How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Van Quyen
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 130
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
hật là hổ thẹn và ghê tởm, ghê tởm và hổ thẹn?", dọc theo những nẻo phố quen thuộc dẫn về nhà, Nekhliudov vừa đi vừa nghĩ. Cái cảm giác nặng nề sau câu chuyện với Mitxi vẫn không dứt khỏi tâm trí chàng, chàng cảm thấy về mặt lý, nếu có thể nói như thế được, chàng không có lỗi gì với cô ta cả; chàng chưa nói một câu gì có thể ràng buộc được chàng, ngỏ lời cầu hôn cũng chưa; nhưng trong thâm tâm chàng cảm thấy mình đã gắn bó với cô ta, hứa hẹn với cô ta; thế mà hôm nay chàng lại cảm thấy hết sức sâu sắc rằng không thể nào lấy cô ta làm vợ được: "Hổ thẹn và ghê tởm, ghê tởm và hổ thẹn", lẩm bẩm nhắc lại câu đó, Nekhliudov không chỉ nói về những mối quan hệ giữa mình với Mitxi, mà muốn nói chung về tất cả. "Mọi thứ đều đáng ghê tởm và hổ thẹn!"
Vừa bước lên thềm nhà, Nekhliudov vừa nhắc lại như vây.
- Hôm nay tôi không ăn bữa tối đâu, - Nekhliudov bảo với anh hầu phòng Korney vừa theo gót chàng vào phòng ăn; trong phòng cơm nước đã dọn sẵn. - Anh đi ra đi?
- Vâng ạ, - Korney nói, nhưng anh ta không ra ngay mà lại quay vào dọn bàn. Nekhliudov nhìn Korney và thấy ghét. Chàng muốn mọi người để cho chàng được yên thân, thế mà hầu như ai cũng cố tình sán đến để chọc tức chàng. Khi Korney đã mang bát đĩa đi khỏi, chàng đã tính đến bên ấm để pha thêm trà, nhưng nghe thấy tiếng chân bà Agrafena Petrovna, chàng vội lẻn ngay sang phòng khách, kéo kín cửa lại. Phòng khách nầy chính là căn phòng mà ba tháng trước đây mẹ chàng đã từ trần. Bây giờ, bước vào căn phòng có hai ngọn đèn có gương phản quang chiếu sáng nầy một ngọn bên ảnh cha, một ngọn bên ảnh mẹ, - chàng bỗng nhớ lại những ngày cuối cùng chàng sống bên mẹ, và thấy thái độ của mình thật là giả tạo và đáng ghét. Ăn ở như thế thật là hổ thẹn và ghê tởm chàng nhớ lại hồi bệnh tình của mẹ chuyển sang thời kỳ trầm trọng, thật tình chàng chỉ mong cho mẹ chết. Lúc đó, chàng tự nhủ rằng chàng mong thế là để bà thoát khỏi đau đớn, nhưng thực ra là chỉ cốt để cho chính mình khỏi phải nhìn thấy nỗi đau đớn của bà.
Muốn gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ về mẹ, chàng ngước nhìn bức chân dung bà do một hoạ sĩ nổi tiếng vẽ, với năm nghìn rúp tiền công. Trong ảnh, bà mặc áo nhung đen hở ngực. Rõ ràng là hoạ sĩ đã đặc biệt dụng công vẽ cho nổi hẳn bộ ngực, khoảng giữa đôi vú, hai vai với cái cổ cho thật lộng lẫy. Thật là hổ thẹn và ghê tởm quá chừng. Trong bức ảnh, mẹ chàng với hình dáng một mỹ nữ bán khoả thân kia, có một cái gì ghê tởm và nhơ nhuốc.
Nó còn đáng ghê tởm hơn nữa vì ba tháng trước đây chính người đàn bà ấy nằm ngay trong căn phòng nầy, thân hình khô đét như con cá mắm và đã toả ra không chỉ khắp phòng mà khắp cả ngôi nhà một thứ uế khí nồng nặc chẳng có cách gì làm cho tan đi được. Đến bây giờ, chàng cũng như còn ngửi thấy cái mùi ấy. Và chàng bỗng nhớ lại cái hôm trước ngày mẹ từ trần, bà đưa bàn tay nhỏ bé, da bọc xương, đen xạm ra nắm lấy bàn tay trắng trẻo, cứng cáp của chàng rồi nhìn thẳng vào mắt chàng và nói: "Mita ơi, con tha thứ cho mẹ nếu mẹ đã có điều gì không phải" - và từ trong đôi mắt đã nhợt đi vì đau khổ, hai dòng nước mắt trào ra.
"Sao mà ghê tởm thế!" - Chàng lầm rầm nhắc lại khi đưa mắt nhìn chân dung người đàn bà nửa khoả thân có đôi vai và đôi tay óng ả, trắng muốt như cẩm thạch với nụ cười đắc thắng trên môi. Bộ ngực hở trong bức chân dung làm chàng nhớ tới một phụ nữ trẻ khác, cách đây mấy hôm chàng cũng thấy ăn mặc lộ liễu như thế. Đó là Mitxi, người đã bịa ra cớ mời chàng đến nhà vào một buổi tối, để phô với chàng thân hình mình trong bộ áo mặc để đi dự khiêu vũ. Chàng hình dung lại đôi vai và đôi tay tuyệt đẹp của cô ta mà thấy ghê tởm. Lại còn lão bố với quá khứ bất lương, tàn ác, thô bỉ, lỗ mãng như thú vật và bà mẹ "tài hoa", tăm tiếng đáng ngờ.
"Không, nhất quyết không, - chàng nghĩ, - phải vùng ra, phải dứt khỏi cái mớ quan hệ giả tạo với gia đình Korsagin, với Maria Vaxilievna, với cái di sản nầy, với tất cả: Đúng, phải được hít thở tự do. Ra nước ngoài, sang Rome, để tâm sức vào bức hoạ của mình… - Những ý nghĩ tự ngờ vực về tài năng của bản thân mình lại vụt hiện lên trong trí óc. - Ồ, cũng chẳng sao, miễn là được hít thở tự do ít lâu. Đầu tiên hãy sang Constantinopol, rồi đi Rome, cất thoát cho sớm cái việc làm bồi thẩm nầy. Và phải thu xếp xong xuôi công việc kia với trạng sư đã".
Và bỗng nhiên người bị cáo có đôi mắt đen hơi hiêng hiếng ấy lại hiện lên hết sức rõ rệt trong trí tưởng tượng của chàng. Mà tiếng khóc của nàng tiếp theo lời cuối cùng của các bị cáo mới thảm thiết làm sao? Chàng vội dập tắt điếu thuốc cháy gần hết, miết nó xuống chiếc gạt tàn, châm một điếu khác và đi đi, lại lại trong phòng.
Những phút chung sống với nàng lần lượt hiện ra trong tâm trí. Chàng nhớ lại buổi gặp gỡ cuối cùng cơn thèm khát đầy thú tính ngự trị trong con người chàng hôm ấy và tâm trạng chán chường khi lòng dục đã được thoả mãn. Chàng nhớ lại bộ áo trắng muốt với dải thắt lưng màu lam, nhớ lại buổi lễ đêm nào. "Đêm hôm ấy, đúng là ta đã yêu nàng, thực sự yêu nàng, một tình yêu trinh bạch, đẹp đẽ. Ta còn yêu nàng từ trước đấy nữa, ta yêu nàng biết bao, dạo mới đến nhà các cô lần đầu, lúc làm luận án".
Và chàng nhớ lại con người mình trong dĩ vãng. Chàng như lại ngửi thấy cái hương vị tươi mát, trẻ trung, tràn đẩy nhựa sống, và chàng thấy lòng buồn tê tái.
Con người dĩ vãng và con người hiện tại của chàng khác nhau xa quá: cái khác đó nếu không lớn hơn thì cũng bằng cái khác giữa Katiusa trong buổi lễ đêm ở nhà thờ với ả gái điếm đã cùng người lái buôn chè chén say sưa và đã bị đem xử trước toà sáng nay. Hồi ấy, chàng là một con người phấn khởi, tự do, trước mặt đầy những khả năng vô tận, - bây giờ, chàng cảm thấy mình bị giam chặt trong chiếc cạm của cuộc đời ngu muội, trống rỗng, vô tích sự, nhỏ nhen, không thấy có một lối nào thoát được; nhất là chính chàng cũng chẳng muốn thoát ra.
Chàng nhớ rằng ngày xưa, chàng đã từng hãnh diện về tính trung thực của mình, chàng đã từng dặt cho mình một nguyên tắc là luôn luôn nói thật, và thực tế chàng đã là người trung thực, thế mà bây giờ chàng ngập mình trong dốitrá, một kiểu dối trá ghê rợn nhất, một kiểu dối trá được tất cả mọi người chung quanh coi là chân thật.
Thoát ra khỏi sự dối trá đó, không có lối thoát nào, hay ít ra thì chàng cũng không thấy có lối nào thoát thật. Nó đã ăn sâu vào người chàng, chàng sống đã quen, đã thấy thoải mái trong sự dối trá ấy rồi.
Làm thế nào để thoát ra khỏi mối quan hệ với Maria Vaxilievna và chồng cô ta để có thể nhìn thẳng vào mặt người đàn ông nầy và con cái người ta mà không hổ thẹn.
Làm thế nào để cắt đứt được với Mitxi mà không phải dối trá? Làm thế nào để thoát khỏi mối mâu thuẫn giữa việc thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất là bất hợp pháp với việc thừa kế di sản của mẹ? Làm thế nào để chuộc tội mình đối với Katiusa? Tất nhiên là không thể cứ để vậy được "Không thể ruồng bỏ một người đàn bà mà ta đã yêu, cũng không thể coi việc trả tiền trạng sư để giải thoát cho nàng khỏi phải chịu tội khổ sai oan uổng là đủ, không thể hài lòng với việc dùng tiền để chuộc tội như trước kia cho nàng một trăm rúp, mà nghĩ rằng như thế là đã làm tròn phận sự đối với nàng".
Và chàng nhớ lại rõ ràng cái lúc chàng giữ nàng lại trong hành lang, dúi tiền cho nàng rồi bỏ chạy. "Chao ôi! những đồng tiền ấy?", chàng nhớ lại cái phút đó mà thấy rùng rợn, ghê tởm như trước kia, lúc đang làm cái việc ấy - "Chao ôi, thật là đểu giả!" và cũng như lúc đó, chàng bỗng nói lên thành tiếng: "Chỉ có đồ đểu cáng, quân chó má mới có thể làm như thế? Và ta, chính ta là đồ đểu cáng, quân chó má đó?" - chàng nói to. "Nhưng chẳng lẽ như thế thật ư?", - đang đi chàng dừng lại, - "Chẳng lẽ ta lại là một thằng đểu cáng thật ư? Không thì còn ai?" - chàng tự trả lời. - "Mà đâu chỉ có thế? - chàng tiếp tục vạch lỗi mình. - "Quan hệ của mày với Maria Vaxilievna và chồng cô ấy chẳng phải là một trò đểu cáng, hèn hạ đó sao? Và thái độ của mày đối với tài sản nữa! Lấy cớ rằng tiền là do mẹ để lại cho, mày nghiễm nhiên hưởng thụ một gia tài lớn mà mày biết rõ là phi pháp. Rồi toàn bộ cuộc sống lười nhác, đồi bại của mày nữa. Và kết quả huy hoàng của tất cả những cái đó là hành động của mày đối với Katiusa. Đồ đểu cáng, quân chó má. Mặc cho thiên hạ muốn dị nghị thế nào về ta cũng được, ta có thể lừa dối họ nhưng ta không thể tự lừa dối ta".
Và chàng bỗng nhận ra rằng cái cảm giác chán ghét của chàng đối với mọi người trong thời gian gầy đây, và nhất là ngày hôm nay, đối với lão Korsagin, mụ Sofia Vaxilievna, cô Mitxi và Korney lại có sự chán ghét đối với chính bản thân mình. Mà kể cũng lạ, khi nhận ra tính cách hèn hạ của mình, chàng cảm thấy một cái gì vừa đau xót, nhưng cũng vừa vui sướng, thanh thản.
Trong đời Nekhliudov, cái việc mà chàng gọi là "gột rửa tâm hồn" đã xảy ra nhiều lần. Gột rửa tâm hồn là tiếng chàng gọi tâm trạng mình, khi sau một thời gian có thể rất dài, nhận ra rằng cuộc sống nội tâm đã trì trệ hoặc có khi đã bế tắc, chàng quyết định quét dọn tất cả những rác rưởi đã ứ lại trong tâm hồn, gây nên tình trạng bế tắc ấy.
Sau mỗi lần thức tỉnh như vậy, bao giờ Nekhliudov cũng đề ra cho mình những nguyên tắc mà chàng nguyện giữ suốt đời: chàng viết nhật ký và bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống mà chàng hy vọng không bao giờ còn thay đổi nữa; - "mở một trang mới", chàng tự nhủ như thế. Nhưng lần nào sức quyến rũ của cuộc đời cũng lại lôi cuốn được chàng; chàng lại sa ngã mà không biết, và nhiều khi, lần sa ngã nầy còn đến mức đốn mạt hơn cả lần trước.
Chàng đã gột rửa và đã vùng lên như thế mấy lần rồi; lần đầu tiên vào dạo hè, lúc chàng đến ở nhà các cô.
Đó là lần giác ngộ sâu sắc nhất, hào hứng nhất và cũng có ảnh hưởng khá lâu. Rồi lại một cuộc thức tỉnh như thế nữa hồi chiến tranh nổ ra, lúc chàng từ bỏ chức vụ chính quyền xin nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình.
Nhưng lần đó chỉ được một thời gian rất ngắn là rác rưởi lại ứ đầy. Và lần thức tỉnh thứ ba là lúc chàng thoái ngũ, ra nước ngoài, bước vào hội hoạ.
Từ bấy đến nay là cả một thời kỳ dài không gột rửa và vì thế, chưa bao giờ chàng gặp phải tình trạng bẩn thỉu thế nầy, chưa bao giờ chàng thấy sự đòi hỏi của lương tâm lại trái ngược với cách thức chàng đương sống đến mức độ nầy, chàng thấy kinh sợ khi nhận ra sự cách biệt đó.
Thời gian lâu quá, rác rưởi ùn lên quá nhiều đến nỗi thoạt đầu chàng không còn chút hy vọng nào quét dọn nổi. "Mày chẳng đã thử gắng làm cho mày trở nên hoàn thiện, đã thử cải tạo mày đấy ư, thế mà rút cục có ăn thua gì đâu, - tiếng nói của cám dỗ cất lên trong lòng chàng, - mày còn định thử lại một lần nữa để làm gì? Không riêng gì một mình mày mà tất cả mọi người đều như vậy Đòi là thế?" Nhưng con người tự do con người của lương tri con người duy nhất chân chính duy nhất mạnh mẽ duy nhất trường cửu đã vùng dậy trong Nekhliudov và chàng không thể không tin nó. Dù con người hiện tại của chàng và con người chàng mong đạt tới còn cách nhau rất xa, nhưng với con người của lương tri vừa mới vùng dậy kia không có việc gì lại không làm nói.
"Dù có phải trả bằng bất cứ giá nào, ta cũng sẽ dứt tung hết những sợi dây dối trá đang ràng buộc ta; ta sẽ nhận hết mọi tội lỗi, ta sẽ nói thật cho mọi người biết, ta sẽ làm điều chân thật", - chàng bỗng thốt lên thành tiếng, giọng cương quyết. - "Ta sẽ nói thật với Mitxi rằng ta là một kẻ truỵ lạc, ta không thể lấy nàng và ta đã quấy nhiễu nàng thật vô ích; ta sẽ nói với Maria Vaxilievna (vợ viên thống lĩnh quý tộc). Ồ, mà cũng chẳng có gì cần nói với cô ta, ta sẽ nói với chồng cô ta rằng ta là một thằng đốn mạt, ta đã lừa dối ông ta. Còn cái di sản nầy thì ta sẽ xử lý nó hợp chân lý. Ta sẽ nói với Katiusa rằng ta là một kẻ đê hèn, ta có tội với nàng và ta sẽ làm mọi việc có thể làm được để số phận nàng bớt nỗi đau thương. Đúng, ta sẽ gặp nàng và sẽ cầu xin nàng tha thứ. Đúng ta sẽ xin nàng tha thứ như con trẻ vẫn xin". - Chàng dừng lại. - "Ta sẽ lấy nàng làm vợ, nếu cần phải như vậy, Chàng dừng lại và, như hồi còn nhỏ, chàng đặt hai tay lên ngực, ngước mắt nhìn lên trời rồi nói, như nói với người nào đó. Lạy Chúa, Chúa hãy giúp con, Chúa hãy bảo ban con. Chúa hãy nhập vào người con và gột sạch những dơ bẩn trong tâm hồn con!
Chàng cầu nguyện, van xin Thượng đế giúp đỡ chàng, nhập vào người chàng và gột rưa tâm hồn chàng; và trong lúc chàng cầu xin như vậy thì lời cầu nguyện của chàng đã được chấp nhận. Chúa bấy lâu vẫn ở trong người chàng, đã bừng tỉnh dậy trong ý thức chàng. Chàng cảm thấy hơi thở của Chúa trong mình và vì thế chàng không những chỉ cảm thấy cái sức sống tự do, sáng khoái, tươi vui mà còn cảm thấy tất cả sức mạnh phi thường của điều thiện. Bây giờ, chàng cảm thấy mình có khả năng làm được tất cả, tất cả những gì tốt đẹp nhất mà con người có thể làm.
Chàng rơm rớm nước mắt khi lẩm nhẩm mấy lời cầu nguyện nói trên. Đó là những giọt nước mắt vừa đáng quý, vừa đáng bỉ. Đáng quý vì đó là những giọt nước mắt đã trào ra vì sung sướng khi thấy con người tinh thần đã bao năm ngủ thiếp trong lòng mình nay bừng thức dậy, đáng bỉ vì đó là những ngọt nước mắt ứa ra vì cảm kích cho riêng bản thân mình, trước phẩm chất tốt đẹp của riêng cá nhân mình.
Chàng bỗng thấy nóng bức. Chàng lại gần chiếc cửa sổ gần ngay đó và mở toang nó ra. Cửa sổ trông ra vườn. Đêm sáng trăng yên tĩnh mát mẻ, tiếng bánh xe lăn trên đường phố vang dội lại một lúc rồi cảnh vật lại chìm trong yên lặng. Ngay dưới cửa sổ, bóng những cành dương cao trụi lá lồng rõ từng nét gãy lên mặt sân cát mịn sạch bong. Bên trái, chiếc mái nhà ngang trắng lóe dưới ánh trăng vằng vặc. Trước mặt, sau đám cành cây chằng chịt, nổi rõ bóng đen của dãy hàng rào. Nekhliudov nhìn mảnh vườn tràn ngập ánh trăng và hít mạnh làn không khí tươi mát trong lành.
"Tuyệt quá! Tuyệt quá! Trời ơi, sao mà tuyệt thế!"
Chàng nói về những điều đang diễn ra trong tâm hồn mình.
Phục Sinh Phục Sinh - Lev Tolstoy Phục Sinh