Số lần đọc/download: 1597 / 17
Cập nhật: 2015-12-22 21:39:09 +0700
Chương 29 -
N
hân viên tiếp tân của khoa Nhi tổng hợp nói:
- Bác sĩ Eves vừa ra ngoài, để tôi nhắn cho bà ấy.
Tôi chờ một lát, nhìn đường phố người xe qua lại. Được một lúc thì nhân viên tiếp tân gọi lại và nói:
- Bà ấy không trả lời, thưa bác sĩ. Ông có muốn để lại lời nhắn gì không?
- Cô có biết khi nào bà ấy về không?
- Lúc năm giờ bà ấy có cuộc họp, tôi nghĩ ông có thể gặp bà ấy trước lúc đó.
Còn hai tiếng nữa mới đến năm giờ, tôi quyết định đi lòng vòng xuống đường phố Topanga trong khi đầu óc vẫn suy nghĩ vẩn vơ.
Khoảng bốn giờ tôi gọi lại bệnh viện. Cảm giác hồi hộp của mấy tuần trước đã không còn mà thay vào đó là sự bực tức vì đã mất gần hai giờ đồng hồ lái xe lòng vòng.
Không có ai trả lời, tôi lại gọi lần nữa vẫn chỉ gặp cô nhân viên tiếp tân với giọng nói có chút gì đó khó chịu.
Tôi đi thẳng đến khoa Nhi tổng hợp và vào dãy phòng khám. Cửa p hòng của Stephanie vẫn đóng. Tôi viết lời nhắn cô ta gọi lại cho tôi và đang định kẹp vào khe cửa thì một giọng nói từ sau vọng lại:
- Anh cần gì vậy?
Tôi quay lại. Một bà bác sĩ già khoảng gần bảy mươi tuổi mặc chiếc áo choàng trắng nhất mà tôi từng thấy từ trước đến nay. Mặt bà ta đã có những nếp nhăn hằn sâu. Tư thế của bà ta rất nghiêm.
Bà ta nhìn chiếc phù hiệu trên ve áo của tôi và nói:
- Ồ, xin lỗi bác sĩ - Giọng của bà ta pha giữa vùng Marlence Dietrich và London. Mắt bà ta hơi nhỏ, màu xanh và rất nhanh nhẹn. Một chiếc bút mạ vàng gài trên túi áo ngực của bà ta, trên cổ là sợi dây chuyền vàng hơi mảnh, mặt dây có gắn ngọc.
- Xin chào bác sĩ Kohler. Tôi là bác sĩ Delaware.
Chúng tôi bắt tay và bà đọc chiếc phù hiệu của tôi với vẻ mặt còn lúng túng.
Tôi nói:
- Tôi từng làm việc ở đây. Chúng ta đã cùng xử lý một ca viêm loét dạ dày hoặc việc áp dụng cách mổ để tạo hậu môn nhân tạo.
- A, tôi nhớ rồi.
Tiếng cười của bà ấm áp và dường như không để ý đến lời tôi nói đúng hay sai. Bà luôn có kiểu cười đó ngay cả khi chẩn đoán sai cho bệnh nhân. Bà ta lấy ông chồng thuộc dòng dõi quyền quý người Tiệp Khắc và trở nên giàu có. Có lần bà đã đề xuất dùng quan hệ và ảnh hưởng của mình để gây quỹ cho bệnh viện và tôi cũng nhớ Ban giám đốc đã từ chối bà như thế nào và coi kiểu gây quỹ của bà ta là ngu xuẩn.
Bà hỏi tôi:
- Anh tìm bác sĩ Stephanie?
- Tôi cần nói chuyện với bác sĩ về một bệnh nhân.
Nụ cười của bà tuy vẫn còn trên môi nhưng đôi mắt thì đã lạnh nhạt:
- Tôi cũng đang tìm chị ta. Theo lịch thì bây giờ chị ta phải ở đây rồi. Nhưng tôi nghĩ vị bác sĩ trưởng khoa tương lai của chúng ta đang bận.
Tôi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên.
Bà ta nói:
- Đúng thế đấy, người ta nói rằng chị ta chắc chắn sẽ được thăng chức.
Một cô y tá đi qua, bà ta gọi:
- Juanita.
- Thưa bác sĩ Kohler, bà gọi tôi?
- Cô có nhìn thấy bác sĩ Stephanie không?
- Tôi nghĩ bác sĩ ra ngoài rồi.
- Ra khỏi bệnh viện?
- Tôi nghĩ vậy, bác sĩ có mang ví, thưa bà.
- Cảm ơn Juanita.
Khi cô y tá đi khỏi, bà rút chùm chìa khoá ra khỏi túi, chọn một chiếc nhét vào lỗ khoá phòng Stephanie và xoay. Ngay khi tôi chạm vào cánh cửa, bà ta rút mạnh chiếc chìa khoá và bỏ đi.
Chiếc máy pha cà phê đã tắt nhưng trên bàn vẫn còn một nửa tách cà phê để ngay cạnh ống nghe của Stephanie. Trên bàn làm việc để một chồng bệnh án và giấy nhắc hẹn với một công ty dược. Tôi kẹp miếng giấy nhắn xuống dưới. Bàn làm việc của cô có khá nhiều sách, báo tham khảo. Tôi nhận ra một ký hiệu có vẻ hơi lạ.
B, Brwrr, 4
Browsers là nơi cô ta mua tập thơ bìa bọc da của Byron. Tôi có nhìn thấy cuốn sách đó trên giá.
B có nghĩa là Byron? Hay một cái tên nào khác?
Hay là hẹn gặp ai ở hiệu sách? Nếu đúng như vậy thì có thể bây giờ cô ta đang ở đó.
Nhưng một cuộc hẹn hò trai gái thì có vẻ không được lãng mạn lắm trong một buổi chiều như thế này. Và với phong cách của cô ta thì càng không phải. Chí ít thì cho đến lúc này và nếu như tin được vào Kohler.
Cũng có thể đó là cuộc hẹn hò lãng mạn mà cô ta không muốn để tiếng đồn lan ra trong bệnh viện. Hay cô ta chỉ ra ngoài có chút việc riêng thôi?
Chỉ có Chúa mới biết được điều đó.
Có thể tôi sắp xâm phạm đời tư của cô ta.
Bệnh viện chỉ cách Los Feliz và Hollywood khoảng nửa dặm nhưng đường quá đông nên phải mất mười phut tôi mới đến nơi.
Hiệu sách ở phía tây của con phố. Mặt trước vẫn như ngày xưa theo lối kiến trúc Gô-tích. Tôi tìm chỗ đỗ xe và nhận ra phía trước một chiếc Pontiac đèn hậu vẫn sáng đang chờ một bà già nhỏ nhắn. Khi vừa xoay sở đậu xe xong thì tôi thấy ai đó đi ra khỏi hiệu sách.
Presley Huenengarth!
Khoảng cách rất gần nhưng hầu như tôi không nhận ra ria mép anh ta.
Tôi cúi người xuống dưới xe. Anh ta chỉnh cà-vạt, lấy cặp kính đen trong túi ra đeo và nhìn ngang dọc con phố. Tôi cúi rạp xuống xe hy vọng là anh ta không nhìn thấy mình. Huenengarth lại chỉnh cà-vạt, sau đó đi xuống phía nam đến góc phố rẽ phải và biến mất.
Tôi ngồi dậy.
Liệu có phải là sự tình cờ? Không có cuốn sách nào trên tay anh ta.
Nhưng cũng khó có thể tin là Stephanie đến gặp anh ta. Tại sao cô ấy lại gọi anh ta là B?
Tôi không thích anh ta và từng gọi anh ta là "tay quỷ quái".
Tôi lại nghĩ quanh quẩn về câu chuyện với Kohler ban nãy. Tôi đã gặp rất nhiều bác sĩ và hầu hết họ đều nói đến việc ra đi vậy tại sao Stephanie lại được thăng chức?
Liệu đó có phải là phần thưởng cho thái độ của Stephanie đối với đứa cháu nội của Chủ tịch bệnh viện?
Tôi vẫn còn nhớ việc cô ta vắng mặt trong đám tang của Ashmore.
Có thể trước đây cô ta đã tìm được đường đến đây thì giờ cũng có thể tìm cách thăng tiến được.
Bất chợt, Stephanie đi ra khỏi hiệu sách với vẻ mặt thoả mãn.
Cũng không có cuốn sách nào trên tay cô ta cả.
Cô ta cũng nhìn trước nhìn sau như Huenengarth.
Một kế hoạch lớn đối với bác sĩ Eves đây.
Liệu có phải cô ta hành động như kiểu chuột nhảy xuống tàu đắm không?
Tôi từng có ý định cho cô ta xem các mẫu Insuject, thăm dò thái độ của cô ta, tuyên bố cô ta vô tội rồi cùng cô ta đến chỗ Cindy vào tối mai.
Bây giờ thì tôi không biết cô ta đang đứng ở vị trí nào trong vụ này. Những nghi ngờ đầu tên của Milo về cô bắt đầu có lý.
Có gì đo còn chưa rõ ràng.
Tôi lại phải cúi xuống.
Cô ta cũng đi theo hướng của Huenengarth.
Đến chỗ cuối phố, cô ngó nhìn bên phải, lưỡng lự một lát rồi sang đường và đi thẳng.
Tôi chờ cho đến khi cô ta khuất hẳn rồi mới lái xe đi, trong đầu thầm nghĩ đây là lần đầu tiên trong ngày tôi cảm thấy hành động của mình có ích.
Tôi về đến nhà mới chỉ khoảng năm giờ chiều, Robin để lại mảnh giấy nhắn rằng nàng sẽ về muộn trừ phi tôi có dự định gì đó. Tôi có rất nhiều dự định nhưng toàn là chuyện công việc chứ không phải thú vui. Tôi gọi điện cho nàng nói rằng tôi cũng sẽ phải làm việc muộn.
Tôi gọi điện đến Trung tâm Parker, một giọng nam khàn khàn trả lời:
- Trung tâm lưu trữ đây.
- Cho tôi gặp thám tử Sturgis.
- Ông ấy không có mặt ở đây.
- Khi nào ông ấy về?
- Xin lỗi ông là ai?
- Tôi là Alex Delaware, bạn của thám tử Sturgis.
Ông ta nhắc lại tên của tôi như thể đó là căn bệnh truyền nhiễm rồi nói:
- Xin lỗi ông Delaware, tôi hoàn toàn không biết khi nào ông ấy về.
- Ông ấy đi cả ngày hay chỉ đi một lát thôi thưa ông?
- Tôi cũng không biết điều đó, thưa ông.
- Xin lỗi, có phải là Charlie không?
Ngừng lại một lát, ông ta hắng giọng và đáp:
- Vâng, tôi là Charlie Flannery. Xin lỗi tôi có biết ông không?
- Không, nhưng Milo đã nói chuyện với tôi về những bài học mà ông dạy anh ta.
Ông ta dừng lại lâu hơn:
- Ông ấy thật vĩ đại. Nếu ông muốn biết thời gian biểu của ông Sturgis thì ông có thể gọi điện tới văn phòng của Phó giám đốc.
- Tại sao họ lại biết?
- Bởi vì ông ấy đang ở đó, thưa ông Delaware. Đã được nửa giờ rồi. Xin ông đừng hỏi tôi tại sao bởi vì tôi không biết. Không ai nói với tôi điều gì liên quan đến chuyện đó cả.
Milo lại gặp rắc rối với gã Phó giám đốc đó rồi. Hy vọng đó không phải là vì những gì mà anh làm cho tôi. Tôi đang suy nghĩ thì Robin gọi lại:
- Chào anh yêu, con bé đó thế nào rồi?
- Anh đã phát hiện ra vài điều nhưng có thể lại gây ra những điều tồi tệ hơn cho con bé.
- Sao vậy?
Tôi kể lại câu chuyện cho Robin nghe.
Robin hỏi:
- Thế anh đã kể cho anh Milo nghe chưa?
- Anh vừa gọi điện cho anh ấy nhưng Milo đang bị sếp gọi. Anh hy vọng là không phải vì anh mà anh ấy gặp rắc rối.
- Ồ anh đừng lo. Anh ấy chắc sẽ giải quyết được chuyện này thôi. Từ trước tới giờ vẫn chẳng thế là gì.
- Thật tồi tệ. Vụ này liên quan đến rất nhiều vấn đề trong quá khứ. Có quá nhiều việc anh không thể làm gì được. Các bác sĩ thì không phải ai cũng thiện chí. Tất cả những gì anh nhận được là những lời nói, những cái gật đầu mà anh không thể làm gì được với những thứ đó. Anh cảm thấy mình như một gã thợ mộc lang thang trên đường phố với những chiếc đục cùn.
Robin không nói gì.
Tôi tiếp:
- Anh biết tự ti là điều không hay.
- Anh không thể nuôi sống cả thế giới được đâu, anh Alex ạ.
- Vậy đó là hình ảnh của anh trong em à?
- Đúng vậy đấy. Anh rất cứng rắn nhưng đôi khi anh chỉ như một bà mẹ tham lam vô vọng muốn cho tất cả mọi người được ăn. Điều đó có vẻ tốt đối với tất cả những người mà anh từng giúp đỡ ngay cả với Milo nhưng...
- Milo? Em nói thế là có ý gì?
- Chắc chắn rồi. Anh hãy nghĩ mà xem. Milo chỉ là một cảnh sát đồng tính làm việc ở một nơi mà người ta không chấp nhận điều đó. Đúng ra thì anh ấy không tồn tại. Hàng ngày bị mọi người xa lánh, hắt hủi. Dù anh ấy đã có Rick làm bạn, nhưng đó lại là một thế giới khác của anh ấy. Tình bạn của anh với anh ấy chính là một mối liên hệ cho anh ấy - một mối liên hệ với phần còn lại của thế giới này.
- Nhưng không phải anh kết bạn với Milo vì lòng thương hại. Anh chỉ muốn anh ấy sống đúng là một con người thôi.
- Chính xác. Anh ấy biết anh là loại bạn như thế nào mà. Có lần anh ấy đã nói với em là anh ấy phải mất đến tận sáu tháng mới làm quen được với con người anh. Anh ấy còn nói anh ấy chưa hề có một người bạn nào như vậy từ thời học sinh đến giờ. Tất nhiên anh ấy đánh giá cao anh vì anh đã không giả dối với anh ấy. Cũng chính vì vậy mà anh ấy tiếp tục quan hệ với anh. Nếu anh ấy gặp rắc rối chỉ vì anh thì chắc chắn anh ấy biết sẽ phải làm gì. Chỉ có Chúa mới biết anh ấy sẽ làm như thế nào.
- Từ khi nào em trở nên khôn ngoan đến vậy?
- Em luôn như vậy mà, chỉ có điều anh cần mở mắt ra đôi chút để nhìn thôi.
Tôi lại cô đơn, cảm thấy mình như cái xác không hồn. Tôi gọi người giúp việc. Có bốn tin nhắn của tôi: Một luật sư yêu cầu tôi tư vấn cho vụ một đứa trẻ bị bắt giữ, một người nào đó là thạc sĩ quản trị kinh doanh muốn giúp đỡ tôi trong công việc, Hiệp hội tâm lý của hạt muốn biết tôi có tham dự buổi họp định kỳ tháng tới hay không, nếu có thì tôi muốn dùng món cá hay gà, tin nhắn cuối cùng là của Lou Cestare, báo cho tôi biết ông ta chưa phát hiện được gì về ông chủ cũ của George Plumb và hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm.
Tôi lại gọi cho Milo hi vọng anh đã rời khỏi phòng sếp. Giọng của Charlie Flannery vang lên và tôi gác máy ngay.
Stephanie gặp Huenengarth là có âm mưu gì? Hay đây chỉ là chuyện công việc?
Có thể chuyện cô ta nghiện rượu không phải là một lịch sử cổ xưa và đã bị ai đó phát hiện và người ta lợi dụng điều này?
Họ vừa lợi dụng vừa cố gắng vận động cho cô ta thăng chức trưởng khoa.
Có thể điều này có lý.
Nếu giả thiết Chuck Jones muốn giải tán bệnh viện là đúng thì việc thuê một trưởng khoa đã bị thao túng sẽ rất hợp.
Chuột lại chạy xuống tàu đắm rồi.
Tôi lại nghĩ xem có ai đó chạy lên không?
Rốt cuộc thì điều gì đã khiến Melendez - Lynch rời bỏ bệnh viện?
Trung tâm thông tin Miami có tin tức về anh ta. Anh ta đã xin vào làm việc cho Lady of Mercy Hospital. Thư ký của anh ta thì có thể đã ra về nhưng anh ta nhất định còn làm việc.
Tôi quay số, một giọng nữ vang lên thông báo tôi đã quay số văn phòng cả bác sĩ cao cấp. Văn phòng hiện giờ đang đóng cửa nhưng sẵn sàng cung cấp mã số để tôi có thể nói chuyện bằng thư điện tử với Melendez - Lynch.
Tôi nhắn vào trang mã số và chờ đợi được gọi lại nhưng giọng nói vẫn còn quen thuộc đã vang lên:
- Bác sĩ Melendez - Lynch đây.
- Raoul? Tôi là Alex Delaware đây.
- Ah...lex? Anh có khoẻ không?
- Khoẻ, cảm ơn. Thế còn anh?
- Tôi béo hơn nhiều, bận hơn nhiều nhưng nói chung là tuyệt. Thật ngạc nhiên, thế anh đang ở Miami à?
- Không, vẫn ở Los Angeles.
- À... mấy năm qua anh thế nào?
- Cũng như trước kia thôi.
- Đã làm việc trở lại rồi sao?
- Tôi chỉ làm việc tạm thời thôi.
- Thế là sao, anh vẫn thất nghiệp à?
- Cũng không hoàn toàn thất nghiệp như vậy. Thế anh thế nào?
- Có nhiều việc lắm, Alex. Bọn tôi đang tiến hành nghiên cứu bức tường tế bào thẩm thấu tiên tiến tại phòng thí nghiệm các chất gây ung thư. Đã có nhiều dự án tự nguyện hỗ trợ cho việc thử nghiệm thuốc. Tôi có nên biết tại sao lại vinh dự được nhận cuộc họp hôm nay của anh không?
- Tôi có một câu hỏi cho anh đây, nhưng chỉ là câu hỏi cá nhân thôi, không phải công việc vì vậy nếu anh không muốn trả lời cũng không sao.
- Cá nhân?
- Về việc anh ra đi ấy.
- Thế anh muốn biết gì về chuyện đó?
- Tại sao anh lại quyết định ra đi?
- Nhưng tại sao đột nhiên anh lại có vẻ tò mò muốn biết về động cơ của tôi vậy?
- Bởi vì tôi đã trở lại làm việc ở Bệnh viên Nhi đồng miền Tây và muốn tham khảo một người từng làm việc ở đấy thôi. Ở đây có vẻ không được tốt lắm Raoul. Tinh thần làm việc thấp. Người thì muốn ra đi, người thì muốn làm việc lâu dài. Anh là người duy nhất tôi biết rõ nên tôi gọi cho anh.
- Câu hỏi có vẻ cá nhân đấy nhưng tôi vẫn trả lời anh. Câu trả lời rất đơn giản Alex, tôi ra đi vì thấy mình không được trọng dụng ở đó.
- Bởi thế hệ lãnh đạo mới của bệnh viện?
- Đúng. Lựa chọn duy nhất của họ dành cho tôi là ra đi hoặc sẽ chết về chuyên môn. Tôi là trường hợp sống sót. CHo dù mọi người có nói với anh thế nào đi nữa thì tiền bạc cũng không là gì trong trường hợp này. Không ai làm việc cho Bệnh viên Nhi đồng ấy vì vấn đề tiền bạc, chắc anh cũng biết điều đó. Cho dù như vậy thì vấn đề kinh tế cũng lại tồi tệ thêm kh nhóm Visigoths lên lãnh đạo bệnh viện. Lương không tăng, người không tuyển, thái độ coi thường các bác sĩ như thể bọn mình là đầy tớ của họ vậy. Tôi có thể bỏ qua mọi chuyện vì công việc nhưng khi công việc cũng không còn thì chẳng có lý do gì để ở lại cả.
- Họ không cho tiến hành công việc nghiên cứu?
- Không hoàn toàn như vậy nhưng đến đầu quý cuối cùng tôi còn làm việc ở đó, Ban giám đốc thông báo một chính sách mới: Vì khó khăn tài chính, bệnh viện sẽ không hỗ trợ tài chính cho công tác nghiên cứu nữa. Trong khi đó anh biết đấy, Chính phủ lại đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, họ tài trợ tiền cho các chi phí trong quá trình nghiên cứu của các cơ quan. Thậm chí các tổ chức tư nhân cũng đang đẩy mạnh công tác này. Tất cả chi phí cho công việc nghiên cứu của tôi đều do Viện nghiên cứu ung thư cấp. Quyết định này chấm dứt mọi dự định của tôi. Tôi đã khiếu nại, tranh cãi và chứng minh cho họ thấy thực tế những gì bọn tôi đang làm là công việc nghiên cứu về ung thư nhi khoa, là vì lợi ích chung. Nhưng không giải quyết được việc gì cả. Tôi đã bay đi Washington gặp các quan chức lãnh đạo ngành y của Chính phủ đề nghị rút lại quyết định đó nhưng cũng vô ích. Anh xem, như vậy thì lựa chọn của tôi là gì? Chẳng nhẽ ở lại để chấm dứt mười lăm năm làm việc của mình sao?
- Mười lăm năm - Tôi nói - Chắc là anh phải khó quyết lắm.
- Cũng không dễ nhưng hoá ra đó lại là một quyết định hay, ở đây, tôi là thành viên ban điều hành có quyền bầu cử. Cũng có rất nhiều gã ngốc ở đây nhưng tôi chẳng thèm để ý đến họ. Và ơn Chúa, đứa nhỏ thứ hai nhà tôi Amelia đã đăng ký được vào trường y Miami và đang ở với tôi. Chỗ tôi làm việc nằm ngay bên bờ Đại Tây Dương và thi thoảng tôi có đi Havana, ở đó rất tốt, Alex ạ, nơi đó như thể vừa qua một cuộc phẫu thuật. Tất nhiên phải rất gian nan mới được như vậy nhưng kết quả cũng xứng đáng với những gì mình bỏ ra.
- Họ thật ngốc khi để mất anh.
- Tất nhiên rồi. Mười lăm năm làm việc mà không hề mua nổi một chiếc đồng hồ vàng. Bọn họ không hề quan tâm đến những người làm công tác khoa học như bọn mình, điều mà họ quan tâm duy nhất là tiền.
- Jones và Plumb?
- Và hai con chó theo đuôi bọn chúng - Novak và một tay nữa. Hãy nghe tôi Alex, đừng có mà quá kỳ vọng vào chỗ đó. Sao anh không đến Miami làm công việc mà mình được trọng dụng? Bọn mình sẽ cùng làm một dự án xin hỗ trợ. Bệnh AIDS bây giờ đang được nhiều người quan tâm. Hai phần ba số người bị bệnh về huyết nhiễm AIDS vì đã truyền máu nhiễm bệnh đó. Anh sẽ có ích ở đây.
- Cảm ơn vì đã có lời mời, Raoul.
- Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm tốt từ thời mình còn làm việc với nhau.
- Tôi cũng vậy.
- Hãy suy nghĩ về điều tôi nói nhé.
- Được rồi, tôi sẽ xem xét.
Cả hai chúng tôi cùng cười.
- Tôi có thể hỏi thêm anh một câu nữa không?
- Cũng lại cá nhân?
- Không. Anh có biết gì về Viện nghiên cứu Y tế Ferris Dixon không?
- Tôi chưa bao giờ nghe nói về nó. Có chuyện gì vậy?
- Nó tài trợ cho một bác sĩ ở Bệnh viên Nhi đồng miền Tây, tất nhiên là có ô bên trên.
- Vậy sao, người đó là ai vậy?
- Một nhà nghiên cứu chất độc tên là Laurence Ashmore. Ông ta đã tiến hành một số nghiên cứu về dịch tễ học đối với ung thư trẻ em.
- Ashmore... tôi chưa bao giờ nghe nói đến ông ta. Ông ta nghiên cứu loại dịch tễ học nào?
- Thuốc trừ sau và tỷ lệ u ác tính. Hầu hết là những lập luận lý thuyết với những con số thôi.
- Viện đó tài trợ cho ông ta bao nhiêu?
- Gần một triệu đôla.
Raoul im lặng một lúc rồi hỏi lại với vẻ hoảng hốt:
- Cái gì?
- Đúng là con số đó.
- Có ô ở trên à?
- Ô rất to đấy chứ?
- Thật kỳ lạ. Tên của Viện này là gì nhỉ?
- Ferris Dixon. Họ còn tài trợ cho một dự án khác nhỏ hơn rất nhiều. Đó là dự án của một nhà kinh tế mang tên Zimberg.
- Cũng có ô đây. Tôi sẽ kiểm tra xem thế nào. Cảm ơn anh về thông tin này, Alex. Đừng bỏ qua đề nghị của tôi. Ở đây cũng rất hay.