Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 28
Đình đọc lại bản dự thảo quản lí lao động lần nữa rồi quẳng xuống bàn, hai tay nắm chặt đấm mạnh vào bản dự thảo và để nguyên như vậy. Vẻ mặt Đình căng thẳng chen lẫn tức tối. Lúc đầu Đình định cầm bản dự thảo sang báo cáo với các phái viên của Ban bí thư nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy làm như vậy thì bất lợi cho mình, chi bằng cứ trao đổi với ông Kim trước. Nếu ông Kim không chịu nghe thì báo lại với các phái viên, lúc ấy ông Kim không còn cớ gì để bảo mình đem chuyện nội bộ đi ton hót với người khác như một lần trước đây ông Kim đã nói như quát vào mặt Đình.
Đình bước vào phòng làm việc của ông Kim với thái độ vui vẻ:
- Anh có rỗi không, tôi muốn trao đổi với anh vài điểm trong bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Kim hỏi:
- Ông đã đọc kỹ bản dự thảo về quản lí lao động chưa mà đã vội trao đổi?
Đình đáp:
- Tôi đọc tương đối kỹ.
Ông Kim cười:
- Mới tương đối thì đọc cho kỹ rồi trao đổi chứ vội gì.
- Nói là tương đối nhưng tôi đã đọc rất kỹ.
Ông Kim rót chén nước đẩy về phía Đình:
- Nếu ông đã đọc kỹ rồi thì ông nói cho tôi biết nhận xét của ông về bản dự thảo.
Đình nhìn ông Kim thăm dò rồi hỏi:
- Anh có muốn nghe tôi nói thẳng, nói thật không?
- Sao ông hỏi tôi câu ấy?
Đình chọn cho mình lối nói nhẹ nhàng nhằm thuyết phục ông Kim:
- Tôi biết anh là con người thẳng thắn. Nhưng trong trường hợp anh đặt nhiều kỳ vọng vào bản dự thảo này mà lại có người phê phán nó, tôi sợ những phản ứng của anh không còn khách quan nữa.
Ông Kim chẳng còn lạ gì tính tình của Đình nên nói thẳng:
- Ông không cho tôi sử dụng quyền tranh luận, phản bác của mình hay sao?
- Tôi không có ý ấy. Tôi chỉ sợ anh nổi nóng không chịu nghe hết những nhận xét của tôi mà thôi.
Ông Kim cười:
- Nếu vậy thì ông khỏi lo. Tôi bình tĩnh nghe ông nói đây. Ông nói đi.
Đình đặt bản dự thảo xuống trước mặt mình:
- Về bản dự thảo này có mặt ưu điểm của nó là soạn rất chi tiết. Lập luận lôgich, chặt chẽ. Những vấn đề được nêu ra trong bản dự thảo có sức hấp dẫn nông dân. Tôi tin nó sẽ được nông dân đón nhận hết sức nhiệt tình, vì bản dự thảo đã trả lại quyền làm ăn tự do của họ…
Ông Kim biết Đình nói lắt léo nên ngắt luôn:
- Có phải ý ông muốn nói bản dự thảo đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể không?
Đình vẫn giữ thái độ bình thản:
- Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau. Bây giờ anh để cho tôi nói hết nhận xét của tôi về bản dự thảo đã.
- Xin lỗi ông vì tôi đã ngắt lời. Ông nói tiếp đi.
- Vâng. Về nhược điểm hay nói sai lầm cũng được của bản dự thảo có nhiều vấn đề. Tôi chỉ xin nêu ra hai nhận xét thôi. Phần thứ nhất, nhận định tình hình theo tôi là phiến diện, không khách quan. Nhận định theo kiểu nhìn giọt nước để đoán đại dương. Vì sao tôi nhận xét vậy? Bản dự thảo nói, qua khảo sát 18 Hợp tác xã trong tỉnh thấy nổi lên sự yếu kém của các Hợp tác xã nông nghiệp, đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn, có nơi thường xuyên bị nạn đói giáp hạt đe dọa, nội bộ nông dân mất đoàn kết, cán bộ Hợp tác xã thì tham ô, tự tư tự lợi. Vân vân và vân vân. Chỉ nhìn qua 18 Hợp tác xã mà bản dự thảo đã phác họa ra một bức tranh đen tối về con đường tập thể hóa nông thôn của Đảng ta là vô cùng phiến diện…
Ông Kim đưa tay lên chặn ngang câu nói của Đình:
- Chỗ này tôi xin ngắt lời ông một chút. Bản dự thảo không phải chỉ nhìn 18 Hợp tác xã như ông nói mà nhìn cả một bức tranh tổng thể về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh mấy năm trở lại đây. Ông Côn phụ trách trưởng ban nông nghiệp tỉnh ủy đã đi khảo sát 29 Hợp tác xã ở Linh Sơn, 15 Hợp tác xã ở Yên Lộc. Các huyện khác, ông Côn cũng đến tận nơi cùng ăn cùng ở với bà con nông dân để biết cuộc sống thực của họ cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Tôi nghĩ nhận xét phiến diện chính là ở ông chứ không phải bản dự thảo.
Đình cười mỉa:
- Mang kính màu gì thì nhìn cuộc đời bằng màu ấy. Theo tôi, qua mười năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, nghèo đói bị đẩy lùi, cuộc sống của nông dân đã được cải thiện rất đáng kể. Không những ăn no mà trong bữa cơm đã có thịt, có cá…
Giọng ông Kim phần nào đã căng lên:
- Ông vừa từ trên trời rơi xuống đấy à? Ông bảo bữa cơm của nông dân đã có thịt có cá rồi phải không? Nông dân lấy đâu ra thịt cá mà ăn. Ông thử nhìn ông và tôi thuộc diện được cung cấp tem phiếu theo tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp mà một tháng được bao nhiêu cân thịt, bao nhiêu cân cá? Có lẽ khi xuống cơ sở ông nhìn vào những bữa cơm của ủy ban xã hoặc Ban quản trị mời ông có thịt gà, thịt lợn và các món sơn hào hải vị nên ông nghĩ bữa cơm của nông dân cũng như vậy. Không có đâu ông ạ. Nông dân còn khổ lắm. Tôi nói chắc ông không tin vì ông có đôi mắt kính màu hồng. Nhiều nơi nông dân không có cả muối vừng là thứ thức ăn được coi là mạt hạng nhất mà ăn chứ nói gì đến thịt cá.
Đình cố nén giọng mình lại:
- Anh bảo anh bình tĩnh để nghe tôi góp ý kiến về bản dự thảo, nhưng tôi nói câu nào ra anh cũng dùng những lời lẽ có tính chất mạt sát để phủ đầu tôi thì đành thôi vậy.
Ông Kim hạ giọng:
- Ông thông cảm với nhược điểm của tôi. Tôi đã cố gắng khắc phục nhiều nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Ông nói hết ý kiến của ông về bản dự thảo đi.
Đình nói tiếp:
- Tôi đồng ý là có những vùng, những Hợp tác xã và có một số gia đình nông dân đang sống ở mức nghèo khổ, nhưng đó là cá biệt, là cục bộ chứ không phổ biến. Lấy cá biệt, cục bộ, biến nó thành phổ biến để định ra sách lược là một sai lầm mang tính chiến lược.
Ông Kim hỏi:
- Ông chỉ cụ thể cho tôi xem sai lầm chiến lược ở chỗ nào có được không?
Đình đáp:
- Do coi cơ chế hiện tại đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Hợp tác xã, đưa lại sự đói kém cho nông dân nên trong phần hai, phần nói về phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đã đưa ra một số phương pháp khoán mới thay cho khoán cũ. Trong đó đáng chú ý là cho khoán đến hộ nông dân. Đây là một việc làm sai nguyên tắc, đi ngược lại hoàn toàn với đường lối tập thể hóa của Đảng. Mở đường cho nông dân trở về với lối làm ăn cá thể.
Ông Kim mỉa mai:
- Cá thể là cái quái gì mà ông sợ nó ghê thế?
- Anh đừng vội mỉa mai. Với cương vị một bí thư tỉnh ủy, làm gì anh không phân biệt nổi giữa tập thể và cá thể. Bởi đó là hai mặt đối lập của một vấn đề. Nói cách khác hai mặt đối lập giữa Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa.
Cố kìm nén nhưng cuối cùng ông Kim vẫn bật ra khỏi miệng sự nín nhịn của mình:
- Tôi nói câu này ông đừng giận. Cái hiểu của ông là cái hiểu trong sách vở mà ông chưa tiêu hóa hết. Còn cái hiểu của tôi là tôi đã xắn quần nhảy xuống ruộng để biết cái cơ chế hiện tại đã biến người nông dân thật thà thành kẻ làm ăn dối trá như thế nào, đã nhìn vào tận nồi cơm của bà con nông dân xem nó đầy hay vơi. Còn chuyện đối lập, đối kháng, đối địch như ông vừa nói thì đến thằng trẻ con cũng biết chứ không cần đến một anh bí thư tỉnh ủy như tôi.
Đình bắt đầu cao giọng:
- Vì lợi ích của dân của Đảng, của Chủ nghĩa Xã hội nên tôi mới chân thành góp ý với anh về những sai lầm của bản dự thảo. Còn nghe hay không là tùy anh. Về phần tôi, với cương vị là một thường vụ tỉnh ủy, tôi có trách nhiệm phản ánh việc này với các đồng chí phái viên để các đồng chí ấy báo cáo với Ban bí thư Trung ương biết những gì đang xảy ra tại Phước Vĩnh.
Ông Kim ngồi lặng đi. Sau đó vớ cái điếu cày rít một hơi rồi vứt mạnh cái điếu xuống gầm bàn nằm lăn lông lốc, sau đó đứng lên bước ra bên ngoài. Đình tỏ vẻ lo lắng đưa mắt nhìn theo ông Kim.
Lát sau ông Kim quay lại đứng ngay trước mặt Đình, nói gằn từng tiếng:
- Tôi nói để ông hay. Ông muốn báo cáo với phái viên hay báo cáo với Ban bí thư, Bộ Chính trị, kể cả báo cáo với Tổng bí thư là việc của ông. Còn bản dự thảo này dứt khoát phải được thực hiện trong toàn tỉnh. Dứt khoát phải được thực hiện, ông nghe rõ chưa.
- Anh bình tĩnh để nghe tôi nói hết đã.
Ông Kim vẩy tay:
- Tôi nghe như vậy là đủ rồi. Tôi chỉ yêu cầu ông khi báo cáo với cấp trên, ông cầm theo bản dự thảo và phản ánh đúng nguyên văn của nó chứ không được xuyên tạc xiên xẹo. Phần tôi, tôi khẳng định là mình làm đúng. Dù có bị đưa lên giàn thiêu thì tôi vẫn nói tôi làm đúng. Ông hiểu chưa.
Đình cầm bản dự thảo đứng lên bỏ đi ra ngoài.
Ông Kim ngồi phịch xuống ghế và lấy điếu cày run rẩy vê thuốc cho vào nõ.
2
Sau bữa cơm tối, bát đũa vẫn còn để nguyên trên chiếc mâm gỗ. Hai đứa con của Tế ăn xong đang nằm trêu nhau ở trên giường. Bà Quê kéo cái ghế đòn ra ngồi tựa lưng vào cột nhà, Hiền chưa dọn bát đĩa vội, nói với chồng:
- Anh này, theo em nhà mình cứ nhận khoán hai đầu lợn đi anh ạ.
Tế nghe vợ nói vậy bảo:
- Nhận khoán một con, một con nuôi bán theo chỉ tiêu nghĩa vụ đã hết hơi rồi còn sức đâu mà nhận khoán hai con.
- Em tính kỹ rồi. Anh vừa làm công việc của Hợp tác vừa phụ thêm với em làm đất phần trăm. Công việc nuôi nấng giao cho mẹ. Mẹ chỉ có việc chăm ba con lợn chứ không làm gì hết. Hai đầu lợn mỗi năm có tám mươi công, mẹ ra đồng dầm mưa dãi nắng cực khổ cũng chẳng được từng ấy công đâu anh ạ.
Bà Quê vừa xỉa răng vừa góp lời:
- Chị ấy nói phải đấy con ạ. Sức khỏe của u nuôi ba con lợn chẳng thấm vào đâu.
Tế bảo:
- U có phải chỉ có việc nuôi lợn thôi đâu. Hàng ngày còn phải lo cơm nước, lại còn phải đưa cái Mơn đi mẫu giáo, chiều lại còn đón cháu về. U làm quá sức ốm nằm xuống đó, vợ chồng con bận bịu tối ngày lấy ai chăm sóc. Không khéo lợi bất cập hại.
Bà Quê nói dứt khoát:
- Không phải bàn nữa. Chị Hiền cứ đăng ký với Hợp tác nhà ta nhận khoán hai đầu lợn. Sức khỏe của u thế nào u biết, anh chị không phải lo đâu.
- Cũng phải bàn cho cặn kẽ u ạ - Hiền nói - U mà ốm nằm ra đấy, chúng con lại mang tiếng tham lam bắt u làm việc quá sức để u ốm.
Tế bảo:
- Nhà ta tuy mang tiếng hai lao động chính, nhưng con tham gia Ban quản trị Hợp tác lo việc chỉ đạo sản xuất nên thời gian dành cho lao động của gia đình không còn bao nhiêu. Có nhận khoán một con thì mười thước đất trồng rau cho lợn có khi cũng chỉ có một mình nhà con làm. Nhà con nói phải đấy, phải tính toán cho cặn kẽ u ạ. Không tham được đâu.
Bà Quê với tay bỏ cái tăm vào mâm rồi nói:
- Tham ăn mới xấu hổ chứ tham làm chỉ được tiếng khen thôi anh ạ.
Hiền cúi xuống định bê mâm bát đi ra giếng nhưng rồi dừng lại nói với mẹ chồng:
- Con tính thế này u xem có được không. Đất đai trồng rau cho lợn, nhà con làm được bao nhiêu thì làm, còn lại con làm tất. Buổi sáng con đưa cháu đi mẫu giáo rồi đi làm Hợp tác. Chiều u đón cháu về tắm rửa cho cháu. Còn con đi làm Hợp tác về con sẽ tranh thủ cắt rau cho ba con lợn ăn cả ngày hôm sau. Nhà ta hiện nay còn hơn hai tạ ngô của vụ xen canh vừa rồi cũng đủ cho lợn ăn được bốn, năm tháng. Ăn đến đâu con đi xay xát đến đó, thiếu đâu tính sau. Công việc của u là chỉ có cho lợn ăn và tắm táp cho nó. U thấy con tính như vậy có được không?
Bà Quê bảo:
- Chị tính thế có khác gì để cho u ngồi không. Rau lợn để đó cho u cắt. Chị chỉ có việc chăm bón sao để có rau cho ba con lợn ăn đủ quanh năm là được rồi.
Tế cười:
- U và nhà con định loại con ra khỏi cái nhà này hay sao?
Hiền nói vui:
- Nhà con hỏi vậy là đồng ý để nhà ta nhận khoán hai đầu lợn rồi đấy u ạ.
Tế nói với vợ:
- Đồng ý nhưng vất vả đừng có kêu ca nhé.
Hiền hỏi:
- Có nhiều người đăng ký nhận khoán hai đầu lợn không anh?
Tế đáp:
- Tính đến sáng nay đã có mười một nhà đăng ký nhận khoán hai con. Bà Ngật cũng xin đăng ký nhưng Hợp tác không cho.
Bà Quê hỏi:
- Sao người ta đăng ký mà không cho?
- U tính bà ấy chồng đi vắng, một thân một mình vừa làm công việc sản xuất của Hợp tác, vừa nuôi lợn nghĩa vụ, lại còn ba đứa con lít nhít, nhận khoán một đầu lợn đã vất vả rồi, nhận khoán hai đầu lợn làm sao mà nuôi lợn lớn được. Đến lúc cân, cân không đủ tiêu chuẩn giao khoán, phạt cũng tội mà không phạt thì không làm đúng quy định của Hợp tác, thành ra cái lệ nói thì nghiêm mà làm không nghiêm chẳng ra sao.
Hiền cười:
- Bà ấy xưa nay vẫn tham như thế.
- Cũng do cảnh khổ mà ra cả chị ạ. Cũng chẳng nên chê cười người ta làm gì.
- Con nói vậy chứ có chê cười bà ấy đâu ạ.
- Thế không cho bà ấy nhận khoán hai con, bà ấy có giận Ban quản trị không?
- Nói có lí có tình bà ấy nghe ra nên vui vẻ nghe theo lời khuyên của mọi người.
Hiền bê mâm bát đi ra giếng. Còn lại hai mẹ con Tế.
Bà Quê hỏi Tế:
- Bác bí thư tỉnh ủy bận hay sao mà lâu nay không thấy về Hợp tác xã nhà ta anh nhỉ?
- Bác ấy lãnh đạo cả tỉnh chứ có phải chỉ có Hợp tác xã ta đâu mà về thường xuyên hả u.
Bà Quê chép miệng:
- Người đâu lại có người đức độ như vậy không biết. Lần nào về cũng vào hỏi thăm mẹ và mua bánh mì cho mấy cháu. Lại cả cái cô Chi bí thư huyện ủy nữa. Làm lãnh đạo mà mau mồm mau miệng, được cả người lẫn nết.
Tế cười:
- Khen ai không khen, đi khen các vị lãnh đạo tỉnh và huyện thì u khen cả đời.
- Lãnh đạo cũng có năm bảy hạng người con ạ.
- Theo u, Ban lãnh đạo Hợp tác xã của ta hiện nay thế nào? Tốt hay xấu?
- Thức lâu mới biết đêm dài anh ạ. Mới vài ba tháng chẳng biết sao mà nói.
Tế cười, hỏi:
- Thế u không tin con u à?
- Con u đẻ ra không tin thì còn tin ai. Nhưng trong Ban quản trị có ông Cẩm đã có lần mổ lợn chui, con không nhớ hay sao?
- U nhớ dai nhỉ.
- Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn ba ngày đường. Làm điều xấu có khi chịu tiếng đến mấy đời, anh liệu ăn ở với làng nước sao cho phải đạo làm cái anh cán bộ, đảng viên.
Tế không ngờ mẹ mình lại nghĩ sâu xa thâm thuý như vậy. Anh nói để mẹ yên tâm:
- U cứ tin con. Con không làm gì để u phải xấu hổ đâu. Riêng chuyện ông Cẩm, u cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của ông ấy lúc đó. Sang cát cho bố, ông Mẫn đã năm lần bảy lượt vác đơn hết xin phép Ban quản trị đến xin phép xã nhưng họ vẫn không cho phép. Đặt vào cái thế của hai anh em con, chắc con cũng phải cùng với bác cả bắt lợn mổ chui để làm cỗ bàn chứ biết mua thịt lợn ở đâu.
- Đấy là u nói thế để mà nghe thôi chứ riêng cái việc Ban quản trị mới cho sửa lại nhà trẻ, đóng thêm bàn ghế và tuyển mộ thêm cô nuôi dạy trẻ cũng đủ để cho bà con khen không hết lời rồi. Lại còn khoán lợn cho bà con nuôi để kiếm lợi nữa. So với Ban quản trị trước đây thì Ban quản trị mới được bà con tin yêu bội phần anh ạ.
- Thôi u đi ngủ đi. Con cũng đi nghỉ một lát. Sáng mai dậy sớm còn lên phòng nông nghiệp huyện liên hệ mua lợn giống cho bà con.
Bà Quê đứng lên đưa hai tay đấm đấm vào lưng mình cho đỡ mỏi rồi đi đến chỗ giường nằm.
3
Bao cầm bản dự thảo của Đình đưa cho đọc lướt qua sau đó ngẩng đầu lên hỏi:
- Bản dự thảo này không thông qua Ban thường vụ à?
Đình đáp:
- Hiện tại chỉ gửi cho các ủy viên thường vụ, các bí thư huyện ủy, bí thư đảng ủy xã và một số Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu và góp ý để hoàn chỉnh rồi mới thông qua. Nhưng tôi không chờ họp để góp ý kiến mà hôm qua tôi đã trực tiếp gặp ông Kim để nói lên quan điểm của mình về bản dự thảo rồi.
- Ông Kim nói sao?
- Ông Kim tỏ ra tức giận vì tôi dám phê phán thẳng những sai trái về quan điểm của bản dự thảo này. Ông ấy bảo dù có bị đưa lên giàn thiêu thì ông ấy vẫn khẳng định việc làm của mình là đúng.
Bao kêu lên:
- Đúng là ngông cuồng.
Đình đập tay xuống bàn reo lên:
- Hay. Anh dùng hai tiếng ngông cuồng để chỉ tính cách của ông Kim không sai chút nào. Một con người cực đoan đến độ ngông cuồng.
Bao hỏi:
- Anh đánh giá thế nào về bản dự thảo này?
Đình làm bộ ngẫm nghĩ giây lát mới nói:
- Theo tôi với bản dự thảo này vô tình ông Kim và ông Côn đang tiến dần đến chỗ xóa bỏ con đường tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa, mở đường cho nông dân quay lại con đường làm ăn cá thể. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hậu quả tai hại không lường hết được. Tôi đề nghị sau khi nghiên cứu kỹ, anh trao đổi lại với các đồng chí trong tổ phái viên và báo cáo về Ban bí thư để Ban bí thư nắm được và có biện pháp ngăn chặn.
Bao gật đầu:
- Để tôi đọc kỹ và trao đổi với anh Ẩn, anh Sắc xem sao đã. Nếu thật sự nghiêm trọng như anh nói, chúng tôi sẽ báo cáo để Ban bí thư nắm được. Theo anh thì các ủy viên thường vụ tỉnh ủy có đồng tình với bản dự thảo này không?
Không cần suy nghĩ, Đình đáp luôn:
- Tôi nghĩ có đến năm mươi phần trăm không đồng tình nhưng chẳng ai dám nói ra.
Bao ngạc nhiên:
- Sao không dám nói. Sợ ông Kim à?
- Sợ thì không nhưng cả nể thì chắc chắn là có. Công bằng mà nói, ông Kim rất nhiệt tình với công việc của cách mạng, đặc biệt là những việc liên quan đến nông dân. Có lẽ do ông xuất thân từ tầng lớp bần cố nông nên vẫn còn mang nặng bản chất giai cấp của mình. Biểu hiện rõ nhất là tính gia trưởng và tùy tiện.
Bao phản đối:
- Nếu nói do xuất thân từ thành phần bần cố nông mà có tác phong tùy tiện, gia trưởng cũng không hẳn là đúng, bởi trong số các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta cũng có rất nhiều đồng chí xuất thân từ tầng lớp bần cố nông. Nhưng họ là những người lãnh đạo mẫu mực cả tài lẫn đức.
- Nhưng những đồng chí đó đã dũng cảm từ bỏ bản chất của giai cấp mình và nhanh chóng tiếp thu tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân. Bản thân tôi cũng làm một cuộc lột xác đầy đau đớn để thoát khỏi cái đuôi bần cố nông của mình để trở thành một con người như hôm nay. Còn ông Kim thì hầu như vẫn giữ nguyên bản chất của mình từ ăn mặc, nói năng, cách ngồi hút thuốc lào cho đến suy nghĩ và hành động của mình. Bản dự thảo này mang dấu ấn rõ nét về tác phong tùy tiện của ông ấy. Nghĩ đâu làm đó chứ không chịu dùng lập luận để kiểm chứng việc mình đang làm sai đúng ở chỗ nào.
Bao cầm bản dự thảo đọc lướt qua lần nữa rồi đặt xuống bàn hỏi Đình:
- Có khi anh cho tôi mượn bản dự thảo này để tôi nghiên cứu và làm việc trước với tổ phái viên cái đã. Sau này có thế nào ta tính sau. Anh thấy có được không?
Đình thở phào:
- Anh cứ cầm lấy để làm việc. Những gì viết trong ấy tôi đã ghi vào óc của mình rồi.
Bao khen:
- Anh có một bộ óc tuyệt vời nhỉ.
Đình nói giọng tự phụ:
- Đó là yêu cầu của một anh làm công tác tuyên huấn. Anh cần có một trí nhớ chỉ cần nghe tin tức trên đài phát thanh, anh có thể kể lại tin tức ấy cho một người khác nghe đầy đủ nội dung của bản tin. Không phải khoe khoang với anh chứ tôi có thể tổng hợp tình hình thời sự trong tháng đã nghe qua đài phát thanh và các báo đã đọc mà không cần có sổ ghi chép để ở trước mặt.
Bao cười:
- Thế thì tuyệt vời đấy. Tỉnh ủy bố trí anh làm trưởng ban tuyên huấn là chính xác.
Đình thổ lộ:
- Thế mà năm ngoái ông Kim định đẩy tôi đi làm chuyên gia cho Lào đấy.
Bao ngạc nhiên:
- Thế à? Chắc muốn loại trừ một người thường xuyên chống đối ông ta có phải không?
- Nếu không vì ý đồ ấy của ông Kim thì tôi sẵn sàng đi chứ chẳng khi nào từ chối. Cũng phải đấu tranh tư tưởng mãi đấy. Mình là một thường vụ tỉnh ủy mà từ chối nhiệm vụ thì chẳng ra làm sao. Có thể có dư luận xấu về mình. Nhưng mình đi vì ý đồ xấu của người khác thì hóa ra mình là kẻ nhu nhược. Con người ta thắng được mình đôi khi không dễ.
- Lần đầu tiên tôi nghe anh kể chuyện này đấy.
- Có hay ho gì đâu mà kể. Cũng có người nghĩ rằng tôi hay chống đối lại ông Kim là vì tôi ganh tị. Bề dày tham gia cách mạng của ông ấy như thế làm sao tôi ganh tị nổi. Nhưng tôi lại là người được đào tạo bài bản về lí luận chủ nghĩa Mác Lê-nin. Con ruồi bay qua tôi biết nó là con ruồi mang quan điểm tiến bộ hay phản động. Vì vậy tôi dị ứng rất nhanh với những việc làm sai trái với quan điểm đường lối của Đảng.
Bao đồng tình:
- Tôi cũng giống anh ở điểm đó. Với tôi, vi phạm đạo đức trong sinh hoạt có thể tha thứ được vì nó chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân. Nhưng sai phạm trong quan điểm lập trường sẽ làm hại đến Đảng, đến nhân dân. Có người thấy tôi giữ nguyên tắc cho rằng tôi bảo thủ, giáo điều. Nếu sợ mang tiếng bảo thủ, giáo điều mà không dám đấu tranh với những việc làm đi ngược lại với quan điểm đường lối của Đảng thì tự mình tước mất danh hiệu đảng viên của mình chứ chẳng cần ai khai trừ mình cả.
Đình hỏi thăm dò:
- Anh có định báo cáo việc này với Ban bí thư không?
- Để tôi trao đổi với anh Ẩn và anh Sắc xem sao rồi mới quyết định có nên báo cáo hay không.
Đình ngập ngừng giây lát rồi hỏi Bao:
- Anh có nhận thấy anh Ẩn và anh Sắc đang dao động trước việc làm của một số Hợp tác xã trong tỉnh của tôi không?
Bao đáp:
- Có lẽ hai anh ấy thận trọng thì đúng hơn.
- Không phải thận trọng đâu mà đang phân vân. Tôi nhận xét vậy anh đừng nói lại với anh Ẩn và anh Sắc nhé.
- Tính tôi không hay đôi co mách lẻo.
Đình chưng hửng, biết mình nói ra câu vừa rồi là dại.
4
Buổi chiều. Noãn đang ngồi thơ thẩn uống nước chè ở trước hiên nhà thì Lịch đạp xe vào. Noãn hỏi giọng thân mật:
- Ông đi đâu mất mặt mấy tuần nay không thấy lên nhà tớ chơi?
Lịch dựng xe đạp trả lời:
- Chán đời nên chẳng muốn đi đâu cả.
- Có việc gì mà chán đời?
Lịch vứt cái mũ lá xuống chiếu đáp:
- Chán tất.
Noãn rót nước đưa cho Lịch.
- Đi lên phố huyện chén thịt cầy là hết chán đời ngay. Đi không? Tôi mời ông chứ không bắt ông chi đâu mà ngại.
Lịch hớp một ngụm nước súc sùng sục trong mồm nhổ ra sân rồi mới bảo Noãn:
- Ông chi hay tôi chi cũng thế cả, nhưng hôm nay không đi được.
- Sao thế?
- Hai hôm nay bị Tào Tháo đuổi, kiêng mắm tôm.
- Vậy thì uống rượu suông nhé. Ông ngồi đây, tớ ra vườn vặt quả ổi xanh và hái mấy quả ớt, thế là xong.
Lịch lấy gói thuốc lá Trường Sơn của Noãn để ở hiên rút một điếu châm lửa hút. Lát sau Noãn trở lại với cái đĩa muối và mấy quả ổi xanh và ớt.
- Trông ông dạo này xuống sắc quá – Noãn nói và rót rượu để xuống trước mặt Lịch.
Lịch thở dài:
- Lo lắm ông ạ.
- Lo chuyện gì?
Lịch không trả lời vào câu hỏi của Noãn mà hỏi lại:
- Ông sinh hoạt trong thường vụ đảng ủy, có nghe ai nói gì về lá đơn tớ gửi cho mấy ông phái viên Trung ương không?
Noãn cười:
- Thì ra ông lo chuyện ấy à? Thế thì ông không phải lo. Trong thường vụ chẳng hề ai nhắc tới chuyện ấy cả. Với lại chuyện ấy đã qua lâu rồi, chẳng ai nhớ đến đâu.
- Không hiểu sao tớ có cảm giác là mọi người đang nghi ngờ tớ ông ạ.
- Sao ông lại nghĩ thế?
- Tớ thấy bà con xã viên ở Gia Đạo thường nhìn tớ với đôi mắt khinh bỉ thì phải.
- Ông chỉ sợ bóng sợ gió thôi. Làm sao người ta biết ông là người viết đơn tố cáo mà khinh bỉ.
- Thỉnh thoảng có người nói xa nói gần chó sủa cứ sủa, việc mình làm cứ làm. Sủa chẳng ai sợ thì chỉ có rã họng mà thôi.
Noãn nói để Lịch yên tâm:
- Ông thuộc vào loại người thần hồn nát thần tính. Có tật giật mình. Ai nói gì đâu đâu cũng nghĩ người ta nói mình.
Lịch thổ lộ:
- Lo chứ ông. Lộ ra, tôi bị khai trừ khỏi Đảng là cái chắc, còn mặt mũi đâu mà nhìn làng nhìn xóm nữa. Con cái lại chịu cái nhục suốt đời, ông bảo tôi không lo sao được.
- Tôi nhớ không nhầm thì chính ông nói với tôi là cái ông gì đó nhận đơn tố cáo của ông hứa là không nói cho ai biết kia mà?
- Tin sao được miệng quan hả ông. Hứa là thế nhưng chắc gì đã làm thế. Khi thấy có lãi là bán mình ngay. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Được thì mọi người hưởng, tội thì mình chịu. Giá như ngày ấy ông cho tôi một lời khuyên khôn ngoan thì tôi đã không làm cái việc tồi tệ ấy.
Noãn phật ý:
- Ông trách tôi đấy à?
- Tôi nói mà nghe vậy thôi. Dại thì chịu chứ có trách móc cũng chẳng được gì.
Noãn rót rượu ra chén nói với Lịch:
- Đôi khi ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy ân hận là chỉ vì ghen ghét bà Luận hay lên mặt dạy đời nên muốn cho bà ấy nếm mùi cay đắng, vì thế đã không khuyên ông đừng có làm đơn tố cáo tố khổ làm gì cho thêm rắc rối. Bây giờ chuyện đã rồi, ông đừng có suy nghĩ gì cho thêm mệt óc. Uống vài chén rượu suông là quên hết. Uống đi.
Noãn đưa cho Lịch một quả ổi xanh.
- Ông có đưa chuyện lo lắng của ông ra chia sẻ với tay Doanh không? – Noãn hỏi.
Lịch nói giọng buồn:
- Người hiểu tâm trạng tôi bây giờ chỉ còn tay Lấu. Tuy tật nguyền nhưng hắn ăn ở có trước có sau. Còn tay Doanh từ khi không còn gì đưa về cho vợ như hồi còn làm phó chủ nhiệm nên vợ hắn coi thường ra mặt. Hắn co vòi lại như một kẻ yếm thế. Tay Ngọ thì giả vờ tiến bộ để lấy lòng Ban quản trị mới. Chán lắm ông ạ.
Noãn hỏi:
- Không biết bọn tay Dậu làm ăn thế nào mà nghe bà Luận khen không tiếc lời.
- Khách quan công bằng mà nói, chúng nó làm ăn bài bản lắm. Hết chuyển trại lợn tập thể về khoán cho đội, đến việc khoán lợn trực tiếp cho hộ xã viên. Nghe đâu vụ chiêm này chúng nó hủy bỏ cách khoán cũ và thay vào đó các tiêu chuẩn khoán mới.
- Khoán lợn thì tôi cũng nắm được rồi. Nhưng cách khoán mới thì tôi chưa nghe báo cáo. Ông có nắm được cụ thể tiêu chuẩn khoán như thế nào không?
- Nghe nói sắp tới sẽ đưa ra bàn trong hội nghị đại biểu xã viên, còn khoán kiểu nào ông bảo tôi còn tâm trạng nào mà tìm hiểu. À này. Ông có nghe nói đến bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp không? Nghe nói tỉnh ủy vừa gửi xuống cho các bí thư đảng ủy và Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu để góp ý kiến.
Noãn nhìn Lịch, cười cười vẻ bí mật:
- Bà Luận có nói cho tôi biết nhưng tôi chưa đọc.
Lịch cười rồi nói khích:
- Bản dự thảo chỉ gửi cho bí thư đảng ủy, ông là chủ tịch xã đọc sao được.
- Càng khỏe.
- Chẳng biết bản dự thảo ấy nói những gì mà thấy mấy tay trong Ban quản trị phởn chí lắm.
- Vừa rồi tôi đùa với ông cho vui thôi chứ bà Luận đã đưa cho tôi đọc bản dự thảo ấy rồi. Tôi nghĩ mấy tay trong Ban quản trị Gia Đạo phởn chí là phải. Vì bản dự thảo đã mở ra một con đường làm ăn có thể nói là rất cởi mở đối với các Hợp tác xã nông nghiệp.
- Thảo nào.
Không ai hiểu Lịch nói hai tiếng thảo nào với nghĩa gì. Vui mừng hay ghen tị?
5
Phong trào nhận nuôi lợn khoán bùng lên khiến Ban quản trị Gia Đạo lo sốt vó về việc tìm lợn giống để cung cấp cho hộ xã viên. Tìm đủ các nguồn nhưng cũng chỉ cung cấp đủ cho một phần ba số hộ đăng ký. Cuối cùng đành phải chạy lên cầu cứu huyện. Buổi sáng sớm Chi đang lau chùi bàn ghế chuẩn bị cho một ngày làm việc thì Tế lù lù đạp xe vào. Chi lo lắng không biết có chuyện gì mà Tế lại lên sớm như vậy. Chưa để Tế kịp chào hỏi, Chi đã hỏi trước:
- Có chuyện gì không mà lên sớm vậy?
Nhìn thấy thái độ lo lắng của Chi, Tế đùa:
- Vâng. Chuyện hết sức nghiêm trọng nên chúng tôi chạy lên cầu cứu bí thư huyện ủy.
Nghe Tế nói vậy, Chi càng hốt:
- Có chuyện gì sao không nói nhanh lên mà cứ ề à như vậy?
Tế nhịn cười nói thủng thẳng:
- Ấy là chuyện thế này. Ở Hợp tác xã chúng tôi số người đăng ký nhận nuôi khoán lợn đã lên đến trên một trăm ba mươi hộ. Một tình huống chưa tính đến là lợn giống. Các hộ đã nhận tiền mua giống rồi nhưng nhiều hộ loay hoay không biết mua giống ở đâu.
- Hiện còn thiếu bao nhiêu con lợn giống nữa?
- Khoảng trên dưới năm chục con.
Chi kêu lên:
- Sao thiếu nhiều thế?
- Chúng tôi không ngờ bà con đăng ký nhận khoán nhiều như vậy. Hợp tác cũng cố gắng lùng khắp nơi mua cho bà con nhưng vét khắp vùng cũng chỉ cung cấp được một nửa.
Chi ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
- Hiện nay trong huyện ta có trại lợn giống ở Bồng Lạng. Nhưng đó là trại lợn giống của Ty Nông nghiệp tỉnh chứ không phải của huyện.
Chi vừa nói đến đó đã thấy chiếc xe chở ông Kim từ từ chạy vào sân. Chi nói như reo:
- Khấn Phật, Phật hiện. Sao mà thiêng thế không biết.
Hai người đứng lên chạy ra đón ông Kim. Ông Kim tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy Tế. Ông hỏi:
- Ông Tế có việc gì mà mò lên đây sớm thế?
- Không có gì đâu ạ - Tế nói - Chỉ có một việc cỏn con thế này thôi. Hợp tác chủ trương khoán lợn cho hộ, bà con rất hào hứng nhận khoán. Nhưng vấn đề là thiếu đến nửa số lợn giống đăng ký mà không biết tìm mua ở đâu. Hợp tác nhận giúp nhưng không ra nên mới lên cầu cứu bí thư huyện ủy. Bí thư huyện ủy bảo việc này chỉ có bí thư tỉnh ủy mới giải quyết nổi.
Ông Kim cười thật sảng khoái:
- Các cậu bàn tính với nhau khi nào mà giỏi thế. Chắc đang bí nên khi thấy tớ có mặt liền đổ cái bí ấy lên đầu tớ có phải không?
Chi nói:
- Đấy là do Ban quản trị Gia Đạo chứ không phải em đâu. Vừa rồi em cũng nói với anh Tế là Hợp tác xã Gia Đạo muốn em làm bí thư huyện ủy kiêm lái lợn đấy ạ.
Ông Kim rít xong điếu thuốc lào, nhấp một ngụm nước rồi nói thủng thẳng:
- Tớ nói đùa cho vui chứ chuyện không nhỏ đâu. Bà con đang hào hứng nhận khoán mà để bà con thất vọng sẽ làm mất lòng tin. Vì vậy phải tìm mua bằng được giống cho bà con.
Chi nghe ông Kim nói vậy nên nói luôn:
- Em cũng nghĩ như thế nhưng cử người đi gom từng con thì chẳng biết đến khi nào mua đủ cho bà con. Hiện nay trên địa bàn huyện Tam Bình có trại lợn của Ty Nông nghiệp ở Bồng Lạng chuyên cấp lợn giống cho các trại lợn của quốc doanh, không biết đến hỏi mua cho Hợp tác xã nông nghiệp có được không?
Ông Kim biết Chi muốn mình can thiệp với trại giống Bồng Lạng nhưng còn vòng vo nên ông sổ toẹt:
- Cứ nói thẳng ra là nhờ tớ nói hộ với Ty Nông nghiệp cho xong chuyện. Vòng vo làm gì cho mất thì giờ.
Chi cười nói luôn ý định của mình:
- Được thế càng hay. Nhưng chúng em chỉ cần anh viết cho mấy chữ, chúng em cầm thẳng đến trại lợn giống Bồng Lạng để liên hệ, anh khỏi mất công nói với Ty Nông nghiệp.
- Tớ không làm ăn kiểu cắt ngang như vậy được đâu. Trại lợn giống là do Ty Nông nghiệp quản lí chứ không phải tỉnh ủy quản lí. Lát nữa tớ sẽ gọi điện về cho tay Tấn, trưởng Ty hỏi xem sao. Nếu vì một lí do nào đó chính đáng mà nó bảo không được thì tớ cũng không thể bắt ép nó bán lợn giống cho các cậu được. Ông Tế định mua bao nhiêu con lợn giống?
Tế đáp luôn:
- Càng nhiều càng tốt ạ. Hiện tại Gia Đạo có hơn một trăm ba mươi hộ đăng ký nhận khoán. Nếu một nửa số người đăng ký mua được thì càng tốt.
- Có nghĩa các cậu muốn trại giống bán cho các cậu khoảng bảy chục con?
- Không dám ước đến thế đâu ạ.
- Có ước cũng chẳng được. Tớ sẽ nói chúng nó cố gắng bán cho các cậu bốn mươi con.
Tế reo lên:
- Được thế cũng quá may cho chúng em rồi. Sáng nay thấy em dắt xe đạp đi lên huyện, u em chạy ra đón ngõ. Không ngờ vía của u em lại may mắn đến thế.
Ông Kim đùa:
- Nếu không mua được thì sao? Lại về cằn nhằn rồi đuổi mẹ ra khỏi nhà đi ăn xin như ngày nào chứ gì?
- Không có chuyện đó đâu ạ. U em bây giờ là lãnh đạo gia đình. Vừa rồi xung phong nhận khoán hai đầu lợn đấy bác ạ. Nhà em đã chạy về bên ngoại mua được ba con giống. Nhà nuôi hai con, còn một con để cho cô Hoang.
Ông Kim hỏi Tế:
- Ban quản trị Gia Đạo đã trao đổi với nhau về bản dự thảo chưa?
Tế đáp:
- Đã ạ. Không những trao đổi mà còn triển khai thực hiện một số biện pháp khoán như gợi ý của bản dự thảo.
- Các cậu cầm đèn chạy trước ôtô mà không sợ bị xe cán à?
Tế cười đáp:
- Chúng em thực hiện câu nói của bí thư là việc gì làm lợi cho dân, cho tập thể thì chẳng có tội. Vì thế chúng em chẳng sợ.
- Các cậu đừng có chơi cái trò trăm dâu đổ đầu tằm. Trước khi cấp trên trị tớ, tớ sẽ trị các cậu trước đã.
Nói xong ông Kim đi đến chiếc điện thoại đặt ở góc phòng gọi điện cho Tấn, trưởng Ty nông nghiệp tỉnh. Chi và Tế căng hết tai mình ra nghe cuộc đối thoại giữa ông Kim và Tấn.
- …Thế thì nhất cậu rồi. Trả lời sớm nhé. Cứ gọi trực tiếp cho bí thư huyện ủy Tam Bình…
Ông Kim cười rất to rồi bỏ điện thoại xuống quay về chỗ ngồi của mình.
Chi hỏi:
- Anh lại tán gì với ông Tấn đấy?
Ông Kim cười khà khà:
- Hắn bảo tớ mê bí thư huyện ủy Tam Bình nên mới tích cực giúp đỡ như vậy. Tớ bảo bí thư Tam Bình xinh đẹp thế dại gì mà không mê.
- Anh chỉ được cái nói linh tinh là không ai bằng.
- Được khen thích quá còn giả vờ trách với móc. Ông Tế đi lên đây bằng gì đấy?
Tế đáp:
- Em đi xe đạp ạ.
- Ông đi kiếm dây, ra bảo với cậu Hành buộc xe đạp vào sau đít xe ôtô rồi cùng ngồi xe về Gia Đạo với chúng tớ. Còn cô nàng xinh đẹp kia còn vướng víu gì thì giải quyết nhanh để đi.
Chi lườm:
- Dạo này anh ăn nói có vẻ mạnh mồm nhỉ.
- Niềm vui làm người ta trẻ ra và thích nói đùa đồng chí bí thư huyện ủy ạ.
Chi lấy cái túi xách đi ra xe cùng ông Kim.