The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
ùng đứng bật dậy ngay sau khi Khuyên vừa dứt lắc chuông mãn giờ thăm bệnh.
Khuyên lặng lẽ nhìn chàng hấp tấp thu gom mọi thứ. Từ lâu nay mặc dù công việc lúc nào cũng ngập đầu, căng thẳng, nhiều khi không đủ giờ để nghỉ ngơi buổi tối chứ đừng nói đến suy nghĩ vẩn vơ, thế mà Khuyên vẫn thấy vẻ mặt Tùng rầu rầu kể cả những lúc cùng nhau uống trà hay bất ngờ được giữ lại ăn cơm tại chỗ vì bệnh nhân quá đông trông Tùng cũng chả khá hơn là mấy..
Khuyên cố tìm cách dò hỏi xem lúc nào Tùng rảnh qua chơi đàm đạo đưa cay một lát với bố mình nhưng chàng cứ lần lữa thoái thác. Trước đây khi chưa lấy vợ, Tùng ít để lộ cảm xúc như lúc này. Tại sao? Nếu Sa là cái gai trước mắt chàng như cái bữa làm cháy chảo khi chưa kịp xào rau thì giờ nó đâu được bén mảng tới bếp nữa! Ít ra cũng phải thấy nhẹ nhõm chứ sao vẫn cứ buồn? Ăn rất ít đôi lúc như người mất hồn. Mẹ chàng, chị Xuân ra sức nấu bao món bổ dưỡng nhưng chàng chỉ gắp lấy lệ. Cho rằng con trai làm việc qua sức bà Chánh định mướn thêm thầy lang phụ một tay. Chị Xuân suốt ngày chế biến món ngon vật lạ nhưng Khuyên để ý nỗi buồn trong mắt Tùng vẫn không biến mẩt, hơn thế nữa lại biếng nói hẳn đi. Nhìn cái gì cũng quá bình thản đến độ lãnh đạm thờ ơ. Khuyên thật sự lo lắng, cố gắng tìm mọi cách để chàng không ra khu vực sau, điều có thể tạo cơ hội cho hai người nhìn thấy nhau. Khuyên linh cảm Sa không dễ dàng bỏ theo Dân. Dạo này để ý thấy nó có vẻ an phận nhún nhường hẳn ra. Nó đang âm mưu gì đây? Cố gắng trở thành con dâu tốt? Nghĩ tới đây Khuyên bất giác bỉu môi.
Khi cả hai ra khỏi phòng chẩn mạch Khuyên nhắc nhở:
_Anh Tùng mai nhà anh có giỗ kỵ phải không?
_Sao em biết?
_Em nhớ năm nào chả thế. Được ăn giỗ phải nhớ chứ! Với lại mẹ em hồi sáng có trẩy cặp bưởi đẹp nhất giữ trên cành lâu nay để mai qua thắp nhang các cụ. Mai không làm việc buổi chiều phải không anh?
Tùng vừa tất tả đi vừa trả lời:
_Ừ! Thôi anh vào phòng chợp mắt một chút! Buồn ngủ quá! Người cứ rã rời.
Nói xong chàng rẽ qua hiên nhà chính, biến mất sau cánh cửa phòng mình.
Khuyên đứng lặng một lúc nhìn theo thở dài, khẽ lắc đầu. Nàng cũng lầm lũi về nhà mình quên cả vào chào bà Chánh, chị Xuân.
Tùng nằm duỗi dài đờ đẫn trên giường. Một lúc nghe tiếng chị Xuân rồi mẹ cuối cùng là thằng Tí đập cửa nhưng vẫn nằm yên nhắm mắt.
Hôm nay số bệnh nhân đã bớt tạo ra những khoảng trống và hình bóng Sa lại len lỏi vào. Lúc trưa cố gắng ra cái ao đá giải khuây gọi tên Ngọc Điểm để khoả lấp sự trống vắng trong lòng nhưng không được. Từ hôm đòi xào rau muống cho đến nay không thấy mặt nàng. Nghĩ lại ngoài cái tội hôm đó trốn nhà chồng đi đêm, Sa chưa làm gì không phải cả! Người yêu của cô ta cũng không còn. Sỡ dĩ phải để Sa ở phía sau trước hết nếu còn có ý định bỏ trốn cũng khó, con Mực lúc nào chả ngồi một đống ở ngã rẽ. Đồng thời đây cũng là cách nhanh nhất để mẹ nguôi ngoai uất ức. Không hiểu cô ta muốn gì? Mọi hành động của cô ấy dù tốt hay xấu cũng gây ghi ngờ. Cứ đoán mò có thể gây hiểu lầm. Chắc phải nhờ chị Xuân gặng hỏi han xem sao? Cũng lạ! Từ bữa đó đến nay không thấy bóng dáng đâu! Chắc chị Xuân dặn dò tránh mặt mẹ lúc này chứ gì! Hay tại vì mình không có thì giờ phải ăn uống ngay tại chỗ làm việc, ít ra sau không thấy? Hôm trước có dặn già xem lại gian lá có chỗ nào hở thì đóng lại cho kín không biết già coi lại chưa? Chỗ đó không gần những bụi xả lắm nhưng quang quẽ rắn nào lui tới? Có điều, cái mồm thằng Dân độc lắm nhiều khi lại có rắn không biết chừng.
Tùng cứ nằm lì không buồn thắp đèn. Thi thoảng vẫn ghe tiếng gõ cửa, tiếng chân bước tới, bước chân xa dần.
Ngoài kia trăng đã lên cao, trăng tỏ vằng vặc, dây trầu bà quấn quýt lá bên song cửa hắt bóng lên ngực chàng. Hình như có bước chân hơi lạ, lần này rất nhẹ còn ở ngoài xa không hiểu sao chàng vẫn biết. Khi vào mình nhớ đã khoá chốt sao cửa lại đang từ từ hé mở?. Cũng không thấy dây trầu bà nữa! Tất cả hình như đang mờ đi thẫm lại. Có ai đang vào thì phải? Tùng nằm im hồi hộp. Sa thò đầu nhìn, ngập ngừng bước vào, tiến lại gần đèn tơ hồng mồi lửa, bấc phụt cháy, tự dưng Sa quay đầu vụt chạy. Tùng bật dậy đuổi theo. Nàng chạy về phía ao đá nhưng khi đuổi kịp tới đó lại không thấy nàng. Tùng cúi xuống, súng nở kín bập bềnh, máu sắc rất lạ như ánh hoàng hôn nhuộm tím mặt ao, chàng đưa tay khoả thật mạnh. Những bông súng rung rinh va chạm xô giạt, khoảng trống từ từ lộ ra, chập chờn khuôn mặt Vân Sa phản chiếu trên mặt nước, đôi mắt sâu hút mở to, hoang mang thảng thốt..
Bật dậy trong đêm Tùng kêu lên trong trạng thái còn mơ ngủ chưa hoàn toàn tỉnh hẳn:" Sa ơi!"
Ở khu bệnh xá phía sau, trong gian lá Vân Sa đang say giấc sau những giờ làm việc cật lực mệt mỏi bỗng giật mình mở mắt ngồi dựng lên ngơ ngác. Xung quanh nàng chỉ có ngọn đèn tù mù hiu hắt. Sao lạ? Rõ ràng nghe có tiếng ai gọi mình? Chẳng ai gọi sao? Bực quá! Mình vừa nghe vội nắm bắt ngay vậy mà cũng không kịp, lại tan biến!
Sa thất vọng nằm lại xuống giường. Có thể chính tiếng lòng mình mong mỏi quá nên những thiết tha câm lặng đã bật nên lời trong cơn mơ?. Từ lâu nay Sa luôn tìm cơ hội được nhìn lén Tùng vì biết không đủ trầm tĩnh đối diện với chàng, một ngày không thấy bóng Tùng, nàng bồn chồn xốn xang. Có hôm ra được khu vực phía trước khi con Mực không canh ở đó, đi qua dãy nhà chính lén nhìn vào phòng thờ nhưng cửa đóng nên chưa có dịp thắp nhang cúi đầu tạ tội với lão gia, nàng đánh bạo đi tiếp đến căn phòng ngày đầu tiên về làm dâu đã từng được ở.
Không biết từ lúc nào chợt nhớ thương căn phòng từ đó mình đã trốn đi, cho đến nay vẫn không được phép trở lại. Vân Sa không thể hiểu được mình nữa! Cũng căn phòng đó sao cảm xúc của mình trái ngược đến vậy?. Những gì lúc đầu thờ ơ hờ hững khi bước vào, giờ lại đang dần đậm nét? Ôi! ước sao được nằm trên chiếc giường trải gấm êm ái, được nghe tiếng chàng chửi mắng, trách oán gì cũng được. Ngọn dèn tơ hồng trong hồi tưởng mà cứ như đang trước mắt. Ánh nến lung linh kêu lách tách, lệ đỏ ứa ra chảy dọc thân sáp nhiễu xuống thành một khối càng lúc càng căng tròn thắm đỏ long lanh trong suốt. Lạ quá!.Sao tự dưng mình nhớ lại chi tiết tỉ mỉ ngọn tơ hồng trong căn phòng ấy?
Ý muốn tha thiết được buông mình trên cái giường đó, được lăn lóc vuốt ve, áp mặt vùi môi vào gối rồi hôn lên muôn ngàn cái khiến Sa khắc khoải đến khó chịu, nàng rên khe khẽ trong trạng thái gần như đầu óc mụ mẩm u mê đi: “Tùng ơi! Hãy tha thứ cho em!”
Thím Sinh đứng trên thành hồ bán nguyệt chải mái tóc vừa gội còn thơm mùi hoa bưởi. Ở vị trí này có thể dùng mặt hồ làm gương soi, vừa để cho làn tóc buông thả thật dài gần chấm gót không phết đất.
Mỗi lần hong tóc thím đều hãnh diện nhớ lại thời mới lấy bố Dân. Lúc mới về làm dâu hai vợ chồng bà được ra riêng ngay vì ông Sinh không phải con trai cả. Lúc về đây làm gì có cái hồ này! Ngưỡng mộ mái tóc dài đen ông Sinh không muốn bà cắt bớt tóc nên xây cái hồ có thành cao để bà vừa soi mình chải tóc hong tóc.
Tóc bà lúc còn con gái chỉ được cái nhiều mau dài nhưng sợi tóc không óng ả thướt tha mềm dịu như tóc của Sa, con dâu thứ hai của bà Chánh. Hình như trong đời chưa bao giờ thấy ai có mái tóc đẹp nhường ấy! Thường có câu “Trắng da dài tóc” là tốt, vậy mà sao bất hạnh quá!
Cũng may cái thằng người yêu con Sa chưa dụ nó cắt tóc, thề thốt, nếu không bây giờ gia đình nó mang hộp đựng tóc thề của con Sa tới ăn vạ có mà chị Chánh lăn đùng chết giấc chứ chịu gì nổi. Thế nhưng chắc chúng cũng sâu đậm lắm, thằng kia mới cuồng lên không biết trời đất gì nữa, mới đâm đầu tự vẫn chứ! Con người ta hư không dễ gì mà chết thế à?. Không biết chị Chánh tính sao đây? Không lẽ cứ để nó ở gian nhà lá, rủi có ai thấy biết ăn nói sao với thiên hạ? Trưa nay qua ăn giỗ hỏi dò chị ấy xem sao.
Đang nghĩ lan man bỗng bà nghe tiếng chồng hét lên:
_Mẹ thằng Dân đâu rồi vào đây mau lên!
Nghe chồng lớn tiếng bà Sinh tưởng ông bị sao vừa búi vội tóc vừa chạy nhanh vào.
_Tôi đang ở trong phòng ngủ, vô đây tôi hỏi cái này!
Bà Sinh bước vào phòng ngủ, ông Sinh mặt hầm hầm đứng trước cái rương đang mở toang nơi bà biết ông chỉ giấu tiền và thuốc quý. Bà hỏi:
_Gì thế ông?
_Sao thuốc trong nhà vơi hẳn mà thằng Dân không mang tiền qua gấp cho tôi để rồi hai cha con không gặp nhau. Tôi tưởng nó chưa bán được, ai dè bán được rồi! Nhưng tiền trong rương lại ít hẳn không phù hợp với lượng thuốc đã vơi. Kể cả số tiền tôi để riêng cũng bị hụt đi mấy phần.
_A! cái này ông phải hỏi cháu ông, thằng Tùng đấy! Có thể cuối mỗi kỳ mới tính không chừng! chút qua ăn giỗ luôn thể hỏi thì ra chứ làm gì om tỏi thế?. Con nó có nói kỳ này nó ghé Thượng Hải rồi mới đến Vân Nam trước khi kịp về ăn tết. Nó dặn tôi nói với ông cứ ở Vân Nam chờ nó.
Ông Sinh nghe vậy dịu giọng:
_Vậy à? Thôi được tưởng ai chứ Tùng cứ để khi nào cháu nó tính thì tính chứ hỏi han làm gì? À mà này! Tôi dặn chút nữa qua ăn giỗ đừng có lép bép nói cạnh nói khoé chuyện con Sa nghe chưa? Kệ tụi nó với nhau. Thằng Tùng sâu sắc điềm đạm nó sẽ biết làm sao cho ổn thoả. Đừng đổ thêm dầu vào lửa!
Thím Sinh trề môi:
_Giời ạ! Chuyện gì liên quan tới cháu ông là ông câm như hến không dám mở miệng động tới, còn con trai mình chuyện bé như ngón tay cũng làm toáng lên cả làng cả xóm đều biết. Đôi khi tôi không hiểu thằng Tùng hay thằng Dân là con ông nữa!
Ông Sinh trợn mắt quát:
_Im ngay! Bà ăn mắm ăn muối gì mà nói năng báng bổ thế?. Chị Chánh nghe được bà đừng hòng có đất sống ở đây! Thằng Dân mà bằng cái móng chân thằng Tùng tôi đi đầu xuống đất. Tôi cũng mong Tùng là con trai tôi nhưng có được đâu!
Thím Sinh ức quá không nhịn được buông ra một câu:
_Thôi! Đây không dám động tới cháu dòng cháu giống nhà ông nữa đâu!
Vừa dứt lời bà nghe xoảng một tiếng, cái bình kiểu, mới mua về bị ông Sinh ném xuống đất vỡ tan tành cho hả giận. Thím Sinh lùi lủi gạt nước mắt thoát nhanh ra ngoài. Bà biết tỏng ông bực mình khi nghe chuyện nhà bà Chánh, Tùng Sa không yên ấm ngay từ đêm tân hôn, ông không biết gì cho đến khi sáng nay về nghe kể lại tường tận. Bây giờ lại đổ cơn giận lên mẹ con bà. Thật hết chịu nổi!
Khuyên đang mải lau bàn ghế chợt có cảm giác như có bóng ai vừa lướt qua, nàng vội ngước lên nhìn ra. Bóng Tùng vừa lướt qua nhưng không bước lên tam cấp mà lại đang lớ ngớ ở ngã rẽ bên dãy hoè. Khuyên gọi:
_Anh Tùng! Anh nhìn gì đó?
Tùng lắc đầu trả lời:
_ Không! Có nhìn gì đâu! Sao em qua sớm vậy?
_Hôm nay em dậy sớm qua dọn dẹp phòng chẩn mạch để trưa lúc nghỉ có thì giờ vào bếp phụ chị Xuân một tay. Anh vào đi, sửa soạn uống miếng trà còn thăm mạch bốc thuốc cho xong rồi nghỉ lo cúng giỗ nữa, anh bây giờ là con cháu đích tôn mà!.
Tùng lưỡng lự rồi bước lên phòng. Nhìn thái độ và khuôn mặt bơ phờ của chàng Khuyên bỗng lo lo, không lẽ hai người họ làm lành với nhau sao mà Tùng kỳ lạ quá! Không! Tùng không thể là người dễ tha thứ như vậy! Mình chỉ được cái lo hão! Nhưng mà cũng phải để ý mới được!
Trời con se lạnh, nắng chưa lên nhưng Khuyên đã lột áo cánh ngoài chỉ khoác hờ cái yếm, cầm chén trà đưa lại đặt trước mặt Tùng, người Khuyên cúi xuống nghiêng hẳn tấm thân ở tư thế để chàng chỉ cần liếc một cái là có thể thấy nguyên hai gò bồng đào lồ lộ phập phồng. Khi thấy nàng dựa vào mình sát qúa Tùng kéo ghế nhích ra xa khiến Khuyên suýt nữa mất thăng bằng, Khuyên tức mình trách nhẹ:
_Anh sao vậy?”
Tùng đưa tay lên vuốt thái dương than:
_Mệt mỏi! Hôm qua ngủ mộng mị nên hôm nay buốt đầu quá! Không uồng trà đâu để chút anh uống hoa hoè!”
Khuyên với tay lấy lọ dầu xoa, sáp lại định thoa lên hai thái dương cạo gió, Tùng gạt phắt tay nàng rồi bước ra khỏi phòng không nói một lời. Vừa lúc đó bệnh nhân lục tục kéo đến, chàng đành bước trở vào.
Sau những bàng hoàng vì sự cự tuyệt rất rõ ràng Khuyên cố lấy lại bình tĩnh bắt đầu công việc hàng ngày như chưa có gì xảy ra. Nàng lặng lẽ nghe đọc tên thuốc ghi vào sổ, bốc thuốc, cân, gói nhưng vẫn nhìn lén Tùng lòng hậm hực ấm ức. Mấy lần tìm những cách thật tế nhị để tỏ sự âu yếm đều bị tránh né. Nhưng chưa lúc nào lại phũ phàng như lúc nãy.
Khuyên căn môi nghiến răng lại đau xót uất ức. Tự biết mình là người nhan sắc lại tài năng giỏi giáng khéo léo, trai làng khối người ngấp nghé mơ ước vậy mà Tùng lại xử sự thế sao?. Sa là vợ cả bộ Khuyên không đáng được làm thiếp sao?. Con Sa tội lỗi đầy mình dám trốn nhà chồng theo trai, riêng tội ấy cũng đáng bị thả bè trôi sông, lại còn vụng về ngớ nga ngớ ngẩn xét về nhan sắc có phần nhỉnh hơn mình nhưng tài đảm nết na thì làm gi có, so ra con này không đáng xách dép cho mình chứ đừng nói chuyện phận mình mà phải chịu làm bé để nó làm lớn đâu!.
Nếu Tùng không thương nó để ý nó làm sao nó có thể tồn tại trong căn nhà này?. Giữa mình và nó rõ mười mươi là mình đáng giá hơn ăn đứt nó rồi. Bà Chánh ắt hẳn xem trọng mình hơn rồi!. Nó có biến mất khỏi đây cũng chả thiệt ai cả! Nhưng thử hỏi không có mình gia đình này sẽ thế nào đây?. Mẹ con chủ tớ gì không cuống cuồng rối rắm lộn tùng phèo lên thì con này sẽ đi đầu xuống đất ngay!. Dễ gì kiếm được người trợ thủ đắc lực như mình?
Cha con nhà họ mắt toét hết rồi tự nhiên rước nó về đây làm gì giời ạ!. Kiểu này phải trị con Sa tới bến, phải làm cho cái con khắc tinh này lên bờ xuống ruộng cho Tùng sáng mắt ra, nếu cần loại bỏ hoàn toàn không nương tay nể nang ai cả!.
Cơn giận đang râm ran âm ỉ bỗng phừng lên khi qua khung cửa sổ Khuyên thoáng thấy bóng Sa lởn vởn ở khúc rẽ. Hôm nay cô ta mặc bộ áo màu bùn non, búi tóc cao, đang đưa nhè nhẹ cái chổi quét quét định mon men ra phía sân đối diện phòng chẩn mạch, Khuyên ngừng việc đứng bật dậy nói trống không
_ Chờ chút tôi ra đây có việc.
Từ lâu Khuyên cố giấu ác cảm của mình với Sa. Ít hỏi han gì về Vân Sa với Tùng. Cứ như Tùng còn độc thân. Thái độ của Tùng hồi nãy làm nàng phải thay đổi không chờ đợi thụ động mà trở nên quyết liệt hơn. Nếu Tùng không đáp lại tấm lòng sâu đậm chân tình này thì Khuyên cũng sẽ bắt chàng điêu đứng vì sự quá vô tình của mình.
Từ phòng mạch chạy ra tiến lại gần Sa, Khuyên quắc mắt gắt:
_Ra ngay phía sau dùm tôi cái! Mù hay sao mà không thấy người bệnh đang ngồi chờ đầy ra đó? Định cho mọi người hít bụi à? Ngớ ngẩn đần độn vừa vừa thôi để thiên hạ còn ngu với chứ!
Khuyên trút những tiếng sau cùng bằng một giọng riết róng mỉa mai, “Nếu tâm thần còn chưa ổn thì xin cô ở trong phòng dùm, như thế cũng đỡ cho chúng tôi lắm rồi! Cái nhà này chẳng dám nhận sự giúp đỡ lặt vặt của cô đâu!”
Dứt câu Khuyên quay ngoắt đi trở vào làm việc lại.
Sa cứ sững người nhìn Khuyên không thốt nên lời. Nàng quay người quét trở lui. Ánh mắt toé lửa Sa vừa chạm phải khiến nàng cảm thất bất an sợ hãi mơ hồ. Nàng linh cảm mình đang sống trong sự bủa vây của hận thù đố kỵ, tốt nhất là nên câm lặng đứng yên, nếu không vòng vây sẽ siết chặt.
Ông Sinh, Tùng, lão câm khệ nệ bưng những mâm cỗ từ phòng thờ đi thẳng vào phòng ăn.
Cụ đồ Lương, bố Khuyên cùng với một số tai mắt trong làng và họ hàng thân thích xa gần cũng bước theo vào.
Chú Sinh mời mọi người an toạ.
Bà Chánh đứng lên trịnh trọng mời:
_ Xin các vị tự nhiên cho! Chú Sinh tiếp khách dùm tôi nhé! để tôi qua bếp coi mấy chị em nhà ta ra sao?
Bếp bữa nay toàn phụ nữ với trẻ nít. Bà Chánh khi sáng đã dặn Xuân đóng cửa sau căn bếp, cho con Mực chặn chỗ ngã rẽ không cho khách đi qua khu vực sau. Còn phòng chẩn mạch đã đóng. Không có bệnh nhân tới khám lúc này! Xuân, Khuyên, Sẻ, My với một số con cháu thân quen quây quần trên cái phản ngày thường cả nhà dùng bữa. Đứng nhìn một hồi rôi bà gọi:
_Tí ơi!
Thằng Tí đang ngồi bên cạnh mấy đứa sàn sàn tuổi như nó nghe bà gọi quay lại:
_Dạ bà kêu con!
Miệng nó hỏi nhưng không nhúc nhích khỏi chỗ vì còn mãi giành ăn
Bà Chánh hỏi:
_Con có vào ăn với nội ở phòng bên không?
_Dạ thôi nội à! Con ăn trong này cho nó tiện!
Bà Chánh nguýt yêu:
_Gớm! Tôi đi guốc trong bụng ông. Ông ngồi với tôi phải nghiêm chỉnh không vung tay vung chân được nên ông thoái thác chứ gì!
Rồi bà nhìn mọi người nhẹ nhàng mời:
_Ăn uống vui vẻ thoải mái đi! Mấy đứa nhỏ chút nữa chờ bà phát lộc rồi hãy về!
Cả bọn dạ ran
Ông Sinh nãy giờ có khách không thể tâm sự với cháu nhưng thấy vẻ mặt Tùng thay đổi quá! Gầy, hốc hác như người mất ngủ, vẻ ung dung tự tại lúc trước không còn, đặc biệt đôi mắt rất buồn một điều ông không hề thấy trước khi Tùng cưới vợ. Ông nghĩ thầm cũng may trong ngày giỗ, ngoài những phụ nữ lớn tuổi có vai vế hẳn hoi mới ngồi chung với cánh đàn ông ở đây, còn lại tất cả đàn bà con nít đều ăn ở bếp thế nên bà Chánh không phải khó ăn khó nói với ai hết. Mọi người đang ăn nói chuyện rôm rả bỗng thằng Tí chạy vào hỏi:
_Nội ơi! Có cánh gà không cho con một cái ở bếp hết cánh gà rồi!
Tùng vẫy nó lại gắp cánh gà bỏ vào bát cho nó rồi gọi với vào bếp:
_Chị Xuân ơi! Đem bớt mấy đĩa qua đó cho mọi người dùng ở đây nhiều quá ăn không hết đâu!
Một người đàn ông bạn thân với chồng bà Chánh nhìn thằng Tí buột miệng xuýt xoa:
_Giời ạ! Cháu đích tôn dễ ghét chưa kìa! Thế bao giờ bà có thêm cháu đây!
Một người khác chen vào:
_À sao tôi chớ hề thấy con dâu thứ hai? Người gì đẹp như tiên ấy! Có tin mừng gì chưa Tùng?
Bà Chánh vội đáp ngang:
_Mấy bữa nay nó không được khoẻ bắt nằm trong phòng chứ lăng xăng làm việc lại thành ốm nặng ra đó ích gì! Cúng giỗ, ông bà có về thăm thấy vậy cũng chẳng vui được
Bà đồ Lương coi bộ đã biết hết chuyện nhà bà Chánh ỡm ờ nói:
_Đâu phải đẹp nước sơn là tốt gỗ đâu bác. Nhiều khi nhìn thế nhưng chậm con.
Bà đồ Lương nói rồi biết mình lỡ lời cúi xuống ăn. Bà Sinh ngứa mồm khó chịu muốn mỉa mai mấy câu nhưng thấy chồng lừ mắt bà nín lại múc ít canh miến nuốt cho dễ trôi.
Vừa nghe thấy mọi người nhắc đến Sa, Tùng định cầm đĩa thức ăn phụ chị Xuân đem vào bếp hầu có dịp quan sát Sa nhưng nghe mẹ nói chàng cụt hứng không đứng lên nữa cố làm ra vẻ bình thản nói lãng sang chuyện khác. Chỉ mới rảnh rỗi một lúc mà lại thấy quây quắt nhớ mới kỳ! Mình cứ đinh ninh là Sa có mặt ở bếp, hoá ra đâu có!
Lão câm lặng lẽ ăn như một cái bóng. Thỉnh thoảng Tùng lại tiếp thức ăn thêm vào bát của lão. Lúc nãy trong khi sắp cỗ ra bàn, lão nhanh tay để lại một phần xôi, thịt gà, một ít canh măng miến cất gọn vào một góc trong tủ đựng bát đĩa kiểu, đậy lại kỹ càng nên không ai để ý.
Thật ra Sa đã được chị Xuân báo cho biết bà Chánh ra lệnh nàng phải khoá mình trong phòng. Mọi người ăn uống lặng lẽ. Tùng thỉnh thoảng nhìn mẹ, chú Sinh thì nhìn Tùng, bà Lương và bà Sinh lại đưa mắt nhìn nhau. Tuy ngồi cùng một bàn nhưng lòng mỗi người một khác. Ông Sinh lại lừ mắt nhìn vợ rồi phá tan bầu không khí nặng nề bằng cách kể những chuyện vớ vẩn ông gom góp được khi buôn thuốc ở Vân Nam.
Bữa ăn cỗ lại rôm rả trở lại. Miệng thì kể nhưng ông không rời mắt khỏi cháu. Tùng ăn rất ít. Thỉnh thoảng bỏ đũa hớp tí rượu cố nén tiếng thở dài. Trong đầu Tùng suy nghĩ mông lung. Trờì! Hoá ra ngày giỗ kỵ tổ tiên ông bà, Sa lại bị ép nhốt mình trong phòng ư? Không được! Mẹ hiểu lầm mình hay sao ấy?. Sao nỡ đối xử với cô ấy như vậy trong ngày hôm nay? Dù sao cô ấy cũng là người bố lựa chọn cho mình. Phải để cho linh hồn bố được yên vui dù cho là cô ấy có lỗi với gia đình. Lẽ nào mẹ không hiểu điều đó. Mẹ muốn gì nữa đây? Cưới thiếp cho mình chắc? Mình có còn là mình nữa không? Hết theo lệnh bố rồi lại cúi đầu “dạ” mẹ sao?
Đầu óc vẩn vơ lung tung đến nỗi Tùng thộn ra, ngạc nhiên không biết mình đang theo phe mẹ hay bố? Hay chính lòng mình có đổi thay? Tại sao vậy? Tất cả những câu hỏi vừa loé lên phải chăng chỉ là cái cớ khoả lấp, chối bỏ những gì chàng vừa lờ mờ nhận ra trong cơn mơ tối qua?
Khi khách khứa đã ra về hết, ông Sinh kéo cháu vào thư phòng khoá chặt cửa rồi ôm Tùng kêu lên:
_Tội nghiêp cháu tôi quá! Khi về nghe chuyện hai vợ chồng con mà tan nát cõi lòng. Hai đứa quá xứng đôi đám cưới huy hoàng như vậy mà…ông chép miệng nói như khuyên nhủ:
_Tùng à! Chú thấy chuyện hai đứa không phải bế tắc hoàn toàn. Con đừng để ý nhiều làm gì cho khổ. Thôi thì con bỏ qua cho vợ con đi!. Con đã thương bố thì thương cho trót con à!. Đã vì chữ Hiếu thì giữ sao cho tròn nhé con. Theo như chú hiểu khi nói chuyện với bố Sa thì gia đình ấy quý trọng con lắm!. Có như vậy họ mới trả nó về đây chứ nếu không thiếu gì cách để bao che ôm ấp con mình?. Dù cho cô ấy có lỗi với con cũng nên để cho Sa về phòng riêng của hai đứa chứ không nên nhốt nó trong gian nhà lá kia!
_Dạ con đâu có trách cổ yêu ai đó trước mình. Phận mình tình duyên hẩm hiu thì biết sao đây? Con để cổ ở gian lá trước hết cho mẹ nguôi ngoai cơn giận cũng là lời cảnh cáo cho cô ấy biết đừng làm nhục gia đình này nữa! Ngăn không cho cô ấy có cơ hội lập lại hành động sai quấy. Để một thời gian thăm dò xem sao?. Nếu Sa không làm gì sai phạm nữa thì con sẽ gần gủi hỏi chuyện xem cô ấy muốn gì?. Nếu được con sẽ đáp ứng, thế thôi.!. Con sẽ bàn với chị Xuân cho cổ ở cái phòng trống bên cạnh phòng hai mẹ con chị ấy, chứ vào lại cái phòng riêng lúc trước thì …Tùng ngập ngừng nghĩ lại đêm tân hôn rồi buông một câu thật cẩn trọng: “thật tình con chưa nghĩ xa thế đâu!. Nhưng con cũng bực mình vì lúc nãy mẹ con không cho phép cổ ra ăn giỗ. Ý mẹ nói cô ấy làm ô uế thanh danh gia đình không cho héo lánh qua. Nhưng con sẽ tìm cách nói lại ý con, tránh đừng làm buồn linh hồn cha con nữa!. Đừng buộc con vì mẹ mà bất hiếu với cha, phũ phàng quá với vợ. Nhưng con cũng hiểu, mẹ cần có thời gian để chấp nhận lại người con dâu như Sa.
_Ừ con nói cũng phải. Chú yên tâm rồi!. Chú mang thuốc cho con để ở kệ tủ kia kìa!. Chú đâu dám đưa ở phòng mạch. Lôi thôi mất mát hay lẫn lộn thì hối không kịp.
_Vậy mà em Dân ẩu lắm đó chú!. Nó dạo này sao ấy, hay gây sự, làm gì cũng vô ý vô tứ.
_Chú biết! để kỳ này đụng đầu nó rồi chú sẽ cho nó một trận, nó còn nhiều tội chưa hỏi tới. Thôi! Chú qua phòng thờ thắp nhang rồi còn về sửa soạn đi chuyến cuối cho kịp mùa tết luôn.
_Con cũng phải ngồi lại đây tính sổ sách chứ lúc trưa nghỉ vội quá, đã xem xét kiểm lại được đâu!
Trước khi hai chú cháu từ biệt ông Sinh ôm chặt lấy Tùng thì thầm:
_Hận thù nên cởi không nên buộc thêm khổ vào thân con à! Ai tha thứ được cũng nên tha thứ huống chi là vợ mình?
Tùng xúc động cúi đầu dạ thật khẽ. Khi chú đi rồi Tùng ngỡ là mình vừa nói chuyện với cha chứ không phải với chú. Không hiểu sao lại có cảm giác kỳ lạ ấy! Thường thì giữa cha và chú, chàng phân biệt rất rõ ràng!
Ánh chiều đã tắt nhưng Sa ham việc muốn làm cho xong rồi mới ăn. Sa đang định vơ nốt mấy mớ thuốc đã xắt phơi khô trên các phên tre thì lão câm vỗ nhẹ vai, chỉ về mâm thức ăn lão để sẵn vừa hâm, có thịt gà, canh miến măng khô, ú ớ chỉ trỏ ý giục Sa ăn cho nóng.
Từ trưa tới giờ Sa không muốn ăn. Buồn vì không được cùng mọi người sum họp trong ngày giỗ của tổ tiên ông bà, hầu còn có cớ thắp cho cha một nén nhang. Khi thấy lão câm đưa phần thức ăn cúng giỗ Sa thật sự xúc động nhưng lúc đó đang làm, đã qúa bữa nên để đó, giờ lão câm phải hâm lại. Sa nhìn lão biết ơn rồi gật đầu nói:
_Dạ con biết nhưng để con dồn mớ thuốc khô vào bao treo lên xà ngày mai già khỏi lộn tưởng chưa khô lại mang ra phơi. Già cứ để đó đi, con ăn liền đây mà!
Nghe vậy lão có vẻ yên tâm cầm cái mâm có những chén thuốc Sa đã rót để sẵn còn bốc khói đi về phía bệnh xá.
Từ lúc bị Khuyên nạt nộ tới giờ Sa vẫn còn ấm ức trong lòng. Không hiểu tại sao cô ta lại có cái giọng đầy quyền uy đó với mình?. Cô ta chỉ là người phụ tá cho Tùng thôi mà! Điều gì khiến cô ta cư xử khó hiểu đến vậy? Cứ khinh khỉnh như bà chủ ấy còn mình là rác rến gì chứ không phải người, phải tấp ra đằng sau chứ không được hiện diện khu vực phía trước, bực cả mình! Không! Mình là cái gai trong mắt cô ta thì đúng hơn. Cô ta cho mình là gánh nặng, của nợ? Câu này mẹ chồng mình mắng thì được nhưng cô ta thì không nên nói thế!
Sa cột lại cái bao thuốc, ánh mắt trở nên đăm đăm, nàng siết thật mạnh sợi dây buộc cho chắc rồi lấy tay giáng bốp bốp vào cái bao vô tội như để xả những nỗi uất ức phải kìm giữ từ sáng tới giờ.
Sa đứng lặng không biết bao lâu cho đến khi trời sập tối. Chợt nhận thấy bóng mình đổ dài lẫn lộn với bóng những bao thuốc đang treo lủng lẳng, tất cả trông như thể những hình nộm bị treo cổ ở sân, Sa giật mình nhìn quanh.
Lão câm đang cắm cây đuốc vào cái mốc ở cột để thắp sáng sân. Lão cố gắng canh lượt thuốc cuối cùng đang cạn dần, bốc mùi thơm. Sa chạy lại mở nắp hít hà từng siêu thuốc một. Lão câm đứng nhìn Sa không chớp mắt. Lão lôi trong túi ra cái khoá cổng rồi hấp tấp đi về phía dãy hoè biến mất.
Vậy là Sa làm gì lão cũng không ngăn nữa! Phơi thuốc cũng được, xắt thuốc cũng được nếu bây giờ mình muốn canh thuốc chắc lão cũng bằng lòng. Hình như lão không ghét bỏ mình nữa thì phải. Vừa suy nghĩ Sa vừa cầm những tờ giấy gói thuốc nhìn kỹ từng tên, số lượng vị thuốc ghi trên đó rồi dò theo số thứ tự các siêu thuốc, miệng lẩm nhẩm đọc như để ghi nhớ tên thuốc và hít ngửi nhiều lần những làn hơi toát ra để nhận biết đặc điểm hầu nhận dạng từng vị thuốc một trong cái mùi thuốc đã trộn chung hổ lốn. Bỗng một giọng nói cất lên:
_Già đâu rồi?
Sa quay người lại, bà Chánh đã đứng ngay ở sân từ lúc nào. Lão câm nghe bà gọi cũng vừa trờ tới. Bà Chánh cầm cái đĩa trên đó có ít trái hồng và na vỗ vai ông ta ân cần nói:
_Lộc tổ tiên đó! Già cầm lấy!
Vừa nói bà vừa nhìn về phía Sa đang đứng lùi lại khuất trong góc tối.
Bà chỉ tay về phía nàng nói như quát:
_Con bé kia! Người thì đã yếu như sên làm gì mà giờ còn lảng vảng ở đây tính trốn à?. Đứng đây đêm tối gió máy rồi lại đổ hết bệnh này đến bệnh kia nhà này không ai rảnh để mà chăm sóc đâu!. Về phòng ngay!
Sa quay lưng chạy vội về gian lá không dám quay lại nhìn. Bà Chánh vừa nói gì nhỉ?. Rõ ràng mẹ sợ mình trốn? Vậy bà không thể lập mưu dụ dỗ mình trốn như mình đã nghi khi đọc lá thư của Dân đưa để hại mình được, hay chỉ có Tùng với Dân dính dáng vào đây để tống khứ mình?
Có tiếng đập cửa khe khẽ, Sa mở cửa, lão câm cầm mâm thức ăn trên đó có cả đĩa trái cây lúc nãy bà Chánh đưa để trên bàn ú ớ ra dấu ý muốn Sa phải ăn rồi quầy quả bước khỏi phòng.
Ngồi trước mâm đồ ăn nhưng Sa chưa cầm đũa nàng rút cuốn sổ ghi tên thuốc từ trong hộc bàn đọc vài dòng rồi lâm râm khấn:
“Thưa cha, cha sống khôn thác thiêng bỏ qua lỗi lầm của đứa con dâu này. Mẹ nói trái cây này là lộc tổ tiên. Con biết con không xứng đáng để hưởng nhưng con nguyện sẽ trở thành con dâu thảo hiền của cha như lòng cha mong ước khi mới nhìn thấy con lần đầu lúc sinh thời cha nhé!. Cha hãy giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, xin cha hãy thương con như khi con chưa phạm tội. Lòng con bây giờ đã ổn, sóng gió đã qua, con không có ý trốn nhà làm chuyện đồi bại huỷ hoại gia phong đâu cha à!. Nếu cha còn giận xin cha cứ phạt làm cho con đau đớn mấy cũng được nhưng xin hãy phù hộ cho con có đủ nghị lực niềm tin để sống mãi ở đây, đối đầu được với những thế lực mơ hồ muốn dồn con vào đường cùng, con đang dần dần cảm thấy điều đó. Cha ơi! Hôm qua già đã sửa lại những chỗ hở trong phòng này rồi nhưng dù cho già không sửa con cũng không muốn rời nơi đây nữa đâu!”
Sa ngưng không khấn nữa! Nàng không cần phải thú nhận nàng đang yêu Tùng. Chỉ có chàng mới làm nàng thay đổi bất ngờ như vậy! Thương Tùng nên thương cả căn nhà này. Quý trọng lão gia, hiểu cõi lòng lão gia nên thấy cây cỏ trong vườn sao bỗng dưng thân thiết quá!
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên