Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Tác giả: Kobo Abe
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Woman In The Dunes (1962)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Az Links
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3541 / 91
Cập nhật: 2017-11-29 14:55:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần III - Chương 28
háng Mười.
Những dấu vết mùa hạ vào ban ngày như ngập ngừng chưa muốn cất bước, và nó vẫn đốt cháy cát, khiến đôi chân trần không chịu nổi cát bỏng rẫy quá năm phút. Nhưng lúc mặt trời lặn, những bức tường lở của căn phòng để khí ẩm của đêm lạnh lùa vào làm hai người không ngơi tay hong khô tro ẩm trong lò sưởi. Do sự thay đổi khí hậu vào những buổi sáng và những tối lặng gió, nên sương mù bốc lên cuồn cuộn tựa một dòng sống đục ngầu.
Một hôm, anh thử làm một cái bẫy để bẫy quạ ở mảnh đất trống phía sau nhà. Anh đặt tên cái bẫy đó là “hy vọng”.
Kế đó đơn giản lạ lùng. Cái bẫy làm ra nhờ những tính chất đặc biệt của cát. Anh đào một lỗ khá sâu, và ở dưới đáy anh chôn một cái gàu bằng gỗ. Với ba chiếc que cỡ que diêm, anh chống cái nắp nhỏ hơn miệng cái gàu chút xíu. Ở mỗi cái que anh buộc sợi chỉ mảnh. Những sợi chỉ này được luồn qua một lỗ khoét ở giữa cái nắp và nối liền với sợi dây thép ở bên ngoài. Ở đầu sợi dây thép, anh móc một mẩu cá khô làm mồi nhử. Tất cả những thứ đó được vùi kỹ dưới lớp cát mỏng. Đứng ở ngoài, chỉ có thể nhìn thấy miếng mồi trong lòng cái lỗ cát nhỏ bằng chiếc bát. Chừng nào một con quạ mổ vào miếng mồi, mấy cái que sẽ trượt đi, cái nắp sẽ sập xuống, cát tràn vào và con quạ sẽ bị chôn sống. Anh đã thử làm vài ba lần; mọi sự diễn biến rất hoàn hảo. Anh có thể mường tượng thấy hình dáng đáng thương của con quạ bị cát ùa xuống nuốt chửng, thậm chí không có cả thời gian vỗ cánh một lần chót.
Rồi sau đó anh sẽ viết một bức thư, giấu nó ở chân con quạ. Cố nhiên, hết thảy đều là chuyện may rủi. Thoạt đầu phải tính đến một việc có rất nhiều khả năng xảy ra là, khi anh thả con quạ, nó có thể rơi vào tay bất cứ ai. Anh cũng không bao giờ biết nó sẽ bay về đâu. Thông thường, phạm vi bay của loài quạ hết sức hạn chế. Tệ hại nhất là dân làng sẽ để ý tới một con quạ trong bầy có mang theo một mẩu giấy trắng giấu dưới chân và họ sẽ biết hết toàn bộ mưu kế của anh. Tất cả sự kiên nhẫn chịu đựng của anh rồi sẽ chỉ là con số không tròn trĩnh.
Kể từ lần anh thất bại trong cuộc chạy trốn, anh trở nên hết sức thận trọng. Anh tự thích nghi với cuộc sống ở dưới hố, tựa hồ đây là một giấc ngủ đông, và anh tập trung mọi cố gắng của mình, để làm cho dân làng lơi là sự cảnh giác của họ. Người ta bảo rằng nếu cứ lặp đi lặp lại mãi một khuôn mẫu thì sẽ mang lại một hình thức gây ấn tượng mạnh mẽ. Nếu anh chịu hòa vào một cuộc sống lặp đi lặp lại buồn tẻ thì có thể đến một lúc nào đó họ sẽ hoàn toàn không có chút ý niệm gì về sự có mặt của anh nữa.
Còn một yếu tố hữu hiệu khác trong việc lặp đi lặp lại này. Chẳng hạn việc người thiếu phụ đã dốc hết sức mình trong hai tháng vừa rồi, ngày này sang ngày khác, để xâu các hột lại với nhau, tập trung một cách mạnh mẽ đến nỗi khuôn mặt của chị nom như sưng phồng lên. Mũi kim dài của chị như nhảy nhót khi chị xỏ vào những hột kim loại nằm rải rác dưới chiếc hộp làm bằng bìa cứng. Anh ước tính món tiền dành dụm của chị được khoảng hai ngàn yên, đủ để mua trả góp một chiếc đài phát thanh, trong vòng hai tuần nữa.
Ở cây kim đang nhảy nhót kia có một điều quan trọng, khiến anh có cảm tưởng nó là trung tâm của thế giới: cử chỉ lặp đi lặp lại của chị mang lại màu sắc cho hiện tại và gây một cảm giác thực tế. Người đàn ông, để không chịu thua kém, cũng quyết định tập trung vào một số công việc chân tay hết sức đơn điệu. Nào là quét cát trên trần, nào là sàng gạo, rồi thì rửa bát đĩa - những công việc như vậy đã thực sự trở thành những công việc thường ngày chủ yếu của anh. Thời gian như mây bay gió thoảng, ít ra là trong khi anh làm việc. Anh nghĩ ra việc dựng một cái lều nhỏ bằng nhựa hóa học để che cho hai người khỏi cát lúc họ ngủ, và hấp cá bằng cách vùi nó vào trong cát nóng - những việc ấy khiến thời gian trôi qua có phần dễ chịu hơn.
Từ ngày trở về, để khỏi nổi giận, anh đã thực sự sống cho qua ngày đoạn tháng, không ngó ngàng gì tới báo chí. Sau một tuần, anh không còn nghĩ đến việc đọc nữa. Và, sau một tháng, anh hầu như quên hẳn rằng trên đời lại có những thứ như báo chí. Có một lần, anh trông thấy bản sao của một bức tranh khắc được gọi là Địa ngục của nỗi cô đơn, và anh cho rằng nó thật kỳ quặc. Trong bức tranh đó, một người đàn ông trôi vật vờ giữa không trung, đôi mắt hắn ta mở to với vẻ hãi hùng, và xung quanh hắn đầy những hồn ma bóng quỷ nửa trong suốt khiến anh gần như chết lặng người. Những người chết mỗi người một vẻ mặt biểu lộ khác nhau, vừa cố xô đẩy nhau, vừa nói liên hồi với người đàn ông kia. Cái “địa ngục cô đơn” này là cái quái gì cơ chứ? Anh tự hỏi. Có lẽ người ta đặt nhầm tên cho nó chăng, dạo ấy anh nghĩ vậy, nhưng bây giờ anh đã hiểu thấu đáo bức tranh ấy. Nỗi cô đơn là một sự khao khát không bao giờ thỏa mãn đối với một ảo ảnh.
Vì thế, con người cắn móng tay mình, không thể tìm thấy sự hài lòng trong nhịp đập đơn giản của trái tim mình... con người hút thuốc, không thể thỏa mãn với nhịp điệu của khối óc mình... con người có những cơn run rẩy, không thể tìm thấy sự thỏa mãn trong tình dục mà thôi. Hít thở, đi lại, những hợp đồng hoạt động tiêu hóa của ruột, thời gian biểu, các Chủ nhật nối tiếp đến sau bảy ngày một, những kỳ thi sát hạch sau bốn tháng, còn lâu anh mới được bình tâm, tất cả những thứ đó có hiệu lực đẩy anh đến chỗ lặp đi lặp lại chúng hoài. Việc hút thuốc của anh ngày một tăng, và anh đã trải qua những cơn ác mộng hãi hùng, trong giấc mộng ấy anh cùng với một người đàn bà có những móng tay cáu bẩn đang đi tìm một chỗ ẩn nấp để lánh khỏi cặp mắt của người đời, cuối cùng anh nhận thấy mình bắt đầu có triệu chứng nhiễm độc, đột nhiên anh tỉnh giấc giữa một thiên đường chỉ phối bởi một hình ellipse hết sức đơn giản, và những đụn cát gồm những hạt cát có đường kính bằng một phần tám milimét chế ngự.
Dầu sao chăng nữa anh vẫn cảm thấy một sự hài lòng thanh thản nào đó trong công việc tay chân mà anh làm mỗi ngày và trong cuộc chiến đấu lặp đi lặp lại với cát, sự phản ứng của anh không hoàn toàn là thống dâm. Anh không thấy điều đó có gì lạ, nếu như cách chữa bệnh như vậy là có thực.
Nhưng vào một buổi sáng, cùng với những vật được phân phát thường xuyên, anh còn được người ta gửi cho một cuốn tạp chí biếm họa. Bản thân cuốn tạp chí ấy chẳng là gì hết. Tờ bìa đã cũ nát và nhem nhuốc những vết tay; ắt hẳn họ đã kiếm được cuốn tạp chí này từ một người bán đồ đồng nát.
Tuy nhiên, ngoài cái vẻ cũ bẩn của nó, cuốn tạp chí này có thể cho thấy một sự tính toán của dân làng. Điều khiến anh thấy bối rối là anh đã cười lăn lộn lúc xem cuốn tạp chí, anh giáng cả thân thể xuống sàn nhà, và vặn vẹo như thể anh đang lên cơn co giật.
Bức biêm họa nào cũng hết sức ngu xuẩn. Chúng đều là những bức phác thảo vô nghĩa, thô bỉ, tục tĩu, được vẽ vội vàng, cẩu thả, và giá như có ai hỏi, anh cũng đành chịu không giải thích nổi vì cớ gì mà chúng lại tức cười đến thế. Có một bức nom hết sức ngộ chỉ vì vẻ mặt của một con ngựa bị ngã, chân nó bị gãy dưới sức nặng của một tên võ sĩ nhà nghề to bự cưỡi lên lưng nó. Tại sao anh có thể cười được như vậy khi mà chính anh đang sống trong hoàn cảnh thế này? Thực đáng xấu hổ! Có một giới hạn cho việc anh tự thích nghi với cảnh ngộ hiện tại. Anh đã có ý định coi sự thích nghi này chỉ là những phương tiện chứ không phải là mục đích. Nói về giấc ngủ đông thì nghe cũng xuôi tai, nhưng liệu anh có biến thành con chuột chũi và mất đi mọi ước muốn phơi mặt dưới ánh mặt trời trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình không?
Khi anh nghĩ về điều đó, anh hiểu rằng tuyệt đối không tài nào biết được khi nào và bằng cách gì, một cơ hội chạy trốn sẽ tới. Chỉ còn cách chấp nhận là làm quen với sự chờ đợi, không có một mục đích nào đặc biệt trong đầu, và khi giấc ngủ đông cuối cùng của anh cũng chấm dứt, anh sẽ bị ánh sáng làm cho lóa mắt, không thể bước ra ngoài nổi. Thiên hạ vẫn bảo là làm một thằng ăn mày trong ba ngày thì suốt đời vẫn là một thằng ăn mày. Rõ ràng một sự mục ruỗng từ bên trong như vậy sẽ tiếp diễn nhanh chóng không sao lường nổi. Anh đang nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc, song vào chính cái giờ phút nhớ lại vẻ mặt của con ngựa anh lại bật lên một tiếng cười ngu xuẩn. Dưới ánh đèn, người thiếu phụ vẫn chăm chú như mọi khi trong việc xâu chuỗi hạt, chị ngẩng đầu và nhìn anh cười ngây thơ. Anh không chịu nổi sự dối trá của chính mình, bèn quăng cuốn tạp chí đi rồi bước ra ngoài.
Một lớp sương mù màu trắng đục dâng lên cuồn cuộn trên bức vách cát. Những khoảng không tối tăm, chấm phá, trên những phần còn lại của đêm tối... những khoảng không lấp lánh tựa sợi dây thép sáng ngời... những khoảng không gian vật vờ với những hạt hơi nước lóng la lóng lánh. Sự kết hợp của bóng tối chứa đầy những hình bóng quái dị, nó khơi dậy trong anh những ảo tưởng vô biên. Anh sẽ không bao giờ chán nhìn những cảnh tượng đó. Mỗi giây phút qua đi với những khám phá mới. Mỗi vật ở kia, những hình ảnh có thực pha trộn với những hình dạng hư ảo mà xưa nay anh chưa hề nhìn thấy.
Anh quay về khối sương mù bốc cuồn cuộn và bị lôi cuốn theo nó một cách ngoài ý muốn.
- Thưa ngài, tôi muốn được biết thực chất của việc kiện tụng này. Tôi muốn được biết nguyên nhân bản án của mình. Ngài thấy đấy, bị cáo đang ngồi trước mặt ngài, chờ đợi để được làm vui lòng ngài.
Rồi một giọng nói anh nhớ đã nghe thấy trước kia đáp lại anh từ trong khối sương mù. Chợt giọng nói ấy nghe ngàn ngạt tựa như truyền qua điện thoại.
- Trong một trăm người lại có một người, rốt cuộc...
- Ngài bảo sao?
- Tôi đang nói cho anh biết rằng ở nước Nhật bệnh tâm thần phân lập chiếm tỷ lệ cao, cứ một trăm người thì có một người mắc bệnh này.
- Cái tên gì mà...
- Thói ăn cắp vặt hình như cũng chiếm tỷ lệ một trên một trăm.
- Ngài đang nói những cái tên quái quỷ gì thế?
- Nếu có một phần trăm mắc bệnh đồng tính luyến ái giữa đàn ông thì lẽ đương nhiên cũng phải có độ một phần trăm trường hợp có thói đồng dục nữ giữa đàn bà. Một phần trăm cho những kẻ phạm tội cố ý đốt nhà; những kẻ nghiện rượu nặng, một phần trăm; những kẻ mắc chứng hoang tưởng trị đại, một phần trăm; những kẻ đần độn, một phần trăm; những kẻ mắc chứng cuồng dâm, một phần trăm; những kẻ quen thói lường gạt, một phần trăm; đàn bà lãnh cảm, một phần trăm; bọn chuyên khủng bố, một phần trăm; những kẻ hoang tưởng bộ phận, một phần trăm...
- Tôi mong ngài đừng nói những chuyện vô nghĩa ấy nữa.
- Được, bình tĩnh nghe ta nói đây. Những người mắc chứng sợ độ cao, nghiện heroin, kẻ ham mê trở thành người hùng, bọn hay nổi cơn cuồng loạn, những quân ham giết người, những kẻ mắc bệnh giang mai, lũ thiểu năng trí tuệ - cứ cho rằng mỗi loại người trên chiếm một phần trăm, tổng cộng sẽ là hai mươi phần trăm. Nếu như anh có thể kể ra được tám mươi trường hợp nữa bất bình thường theo tỷ lệ này - và cố nhiên là anh có thể - ta sẽ có đủ bằng chứng thống kê để chứng minh rằng loài người bất bình thường một trăm phần trăm.
- Thực là tầm bậy! Sự bất bình thường không thể tồn tại được, nếu không có tiêu chuẩn của sự bình thường!
- Nào, nào. Ta chỉ cố gắng bào chữa cho anh thôi đấy...
- Bào chữa cho tôi?
- Theo ta hình dung, thì chắc chắn là anh sẽ không khăng khăng về tội lỗi của mình.
- Không, đương nhiên vậy!
- Vậy ta muốn anh hãy cư xử một cách ngoan ngoãn hơn. Dù cho cảnh ngộ của anh có khác thường đến mấy chăng nữa thì tuyệt nhiên chẳng có lý do gì để lo phiền hết. Người ta không có bổn phận cứu vớt những con chim lạc loài, như anh, người ta cũng không có cả cái quyền phán xét anh nữa.
- Con chim lạc loài! Tại sao cái trò bắt giữ người bất hợp pháp lỳ lợm này lại biến tôi trở thành một con chim lạc loài mới được chứ?
- Thôi anh đừng có làm bộ ngây ngô. Ở Nhật Bản, một vùng điển hình cho độ ẩm và sức nóng cao, có tới tám mươi bảy phần trăm sự thiệt hại hàng năm do nước gây ra; sự thiệt hại do cát chuyển động, như trường hợp của anh, có thể lên tới gần một ngàn phần trăm. Thực khôi hài! Cứ như là việc thông qua những đạo luật đặc biệt để chống lại thiệt hại do nước gây ra ở sa mạc Sahara không bằng.
- Tôi không muốn nói về những đạo luật đặc biệt. Tôi chỉ muốn nói về những nỗi đau khổ mà tôi đã phải chịu đựng. Việc giam giữ người bất hợp pháp là bất hợp pháp, dù việc đó xảy ra ở sa mạc hay ở đâu đó cũng vậy thôi.
- Ôi, việc giam giữ người bất hợp pháp... Thế nhưng lòng tham của con người là vô hạn độ, chẳng lẽ anh không hiểu điều ấy? Đối với bọn dân quê thì anh là vật sở hữu hết sức có giá trị.
- Hừ, chuyện vớ vẩn! Đúng ra mà nói, tôi có những lý do khác để tồn tại chứ.
- Anh có dám chắc là việc chê trách cát thân yêu của anh là đúng không?
- Sự chê trách?
- Ta nghe nói trên thế giới có những người, cứ sau một thời gian mười năm lại tính lại giá trị của Pi [1] cho thứ tự thập phân vài trăm. Thôi được ta cứ cho rằng họ có nhiều lý do để tồn tại. Nhưng chính anh đã chuốc lấy phiền toái khi mò đến một chỗ như thế này, vì anh đã chối bỏ cái lý do sinh tồn như vậy.
- Không, nói thế không đúng. Đến cát cũng có một khuôn mặt hoàn toàn đối lập. Ngài có thể dùng nó để làm khuôn đúc. Và nó còn là một thứ nguyên liệu không thể thiếu được để làm bê tông. Người ta chẳng đang nghiên cứu để lợi dụng cát loại bỏ được sự sinh trưởng dễ dàng của nấm và các loài cỏ dại, từ đó mà phát triển công việc đồng áng là gì? Thậm chí họ còn thí nghiệm việc biến đất thành cát bằng cách dùng enzim phân hủy đất. Ngài không thể nói về cát một cách chung chung như thế.
- Nào, nào. Cứ như là quy y chính đạo không bằng: Nếu anh thay đổi quan điểm nhiều như vậy, thử hỏi tôi còn biết tin vào cái gì nữa?
- Tôi không muốn chết như một kẻ ăn mày, có thế thôi!
- Hừ, cũng thế cả thôi. Con cá sổng bao giờ cũng là con cá to nhất.
- Đồ chết tiệt. Ngài là ai, hả?
Nhưng sương mù đã dâng lên và xóa tan giọng nói kia. Thay vào đó là hàng trăm luồng sáng thẳng băng ùa xuống. Đầu óc anh quay cuồng, và một cảm giác kiệt quệ, dâng lên trong cơ thể anh tựa như khói.
Có tiếng quạ kêu. Sực nhớ đến cái bẫy, anh quyết định đi vòng ra sau nhà xem xét cái bẫy “Hy vọng”. Không có gì chứng tỏ sự thành công, nhưng cũng còn tốt hơn cuốn tạp chí hài hước.
Miếng mồi vẫn còn nguyên như khi anh đặt bẫy. Mùi cá thối xộc vào mũi anh. Kể từ hôm đặt cái bẫy “Hy vọng” đến nay đã hai tuần trôi qua, chưa có gì xảy ra. Có thể vì một lý do gì đó chăng?
Anh đã quá tin tưởng vào cấu tạo của cái bẫy. Chỉ cần con quạ mổ vào miếng mồi, là nó bị sa bẫy liền. Anh hoàn toàn bơ vơ lạc lõng vì ở chỗ đặt bẫy đầu tiên, bầy quạ vẫn không thèm để ý tới miếng mồi.
Có thể có một cái gì đó khiến chúng không hài lòng về “Hy vọng” chăng? Song nhìn từ góc nào cũng vậy, anh vẫn không thấy cái bẫy có gì khả nghi. Giống quạ vốn thận trọng khác thường, bởi vì chúng hay tìm bới thức ăn, mà con nguời lại không cho phép chúng lảng vảng ở nơi mình sinh sống. Bởi vậy, vấn đề bây giờ là xem ai là kẻ kiên nhẫn hơn cả... cho đến khi cả người lẫn quạ đều quen thuộc hoàn toàn với con cá thối trong lỗ. Tính kiên nhẫn tự nó không nhất thiết là sự thất bại. Mà đúng hơn, sự thất bại thực sự bắt đầu khi sự kiên nhẫn bị coi như bại cuộc. Anh đã đặt cho bộ máy kỳ cục này cái tên “Hy vọng” chính vì trong tầm trí anh đã sẵn có ý niệm này. Mũi Hảo Vọng không phải là Gibraltar [2] mà là Cape Town [3].
Anh chậm rãi lê bước vào nhà. Lại đến giờ đi ngủ rồi.
Chú thích:
[1] Số Pi (π): có giá trị 3,1416...
[2] Gibraltar: Thuộc địa của Anh, nằm tại eo biển giữa Tây Ban Nha và châu Phi, nối liền Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
[3] Hải cảng và thủ đô của Nam Phi.
Người Đàn Bà Trong Cồn Cát Người Đàn Bà Trong Cồn Cát - Kobo Abe Người Đàn Bà Trong Cồn Cát