Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29: Trở Lại Địa Điểm Đổ Bộ…
áng hôm sau, trời hãy còn tối đất, chưa đến giờ làm việc, đã thấy cửa buồng tôi mở.
Khi ra tới phòng cung, nhìn ra sân, dưới giàn nho, tôi thấy ở lối đi giữa, một chiếc xe Commanca đang đậu quay đầu hướng ra phía cổng Hỏa Lò. Tôi nhớ hôm nay là ngày 15 tháng 10. Như vậy, tôi đã bị bắt gần 4 tháng.
Trong phòng cung có 3 tên Thành, Đức và Nhuận. Tên Đức chỉ tôi ngồi ghế, rồi nghiêm giọng:
- Hôm nay, chúng tôi được lệnh dẫn anh vào chỗ anh đã đổ bộ, để lấy một số vật liệu tang chứng anh đã khai báo. Trên đường đi, hay về, anh phải tuyệt đối chấp hành lệnh của chúng tôi. Nếu anh tỏ ra một vài ý không tuân theo, anh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ cương quyết xử lý. Nếu anh tỏ ra thành khẩn chấp hành, điều đó sẽ rất tốt cho anh sau này.
Tên Thành mở một gói giấy báo trên bàn: Một nắm xôi với một quả chuối. Hắn đưa cho tôi:
- Anh hãy ăn chỗ xôi này, rồi chuẩn bị đi.
Chừng 5 phút sau, ăn xong, tôi xin uống nước. Y nhìn quanh không thấy nước, đành sang phòng bên. Y lấy cái tích còn ít nước trà, chắc từ hôm qua, nước hơi thiu, nhưng tôi rót uống hết. Sau đó, tên Nhuận ra ngoài, một lát sau y vào cùng hai tên cảnh sát đồng phục và mang vũ khí. Y quay lại phía tôi tuyên bố:
- Theo nội quy đi đường, để đảm bảo an ninh, anh để các đồng chí đây làm thủ tục.
Hai tên cảnh sát bắt tôi đứng lên, đưa hai tay ra phía sau. Chúng khóa một cái còng số 8 ở cổ tay, rồi hai miếng khóa ngàm nối với nhau bằng một xích sắt lớn, mỗi miếng bóp khóa ở trên cánh tay tôi phía dưới vai. Trong khi đó, cả 3 tên Nhuận, Thành và Đức đều đeo súng ngắn.
Chẳng biết chúng sợ gì tôi, có thể chúng nghĩ tôi biết chút võ vẽ ngày xưa nên chúng đề phòng chăng. Phải khóa hai lần, và 5 tên có vũ trang áp tải.
Khi chúng dẫn tôi ra gần tới xe, tên lái xe mặc quần áo xám bộ đội quay lại, nói với chúng:
- Hãy khóa tay ra đàng trước cho người ta. Nếu không, khi đi đường xe xóc, ngã gẫy tay.
Đúng vậy, khóa phía sau, nếu ngã tôi chẳng làm sao đỡ được, sẽ như quả bí lăn long lóc. Tuy thế, không ai trả lời, và cứ như vậy lên xe. Chúng phải đỡ tôi lên xe, vì tôi không có tay để vịn. Tên Đức ngồi băng trên với tài xế, còn 4 tên ở phía dưới kém tôi vào giữa.
Xe bắt đầu chạy ra cổng Hỏa Lò, rồi qua thành phố, trở ra Quốc Lộ 1.
Mới hơn 4 tháng nằm trong Hỏa Lò mà tôi đã cảm thấy như lâu lắm, với bao nhiêu đau thuơng nặng nề âm u trong cùm kẹp, cũng như bao nhiêu bão tố vùi dập về cung kẹo. Từ tâm tư, nếp suy nghĩ đến cả con người của tôi cũng đã thay đổi hẳn. Thực vậy, cũng vẫn cảnh sinh hoạt ngược xuôi của phố phường. Cũng vẫn khung trời Hà Nội mây bay, gió thổi; nhưng, tôi nhìn nơi nào, cảnh nào, đâu đâu cũng chỉ một màu héo úa đau thương.. Những xe cộ, tôi thấy tất cả như xa lạ, thuộc về một thế giới khác, cái thế giới không có phần của tôi nữa. Tôi không còn một chút gì dính dáng đến cái vui, cái êm đềm của hạnh phúc, “nếu có”, của thế giới ấy. Một mình tôi tách rời ra, lầm lũi mò mẫm trên con đường chập chùng dẫn xuống địa ngục tối, lầm than.
Trên đường đi thật là gian khổ. Đường nhiều ổ gà, xe xóc, tôi như quả bí ngả nghiêng, lăn lộn. Tôi có gì để đỡ đâu, hai tay bị khóa chặt sau lưng, ngay ngồi yên cũng còn khó dựa lưng. Thân thể đau nhừ, tâm tư nặng trĩu ưu sầu. Suốt đường đi, tôi như người câm, âm thầm mím môi, đè nén đau thuơng uất hận vào tim.
Những lần xe phải qua phà. Chúng có lệnh đặc biệt nên chỉ tài xế và tên Đức phải xuống đi bộ. Tất cả mọi xe khác, dù bộ đội hay công an, ai ai cũng phải xuống xe. Riêng tôi và 4 tên áp tải vẫn ngồi trên xe. Vì thế, có nhiều con mắt tò mò rõi vào trong xe chúng tôi. Khi thấy một người bị hai lần khóa ngồi giữa 4 công an, con mắt họ thường mở to nhìn tôi. Tôi để ý, mỗi lần xe qua phà, hoặc cầu, một tên cảnh sát có một cái xích nữa mắc vào cái khóa xích phía trên của tôi. Hình như chúng sợ bất ngờ tôi lao xuống sông, để trốn hay tự tử.
Khi xe vào thị xã Thanh Hóa, những tên công an và cả tên lái xe cùng xuống hết cả. Lúc đó khoảng 12 giờ, chắc chúng đi ăn. Chỉ còn hai tên cảnh sát ngồi lại trên xe. Chừng nửa giờ sau, tụi công an trở về, tên Thành mang về cho tôi hai gói xôi, có lẽ mỗi gói hai hào. Điều phiền cho chúng là tôi không ăn được, vì tay khóa sau. Chúng hội ý với nhau một lúc, rồi tên Thành quay lại nói:
- Bây giờ chúng tôi mở khóa, và sẽ khóa ra phía trước cho anh ăn. Nhưng cần phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh. Anh tỏ ý lộn xộn thì đừng trách chúng tôi.
Hắn mở một cái túi xách, chỉ vào trong và nói:
- Đáng lẽ chúng tôi phải xích cả chân anh nữa, nhưng để cho anh thoải mái. Vậy, anh phải biết điều!
Chúng khóa tay tôi ra phía trước. Tôi ăn xong, tên Thành hỏi:
- Anh có hút thuốc không?
Trời đất hỡi! Từ sáng, nhìn chúng hút, tôi thèm điên người. Đời tôi bây giờ đau thuơng tràn lối, còn quái gì nữa đâu, cho nên ước mong đuợc hút một điếu thuốc cho say sưa, thế là mãn nguyện rồi. Vì vậy, khi tên Thành hỏi, mắt tôi sáng lên và tỏ ý biết ơn. Tôi thèm nhưng nhất định không mở miệng xin chúng.
Chà, thật là ngây ngất đê mê. Mấy tháng trời, hôm nay tôi mới cảm thấy cái thú tuyệt vời. Dù hai tay còn đang bị khóa. Phải ai đó ở trong hoàn cảnh như tôi mới cảm nhận hết được cái thú ngất ngây đê mê đó.
Chờ tôi hút xong, chúng lại khóa tay tôi ra phía sau như cũ, rồi hai tên cảnh sát mới đi ăn.
Xe vào tới Hà Tĩnh thì đã chiều. Chúng đưa tôi vào trại giam của thị xã. Lúc đó đã 6, 7 giờ tối, tù đã vào hết trong buồng, nên sân trại giam không có một bóng tù.
Hai tên cảnh sát giong tôi xuống dưới bếp, mở khóa, rồi chúng nói với mấy tên cán bộ ở đấy. Hai tên nữ cán bộ ăn mặc kiểu nông dân (có thể hết giờ làm việc họ đã thay đồ) dẫn tôi vào bếp. Cơm nước của tù đã hết, hai tên nữ cán bộ bàn nhau một lúc, rồi chúng đi vào một phòng con, lấy nồi cơm nguội của chúng, và nồi thịt heo kho Tàu, chỉ còn nước và hai, ba miếng thịt nhỏ. Chúng đưa ra, đặt xuống đất, bảo tôi ăn đi.
Ôi chao, sao mà cuộc đời hẩm hiu của tôi lại có những phút sung suớng như thế này. Ăn miếng cơm nguội, chan với nước thịt kho Tàu, tôi nghĩ rằng trong đời tôi từ trước chưa có bữa cơm nào ngon như thế. Trong nồi còn đến 4,5 bát cơm thế mà tôi chén sạch trơn. Cảm ơn cuộc đời! Cảm ơn con người!
Sau đó, một tên cán bộ nam, có lẽ là trực trại, dẫn tôi vào một buồng, có thể cũng là xà lim, nhưng là một xà lim vùng quê nên bẩn thỉu và tối om. Ngọn đèn điện vàng khè đầy mạng nhện và bụi đất chỉ làm cho căn xà lim mờ mờ, chỗ sáng, chỗ tối. Ở giữa buồng, một chiếc sàn gỗ đầy như chiếc giường con, sứt sẹo nằm chơ vơ. Bên trên có cái cùm suốt với hai khoen bằng sắt tròn, loại đường kính 2 phân rưỡi.
Tên cán bộ rút suốt cùm, bảo tôi lắp hai khoen vào hai chân, y chốt lại rồi khóa. Không nói thêm một lời, y ra ngoài đóng cửa, khóa lại.
Chà, cùm kiểu này thật dễ chịu, cùm hai chân mà tôi thấy thoải mái hơn, cùm một chân ở Hỏa Lò. Tôi có thể đứng dậy, dịch chân sang chỗ nọ, chỗ kia, tha hồ đứng trên sàn vặn vẹo người tập thể dục, hít thở không khí. Cả ngày ngồi xe gò bó nên mệt, tôi ngả lưng cho cơ thể thoải mái, đồng thời thưởng thức cái dư vị của một bữa ăn ngon, mà giờ đây, nước miếng còn thấy ngọt. Hai chân tôi dạng ra chụm vào dễ dàng. Đêm khuya vắng lặng, thỉnh thoảng vang lên những tiếng xọc xạch cọ sát của hai khoen cùm khi tôi cử động đôi chân.
Bụng căng no tròn, chân tay thoải mái, có lẽ đêm nay tôi sẽ được một giấc ngủ ngon lành. Nhưng đột nhiên, lưng tôi ngứa ran, cái gì thế? Càng gãi, càng ngứa. Ngứa quá tôi phải bò dậy. Lưng tôi rộp sần hết lên. Duới ánh sáng mờ mờ, tôi chả nhìn thấy cái gì hết, nhưng trong lúc xoa gãi, tôi thấy mùi rệp hăng hăng. Tôi vội bò giật dậy, đứng lên, cởi áo soi dưới ánh đèn. Trời, một cái áo của tôi mà gần 20 con rệp, nhiều con bụng no tròn căng đỏ những máu. Cả mông, cả đùi cũng ngứa. Tôi tụt cả quần ra, vì vướng cùm, nên phải cho tay vào ống quần mà khua, giũ đuổi con rệp. Chả lẽ cứ đứng thế này suốt đêm? Mỏi chân và mệt, tôi lại đành mặc áo ngồi xuống, rồi ngả lưng nằm xuống. Lại ngứa quá, tôi nhổm dậy, căng mắt nhìn xuống sàn. Trong bóng mờ, lổn nhổn những chấm đen di chuyển. Kinh quá, sao nhiều rệp thế! Hình như chúng đói lâu ngày, hôm nay mới có món ăn, nên chúng rủ rê con cháu lũ lượt dũng cảm, xông vào con thịt. Tôi đành ngồi xổm, mỏi rồi lại đứng lên. Người mệt rã rượi, tôi chẳng còn tâm hồn đâu để thuởng thức lại bữa ăn lúc chiều. Bàn chân cũng ngứa. Chỉ còn hai bàn chân phải đứng trên sàn, thế mà chúng cũng rúc vào từng kẽ ngón chân để hút máu. Nếu không có hai cái khoen cùm, tôi đã lao xuống đất nằm, tôi mệt quá rồi.
Lũ rệp chó chết này, hình như cũng là đồng chí của lũ Cộng Sản khát máu. Cũng hút máu con người, nhưng chỉ hút và hành hạ những người cùng khổ. Đột nhiên, một tiếng nói của một người con gái vang lên, trong cái âm u vắng lặng của nhà tù; giọng thánh thót Hà Tĩnh từ một buồng bên:
- Anh Thời à!
Tiếng một người đàn ông, cũng Hà Tĩnh, từ một buồng phía khác:
- Nguyệt đấy hỉ! Có người mới vào à! Nhiều tuổi không?
Tiếng cô Nguyệt:
- Chừng 23, 23, có lẽ là cán bộ bị bắt!
Chà! Như vậy khi nãy, cô ả đã nhìn tôi qua một khe hở nào đó, mà tôi không biết. Im lặng một lúc, rồi giọng người đàn ông:
- Anh bạn!…Mới bị bắt hỉ? Bắt vì tội chi rứa?
Tiếng hỏi rơi vào vắng lặng của đêm thâu. Tôi đang bơ phờ mệt mỏi vì phải ngồi xổm và đứng mấy giờ rồi. Lòng lại nặng trĩu những suy tư tính toán, về ngày mai khi vào tới địa điểm chôn đồ, nên tôi im lặng, để họ tưởng tôi đã ngủ rồi.
Đứng và ngồi, vẫn còn phải đuổi muỗi nữa chứ. Hà Tĩnh cũng thực nhiều muỗi, có khi còn hơn ở Hỏa Lò. Quá nửa đêm vừa rã rời vừa nhím mắt lại, không còn cưỡng lại được nữa. Thôi, cũng đành xin hiến dâng những giọt máu loãng, của tôi cho các đồng chí của lũ cộng vậy. Tôi nằm vật ra và thiếp dần.
Sáng hôm sau, trại giam chưa tới giờ làm việc, chúng đã mở cửa, mở cùm gọi tôi ra. Tôi để ý, cũng là công an, nhưng những tên công an ở Hà Nội chỉ gặp tôi ở trên văn phòng. Còn giam ra sao, cùm ra sao, đều do những cán bộ của trại giam Hà Tĩnh đảm trách. Hà Nội chỉ giao người và hôm sau lấy lại người.
Khi ra tới một phòng làm việc, tôi đã thấy Thành, Đức, Nhuận và hai tên cảnh sát ở đấy. Họ đang nói chuyện với một tên đeo lon Trung Úy ở trong phòng. Khi tôi vào, tên Thành quay lại tôi:
- Anh để cho các đồng chí đây làm việc, rồi đi.
Làm việc quái gì đâu. Chúng nó lại lủng củng xích với khóa. Vẫn khóa tay tôi ra phía sau như hôm qua. Chúng giong tôi ra chiếc xe hôm trước đã đậu phía trong cổng trại giam. Chúng đỡ tôi lên, cũng cái thế ngồi như ngày hôm qua.
Càng đường trong này, càng xóc dữ dội. Người tôi lăn lộn, hai tên cảnh sát, mỗi tên một bên, phải giữ đỡ hai cánh tay của tôi. Trên người tôi, tay tôi, những nốt rệp cắn đêm còn lốm đốm đỏ. Một điều gây cấn cho tôi, những nốt đó bây giờ thật ngứa. Tôi muốn gãi cào thật mạnh cho đã, nhưng tay tôi bị xích thế này, làm sao mà gãi được. Như con trâu, tôi cứ xoay sở, vặn vẹo người cọ lung tung vào thành xe. Càng cọ, lại càng ngứa thêm. Chẳng lẽ lại nhờ những tên công an gãi cho? Chúng nó chẳng thèm làm, và tôi cũng chẳng thèm nhờ. Hơn nữa, chúng biết tôi ngứa chỗ nào mà gãi. Ôi, cuộc đời độc địa: ôi, loài người thương yêu.
Xe đi vào tới Kỳ Anh, rồi Kỳ Phương. Đến đây, chúng đưa tôi vào một căn nhà trong xóm. Cũng nhà tranh vách đất, nhưng có vẻ khang trang hơn những nhà chung quanh. Có thể là nhà của một công an xã. Chúng đỡ tôi xuống xe, dẫn đến một gốc cây soan ở mé sân, bảo tôi ngồi xuống. Hai tên cảnh sát đứng kèm hai bên. Ba tên Nhuận, Đức và Thành, có lẽ đi trao đổi vấn đề.
Chừng một lúc, có một số trẻ con, rồi một số dân trong xóm tò mò chạy đến thập thò nhìn tôi. Đột nhiên, mấy em nhỏ chừng 12, 14 tuổi nhặt những hòn đất, đá ném vào người tôi, rồi tiếp theo là mấy mụ đàn bà nhà quê, trong đó có một bà già, rống lên xỉa xói, chửi, nào là:
- Mày là biệt kích, ăn gan uống máu, làm tay sai cho Mỹ Diệm.
- Mày là tên Việt gian bán nước, phản nhân dân, phản cách mạng.
………
Một bà khác cầm chiếc đòn gánh cứ xông vào định đánh tôi, mồm réo lên:
- Mày giết chồng tao, ngày nay cuộc đời tao góa bụa, con tao mồ côi. Tao đập vỡ đầu mày ra, cho mày chết!
Tôi đã nhìn thấy nhiều cảnh nhân dân miền Nam, sống ở thành phố cũng như ở nông thôn. Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều cảnh nhân dân miền Bắc, sống ở nông thôn cũng như ở thành thị. Tôi so sánh, tôi tự thấy con đường mình đi là chính nghĩa, con đường mang ấm no, tự do, nhân bản cho mọi người. Vì thế, trước cảnh này, dù đôi tay bị khóa, tôi vẫn ngẩng cao đầu nhìn họ. Mắt tôi bình thản nhìn những thái độ thù nghịch, hằn học của họ, mà lòng tôi vẫn tự hào. Cũng khá khen cho tụi lãnh đạo miền Bắc, dùng chính sách ngu dân, bần cùng hóa con người, rồi từ đấy bịp bợm, khích lệ, ca ngợi, phỉnh phờ; khêu gợi lòng căm thù của những kiếp người cùng khổ, hướng về đối tượng kẻ thù của chúng. Nhìn thái độ, ánh mắt và lời nói của họ, tôi tự mỉm cười trong lòng.
Tôi, đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả mạng sống, vào nơi hang hùm nọc rắn, để góp phần nhỏ bé của mình, hòng cứu họ thoát cảnh đời trâu ngựa lầm than, lê thê trong kìm kẹp của Cộng Sản, họ lại chửi bới, sỉ vả, hất hủi. Ngược lại, họ lại hoan hô, ca ngợi, kính yêu những người sẽ giết dần đời họ bằng những lời dụ dỗ phỉnh gạt tinh vi. Tôi nghĩ đến thời đại ngày nay, của con người mà rùng mình ngao ngán. Trắng, đen lẫn lộn!
Tôi tha thiết kêu gọi những nhà nước giầu có, các nhân vật tài ba lỗi lạc, hãy đem cái giầu của mình, cái tài của mình, làm cách nào đó, làm cho mọi người dân phân biệt được trắng, đen thực sự. Tôi nói “thực sự”. Vấn đề này, nghe nói đến, ai cũng thấy cũ xưa như trái đất. Tôi nói nó không cũ xưa ở hai chữ “thực sự”. Cộng sản đã, đang và sẽ còn gây cho nhân dân một số nước, một số chính phủ khốn đốn, chỉ vì người dân chưa phân biệt rõ trắng đen, giữa người làm hại và ngưòi làm lợi cho họ.
Có người sẽ nói: Điều này đã nói nhiều lần rồi, nhưng dân không tin.
Điều quan trọng ở đây là vì sao dân không tin? Vì sao dân không tin gồm nhiều mặt, nhiều vấn đề, đòi hỏi mất nhiều tiền của, nhiều tâm trí ngày đêm đào sâu xét kỹ, nhiều tâm, sức để lăn xả vào những việc làm quên mình. Sẽ không có hiệu quả, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên. (Ở đây không phải là một tác phẩm lý luận, tư tưởng, vậy tôi chỉ trình bày một số khái niệm có tính cách phiến diện).
Chừng nửa giờ sau, tên Thành, Nhuận và Đức ra bảo tôi đi.
Ruộng đồng lúc này hãy còn khô, nên chúng cứ đi tắt, qua cánh đồng chiêm, thẳng hướng tiến bước. Khi gần tới nơi, xa xa tôi đã nhìn thấy chiếc cây to, tôi đã ngồi nghỉ lúc mới đổ bộ lên bờ; phía bên phải là làng xóm nơi có nhà của tên chủ tịch Phong. Tôi cố ý dẫn theo hướng khác, không đi vào làng, tôi bảo chúng đó là con đường tôi đã đi ra Quốc Lộ 1. Thử để xem trước đây đã có tên nào vào tìm chỗ tôi chôn đồ chưa, nên tôi cứ vờ lang thang ngơ ngác ở xa gốc cây. Lúc đầu, chúng cũng theo tôi, sau thấy tôi cứ lơ ngơ nhìn đây đó, như chưa tìm lại được những địa hình quen thuộc, tên Nhuận và Thành giơ tay làm hiệu:
- Theo như anh vẽ, thì đến phía này cơ mà!
Qua thái độ chỉ dẫn của chúng, trúng phóc, chỉ không thể xác định vị trí chôn chỗ nào gần gốc cây. Đây đó, đã có một vài lỗ nhỏ, đất cát còn lổn nhổn, chứng tỏ đã có người đào bới hàng nửa tháng, mươi ngày trước. Như thế, chúng đã cho người vào tìm, nhưng bới đào lung tung, vẫn không tìm ra. Điều đó,cũng đã nói lên một phần là trước đây, tôi đã chôn giấu tốt.
Đã hơn 5 tháng rồi, mưa gió đã làm cho mặt đất, chung quanh gốc cây, chỗ nào cũng tưởng như chưa hề có dấu chân người bước đến.
Cả 5 tên cùng đang chờ thái độ của tôi. Thực ra, ngay khi tới gốc cây, tôi đã nhận ra chỗ nào rồi, nhưng tôi chưa vội vàng. Thứ nhất, để chúng đỡ đánh giá cái óc còn tốt của tôi. Thứ hai, tôi đang liếc về chỗ bụi rậm, nơi có tổ kiến vàng và nhiều sâu róm, nơi đã che dấu tôi buổi đầu. Nhưng rồi, tôi đã chả làm nên trò trống gì, để bây giờ lọt vào tay kẻ thù. Tôi cũng thấy lòng thèn thẹn với cả bụi dây, mà giờ đây đã qua mùa Thu, mưa nhiều nên xanh um hơn trước. Liếc sâu vào trong bụi, nhìn ra con đường mòn và thửa ruộng đoàn người xuống gặt ngày ấy, lòng tôi xót xa đầy vơi cho kiếp đời gió mưa của mình. Nhìn ra xa xa, biển khơi một màu xanh ngắt. Nhớ đêm nào các anh đã bế tôi vào bờ. Bây giờ các anh, các bác đang làm gì, có bao giờ các anh, các bác ngồi nhớ lại cái đêm định mệnh đã làm tàn lụi, một đời người thanh niên không? Tự nhiên tôi thở dài nhè nhẹ, như trút dần những nỗi niềm đang buộc chặt trong lòng.
Trong lúc tôi đưa mắt nhìn đây đó như cố moi óc để xác định chỗ chôn dấu, tôi thoáng thấy từ xa, nơi một bụi cây cách tôi hơn 200 mét, mọc ở một chỗ hõm đồi cát, mấy cái đầu lố nhố thập thò. Tôi lại nhìn thấy một họng súng đen xì khuất chéo bụi cây. Lòng thầm ca ngợi sự cảnh giác đúng cỡ của Cộng Sản. Chúng đã chủ động ngày giờ đi, và tôi đang ở trong tay chúng, không có một tấc sắt mà còn bị khóa hai lần. Tất cả chỉ vì cái đa nghi phòng hờ của chúng. Tôi đã tả kỹ, vẽ rõ ràng sơ đồ, chỉ cho chúng vào lấy, chúng không tìm ra. Bây giờ phải dẫn tôi đi, có lẻ chúng đã nghĩ, biết đâu, đây lại chả là một kế hoạch có chủ trương của tôi; hoặc biết đâu, những mạng lưới hoạt động của tôi theo dõi, bám sát, đến nay, thấy tôi được dẫn về địa điểm hẹn, đã báo cho Sài Gòn để bất ngờ vài chiếc “máy bay lên thẳng” vũ trang xuất hiện bắn phá, rồi nhào xuống cướp tôi đi. Vì thế, chúng đã huy động du kích xã bố trí, chung quanh khu vực tôi chôn đồ. Phải công nhận Cộng Sản làm việc gì đều tính toán tỉ mỉ, phòng hờ những tình huống có thể xẩy ra. Nhưng, một điều chắc chắn là chúng không thể biết được, tôi đã thấy du kích bố trí, vì từ ánh mắt đến thái độ của tôi đều không có gì khác thường cả.
Sau một lúc nhìn khắp nơi cảnh vật, mắt cau cau như thể phải vận dụng óc để nhớ lại, tôi chỉ:
- Đào chỗ này!
Chúng có một cái xẻng nhỏ của bộ đội, chúng chỉ đào sâu chừng 20 phân đã thấy cả một cái ba lô mầu vàng, to tướng của Nhật và chiếc xẻng con của tôi đã chôn theo. Vải ba lô bây giờ đã trở thành mầu xám đen và đã mục vài chỗ. Rất nhiều rễ cây con mọc chằng chịt chui vào chiếc ba lô. Máy móc, tiền, thuốc Tây, bi đông, v.v… Và cả khẩu súng ngắn phòng thân, đem đi phòng hờ bị kẹt ở điểm đổ bộ chưa ra được đường. Vì được tôi bọc trong một miếng ny lông nên hãy còn nguyên.
Sau mươi phút, chúng lấy hết lên. Tất cả đều đúng như tôi đã kê khai trước đây. Một vài thứ đã mủn rách, chúng cũng cho tất cả vào một chiếc bao tải. Tên Thành vác lên vai. Khi lấy các thứ này, chúng vui vẻ ra mặt. Thái độ của chúng đối với tôi cũng bớt phần gay gắt. Tôi nhìn 200 đồng bạc, bây giờ mới thấy thèm, vì vậy, khi về tới xe, tôi lựa lời:
- Thưa các ông, số tiền ấy…tôi có được dùng không?
Chúng đều quắc mắt, tên Đức cao giọng, dõng dạc:
- Đó là tiền của Mỹ Diệm trang bị cho anh để đi hoạt động gián điệp, đâu phải tiền của anh. Hơn nữa, tiền đó còn để làm tài liệu, chứng cớ.
Tôi cũng hơi tiếc biết thế hôm đó mang tuốt cả đi, tiêu cho đã. Tôi đã phải dè sẻn tiêu pha. Bị bắt, trong túi còn 20 đồng, vẫn bị tịch thu khi chúng khám xét.
Tôi nhớ, trên đường trở ra Quốc Lộ 1, bây giờ đã đào được rồi, không có chuyện gì xẩy ra, chúng cũng hơi chủ quan. Cả 3 tên Thành, Nhuận và Đức đi đường nào tôi không biết, chỉ còn hai tên cảnh sát giong tôi. Ngay khi đào được đồ, tôi kêu tay tôi mỏi và ngứa quá không gãi được. Chúng thấy đã có kết quả, nên cũng dễ dãi đồng ý khóa tay tôi ra phía trước và chỉ một khóa số 8 thôi.
Khi di với hai tên cảnh sát ra tới giữa cánh đồng. Tôi nhìn suốt một giải chung quanh, cánh đồng rộng bao la, lại thỉnh thoảng có một ruộng đang có lúa. Vì ở giữa cánh đồng, không có nhà cửa cây cối, hai tên cảnh sát cũng chủ quan. Có lúc cả hai tên cùng đi trước tôi đến 7, 8 thước. Chắc chúng nhìn thấy tấm thân tôi xanh xao gầy gò, bước đi còn không nổi, tay lại còn bị khóa nên chúng cũng chả cần đề phòng gì. Tuy hai tay bị khóa, khi thấy một vũng nước nhỏ có con cua, hay con cá, tôi vẫn đứng lại nhìn, hoặc sà xuống lấy tay hất con cua lên chỗ khô.
Giữa cánh đồng, không khí trong lành, tôi đi lại được thoải mái nên người khỏe hẳn lên. Tôi chợt có ý nghĩ, nếu tay không bị khóa, đây là cơ hội đẹp biết bao. Không có cách gì để mở được chiếc khóa này! Tay tôi hơi nhỏ, bây giờ lại gầy nữa, nếu có xà bông, nhất định ra.
Tôi nói một cách có suy nghĩ tính toán là nếu tay tôi không bị khóa, hai tên cảnh sát ở giữa cánh đồng, dù có hai khẩu súng ngắn dắt trong bao đeo ở cạnh sườn, tôi sẽ vẫn giải quyết được trong 5 đến 10 phút. Với tình huống này, tôi có khả năng gây cho chúng chủ quan rất dễ. Mà đã chủ quan coi khinh tôi, chỉ vài thế đánh chớp nhoáng là chúng gục, nhất là lúc này lại là lúc tôi phải quyết tử, khác hẳn với lúc tôi chưa bị bắt. Âu cũng là nghiệp chướng của đời tôi!
Xe về tới Hà Tĩnh đã 5 giờ chiều. Tôi lại được xuống bếp, lại gặp hai nữ cán bộ hôm qua. Vẫn có nồi cơm nguội của các bà. Hôm nay, lại có hai con cá rô nhỏ kho và một bát con rau muống luộc. Rau muống luộc mà chấm với nước cá kho, thật là hồn bay tận mây xanh. Tôi cắm cúi ăn, lòng thầm biết ơn hai người. Suốt bữa ăn, cả hai đều ngồi đấy, một đọc sách, một khâu. Chả ai nói với ai một lời. Im lặng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng loong coong của đôi đũa chạm vào bát khi tôi và cơm. Ăn xong, tôi đứng dậy nhìn hai bà với ánh mắt dạt dào tình người. Một người ra ngoài một lúc, một tên công an vào, ra hiệu tôi đi theo y.
Trên đường dẫn đến xà lim, bấy giờ tôi mới chợt nhớ đến rệp. Tôi thấy rùng mình. Cứ nghĩ đến đàn rệp lổm ngổm ở chiếc sàn gỗ. Vẫn là căn buồng xà lim hôm qua. Khi y chuẩn bị đóng suốt cùm, tôi nói như than vãn:
- Thưa ông, chiếc sàn này nhiều rệp quá!
Y nhìn tôi lừ lừ, chẳng nói một lời, bỏ ra, đóng của, khóa lại.
Đã có kinh nghiệm, cùm xong, tôi ngồi xổm ngay dậy. Tôi ngồi sầu, suy nghĩ miên man. Vô kế khả thi. Chẳng có cách gì để chống lại lũ rệp. Không lẽ, tôi cứ phải ngồi như vậy suốt đêm? Một ý niệm tràn vào óc tôi. Trong cuộc đời, nhiều khi vì cái thế, phải thua, phải hàng cả con …rệp. Cũng một con người ấy, nhiều khi hiển hách, hét ra lửa, bao kẻ phải cúi đầu lo sợ; nhưng, cũng có lúc vì cái thế. Óc tôi cứ chảy dài theo dòng suy ngẫm, bỗng giọng một người con gái nghe như thì thầm gần đâu đây:
- Sao anh không nằm nghỉ?
Tôi ngỡ ngàng, vểnh tai về phía tiếng nói, chẳng hiểu nói với tôi hay nói với ai! Im lặng, mấy phút trôi qua. Lúc này, rõ ràng là người con gái ấy nói với tôi, nghe khe khẽ như tiếng thì thào từ một khe nứt ỏ một tấm vách tường:
- Sao anh không trả lời?
Như vậy, hẳn cô nàng khi nãy có nghe loáng thoáng tôi nói chuyện với lão cán bộ rồi. Cũng với giọng khe khẽ tôi thì thầm:
- Xin lỗi, có phải cô Nguyệt?
Giọng hơi ngạc nhiên:
- Sao anh biết tên tui?
Tôi hơi cười:
- Tôi còn biết anh Thời nữa!
Rồi để đánh tan sự ngần ngại, ngạc nhiên, tôi tiếp:
- Có gì đâu, hôm qua tôi nghe anh chị gọi nhau.
Và để chủ động, tôi tiếp tục:
- Chị bị bắt lâu chưa, về tội gì?
- Hơn tháng rồi. Tôi là đoàn trưởng Đoàn Thanh Niên Lao Công của xứ đạo. Họ bắt tôi phải từ bỏ việc làm của tôi, để gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tôi không đồng ý, nên họ ghép tội tôi là phần tử phản cách mạng, họ bắt.
Tôi thấy chị tỏ ra cởi mở, không giữ gìn, dễ tin người. Nhưng, cũng có thể chị đã có cái nhìn tinh tế về tôi, nên mới vậy chăng? Tôi tiếp tục:
- Còn anh Thời?
Chị nói nhỏ:
- Tôi không biết rõ lắm!
Tôi hơi cao giọng:
- Tôi có lời chào và thăm hỏi anh Thời!
Tiếng nói từ một buồng phía xa:
- Chào anh bạn, anh mới bị bắt vào hỉ?
Thấy xa xôi quá, phải nói to không tiện. Nói to trong đêm khuya là một điều bất lợi. Lại tiếng chị Nguyệt nho nhỏ:
- Anh bị bắt vì tội gì? Trông anh ốm lắm!
Tôi cũng hạ giọng:
- Xin cảm ơn sự quan tâm…Chị nhìn tôi có rõ lắm không? Thế mà tôi chả biết chị như thế nào?
Một tiếng cười khẽ:
- Người ta hỏi lại cứ tảng lờ!
Cô này có vẻ đáo để và khôn ngoan. Để khỏi phiền toái những hậu họa vô ích, tôi thủng thẳng:
- Tôi là giáo viên cấp II ở Hà Nội, tội vượt tuyến.
Một lúc im lặng, rồi với một giọng thắc mắc:
- Vượt tuyến gì mà lại cùm hai chân?
Ghê nhỉ! Phụ nữ cũng không vừa. Nghĩ vậy, tôi thản nhiên:
- Có gì đâu, trong lúc bị vây bắt, tôi đã đánh cán bộ.
Lại một tiếng cười khẽ:
- Dữ nhỉ! Anh hay đánh người lắm hỉ?
Để khỏa lấp chuyện đó, tôi hỏi:
- Ở đây có mấy buồng xà lim? Nói chuyện thế này, có khi nào bị cán bộ rình bắt cùm không?
- Ở đây có 8 buồng. Nói chuyện nhỏ thế này từ 10 giờ đêm trở đi, không sợ. Thỉnh thoảng nghe tiếng chân cán bộ đi kiểm tra, mình im luôn.
Tôi nghĩ bụng, nói chuyện thế này, những lúc hứng câu chuyện, làm sao nghe được tiếng chân. Hơn nữa, gặp phải một tên cán bộ quái, nghe tiếng chân sao nổi. Tuy vậy, tôi cũng không nói ra, tôi nói như than thở:
- Sao ở đây nhiều rệp thế, tôi không thể nằm được!
Lại tiếng cười xìn xịt. Sao hay cười thế! Hết cười, cô mới như an ủi:
- Ngày mai, anh báo cáo cán bộ trực xà lim, xin ít dầu lửa đổ vào các khe gỗ.
Tôi nghĩ thầm, ngày mai tôi có còn ở đây nữa đâu. Tuy vậy, tôi im lặng.
Cũng quá nửa đêm rồi, tôi đứng lên ngồi xuống nhiều lần đã mỏi quá. Thôi, cũng đành như đêm qua, đành mời mọc hiến dâng cho những con rệp, con muỗi một bữa no nê nữa.
Máu của tao, khổ cực đói khát quá, nên vừa hôi tanh, vừa loãng lắm. Lũ chúng mày chỉ có thể hút máu những người nghèo khổ cùng cực, chứ những loại máu thơm ngon bổ béo của những người giầu, chúng mày đừng hòng. Người ta có mùng mền sạch sẽ, và có nhiều loại thuốc để trị chúng mày! Giống như đồng chí của chúng mày vậy, chúng chỉ có thể hút máu mủ, những đám dân nghèo nàn lạc hậu, nhứ những nước giầu có văn minh, người ta có hở cơ ra, chúng mày cũng chỉ “khạp” được một miếng mà thôi.
Mới mờ sáng hôm sau, tên công an trực trại đã vào mở cửa, mở cùm bảo tôi ra. Có lẽ lúc này cô Nguyệt còn ngủ, hoặc có thức, tôi cũng không làm sao lên tiếng chào một người “chiến hữu hai đêm”. Lợi dụng lúc tên công an quay lưng đi ra, tôi gõ nhè nhẹ tay vào tường hai cái, gọi là để giã từ người bạn mới có lòng.
Cái buổi từ Hỏa Lò ra đi, đã ruột gan đòi đoạn từng cơn. Bây giờ trở về, dù được chúng thông cảm khóa tay ra phía trước, nhưng trong lòng tôi như không còn một chút nhựa sống. Xe long lóc, người tôi ngả nghiêng; vật vờ, rũ rượi, như những chiếc lá úa trước những trận Thu phong cuối mùa.
Xe càng chạy trở về, tôi thấy lòng càng quặn thắt, xa dần miền Nam thương yêu. Lần lượt, những hình ảnh bạn bè, họ hàng ruột thịt chan chứa, đầm ấm hiền hòa hiện ra trong óc tôi. Qua khe hở của chiếc mui xe, tôi rõi mắt nhìn một mảnh trời hình tam giác lệch, về hướng Nam. Một mảnh trời xanh xanh mơ hồ, vời vợi, rõ ràng nét mặt của mẹ tôi, với đôi mắt sầu ngấn lệ, nhìn tôi đăm đăm. Một âm vang rền rĩ trong óc:
Mẹ ơi! Cách trở ngàn trùng.
Hướng về nơi mẹ, ngập ngừng…lệ rơi!
Tôi nhắm mắt lại để ngăn giòng lệ khỏi trào ra, uất nghẹn dồn về trái tim đen thẫm.
Xe chạy qua Vinh, trên đường đi Thanh Hóa. Hai bên đường ngập lúa chín vàng. Những sóng lúa dập dờn theo chiều gió, những làn hương đồng nội ngất ngây phả ắp không gian, cũng không làm giảm được nỗi buồn héo hắt trong lòng tôi.
Xe từ từ ngừng lại ở mé đường. Tôi liếc nhìn ra khi hai tên Thành và Nhuận xuống xe. Nhìn theo con đường đất chạy dài mãi vào nơi làng xóm xa xôi. Mãi trong phía xa, khoảng 200 mét cách đường nhựa nơi xe đậu, tôi thấy có 3, 4 thanh niên và mấy em nho nhỏ, hầu hết là quần đùi, chân đất đang chạy ra phía chiếc xe. Khi các em chạy đến, qua một vài câu trao hỏi, tôi mới hiểu đây là quê hương của tên Thành. Chắc Thành đã viết thư từ trước. Lâu ngày đi làm việc ở Hà Nội xa, may có dịp công tác qua quê nhà, nên y hẹn các em, các cháu ra hỏi han tin nhà, và cũng là để vẻ vang với xóm làng.
Mấy thanh niên và các em nhỏ tò mò nhìn vào trong xe. Chẳng biết chúng sẽ suy nghĩ gì với những cái đầu óc bị bao vây trong lũy tre làng! Lũ thanh niên và Thành hỏi han nhau tíu tít, nào là:
- Anh Thành ơi! Anh A đã vào chiến trường B rồi (theo miền Bắc lúc ấy: Chiến trường “A” là miền Bắc, “B” là miền Nam và “C” là Lào).
- Chị B lên huyện làm y tá.
- Anh C đã làm tiểu đội trưởng du kích, v.v…
Đột nhiên, một thanh niên giọng háo hức:
- Anh Thành ạ, anh Luơng làng mình đã mua được một chiếc xe đạp rồi đấy. “Bình bầu” mãi! 280 đồng giá cung cấp. Hai cái tay “phanh” sáng loáng. Hôm nọ, nói mãi anh ấy mới cho em đi thử một vòng ở sân hợp tác xã, êm như ru, sướng lắm!
Tôi nghĩ thầm. Một chiếc xe đạp! Bao nhiêu lâu anh em mới gặp nhau có mươi, mười lăm phút, mà khoe “một chiếc xe đạp”, lại là của người khác cho mượn. Tôi cảm thấy, ở miền Nam, chuyện mua một chiếc ô tô cũng không đến nỗi chiếm vào cái thời giờ ngắn ngủi, mà bao nhiêu chuyện gia đình cần nói.
Sự việc này, cho phép tôi hiểu hơn một chút về cảnh sống của người dân miền Bắc. Đám thanh niên, trẻ con còn rờ, còn mó chiếc xe ô tô như một thứ kỳ vĩ lạ lùng. Với đầu óc ngây thơ hạn hẹp của họ, đúng là Liên Xô, Trung Quốc vĩ đại thực, vô địch thực! Nghĩ cho cùng, nếu tôi phải sống như họ, thì tôi cũng chẳng khác gì họ. Vậy, lỗi này đâu có phải tại họ!
Mười lăm phút sau, xe lại chạy, những đứa trẻ con còn cố chạy theo để rờ, mó chiếc xe như thể tiếc rẻ chưa rờ đã!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen