He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ừ Thạch Cán và Giang Khẩu, giữa đường có chăng ra một dải băng đỏ. Một chiếc xe con chặn chiếc xe khách đường dài mà ta đang đi.Một người đàn ông và một người đàn bà băng đỏ ở tay leo lên. Chỉ cần đeo cái loại băng này vào, người ta liền có một thân phận đặc biệt và đều mang khí thế dữ dằn. Ta ngỡ truy lùng ai đó nhưng may sao chỉ là kiểm soát viên chịu trách nhiệm theo dõi các quốc lộ lên xem xét vé hành khách.
Sau khi cho xe chạy một ít, người lái đã soát vé ngay ở chặng dừng đầu tiên. Một nông dân muốn lủi đi nhưng cái bao của anh ta lại bị kẹt cửa xe do người lái kịp đóng chặt lại. Sau khi buộc phải thòi ra mười nguyên, anh ta đã được người lái ném trả cho cái bao. Bất chấp người nông dân chửi té tát, anh tài rồ ga nổ máy khiến cho anh nông dân phải nhào vội xuống hố ven đường. Ở vùng núi, xe có ít, việc cấm lái đã đặt người tài xế lên cao hơn mọi chúng sinh, cả xe đều ấp ủ một ác cảm rõ rệt với anh ta.
Ai hay người đàn ông và người đàn bà đeo băng đỏ lên xe còn thô bạo hơn anh tài. Người đàn ông giật lấy vé từ tay một hành khách, chỉ tay vào mặt anh tài nạt:
- Xuống! Xuống!
Người lái ngoan ngoãn xuống. Người đàn bà viết biên lai phạt anh ta ba trăm nguyên, tức là ba trăm lần giá cái vé mà cuống đã không bị xé đi, vật này khống chế vật kia, cái đó cũng là một phép tắc của nhân gian chứ không phải chỉ ở trong giới tự nhiên.
Lúc đầu, người tài xe giải thích. Anh ta nói cơ bản không biết người hành khách này, không thể nào bán lại được cái vé này và giọng cứ thế cao dần lên, cãi lại. Nhưng hai người kiểm soát viên không lung lay chút nào, mặt lạnh như tiền, có lẽ vì nhờ áp dụng chế độ khoán xe, lương người lái xe cao hơn lương của họ hoặc họ muốn tỏ uy lực của cái băng đỏ ở tay. Rầm rĩ một hồi, người lái xe bắt đầu lấy bộ mặt tội nghiệp ra van xin. Một giờ trôi đi chiếc xe vẫn không chạy tiếp được. Bên phạt và bên bị phạt quên mất rằng hành khách nhốt trong xe chịu nắng rán chín cũng là bị phạt. Ác cảm với người lái dần dần chuyển sang căm ghét cái băng đỏ. Hành khách đập vào thành xe kêu lên bất bình. Người đàn bà đeo băng đỏ lúc ấy nhận ra chị đang là mục tiêu của đám đông. Bèn vội xé tờ biên lai phạt nhét vào tay anh lái. Người kiểm soát viên kia vẩy vẩy một lá cờ nhỏ trong tay. Xe của họ lập tức đến, họ lên xe rồi biến mất về phía xa, để lại một trận bụi mù mịt.
Nhưng người lái xe đã ngồi xổm trên đất và từ chối đứng dậy. Đầu thò ta cửa xe, hành khách cố ngọt ngào an ủi anh ta, lại hơn một nữa giờ nữa, dần dần họ mất kiên nhẫn, bắt đầu chửi rủa. Anh tài mới miễn cưỡng leo lên xe.
Chiếc xe vừa đi một quãng, qua một cái làng thì dừng lại tuy chẳng có ai lên xuống. Cửa trước cửa sau mở rầm rầm rồi người lái nhảy khỏi ca bin tuyên bố:
- Tất cả xuống xe, xuống, không đi nữa, cần lấy xăng.
Và anh ta thế là bỏ đi. Hành khách ở lại trên xe sau một hồi chửi bới chẳng thấy ai bận nghe họ bèn chỉ còn cách cũng lần lượt xuống xe.
Bên đường, ngoài một hàng ăn, còn một hiệu tạp hóa, thuốc lá, rượu, trước đó căng một tấm bạt lên che nắng, có bàn trà.
Mặt trời đã xuống thấp nhưng dưới tấm vải che còn rất nóng. Ta uống liền hai bát trà lạnh, vẫn chưa thấy chiếc xe lấy xăng. Người lái thì mất tăm. Lạ lùng là hành khách tránh nắng dưới các bóng cây hay dưới tấm vải che cũng dần dà tản mác hết.
Ta vào cái hàng ăn tìm nhưng chỉ có những cái bàn vuông, những ghế băng trống không, người đi đâu cả, thật là không hiểu. Cuối cùng ta tìm ra anh tài xế ở trong bếp, trước mặt anh ta là hai đĩa xào và một chai rượu. Anh ta đang tán chuyện với người chủ ngồi cùng ở đó.
Ta nói với anh ta, giọng dĩ nhiên kém thân thiện:
- Bao giờ đi?
Hắn trở lời cũng giọng tương tự:
- Sáng mai, sáu giờ.
- Tại sao thế?
- Anh không thấy là tôi uống rượu rồi à?
- Không phải tôi phạt anh. Anh có cáu cũng không được gõ lại vào hành khách, thế nào mà cái ấy cũng không hiểu?
Ta cố giữ bình tĩnh.
- Uống rượu mà lái xe thì bị phạt, anh hiểu chứ?
Quả là hắn ta sặc mùi rượu và đang trương ra cái bộ mặt hoàn toàn trâng tráo. Nhìn đôi mắt ti hí dưới trán hắn nhăn lại khi hắn nhai thức ăn, ta nổi giận đến mức muốn đập luôn cái chai rượu vào đầu hắn. Ta vội ra khỏi hàng ăn.
Quay lại đường, trước cỗ xe trống không, ta ngộ ra rằng cõi đời vốn chẳng có đạo lý nào để nói, không lên cái xe này chẳng phải là ta đã tránh được các sự phiền toái sao? Sẽ không có tài xế, hành khách lẫn kiểm soát viên, phạt vạ nhưng vấn để bây giờ là kiếm lấy chỗ qua đêm.
Ta trở lại dưới tấm che, nơi người ta bán trà. Ta tìm thấy ở đó một hành khách.
- Cái xe phò này không đi nữa.
- Biết. Anh nói.
- Anh nghỉ đêm ở đâu?
- Tôi cũng đang tìm.
- Hành khách đi đâu cả rồi ấy nhỉ?
Anh bảo ta họ người quanh vùng cả thế nào họ cũng có nơi đến, họ chẳng thiết thì giờ, sớm một ngày, muộn một ngày chẳng hề gì với họ. Chỉ có anh từ sở thú Quí Dương, ở đấy nhận được một bức điện của huyện Ấn Giang báo là dân miền núi đã bắt được một con thú hoang không biết là con gì, ngay chiều nay anh phải đến huyện lỵ sáng mai phải vào núi, đến muộn thì sợ rằng con thú chết mất.
- Chết thì chịu thôi chứ! Có thể phạt anh à? Ta hỏi.
- Không, cái này anh không hiểu đâu.
Ta bảo trong cái đời này, không cách nào mà hiểu được cái gì?
Anh nói rằng anh nói đến con thú lạ chứ không nói cõi đời.
Ta hỏi anh liệu thật là có sự khác biệt lớn giữa cái đời và một con thú lạ không.
Anh bèn móc bức điện ra cho xem. Bức điện quả là viết: "Nông dân bản huyện bắt sống được con thú lạ, hỏa tốc cử người đến nhận dạng". Còn kể sở thú của anh có lần nhận được điện thoại báo tin phát hiện một con kỳ nhông khổng lồ nặng hai mươi đến hai mươi lăm cân bị một con sông trên núi hất dạt lên bờ như thế nào, khi họ phái người đến, không những con kỳ nhông chết mà dân làng còn xẻ thịt chia cho nhau; không thể tái tạo lại được và chắc chắn là không thể nào giữ cho được một mẫu vật. Lần này, anh nhất định phải chờ trên đường mà chặn xe đi nhờ để đến kịp.
Ta đứng nói chuyện với anh một lúc. Nhiều cam nhông chạy qua. Anh giơ bức điện lên nhưng chẳng ai để ý tới anh. Ta không có nghĩa vụ cứu một thú rừng hay thế giới, hà tất đứng đây nuốt khói ư? Ta quyết định quay lại ăn ở hàng ăn.
Ta hỏi cô phục vụ là có ngủ lại đây được không. Cô ném cho ta một cái nhìn đầy hằn học, tựa như ta đã hỏi là cô có tiếp khách không.
- Ông không thấy à? Đây là hàng ăn.
Ta đã tự thề là không leo lên chiếc xe khách kia nữa, nhưng trước mặt còn lại cho ta một trăm cây số để thanh toán mà đi chân thì ít ra ta sẽ phải mất quãng hai ngày.
Khi ta trở lại bên đường, người ở sở thú không còn ở đấy nữa; không biết anh ta có xin đi nhờ xe được không.
Mặt trời sắp lặn. Dưới tấm che, nơi người ta uống trà, chiếc ghế băng đã được dọn dẹp. Bên dưới vệ đường nổi lên tiếng trống khua. Ta thầm hỏi là chuyện gì. Nhìn từ trên cao, ngôi làng chỉ là một dẫy kế tiếp những mái ngói và giữa các ngôi nhà là những sân lát đá. Xa hơn nữa, những tràn ruộng bậc thang, lúa sớm ở đó đã được thu hoạch. Một số thửa ruộng đã được cày, bùn đen lật ngửa.
Ta xuống dốc theo hướng tiếng trống khua. Một người nông dân từ dưới ruộng leo lên, quần xắn, bắp chân đen nhẻm bùn. Xa nữa, một đứa trẻ dắt trâu tới cái ao ở rìa làng. Trước cảnh khói bốc lên từ các mái nhà, một cảm giác yên bình xâm chiếm lòng người.
Ta dừng lại nghe tiếng trống. Không còn tay lái xe, không còn những kiểm soát viên đeo băng đỏ, không còn cái xe khách gây bực dọc, không còn điện hỏa tốc yêu cầu nhận dạng một con thú lạ, mọi vật bỗng quay trở về lại với tự nhiên. Ta nhớ đến những năm sống ở nông thôn, buộc phải tham gia lao động cải tạo. Nếu tình thế không tiến hóa, phải chăng ta cũng lại như họ thế kia, vẫn đang còn trồng trọt đất cát đấy ư? Cũng hết giờ làm việc, bắp chân đầy bùn, mệt đến chẳng thiết gì tắm rửa, nhưng thế thì ta lại không biết đến nỗi bồn chồn này. Cũng không phải tại sao phải vội vã đi đến dưới này. Chẳng có cái gì tự nhiên hơn khói bếp trong ánh hoàng hôn kia, những mái ngói kia, những hồi trống khua lúc xa lúc gần kia.
Những tiếng trống lặp đi lặp lại hình như tụng niệm râm ran một truyền thuyết không lời. Và chỉ còn lại duy nhất các mái nhà đang tối dần đi theo cùng với mầu của nước và ánh sáng của vòm trời biến hóa, các tấm đan xam xám phân biệt ra lờ mờ ở giữa các sân nhà, mặt bùn còn giữ hơi nóng ấm cảu nắng, hơi thở phả ra từ mõm trâu, những âm thanh cất lên từ các căn nhà như những lời cãi cọ, và cả gió chiều, lá cây rung rinh ở trên đầu ta nữa, mùi rơm rạ và mùi chuồng bò, tiếng lóc óc của nước bị người ta khuấy đảo, tiếng cánh cửa kẽo kẹt, có lẽ thế, hay tiếng nghiến rít của dây tời kéo nước ở một cái giếng, và tiếng một cặp chim cu gù đâu đó trong tổ, tiếng gọi lanh lảnh của đàn bà và trẻ con, mùi lá ngải và tiếng vo ve của côn trùng bay, lớp bùn dưới chân khô ở mặt ngoài nhũn ở bên trong, lòng ham muốn và nỗi khát khao hạnh phúc âm ỉ, cơn chấn động mà tiếng trống đang gọi dậy, cũng lại cả thèm đi chân đất, ngồi ở ngưỡng cửa bị người đi qua đi lại nhiều lần làm cho láng bóng, các cái đó trơn nhẵn, mềm mại diễn ra.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn