Số lần đọc/download: 11814 / 469
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:12 +0700
Chương 27: Ký Ức (5)
Tiếng gõ mạnh vào cánh cửa khiến ông giật mình. Hai cây kim trên mặt đồng hồ treo tường đã chập lại trên con số mười hai:
― Đã đến giờ cơm trưa „
Ông nghĩ, và lên tiếng:
- Tôi đang nhức đầu. Các chú cứ để cơm ngoài bàn rồi về đại đội.
- Dạ...
Có tiếng đáp khẽ khàng. Sau đó, tiếng cánh cửa sập lại. Chủ tịch tiếp tục nằm nhưng cảm thấy bồn chồn. Mươi phút sau, ông vùng đứng lên, lau mặt và bước ra ngoài. Mấy chiếc phích điện ủ cơm và thức ăn để trên bàn, nhưng nhóm cấp dưỡng lẫn bác sĩ vẫn đứng ngoài hành lang. Họ chưa dám xuống núi mà tụ tập phía sau đội lính gác, ngắm cảnh chùa. Bên kia sân, tiếng mõ, tiếng chuông bát lẫn tiếng đọc kinh vẫn vang lên không mệt mỏi.
Chủ tịch bước ra ngoài:
- Sao các chú không quay xuống núi? Lát nữa cận vệ sắp cơm cho tôi cũng được...
- Thưa chủ tịch, chúng con phải hoàn tất nhiệm vụ của mình.
- Thôi được, nếu thế vào sắp cơm cho tôi rồi dọn đi cho tiện. Hôm nay, quả tình tôi không thấy đói.
- Thưa người, hôm nay nhà bếp nấu món cà bung và hoa bí xào mà người vẫn thích. Chủ tịch cố gắng ăn cho hết phần cơm.
- Được rồi...Tôi sẽ cố.
Ông đáp, đoạn đứng nhìn người lính sắp bày thức ăn trên chiếc khay lớn hình chữ nhật. Khi đã xong xuôi, anh ta chúc ông ăn ngon miệng và lui ra. Ngồi xuống trước khay thức ăn, ông nhớ lại lời chủ tịch Mãn:
― Ngươi quên rằng người phương đông cầm đũa và phân biệt ngôi thứ vui tôi một cách rạch ròi.
Cầm đôi đũa mun lên, ông ngắm nghía như lần đầu nhìn thấy chúng:
― Có nghĩa gì, sự khác nhau giữa những con người cầm đũa, cầm nĩa và ăn bốc? Có nghĩa gì sự phân biệt giữa các thói quen?
Ý nghĩa ấy lướt qua ông hờ hững, vô cảm như một gương mặt xa lạ và tẻ nhạt. Ông bắt đầu gảy những sợi rau tía tô rắc trên bát cà bung.
Trước kia, ông đặc biệt thích ăn món này. Hồi dạy học ở Phan Thiết, ông có một người hàng xóm lấy vợ Bắc kì, chính người đàn bà này đã cho ông nếm món cà bung. Đấy là người nội trợ theo đúng nghĩa, sống với khát vọng duy nhất là chăm sóc chồng con và vun vén ngôi nhà của mình. Ông chồng là thương gia sành sỏi trên đường sắt Bắc-Nam, quanh năm ăn cao lâu, tiệm khách với bạn buôn cũng như chủ đại lý nhưng vẫn một niềm thán phục tài nấu nướng của vợ. Chính chị ta vạch cho ông cái chân lý cay đắng này:
― Muốn nói rồng nói phượng thì cứ việc nói, nhưng đã nghèo mạt rệp thì làm sao có được món ăn ngon?
Rồi, chị lại cất cao giọng:
― Nhưng giàu cũng chưa hẳn đã biết đường ăn uống. Vàng bạc đầy rương cũng có khi ăn thùng uống vại, hoặc phí phạm đồng tiền mà chỉ chuốc về những thứ tạp nham.
Những lời lẽ thẳng thắn ấy vô tình làm ông tủi hổ khi nghĩ rằng thứ cà lẫn nhút mà dân quê ông lấy làm hãnh diện chẳng qua chỉ là cảm thức tự ti nguỵ trang của cảnh đói nghèo. Vợ người thương gia cũng mở mắt cho ông thấy khẩu vị con người là khác nhau do tập tục và văn hoá. Chị ta dạy ông cách nhận biết một món ăn ngon. Một con cá xẻ đôi đưa cho hai người đầu bếp khác nhau, chế biến khác nhau, gia vị khác nhau có thể đưa tới hai hiệu quả khác biệt. Kỉ niệm về món cà bung là một trong những kỉ niệm vĩnh định thời trai tráng, gắn liền với mảnh đất Phan thiết, với những sườn đồi rậm rì cây cỏ và những tháp Chàm cô liêu trên cồn cát đỏ rực ánh dương.
Một chiều, hết giờ dạy ông trở về nhà cùng lượt với vị thương gia khả kính. Chưa kịp tới xóm trời bất thần đổ mưa. Cả hai buộc phải tạt vào hành lang một ngôi nhà nguyện. Họ vốn là những người láng giềng nhưng chưa bao giờ cùng ngồi một nơi, cùng nói một chuyện. Quan hệ chỉ khuôn định trong những lời chào hỏi lịch sự bên ngoài hàng rào. Cơn mưa ấy chính là cơ hội để họ trò chuyện với nhau. Vị thương gia kia tỏ ý quyến luyến. Khi mưa tạnh, trời đã xẩm tối, ông ta cất tiếng:
- Có thể là tôi quá sỗ sàng, nhưng nếu được xin mời anh sang dùng cơm tối....Một thân trai loay hoay nấu nướng xem ra bất tiện.
- Cảm ơn ông.Tôi vốn đã quen cuộc sống độc thân.
- Ồ không!
Ông ta nằn nì:
- Tôi cũng đã từng sống như anh trước khi lấy vợ. Nhưng chúng ta là láng giềng. Anh một nghề, tôi một nghề, không có gì liên luỵ đến nhau, anh không tranh mối hàng của tôi, tôi cũng không nhằm cướp việc của anh. Nếu chúng ta trở thành thân tình thì hay lắm.
Ông cười thầm vì chưa từng thấy ai đi buôn mà nói năng một cách "thẳng như gậy tre" theo kiểu đó. Nhưng cũng chính vì thế mà ông có cảm tình với người láng giềng và nhận lời. Trở về nhà, ông cất dọn đồ đạc, thay quần áo rồi sang bên nhà vị thương gia. Ông ta đã đứng chực ở cổng, người ở gái đang cho đứa con nhỏ nhất của ông ta ăn cơm trong sân. Chủ nhân mời ông vào nhà và họ ngồi vào bàn tức khắc:
- Đây chỉ là bữa cơm thường. Vì tin rằng ông dễ tính nên chúng tôi mới dám mạo muội mời ông sang. Có gì sơ xuất, xin ông thứ lỗi.
Ông láng giềng nói. Đoạn gọi vợ ra:
- Mợ nó không cần phải lo lắng quá. Hôm nay là bữa cơm nhạt kết giao. Vài bữa nữa ta sẽ làm tiệc thết khách cũng chưa muộn.
Ông lặng thinh nhưng nghĩ thầm:
― Cơm nhạt mà như thế này cũng đã hơn hẳn mâm cỗ ngày tết quê ta.
Chiếc bàn mặt đá của vị thương gia hình rất rộng, nhưng chỉ có ba thực khách. Trên chiếc ghế trống còn lại, chủ nhân đặt một bình hoa xum xuê cắm cúc đại đoá trắng kèm cây lưu ly. Bình hoa vĩ đại đó cao non một thước và có vẻ trang trọng hơn là sự hiện diện của một quan khách. Nó khiến cho gian phòng sang trọng và đem lại cảm giác thoải mái cho mọi người. Trên mặt bàn, bà chủ đặt liễn cơm sứ trắng ủ trong dành vào một góc, góc đối diện là bình rượu thập toàn đại bổ của đức lang quân. Những món ăn bày chính giữa bàn. Vừa nhìn chúng ngay tức khắc nước bọt ông trào ra liên tục. Ông xấu hổ nuốt nước bọt một cách thầm lén nhưng không có cách nào cưỡng chế thứ dịch vị phản thùng này. Nó không ngừng tuôn tràn, bởi hương vị và màu sắc những món ăn không ngừng kích thích. Thoạt tiên, là một con gà giò hầm quỳ trong thẫu, thứ gà ri nhỏ nhưng da mỏng tang, vàng ươm mỡ và bốc mùi thơm của nấm hương tươi. Nấm hương, để nguyên cái, xếp xung quanh con gà như những cánh hoa cúc, tầng tầng lớp lớp chen chúc nhau. Rồi tiếp đấy là món cá cam, đặt trong chiếc đĩa mênh mông, sâu lòng. Cá để nguyên con, nhìn vào chúng như thấy cả biển khơi lẫn các vàng lưới vì cá tươi nguyên, mắt còn đen nhánh, da óng ánh sắc cam. Lũ cá như đang bơi giữa nước sốt trong suốt, lấm tấm điểm ớt đỏ lẫn rau mùi thái vụn. Ông chưa thấy ai làm được món cá cam như vậy, bởi khi ăn, hương vị cam thấm vào khứu giác lẫn vị giác. Vừa nhận thấy chất thịt ngọt lừ của loài cá biển, vừa nhận thấy vị vỏ cam và nước vắt của trái cam. Mọi thứ mùi vị đều rõ rệt, rạch ròi, nhưng hoà quyện vào nhau mà ớt đỏ với rau mùi là những chất gia cố khiến các hương vị kia thêm nổi trội. Ông nhớ rằng tối hôm đó, tuy đã hết sức cố gắng tự kìm giữ, nhưng ông đã ăn món cá cam nhanh như húp cháo. Tuy trong lòng có đôi phần hổ thẹn nhưng sau rốt ông đã tự an ủi mình:
― Nữ thực như miu, nam thực như hổ. Ta đang tuổi tráng niên.
Món thứ hai ông cũng ăn một cách vội vàng hào hển là món cà bung tỏi. Ở quê ông, người ta chỉ quen ăn cà muối xổi hoặc muối chườm. Cà muối xổi thay rau bởi vùng đất ấy rau rất hiếm. Nếu không muối xổi thì họ sẽ luộc dở sống dở chín để chấm nước mắm ớt xanh hay mắm ruốc, thứ nước chấm mặn se lưỡi và cay trào nước mắt. Cà muối chườm là thứ gia bảo của tất cả những loại dân cầy nghèo khổ, không chỉ ở miền Trung mà còn ở cả xứ Bắc. Có câu ca dao riễu cợt đám phú ông tiện tằn bóc lột những chàng rể tương lai:
― Năm năm làm rể chưa qua
Mẹ em đã tốn hết ba vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo anh chết khát vì cà nhà em
Bữa cơm hôm đó dạy ông rằng người ta có thể chế biến thứ rau này một cách hoàn toàn khác, không còn một chút vị hắc đậm của những món cà nơi quê ông. Món cà bung hôm ấy là thứ hỗn hợp tuyệt vời gồm những miếng đậu mềm nõn rán vàng, thịt rọi rán cháy cạnh rồi thái khẩu, cà chua bột chín đỏ như son cho nước sốt sóng sánh nổi đầy sao mỡ, còn cà chắc chắn đã được ngâm kĩ theo công thức nào đó khiến cho những miếng cà trở nên trắng và thấm đầy mùi vị của các loại rau thơm khác nhau: tía tô, lá lốt, hành tăm. Thêm vào đấy, ê hề tỏi, cả tỏi chiên lẫn tỏi sống. Tỏi chiên chắc chắn để xào cà từ khởi thuỷ, còn tỏi sống dành nêm vào phút chót trước khi múc món ăn đặt lên bàn.
Sau này, trên những con đường của số phận, ông đã từng dự nhiều đại tiệc với những món ăn của các dân tộc từ đông đến tây nhưng chưa ở đâu ông tìm thấy loại thức ăn đứng giữa món canh với món xào, chẳng thể liệt kê được vào loại nào nhưng cho hương vị ngon lành như món cà bung tỏi của người đàn bà ở tỉnh Phan thiết.
- Thưa chủ tịch, mời người dùng cơm kẻo nguội.
- A...
Ông giật mình. Nhóm lính làm bếp đứng ngoài cửa sổ vẫn theo rõi ông:
- Tôi ăn đây.
Ông đáp rồi gắp một đũa cà bung như cái máy. Ông ngửi thấy mùi tỏi, mùi lá lốt lẫn tía tô. Ông cũng ngửi thấy mùi đậu rán, mùi thịt cháy cạnh, mùi cà tím xào mỡ. Nhưng tất thảy những mùi vị ấy không còn giống như những mùi vị ông từng biết thuở xưa. Chúng chỉ còn là những cái bóng mờ nhạt của mùi vị. Nước bọt không tiết ra, và miếng ăn trở nên nhạt nhẽo. Hương vị thơm tho quyến rũ không còn nữa. Không còn nữa tuổi trai tráng. Không còn nữa những chân trời mời mọc. Không còn nữa niềm tin. Và như thế món cà bung cũng không còn tồn tại. Chỉ còn lại trước mặt ông, trong chiếc đĩa viền chỉ vàng sang trọng này bóng ma của nó. Bóng ma của bữa ăn tối Phan thiết năm xưa.
- Thưa chủ tịch, món cà con nấu có vừa hay nhạt ạ?
- Vừa, vừa lắm. Cả độ mỡ xào cũng vừa vặn, không nhiều không ít.
Ông vội vã đáp lời, vội vã nuốt, vội vã gắp tiếp gắp cà thứ hai, cố tình chọn mấy nhân tỏi trắng và rau thơm để người đầu bếp yên lòng. Thức ăn mắc trong họng nên ông phải dùng nước canh chiêu cho nó trôi xuống. Người đầu bếp vẫn theo rõi ông qua khuôn cửa sổ một cách chăm chú và thành kính. Ông cố gắng kết thúc bát cơm, chọc đũa sang đĩa thứ hai, lượm mấy nụ hoa bí đỏ xào nhấm nháp như để hoàn tất những thủ tục của một cuộc trình diễn rồi buông đũa:
- Các chú dọn đi cho tôi. Cơm hôm nay rất ngon nhưng tôi không được khoẻ. Có lẽ do nhức đầu. Nhiệm vụ của các chú đã hoàn thành xuất sắc. Chỉ có phần tôi là kém thôi. Nhưng tuổi già là thứ không ai tránh khỏi.
- Thưa chủ tịch, người chưa dùng hết một phần ba xuất cơm.
- Khi nào đến tuổi tôi, các chú sẽ hiểu.
Ông nói, phác một cử chỉ vừa để trấn an nhóm cấp dưỡng, vừa để kết thúc câu chuyện. Bác sĩ biết ý, bước vào chuẩn bị thuốc uống cho ông. Anh ta mở va-ly đồ nghề ra đong đếm, thêm vài ba viên thứ này, bớt vài ba viên thứ kia. Sau rốt, anh ta nhìn nắm thuốc trong lòng tay một cách cẩn trọng trước khi rót nước cho ông chiêu. Xong xuôi, cả bọn rút lui để cần vụ mang cho ông khay trà. Đám lính tăng cường buổi sáng đã được xuống doanh trại ăn cơm, tốp khác vừa lên thay thế.
Bên kia chùa, tiếng đọc kinh vẫn vang lên không ngưng nghỉ. Họ không dừng lại ăn bữa trưa. Nghe nói trước đây, Phật và các đệ tử của ông chỉ ăn ngày một bữa, sau giờ ngọ:
― Tại sao họ có thể chịu đựng suốt đời một chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt như vậy mà vẫn mạnh khoẻ? Nếu ta không nhầm người sáng chế ra tôn giáo này thọ đến tám mươi. Nguồn năng lượng nào bồi bổ cho họ ngoài sức mạnh của niềm tin?
Ông tự hỏi nhưng tức khắc xoá đi câu hỏi đó vì biết nó nằm ngoài vùng tri thức của mình. Tiếng chuông bát ngân nga điểm nhịp cho những giọng đọc kinh khiến ông quay về với thực tại. Dàn hợp xướng kia là bản kinh cầu hồn cho một kẻ làm cha bị tấn công bởi chính đứa con mình. Nó được tấu lên một cách thực sự bởi những ăn năn hối lỗi của đứa con phản trắc hay chỉ là thứ trò diễn cho hợp với phong tục và thói quen? Và nếu người cha kia không chết đột ngột bởi tai nạn, nếu ông ta vẫn sống với đầy đủ sự cường tráng của thân xác cũng như sự minh mẫn của trí não, liệu đứa con có bày tỏ lòng sám hối hay không?
― Dường như câu trả lời sẽ là: "Không"
Ông nghĩ tiếp:
― Than ôi, câu trả lời đã sắp sẵn trong óc não, bởi thế sự đặt bày.
Rồi đột ngột, một nỗi tò mò ập đến:
― Liệu khi ta chết, lũ đồng chí phản nghịch kia có khóc không nhỉ?
Ông hình dung đám người ấy đứng trên khán đài của quảng trường Ba đình, ắt hẳn là mọi sự phải diễn ra như thế. Trên đầu họ nào cờ rủ, nào chân dung ông viền khăn tang đen, nào những khẩu hiệu thống thiết và hoành tráng, đại loại như:
― Đời đời thương tiếc chủ tịch, người cha già vĩ đại của non sông.
― Chủ tịch sẽ sống mãi trong lòng chúng ta.
Hoặc là:
― Đất nước còn, dân tộc còn, tư tưởng của chủ tịch còn là kim chỉ nam soi đường cho tất cả.
Có thể là tất thảy những mỹ từ hào nhoáng nhất sẽ được sử dụng để ca ngợi công đức của ông. Mỹ từ là thứ ít tốn kém nhất, chúng đề nghị rất nhiều nước bọt nhưng rất ít đức độ lẫn trí thông minh. Thêm vào các mỹ từ, hẳn họ sẽ sử dụng âm nhạc, vì âm nhạc xưa nay vẫn là thứ bùa mê hiệu nghiệm. Đã sẵn bản: "Hồn tử sĩ" Liệu họ sẽ tìm thêm những bản nhạc cổ kim nào để làm mùi mẫn đám quốc tang? Làn thảm chẳng? Hay Sa lệch chênh? Khúc Nam bình hay khúc Nam ai? Lý chiều chiều hay hát dặm xứ Nghệ? Ô, xứ sở của ta quá sẵn những khúc hát bi thương để tiễn biệt những kẻ chầu trời.
Bỗng nhiên ông thấy hiển hiện trước mắt ông tấn tuồng hài hước của thế sự, và hình dung đám người đứng trên khán đài trong tang lễ ông sẽ nhất loạt đưa khăn tay lên để lau những giọt nước mắt dù thật hay vờ:
― Chúng sẽ buộc phải làm như khóc và trong thâm tâm chúng vang lên tiếng nghiến răng trèo trẹo: Sao bây giờ mày mới chịu chết, lão khọm già kia? Bọn ta đã mất bao nhiêu công dàn dựng để tống tiến ngươi sang cõi khác mà cái mạng sống dai nhoách của ngươi vẫn kéo cho đến tận phút này. Quả là một cuộc chịu đựng quá sức.
Nhưng cũng có thể chúng sẽ khóc thật.
Những giọt nước có hoà muối sẽ tuôn ra một cách thật sự từ mắt chúng, bởi chúng khóc trước cho thân phận của mình. Bởi chúng biết rằng chắc chắn sẽ có ngày chúng xuống tuyền đài, nơi hội ngộ cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điểm hẹn chung cuộc mà chẳng kẻ nào có thể trốn thoát. Ở nơi đó, chúng sẽ phải đối mặt với ta.
Ý nghĩ ấy khiến ông ngao ngán lắc đầu. Nhưng ông vội vàng chiêu một ngụm nước trà vì sợ đám lính canh bên ngoài nhìn thấy. Họ sẽ cho rằng ông đã đánh mất tự chủ, trở thành con bệnh già. Thuở trước, nhiều lần ông gặp trên đường phố Paris những người già vừa đi vừa lẩm bẩm hoặc cười một mình, ông thầm nghĩ:
― Tội nghiệp thay cho tuổi già.
Giờ đây, sự thương hại đó có thể dành cho chính ông?
Một tiếng cười câm nín vang lên trong tâm tưởng:
― Giá như ta có thể cười một mình, lẩm bẩm một mình như họ?...Nhưng điều tệ hại là ngay thứ tự do ấy ta cũng chẳng có. Điều tệ hại hơn nữa là trí nhớ của ta không hành trình cùng với tháng năm, nó không chịu chìm đắm trong sương mù, nó không chịu nhạt phai cùng tuổi tác. Hình phạt lớn nhất đối với con người là cái thân xác già nua của họ lại chứa đựng một trí nhớ quá sắc bén.Trí nhớ buộc ta phải sống trong một địa ngục thường hằng. Trí nhớ là kẻ dựng nên một pháp đình miên viễn. Trí nhớ là kẻ đồng hành không thể lẩn tránh cũng chẳng dám khước từ. Nếu ta không còn trí nhớ, có thể cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?
Ông cúi xuống uống tiếp ngụm trà thứ hai, nhìn chất nước màu vàng ốc sóng sánh lưng chén, giống hệt màu món cà-ri đã ăn trước khi rời Quảng Châu. Nhà an dưỡng Quảng châu, cuộc nghỉ ngơi được bố trí lớp lang như một vở chèo hiện đại. Suốt thời gian ông ở đó, nhà bếp chỉ làm những món ăn Việt nam và Trung quốc. Nhưng bữa cuối cùng, bỗng nhiên người đầu bếp Tầu nổi hứng nấu một món ăn Ấn độ đãi ông khi ông ta biết ông sắp ra đi. Đó là sự bí ẩn của ngẫu nhiên. Bữa ăn rất ngon. Khi bước lên máy bay ông vẫn nhớ mùi vị đặc biệt của thứ bột ca-ri lẫn thứ dầu gia chế vào gạo. Chúng khiến cho màu sắc của món ăn thật đẹp. Một màu vàng nhuyễn mịn và óng ánh. Màu sắc ấy gợi sự ấm áp hoặc niềm vui.
Máy bay chở ông trở về Hà nội buổi tối hôm ấy là máy bay trực thăng quân sự. Họ nói với ông rằng cần phải dùng trực thăng, bay thật thấp để tránh lưới cao xạ phòng không. Chiến tranh thường tạo ra trò đùa của sự nhầm lẫn. Muốn bảo đảm tính mạng cho ông, người ta buộc dùng thứ máy bay cổ lỗ, xộc xệch như cỗ máy khâu Xanh-de được lưu giữ trong những gia đình thợ may từ thế kỉ mười chín nhằm tránh cho ông một cái chết không mong muốn bởi chính những người lính của mình. Ông mỉm cười:
- Sống chết của nhân gian, sổ thiên tào đã ghi sẵn. Tổ chức quyết định ra sao, tôi chấp thuận như vậy.
- Thưa chủ tịch...
Người phi công lộ vẻ áy náy, anh ta định nói điều gì đó nhưng lại thôi. Ông nhìn người lính, ngay tức khắc cảm thấy tin cậy:
- Tôi đã từng ngồi xe trâu kéo. Cưỡi máy bay của chú giờ đây cũng đã là sang. Chẳng cần băn khoăn nhiều.
- Thưa vâng.
Anh ta đáp rồi ngồi vào ghế lái.
Bốn người cần vụ tháp tùng ông ngồi bốn góc theo quy định. Cuộc bay bắt đầu. Khi máy bay vừa lên đủ độ cao cần thiết trên vùng trời Quảng châu, nó đã lúc lắc chồm nẩy như cỗ xe trâu lăn trên đường núi sụt lở. Không khí chao động xung quanh tựa hồ muôn đợt sóng liên tục bổ xuống, nhào trộn với những đám mây. Đêm đen như mực. Ông không thấy gì ngoài một không gian đen mù mịt, không trăng không sao. Cứ như thế họ lặng lẽ bay qua vùng tiếp cận. Nhưng bắt đầu từ lúc máy bay vượt qua biên giới, những làn đạn phòng không túa lên, cày chi chít những rạch lửa đỏ. Mỗi lúc, những đường lửa đạn mỗi thêm chằng chịt. Ông biết rằng họ đã lọt vào vùng trời khống chế bởi cao xạ pháo miền đông bắc, kéo dài từ Lao cai cho đến Quảng Ninh. Người phi công đưa máy bay luồn dưới đám lửa đỏ. Vẻ mặt căng thẳng khiến đôi mắt anh ta như lồi hẳn lên. Mồ hôi anh ta chảy thành dòng lũ lượt sau gáy, thấm ướt đẫm cổ áo quân phục. Mồ hôi cũng nhỏ xuống từ đôi bàn tay. Ông vẫn nhớ hình ảnh đôi bàn tay đó, chúng to dày vững chãi, với đám lông trên mu và trên đốt cuối cùng của các ngón. Ông nhớ rằng ông đã nhìn vào đôi bàn tay ấy, gần như không rời mắt. Những người lính cũng vậy. Họ cũng không thể làm gì hơn là thở một cách hồi hộp và dán mắt vào đôi tay cầm lái của phi công. Sinh mạng cả sáu người phụ thuộc hoàn toàn vào chúng. Đấy là chuyến bay dài nhất trong đời ông. Mỗi phút trôi qua, là một phút hồi hộp lắng nghe tiếng động cơ già nua xọc xạch trong cuộc vận hành khốn khổ và khắc khoải chờ xem điều gì có thể xảy đến ngay phút sau. Mỗi phút trôi qua, người ta biết rằng mạng sống của mình còn thêm một phút và phập phồng vì không hiểu nó còn tiếp tục đứng vững hay không. Ông đã già, cuộc đời đối với ông chẳng bao lăm ý nghĩa. Nhưng người phi công và bốn cậu lính trẻ măng, trong số ấy có những đứa râu chưa kịp mọc. Họ không dám nói gì nhưng ông biết cơn sợ hãi kiến tất cả dường như hoá đá.
Sau cùng, người phi công thở một hơi dài và chỉ cho ông thấy cầu Long biên. Ông nghiêng đầu nhìn qua ô kính, thấy cây cầu quen thuộc hiện ra trong vùng sáng mờ nhạt của thành phố thời chiến tranh. Không ngoảnh lại phía sau, người phi công lên tiếng:
- Báo cáo chủ tịch, vài phút nữa chúng ta sẽ hạ cánh.
Lưỡng lự đôi chút, anh ta nói thêm:
- Nếu không có gì đặc biệt.
Ông đáp:
- Có hay không có sự cố đặc biệt cũng chỉ một người giải quyết được. Trên chiếc máy bay này chú là người cầm lái chứ không phải tôi.
- Vâng.
Người lính đáp, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước. Ông nhìn rõ những đường gân phập phồng một bên cổ anh ta, trong gờ sáng rọi lại từ phía trước. Cũng lúc ấy, máy bay bắt đầu lượn vòng tròn. Những người lính ngồi quanh ông vừa thở phào một hơi giờ lại bắt đầu sợ hãi. Cơn khắc khoải của họ nhiễm đầy không gian chứa trong khoang máy bay hẹp. Họ dán mắt vào đốm lửa phản chiếu trên đôi mắt người cầm lái. Và hơi thở của họ phả từng làn hơi nóng sực quanh ông.
Máy bay lượn tiếp vòng thứ hai, rồi vòng thứ ba.
Im lặng đè nặng lên không gian. Nhưng thật lạ lùng là cùng lúc đó, một sự thanh thản bất chợt đến với ông kèm theo nụ cười dí dỏm:
― Sau cùng, mọi cuộc chơi đều đi đến kết thúc. Ít nhất, người ta cũng thấy được màn chót của tấn tuồng. Phải chăng đó cũng là điều hữu ích?
Người phi công đột ngột quay lại nhìn thẳng vào ông, sau khi đã đưa máy bay lượn ba vòng liền trên bầu trời thành phố:
- Thưa chủ tịch, đèn ba-li đặt sai vị trí.
- Chú chắc chắn là như vậy?
- Thưa chủ tịch, trăm phần trăm.
- Điều đó có nghĩa gì?
- Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta hạ cánh theo ánh sáng của đèn ba-li đặt sẵn, máy bay sẽ rơi chính giữa hồ Định Công.
Ông lặng im, gần như nghe rõ nhịp đập rối loạn trong lồng ngực bốn người cần vụ trẻ. Ngừng lại vài giây, ông cất tiếng hỏi:
- Chú vào nghề đã lâu?
- Thưa chủ tịch, chưa hẳn là lâu nhất nhưng mọi sân bay trên đất nước con đều thuộc như lòng bàn tay.
Anh ta đáp với vẻ quả quyết của một người có bản tính thận trọng và ý thức trách nhiệm. Ông hài lòng vì ngay lúc đầu đã đặt niềm tin vào con người này, một người lính trong trăm vạn người lính mà ông mới gặp lần đầu. Ông mỉm cười, đáp:
- Thời xưa những người thợ dệt giỏi dệt gấm trong bóng tối. Họ chỉ cần nghe tiếng thoi đưa và tiếng đập nhịp của guồng sợi mà biết mọi điều xảy ra. Triều đình tuyển chọn thợ dệt đặc biệt tinh xảo cho hoàng cung cũng nhờ phương pháp này. Thứ đó người ta gọi là thủ thuật thử thách bản lĩnh nghề nhiệp. Tôi thấy chú là người lái giỏi. Vậy chú cứ hành xử theo bản lĩnh nghề nghiệp của chú.
- Thưa vâng.
Người phi công đáp. Anh ta hoàn tất nốt vòng lượn thứ tư rồi bắt đầu cho máy bay hạ xuống chính tâm một khoảng không đen kịt. Đôi mắt anh ta phản chiếu lửa đèn, hắt lên những đốm sáng li ti. Cặp hàm vuông, gần như bạnh thêm ra trong sự tập trung cao độ. Đột nhiên, bàn tay người cần vụ ngồi bên trái ông túm lấy cánh tay ông, xiết chặt lại trong một cử chỉ vô thức nửa như muốn tìm nơi ông sự trợ giúp lại nửa như muốn che chắn bảo vệ ông trước hiểm nguy. Những ngón tay cậu ta rắn như đinh khiến ông đau điếng nhưng ông nín thinh chịu đựng. Rồi cuộc hạ cánh hoàn tất. Họ nghe rõ tiếng càng máy bay chạm đất, cảm nhận sự va đập cuối cùng. Tất cả xảy ra trong đêm đen.
Người phi công quay lại hỏi:
- Thưa chủ tịch, chúng ta cứ để đèn hay tắt đèn?
- Cứ để đèn cho sáng.
Ông đáp.
Liền lúc ấy, giống như phép thuật của quỷ hoặc thần, cả một toà nhà sáng trưng hiện lên trước mắt họ. Toà nhà trung tâm khu sân bay quân sự. Tất cả các khung cửa kính đều sáng loá nhưng không thấy bóng ai. Do linh giác xui khiến, ông quay đầu nhìn về hướng dãy đèn ba-li của sân bay, bắt gặp ánh mắt người phi công cùng lúc. Dãy đèn ấy đặt dọc hồ. Một máng sắt sơn đen dài ngăn ánh sáng tiếp cận với mặt nước. Thời khắc mà họ nhìn rõ cảnh tượng đó cũng chính là thời khắc cả dãy đèn phụt tắt như những ngọn lửa ma trơi. Đồng thời, khuôn cửa lớn của toà nhà trung tâm sân bay mở rộng. Từ trong đại sảnh bước ra một nhóm người. Tất cả có tám nhân mạng. Ba Danh, Sáu, bốn cận vệ và hai người nữa, chắc chắn là cán bộ lãnh đạo phi trường:
― Họ sẽ chết nay mai, những kẻ xấu số này. Bốn cận vệ sẽ bị tiêu diệt tức khắc. Còn hai sĩ quan của trường bay? Cuộc sống của họ sẽ kéo dài một ngày hay hai ngày, ba ngày hoặc đủ một tuần lễ?„
Ông thầm nghĩ và bất giác rùng mình. Lúc ấy, đèn trên sân cỏ cũng theo nhau bật sáng. Người phi công hỏi:
- Thưa chủ tịch, con có thể tắt động cơ được chưa?
- Được. Đã tới lúc làm điều đó.
- Vâng.
Anh ta đáp và thi hành mệnh lệnh.
Thang máy bay được chuẩn bị do chính các sĩ quan phi trường. Ông bước xuống, lần lượt bắt tay hai người đàn em thân thiết:
- Chúc mừng anh Cả trở về.
- Xin chào chủ tịch, phong cảnh lẫn con người đất Quảng châu hữu nghị có làm người hài lòng chăng?
Ông cười:
- Ồ, tôi rất hài lòng, tôi vô cùng hài lòng. Xin cảm ơn các chú.
Và cuộc sống lại tiếp diễn bình thường.
Nhiều ngày sau đó, tâm trí ông quẩn quanh bởi hình ảnh người phi công lái trực thăng. Chắc chắn anh ta đã bỏ mạng cùng với bốn cậu cận vệ trẻ măng kia. Không bao giờ ông gặp lại bốn chàng trai ấy nữa. Đội cận vệ của ông thường xuyên thay đổi nhân sự, nhanh hơn gió thay mùa. Còn người phi công tài năng kia? Anh ta là ân nhân cứu mạng đối với ông. Một trong số những gương mặt ám ảnh ông gần như thường trực. Gương mặt ấy là tấm gương phản chiếu một sự thật chua chát: Ông là kẻ vô năng đối với tất cả những người đã gia ơn cho mình.
― Ta là kẻ vô năng nhất trong tất cả những kẻ vô năng. Ta là kẻ chịu ơn bội bạc nhất trong những kẻ bội bạc. Đó là một sự thật mà thế gian không tin nổi. Đó cũng là nỗi nhục nhã mà ta chẳng dám thú nhận với ai.
Vũ khoác áo, bước ra hành lang.
Ở đó, ông ngồi trên chiếc ghế gỗ dài, lắng nghe một cách ơ hờ những tiếng động vẳng lại. Khoảng năm giờ sáng, người bệnh nằm đối diện với ông tắt thở, sau một tuần sống cuộc sống nhân tạo. Ông ta tắt thở ngay khi máy hô hấp vẫn vận hành. Bác sĩ trực phòng gọi nhân viên dưới nhà xác cùng với cán bộ quản lý nhân sự lên làm thủ tục để chuyển tử thi đi. Những người bệnh khác ngọ nguậy cổ như những con sâu để quan sát mọi sự. Cặp mắt họ lơ láo, thất thần. Nỗi kinh hoàng khiến những gương mặt vốn đã bợt bạt trở nên vô khí sắc. Một người kéo chăn che kín đầu và lát sau tấm vải lót chăn thấm ướt. Ông ta khóc vụng bên trong. Bầu không khí đó làm Vũ ngột thở nên ông khoác áo, lẳng lặng đi ra.
Hành lang vắng ngắt, chỉ những ngọn đèn dọc tường hắt xuống dãy ghế sơn xanh. Sự vắng vẻ lẫn yên tĩnh tạm thời làm nhẹ lòng người. Tựa lưng vào ghế, Vũ đưa mắt nhìn bức tường đối diện và cứ ngồi như thế hồi lâu, không nghĩ ngợi gì. Lát sau, khuôn cửa rộng trổ ra khu vườn chính của bệnh viện dội lại tiếng chim. Vậy là bình minh đã tới. Chim chóc bắt đầu cuộc sống thường hằng của loài chim. Sau khúc dạo đầu của vài ba con chim cần mẫn nhất là bản hoà tấu của tất thảy các giống chim hội tụ trên vòm cổ thụ. Bản hoà tấu bất tận của đất và trời.
« Duyên cớ gì khiến ta chú tâm đến tiếng chim hót ban mai? »
Vũ tự hỏi, bởi những năm ở rừng Việt bắc, tiếng chim hót chẳng khiến ông quan tâm đến thế, dù nơi đó chim chóc là một phần cuộc sống chiến khu. Không tìm thấy câu trả lời nên ông nhắm mắt lại, tiếp tục nghe tiếng ríu ran, tiếng líu lo, tiếng thánh thót, tiếng sửng sốt thất thần, tiếng trầm tĩnh rời rạc hay tiếng hối hả tươi vui mà bất khả phân biệt tên gọi của các loài. Ông không thể phân biệt đâu là tiếng hoạ mi, tiếng sơn ca, tiếng vàng anh, tiếng chích choè, tiếng sáo sậu, tiếng sẻ di hay sẻ đồng. Không, ông sẽ hoàn toàn tuyệt vọng nếu muốn trở thành người nuôi chim hay dạy chim chuyên nghiệp. Nhưng ông say mê hoà điệu của tất thảy các giọng hót, bởi chúng đem cho ông niềm vui sống lạ lùng mà mọi thứ giải trí khác đều bất khả.
Đúng lúc ấy, chiếc xe lăn chở tử thi trùm kín vải trắng từ từ tiến đến. Người đẩy xe là nhân viên nhà xác, một người đàn ông to lớn, gương mặt sưng vù như mắc chứng phù thũng bởi tiếp xúc quá nhiều với các thây ma. Đôi mắt anh ta đờ đẫn, nửa như đang nhìn, nửa như đã bất động. Da mặt anh ta cũng vậy, nó có màu vàng ệnh của xác chết. Theo sau anh ta là vài nhân viên hành chính và y tá. Cô bác sĩ trực đứng lại một mình cuối hành lang, nhoài qua khuôn cửa nhìn xuống vườn cây. Hoặc cô ta tìm hơi lạnh của sương mai, hoặc cũng như ông, nghe chim hót. Giờ, Vũ đã hiểu, cơn cớ nào dẫn đến sự chú tâm quá mức của ông tới tiếng chim lúc rạng đông. Lần đầu tiên chính là buổi sáng nghe tin Xuân bị giết. Dưới bóng các vòm lá sấu và mít, ông bất thần đứng như tượng để nghe chim hót, mặc dù người lái xe đã nổ máy dưới lòng đường. Chỉ là một khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc định mệnh. Những con vật nhỏ bé kia không biết rằng chính chúng đã đem cho ông sức mạnh; chính chúng là chiếc phao cứu nạn vào giây phút ông cảm thấy sắp chìm.
Giờ này là lần thứ hai.
Lần này là cái chết của một kẻ xa lạ, nhưng nó đến vào chính lúc ông đang bị uy hiếp. Bởi ông đang ở trong cơn chấn động cả tâm thần lẫn thể xác. Bởi môi trường gợi nên cảnh chìm tầu trong khi ông đang là con thuyền bị sóng đánh tròng trành. Ông buộc phải truy tìm cứu cánh. Nhưng lần này, ông ý thức rõ ràng một sự tìm đến chứ không phải là sự bắt gặp ngẫu nhiên.
« Ta tìm đến khúc nhạc này như kẻ chết đuối nắm lấy mảnh bè mà thần hộ mạng ném xuống. Tiếng chim hót, vẻ đẹp bất tử của thiên nhiên. Phải chăng ngươi là kẻ đồng hành không bao giờ phản trắc, là nơi tựa đỡ không bao giờ sụt lở đối với con người? »
Cô bác sĩ trực tiến lại phía ông, sau khi đã nhoài người khỏi khuôn cửa sổ khá lâu để hít thở. Đêm lao động căng thẳng còn lưu lại những nếp nhăn trên trán. Lần đầu ông chú ý đến cô ta: một nhan sắc bình thường, dấu vết của cuộc sống thôn dã còn in khá đậm. Cô ta có dáng đi tất bật, thân lao về phía trước, hai đuôi tóc tết sam đánh lúc lắc theo bước chân. Đến trước mặt ông, người đàn bà dừng lại, tươi cười cất tiếng:
- Chào bác, công việc của chúng tôi khiến bác mất ngủ?
- Tôi còn rất nhiều thời gian để ngủ bù. Bác sĩ không cần lo.
- Hôm nay cơ quan và gia đình có vào thăm bác hay không?...
- Có chứ. Như thường lệ. Cảm ơn bác sĩ.
Cô ta mỉm cười, nhưng sau đó giơ tay che miệng ngáp rồi đi.
Người đàn bà này vừa được chuyển từ một quân y viện sang nên chưa đủ thời gian nắm vững hoàn cảnh các con bệnh. Cô ta không biết rằng ngay lúc ông nhập viện, bác sĩ trưởng khoa đã yêu cầu vợ ông không được vào thăm ông như thân quyến những người bệnh bình thường khác. Bởi cuộc đối thoại với bà chính là nguyên nhân gây nên cơn chấn động tâm thần dữ dội, kèm theo sự tăng huyết áp và co giãn vành mạch đột ngột, vượt qua mọi lô-gíc bình thường của bệnh học, dẫn đến cơn ngất xỉu của ông. Người ta buộc phải coi bà như tác nhân gây bệnh. Do đó, cuộc tiếp xúc giữa họ cũng phải chờ chỉ định của thầy thuốc. Vũ cảm thấy dễ chịu. Ông tự do. Thời gian đầu, dường như ông không còn mảy may lưu luyến đến gia đình. Ngay tên bà ông cũng quên. Hình ảnh của bà mất tăm tích. Nhan sắc mặn mà thuở xưa trở thành vô hình vô dạng trong lỗ hổng đen ngòm của trí nhớ. Có lẽ cơ thể ông phải sản sinh ra những phản ứng tích cực để tự bảo toàn.
Nhưng hôm nay, khi chiếc xe tang đưa kẻ xấu số khuất rồi, chợt một nỗi âu lo ập tới:
― Nếu ta ra đi đột ngột, liệu Vân và những đứa trẻ sẽ ra sao?
Ý nghĩ ấy vừa tới, ông đã tự cười mình:
― Ta lại nhớ đến cô ấy. Đó phải chăng còn là tình yêu hay chỉ đơn giản là tinh thần trách nhiệm? Hoặc chính xác hơn là một sự lạc hướng tâm lý: ta nhớ cô ấy như nô lệ nhớ chủ nô, như kẻ mắc chứng khổ dâm nhớ kẻ bạo dâm, như kẻ bị hành quyết nhớ đến gương mặt tên đao phủ. Một sự tưởng nhớ bệnh hoạn. Nó chứng thực con người vốn dĩ là con vật bị điều khiển bởi thói quen.