thay kính cũng mất vài ngày. Những lời phản đối dồn dập đổ về đồn cảnh sát khu vực, đề nghị thẳng tay trừng trị kẻ phá hoại. Một tuần sau, mọi người muốn bật ngửa, khi biết kẻ phá hoại chính là anh cảnh sát giữ trật tự, Albert Neri. Nó bị chuyển qua khu Harlem gấp.
Một chủ nhật sau vụ đó, Neri đưa vợ đi thăm bà chị góa chồng ở Brooklyn. Tình cảm chị em đậm đà là chuyện bình thường của dân Sicily. Í t nhất vài tháng nó lại đến thăm chị một lần. Bà chị lớn tuổi hơn nó nhiều và có thằng con trai đã hai mươi tuổi. Thằng Thomas mồ côi bố, không ai quản, nên quậy tưng bừng. Đánh lộn tùm lum. Đã có lần Neri phải nhờ vả đồng đội bỏ qua cho thằng cháu tội ăn cắp vặt. Lần đó nó cố nén giận, chỉ
cảnh cáo thằng nhóc: "Tommy, mày để mẹ mày phải khóc lần nữa, thì chính tao xử mày đó".
Đó chỉ là một lời khuyên của cậu cháu trong nhà, không phải lời hăm dọa, nhưng tuy là thằng lì nhất phố, Tommy cũng rất ớn cậu Al Neri.
Đêm qua về muộn, nên sáng nay khi cậu Neri tới nhà, thằng Tommy vẫn chưa thức giấc. Mẹ nó phải đánh thức và giục nó thay quần áo lẹ lẹ để ăn cơm cùng cậu mợ.
Giọng thằng ranh gắt gỏng vọng ra:
– Tôi cóc cần, để yên cho tôi ngủ.
Bà mẹ trở ra, ngượng ngùng cười với vợ chồng cậu em.
Khi đang ăn, Neri hỏi chị hồi này thằng cháu còn quậy không. Bà lắc đầu.
Vợ chồng Neri sửa soạn ra về, ông cháu quý mới xuất hiện. Nó lầu bầu chào cậu mợ rồi đi thẳng vào bếp. Lát sau tiếng nó oang oang gào ra:
– Bà già, không nấu nướng cái gì cho tôi ăn sao? Mẹ nó thét lại:
– Thức dậy mà ăn cho đúng giờ. Tao không làm mọi mà giờ nào cũng bắt nấu nướng.
Đó chỉ là cảnh bình thường, xảy ra như cơm bữa, nhưng có lẽ thằng Tommy vẫn còn bực vì chưa đã giấc, nó quát lại:
– Khỏi phải la. Đây đéo cần. Ra ngoài ăn cũng được. Vừa buột miệng nói xong, nó hối liền.
Nhưng cậu Neri đã bay tới nó như mèo vồ chuột. Như vậy là thằng ranh này quen bắt nạt mẹ, quen nói cái giọng này với mẹ nó rồi. Tommy chưa
bao giờ dám nói như vậy với mẹ trước mặt cậu. Chẳng may là hôm nay nó sơ ý quá.
Trước những đôi mắt khiếp đảm của hai người đàn bà. Neri đập thằng cháu không thương tiếc, đập cẩn thận, đập thẳng tay. Lúc đầu thằng cháu ráng đỡ đòn, rồi đành xuôi tay, xuống nước năn nỉ, lạy van cậu xin tha thứ. Neri cứ mặt nó mà vả, cho đến sưng môi, toé máu. Nó nện đầu thằng cháu vào tường, đấm uỳnh uỳnh vào bụng, rồi ấn cháu áp mặt xuống sàn. Nó dặn hai người đàn bà đợi ở nhà, rồi lôi thằng cháu xềnh xệch xuống đường, tống vào xe. Nó giận điên lên, rít vào mặt thằng cháu:
– Nếu mẹ mày nói với tao chỉ một lần, mày còn nói năng với bà kiểu đó, tao đập mày chết. Liệu mà tu tỉnh đi. Thôi, bây giờ lên bảo mợ mày là tao đang đợi.
Sau đó chừng hai tháng, từ ca trực trở về, Neri mới biết vợ nó đã bỏ nhà đi. Ả thu gom hết quần áo về nhà bố mẹ. Bố vợ nó bảo vợ nó sợ cái tính nóng như lửa của nó, không dám ở với nó nữa. Nó ngẩn ra, không hiểu nổi. Chưa bao giờ nó xử tệ với vợ mà luôn yêu thương, chiều chuộng. Nhưng vì quá hoang mang, nó định để ít ngày nữa sẽ đến để nói phải trái cho vợ nó hiểu.
Nhưng thật không may, ngay đêm sau, nó bị kẹt một sự cố trong ca trực. Một cú điện báo cho xe tuần tra của nó là có một vụ tấn công gây chết người. Xe chưa ngừng hẳn, như thường lệ, Neri đã nhảy nhóc xuống. Lúc đó đã quá nửa đêm, Neri khư khư cây đèn pin to tướng, tiến vội tới đám đông tụ tập trước cửa căn nhà. Một mụ da đen bảo Neri:
– Có thằng cắt cổ một con nhỏ ở trong đó.
Neri tiến qua hành lang. Ánh đèn tỏa ra từ một cánh cửa để ngỏ, phía cuối dãy. Neri nghe tiếng kêu rên, nó chạy lại, bước vô phòng. Neri suýt vấp ngã, vì hai cái xác ở trên sàn. Một là một phụ nữ da đen chừng hai mươi lăm tuổi, còn một là đứa con gái da đen khoảng mười hai. Cả hai đều
bê bết máu vì những vết rạch bằng dao lam. Trong phòng khách, Neri thấy thằng cha gây án. Neri biết rất rõ thằng này.
Đó là thằng Wax Baines, một thằng ma cô ghiền ma túy. Lúc này đây, đôi mắt thằng khốn trợn trừng, trơn trạc vì phê thuốc, bàn tay vẫn vung vẩy con dao cạo.
Hai tuần trước Neri đã túm cổ nó vì tội hành hung một con điếm đàn em nó ngay trên đường phố. Nó còn ngạo mạn bảo:
– Ê, không phải việc của mấy cha, nghe.
Đồng đội của Neri bảo mặc mẹ cho tụi đen cắt cổ nhau, nhưng Neri vẫn tống nó vào nhà giam. Ngay ngày hôm sau thằng Baines được đóng tiền tại ngoại.
Neri chưa bao giờ ưa nổi lũ nhọ. Từ ngày phải làm việc trong khu Harlem, nó lại càng ghét hơn. Lũ này không ghiền ma túy cũng nghiện rượu. Chúng lười biếng, nghiện ngập, trong khi bắt mấy con đàn bà của chúng làm đổ máu mồm, hoặc đi bán trên để nuôi chúng. Vì vậy cái cảnh thằng Baines ngang nhiên phạm pháp này làm nó tức điên lên. Nhìn con bé bị cắt nát thân thể mà Neri muốn phát bệnh. Nó lạnh lùng tính toán, nhất quyết không bắt giữ thằng Baines.
Nhưng phía ngoài còn cả đống nhân chứng và mấy thằng đồng đội của nó nữa.
Neri ra lệnh:
– Bỏ dao xuống. Mày bị bắt rồi.
Thằng Baines ngoác mồm ra, cười hô hố:
– Ê, muốn bắt tao thì rút súng ra. Hay muốn xơi món này? Nó dứ dứ con dao.
Neri tấn công thật nhanh. Thằng nhọ đưa dao ra đâm. Nhanh như chớp, Neri né mũi dao, gạt một phát bằng tay trái, tay phải đập cây đèn pin ngay thái dương thằng Baines. Chân thằng Baines nhũn ra như say rượu. Con dao rời khỏi tay. Vì vậy mà cú đánh thứ hại của Neri mới bị kết tội, không thể biện minh được, do có những lời khai của nhân chứng trong phiên tòa xử nó. Các nhân chứng, cả đồng đội của nó, đều khai: Neri đã đập thẳng tay cây đèn pin lên đỉnh đầu thằng Baines, mạnh tới nỗi kính đèn vỡ tan tành, pin cục, bóng đèn, thân nhôm bay văng khắp phòng. Nhưng một nhân chứng sau này cũng nói về thằng Baines: "Thằng ấy cũng cứng đầu cứng cổ lắm".
Tuy nhiên cái đầu thằng Baines đâu có cứng đến thế. Cú đập làm nó vỡ sọ. Đem vào bệnh viện Harlem được hai tiếng thì chết.
Khi bị đưa ra tòa, Albert Neri là người duy nhất ngạc nhiên vì bị kết tội lạm dụng quyền lực. Cuối cùng nó bị buộc tội ngộ sát. Mang án tù ít ra cũng từ một tới mười năm. Nhưng bao nhiêu năm nó cũng đâu thèm quan tâm. Nó đang sôi gan căm hận toàn thể xã hội. Cái xã hội đã kết nó vào tội giết người. Đã đẩy nó vào tù vì đã giết một con vật như thằng nhọ ma cô đó. Đã không thèm đếm xỉa gì đến người đàn bà và đứa con gái nhỏ bị cắt, rạch đến biến dạng suốt đời và vẫn còn thoi thóp trong bệnh viện.
Nó không ngán nhà tù. Dù gì nó cũng từng là một thằng cớm, nhất là nó phạm tội vì quá nóng giận. Nhiều bạn bè trong ngành cam đoan với nó là sẽ gửi gắm nó, nó sẽ được đối xử tử tế. Chỉ có ông già vợ nó, lão chủ chợ cá ở Bronx, một lão người Ý khôn ngoan là thấy người như thằng Neri khó lòng sống sót được một năm trong tù. Bạn tù không giết nó thì nó cũng giết người ta. Áy náy vì con gái lão ngu ngốc, đã bỏ một thằng chồng tử tế thế, lão đến cầu xin gia đình Corleone tìm cách giúp cho thằng rể.
Nhà Corleone đã nghe nói về thằng Neri. Nó nổi tiếng là một thằng cớm ngang tàng, lì lợm, một thằng không dễ điều khiển, một thằng không thèm sử dụng súng đạn, đồng phục cảnh sát cũng đủ làm nhiều kẻ hết vía. Nó
thuộc tuýp người nhà Corleone rất quan tâm. Chuyện nó từng là cớm chẳng có gì đáng ngại. Thiếu gì thằng lầm đường, rồi mới bước được đến đúng số phận. Thời gian và cơ hội sẽ sắp đặt cho nó đâu vào đấy.
Chính Clemenza, với cái mũi đánh hơi nhân tài rất chính xác, đem vụ thằng Neri nói với Tom Hagen. Hagen nghiên cứu bản copy hồ sơ của Neri, lấy từ tàng thư của Sở cảnh sát. Nó bảo: "Có thể kiếm được một Luca Brasi mới đây".
Lão mập gật đầu lia lịa:
– Tao cũng nghĩ y như vậy. Để thằng Mike tự nhận xét coi.
Vì vậy trước khi thằng Neri được chuyển từ phòng tạm giam sang trại tù, nó được báo là tòa đã tái thẩm lại vụ án của nó, trên căn bản những thông tin, bằng cớ, lời khai của những giới chức cao cấp trong ngành cảnh sát. Nó được kết án treo và được thả về. Albert Neri không đến nỗi ngu, tìm hiểu và biết cả chuyện bố vợ nó đã chạy chọt cho nó như thế nào. Nó đền ơn ông bằng cách đồng ý ký giấy ly dị, trả lại tự do cho Rita. Rồi nó tới Long Beach để tạ ơn ân nhân.
Michael đích thân tiếp nó trong văn phòng. Nó thật sự xúc động và ngạc nhiên vì Michael đã tỏ ra rất ân cần, bảo:
– Ô, làm sao tôi để chúng đối xử như thế với một người bạn Sicily chứ. Đáng lẽ chúng nó phải ban huy chương cho cậu chứ. Nhưng chính quyền chỉ ngán sức ép của số đông thôi. Nhưng nói thật, tôi sẽ chẳng nhúng tay vào chuyện này, nếu không cho điều tra cẩn thận về cậu. Có người cho tôi biết, cậu đã lo cho bà chị và thằng cháu như thế nào, đã dạy dỗ nó ra sao. Bố vợ cậu bảo cậu là đứa tốt nhất đời. Loại người đó bây giờ hiếm đấy.
Michael không hề đả động gì tới chuyện vợ nó bỏ nó.
Chuyện trò một lát, Neri là đứa ít nói, vậy mà hôm nay nó bộc bạch cởi mở hết cõi lòng với Michael. Michael chỉ hơn nó mấy tuổi, vậy mà nó tâm sự như tâm sự với một người lớn hơn nó nhiều.
Rồi Michael bảo nó:
– Giúp một người khỏi vòng tù tội rồi bỏ mặc người ta đói khổ, cũng chẳng ích gì. Tôi có thể thu xếp cho cậu một chỗ làm đấy. Tôi cũng có chút tài sản ở Vegas, theo tôi thấy, cậu có thể làm một nhân viên an ninh trong khách sạn ở đó được đấy. Hay có buôn bán nho nhỏ, tôi mượn tiền ngân hàng giùm cho".
Neri sửng sốt vì ân huệ quá nhiều, nó khẳng khái từ chối, rồi nó thêm:
– Tôi đang chịu án treo, còn dưới sự giám sát của tòa án. Michael vui vẻ nói:
– Chuyện nhỏ. Để tôi lo. Cái giấy vàng ấy lấy ra dễ thôi mà.
Giấy vàng là hồ sơ cá nhân của tội phạm. Giấy vàng thường được trình lên chánh án khi luận tội. Neri từng là cớm đủ lâu để biết rành những vụ hối lộ bên cảnh sát, để hồ sơ mấy thằng du đãng sạch bong, khi trình lên tòa để xin khoan hồng. Vì vậy nó không ngạc nhiên nếu Michael làm được chuyện này cho nó, nó chỉ ngạc nhiên không hiểu sao lần này lại là trường hợp của nó.
Nhưng nó chỉ nói:
– Dạ, khi cần tôi sẽ nhờ ông.
– Thế thì tốt. – Michael vừa nói vừa nhìn đồng hồ.
Neri tưởng đó là dấu hiệu để nó rút lui. Nhưng vừa đứng dậy, Neri lại thêm lần nữa ngạc nhiên khi Michael lên tiếng:
– Tới bữa ăn trưa rồi. Ở lại cùng ăn với gia đình tôi. Cha tôi cũng muốn gặp anh đó. Bà già tôi nấu món hoàn toàn kiểu Ý.
Chưa bao giờ Neri thoải mái, vui vẻ như buổi chiều hôm đó, kể từ khi mồ côi cha mẹ năm mười lăm tuổi. Ông Trùm thì hoan hỉ vì biết gốc gác cha mẹ thằng Neri ở một cái làng nhỏ, chỉ cách làng ông mấy phút đi bộ.
Chuyện trò thân mật, món ăn ngon, rượu nho đỏ thắm. Neri xúc động, tưởng như thật sự gặp lại gia đình. Nó biết nó chỉ là người khách tình cờ nhưng nó cũng biết nó có thể kiếm một nơi cố định để sống hạnh phúc một thế giới như thế này.
Ông Trùm và Michael đưa nó ra tận xe. Khi bắt tay, ông Trùm còn bảo:
– Cháu là một đứa đàng hoàng. Thằng Michael nhà bác đây đã được bác chỉ bảo kinh doanh dầu ô–liu. Bác già rồi, chỉ muốn nghỉ ngơi. Nó có nói với bác là muốn giúp đỡ cháu. Bác bảo hãy học làm ăn đi đã. Nhưng nó không để bác yên, cứ nì nào là cháu là đứa đàng hoàng, một thằng Sicily bị tụi nó chơi xấu. Gặp cháu đây, bác thấy nó nói đúng. Vậy nếu có việc gì bác có thể giúp được, cứ cho bác biết. Hiểu không? Bác lúc nào cũng sẵn lòng.
(Giờ đây, nhớ lại những lời nói ân cần, tình nghĩa của ông, nó ước chi ông còn sống, để chứng kiến việc nó sẽ hoàn tất trong ngày hôm nay).
Sau buổi gặp gỡ với nhà Corleone, Neri suy nghĩ gần ba ngày. Nó cũng thừa biết nó đang bị dụ, nhưng nó hiểu rằng, dù sao nhà Corleone còn tán thành hành động của nó, cái hành động mà xã hội kết án nó. Nhà Corleone biết giá trị của nó, xã hội thì không. Nó hiểu nó sẽ hạnh phúc trong thế giới do nhà Corleone tạo ra hơn là cái thế giới ngoài kia. Và thế giới của nhà Corleone hùng mạnh hơn, dù nhỏ bé hơn.
Nó đã trở lại thăm Michael và thẳng thắn trình bày. Nó không muốn làm việc tại New York, mà muốn làm cho gia đình ở New York. Nó chân thật làm Michael xúc động. Và chấp nhận nguyện vọng của nó.
Nhưng Michael muốn nó hãy cứ nghỉ ngơi vui chơi ở Miami, tại khách sạn của nhà, mọi chi phí khỏi lo, cộng với một tháng lương trả trước, để nó có tiền mặt cho nó tự ý chi tiêu.
Lần đầu tiên Neri nếm mùi xa hoa, phú quý. Mọi nhân viên khách sạn đều phục vụ nó cách đặc biệt, câu hỏi "Ồ, ông là bạn của Michael Corleone
hả?" lan khắp khách sạn. Nó được ở trong những phòng sang trọng nhất. Thằng cha quản lý hộp đêm móc cho nó nhiều em xinh như mộng. Khi trở lại New York, cái nhìn về cuộc đời của Neri đã hơi khang khác.
Nó được đưa vào đạo quân của ông mập Clemenza, để ông thầy thử thách. Dù sao nó cũng từng là cớm, nên phải thận trọng đề phòng. Nhưng Neri đã có kinh nghiệm xương máu, chẳng bao giờ muốn trở lại trong vòng rào nhà tù nữa.
Lão Clemenza không ngớt ca tụng thằng Neri là vốn quý, là một Luca Brasi mới. Nó có thể còn hơn cả Luca. Dù gì thằng Neri cũng là một phát hiện của lão mà. Thật tình thì Neri có một thể lực tuyệt vời, phản xạ và sự phối hợp nhanh nhạy như ngôi sao bóng chày Joe DiMaggio. Clemenza cũng tự biết khó lòng cầm cương nổi một con người như thằng Neri. Nó được tạo ra để phục vụ cho Michael. Nó là loại "hàng hiếm" nên được lĩnh lương đặc biệt, nhưng không có những bổng lộc riêng, sòng đề, hay lính tráng riêng. Đối với Michael, nó tỏ rõ một lòng kính trọng vô bờ. Một hôm Hagen nói đùa với Michael:
– Vậy là mày cũng có một Luca riêng rồi đó.
Michael gật đầu. Phải, mình đã cứu vớt nó. Nó sẽ là của mình cho tới chết. Đây cũng là cái mánh khoé Michael học từ Bố Già. Trong những ngày dài được Bố Già truyền dạy nghề nhà, có lần Michael hỏi:
– Làm sao Bố sử dụng được Luca Brasi, một con thú hung dữ như vậy? Ông Trùm chậm rãi giảng giải:
– Trên đời có loại người luôn đòi hỏi, yêu cầu bị giết. Con phải chú ý, phát hiện ra lũ đó. Đó là những đứa om xòm gây lộn trong chiếu bạc, chỉ một va quẹt nhẹ là chúng nhào ngay ra khỏi xe, nổi cơn phẫn nộ. Chúng lăng mạ, hùng hổ xông vào những người chúng không rõ địa vị, khả năng ra sao. Bố đã thấy một thằng khùng chọc giận cả một đám đông đầy nguy hiểm. Có những con người, lang thang khắp chốn mà gào lên: "Giết tao đi.
Giết tao đi". Và luôn sẵn có những kẻ đồng ý giúp chúng thỏa nguyện. Những chuyện đó thiếu gì trên báo. Những con người như thế tất nhiên chỉ gây hại cho mọi người. Luca Brasi là một người như vậy đó. Nhưng nó phi thường đến nỗi, suốt bấy nhiêu năm, không thằng nào giết được nó. Nó bất cần đời, nên đời sợ mà né nó. Nhưng một thằng Brasi là một thứ vũ khí lợi hại, đầy sức mạnh nếu biết cách sử dụng. Vì nó không sợ chết, mà còn đi tìm cái chết. Nên cái kế để thu phục nó là phải làm cho nó thấy, con nhớ kỹ nhé, con phải chứng tỏ chỉ duy nhất có con trên đời này không "muốn" giết nó. Nó chỉ sợ một điều không phải cái chết, mà là chính con có thể là người giết nó. Đến lúc đó là nó thuộc về con.
Đó là một trong những bài học quý giá Ông Trùm dạy nó trước khi ông chết, và Michael đã sử dụng bài học đó làm thằng Neri trở thành một Luca Brasi của nó.
Và hôm nay Albert Neri đang ngồi nhà để chuẩn bị đóng bộ sắc phục cảnh sát. Nó chải nó rất kỹ. Sau đó còn phải đánh bao súng cho thật bóng. Rồi bắt tay sang sửa cái mũ, đánh lại lưỡi trai, sau nữa là đôi giày cao cổ đen. Neri làm rất hăng. Nó đã tìm thấy chỗ đứng trong cuộc sống. Michael Corleone đã đặt niềm tin vào nó và hôm nay gã sẽ chứng minh rằng gã không phụ lòng tin đó.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già