Số lần đọc/download: 2794 / 97
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Chương 30: Chuyến Sang Mỹ Đầu Tiên
S
au cuộc gặp gỡ với Nguyễn Khắc Viện, tôi lại càng thấy rằng ông Diệm cần phải về nước chấp chánh lúc này, vì đây là cơ hội thuận tiện nhất. Việt Minh tuy thắng nhiều nơi sau khi tướng De Lattre mất và tướng Salan thay thếh, nhưng vòng pháo đài kiên cố do tướng De Lattre xây cất ở châu thổ sông Nhị Hà vẫn còn chận được những cuộc tiến quân lớn của Việt Minh nhằm tràn xuống chiếm Hà Nội. Sự giúp đỡ của Trung Cộng và Nga sô tuy dồi dào, nhưng chưa đủ để Việt Minh đốt giai đoạn tràn vào các thành phố lớn. Người Pháp dù không nói ra nhưng cũng muốn dựa vào một chính khách có tinh thần quốc gia thuần túy và thành tích chống cộng bảo đảm để làm mạnh mẽ đấu tranh chính trị. Từ ngày tướng De Lattre làm Tư lệnh quân Pháp tại Việt Nam, Pháp công khai chấp nhận nền độc lập và thống nhất ba vùng của Việt Nam.
Tôi gặp lại ông Diệm trước khi đi Mỹ, tức là vào khoảng cuối tháng 6. Tôi cũng thuật lại cho ông biết về những tiếp xúc của tôi và phân trần với ông về việc ông nên về chấp chánh vào lúc này.
Tôi cũng nói cảm tưởng của tôi là Nguyễn Đệ, chánh văn phòng của Bảo Đại có lẽ không còn chống lại việc mời ông ra làm Thủ tướng. Tôi nhắc lại với ông là ông nên xuống Cannes gặp Bảo Đại. Ông Diệm có vẻ chần chừ vì ông không phục Bảo Đại, và nhất là từ ngày Bảo Đại sang Cannes, tiếng đồn về những trò ăn chơi của Bảo Đại lại càng làm cho ông Diệm chán ngán. Ông Diệm vốn là người khắc khổ, sống rất đạm bạc, cho nên thấy ai phóng túng, hoang đàng thì ông ghét lắm. Nhưng cuối cùng ông cũng nhận lời sẽ đi Cannes gặp Bảo Đại một chuyến.
Trong lúc đó, chính phủ Pháp càng ngày càng lúng túng vì vấn đề Việt Nam. Thủ tướng René Mayer tìm một tướng lãnh thay thế tướng Salan. Thống chế Juin đề nghị tướng Navarre, lúc bấy giờ là Tham mưu trưởng quân đội Pháp dưới quyền tướng Juin. Vào giữa tháng năm, chính phủ Pháp chính thức loan báo việc thay thế tướng Salan bằng tướng Navarre. Biến chuyển này càng làm cho tôi nghĩ rằng nước Pháp không còn tin tưởng chút nào vào một viễn ảnh chiến thắng quân sự, và rất mong muốn có một giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương.
Nhiều tin đồn về những cuộc tiếp xúc mật với Việt Minh được tung ra ở Ba-Lê. Tôi nghĩ là ông Diệm phải về nước trước khi Pháp thương thuyết với Việt Minh, bởi vì nếu để cho Pháp thương thuyết thẳng với Việt Minh trong lúc phe quốc gia yêu nước không có một đại diện xứng đáng, thì về sau sẽ bị hai kẻ đối thoại gạt ra ngoài.
Bảo Đại không phải là kẻ đối thoại xứng đáng đó, cũng như Nguyễn Văn Tâm, hay bất cứ một ai khác. Lúc này chỉ mới có những trí thức in đồn về thương thuyết, còn kịp thì giờ để một chính phủ quốc gia chân chính củng cố tư thế.
Tôi khuyên ông Diệm tiếp xúc rộng rãi hơn với các chính khách Pháp, vì dù sao nước Pháp cũng nắm vận mệnh Việt Nam trong tay họ.
Ông Diệm có tiếp xúc với một vài chính khách Pháp, phần lớn thuộc giới công giáo, và không có một cuộc tiếp xúc chính thức nào với các lãnh tụ chính phủ Pháp.
Vào cuối tháng sáu, tôi từ giã ông Diệm, các anh em trí thức và sinh viên Việt Nam ở Ba-Lê để đi Mỹ. Trước đó tôi có đánh điện tín cho cha Jacques Houssa vì đây là lần đầu tiên tôi sang Mỹ, lại không biết tiếng Mỹ.
Tôi đi từ Ba-Lê sang Nữu Ước, mất hai mươi bốn giờ. Thời bấy giờ chưa có phản lực cơ thương mại, và loại máy bay băng Đại Tây Dương tối tân nhất là loại DC6. Phi cơ ghé hai chặng Bublin thuộc Ái Nhĩ Lan và Terre Neuve, thuộc địa Anh trước khi đáp xuống Nữu Ước.
Vừa xuống khỏi máy bay, tôi thấy cha Houssa đã đứng chờ tôi. Chúng tôi vui mừng khi gặp lại nhau, sau hơn 7 năm xa cách.
Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, và cha Houssa đề nghị đi ăn trước rồi về chỗ trọ sau. Lần đầu tiên tôi bước vào một tiệm ăn Mỹ, loại tự dọn lấy. Tôi lúng túng ngó cha Houssa, thú thật:
- Thưa cha, tôi chưa quen ăn các nhà hàng ăn kiểu tự dọn lấy như thế này, vậy cha làm sao thì tôi bắt chước theo vậy.
Cha Houssa cười:
- Thì cha cứ làm theo tôi là xong, không có khó khăn gì.
Cha Houssa đi lấy một cái khay trên một quày hàng bày đầy khay, rồi bước đến ngăn để đĩa, dao lấy đủ. Tôi làm theo đúng hệt. Cha Houssa lại đến một quày hàng bày những món ăn, và hễ cha lấy món nào thì tôi lấy món đó. Hai chúng tôi đến cô giữ két để tính tiền và trả tiền.
Xong bữa ăn trưa đạm bạc này, chúng tôi đi trả khay và đĩa muỗng ở một nơi khác, rồi cùng leo lên xe đi về New Jersey cách Nữu Ước mươi dặm. Cha Houssa dẫn tôi vào một trường dòng do các bà phước trông nom, và đem tôi lên phòng của cha tuyên úy trường.
Cha Houssa và các bà phước cho tôi biết rằng cha tuyên úy đi vắng, vì bây giờ đang là mùa nghỉ hè, tôi cứ tự tiện ở tạm trong nhà của ông. Sau khi sắp đặt chỗ ở cho tôi xong, cha Houssa đi Chicago, là nơi cha có nhiều công việc, và cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam du học.