Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 26: Sea Games: Liệu Pháp Tâm Lý
N
hớ lại Tiger Cup 98, sự hào hứng của người Việt đã bị dội nước mưa ướt sũng như tờ giấy thấm. Đội tuyển nhà tưởng chừng đã “chạm được chân” vào chiếc Cup danh giá thì lại để rơi vào tay đội tuyển của Singapore. Thì ra, thắng đội mạnh nhất chỉ để thua một đội mèng mèng là điều vẫn có thể xảy ra trong thể thao. Và sự may mắn (chính xác hơn, sự không may mắn đối với đội tuyển Việt Nam) là một kẻ chen ngang mà trọng tài không thể nào thổi phạt.
Tuy nhiên, SEA Games thì không phải là Tiger Cup. Nếu ở Tiger Cup, sự thua cuộc có thể được lý giải bằng cách đổ lỗi cho trái bóng tròn và nó lăn… thì ở SEA Games, chúng ta cần trang bị thêm cho mình những cách lý giải khác. Đơn giản là trong nhiều bộ môn thi đấu quả bóng tròn sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên, quan trọng hơn thì vẫn là phấn đấu để không phải lý giải về bất cứ điều gì. Liệu pháp AQ là cần thiết cho những thất bại chứ không phải cho những thành công. (Nhân đây, để vượt qua những thất bại, tính hài hước chắc chắn sẽ hiệu quả hơn liệu pháp AQ).
Những chuẩn bị về tâm lý là rất cần thiết cho sự thành công của SEA Games. SEA Games thì cũng như mọi loại game, chúng ta phải chuẩn bị để thi đấu, để đón nhận những chiến thắng và… những thất bại.
Để chuẩn bị thi đấu, thì việc biết mình, biết người là quan trọng nhất. Biết mình là điều không dễ, biết người còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, phàm đã là người Đông Nam Á thì chúng ta đều “đô con” như nhau. Nghĩa là không ai có thể “lấy thịt đè người” đối với ai. Sự ngang sức, ngang tài là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể tự tin vào khả năng giành phần thắng. Nếu người Việt chúng ta tập luyện tốt và chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện, thì những chiếc huy chương vàng của SEA Games là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Vấn đề thứ hai là hội chứng sân nhà. Sân nhà thực ra là con dao hai lưỡi. Ví dụ, sự cổ vũ của công chúng là nguồn sức mạnh, đồng thời cũng là sức ép. Nếu chúng ta thi đấu hào hứng và thuận lợi, thì sự cổ vũ là sức mạnh. Nếu chúng ta thi đấu căng thẳng và khó khăn, thì sự cổ vũ là sức ép. Để sự cổ vũ bao giờ cũng là một giá trị dương, các cầu thủ cần phải biết thi đấu hào hứng và say mê, thi đấu vì cuộc chơi là chính. Huy chương và thắng lợi sẽ đến như kết quả của sự thiện nghệ và sự thăng hoa hơn là sự cay cú. Ham muốn giành lấy vinh quang bằng mọi giá sẽ làm các cầu thủ căng thẳng và cứng đờ. Sự cổ vũ trong trường hợp này chỉ làm cho các cầu thủ thêm căng thẳng.
Đối với khán giả, điều quan trọng là cổ vũ để các cầu thủ, các vận động viên của Việt Nam thi đấu hay hơn, thiện nghệ và thăng hoa hơn. Chúng ta là những cổ động viên nhiệt thành, chứ không phải là những khán giả khắt khe. Cuối cùng, chiến thắng nằm ở cả tinh thần và nghệ thuật thi đấu, chứ không chỉ ở những chiếc huy chương. Và nếu đội tuyển Việt Nam thi đấu hay và đẹp thì huy chương cũng sẽ nhiều hơn.
Về mặt tâm lý, đón nhận chiến thắng là công việc hết sức dễ chịu. Chúng ta không phải chuẩn bị gì nhiều, ngoại trừ các biện pháp để hạn chế sự quá khích của niềm vui được xả qua ống khói (xe máy).
Việc đón nhận thất bại sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, tổ chức thành công SEA Games lần đầu tiên tại Việt Nam tự thân đã là một thắng lợi rất to lớn. Đến nỗi thứ hạng trong các cuộc thi đấu cụ thể khó có thể ảnh hưởng tới thắng lợi này. Ngoài ra, nếu trong những bộ môn nào đó chúng ta chưa thắng được thiên hạ thì đó cũng là chuyện bình thường. Chúng ta đang chấp nhận những thứ hạng khá thấp trong kinh tế, trong khoa học và giáo dục thì cũng có thể chấp nhận được những điều như vậy trong thể thao.
Điều quan trọng là dân tộc Việt Nam đang cất cánh. Thất bại được nhận thức và rút kinh nghiệm cũng rất cần cho những chuyến bay xa.