The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29 - Irkuxk
rkuxk, thủ phủ miền Đông Xibir là một thành phố có ba vạn dân vào thời bình. Một bờ khá cao sừng sững bên hữu ngạn sông Angara làm nền cho những nhà thờ, nổi bật lên một đại giáo đường cao ngất và những nhà cửa được bố trí không theo một trật tự nào cả, nhưng trông thật ngoạn mục.
Nhìn từ một khoảng cách nào đó, từ trên đỉnh một quả núi nằm dọc đường cái lớn đi Xibir xa hai chục dặm chẳng hạn, thành phố có một chút dáng dấp phương Đông với những vòm tròn, những gác chuông nhỏ, những chỏm tháp mảnh dẻ vút lên như tháp của những giáo đường Hồi giáo, những mái vòm phình to như bụng những chiếc độc bình Nhật Bản. Nhưng cái vẻ bề ngoài đó biến mất dưới mắt của du khách khi bước qua ngưỡng cửa thành phố.
Irkuxk, cái thành phố nửa Bidăngxơ nửa Trung Quốc lại có vẻ Âu Tây với những đường phố rải đá, có vỉa hè, có rãnh thoát nước, có trồng những hàng cây phong khổng lồ; với những căn nhà gạch và gỗ, một số có nhiều tầng; với những xe cộ tấp nập không những là loại xe mui trần, xe mui da và cả xe ngựa bốn bánh và xe ngựa có mui gập; với cả một lớp người tiên tiến của một xã hội văn minh. Những mốt thời thượng của thủ đô Pari ở đây cũng không phải là xa lạ.
Vào thời gian đó, thành phố Irkuxk, nơi tạm lánh của những người Xibir trong tỉnh, ngổn ngang bề bộn. Của cải, tài nguyên đủ thứ dồn lại đó.
Irkuxk là cái kho của vô vàn các sản phẩm hàng hóa trao đổi giữa Trung Quốc, vùng Trung Á và châu Âu. Do đó người ta không sợ thu hút vào thành phố những người dân quê vùng thung lũng Angara, những người Mông Cổ, người Khankax, người Tungudơ, người Burê... Vì như vậy sẽ hình thành một vành đai trắng ngăn cách giữa bọn giặc xâm lược với thành phố.
Irkuxk là nơi đặt dinh thự của viên toàn quyến miền Đông Xibir. Dưới ông này có: một viên quan cai trị dân sự tập trung quyền lãnh đạo hành chính, một cảnh sát trưởng rất bận rộn với nhiệm vụ trong một thành phố đầy những người tù lưu đày và cuối cùng là viên đốc lý, cầm đầu các thương gia, nhân vật cực kỳ quan trọng, vì cực kỳ giàu có và vì có ảnh hưởng lớn đối vói các thuộc hạ.
Đồn binh của Irkuxk lúc đó gồm một trung đoàn lục quân Côdắc vào khoảng hai nghìn người và một đơn vị hiến binh thường trực mang mũ cối, vận đồng phục màu xanh lơ, đeo lon bạc.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, do hoàn cảnh đặc biệt, đại công tước, em trai Nga hoàng bị giam lỏng trong thành phố từ khi bắt đầu có cuộc xâm lược.
Tình hình này cần phải được nói rõ thêm:
Một chuyến đi có tầm quan trọng về chính trị đã đưa đại công tước tới những tỉnh thành xa xôi vùng Đông Á này.
Công tước lên đường như một quân nhân, chứ không phải như một ông hoàng, không trống rung cờ mở, mà chỉ đem theo một số sĩ quan và một đơn vị lính Côdắc tháp tùng bảo vệ. Sau khi đi kinh lý những thành phố chủ yếu của Xibir, ông đã tới tận các vùng phía bên kia hồ Baikan. Nicôlaepxk, thành phố Nga cuối cùng trên bờ biển Ôkhôtx, đã vinh dự được đón tiếp đại công tước.
Sau khi tới những vùng giáp ranh của đế quốc Nga mênh mông, công tước định trở lại Irkuxk, rồi từ đó ông trở về châu Âu, thì có tin đột ngột về cuộc xâm lăng của bọn Tactar.
Ông vội vã trở về thủ phủ miền Đông Xibir, nhưng khi về tới nơi thì mọi liên lạc với nước Nga đã gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Ông còn nhận được một vài bức điện từ Pêterbua và từ Maxcơva và còn có thể phúc đáp. Rồi, đường dây bị cắt hẳn trong những trường hợp mà chúng ta đã biết.
Irkuxk bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Công tước chỉ còn cách là tổ chức cuộc đề kháng và ông đã làm việc đó với lòng quả cảm và đức tính điềm tĩnh đã có chứng tích rõ ràng trong bao trường hợp khác!
Tin tức về Ichim, Ômxk và Tômxk bị thất thủ lần lượt tới Irkuxk. Vậy bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ vững thủ phủ của Xibir, không để lọt vào tay địch.
Không thể trông mong vào sự cứu viện nhanh chóng. Số ít quân đội rải rác trong các tỉnh vùng sông Amua và Irkuxk không thể tập trung đủ số lượng để ngăn chặn được các đạo quân Tactar. Vả lại, vì Irkuxk ở trong cái thế khó tránh khỏi bị bao vây, nên điều quan trọng trước tiên là phải đặt thành phố trong điều kiện có khả năng cầm cự được trong một thời gian nào đó.
Công cuộc phòng thủ được bắt đầu từ ngày Tômxk rơi vào tay quân Tactar. Cũng trong thời gian này, công tước được biết là thủ lĩnh bang Bukhara và các “khan” đồng minh đích thân chỉ huy cuộc hành quân, nhưng điều mà ông biết là tên phụ tá quân sự của các thủ lĩnh man rợ đó lại chính là Ivan Ôgarep, một sĩ quan Nga mà ông đã hạ lệnh giáng chức và ông cũng chưa từng biết mặt hắn.
Trước hết, như chúng ta đã thấy, dân cư tỉnh Irkuxk bị thúc bách phải rời bỏ các thành phố và thị trấn. Những người không sơ tán vào thủ phủ, thì phải rút về hậu cứ, bên kia hồ Baikan mà sự tàn phá của giặc rất có thể không lan tới được. Những vụ thu hoạch lúa mì và cỏ gia súc được trưng thu để cung cấp cho thành phố và, dinh lũy cuối cùng này của cường quốc Nga ở Viễn Đông có đủ sức cầm cự trong một thời gian nào đó.
Irkuxk được xây dựng ở điểm hợp lưu của hai con sông Irkuxk và Angara, trên hữu ngạn sông này. Hai cây cầu gỗ đặt trên những cọc trụ có thể mở ra khi cần thiết trên suốt chiều rộng của lạch sông thuận lợi cho thuyền bè đi lại, nối thành phố với vùng ngoại ô trải dài trên tả ngạn sông, về phía này, việc phòng thủ có phần dễ dàng. Các ngoại ô đã trống vắng, các cầu đã bị phá hủy. Sông Angara ở quãng này rất rộng, khó lòng có thể vượt được dưới lưới lửa của những người cố thủ trong thành phố.
Nhưng ở mạn trên và mạn dưới thành phố, lòng sông hẹp, có thể vượt dễ dàng. Như vậy Irkuxk có nguy cơ bị tấn công từ phía đông: ở đó không có một bức tường thành nào che chở.
Do đó, phải dồn sức lao động trước hết vào đây để xây dựng các công trình phòng ngự. Phải làm ngày làm đêm. Công tước thấy rõ dân chúng thật hăng hái nhiệt tình, sau này ông còn có dịp thấy họ hết sức dũng cảm trong chiến đấu phòng ngự chống giặc Tactar.
Binh lính, thương nhân, những người tù lưu đày, dân quê... tất cả đều tận tâm tận lực với nền an ninh chung. Tám ngày trước khi bọn phỉ Tactar xuất hiện trên sông Angara, những thành lũy đất đã đắp xong, Một hào sâu được nước sông Angara đổ vào đã được đào giữa lũy trong và lũy ngoài. Thành phố không thể thất thủ vì một cuộc đột kích, mà phải là một cuộc bao vây công hãm dài ngày.
Đạo quân Tactar thứ ba - đạo quân vừa ngược thung lũng Yênitxây - xuất hiện ngày 24 tháng Chín gần Irkuxk. Chúng chiếm giữ ngay tức khắc vùng ngoại ô đã bị bỏ trống, ở đó chúng san bằng tất cả nhà cửa vì tự biết thế yếu, sợ bị tấn công bất ngờ. Bọn chúng tự tổ chức nhau lại trong khi chờ đợi hai đạo quân do tên êmir Fêôfar và đồng minh của y chỉ huy.
Cuộc hội quân của các đơn vị này sẽ tiến hành vào ngày 25 tháng Chín tại trại đóng trên bờ sông Angara. Và toàn quân, trừ lực lượng đồn trú để lại ở các thành phố chính vừa chiếm được, đều tập trung dưới sự chỉ huy của Fêôfar-khan.
Cuộc vượt sông Angara trước cửa ngõ thành phố Irkuxk, Ivan Ôgarep coi như không thể thực hiện được. Phần lớn quân đội của hắn qua sông cách đó vài dặm về mạn hạ lưu, trên những cầu nổi thiết lập cho mục đích đó. Công tước không chủ trương chống lại cuộc vượt sông này. Ông chỉ có thể gây trở ngại, chứ không ngăn chặn nổi, vì thiếu pháo binh lục quân. Và vì lẽ đó, ông ở yên trong thành.
Vậy là bọn phỉ Tactar chiếm đóng hữu ngạn sông, rồi chúng ngược lên phía thành phố. Chúng đốt cháy lâu đài mùa hạ của viên toàn quyền trong khu rừng trông xuống sông Angara, trên đường hành quân. Và chúng tới vị trí bao vây công hãm thành Irkuxk.
Ivan Ôgarep, một chỉ huy quân sự tài ba, tất nhiên có đủ khả năng chỉ đạo các hoạt động trong một cuộc bao vây chính quy, nhưng hắn thiếu phương tiện vật chất cần thiết để tiến hành nhanh chóng. Vì vậy mục đích của tất cả nỗ lực của hắn là đánh chiếm Irkuxk một cách thật bất ngờ.
Nhưng sự việc lại xoay ra chiều hướng khác mà hắn không tính đến.
Một mặt cuộc tiến quân của lực lượng Tactar đã bị chậm lại vì trận đụng độ ở Tômxk; mặt khác công việc phòng thủ do đại công tước chỉ đạo được tổ chức và hoàn thành nhanh chóng. Hai nguyên nhân đó cũng đủ làm phá sản ý đồ của hắn. Hắn đành phải cho tiến hành cuộc bao vây theo quy tắc cổ truyền.
Nhưng, do gợi ý của hắn, Fêôfar đã hai lần thử cho quân đánh chiếm thành phố, song đều phải trả giá lớn về nhân mạng.
Y tung quân lính tấn công vào bức thành đất để lộ ra một vài điểm yếu; nhưng cả hai cuộc tấn công này đều bị đẩy lùi hết sức dũng cảm. Đại công tước và những sĩ quan của ông đều gắng hết sức mình.
Họ xả thân cho công cuộc phòng thủ. Họ lôi cuốn dân chúng tham gia xây dựng thành lũy. Thị dân và nông dân thực thi nhiệm vụ thật xuất sắc. Trong đợt tấn công lần thứ hai, bọn Tactar đã phá vỡ được một cổng thành. Một cuộc giao tranh dữ dội đã xảy ra ở đầu đường phố Lớn. Đường này dài tới hai dặm, vươn tới tận bờ sông Angara. Nhưng những người lính Côdắc, những lính hiến binh, những công dân thường đã kháng cự oanh liệt, buộc bọn Tactar phải rút về vị trí của chúng.
Lúc đó Ivan Ôgarep nghĩ tới việc phải thi hành âm mưu phản nghịch, vì dùng vũ lực không đạt hiệu quả. Người ta biết dự định của hắn là lọt vào thành, tới tận nơi công tước ở, tranh thủ bằng được sự tín nhiệm của công tước và khi thời cơ đến, mở toang cổng thành cho bọn quân vây hãm ùa vào; rồi sau đó thực hiện trả thù đến nơi đến chốn, đối với em trai của Nga hoàng, cho thực hả lòng hả dạ.
Mụ Digan Săngga, theo hắn tới tận trại quân Angara, thúc đẩy hắn thực hiện dự định đó.
Quả vậy, cần phải hành động thật khẩn trương. Quân đội Nga tỉnh Irkuxk đang tiến về thành phố.
Những đơn vị này đi ngược thung lũng sông Lêna và đã tập trung ở mạn thượng nguồn. Không đầy sáu hôm nữa là sẽ tới. Vậy thì nhất thiết, trước sáu ngày nữa, thành Irkuxk phải vào tay quân Tactar bằng âm mưu phản nghịch.
Ivan Ôgarep không chần chừ nữa...
Một buổi chiều ngày 2 tháng Mười, Hội đồng quân sự nhóm họp ở đại sảnh của dinh viên toàn quyền. Công tước chủ trì cuộc họp.
Tòa dinh thự này được xây dựng ở đầu phố Lớn bao quát cả một không gian dài trên mặt sông. Qua các cửa sổ phía chính diện, ta nhìn thấy trại quân Tactar và... ở đây, nếu chúng có một trận địa pháo công hãm có tầm bắn xa hơn tầm pháo của chúng hiện nay, thì lâu đài này chắc chắn bị uy hiếp không thể trụ lại được.
Đại công tước, tướng Vôrandôp và viên thị trưởng, người cầm đầu các thương gia cùng với một số vị quan cao cấp vừa quyết định một số vấn đề khác nhau.
- Thưa các ngài, công tước nói. - Chắc các ngài đã rõ tình thế của chúng ta. Tôi rất hy vọng là chúng ta sẽ cầm cự được cho tới khi quân Irkuxk đến. Lúc đó chúng ta sẽ ra tay tống cổ bầy ô hợp man rợ này và chẳng phải chỉ do tôi mà chúng sẽ phải trả giá đắt cho cuộc xâm lăng của chúng.
- Điện hạ có thể đặt niềm tin vào dân chúng Irkuxk - Tướng Vôrandôp đáp.
- Tin hoàn toàn, thưa tướng quân. Tôi xin tỏ lòng kính trọng và cảm phục tinh thần yêu nước của dân chúng. Nhờ Trời phù hộ mà họ chưa bị dịch bệnh và nạn đói hoành hành. Tôi tin là họ sẽ tránh được các tai họa đó. Còn ở ngoài chiến hào tôi hết sức khâm phục tinh thần dũng cảm của họ. Ngài thủ trưởng các thương gia! Ngài nghe rõ chứ? Tôi nhờ ngài hãy nói rõ với họ như thế.
- Nhân danh cả thành phố, tôi xin đa tạ điện hạ. Viên thị trưởng đáp - Tôi đánh bạo xin cho biết muộn nhất là đến bao giờ quân cứu viện sẽ phải tới?
- Sáu hôm nữa là cùng, thưa ngài. Một thám tử giỏi và can đảm đã lọt được vào thành phố sáng nay cho ta biết là năm vạn lính Nga đang hành quân cấp tốc dưới sự chỉ huy của tướng Kitxơlép. Họ đã tới bờ sông Lêna ở Kirenxk được hai ngày nay rồi và bây giờ dù giá rét hay tuyết rơi cũng không thể ngăn cản được họ tới đây. Năm vạn quân tinh nhuệ đánh tạt sườn quân Tactar sẽ giải vây cho chúng ta mau chóng.
- Tôi xin thêm là, - viên thị trưởng nói - Ngày nào mà điện hạ ra lệnh xuất quân, chúng tôi sẽ sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh.
- Được, thưa ngài! Chúng ta hãy chờ khi nào những chiến sĩ tiên phong trong các đạo quân của chúng ta xuất hiện trên các cao điểm, lúc đó chúng ta sẽ nhất tề xông ra nghiền nát lũ giặc xâm lược.
Rồi quay sang tướng Vôrandôp, công tước nói:
- Ngày mai chúng ta sẽ đi thăm các công trình bên hữu ngạn. Dòng sông Angara cuốn trôi theo rất nhiều tảng băng. Sợ mặt sông rồi sẽ đông cứng lại mất, và nếu thế thì bọn Tactar có thể vượt qua được.
- Xin Điện hạ cho phép tôi có một nhận định, - Viên thị trưởng nói.
- Ngài nói đi!
- Nhiều lần, tôi đã thấy nhiệt kế chỉ tới ba mươi đến bốn mươi độ âm và dòng sông Angara vẫn chảy bình thường, không bị đông cứng, chắc hẳn là nhờ dòng nước xiết. Nếu quân Tactar không có cách gì khác để vượt sông, thì tôi có thể đảm bảo với điện hạ là với tình trạng đó, chúng không sao lọt vào được Irkuxk.
Viên toàn quyền xác nhận lời đoan chắc của thị trưởng.
- Nếu thế thì thật là may mắn! - Công tước nói, - Dù sao, chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng để đối phó với mọi diễn biến.
Rồi quay sang viên Cảnh sát trưởng, Công tước hỏi:
- Ngài có cần trao đổi gì không?
- Tôi muốn thưa để điện hạ biết là, - Viên cảnh sát trưởng cung kính nói, - Có một lá đơn thỉnh nguyện gửi qua tôi để đệ trình lên người.
- Do ai gửi?
- Những người tù lưu đày ở Xibir, như điện hạ đã biết. Con số đó là năm trăm hiện có trong thành phố ta.
Những người tù lưu đày chính trị, được phân bố khắp trong tỉnh đã về tập trung tại thành phố Irkuxk từ đầu cuộc xâm lăng. Họ đã tuân lệnh trở về thành phố, rời bỏ các thị trấn mà ở đó họ làm đủ các nghề: người là thầy thuốc, người là giáo sư... hoặc ở trường thể dục - thể thao, hoặc ở trường Nhật Bản, hoặc ở trường hàng hải... Ngay từ lúc đầu, Nga hoàng cũng như đại công tước, tin ở tấm lòng yêu nước của họ, đã vũ trang cho họ và thấy quả họ là những chiến sĩ chiến đấu phòng thủ dũng cảm.
- Những người bị lưu đày đó yêu cầu gì nào? - Công tước hỏi.
- Họ muốn xin điện hạ, - cảnh sát trưởng đáp, - cho phép được thành lập một đơn vị đặc biệt và được đi tiên phong trong cuộc ra quân đầu tiên.
- Được! - Công tước đáp, không giấu được cảm động. - Những kẻ bị lưu đày đó là những công dân Nga, và đúng là họ có quyền chiến đấu bảo vệ Tổ quốc họ!
- Tôi thấy có thể khẳng định với điện hạ, - viên toàn quyền nói, - là sẽ không sao tìm được những ngươi lính tốt hơn họ.
- Nhưng cũng cần phải có một người đứng đầu để chỉ huy họ. - Công tước nói. - Người đó sẽ là ai?
- Họ muốn xin điện hạ vui lòng chấp nhận một người trong bọn họ. - Cảnh sát trưởng đáp. - Người này trong nhiều trường hợp đã tỏ ra lỗi lạc, xuất chúng.
- Ai vậy, một người Nga phải không?
- Thưa phải, một người Nga vùng Bantich.
- Tên ngưòi đó?
- Vaxili Fêđor!
Người tù lưu đày này chính là cha của Nađia.
Vaxili Fêđor, như chúng ta biết, làm nghề thầy thuốc ở Irkuxk. Đó là một trí thức hiền hậu, dũng cảm và thiết tha yêu nước. Trong thời gian bận với bệnh nhân, ông tổ chức cuộc đề kháng.
Chính ông đã tập hợp các bạn lưu đày để cùng hành động. Những người tù lưu đày từ trước tới nay sống hòa lẫn với dân chúng, đã có cách xử sự khiến cho đại công tước phải chú ý. Trong nhiều đợt xuất quân chiến đấu, họ đã đổ máu cho nước Nga thiêng liêng - thực sự là thiêng liêng và được những đứa con tôn thờ! - Vaxili Fêđor chiến đấu thật oanh liệt. Rất nhiều lần ông được nêu tên, nhưng không bao giờ ông đòi hỏi đặc ân, đặc lợi. Và khi những người bị lưu đày ở Irkuxk có ý định thành lập một đơn vị đặc biệt, ông cũng không biết là họ dự kiến chọn ông làm người lãnh đạo.
Khi viên cảnh sát trưởng nêu cái tên đó ra với công tước, thì người có vẻ suy nghĩ một chút và cuối cùng cho biết đã từng nghe nói đến tên này.
- Đúng vậy! - Tướng Vôrandôp cũng nói, - Vaxili Fêđor là một người đáng quý, một con người gan dạ có ảnh hưởng lớn đối với các bạn tù.
- Người ấy ở Irkuxk bao lâu rồi? - Công tước hỏi.
- Đã hai năm nay.
- Hạnh kiểm thế nào?
- Là một người tôn trọng các luật lệ đặc biệt hiện hành đang quản lý họ. - Cảnh sát trưởng đáp.
- Tướng quân! - Công tước nói. - Tướng quân hãy cho đưa người ấy đến ngay đây cho ta!
Lệnh của công tước được lập tức thi hành và chưa tới nửa giờ sau, Vaxili Fêđor đã được đưa vào trình diện. Vaxili Fêđor nhiều nhất là bốn mươi tuổi, to cao, vẻ mặt buồn nghiêm nghị. Người ta cảm thấy cả cuộc đời ông thâu tóm vào hai chữ: “đấu tranh” và ông đã đấu tranh và đã... đau khổ. Ông có những nét rất giống con gái là Nađia Fêđor.
Hơn bất cứ người nào khác, cuộc xâm lăng của bọn Tactar đã giáng một đòn nặng nề vào tình yêu thương sâu sắc và làm tiêu tan hy vọng tột cùng của một người cha bị lưu đày xa thành phố quê hương tới tám ngàn dặm.
Một bức thư đã cho ông biết cái chết của người vợ và đồng thời cho biết con gái ông được phép của chính quyền, đã lên đường đi tới Irkuxk với ông.
Nađia đã rời Riga ngày 10 tháng Bảy. Cuộc xâm lăng mở màn ngày 15 tháng Bảy. Nếu, vào lúc đó Nađia đã qua được biên giới thì cô sẽ ra sao giữa bọn xâm lược?
Dễ hiểu là người cha bất hạnh này đã trải qua bao nhiêu lo âu dằn vặt, vì kể từ dạo ấy, ông không có tin tức gì về con gái cả.
Vaxili Fêđor nghiêng mình chào công tước và đợi được hỏi.
- Vaxili Fêđor! - Công tước bảo ông. - Những bạn tù của nhà ngươi yêu cầu thành lập một đơn vị quân cảm tử. Hẳn họ biết là ở đơn vị này, họ phải chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng nếu cần?
- Họ không phải là không biết như vậy, thưa đại công tước! - Vaxili đáp.
- Họ muốn nhà ngươi chỉ huy họ.
- Tôi ấy ư, thưa công tước?
- Nhà ngươi có đồng ý lãnh đạo họ không?
- Nếu đó là vì lợi ích của Tổ quốc Nga, thì tôi xin đồng ý.
- Tốt lắm! Tư lệnh trưởng Fêđor! Nhà ngươi không còn là một người tù bị lưu đày nữa!
- Xin đa tạ đại công tước, nhưng tôi có thể chỉ huy những người hãy còn là tù lưu đày không?
- Họ cũng không còn là tù lưu đày nữa!
Đó là đặc ân mà em trai của Nga hoàng đã ban cho tất cả những người tù lưu đày giờ đây là bạn đồng ngũ của Vaxili Fêđor.
Vaxili Fêđor cảm động nắm chặt lấy bàn tay công tước chìa ra cho ông và đi ra.
Công tước quay lại nói với các sĩ quan dưới quyền:
- Nga hoàng chắc sẽ không từ chối nhận lá đơn xin ân xá mà tôi sẽ gửi lên Người! - ông vừa cười vừa nói. - Chúng ta cần những người anh hùng để bảo vệ thủ phủ của Xibir và tôi vừa tạo ra những người anh hùng như thế!
Việc ân xá rộng rãi cho những người tù lưu đày ở Irkuxk quả là một việc làm hợp với lẽ công bằng và khôn ngoan về chính trị.
Đêm đã tới. Qua cửa sổ của tòa lâu đài, lửa trại quân Tactar đã đốt sáng, lấp lánh bên kia sông Angara. Dòng sông cuốn theo nhiều tảng băng, một vài tảng dừng lại bên hàng cọc đầu tiên của những cầu gỗ cũ. Còn những tảng ở giữa dòng thì trôi nhanh vùn vụt.
Rõ ràng, như viên thủ trưởng các thương gia nhận định, là sông Angara khó lòng có thể bị đóng băng trên toàn bề mặt. Vậy thì nguy cơ bị tấn công về phía này không đáng để cho những chiến sĩ bảo vệ thành Irkuxk bận tâm.
Mười giờ tối vừa điểm. Công tước vừa định cho giải tán các sĩ quan của mình và lui về hậu thất, thì bỗng nghe có tiếng ồn ào bên ngoài dinh thự.
Hầu như ngay tức khắc, cửa đại sảnh đường xịch mở. Một sĩ quan cận vệ hiện ra và tiến đến gần đại công tước.
- Bẩm điện hạ, - người sĩ quan nói: - Một liên lạc viên của Nga hoàng tới!
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm