The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - Tự Do
iết nói thế nào về tâm trạng chàng trai trẻ Hans Castorp?
Rằng chàng cảm thấy bảy tuần lễ ở trên này, khoảng thời gian với đầy đủ bằng chứng không cho phép ta nghi ngờ độ dài của nó, chỉ ngắn ngủi như bảy ngày? Hay ngược lại, chàng có cảm tưởng mình đã ở đây lâu lắm rồi, lâu hơn thời gian đo đếm được rất nhiều? Chàng suy nghĩ rất lung, thầm hỏi mình và hỏi cả Joachim mà không đi đến được kết luận nào. Cả hai đều đúng: ngoảnh nhìn lại chàng thấy quãng thời gian mình trải qua ở trên này vừa ngắn lại vừa dài một cách không bình thường, chỉ có điều nó không chịu mang đến cho chàng ấn tượng đúng như độ dài thực tế của nó - đấy là giả sử thời gian có thể coi là bình thường và đo được trong thực tế.
Dù sao chăng nữa mặc lòng, tháng mười đã đứng chầu chực ngay trước cửa, những ngày cuối tháng chín chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hans Castorp có thể nhẩm tính ra chẳng khó khăn gì, nếu không muốn khó nhọc thì chàng chỉ cần để tai nghe các mẩu chuyện không đầu không cuối của đám bệnh nhân cũng đủ. “Các ông biết không, năm ngày nữa là lại mồng một đầu tháng rồi?” Một bữa chàng nghe tiếng Hermine Kleefeld nói với hai thanh niên trong hội cô ta, tay sinh viên Rasmussen và gã môi vều tên gọi Gänser. Sau bữa trưa họ còn túm tụm ngồi lại giữa mấy dãy bàn, trong bầu không khí sực mùi đồ ăn, kiếm chuyện tán dóc để trì hoãn giờ nằm nghỉ. “Mồng một tháng mười, tôi thấy con số ấy trên tấm lịch treo ở văn phòng. Đây đã là ngày mồng một tháng mười thứ hai của tôi ở chốn ăn chơi này. Mùa hè đã hết, nếu như có thể gọi mấy ngày ngắn ngủi ấy là mùa hè. Người ta đánh mất một mùa hè, hay là đánh mất cả cuộc đời ở đây, thế đấy!” Và cô ta thở dài bằng nửa lá phổi còn lại của mình, lắc đầu ngao ngán hướng ánh mắt đần độn tối tăm lên trần nhà. “Thây kệ sự đời, Rasmussen!” Cô ta đổi giọng và đấm vào bả vai rũ xuống của anh chàng đồng cảnh ngộ. “Kể cho chúng tôi nghe một chuyện tiếu lâm nào đó đi!” - “Tôi chỉ biết có vài chuyện thôi”, Rasmussen ủ rũ trả lời và co hai bàn tay lên ngang ngực để thõng thượt như vây cá, “nhưng tôi không thể kể cho hay được, lúc nào tôi cũng mệt tưởng đứt hơi.” - “Đời thật là khốn nạn”, gã Gänser rít qua kẽ răng. “Đến chó cũng không muốn sống lâu trong số kiếp này.” Và họ vừa nhìn nhau cười vừa nhún vai.
Cả Settembrini, cây tăm ngậm giữa đôi môi, cũng đứng gần ngay đấy, và lúc đi ra cửa ông ta quay sang bảo Hans Castorp:
“Ông đừng tin lời họ, ông kỹ sư, chớ có tin những giọt nước mắt cá sấu của họ! Lúc nào họ cũng kêu ca, mặc dù ở đây họ cảm thấy tự do thoải mái như cá trong nước. Tha hồ sống buông thả, vậy mà lại còn đòi người ta thương hại mình, tự cho mình cái quyền thở ra giọng cay đắng, mỉa mai, châm biếm! ‘Ở chốn ăn chơi này!’ Chứ đây chẳng phải là cái ổ ăn chơi đàng điếm ưa thích của họ hay sao? Theo tôi đây đúng là chốn ăn chơi theo cái nghĩa sa đọa nhất của từ này! ‘Mất’, cô ả kia còn than thở, ‘mất cả cuộc đời ở chốn ăn chơi này!’ Nhưng cứ thử thả cho ả về đồng bằng xem, chắc chắn ả sẽ quậy tới bến để được quay trở lại đây càng sớm càng tốt. Rồi còn lối ăn nói xỏ xiên nữa chứ! Ông hãy cẩn thận giữ mình đừng để lây cái thói chê bai biếm nhẽ của họ, ông kỹ sư! Ông hãy hết sức thận trọng trước cái lối trào phúng lộng ngôn[102] ấy! Ở nơi nào nó không được sử dụng như một công cụ truyền thống của thuật hùng biện, giúp người nghe không một phút nào hiểu sai ý nghĩa của vấn đề, thì ăn nói châm chích chỉ là để mua vui, trở thành vật cản đường văn minh tiến bộ, chỉ có lợi cho thói dễ dãi và sự trì trệ, phản tư tưởng, nuôi dưỡng thói hư tật xấu. Vì bầu không khí nơi ta đang sống đặc biệt thuận lợi cho đám sình lầy tư tưởng ấy lây lan, nên tôi khẩn khoản mong ông lưu ý và hiểu đúng những lời tôi nói.”
Những lời giáo huấn của ông người Ý, nếu được nghe trước đây bảy tuần ở dưới đồng bằng, hẳn sẽ trôi tuột qua tai Hans Castorp như nước đổ lá khoai; nhưng nhờ thời gian ở trên này tâm trí chàng đã được mở mang để tiếp thu nội dung của nó: tiếp thu về mặt trí tuệ, nhưng không có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện cả về mặt tình cảm, cần phải nhấn mạnh điều này. Vì mặc dù trong thâm tâm chàng mừng rỡ thấy Settembrini, sau lần va chạm vừa rồi, vẫn tiếp tục chuyện trò cởi mở với chàng như trước kia, tiếp tục dạy dỗ bảo ban và tìm cách gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần chàng; nhưng mặt khác nhận thức của chàng đã vững vàng đến độ chàng dám cân nhắc đánh giá ý kiến của ông ta và không phải lúc nào cũng sẵn sàng biểu lộ đồng tình. ‘Coi kìa’, chàng nghĩ bụng, ‘ông ta nói đến nghệ thuật trào phúng giống y chang bữa trước nói về âm nhạc, chỉ còn thiếu điều quy kết nó là ‘đáng ngờ về chính trị’ nữa thôi, có thể bảo rằng nó đáng ngờ kể từ lúc không còn là một ‘công cụ giáo dục truyền thống’ nữa! Nhưng hài hước mà lại ‘giúp người nghe không một phút nào hiểu sai ý nghĩa của vấn đề’, thì nhân danh Chúa, theo ý mình chẳng còn quái gì là hài hước nữa. Chỉ còn là một bài học luân lý khô không khốc!’ - Tuổi trẻ thật vô ơn trên con đường trau dồi tư tưởng. Họ điềm nhiên đón nhận món quà tri thức rồi lại cằn nhằn chê ỏng chê eo.
Tuy nhiên chuyển những ý nghĩ ấy ra thành lời vẫn còn có vẻ mạo hiểm quá đối với Hans Castorp. Chàng giới hạn sự phản kháng của mình ở chỗ cự lại lời buộc tội ông Settembrini nhắm vào Hermine Kleefeld mà theo chàng là quá bất công, hay nói đúng ra là vì những lý do nhất định chàng xếp nó vào hạng bất công.
“Nhưng mà cô tiểu thư ấy mắc bệnh nan y!” Chàng cãi. “Cô ấy bệnh nặng thực sự và có đầy đủ lý do để mà tuyệt vọng! Ông còn đòi hỏi gì ở cô ấy nữa?”
“Bệnh tật và tuyệt vọng”, Settembrini bảo, “là những hình thức biểu hiện thói buông tuồng nhu nhược.”
‘Thế còn thi sĩ Leopardi’, Hans Castorp nghĩ thầm trong bụng, ‘người đã tuyệt vọng đến nỗi mất lòng tin vào khoa học và tiến bộ? Và còn bản thân ông nữa, hỡi ông thầy luân lý? Ông cũng mắc bệnh và cứ quanh quẩn ở trên này, Carducci nếu còn sống hẳn đã buồn lòng không ít vì ông.’ Nhưng chàng chỉ bảo:
“Ông nói thế nào ấy. Cô tiểu thư kia có thể xuống âm phủ bất kỳ lúc nào, mà ông lại bảo rằng buông tuồng nhu nhược! Cái này ông phải giải thích rõ hơn mới được. Nếu ông nói: Bệnh tật đôi khi là hậu quả của thói buông tuồng, thì còn có lý…”
“Có lý lắm”, Settembrini gật đầu. “Nhưng ông bạn thân mến, xin ông cho phép tôi bảo lưu ý kiến?”
“Hoặc giả ông bảo rằng: Thỉnh thoảng bệnh tật được đưa ra làm bình phong che chắn thói buông tuồng - nói thế thì tôi cũng còn chấp nhận được.”
“Grazie tante!”[103]
“Nhưng mà bệnh tật là một hình thức biểu hiện sự buông tuồng? Thế có nghĩa là: không phải bệnh tật sinh ra từ lối sống buông tuồng, mà bản thân nó là thói buông tuồng? Nhưng như thế là nghịch lý!”
“Ôi, ông kỹ sư, xin ông đừng chụp mũ tôi! Tôi không chấp nhận nghịch lý, đó là thứ tôi ghét cay ghét đắng! Ông có thể chuyển tất cả những tính từ xấu xa tôi vừa mới nói về trào phúng sang cho nghịch lý, mà vẫn còn có thể bổ sung thêm nhiều nữa! Nghịch lý là cây nấm độc mọc lên từ thói bàng quan xa lánh sự đời, là ánh lân tinh xanh lè phát ra từ trí tuệ mốc meo mục rữa, là sự buông thả quá quắt nhất trong tất cả! À mà hình như ông lại lên tiếng bênh vực bệnh tật có phải không…”
“Không, nhưng những điều ông nói làm tôi rất quan tâm. Nó làm tôi nhớ đến một vài điểm trong những bài thuyết trình ngày thứ hai của bác sĩ Krokowski. Cả ông ấy cũng khẳng định bệnh tật hữu cơ chỉ là biểu hiện thứ cấp.”
“Y đeo đuổi một lý tưởng không lành mạnh.”
“Tại sao ông ghét ông ta thế?”
“Tại tư tưởng ám muội của y.”
“Tại sao ông phản đối phân tâm học?”
“Tôi không phủ nhận hoàn toàn phân tâm học. Nó có thể rất xấu và cũng có thể rất tốt, lúc thế này lúc thế khác, thưa ông kỹ sư.”
“Tôi phải hiểu thế nào đây?”
“Phân tâm học là điều hay nếu được dùng làm công cụ khai sáng trí tuệ và văn minh, rất tốt, chừng nào nó có tác dụng lay chuyển những quan niệm dốt nát, phá tan những thành kiến sai lầm và đánh đổ chuyên quyền, nói một cách khác, nó tốt nếu có tác dụng giải phóng con người, nâng cao văn hóa và lòng nhân đạo, giúp người nô lệ đủ trưởng thành để đập tan xiềng xích giành tự do. Nhưng phân tâm học lại xấu, rất xấu, nếu nó ngăn cản hành động, làm tổn hại đời sống đến tận gốc rễ, không đủ khả năng kiến tạo sự sống. Phân tâm học có thể kinh tởm vô cùng, kinh tởm như cái chết - rất có thể nó cũng thuộc về chết chóc, như những nấm mồ và tấm thân rữa nát nằm trong đó…”
‘Rống oai lắm, sư tử[104]’, Hans Castorp mỉa mai nghĩ thầm, như mỗi lần bị ông Settembrini lên giọng dạy dỗ. Nhưng ngoài miệng chàng chỉ nói:
“Mới rồi tôi đã được nếm mùi giải phẫu học quang tuyến dưới tầng hầm. Đấy là cái cách Behrens gọi thủ tục chiếu X-quang, lúc ông ta rọi tia quang điện xuyên qua người chúng tôi.”
“A, thì ra cả cái đận ấy ông cũng đã trải qua rồi. Ông thấy thế nào?”
“Tôi được tận mắt nhìn thấy xương bàn tay mình”, Hans Castorp kể, nhớ lại những cảm xúc dồn dập tràn đến với mình trong khoảnh khắc ấy. “Ông đã được thấy lần nào chưa?”
“Chưa, mà tôi cũng tuyệt nhiên không có nhu cầu quan sát bộ xương mình. Kết quả khám nghiệm của ông thế nào?”
“Behrens thấy phổi tôi có nhiều chuỗi nốt.”
“Đúng là tay sai của quỷ dữ.”
“Trước kia đã có lần ông tặng cho ông cố vấn Behrens cái danh hiệu ấy rồi. Ý ông định ám chỉ gì vậy?”
“Xin ông cứ tin rằng đấy là một danh hiệu có chọn lọc!”
“Không được, ông bất công quá, ông Settembrini! Tôi đồng ý là ông cố vấn cung đình có nhiều nhược điểm. Dần dà tôi cũng thấy khó chịu với lối ăn nói của ông ta, lắm lúc ông ta đùa quá lố, nếu ta nhớ đến tổn thất to lớn mà ông ấy phải chịu khi bà vợ nằm xuống ở đây. Nhưng trên hết tất cả những cái ấy phải công nhận ông ta là một người có công đáng được tôn trọng, một người cứu nhân độ thế! Mới đây có lần tôi gặp ông ta từ phòng mổ ra, sau một ca phẫu thuật cắt xương sườn, một can thiệp thuộc vào hàng phức tạp nhất. Khi ấy ông ta đã khiến tôi xúc động thực sự, trong mắt tôi ông ta là hình ảnh tiêu biểu của một người lao động vừa hoàn thành công việc khó khăn cực nhọc nhưng đầy vinh quang của mình, và hoàn thành một cách tốt đẹp với tay nghề lão luyện. Ông ấy vẫn còn chưa hết căng thẳng, và châm một điếu thuốc lá để tự thưởng công. Tôi thực sự ghen tị với ông ấy.”
“Ông có những cảm xúc cao đẹp. Nhưng án lưu đày của ông là bao lâu?”
“Ông ta không nêu một thời hạn cụ thể nào.”
“Khôn thật. Thôi ta về đo giường, ông kỹ sư. Đã đến lúc chuyển sang tư thế nằm ngang.”
Họ chia tay trước cửa phòng số 34.
“Bây giờ ông lên nằm nghỉ trên sân thượng phải không, ông Settembrini. Nằm trong phòng đông người chắc phải vui hơn nằm một mình nhiều. Các ông có chuyện trò gì trong lúc nằm nghỉ không? Những người cùng nằm trên ấy với ông có thông minh dí dỏm không?”
“Ôi dào, rặt một hạng Parther và Skythe[105] thôi.”
“Ý ông muốn nói toàn là đàn ông Nga?”
“Và cả đàn bà Nga nữa”, ông Settembrini đáp, khóe môi cong lên giễu cợt. “Tạm biệt, ông kỹ sư!”
Rõ ràng ông ta nói móc chàng, không còn nghi ngờ gì nữa. Hans Castorp bước vào phòng mà đầu óc hoang mang, các ý nghĩ chồng chéo lên nhau. Settembrini biết tỏng bụng dạ chàng hay sao? Chắc hẳn ông ta đã ngấm ngầm theo dõi đường đi của ánh mắt chàng, vì mục đích sư phạm. Hans Castorp tức ông người Ý đến sùi bọt mép, và giận cả bản thân đã dại dột tự tạo cho ông ta cơ hội xỏ xiên mình. Trong lúc gom giấy bút mang theo ra ngoài ban công - vì đã đến lúc không thể lần lữa lâu hơn nữa mà phải viết thư nói rõ tình hình cho ở nhà biết, lá thư thứ ba - chàng không ngớt lời nguyền rủa thằng cha bá láp, chỉ biết nói vung thiên địa và nhúng mũi vào những chuyện chẳng dính líu gì đến mình, trong khi bản thân gã không ngần ngại buông lời tán tỉnh con gái ngoài đường ngoài chợ - chàng cảm thấy mình ở vào tâm trạng hoàn toàn không thích hợp để viết lá thư quan trọng kia - thằng cha quay đàn thùng ở chợ phiên với cái lối ăn nói ỡm ờ đã làm tiêu tan hết hứng thú viết lách của chàng. Nhưng dù muốn hay không chàng cũng cần thêm tiền, áo khoác ấm, đồ lót, và giày mùa đông, tóm lại là tất cả những thứ lẽ ra chàng đã mang theo nếu biết trước rằng mình sẽ ở lại đây không phải ba tuần, mà là… mà là không có thời hạn nhất định, nhưng chắc chắn sẽ bao gồm cả một mảnh mùa đông, phải, mùa đông theo khái niệm về thời gian của những người ở trên này, trong đó có chàng. Và những điều đó chàng phải tìm cách thông báo về nhà. Lần này chàng phải hai năm rõ mười trình bày tất cả, để những người dưới kia và cả chính mình không nuôi ảo tưởng gì nữa…
Theo tinh thần ấy chàng hì hục viết, áp dụng kỹ thuật mà chàng học lỏm được của Joachim: vẫn ở tư thế nằm ngang, tì tay lên tờ giấy kẹp vào tấm bìa kê trên đầu gối co lại. Chàng sử dụng một tờ giấy viết thư có tiêu đề của viện an dưỡng, trong ngăn kéo bàn họ đã để sẵn một xấp dự trữ thứ giấy này, và đề tên người nhận là James Tienappel, người cậu có vẻ gần gũi với chàng nhất trong số ba người thân ở dưới đồng bằng, và nhờ cậu chuyển lời giúp tới ông trẻ chàng, ông lãnh sự Tienappel. Chàng kể về một rủi ro đáng buồn, về những nghi ngờ đã trở thành hiện thực, về tuyên bố của bác sĩ, rằng chàng cần ở lại đây một thời gian, có thể một phần hay cả mùa đông, vì những trường hợp như chàng thường là dai dẳng khó chữa hơn những trường hợp cấp tính bộc phát ra ngoài, và phải bắt tay vào điều trị một lần cho dứt điểm trước khi quá muộn. Và nhìn dưới góc độ này, chàng tiếp tục, thì chàng đúng là gặp may và có cơ duyên khi tình cờ cất bước lên đây để được các bác sĩ chuyên môn khám cho; vì nếu không còn lâu chàng mới biết về hiện trạng sức khỏe đáng ngại của mình và sau này có lẽ còn phải nghe những điều tệ hại hơn nhiều. Xin mọi người ở nhà đừng lo lắng nếu như thời gian điều trị của chàng kéo dài, có thể đến hết mùa đông, thậm chí có thể chàng không trở về dưới ấy sớm hơn Joachim được. Khái niệm thời gian ở trên này khác ở bãi biển và nơi nghỉ mát, có thể nói rằng tháng là đơn vị nhỏ nhất ở đây, và một tháng đúng ra chẳng là cái gì cả…
Trời rét buốt, chàng trùm áo quấn chăn tùm hụp mà bàn tay vẫn đỏ ửng lên vì lạnh. Thỉnh thoảng chàng ngước mắt khỏi trang giấy phủ kín những hàng chữ hợp tình hợp lý và đầy tính thuyết phục, nhìn ra khung cảnh quen thuộc bên ngoài, hôm nay mờ mịt gần như không thấy gì, chỉ có thể đoán ra hình dạng cái thung lũng trải dài với rặng núi mờ nhạt lô xô chắn ngang trước cổng, dưới đáy hiện lên nhờ nhờ nhà cửa đường xá thi thoảng gặp tia nắng lọt vào mới sáng lên rạng rỡ trong giây lát, những dải rừng tối sẫm trên sườn núi, loang lổ vài thảm cỏ dốc văng vẳng tiếng lục lạc ở cổ bò. Chàng càng viết càng thấy ngòi bút trơn tru, câu cú trôi chảy, và lấy làm lạ không hiểu tại sao lúc đầu mình ngại viết lá thư này đến thế. Càng viết chàng càng tin rằng không có gì đáng tin cậy hơn lời trình bày của mình, và những người ở nhà chắc phải đồng tình với chàng. Một thanh niên thuộc tầng lớp cao và có điều kiện như chàng phải biết chăm lo sức khỏe và sử dụng tất cả những tiện nghi ưu việt của nền văn minh để phục vụ bản thân. Làm thế là phải lẽ. Nếu chàng có về nhà thì sau khi nghe chàng báo cáo hẳn mọi người cũng sẽ đuổi chàng quay trở lên đây thôi. Chàng nhờ mọi người gửi đến cho mình tất cả những thứ cần thiết. Cuối cùng chàng xin họ đều đặn gửi chi phiếu lên cho mình; khoảng 800 mark một tháng là dư sức để chàng trang trải mọi chi tiêu.
Chàng ký tên. Thế là xong. Lá thư thứ ba này dài hơn hẳn những lá trước, nó dọn đường cho chàng lưu lại chốn này một thời gian, không phải thời gian theo những khái niệm ở dưới kia mà là thời gian ngự trị ở trên này; nó đảm bảo tự do cho Hans Castorp. Tự do là khái niệm mà chàng sử dụng, không đặc biệt nhấn mạnh, không nhấm nháp từng thanh âm, nhưng ý nghĩa của nó được chàng cảm nhận một cách sâu sắc nhất, như chàng cảm nhận mọi thứ trong thời gian ở đây - ý nghĩa chàng cảm nhận được chẳng có dây mơ rễ má gì với những lời lẽ đao to búa lớn mà Settembrini hay ghép chung vào với từ này - và một làn sóng rùng mình kích động rất quen thuộc lại cồn lên phủ kín người chàng, ngực chàng thắt lại trong một hơi thở dài run rẩy.
Đầu chàng như bốc lửa, gò má nóng ran. Chàng nhặt Mercury nằm trên bàn lên đo nhiệt độ, như thể đây là cơ hội thuận tiện nhất. Mercury chỉ 37 độ 8.
‘Thấy chưa?’ Hans Castorp đắc thắng nghĩ thầm. Và chàng viết thêm vào lá thư mấy dòng tái bút: “Lá thư này làm cháu mệt quá. Cháu vừa đo được 37 độ 8. Chắc từ nay cháu phải thận trọng giữ sức hơn. Xin cậu thứ lỗi nếu cháu ít viết thư về nhà.” Rồi chàng ngả người nằm xuống ghế, giơ bàn tay lên trước mắt, lòng bàn tay hướng ra khoảng sáng ngoài trời, giống như lúc chàng đặt tay lên khung màn hình trong phòng chiếu điện. Nhưng ánh mặt trời không xâm phạm đến hình dáng bên ngoài của bàn tay, thậm chí còn làm cho nó tối sầm lại và khó xuyên qua hơn, chỉ có mép viền bao quanh bắt sáng ửng hồng. Đó là bàn tay của sự sống mà chàng quen nhìn ngắm, rửa ráy và sử dụng - chứ không phải bộ khung khô khỏng lạ lùng chàng nhìn thấy trên màn hình. Nấm mồ phân tâm mà chàng được ngó vào trong giây lát đã đóng kín lại rồi.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần